07 tháng 6 2024

Câu Chuyện Về Cách Người Mẹ Dạy Con!



Có một thằng nhóc ngỗ nghịch thường bị Mẹ khiển trách. Mỗi lần như vậy nó rất ấm ức và tủi thân. Một ngày nọ, nó làm sai và bị Mẹ la . Nhóc giận Mẹ rất nhiều nên đã chạy tới một khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, nó hét lớn "Tôi ghét Người!".
Từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét Người!"....
Thằng nhỏ sợ quá, vội chạy về sà vào lòng Mẹ và khóc nức nở. Nó không hiểu sao lại có người ghét nó ?
Người Mẹ nắm tay con trở lại khu rừng.
Bà nói: "Giờ thì con hãy hét thiệt lớn "Tôi yêu Người". Thằng bé làm theo và thiệt lạ lùng có tiếng vọng lại: "Tôi yêu Người" !
Lúc đó người Mẹ mới giải thích cho con:
"Đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho đi điều gì, con sẽ nhận lại điều đó :
Nếu con thù ghét người nào đó thì người đó cũng sẽ thù ghét con ?
Nếu con yêu thương người thì người cũng sẽ yêu thương con". !!!

Sưu Tầm


Pappy là chủ một cửa tiệm bán đồ cổ. Ðã từ lâu, ông giữ kín một nỗi buồn riêng. Một hôm, trong lúc đang lau chùi cái đèn lồng để chuẩn bị giao cho khách hàng, bỗng ông nghe tiếng nhạc của cái chuông treo ở cửa tiệm. Ông thích điệu nhạc của nó và muốn chia sẻ với khách hàng nên đã treo nó lên.
Ban đầu ông không nhìn thấy ai, mãi một lúc sau mới có một mái tóc gợn sóng mềm mại nhô lên ở trước quầy hàng. Ðó là một cô bé xinh xắn dễ thương hãy còn nhỏ xíu.
– Ông giúp được gì cháu đây, hở cháu bé? Ông Pappy cảm thấy lòng vui hẳn lên.
– Thưa ông, cô bé ngước cặp mắt màu nâu lên nhìn ông. “Cháu muốn mua một món quà cho ông cháu.”
Ông Pappy gợi ý:
– Ông cháu có thích đồng hồ bỏ túi không. Ông có một cái hãy còn mới, tốt lắm.
Cô bé không trả lời. Nó đi quanh phòng rồi tới bên cánh cửa đưa bàn tay nhỏ bé cầm lấy tay nắm. Nó lắc nhẹ cánh cửa để nghe tiếng nhạc vang lên. Mặt cô bé chợt bừng sáng, nó nói: “Chính là cái này đây. Mẹ cháu nói ông cháu thích âm nhạc lắm ”.
Ông Pappy khựng lại. Ông không muốn làm cô bé thất vọng nhưng đành phải nói:
– Xin lỗi cháu. Ông không bán cái chuông này được. Hay cháu lấy cái hộp đồ chơi này cho ông cháu, chắc ông cháu thích vì nó cũng phát ra nhạc.
Cô bé nhìn cái hộp rồi lắc đầu.
– Chắc là không đâu ạ.
Ðể cho cô bé hiểu và khỏi buồn, ông kể cho nó nghe là con gái của ông từng chơi cái chuông này và vì vậy ông không muốn bán. Cô bé tỏ vẻ xúc động, mắt rưng rưng. Nó nói:
– Cháu hiểu rồi, ông ạ. Cháu cảm ơn ông.
Trong giây lát ông Pappy chợt nghĩ tới gia đình mình. Vợ ông mất đã lâu. Con gái ông sau một lần giận gia đình đã bỏ đi nước ngoài sinh sống. Ðã mười năm trôi qua, ông không được tin tức gì của cô con gái.
Rồi ông tự nhủ với mình: con gái ông đã bỏ đi vậy sao ông không để cái chuông cho người khác – một người có thể chia sẻ nó với những người mà họ thương yêu.
– Khoan đã, cháu ạ, ông kêu lên với cô bé lúc nó mở cửa và tiếng nhạc lại vang ngân. Ông bằng lòng bán cái chuông. Cháu đừng buồn nữa nha.
Cô bé vui mừng vỗ tay reo:
– Ôi, cháu cảm ơn ông.
– Ðược rồi. Ông Pappy cũng cảm thấy vui vui trong lòng dù biết rồi đây mình sẽ nhớ cái chuông lắm. Nhưng ông bảo này, cháu phải hứa là giữ gìn cái chuông cẩn thận. Rồi ông lấy cái chuông xuống, lau chùi sạch bụi và cho vào một cái túi giấy, trao vào tay cô bé.
– Cháu xin hứa. Cô bé nói. Nhưng chợt nó nhìn ông Pappy, ánh mắt lo lắng.
– Nhưng ông ơi, giá của cái chuông này là bao nhiêu vậy? Cô bé hỏi.
– Vậy cháu có bao nhiêu tiền nào? Ông Pappy hỏi, với nụ cười tinh nghịch.
Cô bé chỉ có trong tay 2 đô la 47 xu. Nhìn thấy vậy, ông Pappy nói như reo:
– Chà chà, cháu thiệt là may mắn. Giá của cái chuông đó vừa đúng 2 đô la 47 xu.
Cô bé đi rồi, ông Pappy cứ ngẩn ngơ suốt buổi. Ông nhớ cái chuông và điệu nhạc của nó. Cho tới giờ chuẩn bị đóng cửa, bỗng ông lại nghe tiếng chuông ngân nga. Ông cho rằng mình tưởng tượng, nhưng nhìn ra cửa ông thấy cô bé lúc sáng lại xuất hiện, cô bé đang cầm cái chuông lắc lắc, miệng mỉm cười.
– Gì thế này? Cháu đổi ý rồi sao?
– Không ạ. Cô bé vừa nói vừa cười. Mẹ cháu bảo cái chuông này là dành cho ông.
Trước khi ông Pappy kịp nói thêm lời nào thì mẹ cô bé bước vào. Mắt cô ấy có ngấn lệ và cô nhìn ông nói.
– Con chào bố!...
Còn cô bé thì kéo nhẹ gấu áo ông.
– Ông ơi, khăn tay đây, ông lau mắt đi…
Cre: Internet



BÀN TAY CỦA VỢ
Tôi vắt óc nhưng không tài nào nhớ nổi lần cuối cùng mình nắm đôi tay ấy là khi nào… Có lẽ là trong tuần trăng mật cách nay đã mười tám năm.
Trước đây, nếu có ai nói rằng, cuộc đời con người ta có thể thay đổi vì một chuyện tình cờ thì tôi chẳng bao giờ tin, cho đến khi điều đó xảy ra với chính mình.
Đúng vào ngày này năm ngoái, sau cuộc họp giao ban buổi sáng, công ty tôi tổ chức chúc mừng chị em nhân ngày của một nửa thế giới. Hôm đó, chẳng hẹn mà tất cả chị em đều chưng diện rất đẹp. Trong khi sếp phát biểu chúc mừng, tôi đảo mắt ngắm nhìn mấy chục bông hoa đang tỏa hương thơm ngát trong phòng. Ôi chao, sao em nào cũng đẹp, cũng trẻ, cũng duyên dáng với trang phục điệu đàng. Ánh mắt tôi vô tình chạm vào đôi bàn tay của cô thư ký hành chính ngồi đối diện. Tôi ngạc nhiên. Sao trên đời này lại có đôi bàn tay xinh đẹp như thế nhỉ? Những ngón tay búp măng trắng nuột nà kia hẳn là mềm mại, ấm áp lắm. Tôi tưởng tượng, nếu được chạm vào đôi tay ấy một lần thì… có chết cũng cam lòng.
Để dằn nén “tư tưởng” hư hỏng đang trỗi dậy mãnh liệt trong lòng, tôi rê mắt sang những đôi tay khác. Trời ạ, thì ra không chỉ có một đôi bàn tay của cô thư ký hành chính, mà đôi tay của chị trưởng phòng kế toán, của cô phó phòng kinh doanh, của em giám đốc tiếp thị… thảy đều trắng ngần, thon thả. Tôi chưa bao giờ nhìn ngắm kỹ những đôi bàn tay phụ nữ như thế. Quả thật cái đẹp luôn có sức cuốn hút, làm cho người ta có thể nảy sinh rất nhiều ước ao, khát thèm…
Cả buổi sáng hôm đó, tôi thành kẻ tương tư. Trong đầu tôi cứ mơ hồ, lãng đãng về sự xinh tươi, quyến rũ của những người phụ nữ có đôi bàn tay ngọc ngà. Cảm giác ấy chỉ mất đi khi tôi về đến nhà. Vừa trông thấy tôi, bà xã đã giục:
- Anh rửa mặt, thay đồ đi rồi ăn cơm kẻo nguội.
Bàn ăn đã dọn sẵn. Hai thằng con tôi đang chờ ba mẹ. Mùi thức ăn bốc lên thơm phức. Mấy khứa cá thu chiên vàng, dĩa rau luộc xanh mướt, chén nước mắm tỏi ớt đỏ đỏ xanh xanh, tô canh khổ qua nấu cá thác lác thơm lừng hành tiêu… khiến bụng tôi sôi sùng sục. Tôi hít một hơi thật đầy và đưa tay đỡ chén cơm từ tay vợ. Ăn một hơi 3 chén cơm, tôi buông đũa. Trong khi cái cảm giác no đủ của gia đình trào dâng trong lòng khiến tôi cực kỳ khoan khoái và chẳng còn tơ tưởng đến bất kỳ thứ gì khác trên đời thì bất ngờ, ánh mắt tôi chạm đúng vào đôi bàn tay của vợ đang thong thả gọt xoài. Tôi há hốc đến không nói thành lời. Đôi tay của vợ tôi rám nắng và lấm chấm đồi mồi. Những ngón tay trên bàn tay ấy gầy guộc, nhăn nheo và suông đuồn đuột chứ không múp míp, búp măng như những bàn tay mà tôi được chiêm ngưỡng sáng nay.
Tôi vắt óc nhưng không tài nào nhớ nổi lần cuối cùng mình nắm đôi tay ấy là khi nào… Có lẽ là trong tuần trăng mật cách nay mười tám năm. Ừ, đúng là đã 18 năm rồi, tôi chưa một lần nắm bàn tay ấy!
– Đưa đây anh gọt cho.- Tôi nhẹ nhàng bảo vợ.
Vợ tôi khẽ chau mày:
– Anh sao vậy? Ở công ty có chuyện gì à?
Tôi lắc đầu:
– Không. Em đưa đây cho anh.
Rồi tôi lọng cọng gọt mãi mới xong quả xoài, nhưng chỗ lồi, chỗ lõm nhìn chẳng muốn ăn. Tôi cắt miếng to nhất đưa cho vợ:
– Em ăn đi.
Vợ tôi trố mắt, không nói nên lời.
Tôi không nói cho bà xã biết trong đầu tôi đang nghĩ gì, nhưng tối hôm ấy tôi đã cầm mãi đôi tay gầy guộc, thô ráp của vợ. Đôi tay ấy đã cho cha con tôi những bữa cơm ngon, những bộ quần áo thơm tho sạch sẽ; đã sắp xếp nhà cửa tươm tất gọn gàng để tôi hãnh diện mỗi khi có bạn bè, người quen đến nhà… Đôi tay ấy dẫu không đẹp đẽ, sang trọng, quyến rũ, nhưng đối với cha con tôi, đó là đôi tay vàng.
Và điều quan trọng nhất là kể từ ngày 8/3 năm ngoái, 3 người đàn ông chúng tôi đã chính thức bước vào căn bếp của gia đình với vai trò là những người trong cuộc. Xin cảm ơn những bàn tay đẹp của những người phụ nữ đẹp. Chính chúng đã giúp tôi nhận ra, có những bàn tay không đẹp, nhưng đó lại là bàn tay vàng....
Bài & ảnh sưu tầm




Xưng Hô Tiếng Cưng

Mình dân Nam hãy cùng đọc để rõ tiếng “Cưng” Nam kỳ thiệt Thân thương hết cỡ mà hầu như phần đông đã quên lại cứ nghĩ là dành riêng cho 2 người yêu nhau tha thiết.


Thiệt ra tiếng Cưng dùng rất rộng rãi, như tấm lòng của người dân Nam tui đó! Mong rằng tất cả Cưng từ già tới trẻ luôn dzui dzẽ tràn đầy, dồi dào sức phẽ nhen! Đọc tới chữ tận cùng để luôn nhớ rằng, mình luôn là dân Nam kỳ thứ thiệt cho dù từ lâu rùi đã mang Cuốc Tịch nước nào đi chăng nữa ...

Cùng lướt cho kỹ bài viết xong với nụ cười hi hi ha ha yêu đời yêu mình nha!

Tiếng Cưng!

Ngày mai là đám hỏi của cháu gái nên mấy cô mấy bác, mấy dì mấy cậu xúm lại chuẩn bị trang hoàng nhà cửa và sơ chế thức ăn.

Ngồi phụ dọn đám, nghe mọi người trò chuyện thiệt rôm rã. Câu chuyện cứ lần lượt theo nhau với tiếng cười vui không ngớt. Tôi chợt phát hiện thú vị thì ra cái tiếng “cưng” của người miền nam vẫn còn y thinh. Một tiếng gọi được xài nhiều nhất ở miền tây nói riêng và miền Nam nói chung.

Tiếng cưng là tiếng gọi trìu mến của người lớn gọi người nhỏ hơn mình. Có thể nhỏ hơn về tuổi tác, cũng có khi nhỏ hơn vì vai vế.

Gọi cưng là tiếng gọi yêu thương lẫn âu yếm một cách hết sức tự nhiên và đơn giản khi ai đó muốn biểu hiện tình cảm với người đối diện.

Anh chị gọi em bằng cưng. Chồng gọi vợ bằng cưng. Người yêu gọi nhau bằng cưng "cưng của anh" hay "cưng của em" gì đều dùng được. Cũng có đôi lúc gọi cưng là để biểu hiện sự trịch thượng đùa nhau "hỏng dám đâu cưng", "còn khuya nhe cưng!". Nhiều khi tiếng cưng đơn giản nhưng làm tan chảy con tim lì lợm khi muốn yêu cầu hay nhờ đối phương việc gì đó khi họ đang lười. "Làm dùm anh chút đi cưng", " đi mua dùm chị đi cưng!". Nghe tiếng cưng như thế không ai nỡ từ chối bao giờ. Chắc cũng vì nắm bắt được yếu điểm đó mà tiếng cưng được người miền tây sử dụng triệt để.

Bắt đầu từ anh chị em trong nhà hay gọi em út bằng cưng "út ơi, cưng ăn cơm chưa vậy út", " Mai cưng có học không để chị biết, sáng chị kêu dậy dùm cho!"

Rồi tới anh chị em lối xóm thường thường gặp nhau cũng gọi cưng ngọt lịm "đi học hả cưng ?" "Nay lớp mấy rồi cưng". "Má có nhà không cưng?"

Khi ra tới chợ Lách thì đâu đâu cũng nghe tiếng cưng mời mọc của những người bán hàng "Mua gì hong cưng", "Mua mở hàng dùm chị đi cưng!", " Mua hết đi chị bán nới cho cưng ơi"

Vì tiếng cưng là cách gọi nhau thể hiện sự yêu thương thân mật nên đôi khi người nhỏ tuổi hơn như tôi vẫn gọi con của chú ruột bằng cưng, "Bữa cưng chở chú năm đi đâu vậy Thủy ?" dù "cưng" đó chỉ nhỏ hơn chị hai tôi có một tuổi đời thôi.

Các anh rể tôi ngày xưa gọi tôi bằng cưng nhiều hơn gọi em. Giờ đây "cưng" ấy đã già, mấy anh gọi em nhiều hơn gọi cưng. Nhưng lâu lâu quen miệng mấy anh cũng gọi tôi bằng cưng và tôi nghe cũng rất đổi bình thường.


Thiệt ra tiếng cưng nó hay ở chỗ không phải thân thuộc, quen biết hay họ hàng gì mới có thể gọi nhau mà ngay cả người mới gặp, chưa hề quen thân cũng có thể gọi nhau: "cưng ơi, chỉ dùm anh nhà của chị A, chị B "chẳng hạn. Hay hoặc : "chỗ này có ai ngồi không vậy cưng, chị ngồi xíu nhe!". Hoặc giả ai đó té ngã xe thì người đi đường cũng có thể hỏi một cách lo lắng :"Trời ơi, có sao hong cưng!". Nhà cưng ở đâu, có gần đây hong. Cái tiếng cưng ngọt ngào ấy làm cho con người ta cảm giác thân thương, bớt sợ hãi an tâm hơn. Bởi thế nên những người tâm địa xảo trá họ cũng lợi dụng cái tiếng cưng ngọt như đường ấy mà vỗ về con mồi sa bẫy để lừa lọc đúng như câu " ngọt mật chết ruồi".

Tiếng cưng được gọi thì có kêu lên trời hay xuống biển gì người ta cũng cam tâm làm…..


Phạm Thu Thảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét