14 tháng 7 2024

Bạn ngủ có ngon không?!




Có một bé trai và một bé gái chơi đùa cùng nhau, bé trai nhặt được rất nhiều đá, bé gái có rất nhiều kẹo. Bé trai muốn dùng tất cả số đá mình nhặt được để đổi lấy số kẹo của bé gái, và bé gái đã đồng ý. Nhưng bé trai lại dấu đi những viên đá đẹp nhất, và đưa những viên đá còn lại cho bé gái. Tuy nhiên bé gái vẫn đưa hết số kẹo của mình cho bé trai như đã hứa.
Đến khi tối trở về nhà, bé gái lên giường và ngủ rất ngon, tuy nhiên bé trai lại nằm nghĩ ngợi mãi không sao ngủ được. Cậu nghĩ rằng, liệu có phải bé gái kia cũng như mình, và cất đi rất nhiều kẹo ngon.
Thật ra, nếu như bạn không thể toàn tâm toàn ý với người khác, thì bản thân bạn cũng sẽ nghi ngờ liệu người khác có thành tâm với mình hay không?
Để có được một giấc ngủ ngon, một cuộc đời thanh thảnh và một tâm thái hòa ái thì hãy thành tâm đối đãi với người khác.
Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều người hay sự việc giống như câuchuyện nhỏ này, liệu chúng ta có thể thành tâm đối đãi với người khác hay không?
Mặc dù biết rằng, những ngờ vực và hiểu lầm rất tổn hại đến tinh thần và thể xác của chúng ta, nhưng rất nhiều người vẫn lo nghĩ, ăn không ngon, ngủ không yên…
Trên thế giới này không có đúng hay sai, mà chỉ có nhân và quả. Khi chúng ta thành tâm đối đãi với người khác, thì không cần phải suy nghĩ đến chuyện báo đáp, mà chỉ cần tĩnh tâm chờ đợi, rồi tất cả mọi thứ sẽ thuận theo tự nhiên mà đến.
Sưu tầm
An Le share từ trang Sống


BÀI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA TRẺ EM NHẬT BẢN

Thời cổ đại, ngư dân Nhật Bản ra biển bắt cá chình, vì thuyền nhỏ, khi trở về bờ, cá chình đã chết hết.
Có một ngư dân, trên thuyền của anh cũng có các loại thiết bị đánh cá giống như những người khác, nhưng mỗi lần anh chở cá về chúng đều còn sống. Vì thế cá của anh bán được giá cao gấp đôi người khác.
Mấy năm sau, người ngư dân này đã trở thành một phú ông giàu có vang danh gần xa. Đến khi bệnh nặng không thể ra biển được nữa, người ngư dân mới đem bí mật của mình nói lại với con trai.
Trong khoang thuyền chứa đầy cá chình, ông đã bỏ một con cá nheo vào đó. Trong tự nhiên, cá chình luôn đánh nhau với nheo.
Để chống lại những đợt công kích của cá nheo, cá chình buộc phải cố gắng nghênh chiến. Trong tình trạng đấu tranh như vậy, bản năng sống của cá chình sẽ được huy động tối đa, cho nên nó vẫn còn sống khi vào đến bờ.
Người ngư dân còn nói với con trai, nguyên nhân khiến cá chình chết là vì chúng biết chúng đã bị bắt, trước mắt chúng chỉ có cái chết, hy vọng sống đã bị dập tắt, cho nên ở trong khoang không được bao lâu thì chúng đều chết hết.
Cuối cùng bác ngư dân khuyên các con, phải dũng cảm đấu tranh, chỉ có đấu tranh, cuộc sống mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.
Ở Nhật Bản, khi trẻ con vừa mới hiểu chuyện, câu chuyện đầu tiên mà cha mẹ kể cho chúng chính là câu chuyện về cá chình.
Tất cả những đứa trẻ Nhật Bản từ nhỏ đã được truyền niềm tin: chỉ có dũng cảm chiến đấu, mới có được thành công và hy vọng.
Nguồn: Phạm Đức Bảo


Truyện ngụ ngôn Aesop:
CON HƯƠU VÀ CÁI BÓNG
🦌🦌🦌🦌🦌🦌🦌🦌🦌🦌
Một con hươu đang uống nước tại một lạch suối trong vắt, bỗng nó trông thấy cái bóng của mình phản chiếu dưới làn nước. Hươu tỏ vẻ ngưỡng mộ vô ngần với cặp gạc cong cong thanh thoát ấy, nhưng lại ra điều xấu hổ chán chường với đôi chân khẳng khiu của nó.
Hươu thở dài, “Sao lại có thể như thế được, ta có thể bị nguyền rủa với đôi chân này dù rằng trên đầu ta là chiếc vương miện lộng lẫy.”
Cùng lúc đó, hươu đánh hơi được mùi của một con báo và ngay lập tức phóng như tên bắn vào rừng sâu. Nhưng hươu càng chạy, cặp gạc to lớn kia lại mắc vào những nhánh cây, và rất nhanh sau đó, hươu ta đã bị báo kia đuổi kịp. Lúc đó hươu mới nhận ra rằng thứ đáng lẽ cứu được mạng sống của nó chính là đôi chân khiến nó ngại ngần kia, chứ không phải là vật trang trí vô dụng trên đầu này.
Chúng ta thường xem trọng vật trang trí hào nhoáng mà lại khinh khi những thứ hữu dụng.
Aesop (khoảng năm 620–564 trước Công nguyên) là một người kể chuyện Hy Lạp được biết đến với rất nhiều những truyện ngụ ngôn, hiện nay được gọi chung là “Truyện ngụ ngôn của Aesop”. Những câu chuyện của ông, cùng với giá trị đạo đức, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá và văn minh của chúng ta, không chỉ mang tính giáo dục và vun bồi đức hạnh cho trẻ em, cùng với sức hấp dẫn phổ quát, những câu chuyện còn giúp người lớn nhìn nhận lại mình, lựa chọn giữ lấy đức hạnh hay lưu tâm với những cảnh báo ẩn ý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét