16 tháng 7 2024

Người đàn bà của bố

 


Bố ngồi trước mặt tôi: “Bố sẽ lấy vợ. Ý con thế nào?”. Trời! Bố tôi lấy vợ cơ đấy. Ðiều mà bao lâu nay tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. Bố tôi, người đàn ông đã bước sang tuổi ngoài 60, cái tuổi chẳng còn trẻ nữa. Vậy mà giờ ông lại muốn lấy vợ. Tôi biết bố hỏi tôi là để thông báo còn bố đã quyết định. Thì cũng đúng, đó là việc của bố. Chúng tôi là con, không được phép cản. Mà ông cũng không làm gì sai.
Mẹ tôi mất từ ngày sinh em Lam, bố một mình làm đủ thứ nghề, từ sửa xe, đạp xích-lô, chạy hàng ngoài chợ nuôi chị em tôi ăn học. Cuộc sống trước kia thiếu thốn, còn giờ, cả hai chị em tôi đã có công việc, thu nhập ổn định. Cuộc sống của ba bố con không sung túc nhưng cũng chẳng thiếu thứ gì. Với tôi, bố luôn là người đàn ông mà tôi kính trọng và yêu thương nhất. Vậy mà… Bố làm tôi hụt hẫng lẫn thất vọng. Tôi có cảm giác như bố không còn yêu thương chị em tôi nữa.
Người đàn bà ấy sẽ bước vào ngôi nhà của bố con tôi, sử dụng những đồ dùng trong nhà của chúng tôi, ăn cơm cùng. Và quan trọng hơn, bà ấy sẽ giành mọi sự quan tâm, yêu thương của bố cho chúng tôi trước kia. Cuộc sống của ba bố con tôi sẽ bị đảo lộn. Vì một người đàn bà xa lạ.
Tôi không hỏi người bố đưa về nhà làm mẹ của chúng tôi là người như thế nào. Dù là ai thì tôi cũng không muốn. Nếu bố còn trẻ, tôi sẽ nghĩ khác, nhưng bố đã già rồi. Bố còn cần gì ngoài hai đứa con gái ngoan ngoãn, giỏi giang nữa. Chị em tôi vẫn có thể sắp xếp thời gian làm công việc nhà. Còn nếu bố cần một người trò chuyện thì bố cứ tìm những người bạn già trong xóm chơi cờ, bình thơ… Việc gì phải lấy vợ. Tôi lấy hết sự bình tĩnh: “Con nghĩ ba bố con mình sống như thế này là được rồi, con không muốn mọi thứ trong nhà bị đảo lộn”. Tôi nói và cầm túi xách bước ra khỏi nhà, chưa kịp nhìn xem phản ứng của bố. Nhưng tự thâm tâm mình tôi mong bố thay đổi quyết định.
Lam không muốn nhưng nó cũng không phản đối thẳng thừng như tôi. Vậy là chỉ có tôi ngăn cản cuộc hôn nhân của bố.
Bố vẫn lấy vợ. Bố không bày vẽ cỗ bàn, cũng không mời ai đến chúc tụng. Hôm ấy bố chỉ làm một cái lễ có mâm cơm, một bó hoa hồng đặt lên bàn thờ mẹ. Tôi lấy lý do bận đi công việc gấp, tránh mặt. Lam gọi điện thoại trách móc: “Sao chị ích kỷ thế? Chị có biết bố buồn lắm không?” Tôi im lặng. Thế chẳng lẽ bố cũng không biết tôi buồn sao? Bố cũng không để ý đến suy nghĩ của tôi, tâm trạng của tôi.
Người đàn bà bố đưa về nhà khác hẳn với suy nghĩ của tôi. Không phải là một người trẻ trung chỉ đáng tuổi chị, tuổi cô tôi, cũng không phải một người thích ăn diện, váy vóc lòe xòe, không biết lo việc bếp núc. Người đàn bà của bố tôi ngoài năm mươi tuổi, ít nói, mặc chiếc áo sơ-mi mầu hoa cà, hay đội nón và thích vào bếp. Lam thắc thỏm với tôi: “Ðấy, bố đã chọn người là chỉ có nhất, vừa ý chị chưa?”. Tôi gạt đi: “Ở lâu mới biết”.
Bố nhắc chúng tôi gọi là Mẹ cho tình cảm, cho có không khí gia đình. Nhưng sao thế được, chị em tôi chỉ có một mẹ. Mẹ tôi luôn tồn tại trong ngôi nhà này, không ai thay thế được vị trí của bà. Tôi tỏ rõ quan điểm với bố và thống nhất chúng tôi sẽ gọi là dì cho phải lẽ. Bố không hài lòng nhưng cũng không phản đối. Người đàn bà của bố cũng xưng dì - cháu với chúng tôi.
Từ ngày có dì, mọi việc trong nhà tôi bỏ bẵng, không động chân, động tay. Ngoài việc tự giặt quần áo của mình thì mọi việc trong nhà dì Hoa lo. Sáng dì nấu ăn sáng, chúng tôi chỉ việc ăn rồi đi làm. Tối về có cơm dọn sẵn, chỉ việc ăn xong, tắm rửa và lên phòng ngủ. Phần vì không đồng ý dì ngay từ đầu nên tôi tỏ rõ thái độ không hợp tác. Tôi ít nói chuyện, tránh gặp mặt riêng với dì và “niêm phong” luôn căn buồng ngủ của mình.
Cuộc sống thiếu mẹ từ nhỏ đã dạy tôi tự vượt qua khó khăn, thiếu thốn. Tôi sớm trưởng thành hơn so với những đứa bạn cùng tuổi, cũng chính vì thế mà tôi dè chừng với tất cả những người lạ. Tôi không tin ai, ngoài gia đình mình.
Dì Hoa có vẻ hiểu thái độ của tôi nên rất ít khi thấy dì nói chuyện hay thể hiện tình cảm với bố trước mặt tôi. Bố biết tôi khó chịu nhưng ông cũng không trách móc gì. Cuộc sống của ba bố con tôi từ ngày có dì Hoa về thay đổi hẳn. Ba bố con tôi ít ngồi lại nói chuyện với nhau sau bữa ăn, cũng ít khi trong nhà có tiếng cười đùa vui vẻ của hai chị em. Ăn cơm tối xong, dì Hoa hãm một ấm trà hoa cúc. Bố vừa ngồi xem phim vừa uống trà. Thỉnh thoảng tôi ngồi lại nghe hai người nói chuyện. Tôi không hiểu những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa có gì hay mà khiến bố tôi cười và kể, nghe mãi…
Dì Hoa dần mang bố ra khỏi cuộc sống của chị em tôi. Tôi cảm giác mỗi ngày bố lại trở nên xa cách tôi hơn.
Hôm bố bị đau đầu. Quen như thường ngày, tôi lấy dầu cao vào phòng bóp đầu cho bố thì đã thấy dì Hoa đang cạo gió cho bố. Tôi bỏ lọ dầu cao vào tủ, ấm ức. Chạy xuống bếp định nấu cho bố bát cháo mang vào thì đã thấy bố đang ngồi ăn cháo. Tôi xách túi ra khỏi nhà. Vốn đã không ưa dì, càng ngày tình cảm giữa tôi và bố càng trở nên xa cách khiến tôi càng ghét dì hơn.
Tôi kiếm đủ cớ để trách móc, tỏ thái độ không hài lòng khi dì nấu cơm, giặt quần áo hay đi chợ quên mua thứ gì đó tôi đã dặn trước. Buổi sáng, bước chân xuống nhà, thấy dì xách làn đi chợ về tôi hỏi dì có mua giúp tôi bó hoa cúc không. Hình như chợt nhớ, dì vội vàng:
- Dì quên mất, mải mua đồ ăn nên dì quên, để dì chạy ra chợ mua sau nhé?
Tôi hậm hực:
- Lần sau nếu không muốn mua dì cứ nói thẳng để cháu tự đi.
Từ trong nhà, bố tôi bước ra, vẻ mặt nghiêm nghị:
- Dì đã nói là quên và mua sau cho con, sao con lại nói thế.
Quay sang dì Hoa, bố tôi nhẹ nhàng:
- Việc của chúng nó mình cứ để tự chúng làm.
Dì Hoa đủng đỉnh vào bếp. Còn tôi đành ấm ức đi làm.
Thời gian trôi qua. Tôi lấy chồng, về làm dâu cách nhà một đoạn đường. Vì điều kiện gia đình bên chồng chỉ có mình chồng tôi là con trai nên sau khi kết hôn tôi ở chung với mẹ chồng. Cuộc sống mẹ chồng nàng dâu chẳng mấy khi “cơm lành canh ngọt”. Nhiều lúc tôi mệt phờ với công việc ở cơ quan về nhà lại phải lo cơm nước, những việc trong gia đình. Rồi đến khi sinh con, thời gian lại hạn hẹp, không có thì giờ để nghỉ ngơi. Tôi ít về thăm bố.
Chồng thường xuyên đi công tác xa nhà, mẹ chồng lại chẳng mấy khi gần gũi. Những lúc con ốm, nằm ôm con mà nước mắt tôi rơi lã chã. Nhiều lúc phải thức trắng đêm chăm con khiến tôi gầy xọp hẳn đi.
Giỗ mẹ, Lam điện thoại bảo: “Chị thu xếp về nhà đi. Bố mong chị lắm đấy”. Tôi ôm con về nhà. Ðến cổng nhà, nhìn sân vườn sạch sẽ, những cây hoa hồng trước cửa nở đỏ rực. Giàn thiên lý trổ hoa thơm ngát. Ðám đất nhỏ cạnh giếng nước trồng mỗi loại rau một ít, xanh mướt. Mọi thứ trong nhà ngăn nắp, gọn gàng. Mâm cơm cúng mẹ tôi dọn ra đủ đầy, tươm tất, như những ngày chúng tôi ở nhà. Tôi ôm con lên gác, vào căn phòng mình ngày xưa. Mọi thứ vẫn còn nguyên như ngày tôi ở nhà. Trên chiếc bàn nhỏ là một bó hoa cúc trắng tôi yêu thích. Ðặt con xuống giường, tôi ngả người ra tấm nệm thơm, một cảm giác bình yên và ấm cúng.
Nghe thấy tiếng cu Bon khóc, dì Hoa chạy lên phòng, ôm nựng. Một lúc là nó nín ngay. Ở nhà, tôi phải đánh vật mãi nó mới chịu ăn. Vậy mà cháo dì Hoa nấu thằng bé ăn liền một mạch hết lưng bát con. Tôi mừng quá, hỏi dì cách nấu. Dì đi chợ mua đủ thứ về bóc, xay nhuyễn rồi cẩn thận đóng vào hộp bảo để tôi mang về, dặn mỗi lần nấu chỉ cần lấy ra vài thìa, nêm nhàn nhạt hơn mình ăn một chút là thằng bé ăn ngay. Thấy cu Bon ho, dì hái mấy bông hoa đu đủ đực sau nhà hấp mật ong, đút từng thìa cho uống. Dì bảo chịu khó làm thế vài lần là khỏi.
Ngồi ăn bữa cơm cả gia đình tôi mới cảm nhận được hương vị ấm áp của bữa cơm đầm ấm mà bao lâu nay tôi không trân trọng. Những món ăn ngày trước dì Hoa nấu về nhà chồng tôi chẳng còn được ăn. Quay sang nhìn bố, tôi thấy bố tôi vui vẻ và khỏe mạnh hẳn ra. Khi ra về dì Hoa cẩn thận gói đủ thứ cho hai chị em tôi mang về.
Bố ôm tôi: “Nhà mình cửa lúc nào cũng mở. Khi nào mệt mỏi thì về nhà, con nhé!”. Tôi quay mặt, giấu những giọt nước mắt chực chờ lăn trên má.
Dương Giao Linh




TÌNH YÊU 1 USD
(Một chuyện tình thật cảm động)
Jim làm việc tại một khu du lịch. Mỗi ngày trước khi đi làm, cậu đều được một người hàng xóm tên Jack đưa cho một tờ 5 USD để nhờ mua một túi cà phê giá 4 USD ở tiệm cà phê trong khu du lịch đó. Chuyện này kéo dài suốt mấy năm trời và ông Jack luôn giúp Jim bằng cách cắt cỏ phía trước nhà. Sau một thời gian, bà chủ quán cà phê cũng quen thuộc với gương mặt của Jim. Hàng ngày bà đều chuẩn bị sẵn cà phê cùng tờ 1 USD tiền lẻ.
lần, Jim tò mò hỏi người hàng xóm:
“Hạn sử dụng của cà phê rất dài nhưng sao mỗi lần ông chỉ mua một bịch?"
“Không. Ta thích như bây giờ hơn. Mỗi ngày một bịch cà phê, vừa đủ là tốt nhất”, người đàn ông mỉm cười nói.
Có lần vì công việc vội mà Jim không kịp đến nên đã mua tạm cà phê ở tiệm khác. Thế nhưng lạ thay, chưa cần mở túi ra ông Jack đã biết đó không phải cà phê mua ở tiệm kia. Vài lần khác, Jim có thử mua cà phê hệt thương hiệu đó nhưng người đàn ông hàng xóm luôn nhận ra.
Vài năm sau, sức khỏe ông Jack yếu dần theo thời gian. Hàng ngày ông vẫn nhờ Jim mua cà phê và ánh mắt đầy mong chờ khi đưa cho anh tờ 5 USD.
Một lần, Jim mang gói cà phê về thì đã thấy ông Jack nằm trên giường bệnh. Giọng ông yếu ớt, tay nhẹ đưa ra lấy tờ 1 USD đầy trân trọng.
“Đã lâu vậy rồi cậu vẫn không biết vì sao tôi luôn mua cà phê ở tiệm này sao?”, ông lão hàng xóm mở lời.
“Bởi vì người bán cà phê cho cậu chính là bà Elena, người mà tôi yêu sâu đậm nhất. Năm đó, bố mẹ bà ấy chê tôi nghèo nên cả hai đã phải rời xa nhau. Rồi thời gian trôi đi, mỗi người có một cuộc sống riêng. Nhiều năm sau đó, vợ tôi qua đời vì bạo bệnh, các con thì đã có cuộc sống riêng, tôi muốn tìm lại bà ấy. Khi biết Elena bán cà phê ở khu du lịch và đã có con, tôi không muốn làm phiền cuộc sống của bà ấy nên lặng lẽ dõi theo bà ấy và bắt đầu nhờ cậu mua cà phê. Kể từ lần đầu tiên cậu mang cà phê về, tôi biết Elena vẫn chưa quên tôi…”
“Ông chưa từng quên bà ấy sao?”
“Năm đó khi yêu nhau, vì không thể thường xuyên gặp mặt nên chúng tôi đã lén đặt ra ám hiệu chính là gấp tờ 1 USD thành hình tam giác và gửi cho nhau qua bưu điện thay lời báo bình an. Nếu cậu để ý sẽ thấy mỗi lần nhờ mua cà phê, tôi luôn gấp tờ tiền 5 USD thành hình tam giác và cậu biết không, tờ 1 USD mà bà Elena đưa cho cậu cũng luôn được gấp như vậy. Chúng tôi không được gặp lại nhau nhưng mỗi ngày đều biết cuộc sống của nhau vẫn tốt…”
“Giờ tôi sắp phải về với Chúa rồi. Nếu Elena không nhận được tin tức của tôi, bà ấy sẽ rất đau lòng. Tôi có để ở dưới gầm giường của tôi có một chiếc hộp đựng những tờ tiền gấp sẵn thành hình tam giác. Tôi nhờ cậu hãy tiếp tục mua cà phê giúp tôi…”.
Trong tang lễ của Jack, Jim mở một chiếc hộp khác ra, bên trong là những túi cà phê được gói ghém cẩn thận và đẹp đẽ cùng rất nhiều tờ tiền lẻ được gấp thành hình tam giác. Bà Elena đã qua đời vì bạo bệnh từ nửa năm trước rồi và bà đã giao tất cả cà phê cùng tiền lẻ cho Jim…
Khuyết Danh




"MÓN QUÀ CUỐI CÙNG"

Tôi biết tôi không còn sống được bao lâu nữa nên đã chuẩn bị món quà này tặng mình, người phụ nữ của cuộc đời tôi…
----------
Nhìn di ảnh ông trên bàn thờ, bà không cầm được nước mắt, hôm nay là kỷ niệm 40 năm ngày cưới của ông bà. Ngày này của những năm trước, bà luôn có ông ở bên cạnh, vậy mà năm nay….
Bà nhớ lại ngày này 40 năm trước, đó là ngày đầu tiên bà về làm vợ ông. Nhà ông nghèo, chẳng có đồ cưới cao sang, thế nhưng lấy ông bà vẫn rất hạnh phúc, bởi ông bà rất thương yêu nhau.
Ngày cưới, ông chẳng có gì tặng bà, đám cưới chỉ là một bữa cơm trắng và một tô canh mà ông bà thấy rất hạnh phúc rồi. Mãi sau này, khi kinh tế đã khá giả hơn, ông vẫn thường nhắc lại với các con “ngày cưới, cha tụi con chỉ tặng mẹ được một chén cơm trắng thôi đấy”. Các con ông sống ở thời đại sau này, nghe câu chuyện của cha mẹ mà không khỏi tự hào vì mình được sinh ra trong tình yêu của cha mẹ.
Sau này, khi kinh tế khá giả, ông thường hay tặng bà những món quà nho nhỏ mỗi khi kỷ niệm ngày cưới. Khi là chiếc khăn quàng cổ, khi là chiếc áo mới, hay có khi chỉ là đôi dép giản dị,…và luôn đi kèm là một bó hoa Lưu Ly tím. Bà rất thích những bông Lưu Ly tím, vì thế ông đã trồng rất nhiều hoa Lưu Ly tím trước nhà. Mỗi năm, ông đều cắt vào một bó Lưu Ly tím thật to để tặng bà. Những món đồ ông tặng, bà không bao giờ mang ra dùng, bà cất vào một chiếc hộp gỗ to làm kỷ niệm.
“Kính koong, kính koong”… tiếng chuông cửa làm bà giật mình khỏi dòng suy nghĩ. Bà đoán chắc các con, các cháu đã trở về. Hôm nay là kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, theo thường lệ các con ở xa sẽ trở về và cả gia đình bà làm một bữa cơm ấm cúng bên nhau. Tuy năm nay ông không còn, nhưng chắc các con vẫn về theo thói quen bao năm qua.
– Bà mở cửa, đó là một cậu thanh niên trẻ cúi chào và hỏi: “Xin lỗi, bác là bác Ngà ạ” và bà trả lời: “Tôi là Ngà đây, cậu muốn gặp tôi có chuyện gì?”
– Trong trí nhớ thì bà đâu quen người thanh niên này nhỉ. “Dạ, cháu là nhân viên chuyển quà. Có người gửi cho bác bó hoa và gói quà này. Mời bác ký nhận vào đây cho cháu ạ”
– Cậu ta trao cho bà tờ giấy ký xác nhận và bó hoa cùng gói quà.
Bà hơi ngạc nhiên, ai tặng quà cho bà nhỉ. Bà không thấy có thông tin của người gửi. Ai là người biết bà rất thích hoa Lưu Ly tím nhỉ. Chắc hẳn phải là người quen rồi, hay là các con bà muốn gây bất ngờ cho mẹ.
Bà vào nhà, mở gói quà ra, đó là một cuốn album ảnh.
+ Trang đầu tiên của cuốn album không có ảnh, chỉ có một bức thư viết tay. Những dòng chữ trên bức thư như đang nhảy múa trước mắt bà, mắt bà nhòe đi khi nhìn thấy những nét chữ rất quen thuộc, đó là nét chữ của ông.
“Món quà cuối cùng tôi tặng mình!
Tôi biết tôi không còn sống được bao lâu nữa nên đã chuẩn bị món quà này tặng mình, người phụ nữ của cuộc đời tôi. Chắc khi mình nhận được nó thì tôi đã đi xa rồi và mình đang rất cô đơn phải không? Nhưng con người đều có số phận cả mình ạ vì thế mình đừng buồn nhé, bởi tôi sẽ luôn ở bên cạnh mình thôi, tôi vẫn luôn dõi theo và nhìn thấy mình”.
Bà nhìn sang trang bên cạnh, đó là bức ảnh cưới đen trắng của hai ông bà. Bức ảnh không còn nhìn rõ mặt nữa, theo năm tháng nó đã mờ nhòe đi. Bên dưới bức ảnh là dòng chữ của ông: “Ngày cưới, tôi vẫn nhớ như in ngày đó, mình mặc chiếc áo màu trắng, quần đen, tóc mình dài đen mượt. Chỉ có vậy thôi mà tôi thấy mình đẹp biết bao, lộng lẫy biết bao. Nói là lễ cưới nhưng chỉ là chén cơm tô canh cúng tổ tiên, tôi rất buồn vì để mình thiệt thòi. Tôi chẳng có lễ vật tặng mình, mình lấy tôi thiệt thòi nhiều quá. Ngày ấy tôi đã nghĩ, cuộc đời này tôi nợ mình.” . Bà vuốt ve khuôn mặt đã mờ của chàng trai trẻ trong ảnh thì thầm: “Cuộc đời ông là món quà lớn nhất với tôi rồi”.
+ Trang thứ hai của album là ảnh ông bà và con gái lớn. Đó là khi con gái tròn 1 tuổi. “Mình vẫn thường đùa, lấy tôi mình lợi nhất là đứa con, đó chính là con gái của chúng ta. Tôi nhớ như in ngày mình sinh con gái, tôi vẫn đang đi làm ở ngoài đồng thì nghe người ta gọi về nhà vì mình đang sinh. Tôi vừa mừng vừa lo, người ta thường nói ‘gái chửa cửa mả’, ấy thế mà vừa về đến nhà tôi đã chứng kiến cảnh mình đang ôm đứa con gái bé bỏng của chúng ta nằm trên giường. Con bé đỏ hỏn, da nhăn nheo đang túm chặt lấy ngón tay mình, gương mặt mình vương đầy mồ hôi, nước mắt của cơn vượt cạn. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác của tôi lúc đó, thực sự thiêng liêng khó tả lắm mình ạ.”. Mắt bà nhòa đi khi nghĩ đến lần đầu tiên được làm mẹ. Lần ấy bà sinh rất dễ, bà đỡ nói bà gần như đẻ rơi. Bà vẫn nhớ vẻ mặt ông lúc ấy, ông thở hồng hộc chạy về nhà rồi lặng nhìn mẹ con bà nằm trên giường. Khi đó ông đã khóc, những giọt nước mắt của người đàn ông lần đầu được làm bố.
+ Trang tiếp theo là cậu con trai thứ hai của ông bà khi cậu bé được 5 tuổi. “Mình có nhớ bức ảnh này chụp khi nào không? Khi con trai chúng ta được 5 tuổi nhỉ. Hôm sinh nhật con trai, thằng bé đòi tôi và mình cho nó đi chụp ảnh. Tôi nhớ hồi đó tôi vừa ốm dậy, có đồng nào mình đều thuốc thang tẩm bổ cho tôi cả rồi. Khi con trai đòi chụp ảnh, mình dỗ ngọt nó là ‘những đứa trẻ đòi chụp ảnh sẽ kém thông minh’. Nó nghe vậy nằm lăn ra giường òa khóc. Lúc ấy tôi thấy mình thật bất tài vô dụng, không để cho mình và các con có được cuộc sống sung túc. Hôm đó, mình đã bán đi mảnh vải áo tôi tặng mình nhân dịp 5 năm ngày cưới để lấy tiền đi chụp ảnh cho con trai. Lại một lần nữa tôi nợ mình thật nhiều”.
Bà làm sao quên được ngày sinh nhật con trai 5 tuổi, khi đó ông ốm nặng, gia đình có bao nhiêu bà đổ dồn thuốc thang cho ông. Khi ông khỏi bệnh cũng là lúc con trai tròn 5 tuổi. Thằng bé rất thích được chụp ảnh, trước đó cả mấy tháng nó đã năn nỉ đòi ông bà cho đi chụp ảnh. Vậy mà hôm đó bà không có một đồng nào trong túi. Nhìn chồng vẫn còn bơ phờ sau trận bệnh thập tử nhất sinh, nhìn đứa con nước mắt ngắn nước mắt dài khóc lóc trên giường mà trái tim người mẹ của bà đau nhói. Vậy là bà mang mảnh vải ông tặng đem bán lấy tiền. Đó là món quà đầu tiên ông tặng cho bà, vậy nên bà không nỡ may áo, chỉ cất trong một chiếc hộp nhỏ để làm kỷ niệm. . .
+ Trang tiếp theo là ảnh cưới con gái. “Ngày cưới con gái cũng là lần đầu tiên tôi và mình tổ chức kỷ niệm ngày cưới. Con gái xinh lộng lẫy trong chiếc váy trắng, còn mình thật tuyệt vời trong tà áo dài. Lúc đó mình nói mình già rồi, nhưng với tôi mình chẳng bao giờ già đâu. Tôi là người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời này mình ạ”. Ngày ấy, ông muốn tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày cưới của ông bà. Bà nói bà già rồi, bà không tự tin với những vết chân chim trên khóe mắt, da dẻ không còn được căng mịn nữa trong khi đó ông càng ngày càng trở nên phong độ hơn. Ông cầm bàn tay chai sần của bà động viên: “Đây là đôi bàn tay đẹp nhất tôi từng thấy. Và cho dù khi mình 90 tuổi thì mình vẫn là người phụ nữ đẹp nhất”. Vậy mà, ông chẳng chờ đến khi bà 90 tuổi để kiểm chứng xem bà có phải là người phụ nữ đẹp nhất trong cuộc đời ông không. . .
+ Trang cuối cùng, đó là bức ảnh bà thời còn trẻ. “Mình biết không, người con gái này, tôi nợ cô ấy cả cuộc đời. Cô ấy không chê tôi nghèo, từ bỏ cuộc sống khá giả để lấy tôi. Lấy tôi, cô ấy đã vất vả cả đời chăm sóc ba cha con tôi, chăm sóc cái gia đình nhỏ ấm cúng của tôi. Thời xưa, tuy nghèo khó nhưng chưa bao giờ cô ấy cau mày hay khó chịu với tôi. Đến khi khá giả, cô ấy chưa từng đòi hỏi tôi một điều gì. Ngoài tình yêu, thì trong tôi là sự biết ơn, sự trân trọng với cô ấy. Mình biết không, tôi luôn muốn nói với người con gái ấy một điều, cô ấy là người phụ nữ đẹp nhất trong mắt tôi. Tôi biết thời gian của tôi trên cõi đời này không còn nhiều, nhưng tôi luôn muốn nói với cô ấy rằng cuộc sống đã rất ưu ái tôi khi tôi có được cô ấy làm vợ. Điều duy nhất tôi hối tiếc là không đi cùng cô ấy thêm một quãng đường đời nữa… Đọc đến đây, đừng buồn, đừng khóc mình nhé. Tôi vẫn luôn ở bên cạnh mình thôi. Tôi yêu mình!”.
Bà gấp cuốn album lại, nhẹ nhàng đặt nó vào chiếc hộp gỗ đựng những món quà ông tặng. Bà nhìn lên di ảnh của ông, khẽ thì thầm: “Tôi cũng yêu mình,cuộc đời mình là món quà ý nghĩa nhất mình dành tặng tôi rồi. Tôi sẽ không khóc, không buồn nữa đâu. Mình yên tâm nhé!”. Bà tin những điều ông nói, bà tin rằng ông vẫn luôn dõi theo bà, và bà sẽ không còn cô đơn.
Khi còn trẻ, vợ chồng sống với nhau vì tình, cho dù sống trong túng quẩn, thiếu trước hụt sau cuộc sống dần trôi theo năm tháng. . . Vợ Chồng trẻ ngày nào đã trở thành ông bà cụ thay cho "cái tình" bằng "cái nghĩa". Hãy vun đắp cái nghĩa sau nầy bằng tình hiện tại bằng việc quan tâm lo lắng cho nhau bằng những cử chỉ tình thương trao hiến trọn vẹn cho nhau.

Bài & ảnh st. Từ Internet


MẸ CẢ

Năm tôi lên tám thì cha tôi đón cả hai mẹ con tôi về xuôi. Cha tôi nói rằng về xuôi để học cái chữ, cứ ở xó rừng này tôi lớn lên sẽ ngu và hoang dại hết thuốc chữa.
Ngôi nhà của cha tôi ở dưới xuôi rất lớn, nó nằm sát cạnh bến sông. Thuyền vừa cập bến, tôi thấy cha mình quăng lên bờ một sợi dây dài, một đứa bé trai lớn hơn tôi chỏm đầu đứng đó tự bao giờ, nó bắt lấy đầu dây gọn gàng rồi lanh lẹ cột vào cái đai sắt hình tròn trôn sâu dưới đất.
Hai mẹ con tôi tay chân thừa thãi, mặt cúi gằm theo cha vào chào mẹ lớn.
Suốt dọc đường mấy ngày trên sông cha cứ nhìn mẹ tôi rồi lại lắc đầu thở dài đánh thượt. Cha nói rằng về xuôi cho tôi học chữ, học cách làm người nhưng mẹ tôi sẽ bị thiệt thòi. Cha dặn mẹ vì tương lai của tôi cố nhịn nhục chịu thiệt thòi trước mẹ cả.
Mẹ cả ngồi trên cái sập gỗ lim, tôi chỉ dám ngước lên nhìn bà vì phải bước qua cái bậu cửa nhà cha cao lắm. Mẹ tôi líu ríu theo sau cha, tay mẹ nắm lấy tay tôi vừa run rẩy vừa bỏng rát nỗi sợ hãi. Mẹ cả ngồi rất lâu trên phản, bà mặc cho cha tôi nói dăm ba câu gì đó không rõ, mặc cho tuần nhang cha thắp cho hai mẹ con tôi ra mắt tổ tiên sắp tàn. Mẹ cả ngồi chết lặng, tôi cảm giác như mẹ nuốt vào lòng cả một trận cuồng phong.
Bữa cơm đầu tiên trong gia đình lớn, tôi bị bắt ngồi bên mẹ ở cái mâm chõng rất dài, cha tôi ngồi ăn trên sập giữa nhà.Ông vừa nhâm nhi chén rượu thuốc mắt vừa dõi nhìn đàn con với hai bà vợ. Mẹ tôi lầm lụi ngồi ăn, mẹ trệu trạo nhai một cách nặng nhọc những hạt cơm trong miệng. Tôi có cảm giác bữa cơm đầu tiên của mẹ con tôi như là một cực hình dưới con mắt của mẹ cả và các con lớn của cha tôi.
Tôi đi học muộn hơn các bạn trong lớp. Tôi chưa từng được học qua mẫu giáo cũng là một hạn chế với tôi. Mẹ cả dạy tôi cầm bút, cầm phấn cầm bảng ... tất tật những vất vả đầu tiên về học chữ đều là mẹ cả dạy tôi. Sự nghiêm khắc và ghẻ lạnh của mẹ cả mạnh hơn bất cứ ngọn roi hay lời quát mắng nào. Tôi luôn sợ hãi từng con chữ.
Mẹ tôi là người miền Núi, bà sống tự do và hồn nhiên như cây trúc, cây mai trong thung lũng sau nhà. Sau này lớn lên tôi mới biết. Cha tôi mê muội theo những cánh rừng đại ngàn. Đến nơi đâu ông cũng đều có đàn bà ở đó, nhưng lạ thay chẳng ai có con trừ mình mẹ tôi. Mẹ tôi đẹp, rất đẹp. Người ta bảo rất hiếm tìm một nhan sắc như thế. Những năm tháng đầu tiên mẹ về dưới xuôi đầy chật vật. Mẹ cả không nanh nọc chửi bới, không đánh đập, không trì chiết nhưng mẹ có lối dẫn dắt gia đình vô cùng nghiêm khắc và khuôn phép. Đến người đàn ông tự do và lang bạt kỳ hồ như cha tôi nhiều lúc cũng chịu thua mà răm rắp nghe theo.
Mẹ sống với tôi được năm năm, năm năm ấy đầy những khó khăn và chật vật với mẹ. Sự khinh miệt, những cái nhìn đầy lạnh lùng và cả những cử chỉ coi thường của mẹ cả và các con của mẹ luôn khiến mẹ tôi sống trong sợ hãi và đau khổ. Mẹ như cây dang, cây nứa trên rừng đem về trồng trong chậu cảnh. Bị o bế,bị lạnh nhạt, mẹ cô đơn và không có chỗ dựa dẫm vì cha tôi luôn luôn vắng nhà. Năm cuối cùng mẹ ở bên tôi khi tôi bắt đầu bước vào cấp hai. Mẹ ốm một trận thập tử nhất sinh, sau trận ốm đó cha tôi đưa mẹ đi trong một đêm mưa…tôi chỉ biết khi trưa hôm sau tan học. Tôi buồn, một nỗi buồn bị mẹ ruột bỏ rơi, buồn bị mẹ cả nghiêm khắc và tất cả những ông anh đều khoảng cách và lạnh nhạt. Tất cả nỗi buồn ấy tôi đều muốn thả bay vào những cánh diều như trẻ con trong xóm ngoài làng. Tôi đánh khẳng, chơi gụ và chăn trâu với bọn con trai. Nỗi uất ức thường ngày tôi thường vùi dập nó trong khi mò cua bắt cá và hun chuột. Người làng thường bảo tôi càng lớn càng xinh đẹp. Mẹ cả thì luôn nghiêm khắc và dóng diết kìm kẹp sự tự do của tôi bằng răn dạy đức hạnh của một cô gái, của việc nền nếp gia phong và bà quàng ách lên cổ tôi bằng việc nhà, bằng trách nhiệm và lo toan bếp núc. Tôi được đi học ở trường huyện, rồi vào đại học với sự quyết tâm cố gắng của mình.
Năm đầu tiên và những tháng năm đại học, tôi kiếm tiền tự nuôi thân bằng mọi cách chân chính có thể. Làm gia sư, bưng bê, rửa bát, tất tật chỉ để được đi học và thoát ra khỏi ngôi nhà đầy ắp sự lạnh nhạt và không có tình thân ấy. Phải nói rằng, sự khuôn phép và cách dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ cả giống như một người lính canh. Tôi học xong, ra trường, đi làm và viết văn với một tâm hồn cô độc từ trong tâm thái lẫn bạn bè và chưa từng dám yêu ai. Mẹ cả vẽ trong đầu tôi tất cả những người đàn ông trên thế gian này đều không đáng tin cậy như người cha của tôi. Ông ấy đã bỏ bê gia đình cho mẹ cả, và rồi ông ấy lại dụ khị mẹ tôi để bà bỏ tôi lại với cô đơn mà không một lần quay lại ghé thăm tôi.
Ngần ấy tháng năm cha và mẹ tôi ra đi mà chưa hề một lần ngoái lại.
Năm hai sáu tuổi tôi kết hôn với một người đàn ông giàu có . Anh ta là chủ một tiệm buôn rất lớn trên thị trấn, là nhà phân phối của rất nhiều đại lý gì đó mà tôi không nắm hết và cả những đoàn xe tải chạy ra Bắc vào Nam. Tôi chưa hề biết tình yêu thế nào cho đến khi gặp người này. Với anh ta, tôi đẹp nhưng cần được giữ gìn. Mẹ cả nói lấy được anh ta là một phần phúc phận của tôi. Còn lại là do sự ưu ái quan tâm của mẹ cả.
Người đàn ông, người chồng đầu tiên để lại trong tôi một nỗi kinh hoàng. Tôi chưa kịp yêu anh ta, chưa cảm nhận được những rung động cả về thể chất lẫn tinh thần thì đã làm đám cưới. Anh ta o bế tất cả, từ váy cưới đến thiệp mời, từ chụp ảnh đến tất tật những gì liên quan đến bản thân tôi. Nhưng chỉ thực sự kinh hoàng nhất là đêm tân hôn, anh ta ào vào phòng khi tôi vừa kịp thay áo cưới. Anh ta kéo thốc tôi ra xe, phóng như bay về căn hộ riêng của mình trong một khu vườn rất đẹp. Kéo tôi chạy băng qua sảnh toà nhà, qua phòng khách một cách rất vội vã để lao vào phòng ngủ, bàn tay nhỏ nhắn của tôi bị anh ta bóp chặt khiến các ngón tay đau đớn mà tôi không thể nào giằng ra được. Mặc cho bụng tôi đói meo vì phải làm cô dâu, phải chào hỏi, phải tiếp khách, phải bê hoa, phải cười mà không cả kịp ăn và uống. Cổ họng khát khô, chân tay rã rệu thì anh ta vẫn đè tôi xuống. Không một cái vuốt ve, không một nụ hôn, không gì cả gì là sự thọc vào trong tôi bằng một cái mẹ khẳng cứng đanh, vô tình và cộc cằn khiến tôi đau buốt. Tôi cảm thấy mình bị xé toạc ra, bị xuyên thủng đớn đau và hai chân bị dạng ra như hai cái gọng gà mà không thể nào khép lại được. Tôi đớn đau, rã rời, khô khốc, tôi hận mẹ, hận cha, hận mẹ cả, hận những người anh và hận cả sự xinh đẹp thông minh nhưng đơn côi của mình. Chắc phải đến cả tiếng đồng hồ sau thì anh ta rời khỏi thân tôi, rời khỏi chiếc giường mà anh ta gọi là giường cưới. Không một nụ hôn, không một lời an ủi, không một câu hỏi ngoài cái kéo thật mạnh hông tôi lệch sang một bên để lộ ra tấm drap có dính tý máu hồng hồng chứng tỏ một điều tôi vẫn còn trinh tiết.
Những ngày tiếp theo quả là hãi hùng, thằng đàn ông xưng danh là chồng tôi ấy hắn như một thằng điên. Gia trưởng và bệnh hoạn, hắn bắt buộc tôi đi đứng nói năng theo cách hắn muốn. Hắn bảo anh phải rèn em theo khuôn phép của anh, làm vợ anh là may mắn cho em lắm rồi. Chỉ cần anh vui là em cái gì cũng có. Tôi vẫn được đến cơ quan nhưng không được đi xe máy mà bốn chiều hắn đón đưa. Điện thoại hắn kiểm tra từng tin nhắn, từng cuộc gọi nhỡ. Kinh hoàng nhất là đêm, hắn thô bạo và bệnh hoạn. Hắn có thú vui ép tôi phải sex theo cái cách mà hắn muốn. Không vuốt ve, không nâng niu, không hôn hít mà chỉ là bạo dâm. Hắn đứng, hắn quì, hắn thúc ép, đè nén, cảm giác như xé toang người đàn bà của hắn thì mới thoả cơn cuồng khát.
Những ngày tiếp theo quả là hãi hùng, tôi phản kháng sự o ép của hắn, phản kháng và chống cự lại những cơn cuồng dâm thô bạo của hắn liền bị hắn đánh đập. Hắn cấu, cắn, hắn tát, đạp và chửi bới rất tục tĩu. Tôi có nhà, có gia đình, có mẹ và các anh nhưng tôi không có nơi để trở về. Đau khổ tột cùng mà không biết nói cùng ai, vì mỗi lần hắn đưa tôi về nhà mẹ cả, chính mẹ đã nói với hắn rằng : dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Rằng thì là từ bé tôi đã chậm hơn mọi đứa trẻ khác, kiến thức về kinh doanh và sống trong môi trường ấy tôi cần được hắn bảo ban đầu đuôi và mẹ nói với tôi rằng bổn phận của tôi là phải nghe theo và làm theo những gì chồng dạy bảo.
Tôi cô độc và cùng cực, bắt đầu có ý nghĩ chạy trốn khỏi cuộc đời mình.
Nhưng quá khó, ngoài giờ đi làm thì lúc nào hắn cũng kè kè ở bên tôi. Giải pháp cuối cùng là nhờ chị trưởng phòng, sau khi tôi kể cho chị và cô bạn cùng phòng nghe. Họ lên kế hoạch cho tôi bằng một cuộc đào tẩu. Tôi có ba ngày nán lại để làm một số giấy tờ đệ đơn ly hôn lên toà án nhờ cô bạn thẩm phán quen. Ba ngày ấy chị trưởng phòng làm các thủ tục,mua vé máy bay, tất tật để cho tôi chuyển vào làm văn phòng đại diện ở phía nam.
Sáng ngày thứ tư, khi hắn đưa tôi đến cơ quan, hắn vừa rời đi lập tức tôi được hai người bạn hộ tống ra sân bay và bay thẳng không một lời từ biệt.
Tôi trở về Bắc sau tám năm xa quê, tám năm tẩu thoát từ một cuộc chạy trốn kinh hoàng người chồng đáng sợ và bà mẹ cả lạnh lùng không có một tý nào đồng cảm hay xót thương tôi. Tôi trở về trong vòng tay yêu thương của người đàn ông yêu tôi thật sự. Anh lại ra Hà nội làm việc và tôi cũng ra theo. Hai năm sau ngày chạy trốn kinh hoàng ấy, tôi khép kín mọi cánh cửa lòng mình, tôi sợ hãi và kinh hoàng với tất cả đàn ông. Tôi cứ nghĩ cả đời này, kiếp này sẽ chẳng ai phá tan tảng băng chìm sợ hãi trong lòng tôi, thế mà người ấy đã làm được. Tôi nhớ như in lần đầu quen biết, rồi tất cả những khó khăn anh đã vượt qua, những quan tâm nhỏ nhặt nhất để tôi vượt qua mặc cảm sợ hãi và làm con tim tôi bình an mà đón nhận tình cảm của anh. Hai năm sau tức là bốn năm sau ngày tôi rời Miền Bắc thì người ấy mới tiếp cận và nắm được tay tôi. Tất cả những sợ hãi, sự kinh hoàng đậm đặc ấy được anh gỡ từ từ bằng tình thương chân thật nhất. Bốn năm yêu nhau chúng tôi mới làm đám cưới.
Bây giờ tôi là một phụ nữ hạnh phúc, cũng có thể là quá sớm để nói vậy, nhưng tôi luôn vui vẻ vì anh luôn yêu và quan tâm đến tôi theo cái cách mà tôi rất thích. Giờ thì tôi nghĩ, Có thể cả một thời gian rất dài bạn chưa từng gặp được người thương mình thật sự. Nhưng vấn đề là bạn phải cố gắng, sẽ có ngày người thương bạn thật lòng và theo cái cách mà bạn muốn sẽ đến với bạn. Phải chờ chứ không sẽ chẳng đón nhận được đâu...
Tác giả : Loan Ngẫn
Bài & ảnh sưu tầm.
Tất cả cảm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét