01 tháng 10 2024

RỪNG XƯA - TK LỰC

 

                                                        

        Tôi viết Rừng thưa trong tâm trạng tiếc nhớ, tiếc thương các cổ thụ, đại thụ… Chữ cứ chảy và không cần chỉnh lại bố cục, hành văn… Sau đó, nhận được phản hồi cũng đầy điều đáng rút kinh nghiệm!

          Bây giờ, “nếp” rồi, có buổi họp nào không có cấp trên đến dự cho thêm phần long trọng, và tùy lúc còn thêm phần chỉ đạo dong dài nữa. “Thân bất do kỷ” mà, đâu ai làm khác được, nếu muốn gió yên sóng lặng. Do đó, ít nhiều thông cảm nhau. Hôm lễ khai trường đầu tháng 9 rồi, tôi rất quan tâm những hình ảnh đẹp đầu năm, thấy mấy chục trường TV chiếu, chỉ có lác đác hiệu trưởng lên đánh trống khai trường, còn lại, phần vinh dự này dành cho cấp trên. Cái đầu tôi hơi hẹp hòi, cứ nghĩ cấp trên tới dự để thêm long trọng, để chung vui chớ nên giành phần việc của hiệu trưởng. Hôm đó, hiệu trưởng khai trống, khai trường sẽ ít nhiều tạo ý thức học sinh củ, mới quan tâm hơn tới người cao nhất của trường, sẽ lắng nghe hơn sau này và trường có không khí chan hòa hơn giữ cô thầy trò, khởi đầu từ tiếng trống khai trường. Với tôi, đó là một hình ảnh đẹp lưu dấu trong tâm tưởng nữa! Tôi có quá cũ kỷ, không theo kịp nếp mới của thời thế không, chắc có thôi. Tuổi lớn hay hoài niệm chuyện xưa mà!

         Chợt nhớ tháng 11 hai năm trước, Ban Liên lạc CHS TH Hoàng Diệu họp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường (1957-2022) và tôn vinh, chúc thọ cô thầy cao tuổi. Tất cả thầy cô tham gia đều được sắp xếp ngồi cùng nhau và chỗ trang trọng nhất (nói thêm họp mặt của khóa HD65 cũng có hình ảnh này, dù không gian họp nhỏ hẹp). Cô thầy có tuổi đều rất phấn khởi vui vẻ, lên sân khấu để nhận sự tri ân của học trò cũ. Tôi nhìn toàn cảnh, có thể đây là buổi họp mặt thắm tình thầy trò nhất, cảm động nhất, thậm chí có thầy đã rơi nước mắt. Không khí, không gian riêng làm lan tỏa mối tình cảm từ bấy lâu ít dịp được bày tỏ. Tôi nghĩ đó là buổi họp “chất lượng” nhất tôi từng dự. Tôi thiết tưởng, nên chăng, quan tâm có những buổi họp mặt như thế này tới đây? Dĩ nhiên, đây là suy nghĩ của cá nhân tôi. Tôi nêu chuyện này ở đây có cái lý do của nó. Chỉ trong vòng 5 tháng qua, từ tháng 6 đến tháng 11, khu rừng không lớn đã bật gốc ba cổ thụ (ba thầy đều họ Lê! Chị Yến HD64 nêu sự trùng hợp này). Rừng xưa đang thưa, rất cần lan tỏa những nụ cười, niềm vui, nắng ấm để góp chút sức duy trì.

           Thầy cô xưa, tuổi cao, sức yếu, đâu quan tâm họp mặt dài dòng, văn vẻ, chỉ gây cảm giác mệt mỏi; cần thực chất thân tình, vui vẻ. Ba thầy chia tay, khiến đồng môn chúng ta quan tâm hơn tới suy nghĩ của cô thầy. Lời hứa, cứ 5 năm họp mặt hai lần (góp ý của thầy Lê Vĩnh Tráng), chưa thực hiện được. Không còn nhiều thời gian lưỡng lự, chờ đợi. GROUP MAI QUAN… hiện nay tập trung chia sẻ thông tin, thăm hỏi… cô thầy xưa, thấy rằng BLL CHS nên tổ chức họp như nêu trên, gọn nhẹ. BLL nên cũng cố tổ chức để đoàn kết chung tay tạo niềm vui, năng lượng tới cô thầy cao tuổi, mà như tôi nói, buổi họp mặt năm 2022 BLL đã làm rất tốt, tôi tin đủ sức làm tốt hơn nữa.

          Cụ thể, năm 2025 là năm giữa hai lần họp mặt lớn, là năm tổ chức họp rất hợp lý. Năm 2025 là năm khóa HD65 kỷ niệm 60 năm ngày vào trường  nữa. Nên chăng, phối hợp để buổi họp mặt thêm đông, thêm niềm vui, thêm ấm áp. Nếu có thể MÁI QUÁN THẦY TRÒ… cũng sẽ tham gia tổ chức, thêm đông vui hơn nữa.

         RỪNG XƯA đang thưa, đừng chậm chân níu kéo… trong bối cảnh đầy gió mưa thất thường. Đừng than khó; mọi việc chia sẻ thực lòng, chung tay góp sức đều đạt kết quả tốt thôi.

TK Lực


                                                 RỪNG THƯA!

            Chiến tranh đã tạo ra bao cảnh lầm than. Đâu ai thích chiến tranh trừ các hãng sản xuất vũ khí và các tay buôn súng đạn. Chiến tranh đã để lại bao vết thẹo sâu nặng trên quê hương, trên bao thân phận. Nhà tôi là một nạn nhân tiêu biểu, bắn giết, dồn dân… Tù nông dân an phận thành lớp nghèo thành thị. Thầy tôi, số đông, thân bất do kỷ bởi chiến tranh, bởi dòng đời trôi cuốn, mang trên áo cái cầu vai, mất việc và mất nhiều thừ khác khi chiến cuộc tàn… Nổi niềm một thời trỉu nặng.

             Nhớ ngày xưa, xã hội loạn lạc, nhưng khuôn phép nhà trường luôn giữ vững. Tôi nhớ thời tiểu học, nghe thầy dạy và ghi nhớ suốt cả đời, gặp đám tang đi qua phải dừng chân, dở nón, cuối đầu chia sẻ, tiễn đưa… Bây giờ toàn chạy xe, thôi giữ phần lễ còn có thể là cuối đầu khi đi ngang qua đám tang. Học trò luôn nghe lời cô thầy, kính trọng thầy, thậm chí còn sợ sệt, nhất là ở bậc tiểu học. Với bạn cùng lớp luôn vui vẻ, thân ái, ít khi gây hấn… Từ tình cảm đó, tôi góp chút công sức chung tay với đồng môn thăm hỏi cô thầy cũ, kết nối các mối dây thân tình cũ, tạo chút tia nắng ấm tới cô thầy, chút năng lượng cho đồng môn thêm chút vui vẻ. XƯA và NAY có chút khác biệt; như vai trò cô thầy trong xã hội, cảm xúc thầy trò, bạn cùng lớp cùng trường… Tính tôi hơi bảo thủ, thích cái CHÂN THẬT, hơn cái hào nhoáng, hình thức. Thực tình tôi không thích họp mặt cô thầy trò, là lúc vai trò cô thầy cũ được đặt lên cao nhất, được tôn vinh kính trọng nhất, mà hôm họp mặt đó phải kính thưa một dọc vai vế không dính dáng gì, tới phần thưa cô thầy gần sau cuối. Chỗ ngôi trang trọng nhất cũng dành chừa không phải thầy cô. Thầy cô tôi có phải trở thành một vai phụ trong vở diễn của người thích đùa!

           Tôi lập GROUP THẦY TRÒ XƯA, có chữ xưa nhằm phân biệt NAY, chớ không phải XƯA là hồi tưởng. Ở đây, phải có sự đồng cảm, chia sẻ nổi ưu tư bao thầy đã trải qua. Tôi hay đùa là thầy cô Hoàng Diệu (xưa) thích ở ẩn, nên địa chỉ nhà nào (ngoài Sóc Trăng) cũng dài dài, ở trong hẻm. Thật tình ai cũng biết, khó khăn lằm, thầy có cái che nắng mưa như vậy là một cố gắng lớn lao của cô thầy và tiếp tay từ các con cô thầy. Cũng nên nhắc nhớ và ghi ơn. Thầy hiệu trưởng Quách Quốc Việt ở thập kỷ 80 đã có cái nhìn xa, đầy nhân văn, tổ chức họp mặt cô thầy cũ trường TH Hoàng Diệu. Cũng may, có cô hiệu trưởng Vương Kim Anh đã kế thừa và phát triển di sản văn hóa này. Qua đó, từng bước nối tiếp đến hôm nay để cựu học sinh Hoàng Diệu nối vòng tay thân ái cùng nhau làm sáng tỏa tinh thần TÔN  SƯ TRỌNG ĐẠO, tạo ra bao cảm xúc ấm lòng tới cô thầy bạn cũ. Nhưng TH Hoàng Diệu có bề dày quá đồ sộ, gần 70 năm hình thành; chuyện chung lo cô thầy bạn cũ, do Ban Liên lạc phụ trách. Còn tôi, cá lẻ, chỉ có khả năng chia sẻ tình cảm với thầy cô xưa cũ thời tôi đi học. Ở đây có giới hạn cảm xúc, không thái quá lo chuyện lớn như chính trị, tôn giáo, sắc tộc; chỉ lo tạo niềm vui, nguồn cảm hứng, nguồn năng lượng cho nhau là quá đủ. Và không quên thông tin tình hình, nhất là sức khỏe, cho nhau! Chuyện vòng vo này dính gì cái tựa bài? Có liền. Thầy cô xưa đều lớn tuổi, như là những cây cổ thụ trong khu rừng, dù rừng không lớn. Trong đó đại thụ là thầy Võ Văn Thiên, nay 95 tuổi, đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ 100 đang tuyển hội viên. Nghe là thầy Mai Hữu Chấn và thầy Cao Văn Bảy đã được kết nạp, cùng làm Phó chủ nhiệm! Nhớ từ hơn chục năm qua, mỗi lần lên SG, có sắp xếp thăm thầy, tiêu chí là thầy…yếu hoặc cao tuổi. Xe lên đầu quốc lộ 13 thăm thầy Phan Quang An, xong lên xa lộ Đại Hàn quẹo vô khu dân cư thăm thầy Lê Khác Thạnh. Rồi tiện đường lên Thủ Đức thăm thầy hiệu trưởng Lê Xuân Vịnh. Đích cuối cho bữa cơm trưa rôm rả là nhà thầy Võ Văn Thiên ở Long Khánh. Trên xe ngoài một số đồng môn, thường có thầy Nguyễn Hiền Tâm, thầy Phạm Xuân Dũng, thầy Cấn Phan Nhiếp và chị Lâm Hoàng Yến HD64. Vật đồi sao dời, do covid 19, cô An và cô Vịnh mất. Rồi sau covid, thầy An mất. Năm nay thầy Thạnh và thầy Vịnh mất. Cung đường thân quen xưa còn dâu! Khu rừng cổ thụ nhỏ, tôi hình tượng thầy xưa tôi như cổ thụ bởi trong tôi sự kính trọng cô thầy cũ là không phai nhòa, nay vắng dần. Cổ thụ bị sức mạnh vô hình của thời gian làm bật gốc! Rừng ngày càng thưa! Quên, chưa kể trước đó trên chục cô thầy cũng đã từ giả người thân đồng nghiệp, học trò như thầy Diệp, thầy Tòng, thầy Kỉnh Học, cô Kim Dung, thầy Lâu, thầy Lợi (mất bên Mỹ), thầy Thừa, thầy Lý, cô Cúc thầy Hiến, cô Hồng Mộng, cô Nghiệp (giám thị), thầy Trần Phước, thầy Thiếp (mất bên Úc), thầy Trúc (mất bên Pháp)…

            Hôm nay, thêm một đại thụ vừa từ giả khu rừng, thầy cựu Tổng giám thị khả kính Lê Vĩnh Tráng đả về nơi an lạc. Tôi cảm khái gởi thầy một nốt nhạc trầm hùng chia tay:

Thầy tôi…

Một đởi khí tiết rỡ ràng

Sĩ phu đất Quảng bình an về trời,

Thầy ơi!

Từ nay cách biệt, ngậm ngùi

Học trò bái tạ, tiễn Người an nhiên.

           Nghe tin thầy bên Mỹ sức khỏe không tốt, nghe tin thầy ở quê nhà đang nằm viện… học trò cũ có ai an lòng. Buồn hơn nữa, thầy bên Pháp, thầy bên Úc mất khá lâu tin mới tới học trò ở quê nhà. Biết nói sao, sinh lão bệnh tử là lẻ trời.

           Rừng thưa, đang thưa. Câu lạc bộ U100 của thầy Thiên chắc khó hoàn thành chỉ tiêu chục hội viên cho mình, nhưng vẫn còn hy vọng. Bây giờ thời tiết thất thường toàn thế giới, cây bị gió dữ làm bật gốc coi như lẻ tự nhiên, khó cưỡng! Không sao, cái cần là ráng sống thảnh thơi, mỗi ngày đều có nụ cười vui vẻ. Nụ cười đó có thể ít nhiều khởi nguồn từ sự chung tay của các đồng môn trong việc quan tâm chia sẻ chuyện chung đại gia đình TH Hoàng Diệu xưa!

TK Lực

             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét