31 tháng 10 2024

TÌNH NGƯỜI



 



Rob chưa bao giờ nói thật với con gái mình về công việc mà anh làm. Khi cô bé nũng nịu hỏi ba làm gì để kiếm tiền lo cho cho gia đình, thì anh nói anh làm việc trong văn phòng, và điều này khiến cô bé hài lòng, không thắc mắc gì thêm.

Thật ra Rob chỉ là một người lao công quét dọn trong các building của thành phố. Và mỗi ngày trước khi về nhà, anh đều tắm rửa cẩn thận trong các phòng tắm công cộng, không để lại tí mùi hôi nào khi ôm hôn vợ con.
Anh vốn được sinh ra trong khốn khó, và chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ từ ngay cả trong họ hàng của mình.
Rob chưa bao giờ dám mua ngay cả một đôi giày mới cho riêng mình, anh chỉ mua những đôi giày cũ còn dùng được trong cửa hàng bán quần áo cũ. Anh tiết kiệm từng đồng để lo cho con gái. Anh muốn con mình được bạn bè trong lớp tôn trọng, nên không thể để người khác biết anh là người quét dọn rác. Bởi vì anh hiểu, dưới con mắt của mọi người trong xã hội, những người lao công quét dọn như anh thường bị khinh khi, nhưng anh nhất quyết không để con mình bị nhục.
Năm tháng trôi qua, rồi con gái của anh cũng học xong high school và chuẩn bị vào college. Ngày được giấy báo vào trường, con gái mừng rỡ khoe với ba, kèm theo một lá thơ với số lệ phí mà con anh phải đóng để đăng ký nhập học. Số tiền không quá lớn đối với người khác, nhưng với anh, đó thật là một vấn đề nan giải.
Trước ngày cuối phải đóng tiền cho con, anh đi làm với tâm trạng rối bời. Anh không còn tâm trí để tập trung cho công việc. Khi các bạn đồng nghiệp chia nhau làm việc, anh ngồi thẫn thờ cạnh đống bao rác hôi thối, lòng buồn bã nghĩ đến con gái sẽ thất vọng biết bao khi anh không mang đủ tiền lệ phí về cho con đêm nay.
Kết thúc ngày làm việc, các đồng nghiệp kéo đến và hỏi anh: "Rob, cậu có coi tất cả chúng ta là anh em không?". Khi anh vẫn còn đang ngơ ngác, trả lời "Dĩ nhiên là vậy rồi", thì tất cả đều xòe tay ra. Trên tay mỗi người đều có số tiền mặt tương đương với một ngày công, và tất cả gom lại đưa cho anh.
Rob hoảng hốt từ chối, anh không thể lấy số tiền của những đồng nghiệp nghèo khó đã vất vả kiếm được suốt cả ngày. Nhưng một người trong số đó vẫn dúi tiền vào tay anh và nói:
"Chúng ta tất cả đều có thể nhịn đói ngày hôm nay, nhưng con gái của chúng ta nhất định phải vào Đại Học".
Lần đầu tiên trong đời, Rob trở về nhà với bộ quần áo lao công, không tắm rửa hay sửa soạn, anh không thể nói dối mãi với con gái về công việc của mình và tấm lòng nhân hậu của các bạn đồng nghiệp.
Năm tháng qua đi, con gái anh giờ đã tốt nghiệp Đại Học và tìm được một công việc khá. Cô nhất quyết không cho ba đi làm nữa. Nhưng điều lạ nhất là, cô hay cùng ba đi thăm những người đồng nghiệp xưa của anh, và cô luôn mua nhiều thức ăn đem đến cho họ.
Một ngày cô cùng cha lại đến thăm, một trong những người bạn cha cô vừa cười vừa hỏi:
"Này con gái, tại sao con luôn mang thức ăn đến cho chúng tôi thế?".
Vừa dọn thức ăn ra bàn, con gái anh mỉm cười trả lời:
"Bởi vì tất cả các chú đã nhịn đói ngày hôm đó, để con có được ngày hôm nay. Con ước gì có thể mua thức ăn đến cho các chú mỗi ngày ...".
Nguồn: The laborers
Từ fb Chau Nguyen Thi


BA MẸ CỦA MÌNH MÀ, SAO MÌNH LẠI KHÔNG THƯƠNG?
"Chúng ta còn ở gần cha mẹ được bao lâu nữa?"
Một câu hỏi được đặt ra từ thầy giáo với các học trò của mình, câu trả lời của thầy khiến bọn trẻ phải rơi nước mắt.
"Đi học như tụi con, cả ngày chỉ gặp ba mẹ chừng 1 giờ đồng hồ, đầu ngày vội vã, cuối ngày mỏi mệt.
Như vậy, một tháng các con gặp ba mẹ được 30 giờ, và một năm các con gặp ba mẹ được 360 giờ, tức là 15 ngày.
Hầu hết ba mẹ tụi con đều ở tuổi 50, và với một người tuổi 50, thật khó biết được ngày mai sẽ thế nào khi cuộc sống đầy căng thẳng, lo âu, tính toán.
Giả sử ba mẹ còn sống thêm với tụi con 20 năm nữa, tụi con chỉ còn 15 x 20 = 300 ngày ở cùng ba mẹ.
Còn nếu họ chỉ sống đến tuổi 60, số ngày còn lại cùng nhau sẽ giảm còn một nửa, 150 ngày, nghĩa là 5 tháng.
Còn nếu có bất trắc xảy ra, ngày mai họ chẳng còn, các con chỉ còn 1 giờ tối hôm nay nữa mà thôi để chuyện trò cùng họ.
Hãy nghĩ các con chỉ còn 1 giờ nữa thôi, các con sẽ quý đến dường nào 60 phút đó. Các con sẽ không còn trách móc, các con sẽ chẳng còn hờn giận, các con sẽ chẳng còn so sánh này khác về họ nữa.
- Vậy thì, trong một giờ ít ỏi đó mỗi ngày, các con hãy mở cửa phòng bước ra ngoài, cười với mẹ, nháy mắt với cha, quét cái nhà, chà cái bếp.
- Vậy thì, trong một giờ ít ỏi đó mỗi ngày, các con hãy xuống bếp, bới tô cơm mẹ nấu, múc những muỗng thật đầy, ăn như thể ngày mai không có mà ăn nữa. Gác chân lên ghế, nhai ngồm ngoàm, thật vô duyên vào, để nghe mẹ mắng đồ cái thứ to đầu vẫn vô duyên.
- Vậy thì trong một giờ ít ỏi đó, hãy nói chuyện thật nhiều cùng ba mẹ, hãy kể cho ba mẹ nghe những điều con nghĩ trong lòng, hãy nói về ước mơ của con, hãy hỏi cha cho lời khuyên mà ai trẻ cũng cần, để cho ba mẹ thấy con thương và cần có họ thế nào.
Trong một giờ ít ỏi đó, hãy làm cho căn nhà của con rộn rã tiếng cười, ấm áp yêu thương. Nhà của mình mà, tại sao lại biến nó thành chốn trọ. Ba mẹ của mình mà, tại sao lại biến họ thành người dưng! Yêu thương của mình mà, tại sao phải giấu kín. Ân huệ của mình mà, tại sao lại chối từ!"
Mình chỉ còn vỏn vẹn 1 giờ thôi... Ba mẹ của mình mà, sao mình lại không thương!

Sưu tầm


Di chúc

Năm sáu mươi tuổi ông đã nghĩ đến chuyện hậu sự của mình. Tuổi này là tri thiên mệnh. Già rồi thì cũng phải chết thôi, sống lâu chỉ thêm cực con cực cháu. Người quê hay bảo nhau như vậy.
Ông cứ nghĩ chắc đến lúc nhắm mắt chẳng đứa con đứa cháu nào khóc mình đâu. Đám ma ở quê to hay nhỏ là tùy vào tiếng khóc. Khóc to thì đám to, được dân làng khen. Nhiều người khóc tức là cháu con về đông. Cháu con có hiếu thì mới khóc gào thảm thiết. Hai năm trước, lúc bà cụ bạo bệnh tất cả mấy đứa con đứa cháu ở xa phải về đầy đủ. Đám ma của bà cụ rộn ràng nước mắt. Người làng bảo chết như thế cũng mãn nguyện. Cháu con mặc áo tang quấn khăn sô trắng bù loa bù luơ vịn vai nhau khóc như mưa.
Đám ma bà thì con cháu ồn ào như thế, nhưng ông lo đến đám ma mình chắc là im ắng. Khi bà bạo bệnh, ông đã bán đi một miếng đất to để lấy tiền chạy chữa cho bà. Không may bà đi nhanh quá, mất trên đường đưa tới bệnh viện. Ông biết bầy con cháu lũ lượt kéo về rồi tranh nhau khóc bà chỉ là để đám xong ông chia cho chúng cái phần tiền bán đất chưa dùng đấy thôi. Quý báu gì.
Ông bà sinh hạ được năm người con, ba trai hai gái. Nuôi nấng chăm bẵm từ nhỏ rồi lo lắng chuyện dựng vợ gả chồng cho tất cả. Nhà ông từ đời cụ cố đã làm nghề gỗ, truyền nghề lại cho tới đời của ông. Nghề gỗ cực nhưng lại có của để dành. Ở vùng này, ông bà thuộc dạng khá giả nhất nhì. Ông lo chuyện cưới gả cho con cái xong, còn cho tiền để chúng mua đất cất nhà. Riêng người con út thì ở cùng ông bà. Giàu con út khó con út. Ở trong nhà để sau này còn lo chuyện hương khói tổ tiên. Cái nhà ba gian rường cột gỗ lim bước vào đã thấy uy nghiêm. Mà đối với các con của ông thì riêng ngôi nhà này thôi đã là một khối tài sản đồ sộ chứ chẳng chơi. Chưa kể tiền ông còn trữ lại, chôn dưới đất hay giấu đâu đó. Thể nào thằng út chẳng là người hưởng trọn. Nghĩ vậy nên các anh các chị dù đã có nhà cửa bề thế ở ngoài tỉnh thỉnh thoảng về vẫn bóng gió kỳ cạnh.
Anh con út tức máu lên bảo các cô các bác thích của thì về đây mà sống với cụ. Được tiếng mà chẳng có miếng, lại hay bị nghi kỵ nên anh út cũng xin ra ở riêng. Sáu mươi tuổi rồi, sức tàn lực kiệt ông đành nhường cái nhà gỗ rường quý giá cho thằng con út. Ông đi dựng một ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở trong làng. Rồi các anh các chị về lại bảo thằng này khôn, ở riêng mà lại rất gần, vừa tự do vừa nhanh nhẩu khi bố gần nhắm mắt. Cái chữ nhanh nhẩu mà các anh các chị nói là ý bảo thừa cơ hội để lãnh hết của nả.
Ông nhận thấy có một sự đổ vỡ trong gia đình mình. Chẳng biết vì đâu nên nỗi. Ông bà cũng sống phúc đức chớ phải tàn ác gì cho cam. Thậm chí ông bà còn nức tiếng chuyện đi làm từ thiện, giúp đỡ người này người nọ. Phải chăng vì ông bà xởi lởi với mọi người quá nên các con bằng mọi giá phải vơ vét cho hết của ông. Sợ nước tràn qua ruộng kẻ khác, sợ tiền đổ ra cho thiên hạ ăn, phí phạm. Đám ma ông mà chúng nó không khóc thì thật vô phúc, dân làng sẽ cười chê. Ông lo là vì thế.
Năm đứa con đã không còn ai chịu ở với ông, chỉ thỉnh thoảng ghé về thăm ông thì ít mà nhòm ngó xem ông có chia chác gì không thì nhiều. Ông sống một mình, tự lo mọi chuyện ăn uống. May ông cũng còn khá khỏe để chẳng phiền đến ai, chỉ có điều buồn bạn và tủi thân. Rồi ông đi chùa, tham gia vào giáo hội, có thêm các ông các bà cùng chia sẻ. Đêm đêm ông tụng kinh, thấy lòng mình nhẹ đi rất nhiều.
Cũng từ dạo đi chùa đọc kinh ông nhận ra nhiều điều hay. Ví như triết lý cuộc sống là vô thường. Có đó mất đó. Ngay cái thân ta cũng là giả hợp. Nếu có chết đi thì chỉ là một sự luân chuyển, không nên quá đau buồn. Ông đi hộ niệm cùng hội trong các tiệc ma chay. Thấy đám chay người thân không khóc lóc mà chắp tay cầu cho vong linh được siêu thoát. Ông thay đổi nhanh chóng quan niệm về chuyện khóc to đám to. Giờ ông lại muốn bao giờ mình chết đi đừng ai khóc cả. Như thế thanh thản nhẹ nhàng hơn.
Bảy mươi tuổi, ông ăn chay trường và luôn tâm niệm thân xác này là cát bụi, mong chết đi con cháu đừng khóc lóc van lơn cho cát bụi được về với cát bụi an lành. Ai chứ con ông chắc khoản này khỏi lo, chúng chẳng rơi nước mắt đâu.
Suốt mấy hôm ông ngồi suy tính chẳng mấy hồi nữa là ông đi gặp bà, thôi viết cái di chúc để lại. Ở vùng quê này viết di chúc là chuyện hy hữu, vì mấy ai có của nả gì đáng đâu mà sợ con cái tranh nhau. Riêng ông, ông muốn viết di chúc để lại. Phòng khi ông mất thì con cái khỏi cấu xé ì xèo phân chia. Ba hôm ông viết xong di chúc. Ngày hôm sau ông lọ mọ chống gậy xuống xã xin công chứng. Phải có cái dấu đỏ của chính quyền đóng vào thì con ông chúng mới tin, chứ không rất dễ làm nảy sinh nghi ngờ tính xác thực của bản di chúc. Ông bỏ tờ giấy vào bì thư dán kín lại. Bên ngoài đề: Di chúc, lúc nào chôn tôi xong hãy mở.
Một tháng sau ông ra đi thanh thản. Con cháu về đông đủ cả, chẳng thiếu một ai, kể cả đứa bé mới năm tháng tuổi. Về đủ mặt mà chia mà tính cho rạch ròi. Dọn dẹp nhà cửa để lo đám, ai cũng tranh thủ lục hết chỗ này chỗ kia xem ông cất của nả ở đâu. Nhưng chả tìm được gì. Đêm trước ngày di quan, anh cả đi ra đi vào bảo vô lý, chắc chắn là ông còn nhiều lắm. Cất ở đâu thì chắc trong tờ giấy kia có ghi. Nôn nóng tò mò không chịu nổi đến ngày mai, tất cả quyết định mở di chúc.
Tờ giấy vỏn vẹn một câu: "Bố không còn gì để lại, vì thế các con đừng khóc nữa".
----
Tác giả : Hoàng Công Danh
Bài và ảnh sưu tầm




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét