10 tháng 10 2024

TÔI THƯƠNG CÁI GARDE MANGER CỦA NỘI VÌ... ĐÓ LÀ NƠI ĐỂ ĂN VỤNG....!

 


Hồi nhỏ, tôi hay thích ăn vụng. Mà hầu như đứa trẻ nào cũng vậy...!

Phải công nhận rằng ăn vụng rất thú vị, nó đã làm sao...!
Phải nói ngay là ăn vụng rất ngon, bao giờ cũng ngon hơn là ăn “bình thường, hợp pháp”.
Nơi đó là cả “kho tàng” thức ăn ngon, nào là đường tán hột xoài, sữa lon guigoz, tôm khô, nho khô, sữa đặc hiệu “Ông Thọ”, nồi thịt vịt kho sả, tôm rang,...
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những ai rất ghiền cái thú này nên mới phải ăn vụng hoặc có khi no bụng cũng thích ăn vụng vì... đói con mắt...!
Cảm giác hồi hộp, lo sợ Má và Bà thấy, khiến cho trái tim tôi đánh trống liên tục. Cứ nghe tiếng chó sủa ngoài, rồi tiếng con mèo nhảy qua cột kèo nhà, nó quay lại nhìn với đôi mắt xanh lè là cũng thót tim rồi...!
Mắt tôi cứ láo lia nhìn quanh xem có ai trong bếp không, tai cố lắng nghe những âm thanh lớn nhỏ phát ra..., mà mở chốt cửa garde manger...
Nhưng khổ nỗi, chiếc tủ quá cao, trong khi tôi thì còn nhỏ. Đang loay hoay tìm cách, chợt tôi nghĩ ngay đến chiếc ghế đẩu ở gần bàn ăn. Tôi vội mang đến, bước lên và mở tủ, bốc thức ăn nhai nhốp nhép, ngon ơi là ngon...!
Người ta nói: "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt" quả thật không sai!
Một lần, hai lần, ba lần..., không ai thấy. Nhưng rồi cũng đến lần nọ, Bà bắt gặp “tại trận” khi tôi chỉ mới thò tay cầm thức ăn.... Chúng tôi lớn dần trong tình thương của gia đình. Mọi ngóc ngách để đồ ăn trong tủ garde manger tôi đều thuộc lòng...! Cái tủ dùng để cất thức ăn tránh gián, chuột và để mèo không vào ăn vụng được.
Để tránh lũ kiến leo lên, Bà còn kê 4 cái chân trên cái tô cồn, đổ dầu hôi ngập nước. Tầng trên cùng thoáng mát bởi 3 phía được bao lưới, có cánh cửa với cái khóa làm bằng một miếng gỗ xoay ngang đóng bằng đinh guốc. Hai bên hông tủ, có đóng thêm hai nẹp gỗ để vắt thêm các loại dao dùng lớn nhỏ...
Thời gian cứ trôi đi, cái tủ ấy vẫn đứng yên bên góc bếp, có điều nó đã cũ đi rất nhiều, nó không còn là “kẻ đồng lõa” cho tôi “phạm tội” ăn vụng nữa...!
Cái garde manger đã gắn bó với người Việt Nam rất lâu đời. Nó góp phần đánh dấu một thời nghèo khó.
Cái tủ chứa đựng cả một thời khốn khó, hiếm có nhà nào có sơn hào hải vị chứa trong cái vật đơn sơ ấy. Nó bình dị nhưng là vật không thể thiếu trong nhà cùng là đôi bạn thân với cái bếp củi luôn có khói bay mù mịt khi nổi lửa.
Cái tủ đi vào tiềm thức tuổi thơ, thân thương không thể quên được, mà chắc ai cũng đã từng có một thời gắn bó sâu đậm với nó...!
Nhớ lắm...! Cái Garde Manger..!
Nhớ lắm những buổi trưa vắng lặng len lén đi xuống bếp... ăn vụng...!

ĐINH TRỰC

Ngôi mộ 4000 năm tuổi với 2 quan tài lồng vào nhau, tiết lộ bí mật khiến cả thế giới sửng sốt

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một ngôi mộ 4000 năm tuổi thuộc về con gái của một thống đốc Ai Cập cổ đại, với hai chiếc quan tài kỳ lạ lồng vào nhau.

Một phát hiện khảo cổ mới đây tại Ai Cập đã khiến giới khoa học và công chúng vô cùng bất ngờ. Các nhà khảo cổ học đã khai quật được một ngôi mộ 4.000 năm tuổi thuộc về Idi (con gái của Djefaihapi) - thống đốc tỉnh giàu có Asyut dưới thời Ai Cập cổ đại. Idi sống vào khoảng thời gian trị vì của Pharaoh Senwosret I (khoảng năm 1961-1917 trước Công nguyên). Điều đặc biệt trong phát hiện này là việc người phụ nữ được chôn cất trong hai chiếc quan tài, một chiếc nằm trong chiếc kia.

Theo tuyên bố từ Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, việc phát hiện hai chiếc quan tài còn nguyên vẹn và được bảo quản tốt là điều hiếm có. Điều này không chỉ giúp giữ lại cấu trúc cổ xưa mà còn cho thấy những văn bản phức tạp được khắc trên quan tài, hướng dẫn người đã khuất trong hành trình sang thế giới bên kia. Kathlyn Cooney - giáo sư về nghệ thuật và kiến trúc Ai Cập cổ đại nhận định, đây là một khám phá phi thường và có thể cung cấp những hiểu biết sâu hơn về tín ngưỡng Ai Cập cổ đại.

Ngôi mộ 4.000 năm tuổi, 2 quan tài lồng vào nhau và bí mật đầy sửng sốt



Ngội mộ 4.000 năm tuổi được khai quật và nhiều câu chuyện bất ngờ.

Phó giáo sư lịch sử tại Đại học Saskatchewan - Caroline Arbuckle, người không tham gia trực tiếp vào cuộc khai quật, cũng cho rằng các văn bản này có thể làm sáng tỏ thêm về quan niệm về thế giới bên kia của người Ai Cập.

Chi tiết về cuộc đời của Idi và phát hiện đặc biệt

Mặc dù ngôi mộ của Idi đã bị cướp phá từ thời cổ đại, một số phần bộ xương của bà vẫn được bảo tồn. Qua quá trình phân tích, các nhà khoa học kết luận rằng Idi có thể đã qua đời trước tuổi 40 và có dấu hiệu bị khuyết tật bẩm sinh ở một bàn chân. Chiếc quan tài bên ngoài dài 2,6 mét, trong khi chiếc bên trong có chiều dài 2,3 mét, tạo nên một cấu trúc chôn cất kỳ lạ và gây tò mò.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nắp quan tài và hai bức tượng gỗ nhỏ, trong đó một bức tượng có thể là hình ảnh của Idi. Nếu nhận định này đúng, bức tượng sẽ là một bổ sung quý giá vào kho dữ liệu hạn chế về các đồ vật tang lễ mô tả người đã khuất. Một bức tượng khác miêu tả một phụ nữ đang diễu hành, có thể là linh hồn của Idi đang rời khỏi ngôi mộ, theo nhận định của giáo sư Francesco Tiradritti từ Đại học Kore, Ý.

Một trong hai bức tượng có thể là hình ảnh của Idi.

Khám phá quan trọng về các văn tự cổ và đồ vật tang lễ

Nhà Ai Cập học Wolfram Grajetzki (nghiên cứu viên danh dự cấp cao tại Trường cao đẳng London) cho biết, chữ tượng hình trên quan tài mô tả Idi là "người phụ nữ của ngôi nhà". Grajetzki cũng nhấn mạnh rằng nhiều ngôi mộ tương tự đã được phát hiện ở Asyut trong suốt 130 năm qua và các hiện vật từ những cuộc khai quật này đang nằm rải rác khắp các bảo tàng trên thế giới. Tuy nhiên, việc tìm thấy ngôi mộ của Idi bởi một nhóm nghiên cứu hiện đại, cùng với dữ liệu đầy đủ, hứa hẹn sẽ mang lại những hiểu biết mới mẻ.


Những văn tự cổ trong ngôi mộ 4.000 năm tuổi.

Khám phá này không chỉ hé lộ về cuộc đời của một người phụ nữ sống trong thời kỳ Ai Cập cổ đại, mà còn cung cấp thêm thông tin quý giá về các nghi thức tang lễ, tín ngưỡng và quan niệm của người Ai Cập về cuộc sống sau cái chết. Đây là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực khảo cổ học và nghiên cứu về Ai Cập cổ đại.

Phạm Giang / Sao Star


NGƯỜI TẠO HÌNH ẢNH MẶT CƯỜI…

Harvey Ross Ball, một nhà thiết kế đồ họa đến từ Worcester, Massachusetts, được ghi nhận là người đã tạo ra hình ảnh mặt cười mang tính biểu tượng vào năm 1963. Ball được giao nhiệm vụ tạo ra một hình ảnh nhằm nâng cao tinh thần của các nhân viên tại một công ty bảo hiểm sau hàng loạt các cuộc sáp nhập và mua lại đầy khó khăn.
Trong vòng chưa đầy 10 phút, Ball hoàn thành thiết kế và nhận được 45 đô la tiền công cho công việc của mình. Công ty Bảo hiểm Nhân thọ State Mutual (nay là Allmerica Financial Corporation) đã in các áp phích, huy hiệu và biển báo trang trí bằng hình mặt cười vàng với hy vọng khiến nhân viên cười nhiều hơn. Dù không rõ liệu biểu tượng này có thực sự nâng cao tinh thần hay không, nhưng mặt cười ngay lập tức trở thành một hiện tượng và công ty đã sản xuất hàng ngàn chiếc huy hiệu mang hình ảnh đó.
Hình ảnh mặt cười nhanh chóng lan rộng và bị bắt chước vô tận. Tuy nhiên, theo Bill Wallace, Giám đốc Điều hành Bảo tàng Lịch sử Worcester, phiên bản mặt cười chính gốc của Harvey Ball có thể được nhận diện qua những đặc điểm khác biệt: đôi mắt hẹp hình bầu dục, với một mắt lớn hơn mắt kia, và miệng không phải là một vòng cung hoàn hảo mà giống như "nụ cười của Mona Lisa."
Cả Ball và công ty State Mutual đều không cố gắng đăng ký bản quyền hay thương hiệu cho thiết kế này, và đó là lý do hình ảnh mặt cười lan tỏa khắp thế giới, trở thành biểu tượng quen thuộc mà ai cũng nhận ra.

PANE E VINO -3 NGUYỄN KHẮC CẦN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét