.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

5 thích khách nổi tiếng nhất thời Trung Quốc cổ đại



Trong lịch sử, các thích khách, sát thủ có một chỗ đứng vô cùng độc đáo. Xoay quanh họ cũng có rất nhiều câu chuyện truyền kỳ còn lưu truyền hậu thế hàng nghìn năm. 
Các sát thủ, thích khách hiện lên như những trang nam nhi quả cảm và tuyệt đối trung thành. Họ thường được giao phó những nhiệm vụ để đời. Sức mạnh của họ đôi khi ngang với cả một đạo quân 10 vạn người, có thể làm nên những chuyện kinh thiên động địa. 
Sử gia nổi tiếng nhà Hán là Tư Mã Thiên đã tổng hợp và viết hẳn 1 chương chuyên về các nhân vật này trong tác phẩm “Sử Ký” bất hủ của mình, gọi là “Thích Khách Liệt Truyện”. Những câu chuyện dưới đây chính là kể về những thích khách xuất hiện trong “Sử Ký”. 
1. Chuyên Chư thích sát Ngô Vương Liêu
Vào thế kỷ thứ 6 TCN, Trung Hoa bước vào thời Xuân Thu. Các chư hầu tranh nhau trở thành bá chủ. Lúc đó có một hảo hán nước Ngô tên là Chuyên Chư. Người này mắt sâu miệng lớn, lưng hùm vai gấu, oai hùng hữu lực, lại khẳng khái, ghét chuyện bất bình nên hay can thiệp, đánh nhau với đám vô lại ngoài đường. Tuy vậy, Chuyên Chư lại rất có hiếu với mẫu thân, chỉ cần mẹ nói một lời là anh ta sẽ ngay lập tức ngừng mọi chuyện xô xát. 
Vào thời điểm đó, nước Ngô đang chìm trong cuộc khủng hoảng thừa kế ngôi vị. Công tử Quang bị Ngô vương Liêu lừa gạt lấy mất ngai vàng nên lúc nào cũng nuôi chí đoạt vị, đã nghĩ đến việc thích sát.  
Ngũ Tử Tư lúc này đang làm tướng dưới trướng Công tử Quang thấy vậy bèn tiến cử Chuyên Chư đi ám sát Ngô vương. Câu chuyện này được kể lại rất chi tiết trong cuốn tiểu thuyết có tên là “Đông Chu Liệt Quốc” của Phùng Mộng Long. 
Chuyên Chư thích sát Ngô vương Liêu. Ảnh dẫn theo uuread.cc
Lúc đầu, Chuyên Chư cũng do dự chưa nhận lời nhưng ông ra nhanh chóng nhận ra rằng Ngô vương Liêu chính là một bạo chúa. Thêm vào đó, công tử Quang đã hứa nếu Chuyên Chư ám sát Ngô vương thành công thì sẽ cho mẹ của anh ta một cuộc sống vương giả, huy hoàng đến cuối đời. Vì thế, Chuyên Chư cuối cùng đã sảng khoái mà nhận lời, không do dự.
Khi biết Chuyên Chư chuẩn bị thực hiện sứ mệnh, để cho con mình không phân tâm mà làm hỏng việc, mẹ của ông ta đã treo cổ tự vẫn. Bà tin rằng nhiệm vụ chỉ có thể hoàn thành nếu Chuyên Chư toàn tâm toàn ý. Nếu trong tâm trí ông vẫn còn hình ảnh của bà thì sẽ ảnh hưởng đến đại sự. Chứng kiến cái chết của mẹ, Chuyên Chư biết rằng ông không được phép thất baị.
Nhưng Ngô vương Liêu vốn là người rất cẩn thận. Bất cứ nơi nào, lúc nào ông đều đi cùng với một đạo quân hộ vệ có tới hàng trăm cận vệ tinh nhuệ vây quanh. Trên người Ngô vương còn mặc áo giáp bảo vệ 3 lớp. Kể cả một người khổng lồ như Chuyên Chư cũng không hy vọng có thể đụng đến được cái lông chân của ông. 
Ngô vương Liêu có sở thích ăn ngon nên Chuyên Chư đã cải trang đi học làm bếp để làm món cá tuyệt ngon rồi chờ cơ hội hành thích. Một hôm, nhân khi Ngô vương tổ chức một bữa tiệc lớn, Chuyên Chư đã dâng lên món cá kia. Chuyên Chư đã bị khám xét rất kỹ, đồng thời phải thay đồ mới được vào gần vua. Mọi thứ đều bình thường cho đến lúc ông quỳ gối trước Ngô vương để trình món ăn với 2 vệ sĩ vũ trang đầy đủ kè kè sau lưng.
Ngô vương Liêu bị mùi thơm hấp dẫn tỏa ra từ món cá thu hút, bỗng lơi là cảnh giác. Nhanh như chớp, Chuyên Chư bật dậy, cho tay vào bụng con cá và rút ra 1 thanh chủy thủ bén ngót. Chỉ trong một cái nháy mắt, ông đã đâm xuyên lưỡi dao qua 3 lớp áo giáp, thấu đến tận tim của nhà vua xấu số. Tất cả nỗ lực bảo vệ đều tan thành mây khói.
Hàng trăm lính cận vệ nhảy bổ vào băm vằm Chuyên Chư. Nhưng đã quá trễ, Ngô vương Liêu đã chết. Tất cả đều phải tuyên thệ trung thành với vị vua mới là Công tử Quang, tức Hạp Lư sau này. 
2. Yêu Ly ám sát Khánh Kỵ
Câu chuyện về Yêu Ly, một sát thủ khác của nước Ngô, tuy không được biên trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên nhưng lại xuất hiện trong những câu chuyện về thời Chiến Quốc. 
Không lâu sau khi Ngô vương Liêu băng hà, công tử Quang lên ngôi lấy hiệu là Hạp Lư vô cùng lo lắng người con của Ngô vương là Khánh Kỵ sẽ dấy binh báo thù. Hạp Lư lại một lần nữa vấn kế Ngũ Tử Tư.
Khi Ngũ Tử Tư tiến cử Yêu Ly, Hạp Lư cảm thấy không yên tâm cho lắm vì Yêu Ly chỉ là một người thấp bé cao khoảng 1,6 mét, yếu đuối và xấu xí.
Tuy vậy, Ngũ Tử Tư vẫn cam đoan với Hạp Lư rằng Yêu Ly chính là sự hoàn hảo cho nhiệm vụ cực kỳ gian khó và nguy hiểm này. 
Yêu Ly ám sát Khánh Kỵ. Ảnh minh họa dẫn theo hdonline.vn
Thời điểm này, Khánh Kỵ đang gấp rút xây dựng quân đội để lật đổ Hạp Lư. Yêu Ly đã thi hành “Khổ nhục kế”, để Ngũ Tử Tư chặt cụt một cánh tay và giết hết cả nhà mình. Sau đó, Yêu Ly đào tẩu sang doanh trại của Khánh Kỵ, thề nguyền trung thành để báo thù Hạp Lư.
Khánh Kỵ dĩ nhiên không tin ngay từ đầu. Khi thám tử của Khánh Kỵ từ Ngô trở về, xác nhận chuyện cả nhà Yêu Ly bị giết thì Khánh Kỵ mới hoàn toàn tin tưởng, thu nạp Yêu Ly về dưới trướng. 
Một thời gian sau, Khánh Kỵ chuẩn bị hội quân với nước Ngụy để tiến đánh Ngô vương. Khi Khánh Kỵ cùng hạm đội của mình vượt sông Dương Tử, Yêu Ly cắp giáo đứng hầu bằng cánh tay còn lại ngay cạnh ông ta, bên dưới lá đại kỳ. Đó là một ngày gió mạnh, khi Khánh Kỵ nhắm mắt lại vì gió mạnh tạt vào mặt, Yêu Ly không phí một giây, đâm suốt ngọn giáo vào lưng ông ta.
Nhưng Khánh Kỵ vốn là người cực kỳ khỏe mạnh, xách ngược Yêu Ly lên dìm đầu xuống nước 3 lần rồi lại để lên trên đầu gối, cúi nhìn rồi cười mà bảo rằng: “Thiên hạ còn có dũng sĩ dám cả gan đâm ta!“. 
Quân sĩ bèn xúm lại định đâm Yêu Ly, Khánh Kỵ gạt đi mà bảo rằng: “Người này là dũng sĩ! Chớ nên trong một ngày mà để chết hai dũng sĩ của thiên hạ. Đừng giết hắn làm gì, nên tha cho hắn về Ngô để tỏ lòng trung của hắn“. 
Khi nhiệm vụ kết thúc, Yêu Ly tự cho là mình bất nhân, bất nghĩa, bất trí: “Vì đạo thờ vua mà giết cả vợ con, thế là bất nhân. Vì vua mới mà giết con vua cũ, thế là bất nghĩa. Nên việc cho người mà đến nỗi tàn hại cả thân thể, cả vợ con, thế là bất trí. Đã phạm ba điều ấy, còn mặt nũi nào mà đứng trên cõi đời nữa!“. Sau đó, ông nhảy xuống sông Dương Tử mà tự sát. 
3. Tào Mạt uy hiếp Tề Hoàn Công
Đây là câu chuyện xảy ra 200 năm trước thời đại của Chuyên Chư và Yêu Ly. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7 TCN, Tề Hoàn Công, vua của nước Tề đã chinh phạt rất nhiều lãnh thổ chư hầu để xây dựng nghiệp bá. Với sự trợ giúp của Tướng quốc Quản Trọng tài ba, Tề Hoàn Công đã đưa nước Tề trở thành bá chủ mạnh nhất trong các chư hầu. 
Tào Mạt uy hiếp Tề Hoàn Công. Ảnh minh họa dẫn theo gs5000.cn
Nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử, nằm sát bên nước Tề. Rất nhiều cuộc xung đột đã diễn ra giữa hai nước mà Lỗ chính là nước bị thiệt hại, mất rất nhiều lãnh thổ cho Tề. Bởi thế vua Lỗ Trang Công rất căm giận. 
Khi Tề Hoàn Công tổ chức hội chư hầu, Lỗ Trang Công căm nước Tề không đến dự. Vua Tề muốn đánh, nhưng theo lời Quản Trọng, bèn quyết định dùng lễ trước, nên đánh diệt nước Toại nhỏ bé bên cạnh nước Lỗ để doạ Lỗ, rồi viết thư sang Lỗ, hẹn Lỗ Trang Công ở ấp Kha để ăn thề.
Vua Lỗ lo lắng, biết không thể từ chối, bèn đi dự hội, hỏi ai có thể theo đi, Tào Mạt xin theo hầu. Trang Công hỏi ông về việc để 3 lần thua trận, ông nói: “Chỉ vì bị thua nước Tề ba lần nên tôi mới xin theo chúa công để rửa những điều nhục nhã đó!“. 
Ban đầu Lỗ Trang Công sợ Tào Mạt làm mất thể diện, nhưng sau đó thấy Tào Mạt khẩn khoản, Trang Công bằng lòng.
Đến ấp Kha, Hoàn Công và Trang Công đã thề ở trên đàn. Tào Mạt cầm chuỳ thủ đi theo hộ vệ vua Lỗ. Hai vua vừa làm lễ xong, Tào Mạt cầm chùy thủ bước sấn đến chỗ Tề Hoàn Công, nắm lấy tay áo đe doạ. Các quan hầu cận của Hoàn Công không ai dám động.
Hoàn Công hỏi: “Nhà ngươi muốn gì?”
Tào Mạt nói: “Tề mạnh, Lỗ yếu, nước lớn xâm phạm nước Lỗ đã quá lắm. Nay thành nước Lỗ nếu sụp đổ thì đè cả đất Tề, nhà vua liệu đấy!”
Quản Trọng vội đứng lại che chắn cho vua Tề và khuyên vua Tề nhận lời.
Tề Hoàn Công bèn hứa trả tất cả đất đai đã chiếm đoạt trước cho Lỗ. Nói xong, Tào Mạt ném chùy thủ xuống đàn, ngoảnh mặt về hướng Bắc đến chỗ đứng của bầy tôi, sắc mặt không thay đổi, nói năng vẫn ôn hoà như thường.
Tề Hoàn Công tức giận, muốn bỏ điều hứa. Quản Trọng nói: “Không nên, nếu tham cái lợi nhỏ để cho thỏa thích mình, bỏ tín nghĩa đối với chư hầu, thì mất sự giúp đỡ của thiên hạ. Chi bằng cứ cho là hơn”.
Hoàn Công bèn trả lại những đất Lỗ đã bị Tề xâm chiếm, các đất đai đã mất sau ba lần Tào Mạt đánh thua đều được trao lại cho nước Lỗ.
Tôn Tử, tác giả của “Tôn Tử binh pháp” coi việc không đánh mà người tự khuất là đỉnh cao nhất của thuật dụng binh. Theo nguyên tắc này thì Tào Mạt mặc dù không thật sự giết Tề Hoàn Công nhưng vẫn đạt được mục đích của mình nhờ lòng quả cảm và võ công cao cường. Câu chuyện của ông cũng được ghi vào “Thích Khách liệt truyện” của Tư Mã Thiên.
Lòng dũng cảm của ông được đời sau truyền tụng. Tề Hoàn công giữ lời hứa với nước Lỗ nên được các chư hầu thần phục, trở thành bá chủ chư hầu đầu tiên thời Xuân Thu.

Điều gì khiến người Sparta trở thành những chiến binh thiện chiến nhất mọi thời đại?


Có thể bạn đã từng xem bộ phim “300”, miêu tả cuộc chiến không tưởng giữa 300 chiến binh Sparta và khoảng 1 triệu quân Ba Tư. Những chiến binh quả cảm cuối cùng cũng ngã xuống nhưng câu chuyện huyền thoại đó một lần nữa chứng minh ý chí quật cường, sức mạnh khó tin của người Sparta. Vậy đâu là điểm khởi đầu cho câu chuyện ấy? 
Thành bang cổ Sparta của Hy Lạp nổi tiếng là một vùng đất của nghệ thuật chiến tranh, người ta còn gọi đó là “trại lính”. Và nó cũng đúng là một trại lính thực thụ. Ở đây, những công việc không liên quan tới chinh chiến và chính trị thường được giao cho nô lệ, để các công dân có thể tập trung chuyên tâm rèn luyện.
Công dân nam ở Sparta thường bắt đầu được dạy về các kĩ năng giao chiến khi chỉ mới 7 tuổi. Đến năm 20 tuổi, họ sẽ được gia nhập vào quân đội. Vậy điều gì đã khiến người Sparta đầu tư và phát triển thành công một hệ thống quân sự kỉ cương vào dạng bậc nhất Hy Lạp thời đó? 
Cuộc sống quân đội
Tất cả mọi công dân nam ở Sparta, dưới 60 tuổi, đều được nhìn nhận với tư cách là một người lính. Một cuộc đời đầy khói lửa của người Sparta bắt đầu ngay từ khi họ được sinh ra. Khi chỉ mới 7 tuổi, những cậu bé Sparta đã bị tách ra khỏi gia đình để đưa vào trại huấn luyện, còn gọi là các “agoge”, và bắt đầu chương trình giáo dục thể chất đầy khắt khe. 
Ảnh dẫn theo soha.vn
Đây sẽ là nơi những đứa trẻ chiến đấu và sinh hoạt theo kỷ luật sắt: Ngủ trên giường cứng lót sậy, chỉ được phát một bộ quần áo để mặc suốt cả năm. Ngoài ra, các cậu bé còn được dạy đọc, viết, văn thơ, và chính trị. Tuy vậy, hầu hết nội dung của chương trình bao gồm các phương pháp nâng cao sự bền bỉ, độ dẻo dai, cũng như các kĩ năng sinh tồn.
Thậm chí, những đứa trẻ còn cố tình bị bỏ đói để tự học cách ăn vụng đồ ăn mà không bị bắt. Nếu bị phát hiện, chúng sẽ bị trừng phạt. Ngoài ra, chịu đòn thường xuyên cũng là một phương pháp huấn luyện để tập chịu đựng đau đớn. Đến năm 18 – 19 tuổi, các thanh niên Sparta sẽ được huấn luyện quân sự kĩ càng hơn. Cho đến năm 20 tuổi, họ chính thức trở thành một người lính, một thành viên trong hệ thống quân đội quốc gia. 
Những chiến binh Sparta sinh hoạt như một cộng đồng trong những trại quân sự và ăn uống ở những sảnh ăn gọi là syssition”. Để tập trung rèn luyện, tránh xao lãng, họ bị cấm không được tích trữ tài sản, không được sống sung túc hay được mặc quần áo đắt tiền, cũng không được tham gia các hoạt động giải trí. 
Nhà sử học Plutarch từng mô tả trại quân sự Sparta là một nơi không hề có những vũ nữ biểu diễn mua vui cho binh lính. Vào thời gian rảnh rỗi, họ vẫn tiếp tục rèn luyện các kỹ năng giao chiến. Các chiến binh Sparta phải sống với nhau và không được phép kết hôn cho đến năm 30 tuổi. Chỉ đến lúc đó, họ mới được coi như những người lính dày dạn kinh nghiệm và được quyền lập gia đình, cũng như làm những công việc riêng khác. Tuy vậy, họ chỉ được nghỉ hưu hoàn toàn khi đã tròn 60 tuổi.  
Cha đẻ của thành Sparta 
Các nhà lịch sử học đều đồng quan điểm rằng những kỉ cương đầy nghiêm khắc trong quân đội đều được sáng lập bởi cha đẻ của thành Sparta, Lycurgus. Plutarch cho rằng ông được sinh ra vào khoảng thời gian trước năm 772 TCN. Theo nhà sử học Hy Lạp Herodotus, Lycurgus là em trai của vua Sparta. 
Tuy là người bảo hộ cho cháu trai của mình, ông đã quyết định viễn du đến đảo Crete để học cách xây dựng một xã hội tốt hơn dựa trên nền tảng kỉ cương, luôn sẵn sàng trước mọi hiểm họa. Trước khoảng thời gian đó, Herodotus cho rằng nền cai trị Sparta là một trong những xã hội tệ nhất thời Hy Lạp xưa. 
Một điển tích đã kể lại rằng Lycurgus đã áp dụng hệ thống hiến pháp trên quê hương mình thông qua một lời sấm truyền của Pythia, nữ tiên tri ở đền Delphi. Ngoài ra, theo lời kể của Plutarch, trong suốt cuộc hành trình cả mình, ông còn ghé thăm cả vương quốc Ai Cập cổ đại. 
Hiện tại, các nhà sử học vẫn đang tranh cãi xem Lycurgus có phải là nhân vật có thật trong lịch sử hay không hay chỉ là một nhân vật trong truyền thuyết. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng ông chính là người sáng lập ra hệ thống giáo dục agoge, cũng như Hội đồng bô lão Sparta (Gerousia). Sau khi Lycurgus qua đời, một đền thờ đã được dựng lên để tưởng nhớ ông. 
Tranh vẽ Lycurgus: Ảnh dẫn theo federicoberti.it
Người Helot 
Một trong những nguyên nhân khiến người Sparta phải xây dựng một chế độ quân sự nghiêm khắc chính là nguy cơ về một cuộc nổi loạn của các nô lệ luôn chực chờ. Vào thế kỉ thứ 8 TCN, nhà sử học Thucydides viết rằng người Sparta đã đem quân sang xâm lược vùng Messenia và đặt nền đô hộ trên một phần vùng đất này. Sau này, hậu duệ của người Messenia chính là người Helot.
Trong cuốn “Địa lý”, nhà triết học Strabo kể rằng ban đầu người Helot được yêu cầu phải nộp cống vật cho Sparta. Tuy nhiên họ đã từ chối, chiến tranh xảy ra và họ trở thành nô lệ. Tuy vậy, bất chấp nguồn gốc của mình, người Helot vẫn tạo thành một cộng đồng đông đảo và gắn kết hơn so với người Sparta. 
Hơn nữa, việc sống chung với gia đình chính là điều làm họ khác biệt so với những vùng khác, nơi nô lệ bị tách ra khỏi cộng đồng của mình. Chính sự gắn kết chặt chẽ này, cùng với dân số áp đảo khiến cho các cuộc bạo động xảy ra rất thường xuyên. Điều này khiến cho người Sparta luôn phải cảnh giác, và luôn sẵn sàng về mặt quân sự để có thể chinh chiến và bảo vệ cuộc sống của họ khi cần thiết. 
Ảnh dẫn theo: twcenter.net
Vũ khí lợi hại nhất của chiến binh Sparta 
Không phải kiếm, thương hay khiên giáp, vũ khí làm nên tên tuổi của các chiến binh Sparta huyền thoại là một loại võ công có tên: Pankration. Người Hy Lạp cho rằng, Pankration là võ công do 2 người anh hùng huyền thoại Hercules và Theseus sáng tạo ra trong những cuộc chiến thần thánh của mình.
Người ta đoán rằng, Pankration có lẽ bắt đầu được sử dụng từ khoảng thế kỷ thứ 7 TCN. Pankration có chiêu thức khá đơn giản, số lượng không nhiều nhưng mỗi đòn tung ra đều có sức sát thương rất lớn, có thể khiến đối phương choáng váng. Ở cự ly gần, sức mạnh của Pankration được phát huy đầy đủ nhất với các đòn: quyền, cước, chỏ gối và khoá cổ. Quyền bao gồm: Đấm thẳng, móc vòng và móc hàm. Cước gồm: Đá thẳng ra trước, đá vòng cầu và đá quét chân.
Trong thực chiến, kỹ năng Pankration giúp các chiến binh có thể mau chóng hạ gục đối phương, giành thế thượng phong trên chiến trường. Điều đó cũng giải thích vì sao các chiến binh Sparta có thể “1 chọi 10” trong các trận chiến.
Ví dụ minh hoạ sinh động nhất cho kỹ năng này chính là trận Thermopylae, nơi 7.000 binh lính (có 300 lính Sparta tinh nhuệ), vua Leonidas đã giữ vững con đường tiến vào Hy Lạp gần 2 ngày trước đạo quân Ba Tư lên tới gần 300.000 người.
Theo Ancient Origins 
Minh Quang biên dịch 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.