20 tháng 6 2024

TỔNG ĐÀI THỜI THƠ ẤU

 


Khi tôi còn nhỏ xíu, gia đình tôi nằm trong số ít những gia đình đầu tiên có điện thoại trong vùng. Vâng, tôi còn nhớ rất rõ cái hộp bằng gỗ sồi gắn vào tường ở chỗ chân cầu thang tầng cuối ngôi nhà. Cái ống nghe được gắn một bên cái hộp. Tôi cũng còn nhớ rõ số điện thoại của nhà, số 105. Hồi ấy, tôi hãy còn rất bé để với tới cái ống nghe, nhưng tôi thường lắng nghe một cách say mê khi mẹ tôi nói vào máy. Một lần, mẹ tôi nhấc ống nghe lên nói chuyện với cha tôi đang đi xa vì chuyện làm ăn. Thật là kỳ diệu. Thế rồi tôi tưởng tượng ra ở nơi nào đó, bên trong cái dụng cụ kia, có một nhân vật kỳ diệu trú ẩn, người này có tên Information Please (Tổng Ðài), và không có điều gì mà người phụ nữ ấy lại không biết tới. Mẹ tôi có thể hỏi bà ấy số điện thoại của một người nào đó, và khi cái đồng hồ của tôi chết, Tổng Ðài có thể nối cho chúng tôi giờ đúng ngay tức thì.
Kinh nghiệm riêng của tôi có liên quan đến “thiên tài trong ống nghe” này xảy ra vào một ngày khi mẹ tôi đi thăm một nhà hàng xóm. Lúc bấy giờ tôi đang nghịch chơi trên cái ghế bào ở trong căn hầm dưới nhà (basement) và tôi đã để cái búa đập vào ngón tay mình. Ðau thấu trời xanh nhưng tôi biết khóc chẳng ích gì vì không có ai trong nhà để an ủi vỗ về tôi. Tôi đi quanh quanh trong nhà, cho ngón tay đau vào miệng mút, cuối cùng tôi bước tới chân cầu thang. A, cái điện thoại! Thế là tôi chạy nhanh đi lấy cái ghế đẩu ở phòng khách kéo nó tới dưới chân cái hộp điện thoại. Rồi tôi trèo lên, lấy cái ống nghe ra khỏi móc, đặt nó vào tai. “Xin tổng đài, ạ.” Tôi nói vào cái máy.
Một hai tiếng lích kích, và rồi một giọng trong trẻo nói vào tai tên. “Tổng đài nghe.”
“Tôi bị thương đau ở tay.” Tôi rên rỉ trong điện thoại. Nước mắt tuôn ra, giờ đây tôi đã có người nghe mình nói.
“Mẹ cháu không có nhà sao?” người phụ nữ trong hộp máy hỏi.
“Chỉ mình cháu ở nhà thôi, hu hu.” Tôi bù lu bù loa.
“Cháu bị chảy máu không?”
“Dạ, không ạ,” Tôi trả lời.
“Cháu vô ý để cái búa đập vào ngón tay đau quá là đau.”
“Cháu có thể mở tủ đá ra không?” Cô hỏi. Và tôi trả lời là có.
“Vậy cháu đập ra lấy một cục nhỏ rồi chơm vào ngón tay đau. Cái đó sẽ làm cháu hết đau đấy. Nhưng cẩn thận đừng để đầu nhọn cục đá chích vào tay.” Rồi cô dỗ dành tôi. “Ðừng khóc. Cháu sẽ khỏi thôi.”
Sau buổi đó, tôi gọi Tổng Ðài về bất cứ chuyện gì. Tôi xin giúp giải thích giúp tôi một câu trong bài học địa lý và cô cho tôi biết Philadelphia nằm ở đâu, và cô cũng cho tôi biết về sông Orinoco, con sông thơ mộng mà sau này khi lớn lên tôi sẽ khám phá. Cô giúp tôi giải bài toán số học và cho tôi biết con chuột sóc ăn trái cây và các loại hột, tôi vừa mới bắt được một con ngày hôm trước ở công viên.
Một hôm, con chim hoàng yến có tên Petey của tôi gục chết. Tôi gọi Tổng Ðài kể cho cô nghe tin buồn. Cô lắng nghe và nói những điều thông thường để an ủi một đứa bé. Nhưng tôi vẫn không nguôi thương tiếc con chim. Tại sao những con chim ca hát lộng lẫy như thế, mang niềm vui đến cho mọi người mọi gia đình, mà rồi gục xuống chỉ còn một đống lông trong lồng.
Hẳn là cô ấy cảm nhận nỗi đau đớn sâu xa của tôi, nên cô dịu dàng nói: “Nè Paul ơi, cháu luôn nhớ rằng có những thế giới khác để chim hót ca.”
Rồi tôi cũng cảm thấy nguôi ngoai.
Lại một hôm khác, tôi gọi Tổng Ðài và nghe một tiếng nói thân thiết. Tôi nhờ cô cho biết cách viết của từ FIX. Cô vừa cất tiếng thì con em gái của tôi, vốn thích thú làm cho tôi sợ hãi, nhảy từ trên các bậc thang xuống người tôi, miệng kêu một tiếng “Yaaaaaaaaaa!” kinh khiếp. Tôi té xuống khỏi cái ghế đẩu, kéo đứt cái ống nghe ra khỏi hộp điện thoại. Cả tôi và con em đều kinh hãi. Tổng Ðài không còn đó nữa, và tôi không biết là mình có làm cho cô ấy bị thương không khi tôi giật đứt cái ống nghe.
Nhiều phút sau, một người đàn ông xuất hiện trước cửa nhà tôi. Ông ta nói: “Tôi là nhân viên bảo trì điện thoại. Tôi đang làm việc ngoài phố thì nghe Tổng Ðài cho biết có trở ngại gì đó ở số này.” Ông cầm lấy cái ống nghe trong tay tôi và hỏi: “Chuyện gì xảy ra thế?”
Tôi kể câu chuyện cho ông nghe.
Ông nói: “Ðược rồi. Ta sẽ sửa lại trong giây lát thôi.” Ðoạn ông mở cái hộp điện thoại, lôi ra một nùi dây nhợ, sắp xếp và nối kết lại, rồi nhấp thử cái nút ở ống nghe mấy lần, cuối cùng ông nói vào máy: “Tôi là Pete đây. Mọi thứ đã đâu vào đấy ở số 105. Con em gái làm cho thằng bé hoảng sợ và giật đứt sợi dây ở ống nghe.”
Ông mắc điện thoại lên, mỉm cười và vỗ nhẹ lên đầu tôi, đoạn bước ra.
Tất cả những chuyện này xảy ra trong một thành phố nhỏ ở miền Tây Bắc ven Thái Bình Dương. Sau đó, khi tôi lên chín, cả nhà dọn qua Boston và tôi nhớ cô quay quắt. Tổng Ðài vẫn nằm trong cái hộp ở ngôi nhà xưa, và tôi không muốn gọi thử cái điện thoại cao lênh khênh đặt ở cái bàn trong phòng.
Tôi dần khôn lớn nhưng vẫn không quên những buổi chuyện trò thời thơ ấu, và những khi tâm trí cảm thấy nghi hoặc hay ngần ngại về một việc gì tôi lại nhớ tới cái cảm giác bình yên và tin cậy khi nhận được câu trả lời chính xác từ máy nghe. Tôi thật sự biết ơn người phụ nữ dịu dàng, tử tế và kiên nhẫn đã mất thì giờ. Vì một chú bé con.
Một vài năm sau, khi tôi sang miền Tây vào đại học, máy bay ngừng cánh ở Seattle. Tôi có nửa tiếng đồng hồ rảnh ngồi chờ chuyến bay kế tiếp, và tôi đã dùng điện thoại chuyện trò với em gái tôi đang sống trong vùng này. Thế rồi, hoàn toàn không chút ý thức, tôi gọi tới thành phố tôi, và nói: “Xin cho tôi gặp Tổng Ðài ạ.”
Thật là kỳ diệu, tôi gặp lại giọng nói trong trẻo thuở nào: “Tổng Ðài tôi nghe đây.”
Tôi hoàn toàn không dự tính khi nói: “Cô làm ơn cho tôi biết chữ Fix viết như thế nào ạ.”
Im lặng một lúc lâu. Rồi có tiếng trả lời thật dịu dàng. “Tôi nghĩ là ngón tay của cháu bây giờ đã hết đau rồi, phải không?”
Tôi cười lớn. “Thế là cô vẫn còn ở đấy. Cô biết không, cô có ý nghĩa như thế nào trong suốt thời thơ ấu ấy.”
“Cô cũng thấy cháu vô cùng có ý nghĩa đối với cô,” Tổng Ðài nói. “Cô không có con cái, cho nên cô thường mong cháu gọi tới. Thật là kỳ cục, cháu nhỉ?”
Tôi nghĩ, không có gì kỳ cục hết đâu. Tôi cho cô biết là bao năm qua tôi vẫn hằng nghĩ đến cô. Và tôi hỏi tôi có thể gọi cho cô lần sau khi tôi ghé thăm em gái tôi không.”
“Tất nhiên rồi, cháu cứ hỏi Sally.”
“Tạm biệt cô Sally.” Tổng Ðài mà cũng có tên riêng, thật là điều lạ. Nếu rồi đây cháu gặp bất cứ con chuột sóc nào, cháu sẽ bảo nó cứ ăn quả và hột, cô nhé.”
“Ồ, cháu cứ làm thế nhé.” Cô nói. “Và cô mong một ngày gần đây cháu sẽ đi tới con sông thơ mộng Orinoco. Giờ, cô tạm biệt cháu nhé.”
Ba tháng sau, tôi trở lại Seatltle lần nữa. Một giọng nói khác trả lời tôi trong điện thoại. Khi tôi nói muốn gặp Sally thì giọng nói đó hỏi: “Anh có phải là bạn cô ấy không?” Tôi trả lời phải thì người ấy nói: “Tôi rất buồn báo cho anh biết gần đây Sally chỉ làm bán thời gian thôi vì cô ấy bị bệnh. Cô ấy đã qua đời cách đây năm tuần lễ.” Trước khi tôi rời máy, người đó bảo: “Chờ một chút. Có phải tên anh là Villiard không?”
“Phải.”
“Vâng, Sally có nhắn tin lại cho anh. Cô ấy viết nó ra giấy.”
“Gì thế ạ?” Tôi hỏi, nhưng đã biết cô Sally muốn nói gì.
“Ðây rồi. Tôi đọc nha. Nói cho Paul biết là tôi vẫn nghĩ còn những thế giới khác cho con chim nó hót. Paul sẽ biết tôi muốn nói gì.”
Tôi cảm ơn và gác máy. Tôi đã biết điều cô Sally muốn nói.

Paul Villiard



KHÓI BẾP

Người ta nói vợ chồng lấy được nhau là phải có duyên có nợ.
Duyên còn - nợ hết, thì ắt phải chia ly.
Nếu còn duyên - còn nợ, thì có buông rồi cũng lại tìm về với nhau.
Chị sinh ra ở một xóm nghèo thành phố. Khi chị 10 tuổi thì ba má bị tai nạn qua đời. Bà ngoại nấu xôi, lọ mọ ra đầu đường bán, nuôi đứa cháu côi cút ăn học. Tốt nghiệp Đại học, chị xin vào làm trong Thư viện của thành phố. Lương ít, bổng lộc chẳng có, hai bà cháu sống cho qua ngày đoạn tháng. Niềm vui duy nhất của cả hai là những cuốn sách, tờ báo chị mượn về mỗi ngày. Tính chị vốn trầm lặng, ít nói nên cũng chả quen biết ai. Ngoảnh đi ngoảnh lại chị đã 32 tuổi. Năm ngoái bà ngoại bệnh nặng, không qua khỏi. Trước khi nhắm mắt, nước mắt bà cứ chảy dài, vì thương cháu còn có một mình.
Anh thì cao to, đen cháy, 35 tuổi chưa vợ, không phải vì anh không tốt, mà vì mẹ anh nổi tiếng khó tính ở quê.
Bữa đó anh lên Sài Gòn đi dự đám cưới nhà bà con. Mượn xe máy người quen chạy không rành đường nên bị công an phạt. Nộp phạt xong thì hỡi ôi, xe bị cán đinh. Trời nắng chang chang, anh thất thểu dắt xe đi tìm chỗ vá, thì gặp chị đi chợ về. Anh thích chị ngay từ cái nhìn đầu tiên, chị nhiệt tình chỉ chỗ vá xe ở ngay đầu hẻm, rồi về nhà pha lấy ca trà đá mang ra mời anh uống. Ở dưới quê quen ăn to, nói lớn, anh nghe giọng nói ngọt ngào, dịu dàng của chị giống như được uống nguyên trái dừa xiêm ngọt lịm vậy. Ông thợ vừa vá xe, vừa nhẩn nha kể cho anh nghe hoàn cảnh của chị. Anh lấy cớ vô nhà chị trả ca nước, và xin số điện thoại của chị.
Chị tính ở vậy, không lấy chồng, hàng ngày thắp nhang thờ cúng cho ông bà, ba má. Nhưng trước sự nhiệt tình của anh, qua một khoảng thời gian ngắn, rốt cuộc chị cũng nhận lời lấy anh, và theo chồng về quê. Nhà ở thành phố chị cho thuê mỗi tháng cũng được vài triệu.
Mẹ anh ngán ngẩm nhìn cô con dâu gầy gò, trắng xanh rồi nhìn sang chuồng bò và chuồng heo. Bao nhiêu năm nay bà chỉ mơ ước cưới được nàng dâu khỏe mạnh, mắn đẻ, xốc vác để phụ việc nhà và sanh cho bà đàn cháu mập mạp. Giờ thì hay rồi. Nhìn là biết trói gà không chặt, lại còn đem về mấy bao tải sách báo giăng đầy nhà. Bà gắt gỏng suốt ngày nhưng chị vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng nên bà cũng không giận lâu được. Anh trước khi cưới chị về đã nói hết hoàn cảnh của chị và năn nỉ bà, thương anh thì thương luôn chị, cho chị một mái ấm gia đình. Tính chị hiền lành, thương người nên dần dần mẹ anh và bà con hàng xóm ai ai cũng quý mến. Anh sợ chị vất vả nên xây thêm cái kệ trong bếp, mua cái bếp ga về cho vợ nấu cơm mặc dù anh chỉ thích ăn cơm cháy nồi gang với cá kho tộ. Thương chồng, ngày nào chị cũng nhóm lửa nấu cơm, chị nhớ có lần anh nói anh thích nhất là nhìn thấy khói bếp bay lên, nó ấm cúng làm sao.
Cưới về một năm thì chị sinh thằng Cò. Chị sinh khó rồi lại bị băng huyết, nên sinh xong người rũ xuống như tàu lá chuối. Anh luôn tay luôn chân vừa lo bò, heo, mấy công vườn, vừa cơm cháo cho chị, cho thằng Cò... Thằng Cò lớn dần chị cũng khỏe trở lại. Anh thương vợ nên kiêng cữ cho chị rất lâu. Mẹ anh cứ làu bàu đàn bà ai chẳng đẻ, tao ngày xưa 10 ngày là đã ra sông giặt đồ rồi.
Đến khi thằng Cò lên 3 tuổi chị bị bệnh phụ nữ, cứ gần chồng là đau đớn, khó chịu. Ở quê chuyện tế nhị chả biết hỏi ai, chị âm thầm chịu đựng rồi trở nên lãnh cảm, tìm mọi cách tránh chồng. Anh thương vợ, nhưng là người đàn ông khỏe mạnh anh chỉ biết tìm niềm vui bằng những bữa rượu. Rồi anh đi nhậu qua đêm không về. Sau đó là thường xuyên đi qua đêm. Chị thiếu vắng hơi chồng cũng trở nên mất ngủ. Chị cứ nghĩ đơn giản vợ chồng chỉ cần nằm bên nhau hủ hỉ, chuyện trò là được rồi, nên mỗi khi thấy anh lầm lì trở về, chị không biết mở lời ra sao. Rồi hàng xóm đồn đến tai chị, anh cặp bồ với gái bia ôm. Tiền bán heo, bán bò lúc trước anh đưa chị giữ, giờ anh lấy sạch. Cho đến một ngày anh về thông báo
- Con Thắm (bồ anh) nó sanh con trai rồi, giờ tôi sẽ phải ở hai nơi.
Chị trân trối nhìn anh, nước mắt từng giọt thi nhau chảy xuống.
Sau bữa đầy tháng của con trai anh, chị lẳng lặng đưa anh tờ đơn ly hôn. Anh dứt khoát không kí
- Cứ sống như thế này tốt mà!
Chị bảo
- Khi em theo anh về quê, em đã nghĩ sẽ sống với anh trọn đời, nhưng giờ em không thể chung chồng được. Anh kí vào rồi em đưa thằng Cò đi, anh đưa mẹ con cô ta về đây cho thằng bé có cả ba và mẹ.
Anh khóc!
- Em thừa biết là tôi chỉ thương mình em nhưng tôi là người đàn ông bình thường mà, tôi có phải sư trên chùa đâu?
Cha, Mẹ chồng cũng xúm vào khuyên can hết lời nhưng chị vẫn nhất quyết bồng con ra đi.
Thật may cho hai mẹ con là căn nhà trong hẻm giờ mở đường thành nhà mặt tiền, nên cho thuê được giá. Chị đi thuê phòng trọ nhỏ, còn tiền dư ra hai mẹ con sống cũng ổn. Anh thường xuyên gửi thịt, rau, gạo lên cho hai mẹ con. Vài tháng anh lại lên thăm con một lần và đưa tiền phụ chị nuôi con.
Nhờ người quen giới thiệu chị đi khám bác sĩ đông y cắt thuốc bồi bổ sức khỏe, đi bác sĩ Tây y chữa bệnh phụ nữ nên dạo này chị có da, có thịt ưa nhìn lắm. Mỗi lần lên thăm con anh cứ nhìn chị đăm đắm. Đầu xóm có ông Việt kiều goá vợ, rất mến chị, đã nhờ người đánh tiếng mấy lần. Chị chỉ cần đồng ý là ông làm đám cưới, rồi lo thủ tục cho hai mẹ con đi sang Mỹ.
Không hiểu có chuyện gì mà hơn nửa năm rồi anh không lên thăm con. Chị nghĩ là thôi thì anh có gia đình riêng, anh cũng phải chăm lo cho nó chứ.
Sáng hôm nay chị đi khám ở bệnh viện, thế nào lại gặp dì Ba hàng xóm gần nhà của anh cũng đi bệnh viện. Dì mau miệng:
- Mày về Sài Gòn mấy năm rồi mà ai cũng vẫn nhớ. Cái con bia ôm thằng Thành đưa về chỉ có ăn với phá, lại còn cặp bồ nữa. Mấy tháng trước thằng con trai bị bệnh gì mang đi khám, bác sĩ bảo cần lấy máu của người thân để truyền. Xét nghiệm ra mới biết thằng nhỏ không phải con của nó. Nó điên lên đuổi con kia đi, rồi uống rượu say mèm hết ngày nọ đến ngày kia, hai tháng trước nó bị xe tông gãy một chân rồi. Mẹ nó buồn quá bị tai biến nằm một chỗ. Nhà nó giờ như cái nhà hoang vậy. Chòm xóm bảo nhau từ ngày mày ôm con đi là nhà cửa nó sa sút liền.
Chị nghe như sét đánh ngang tai.
Cả đêm chị không ngủ được.
Anh là người đàn ông duy nhất trong cuộc đời chị. Sẽ mãi mãi không có ai cưng chiều chị như anh. Vì không muốn chị bị mẹ soi mói, mà anh xây riêng một căn nhà cho hai vợ chồng ở góc vườn. Mọi việc trong nhà một tay anh làm, chỉ khi nghe tiếng dép của mẹ, anh mới buông ra để cho chị làm lấy điểm với mẹ chồng. Có miếng gì ngon anh cũng nhường hai mẹ con.
Sau này, nhiều lúc chị rất buồn vì sự dốt nát của mình mà đã để mất anh. Giá như lúc trước chị đi bệnh viện khám, được nghe bác sĩ tư vấn và chữa trị thì vợ chồng chị đâu có đến mức như vậy.
Anh ngồi trên xe lăn. Trước mặt là chai rượu đế, chẳng cần biết là mấy giờ rồi. Anh cứ say triền miên như vậy. Mọi việc nhà bây giờ đổ hết lên đầu người Cha già hơn 70 tuổi. Trong cơn say anh thấy thấp thoáng khuôn mặt chị. Anh gào lên:
- Cô về đây cười nhạo tôi phải không? Tôi cấm cô nói cho thằng Cò biết!
Ôi ! Nhưng rõ ràng là chị thật rồi! Chị cười thật tươi, giọng ngọt ngào.
- Thằng Cò nó nhớ ba! em cho nó về thăm Ông Bà và Anh.
Chiều hôm đó khói bếp lại vương vấn bay lên trên nóc nhà của anh chị.

Tác giả : Chu Thị Hồng Hạnh


Ngôi nhà không tiếng nói
Ngày chị gặp gã, vẻ ngoài bặm trợn lại lầm lì không nói gì của gã làm chị sợ. Chị bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh, đường cùng phải bỏ nhà chồng ra đi, lang thang sao lại đến cái xóm nghèo ven sông này rồi ngất vì đói.
Khi tỉnh dậy, chỉ thấy trước mặt bóng dáng một người đàn ông to bè đang lay nhẹ chị. Chị nhớ lúc đó mình rất hoảng hốt, dùng hết sức bình sinh mà xô ngã gã, có lẽ vì bất ngờ nên gã ngã chúi, hậm hực phủi tay đứng dậy rồi bế thốc chị lên, đưa về nhà gã.
Chị tỉnh dậy lần thứ hai đã thấy mình nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp nhưng được cẩn thận lót phía dưới một miếng đệm mỏng có vẻ cũ. Gã lại tiến đến trước mặt chị, chìa ra cho chị một tô cháo пóпg và huơ tay thúc chị ăn, còn mình thì bỏ ra bậu cửa mà ngồi. Kể từ lúc ấy, chị hiểu gã là một người cục mịch nhưng chân thành.
Chị cứ thế mà ở lại nhà gã, định bụng tới ngày sinh rồi lúc đó sẽ cảm ơn và rời đi, chứ lúc đó còn yếu quá. Gã khá tâm lý, cứ sáng gã đi làm, về chỉ loay hoay nấu bữa trưa ăn vội rồi đi, đến tối mịt mới về rồi cứ lăn ra ngáy pho pho. Ban đầu chị nghĩ gã vốn xem chị không tồn tại nhưng sau mới biết gã muốn chị tự nhiên, đừng quan tâm tới gã đang ở đó.
– Đứa trẻ trong bụng tôi là con gái. Tôi và chồng cưới nhau đã lâu mới có mụn con này, nhưng chồng tôi lại là độc đinh…
Gã đang châm dở bình trà chợt dừng lại, nhìn ra phía khoảng sân tối đang phơi mớ khoai lang mới thu chiều nay, rồi vỗ mạnh ngực mình một cái.
Căn nhà vẫn như thế, vốn không tiếng nói, thi thoảng chỉ có tiếng chị kể một câu chuyện nào đó hoặc hỏi điều gì đó khuấy động sự tĩnh lặng. Từ bấy, chị để ý mỗi khi gã đi làm về luôn mang về một thứ gì đó, khi thì rau xanh, mớ đậu, khi lại là mớ trái cây có múi…
Gã vào chúng rồi lại chỉ vào bụng chị. Chị hiểu gã mang chúng về để tẩm bổ cho chị và đứa trẻ. Chị cũng không hiểu sao mình lại tin tưởng người đàn ông này và cứ tưởng cuộc sống sẽ êm đềm thế cho tới khi chị nghe mấy đứa nhóc hàng xóm ghẹo gã khi thấy gã đi pha nước cam buổi sáng cho chị.
– Anh câm có vợ.
Lúc đó, ánh mắt của gã và chị bắt gặp nhau trong khoảnh khắc và cả hai đều vội quay đi.
Chị ngượng ngùng nghĩ tại chị gã mới bị trêu chọc còn gã lại có ánh mắt của kẻ có lỗi và cả sự mặc cảm gã không nói được, điều mà ban đầu chị nghĩ là do gã vốn lầm lì…
Ba tháng sau, chị sinh bé, do sinh non nên chị ngất lên ngất xuống mấy bận. Những lúc chị tỉnh táo là thấy bộ dạng hớt hải của gã bế thốc chị trên tay, mồ hôi đầm đìa ú ớ với bác sĩ.
May mà mẹ tròn con vuông. Ngày chị xuất viện, căn nhà vốn yên tĩnh bắt đầu rộn ràng bởi tiếng trẻ quấy khóc, nhưng gã có vẻ vui, gã bế và chăm bé còn khéo hơn chị dù chỉ là những tiếng ê a không rõ lời.
Khi đứa trẻ bắt đầu cứng cáp chị lại thôi ý nghĩ rời xa gã, một phần biết ơn, một phần tự lúc nào cách hai người đối xử với nhau cứ như gia đình khiến chị dù không muốn một danh phận nhất định, nhưng vẫn mong được ở lại đây.
Nhưng rồi xóm giềng bắt đầu điều tiếng, ai cũng biết chị từ xa tới, bụng mang dạ chửa… Suy nghĩ mãi chị quyết định rời đi, chị muốn cho gã có một hạnh phúc riêng, cũng không muốn gã vướng bận mình.
Khi gã tìm thấy chị, chị đang đụt mưa, cơn mưa ngăn bước chân chị và kéo hai người gần lại. Người gã ướt sũng, đôi mắt đỏ hoe, gã cầm bức thư chị để lại vò nát, hai tay đấm ngực thùm thụp …
Vì chị vốn yếu nên khi gã tìm được chị mang về, chị sinh bệnh cảm rồi cứ thế nằm liệt giường, một mình gã chăm nom bé, lại ẵm đi xin sữa khắp xóm. Lúc đó chị mới hiểu được tấm chân tình mà gã dành cho chị đôi khi không cần phải nói ra.
Từng ấy năm trôi qua hai người vẫn cứ ở vậy với nhau, không một ràng buộc danh phận, chị cũng dần hòa đồng và giúp gã thân thiện hơn với bà con lối xóm.
– Do ảnh không nói được, lại lớn xác nên cục mịch, chứ ảnh tốt lắm…
Đời là vậy, đôi khi người ta ít khi chịu dừng lại để hiểu một con người, việc gì cũng phải chờ nói ra rồi mới ngẫm. Mà gã, vốn có nói được đâu! Cũng có không ít người khuyên chị đi bước nữa, vì chị vốn xinh đẹp, cũng có nhiều người nhòm ngó, sao lại ràng buộc đời mình với một người câm.
Nào ngờ những lời đó gã âm thầm nghe được. Gã thức trắng đêm nhìn trăng trên thềm nhà. Gã quyết định bỏ đi, gã xếp đồ, vén màn hôn lên trán con bé lần cuối như cách một người cha từ biệt một đứa con rồi nghe tiếng thở đều đều của chị, gã quay bước đi.
– Mình đi đâu vậy? – Bóng chị mờ bên khe cửa nhìn gã đang rảo bước ra sân vào một đêm sáng trăng. Như biết gã định làm gì, chị cương quyết – Nếu mình định đi, mình cứ đi, rồi tôi sẽ đi tìm mình như những năm trước mình đã đi tìm tôi vậy.
Tự nhiên gã bật khóc nức nở như đứa trẻ chạy đến ôm chị. Nhiều năm trước, chị ra đi vì sợ vướng bận gã, và giờ đến gã cũng như thế với chị. Hai người dành cho nhau một tình cảm không nói thành lời, nhưng cả hai đều nhận ra đó là sợi dây gắn bó nhau cả cuộc đời.
Lòng chị đột nhiên ấm nồng khi ôm gã. Đây cũng là cảm giác của gã năm ấy, cảm giác lo lắng khi tưởng như mất đi một người mình lỡ thương.
Sưu tầm.


TÌNH CŨ…

Từ đầu kia của căn phòng dạ tiệc xa hoa, lộng lẫy chị đờ người ra khi anh cùng vợ và đàn con 4 đứa tiến vào trong tiếng vỗ tay, hoan hô của mọi người. Ly rượu vang trong tay chị xém chút nữa rơi xuống đất.
Chị đâu có ngờ người đến thay chồng chị làm trưởng văn phòng đại diện của một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới là anh, người yêu cũ của chị.
15 năm xa nhau chị ngày càng đẹp mặn mà, quyến rũ. Anh bây giờ đã là biểu tượng của doanh nhân thành đạt: đẹp trai và vô cùng lịch lãm. Anh và chị mà đứng cạnh nhau thì là cặp đôi đẹp nhất của buổi tiệc tối nay. Còn ông chồng vừa già, vừa hói của chị thì nhìn rất tương xứng với cô vợ béo tốt, mặt tròn xoe của anh.
Khi chồng chị giới thiệu anh, chị rất bất ngờ khi thấy anh điềm tĩnh lên tiếng:
- Đã lâu không gặp, em vẫn không thay đổi gì cả.
Rồi quay sang ông chồng anh giải thích
- Chúng tôi trước kia là bạn học cùng trường đại học.
Chỉ nói có thế rồi anh đưa vợ con đi chào hỏi mọi người, cho đến cuối bữa tiệc cũng không tiếp xúc với chị thêm lần nào nữa.
Dù đứng ở góc nào, chị cũng kín đáo quan sát anh và mỗi khi thấy anh toàn tâm, toàn ý, hết lòng chăm sóc vợ con, sẵn sàng bế con cho vợ ăn ... một nỗi buồn dâng lên sâu thẳm trong lòng chị.
Chị nhớ lại những đêm dạ hội ồn ào thời sinh viên, chị luôn là hoa khôi và ánh mắt của anh bao giờ cũng nhìn chị xao xuyến. Chị nhớ cầu thang kí túc xá tối om mỗi lần đi chơi về chị đều bắt anh cõng lên tận tầng 3. Nhớ có lần nước yếu anh phải thức đến 2 giờ sáng xách từng xô lên phòng cho chị.
Có lẽ nào anh đã quên hết những ngày tháng đó ?
Chồng chị còn nán lại 2 tuần để bàn giao công việc cho anh, họ ở cùng một khu căn hộ cao cấp. Chị cố tìm mọi cách để có thể gặp riêng anh, mỗi khi gặp nhau trong thang máy hoặc dưới sân, nhưng chị chỉ nhận thấy thái độ hờ hững, lạnh lùng của anh mà thôi...
Ngày mai gia đình chị bay rồi. Không cam lòng hôm nay chị hẹn gặp anh lần cuối ở một quán cà phê rất sang trọng, kín đáo.
Khi chị tới trong bộ váy áo cực kỳ đẹp phô bày hết tất cả những đường cong quyến rũ, anh đã ngồi chờ sẵn, trên bàn là ly chanh dây mà chị yêu thích. Lòng tràn ngập niềm vui chị hỏi khẽ
- Tại sao ?
Anh tiếp lời
- Em muốn hỏi tại sao anh hờ hững với em đúng không?
Chị gật đầu, anh vẫn như xưa, luôn đọc được các ý nghĩ của chị.
- Là bởi vì trong lòng anh không còn có em nữa. Khi em đạp lên mối tình 5 năm hạnh phúc của chúng mình để đi lấy chồng giàu có, anh đã từng rất tổn thương, đau khổ, vật vã rất lâu. Cũng nhờ sự tuyệt tình của em anh mới phấn đấu không ngừng nghỉ để có ngày hôm nay. Có thể trong mắt em vợ anh trông thô kệch, nhưng do cô ấy sinh đẻ 4 lần liên tiếp, mà bọn trẻ con nhà anh bị dị ứng với sữa ngoài nên cô ấy nuôi con bằng sữa mẹ rất lâu, không thể giữ dáng được. Anh yêu cô ấy vì ở bên cạnh cô ấy và các con anh luôn cảm thấy nhẹ nhàng, ấm áp.
Chị nghẹn ngào thốt lên
- Nhưng em cũng yêu anh mà
Anh nhướng mắt nhìn chị
- Không phải là em yêu anh đâu mà em yêu chính bản thân mình thôi. Em luôn luôn tính toán những gì tốt nhất cho mình. 15 năm trước giữa thằng sinh viên nghèo mới ra trường là anh và anh chàng Việt kiều già nhưng giàu có em đã chọn anh ta. 15 năm sau em không quên tình cũ vì anh bây giờ ngoài thành đạt thì trẻ hơn chồng em nhiều.
Bỏ mặc chị ngồi vật vã nước mắt lã chã tuôn rơi, anh đứng dậy.
- Anh phải về đưa bọn trẻ con đi bơi, thật ra qua tiếp xúc anh thấy chồng em là người tốt và rất yêu em đấy. Chúc em ngày mai lên đường thượng lộ bình an nhé!
Cái gì đã qua thì để cho nó qua luôn em à.

Bài và ảnh: ST


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét