31 tháng 10 2024

Biên giới Canada - Hoa Kỳ...





Biên giới Canada - Hoa Kỳ dài hơn 5500miles kéo dài từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương là đường biên giới dài nhất trên thế giới giữa hai quốc gia. Đây cũng là đường biên giới yên bình nhất, đường biên giới này không hề có biên phòng vũ trang cũng chẳng có cột mốc hàng rào thép gai loa phóng thanh gì cả.

Đường biên giới này đi qua các rừng cây, lúc này đường biên rộng 4ft không có cây mọc, mỗi bên Mỹ và Canada tự trả kinh phí phụ trách 2ft cắt cây để lộ một đường thẳng xuyên rừng.
Đường biên này đi qua cả sông hồ thác nước, nước thì không kẻ được, Mỹ và Canada kệ nó.
Đường biên đi qua cả các con phố, các thị trấn làng mạc, con phố… lúc này đường biên là các vạch kẻ sơn.
Đường biên đi qua cả những ngôi nhà, đất đai họ sở hữu tư nhân, nhà họ nằm giữa hai quốc gia kệ họ, ko ai vào được. Có anh chị chủ sở hĩu căn nhà có đường biên đi qua, một lần anh chủ nhà người Mỹ đứng trong nhà và đi ra ban công, nhưng ban công anh lại thò sang đất Canada. Khi đó tình cờ có sĩ quan Canada đi qua, anh sĩ quan dừng lại đứng dưới phố nhìn lên ban công và nói :
“ Chào mừng đến với Canada, chúc quý khách có một chuyến đi vui vẻ “
Đường biên giới này đi qua cả những thư viện, họ kẻ vạch khắp sàn nhà thư viện và để người dân hai nước tự do ra vào thư viện và đọc sách miễn phí.
Đường biên này đi qua cả các quán bar, thông thường mọi người vào quán bar có kẻ vạch biên giới. Lúc mới vào, người Mỹ ngồi một bên, người Canada ngồi bên phần đất của họ, đến lúc rượu say rồi thì hai bên bắt đầu vượt biên và nhẩy múa 😂
Biên giới Mỹ- Canada, đường biên giới nhiều cảm xúc nhất, yên bình nhất và là đường biên nhiều du khách muốn khám phá nhất.

Sưu tầm


Ngọn Hải Đăng Alexandria (Hay còn gọi là Pharos)

Ngọn hải đăng Alexandria, hay Pharos, là một trong Bảy Kỳ Quan Thế Giới Cổ Đại. Nó được xây dựng trên Đảo Pharos, bên cạnh cảng Alexandria, Ai Cập, với chiều cao hơn 100 mét, được coi là một trong những công trình do con người tạo ra cao nhất trên hành tinh trong nhiều thế kỷ.

Việc xây dựng ngọn hải đăng bắt đầu vào khoảng năm 300 trước Công Nguyên, trong triều đại của Ptolemy I Soter, và hoàn thành khoảng 20 năm sau đó, dưới triều đại của con trai ông, Ptolemy II. Có thể ngọn hải đăng được thiết kế bởi kiến trúc sư Sostratus của Cnidus. Công trình này được xây dựng chủ yếu từ đá cẩm thạch trắng, đá vôi và granite hồng, được liên kết với nhau bằng vữa chì. Ngọn hải đăng có ba phần cấu trúc: một phần vuông ở dưới, một phần bát giác ở giữa và một phần tròn ở trên. Ở mỗi góc của phần dưới cùng có các bức tượng của Triton, trong khi đỉnh ngọn hải đăng có một bức tượng của Zeus hoặc Poseidon.

Ngọn hải đăng được xây dựng với mục đích chính là để hướng dẫn các tàu vào cảng Alexandria. Trong suốt cả ngày, một chiếc gương được sử dụng để chỉ đường cho tàu thuyền, trong khi vào ban đêm, ánh sáng từ ngọn lửa ở đỉnh giúp điều hướng. Tuy nhiên, không chỉ có chức năng dẫn đường, chiều cao và vẻ đẹp của ngọn hải đăng còn thu hút sự chú ý của các tàu thuyền, giống như một quảng cáo khổng lồ cho thành phố Alexandria đang phát triển, nơi sẽ trở thành một trong những thành phố vĩ đại nhất trên thế giới.

Nhà tự nhiên học Pliny the Elder đã viết vào thế kỷ 1 sau Công Nguyên rằng chi phí xây dựng ngọn hải đăng lên tới tám trăm talent. Ông cũng ghi nhận rằng Vua Ptolemaeus đã cho phép Sostratus khắc tên mình lên công trình. Theo ông, ngọn hải đăng không chỉ cảnh báo tàu thuyền về các vùng cạn xung quanh mà còn giúp chỉ dẫn lối vào cảng.

Ngoài ra, nhà địa lý Hy Lạp Strabo cũng đã miêu tả ngọn hải đăng là một tòa tháp xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng, có nhiều tầng, được thiết kế để đảm bảo sự an toàn cho các thuyền viên, đặc biệt khi bờ biển xung quanh thấp và không có cảng.

Ngọn hải đăng Alexandria đã tồn tại trong khoảng 1,600 năm, chịu đựng qua nhiều trận động đất và thách thức của thời gian. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 14, một trận động đất lớn đã khiến công trình này sụp đổ. Ngọn hải đăng không chỉ là một biểu tượng của sự phát triển và thịnh vượng của thành phố, mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của nhân loại, thể hiện trí tuệ và kỹ thuật xây dựng của người cổ đại. 

Pane e Vino - 3 Nguyễn Khắc Cần


Bàn cờ cổ xưa này đã được khai quật từ Lothal (Gujarat, Ấn Độ). Đây là bàn cờ lâu đời nhất được biết đến trên thế giới, có niên đại khoảng năm 2400 TCN. Sự tương đồng gần gũi giữa các quân cờ đất nung khác nhau được khai quật từ Lothal và các quân cờ hiện đại thật đáng kinh ngạc.
Dường như trò chơi Chaturanga (Cờ vua) của Ấn Độ có nguồn gốc từ một trong những trò chơi của người Harappa. Nhiều thông tin quý giá về các trò chơi trong nhà mà người Harappa đã tham gia có thể tìm thấy qua các quân cờ, bàn cờ và xúc xắc được phát hiện ở các thành phố lớn của nền văn minh Indus.
Một trò chơi sử dụng xúc xắc đã rất phổ biến trong thời kỳ Harappa và các thời kỳ sau, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh Mahabharata. Người ta cho rằng hoàng tử Pandava đã mất tất cả, bao gồm cả vương quốc của mình, trong một trò chơi xúc xắc. Một tài liệu tham chiếu sớm hơn về các trò chơi này được đề cập trong Rigveda, trong đó ghi chép việc sử dụng gỗ Vibhitika để làm xúc xắc.

Sưu tầm.


Cây cầu bí ẩn khiến nhiều người tò mò: "Tại sao không xây thẳng?" và lý giải bất ngờ từ chuyên gia
Cầu Laguna là một thiết kế độc đáo với hình tròn. Thiết kế này giúp giảm tác động tới hệ sinh thái, đặc biệt là vùng phá Garzón, nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm như chim hồng hạc Chile và cóc Darwin. Cách bố trí hai làn xe tạo khoảng trống giữa cầu, giúp ánh sáng xuyên qua và giảm thiểu bóng râm ảnh hưởng đến mặt nước.
Bán kính hẹp của cầu buộc các phương tiện di chuyển chậm lại, khuyến khích tài xế chiêm ngưỡng cảnh quan. Cầu cũng có lối đi bộ cho du khách, cho phép họ tiếp cận trung tâm và chu vi cầu để câu cá hoặc ngắm cảnh.
Nguồn: IFL Science
TokyoLife chia sẻ



TÌNH NGƯỜI



 



Rob chưa bao giờ nói thật với con gái mình về công việc mà anh làm. Khi cô bé nũng nịu hỏi ba làm gì để kiếm tiền lo cho cho gia đình, thì anh nói anh làm việc trong văn phòng, và điều này khiến cô bé hài lòng, không thắc mắc gì thêm.

Thật ra Rob chỉ là một người lao công quét dọn trong các building của thành phố. Và mỗi ngày trước khi về nhà, anh đều tắm rửa cẩn thận trong các phòng tắm công cộng, không để lại tí mùi hôi nào khi ôm hôn vợ con.
Anh vốn được sinh ra trong khốn khó, và chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ từ ngay cả trong họ hàng của mình.
Rob chưa bao giờ dám mua ngay cả một đôi giày mới cho riêng mình, anh chỉ mua những đôi giày cũ còn dùng được trong cửa hàng bán quần áo cũ. Anh tiết kiệm từng đồng để lo cho con gái. Anh muốn con mình được bạn bè trong lớp tôn trọng, nên không thể để người khác biết anh là người quét dọn rác. Bởi vì anh hiểu, dưới con mắt của mọi người trong xã hội, những người lao công quét dọn như anh thường bị khinh khi, nhưng anh nhất quyết không để con mình bị nhục.
Năm tháng trôi qua, rồi con gái của anh cũng học xong high school và chuẩn bị vào college. Ngày được giấy báo vào trường, con gái mừng rỡ khoe với ba, kèm theo một lá thơ với số lệ phí mà con anh phải đóng để đăng ký nhập học. Số tiền không quá lớn đối với người khác, nhưng với anh, đó thật là một vấn đề nan giải.
Trước ngày cuối phải đóng tiền cho con, anh đi làm với tâm trạng rối bời. Anh không còn tâm trí để tập trung cho công việc. Khi các bạn đồng nghiệp chia nhau làm việc, anh ngồi thẫn thờ cạnh đống bao rác hôi thối, lòng buồn bã nghĩ đến con gái sẽ thất vọng biết bao khi anh không mang đủ tiền lệ phí về cho con đêm nay.
Kết thúc ngày làm việc, các đồng nghiệp kéo đến và hỏi anh: "Rob, cậu có coi tất cả chúng ta là anh em không?". Khi anh vẫn còn đang ngơ ngác, trả lời "Dĩ nhiên là vậy rồi", thì tất cả đều xòe tay ra. Trên tay mỗi người đều có số tiền mặt tương đương với một ngày công, và tất cả gom lại đưa cho anh.
Rob hoảng hốt từ chối, anh không thể lấy số tiền của những đồng nghiệp nghèo khó đã vất vả kiếm được suốt cả ngày. Nhưng một người trong số đó vẫn dúi tiền vào tay anh và nói:
"Chúng ta tất cả đều có thể nhịn đói ngày hôm nay, nhưng con gái của chúng ta nhất định phải vào Đại Học".
Lần đầu tiên trong đời, Rob trở về nhà với bộ quần áo lao công, không tắm rửa hay sửa soạn, anh không thể nói dối mãi với con gái về công việc của mình và tấm lòng nhân hậu của các bạn đồng nghiệp.
Năm tháng qua đi, con gái anh giờ đã tốt nghiệp Đại Học và tìm được một công việc khá. Cô nhất quyết không cho ba đi làm nữa. Nhưng điều lạ nhất là, cô hay cùng ba đi thăm những người đồng nghiệp xưa của anh, và cô luôn mua nhiều thức ăn đem đến cho họ.
Một ngày cô cùng cha lại đến thăm, một trong những người bạn cha cô vừa cười vừa hỏi:
"Này con gái, tại sao con luôn mang thức ăn đến cho chúng tôi thế?".
Vừa dọn thức ăn ra bàn, con gái anh mỉm cười trả lời:
"Bởi vì tất cả các chú đã nhịn đói ngày hôm đó, để con có được ngày hôm nay. Con ước gì có thể mua thức ăn đến cho các chú mỗi ngày ...".
Nguồn: The laborers
Từ fb Chau Nguyen Thi


BA MẸ CỦA MÌNH MÀ, SAO MÌNH LẠI KHÔNG THƯƠNG?
"Chúng ta còn ở gần cha mẹ được bao lâu nữa?"
Một câu hỏi được đặt ra từ thầy giáo với các học trò của mình, câu trả lời của thầy khiến bọn trẻ phải rơi nước mắt.
"Đi học như tụi con, cả ngày chỉ gặp ba mẹ chừng 1 giờ đồng hồ, đầu ngày vội vã, cuối ngày mỏi mệt.
Như vậy, một tháng các con gặp ba mẹ được 30 giờ, và một năm các con gặp ba mẹ được 360 giờ, tức là 15 ngày.
Hầu hết ba mẹ tụi con đều ở tuổi 50, và với một người tuổi 50, thật khó biết được ngày mai sẽ thế nào khi cuộc sống đầy căng thẳng, lo âu, tính toán.
Giả sử ba mẹ còn sống thêm với tụi con 20 năm nữa, tụi con chỉ còn 15 x 20 = 300 ngày ở cùng ba mẹ.
Còn nếu họ chỉ sống đến tuổi 60, số ngày còn lại cùng nhau sẽ giảm còn một nửa, 150 ngày, nghĩa là 5 tháng.
Còn nếu có bất trắc xảy ra, ngày mai họ chẳng còn, các con chỉ còn 1 giờ tối hôm nay nữa mà thôi để chuyện trò cùng họ.
Hãy nghĩ các con chỉ còn 1 giờ nữa thôi, các con sẽ quý đến dường nào 60 phút đó. Các con sẽ không còn trách móc, các con sẽ chẳng còn hờn giận, các con sẽ chẳng còn so sánh này khác về họ nữa.
- Vậy thì, trong một giờ ít ỏi đó mỗi ngày, các con hãy mở cửa phòng bước ra ngoài, cười với mẹ, nháy mắt với cha, quét cái nhà, chà cái bếp.
- Vậy thì, trong một giờ ít ỏi đó mỗi ngày, các con hãy xuống bếp, bới tô cơm mẹ nấu, múc những muỗng thật đầy, ăn như thể ngày mai không có mà ăn nữa. Gác chân lên ghế, nhai ngồm ngoàm, thật vô duyên vào, để nghe mẹ mắng đồ cái thứ to đầu vẫn vô duyên.
- Vậy thì trong một giờ ít ỏi đó, hãy nói chuyện thật nhiều cùng ba mẹ, hãy kể cho ba mẹ nghe những điều con nghĩ trong lòng, hãy nói về ước mơ của con, hãy hỏi cha cho lời khuyên mà ai trẻ cũng cần, để cho ba mẹ thấy con thương và cần có họ thế nào.
Trong một giờ ít ỏi đó, hãy làm cho căn nhà của con rộn rã tiếng cười, ấm áp yêu thương. Nhà của mình mà, tại sao lại biến nó thành chốn trọ. Ba mẹ của mình mà, tại sao lại biến họ thành người dưng! Yêu thương của mình mà, tại sao phải giấu kín. Ân huệ của mình mà, tại sao lại chối từ!"
Mình chỉ còn vỏn vẹn 1 giờ thôi... Ba mẹ của mình mà, sao mình lại không thương!

Sưu tầm


Di chúc

Năm sáu mươi tuổi ông đã nghĩ đến chuyện hậu sự của mình. Tuổi này là tri thiên mệnh. Già rồi thì cũng phải chết thôi, sống lâu chỉ thêm cực con cực cháu. Người quê hay bảo nhau như vậy.
Ông cứ nghĩ chắc đến lúc nhắm mắt chẳng đứa con đứa cháu nào khóc mình đâu. Đám ma ở quê to hay nhỏ là tùy vào tiếng khóc. Khóc to thì đám to, được dân làng khen. Nhiều người khóc tức là cháu con về đông. Cháu con có hiếu thì mới khóc gào thảm thiết. Hai năm trước, lúc bà cụ bạo bệnh tất cả mấy đứa con đứa cháu ở xa phải về đầy đủ. Đám ma của bà cụ rộn ràng nước mắt. Người làng bảo chết như thế cũng mãn nguyện. Cháu con mặc áo tang quấn khăn sô trắng bù loa bù luơ vịn vai nhau khóc như mưa.
Đám ma bà thì con cháu ồn ào như thế, nhưng ông lo đến đám ma mình chắc là im ắng. Khi bà bạo bệnh, ông đã bán đi một miếng đất to để lấy tiền chạy chữa cho bà. Không may bà đi nhanh quá, mất trên đường đưa tới bệnh viện. Ông biết bầy con cháu lũ lượt kéo về rồi tranh nhau khóc bà chỉ là để đám xong ông chia cho chúng cái phần tiền bán đất chưa dùng đấy thôi. Quý báu gì.
Ông bà sinh hạ được năm người con, ba trai hai gái. Nuôi nấng chăm bẵm từ nhỏ rồi lo lắng chuyện dựng vợ gả chồng cho tất cả. Nhà ông từ đời cụ cố đã làm nghề gỗ, truyền nghề lại cho tới đời của ông. Nghề gỗ cực nhưng lại có của để dành. Ở vùng này, ông bà thuộc dạng khá giả nhất nhì. Ông lo chuyện cưới gả cho con cái xong, còn cho tiền để chúng mua đất cất nhà. Riêng người con út thì ở cùng ông bà. Giàu con út khó con út. Ở trong nhà để sau này còn lo chuyện hương khói tổ tiên. Cái nhà ba gian rường cột gỗ lim bước vào đã thấy uy nghiêm. Mà đối với các con của ông thì riêng ngôi nhà này thôi đã là một khối tài sản đồ sộ chứ chẳng chơi. Chưa kể tiền ông còn trữ lại, chôn dưới đất hay giấu đâu đó. Thể nào thằng út chẳng là người hưởng trọn. Nghĩ vậy nên các anh các chị dù đã có nhà cửa bề thế ở ngoài tỉnh thỉnh thoảng về vẫn bóng gió kỳ cạnh.
Anh con út tức máu lên bảo các cô các bác thích của thì về đây mà sống với cụ. Được tiếng mà chẳng có miếng, lại hay bị nghi kỵ nên anh út cũng xin ra ở riêng. Sáu mươi tuổi rồi, sức tàn lực kiệt ông đành nhường cái nhà gỗ rường quý giá cho thằng con út. Ông đi dựng một ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở trong làng. Rồi các anh các chị về lại bảo thằng này khôn, ở riêng mà lại rất gần, vừa tự do vừa nhanh nhẩu khi bố gần nhắm mắt. Cái chữ nhanh nhẩu mà các anh các chị nói là ý bảo thừa cơ hội để lãnh hết của nả.
Ông nhận thấy có một sự đổ vỡ trong gia đình mình. Chẳng biết vì đâu nên nỗi. Ông bà cũng sống phúc đức chớ phải tàn ác gì cho cam. Thậm chí ông bà còn nức tiếng chuyện đi làm từ thiện, giúp đỡ người này người nọ. Phải chăng vì ông bà xởi lởi với mọi người quá nên các con bằng mọi giá phải vơ vét cho hết của ông. Sợ nước tràn qua ruộng kẻ khác, sợ tiền đổ ra cho thiên hạ ăn, phí phạm. Đám ma ông mà chúng nó không khóc thì thật vô phúc, dân làng sẽ cười chê. Ông lo là vì thế.
Năm đứa con đã không còn ai chịu ở với ông, chỉ thỉnh thoảng ghé về thăm ông thì ít mà nhòm ngó xem ông có chia chác gì không thì nhiều. Ông sống một mình, tự lo mọi chuyện ăn uống. May ông cũng còn khá khỏe để chẳng phiền đến ai, chỉ có điều buồn bạn và tủi thân. Rồi ông đi chùa, tham gia vào giáo hội, có thêm các ông các bà cùng chia sẻ. Đêm đêm ông tụng kinh, thấy lòng mình nhẹ đi rất nhiều.
Cũng từ dạo đi chùa đọc kinh ông nhận ra nhiều điều hay. Ví như triết lý cuộc sống là vô thường. Có đó mất đó. Ngay cái thân ta cũng là giả hợp. Nếu có chết đi thì chỉ là một sự luân chuyển, không nên quá đau buồn. Ông đi hộ niệm cùng hội trong các tiệc ma chay. Thấy đám chay người thân không khóc lóc mà chắp tay cầu cho vong linh được siêu thoát. Ông thay đổi nhanh chóng quan niệm về chuyện khóc to đám to. Giờ ông lại muốn bao giờ mình chết đi đừng ai khóc cả. Như thế thanh thản nhẹ nhàng hơn.
Bảy mươi tuổi, ông ăn chay trường và luôn tâm niệm thân xác này là cát bụi, mong chết đi con cháu đừng khóc lóc van lơn cho cát bụi được về với cát bụi an lành. Ai chứ con ông chắc khoản này khỏi lo, chúng chẳng rơi nước mắt đâu.
Suốt mấy hôm ông ngồi suy tính chẳng mấy hồi nữa là ông đi gặp bà, thôi viết cái di chúc để lại. Ở vùng quê này viết di chúc là chuyện hy hữu, vì mấy ai có của nả gì đáng đâu mà sợ con cái tranh nhau. Riêng ông, ông muốn viết di chúc để lại. Phòng khi ông mất thì con cái khỏi cấu xé ì xèo phân chia. Ba hôm ông viết xong di chúc. Ngày hôm sau ông lọ mọ chống gậy xuống xã xin công chứng. Phải có cái dấu đỏ của chính quyền đóng vào thì con ông chúng mới tin, chứ không rất dễ làm nảy sinh nghi ngờ tính xác thực của bản di chúc. Ông bỏ tờ giấy vào bì thư dán kín lại. Bên ngoài đề: Di chúc, lúc nào chôn tôi xong hãy mở.
Một tháng sau ông ra đi thanh thản. Con cháu về đông đủ cả, chẳng thiếu một ai, kể cả đứa bé mới năm tháng tuổi. Về đủ mặt mà chia mà tính cho rạch ròi. Dọn dẹp nhà cửa để lo đám, ai cũng tranh thủ lục hết chỗ này chỗ kia xem ông cất của nả ở đâu. Nhưng chả tìm được gì. Đêm trước ngày di quan, anh cả đi ra đi vào bảo vô lý, chắc chắn là ông còn nhiều lắm. Cất ở đâu thì chắc trong tờ giấy kia có ghi. Nôn nóng tò mò không chịu nổi đến ngày mai, tất cả quyết định mở di chúc.
Tờ giấy vỏn vẹn một câu: "Bố không còn gì để lại, vì thế các con đừng khóc nữa".
----
Tác giả : Hoàng Công Danh
Bài và ảnh sưu tầm




NHỚ BÁNH MÌ BÀ “QUẢNG” NĂM XƯA…


Vợ đi làm sớm. Con đi học. Nhà vắng tanh, buồn hiu! Đang nằm thơ thẩn nhìn giàn bông tỏi xanh um, trổ bông tím trước sân nhà, tôi lại nghe tiếng rao quen thuộc của chị bán bánh dạo trong xóm… “Bánh mì đây! Bánh mì nóng giòn đây...”. Bất chợt bao nhiêu kỷ niệm, hồi ức thân thương của tuổi thơ trong tôi lại ào ạt tràn về!

***
Hồi nhỏ, tôi thường lén lên sân thượng nhà nội tôi – bác Ba tôi – là rạp hát Nhị Trưng, chơi thơ thẩn mình ên. Nhấp nhô trên những mái ngói rêu phong, nổi bật một ống khói vuông, cao, xây bằng gạch thẻ, ám khói đen sì của lò bánh mì gần nhà. Sáng sớm, lò nổi lửa, hơi nóng bốc cao trên ống khói làm lung linh, lay động, xao xuyến cả vòm mây trắng bềnh bồng và hàng cây dầu xanh um mờ ảo trồng dọc bờ kinh.
Thấy khói lò bốc cao là biết sắp có bánh mì mới ra lò nóng hổi, tôi mừng húm chạy xuống lầu, xin tiền ba má, để đến lò bánh mì Quảng Tam Thái mua bánh. Lò chỉ cách nhà bác tôi gần chục căn phố, gần góc đường Hai Bà Trưng – Phan Chu Trinh bây giờ. Chủ tiệm bánh là phụ nữ người Hoa luống tuổi. Dáng bà mập mạp, tóc trắng búi cao. Đặc biệt nổi bật trên gương mặt trắng trẻo, bà chỉ có duy nhất một con mắt mở to, đang nhìn hiền dịu đám con nít trong xóm. Khách đến mua bánh, bà để yên cho con cháu mặc áo thun 3 lỗ, lăng xăng mua bán. Bà chỉ ngồi tính tiền. Còn đám con nít trong xóm, bà cho phép chúng tôi vào nhà, thọc tay vô giỏ cần xé, lựa bánh mì mới ra lò nóng hổi! Ôi thích ơi là thích!...
Thông thường tôi chỉ thấy bà ngồi một chỗ, trên chiếc ghế gỗ cao, đặt gọn ghẽ bên góc tường, kê với chiếc tủ lớn đựng bánh. Tủ này lớn lắm, chiếm hơn nửa mặt tiền căn phố. Chỉ đôi lần hiếm hoi lắm, tôi mới bắt gặp bà đi lại vài bước trong nhà. Bà bước chân ngắn với dáng đi liêu xiêu, phục phịch, khó khăn…
Ba tôi bảo: “Tội nghiệp bà “Quảng”. Hồi nhỏ bà bị tục bó chân của phụ nữ người Hoa, để lại di chứng đến bây giờ, bà lớn tuổi rồi còn đi đứng chậm chạp, khó khăn”… Nghe ba giải thích, khi ăn bánh mì nướng lò Quảng Tam Thái của bà, tôi càng thấy thơm, ngon, giòn, xốp vô cùng. Đặc biệt nhất trong tủ lọng kiếng của bà còn có những bọc bánh mì sấy vô cùng hấp dẫn. Nhưng cũng mắc tiền hơn! Đó là loại bánh mì cũ, xắt lát mỏng được chủ lò cẩn thận đem sấy lại cho vàng, giòn đều hai mặt bánh rồi rắc đường cát trắng mịn, nổi hột li ti trên miếng bánh mì.
Bánh mì sấy lò bà “Quảng” ăn rất thơm, ngọt, giòn xốp xộp, phao tan trong miệng. Nó chỉ thua chút xíu vị ngọt của mạch nha, mùi thơm và béo đậm của mè trắng… là loại bánh mè láo nổi tiếng của Vũng Thơm!...
Ngoài lò bánh mì củi truyền thống, trong tỉnh còn xuất hiện lò bánh mì điện Chánh Phong trên đường Nguyễn Huỳnh Đức. Nay là đường Nguyễn Văn Trỗi gần lò tương Hiệp Hương bây giờ. Kế đến là lò bánh mì điện Nam Đô, loại bánh mì điện này, nhờ kiểm soát được “độ lửa” nóng đều, nên ổ bánh trông săn chắc, vỏ bánh vàng sậm nên ăn ngon hơn, giòn hơn bánh mì lò củi.
Sau 1975, thời bao cấp, nhu cầu lương thực cấp phát theo tem phiếu, mỗi nhà được cấp sổ gạo hàng tháng, nhưng thiếu gạo, bà con đều phải lãnh độn thêm bo bo cho đủ khẩu phần lương thực trong gia đình.
Có lần ba tôi đem mớ gạo bo bo trong nhà gửi chủ lò bánh mì quen ở Phường 4, xay bột làm bánh mì. Chiều đi học về, mưa lạnh, thèm ăn bánh mì trừ cơm! Ba tôi biết ý, ba chịu khó ra lò quen lãnh bánh mì để trừ dần theo sổ gạo. Nhà tôi có 6 người, ba chỉ lấy 5 ổ bánh mì cho vợ con. Ba tôi nhịn. Ba mỉm cười nhìn vợ con ăn uống “no đủ” là ba mãn nguyện, vui lắm rồi!... Loại bánh mì bo bo lò củi này, ăn cũng giòn xốp, rất ngon, ngon tuyệt trần đời! Vì thuở ấy bà con và gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn!
Ngày nay, các lò bánh mì điện được dịp phất lên mạnh mẽ như lò bánh mì Nam Đô, Nguyên Trân, Quảng Sanh Thái… bên cạnh đó các lò bánh mì lò củi vẫn tồn tại, phát triển, các lò chế biến ra đủ loại bánh mì lạt, bánh mì ngọt, bánh mì dừa, bánh mì que... Đó là những loại bánh ngon, vô cùng hấp dẫn với mọi người, từ người lớn đến trẻ con, ai cũng được dịp tha hồ lựa chọn, tùy thích.
Giờ đây, món bánh mì kẹo thịt và chả của những xe bánh mì là món “cơm tay cầm” cho học sinh và mọi người điểm tâm nhanh buổi sáng. Là nỗi ấm lòng “lót dạ” của chị em công nhân tan ca muộn và những người lao động, mua bán trong các khu chợ rau cải, chợ thịt, chợ cá… trong thành phố lúc về đêm!...
Bánh mì còn gắn liền với hình ảnh tảo tần, mưu sinh vất vả của bao người nghèo khó như chị gánh bán dạo bánh mì cá mòi trong đêm, các xe bánh mì thịt nằm im lìm chờ khách bên góc phố! Đặc biệt nhất là hình ảnh các anh, các chị phụ nữ luống tuổi, sớm khuya chở cần xé bánh mì không. Họ chịu khó len lỏi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê để bán bánh, mong kiếm chút đồng lời đắp đổi cho gia đình!
Bất chợt trong tôi lại hiện lên gương mặt hiền từ, phúc hậu của bà “Quảng” năm xưa với bao cảm xúc ngọt lành, thơm thảo của ổ bánh mì lò củi năm nào!

VƯƠNG KHÁNH HƯNG


HỦ TÍU XÀO MỠ, BÁNH XẦY… GIÁ CHỈ 1 XU!

“Đặc biệt nhất của chợ Bãi Xàu là hủ tíu xào mỡ, mỗi dĩa một đồng xu… Đến giờ ra chơi, học trò trường Primaire Sốc Trăng phải chạy cho kịp mua giành mua giựt cái bánh xầy của chị Năm Bồi, giá cũng chỉ 1 xu (bạc lối năm 1910)“ – Trích hồi ký cụ Vương Hồng Sển trong cuốn “Hậu Giang – Ba Thắc“.
***
Tôi sanh trưởng miền quê đất Hậu giang, tôi chỉ biết nhớ tỉnh nhà Sốc Trăng và hiện khi đang ngồi viết, tôi nhớ đáo để cái chợ nhỏ Bãi Xàu. (thị trấn Mỹ Xuyên ngày nay).
“Hỏi anh có nhớ Bãi Xàu
Bánh xầy chiên mỡ, bánh bao thịt bằm“.
Bãi Xàu ngày nay – trước năm 1965 – rất phồn thịnh vì đây là chợ lúa gạo trong xứ, chỗ dự trữ lúa gạo đủ số có ghe chài vận chuyển lên Chợ Lớn, xay ra gạo cho chúng ta ăn. Lúa miệt đồng Bưng Xa Mo, đồng Trà Thê, đồng Mã Tộc, Giồng Có… đều qui tụ về đây – Sau này trước năm 1975, tại đây còn có ông Huỳnh Yến Truyền là chủ vựa lúa gạo lớn. Ông xứng danh là “vua“ lúa gạo miền Tây, để bán lúa gạo trên Sài Gòn và xuất khẩu.
“Nhưng đối với tôi, Bãi Xàu là kỷ niệm buổi ấu thơ thời xưa, những ngày tắm nắng hớt cá lia thia, theo chân cô bác dở nò bắt cua biển, lội vô vườn mua mía cây, bắp rẫy… Và đặc biệt nhất của chợ Bãi Xàu là hủ tíu xào mỡ, mỗi dĩa một đồng xu! (bạc lối năm 1910), đếm được 3 cọng hẹ, vài tép mỡ, duy hủ tíu thì một dĩa ê hề no bụng. Hủ tíu xào mỡ, chan nước mắm cho vừa, lua vô miệng, ngon không thể tả. Ngày nay tiền có dư nhưng tuổi cũng theo tiền chồng chất, cao lương mỹ vị quen mùi, nhưng lại bắt thèm hủ tíu xào mỡ, không tôm không thịt!
“Còn một thứ bánh nữa là bánh xầy (bánh cống). Bãi Xàu nguyên là xứ tép tôm, nên bánh xầy ở đây chiên để 2 con tép trên mỗi bánh và chiên bằng mỡ heo, chớ không chiên bằng dầu nên cái bánh thơm ngon.
Bánh xầy không biết của xứ nào phát minh: Khmer, Chệc hay Ta? Và tùy địa phương mỗi người gọi cái bánh một cách khác: Sốc Trăng, Bạc Liêu, Bãi Xàu gọi nó là bánh xầy (bánh cống). Nhưng khi chiên với bột nhưn giá thì gọi là bánh giá. Còn nhưn bột đậu xanh để nguyên vỏ mới gọi là bánh xầy. Ở Tri Tôn (Châu Đốc) lại gọi bánh Xà Tún. Lên đến Sài Gòn bánh đổi tên là bánh tôm khô chiên, để ăn kèm với bánh cuốn không nhưn của mấy mụ xẩm già bán dạo.
Thỉnh thoảng tôi vẫn ăn nhưng không làm sao cho tôi quên được cái bánh xầy quê hương. Và mỗi lần về quê nhà thăm tổ phụ, mỗi sáng tôi đều ních vài ba cái bánh xầy để nhớ lại cái tuổi hường tuổi xanh.
Mà tôi nhớ hơn hết là bánh xầy của chị Năm Bồi bán nơi sân trường “con trai“ cho học trò trường Primaire – Nay là khu vực Quảng trường Bạch Đằng. Tại đây còn sót lại vài cây dầu và cây đa là di tích cũ của trường “con trai“ Sốc Trăng xưa - Lúc ấy bọn tôi ngồi học mà trông cho mau tới giờ ra chơi, để chạy cho kịp mà mua giành mua giựt cái bánh xầy một xu, chan cho ngập nước mắm ớt, không chan kịp thì cứ thả nguyên cái bánh vào tô nước mắm cho nó càng thấm càng hay.
Bánh cắn nóng hổi và dòn khớu, cắn một miếng nước mắm chảy vào cổ ngọt xớt, nuốt tới đâu nó khoái tới đó. Nhứt là gặp buổi trời mưa lâm râm, bà Đốc chằn “Mme F. Gros“ bắt nhổ cỏ vườn rau, mình nhổ đại một cây củ cải non, không cần rửa ráy, phủi sơ sịa bằng tay cho sạch cát đất, rồi cắn chung với bánh xầy thì nó ngon thấu trời, không bánh Tây, bánh Mỹ nào bằng.
Bãi Xàu, Sốc Trăng hai nơi kỷ niệm tuổi thơ ấu. Ngày nay đối với tôi đã xa xăm, biết bao giờ tôi có dịp trở lại buổi xưa, nếm dĩa hủ tíu xào mỡ, nếm cái bánh xầy như lúc chưa mười tuổi.
Trích hồi ký cụ Vương Hồng Sển trong cuốn “Hậu Giang – Ba Thắc“.

VƯƠNG QUỐC NAM

TÀU ĐIỆN SÀI GÒN ĐÃ CÓ HƠN 100 TRƯỚC…





Tổng quan về các tuyến đường sắt đô thị ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định thời kỳ 1881-1955

Việt Nam từ lâu đã vắng bóng xe điện ở các thành phố lớn. Ít người biết rằng ở cả Sài Gòn lẫn Hà Nội đã từng có một thời gian dài rộn ràng tiếng xe điện leng keng.
Tuyến đường sắt đô thị ở Sài Gòn bắt đầu hoạt động từ năm 1881 và phát triển mạnh mẽ cho tới năm 1945 thì gần như ngừng hoạt động, chấm dứt hoàn toàn năm 1955.
Khi tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn (cũng là tuyến đầu tiên của cả Đông Dương) thì thành phố này vẫn chưa có hệ thống điện công cộng, vì vậy đầu máy xe lửa được chạy bằng động cơ hơi nước, lò đốt bằng than hoặc củi, khi chạy nên người dân gọi là “xe lửa”.
Đến năm 1911, khi chính quyền thuộc địa nâng cấp hệ thống điện ở Sài Gòn thì các tuyến tramway mới bắt đầu được “điện khí hóa”, tức là đầu máy xe lửa không còn chạy bằng động cơ hơi nước nữa mà chuyển qua chạy bằng điện thông qua hệ thống đường dây điện trên cao dọc theo đường ray.
Trên đầu xe có cái cần câu điện bằng thép cao khoảng 2 mét hình chữ U lật ngược, khi xe chạy thì rà theo đường dây điện chạy dọc theo đường rầy, xẹt ra tia lửa. Hình thức “câu điện” này khác với xe điện ở Hà Nội, lấy điện bằng cái cần dài bắt vào dây.
Tính đến năm 1945, tổng chiều dài của tramways vùng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và vùng phụ cận là hơn 72 km.
Các ga/trạm xe lửa để hình đại diện giúp người dân dễ nhận biết. Ga Sài Gòn có logo hình con cò trắng, ga Cầu Kho hình con cá, ga An Bình có hình con khỉ, ga Arrat Cống Quỳnh hình cây cào cỏ và ga Chợ Lớn có hình xe cút kít.

ĐÔNG KHA






NHỚ VỀ NHỮNG CHIẾC XÍCH LÔ MÁY – NÉT ĐỘC LẠ CỦA SÀI GÒN XƯA

Xích lô máy đã trở thành phương tiện công cộng biểu tượng trên mọi góc đường của đất Sài Gòn Gia Định xưa. Những chiếc xích máy được cải tiến hơn những chiếc xích lô thông thường khác bằng cách sử dụng máy móc thay vì dùng sức người như trước đây. Nhờ vậy, mà xích lô máy nhanh chóng được nhiều tầng lớp dân Sài Gòn ưa thích vì sự thuận tiện và vẻ đẹp hình thức mà nó mang lại.
Giống như những phương tiện công cộng truyền thống khác như taxi cóc hay xe đò thì xích lô máy cũng là một phần ký ức không thể phai nhoà của người dân sinh sống và làm việc tại đất Sài Gòn trước năm 1975. Điều đặc biệt là Sài Gòn cũng được vinh danh là thành phố “duy nhất” trên thế giới có sự xuất hiện của xích lô máy trong những năm thuộc thập niên 90s.
Chiếc xích lô máy có mặt trên đường phố Sài Gòn lần đầu tiên vào năm 1940, được dựa trên nền chiếc xe Triporteur Peugeot (một loại xe 3 bánh dùng để vận chuyển hàng hóa), chiếc xe chạy bằng động cơ mạnh mẽ với nhiên liệu chính là xăng pha nhớt và chủ yếu được sản xuất tại nước Pháp. Thời điểm, thực dân Pháp tiến hành quay trở lại xâm lược Việt Nam thì nhu cầu vận tải hàng được tăng lên gấp nhiều lần, chính vì vậy mà chính quyền Pháp nhập rất nhiều phương tiện để giải quyết vấn đề này và trong đó có chiếc xe Triporteur Peugeot (tiền thân của những chiếc xích lô máy đời đầu tại đất Sài Thành).
Nhờ vào những ưu điểm vượt bậc mà vào năm 1950 tại Sài Gòn – Chợ Lớn có hơn 1000 chiếc xích lô máy được đưa vào hoạt động với nhu cầu sử dụng rộng rãi. Những chiếc xích lô máy cùng tiếng động cơ mạnh mẽ đã nhanh chóng trở thành biểu tượng “độc nhất vô nhị” của Sài Gòn mà khó nơi nào trên thế giới có được.
Nhưng đến năm 1960, khi những chiếc xe Lam được du nhập vào Sài Gòn thì phần lớn nghề chạy xích lô máy dần bị cạnh tranh một cách áp đảo và quyết liệt. Vì một phần xe Lam sẽ chở được nhiều người hơn mà phần phía trước xe còn có thể chở hàng hóa cùng giá thành rẻ hơn xích lô máy. Do đó, những chiếc xích lô máy dần dần đã mất đi vị thế vốn có của mình.
Người chạy xe xích lô máy được xem là biểu tượng cho sự khéo léo và cẩn trọng vì để điều khiển một chiếc xe 3 bánh với trọng tải lên đến hàng trăm kg là không phải việc ai cũng có thể làm được.
Hình ảnh những bác tài “cool ngầu” với mũ cói, kính mát với phong cách ăn mặc độc đáo đứng dọc trên nhiều tuyến đường lớn nhỏ Sài Gòn đã tạo nên khung cảnh tựa như một cuộn phim chỉ vừa phát hành ngày hôm qua. Ngày nay, những chiếc xích lô máy chỉ còn là những hoài niệm thông qua những mạch ký ức còn sót lại của người sinh sống tại thời kỳ đó.
Những chiếc xích lô máy với tiếng âm thanh đặc biệt hoà lẫn cùng nhiều âm thanh khác đã đánh thức ngày mới của người dân Sài Thành. Từ những ngóc ngách con phố nhỏ cho đến những quãng đường sầm uất thì hình ảnh xích lô máy đã trở thành hoài niệm khó phai của Sài Gòn những năm trước 1975
Từ sau những năm 1975, khi xăng dầu trở nên khan hiếm thì trên đường phố Sài Gòn hoàn toàn “vắng bóng” những chiếc xe 3 bánh đặc biệt này. Nhưng thay vào đó, là những chiếc xích lô được vận hành bằng hình thức thủ công lại một lần nữa lên ngôi và đối với mọi tầng lớp người dân Sài Gòn từ tri thức cho đến lao động thì hình ảnh những chiếc xích lô máy đã ăn sâu vào tiềm thức của với những giá trị văn hoá tinh thần văn minh và hùng cường.
Nguyễn Ngân

Bí ẩn đội quân độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam, khiến quân Pháp hoảng sợ bỏ chạy cứu thân

Đội quân đặc biệt này đã khiến cho quân Pháp đảo điên, hoảng sợ một phen. Chúng không tài nào hiểu được vì sao binh lính của mình sau 1 đêm lại lăn ra chết nhiều như vậy.
Võ Duy Dương (1827 – 1866), là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Đồng Tháp Mười. Ông nổi tiếng là người có tài, văn võ song toàn. Võ Duy Dương còn sở hữu sức mạnh phi thường, có thể nhổ cả bụi tre mỡ. Nhờ danh tiếng của mình mà Võ Duy Dương chiêu mộ được 1.000 quân đồn điền, được triều Nguyễn phong cho chức Thiên hộ, người đời vẫn thường gọi ông là Dương Thiên hộ cũng vì thế.

Tượng Võ Duy Dương trong Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Internet

Cuốn “Nam Kỳ lục tỉnh” cho biết, Dương Thiên hộ từng huấn luyện một đội quân rắn độc số lượng rất đông. Chúng được thả ra vào ban đêm, khiến quân địch thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, một hôm nọ đồn Doi bị quân Pháp tấn công, quân ta chống trả kịch liệt nhưng không thể trụ nổi, phải lui về Động Cát. Địch đuổi đến Động Cát thì trời đã tối nên chúng vào nhà trạm đóng quân tạm. Nào ngờ đêm đó quân Pháp nhiều người bỗng lăn ra chết lạ thường, không thể tìm được nguyên nhân.


Tượng của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Trước hiện tượng kỳ lạ đó, quân Pháp hoang mang không dám tiến sâu hơn. Chúng rút trở ra Doi Đồng. Nhưng ở đây chúng bắt đầu nghe được tin đồn Võ Duy Dương có một đội quân rắn thần trợ giúp. Hoảng sợ quá, quân Pháp đành rút về Cao Lãnh. Quân của ta nhờ đó được thế trở lại đóng ở Doi Đồn.

Hình minh họa

Tháng sau, Pháp lại tấn công Doi Đồn, ta lui vào căn cứ. Như kịch bản cũ, quân địch vào đóng trong Động Cát. Rút kinh nghiệm lần trước nên chúng canh gác qua đêm rất gắt gao. Nào ngờ nửa đêm vẫn có những tiếng la hét thất thanh rồi chết. Sau một hồi tìm kiếm, quân Pháp phát hiện ra hang rắn, quyết định đổ dầu đốt luôn cả hang.


Đền thờ Võ Duy Dương và Đốc Binh Kiều ở Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười. Ảnh: Internet

Lúc này đây khói lửa mịt mù, trời bỗng nổi giông gió. Một con rắn hổ mang to lớn ở đâu phóng đến, lăn vào lửa, nhe răng đe dọa. Quân Pháp thấy vậy thì hoảng loạn bỏ chạy giữ thân. Đúng lúc đó, nghĩa quân do Huấn Hiệu đốc chiến kéo đến tấn công. Trận đó quân ta thắng lớn, giết cả tên chỉ huy của địch.

Có thể nói, đội quân rắn độc đã trợ giúp Dương Thiên hộ rất nhiều trong cách đánh giặc. Đội quân này cũng cho thấy mưu lược của vị thủ lĩnh này trong trận mạc.

THEO SỞ HỮU TRÍ TUỆ.