Có nhiều người không thích ăn cháo trắng mà chỉ thích cháo gà cháo vịt, cháo lòng, cháo cá, hay cháo bào ngư vv... mặc dù cháo trắng cũng có cái ngon riêng và lợi điểm đặc biệt của nó là thuần khiết chỉ gạo với nước, không mỡ màng, không nhiễm độc tố, ăn dễ tiêu, nhẹ bụng, là món lót lòng lành mạnh rất tốt cho sức khỏe, nhứt là người già.
Người Hoa từ ngàn xưa đã có tập tục ăn điểm tâm cháo trắng cho ấm dạ dày rồi sau đó muốn ăn hàng vặt gì đó bên ngoài mới ăn. Tập tục nầy cũng dễ hiểu thôi, là vì nước Tàu đông dân, nghèo đói, lúa gạo không đủ ăn nên người ta phải ăn cháo. Mà nghèo thì làm gì có cá thịt để nấu nên buộc lòng phải ăn cháo trắng mà thôi. Ăn riết rồi thành thói quen dù khi đã có đủ cơm ăn vẫn không thể nào quên cháo. Cháo nấu theo người Hoa có hai cách, một là khi gạo vừa nở bung ra thì tắt lò đậy kín nắp để đó, hai là nấu lâu hơn cho ra nhựa, vừa nước vừa cái chớ không đặc sệt như cháo đậu xanh đậu đỏ của người Việt Nam.
Sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên của con dâu, hoặc con gái trong nhà là bắc nồi cháo lên bếp, vừa canh chừng, vừa dọn mấy món đồ mặn ra bàn, thường là những món đơn sơ, thanh đạm không tanh tưởi hay dầu mỡ mà lúc nào cũng có sẵn trong nhà như là xái bấu (củ cải ướp muối với ngũ vị hương đem phơi khô), cốn xại (cải ướp với riềng và muối đường), đậu phọng hoặc đậu đen nấu muối, trứng muối, cải Tứ Xuyên (một loại củ cải ở Tứ Xuyên bên Tàu, ướp muối và ớt bột), chao đỏ, thịt chà bông hay thịt kho khô vv...
Người nhà, trước khi ra cửa tản mác đi làm, ai cũng húp một hai chén cháo với một món nào đó trên bàn. Vì là đồ mặn nên chỉ cần gắp một hai miếng là xong bữa chớ không ai ăn nhiều tới nỗi để bị lên máu. Có người thích ăn cháo không hoặc xịt chút Maggi, miễn có chút cháo vô bụng là thấy sảng khoái tinh thần để bắt đầu một ngày làm việc mới.
Cải Tứ Xuyên
Thịt kho tiêu
Hột vịt muối
Xái bấu cay (củ cải muối có ớt)
Đậu phọng nấu muối
Cốn xại
Người Hoa không chỉ ăn cháo sáng mà có khi họ nấu nhiều để ăn luôn cả ngày mặc dù trưa chiều đã có cơm. Nhớ hồi xưa, mỗi lần đi thăm bà nội, tôi thấy trên bếp lúc nào cũng có nồi cơm và nồi cháo. Tôi hỏi thiếm tôi sao chiều mà cũng nấu cháo chi vậy. Thiếm nói chú đi làm về mệt thường hay húp một chén cháo trước khi ăn cơm không thôi nuốt không vô.
Hồi đi vượt biên, lúc ở trại chuyển tiếp Sungai Besi Mã Lai chờ chuyến bay đi định cư, chúng tôi có biết một gia đình người Hoa Chợ Lớn ở chung phòng, người cha sáng nào cũng lọ mọ đi nấu cháo, cháo nấu xong thì cũng gần tới giờ người ta phát cơm trưa. Mà ở đây muốn nấu nồi cháo đâu phải dễ vì là trại tạm cư như hostel nên chỉ có chỗ ngủ, phòng tắm, nhà vệ sinh chung chớ không có nhà bếp. Cơm nước thì đã có nhà thầu nấu sẵn, dân tị nạn chỉ cần lên lãnh đem về phòng ăn thôi. Không biết ông ta đi đâu tìm củi lửa để nấu hay phải móc nối với ban nhà bếp xin nấu nhờ. Hỏi ông ta sao cực quá mà bữa nào cũng phải nấu thì ông ta nói ngày nào không ăn cháo là ngày đó muốn bệnh. Vậy mới biết cháo trắng quan trọng với người Hoa như thế nào.
Trước kia, ông xã tôi rất ghét cháo trắng vì hồi nhỏ bị kiết lỵ nằm nhà thương hai tuần lễ toàn ăn cháo trắng với muối ớn tới xương. Nhưng từ khi vào làm rể người Tàu minh hương thì bỗng nhiên "đổi tông", cháo gì ổng cũng không thích bằng cháo trắng ăn với "kèm lèo" (tiếng Tiều, có nghĩa là đồ mặn linh tinh nói chung). Chiều nào cảm thấy không có appétit, ông xã cũng kêu tôi nấu nồi cháo cho ổng rồi ổng đi bày ra đầy bàn nào là đậu phọng, cải Tứ Xuyên, xái bấu vv... Và khi ăn thì ăn một hai tô chớ không phải chén thì đủ biết cháo trắng cũng có sức hấp dẫn tới cở nào.
Theo đông y thì người lớn tuổi, buổi chiều nên ăn cháo hơn là cơm cho nhẹ bụng dễ ngủ, tôi nghĩ cũng ̣đúng vì chiều nào ăn cháo, tôi cũng thấy trong bụng như không có gì, không nặng nề như những bữa ăn cơm với đầy bàn thịt cá. Cháo trắng giúp cho tiêu hóa tốt, vì vậy mỗi khi tôi làm đồ chiên cho cả nhà ăn, tôi đều nấu thêm chút cháo trắng để húp cho tiêu dầu mỡ. Ngoài ra khi trái gió trở trời, ai bị phong hàn cảm cúm, sau khi xức dầu cạo gió xong, húp vào một chén cháo nóng thì coi như đã giảm được nửa phần cơn bệnh, có khi khỏi cần uống viên thuốc nào.
Xem ra cháo trắng cũng là một phương thuốc đa năng, vừa cứu đói, vừa cứu bệnh con người rất hay và hữu hiệu. Thử hỏi có ai trong đời chưa từng ăn một chén cháo trắng những lúc mệt mỏi, bần thần, dã dượi, yếu đau, phải không quý vị?
Người Phương Nam
Theo đông y thì người lớn tuổi, buổi chiều nên ăn cháo hơn là cơm cho nhẹ bụng dễ ngủ, tôi nghĩ cũng ̣đúng vì chiều nào ăn cháo, tôi cũng thấy trong bụng như không có gì, không nặng nề như những bữa ăn cơm với đầy bàn thịt cá. Cháo trắng giúp cho tiêu hóa tốt, vì vậy mỗi khi tôi làm đồ chiên cho cả nhà ăn, tôi đều nấu thêm chút cháo trắng để húp cho tiêu dầu mỡ. Ngoài ra khi trái gió trở trời, ai bị phong hàn cảm cúm, sau khi xức dầu cạo gió xong, húp vào một chén cháo nóng thì coi như đã giảm được nửa phần cơn bệnh, có khi khỏi cần uống viên thuốc nào.
Xem ra cháo trắng cũng là một phương thuốc đa năng, vừa cứu đói, vừa cứu bệnh con người rất hay và hữu hiệu. Thử hỏi có ai trong đời chưa từng ăn một chén cháo trắng những lúc mệt mỏi, bần thần, dã dượi, yếu đau, phải không quý vị?
Người Phương Nam
CON ONG BIẾT ĐÁNH VẦN
Ngày còn bé, chúng ta phải “ê, a” trong lớp học đánh vần. Lớn lên rồi thì không nghe thấy ai đặt ra vấn đề này. Có lẽ vì tiếng Việt là loại tiếng đơn âm và chữ dài nhất chỉ gồm có 7 nguyên âm và phụ âm. Một chữ không có nguyên âm thì không phát âm được. Chữ ngắn nhất là chữ dùng một nguyên âm – o, u, y…vv.., khác với tiếng Tầu có cái tên là Ng. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn bị (được) các bạn hữu hay người đọc chỉ cho những chữ “sai”, chẳng hạn như dùng “ngành” thay vì “nghành”; “dậy” có nghĩa là thức giấc, còn “dạy” là chỉ bảo, dạy dỗ.
Còn những chữ như “Sinh và Xinh”, “Xấu và Sấu” vv…làm người viết vất vả, nhất là những người ít khi viết, chỉ nói. Mà nói thì 2 chữ này giống hệt nhau khi phát âm. Tuy nhiên người nghe hiểu ngay. Chuyện khó hiểu nhất là vần đề một số dân địa phương sống ở miền Bắc dùng lẫn lộn hai chữ L và N. Điều đáng ngạc nhiên là 2 chữ cái này được dùng thay thế cho nhau - “Nàm không lổi”. Điều đó chứng tỏ là những người này có thể phát âm được cả hai nhưng “râu ông nọ cắm nhầm vào cằm bà kia”, thế thôi. Không biết chữ “cằm” ở phía dưới mặt có khác với chữ “cầm”, như trong chữ “cầm nhầm”. Khác với người Đức không phát âm được chữ W và người Tầu không nói được chữ R.
Nói chuyện về tiếng Việt mà không đề cập đến mấy con dấu (sắc – huyền – hỏi – ngã – nặng) thì là cả một sự thiếu sót. Ấy là chưa dám đụng tới các dấu Ớ, dấu Á, dấu Mũ.
Có lẽ không có thứ tiếng nào trên thế giới (có lẽ trừ tiếng Tầu – xin các vị cao kiến chỉ bảo cho như chữ TƯ, có thể dùng với các dấu nhấn rồi trở thành Tự, Tử, Từ, Tứ…có liên hệ gì đến tiếng Tầu không?) lại giầu có đến mức chỉ cần đổi dấu là thành một chữ khác. Với quý độc giả của tôi thì không cần phải nêu ra thí dụ. Nhưng có những chuyện dịch giả hiểu nhầm ý tác giả chỉ vì mấy chữ có tính chất địa phương hay nhầm dấu nên dịch sai. Chẳng hạn như trong một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện có câu này:
-Viết phong thơ phải nghỉ tới dăm lần.
Xin ghi rõ ở đây, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là người miền Bắc. Người Bắc nói và viết các chữ có dấu Hỏi và dấu Ngã rất chuẩn. Trong một bản dịch sang tiếng Anh của một học giả nổi tiếng ở miền Đông cách đây 30 năm, tôi đọc thấy câu trên được dịch như sau:
-Just to address an envelope, I must think hard.
Câu dịch sang tiếng Anh này có nhiều vấn đề. Tôi thấy là trong phần tiếng Việt đối chiếu toàn cuốn sách, những chữ có dấu hỏi và ngã ở trên đầu rất chỉnh (bản in lúc đó hãy còn được bỏ dấu bằng tay) nhưng không hiểu tại sao chỉ riêng có chữ “nghỉ” trong câu thơ này thì lại có dấu Ngã và trở thành “nghĩ”. Và vì thế việc phân tích 9 chữ tiếng Anh và 8 chữ tiếng Việt đối chiếu trở thành một đề tài thích thú cho những người thích ngôn ngữ.
-Viết phong thơ phải nghỉ tới dăm lần.
-Just to address an envelope, I must think hard.
Trước hết là chữ “Phong Thơ” hay có thể là “Phong Thư”. Trong tiếng Bắc, hai chữ này dùng để chỉ “Lá Thơ – Lá Thư” như tựa đề bản nhạc của Đoàn Chuẩn. Người dịch là người miền Nam nên hiểu nhầm 2 chữ “Phong Thơ” thành “Phong Bì”. Mà “viết” lá thư ở trong và “điền tên và địa chỉ người nhận” ngoài phong bì trong tiếng Anh cũng dùng 2 động từ khác nhau nên mới có chuyện dịch 3 chữ “Viết phong thơ” thành “Address an envelope” thay vì “Write a letter”.
Mấy chữ sau cũng có vấn đề. Trong bài thơ “Thư Nhà” này, Nguyễn Chí Thiện viết về chuyện một ông bố già bệnh hoạn viết thư cho thằng con đang bị tù tội. Ông bố nói là lúc “viết phong thư” thì ông “phải nghỉ tới dăm lần” vì mệt. Nhưng vì lỗi “typo” nên khi thấy dấu Ngã trên chữ “nghi”, người dịch tưởng nhầm là ông bố phải “Nghĩ – suy nghĩ” xem phải viết cái gì trên phong bì – chẳng hạn như tên người con, địa chỉ trại tù vv…Và trong mấy chữ tiếng Anh I must think hard này, người dịch một là không hiểu chữ “dăm – dăm lần – vài ba lần”, hay vì thấy nếu dịch sang chữ “Think dăm lần” thì không chuẩn nên đành phải bịa ra chữ “Hard” vì nghe hợp lý hơn và đúng với cách dùng trong tiếng Anh hơn.
Trên đây là những khó khăn cho người học và sử dụng tiếng Việt. Bây giờ nói sang tiếng Anh và cái tựa đề của bài này: “Con Ong Biết Đánh Vần.”
Có lẽ chỉ có trong tiếng Anh mới có sự rắc rối trong vấn đề ngôn ngữ đến nỗi hai bên phải đánh vần những chữ mình đang nói để người kia hiểu. Những nguyên âm (vowel – A, E, I, O, U; riêng chữ Y có thể được coi là nguyên âm khi nằm trong một chữ, phụ âm khi đứng đầu một chữ) tự nó đã rõ nên không cần nhưng tất cả các phụ âm đều cần phải dùng một chữ nào thông dụng trong tiếng Anh để làm thí dụ: T as in Tom, B as in Boy, N as in Nancy etc…
Nếu bạn làm nghề thông dịch như tôi mà gặp một ông bác sĩ người Ấn Độ ngọng líu ngọng lo, cầm một danh (gianh?) sách (xách?) gồm cả chục (trục) thứ thuốc tây khác nhau, đọc từng tên thuốc dài (giài?) dằng (giằng?) dặc (giặc?) rồi hỏi bệnh nhân xem có còn dùng những thuốc đó không trước (chước?) khi cho nhập viện thì chỉ còn cách giơ (dơ?) hai tay lên rồi than trời như bọng.
Vì tiếng Anh rắc rối nên dân Mỹ có rất nhiều người đánh vần, viết sai tiếng mẹ đẻ, kể cả những người có học, có bằng cấp, làm nghề viết lách. Vì thế vai trò của những người sửa bản kẽm - line editor cho sách/copy editor cho báo chí - rất quan trọng.
Tiếng Anh rắc rối đến mức có cả những cuộc thi để thử tài đánh vần của trẻ em ở khắp nước Mỹ và ở cả các nước khác trên thế giới. Các cuộc thi này dùng chung một cái tên Spelling Bee và tôi dùng câu “Con Ong Biết Đánh Vần” làm tựa đề của bài này là vì thế.
Thật ra thì chữ Bee trong câu này không ăn nhậu gì tới con Ong hết. Cho tới nay chưa có một luận cứ nào được coi là xác đáng để giải nghĩa chữ Bee trong câu này. Không có con Ong nào biết đánh vần, và chữ “B” cũng chỉ là một trong 26 chữ cái mà thôi, không tượng trưng cho cái gì đặc biệt. Coi như một bí mật của ngôn ngữ. Một chuyện đáng chú ý là độ chục năm trở lại đây, phần đông các em đoạt giải Spelling Bee ở nước Mỹ thường là gốc Ấn Độ (12 trong 16 kỳ thi). Theo tôi thì chuyện này không đáng làm ngạc nhiên vì dạo sau này, tôi đọc báo hay xem sách thì thấy những cái tên Ấn Độ mà tôi được biết từ xưa như Gandhi, Nehru, Gupta, Patel, Singh, Khan vv…không thường xuyên xuất hiện. Thay vào đó là những cái tên dài thậm thượt (12-15 chữ cái). Tên của hai em đồng đoạt giải nhất cuộc thi Spelling Bee năm 2015 là: Vanya Shivashankar 13 tuổi và Gokul Venkatachalam 14 tuổi. Một trong những chữ Vanya đánh vần trúng là SCHERENSCHNITTE – gốc tiếng Đức. Còn một trong những chữ Gokul đánh vần trúng là SPRACHGEFUHL.
Lập luận của tôi về chuyện này là tên các em người Ấn Độ dài và khó nhớ như thế thì các em có lợi điểm khi tham dự những kỳ thi Spelling Bee hơn các em ở những quốc gia khác như Bahamas, Jamaica, Guam, the U.S. Virgin Islands,American Samoa, Canada, New Zealand, Puerto Rico, các nước ở Úc Châu, Âu Châu, Á Châu, Phi Châu, cả các nước Ả Rập, hay những giống người tạp chủng sống trên đất Mỹ như Việt Nam, Tầu, Nhật, Phi, Đại Hàn vv...
Sau cùng, nhân nói về con ong, tôi xin đi lạc đề một chút. Trong dân gian có câu vè:
“Thương thay một đóa Trà Mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về.”
Câu này có ý tỏ lòng thương hại cho thân phận người con gái (Trà Mi) đã “bị” anh chàng Ong nào đó dụ dỗ, đưa lên giường. Câu chuyện này vài chục năm trước còn nghe được chứ vào cái thời buổi nam nữ bình đẳng (hay Nữ thịnh Nam suy) thì quá cổ lỗ sĩ. Nhất là sau này có chuyện các cô giáo bị cho đi tù vì tội dụ dỗ học trò con trai vị thành niên trong lớp xẩy ra như cơm bữa. Chúng ta nên đổi câu này thành:
"Thương thay cho phận chàng Ong,
Trà Mi biết tỏng tòng tong anh rồi."
Bạn có thấy sự giầu có của tiếng Việt qua 3 chữ
Tỏng -Tòng -Tong này không?
Luân Tế
06-2015