.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Đại gia 'giàu kếch xù' là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, tặng cháu gái 20.000 lượng vàng làm của hồi môn

 

Ông Huyện Sỹ được biết đến là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, là người giàu có bậc nhất ở Nam Kỳ Lục Tỉnh thời trước, thậm chí khối tài sản còn vang danh khắp Đông Dương.

Với những ai theo dõi lịch sử Việt Nam, chắc chắn không xa lạ với Nam Phương Hoàng Hậu, vị Hoàng hậu đặc biệt của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Bên cạnh chuyện tình với vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng Hậu còn được chú ý khi xuất thân trong gia đình giàu sang. Trong ngày về nhà chồng, Nam Phương Hoàng Hậu được gia đình bên ngoại tặng 20 nghìn lượng vàng làm của hồi môn. Ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu - ông Huyện Sỹ là đại gia giàu có bậc nhất đất Sài Gòn lúc bấy giờ


Chân dung Nam Phương Hoàng Hậu, vị Hoàng hậu có xuất thân trong gia đình giàu có

Đại gia Huyện Sỹ - Một trong tứ đại phú hào giàu có ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20

Ông Huyện Sỹ có tên thật là Lê Nhất Sỹ, sinh năm 1841 tại Cầu Kho (Sài Gòn), quê quán gốc ở Tân An (Long An) trong một gia đình theo đạo Công giáo. Ông có điều kiện đi du học ở Malaysia và biết nhiều thứ tiếng khác nhau như: Pháp, La Tinh, Hán…Do tên ông trùng với một người thầy dạy nên sau đó đổi tên Sỹ thành Lê Phát Đạt. Từ đây cái tên Huyện Sỹ Lê Phát Đạt gắn bó với ông.

Sau khi về nước, ông được Chính phủ Nam Kỳ bổ dụng làm thông ngôn, đến năm 1880 làm Uỷ viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Dù xuất thân gia đình không quá giàu có nhưng đến thời của ông Huyện Sỹ thì nhanh chóng trở thành người giàu có bậc nhất đất Sài Gòn. 

Vợ của ông Huyện Sỹ là bà Huỳnh Thị Tài, sinh hạ được các người con gồm: Lê Thị Bình, Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân. 

Theo một số thông tin thì việc giàu lên của gia đình ông Huyện Sỹ có không ít yếu tố may mắn và nhạy bén với thời cuộc. Thời kỳ khoảng năm 1904, khi nắm trong tay đất đai ruộng vườn, vận đỏ ruộng trúng mấy mùa liên tiếp ông Huyện Sỹ phất lên giàu có “nứt nố đổ vách".

Ông Huyện Sỹ và vợ trong một bức ảnh

Có một số lời đồn rằng ngôi nhà lầu đồ sộ của ông Huyện Sỹ tại Tân An được cất trên thế đất hàm rồng nên gia đình thuận đường làm ăn, trở nên giàu có danh gia vọng tộc bậc nhất thời đó.

Nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sỹ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây phải mất gần 1 tiếng, đất đai rộng mênh mông. Con của ông Huyện Sỹ trong đó có bà Lê Thị Bính (mẹ Nam Phương Hoàng Hậu) là những đại điền chủ có rất nhiều đất đai khắp các tỉnh.

Sự giàu có của ông Huyện Sỹ vẫn còn được thể hiện cho đến ngày nay một cách rõ nét qua các công trình xây dựng được lưu lại. Trong đó là nhà thờ Huyện Sỹ, được ông hiến đất và 1/7 gia tài để xây dựng. Nếu tính theo thời giá lúc bấy giờ thì khoảng trên 30 nghìn đồng bạc Đông Dương.

Gia đình ông Huyện Sỹ tặng cháu gái Nam Phương Hoàng Hậu 20 nghìn lượng vàng làm của hồi môn

Mức độ giàu có của gia đình ông Huyện Sỹ được đồn thổi hơn rất nhiều so với vua Bảo Đại. Có câu chuyện là vào năm 1934, khi cô cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu) về Huế làm Hoàng hậu của vua Bảo Đại, gia đình ông Huyện Sỹ đã tặng 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn. Nếu quy đổi thì 1 triệu đồng lúc đó với giá 50 đồng/lượng vàng, thì món quà này tương đương 20 nghìn lượng vàng.


Một hình ảnh trong đám cưới tại Huế của Nam Phương Hoàng Hậu

Thậm chí gia đình cha mẹ của Nam Phương Hoàng Hậu, cũng được cho là giàu có hơn vua Bảo Đại. Nên có thông tin trong khoảng thời gian làm vua của mình, vua Bảo Đại dùng tiền của nhà vợ nhiều hơn cả tiền hoàng gia.

Nam Phương Hoàng Hậu là vị Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Bà cũng là người hiếm hoi được phong làm Hoàng hậu khi còn sống. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, đến năm 1947 bà cùng các con sang Pháp. Đến năm 1963 thì Nam Phương Hoàng Hậu qua đời và được an táng tại Pháp.

Dù nắm trong tay khối tài sản đồ sộ nhưng gia đình ông Huyện Sỹ không tiêu xài hoang phí mà tập trung phát triển nông nghiệp, truyền bá đạo Công giáo. Trong nhà có để một câu đối rằng: “Cần giữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đô" (Tạm dịch: trong gia đình phải chăm chỉ và tiết kiệm/ Xử thế với người ngoài phải hoà hoãn nhẫn nhịn).


Tượng bán thân của ông Huyện Sỹ được đặt tại nhà thờ Huyện Sỹ do chính ông xây dựng

Năm 1900, ông Huyện Sỹ qua đời. Đến năm 1920, vợ của ông là bà Huỳnh Thị Tài cũng mất. Thi hài hai vợ chồng sau đó được đưa về an táng trong một gian phòng phía sau cung thánh tại nhà thờ Huyện Sỹ.

Theo Hà Anh (Tri thức & Cuộc sống)





Vì sao gọi Huế là đất Thần Kinh?


Ai cũng biết Huế là cố đô của nước ta, nhưng gọi Huế là đất Thần Kinh thì không phải ai cũng hiểu.

Ngọ Môn, cửa chính nhìn ra hướng Nam của đất Thần Kinh - Huế. Ảnh: V.T.L

Các nhà nghiên cứu cho rằng đất Thần Kinh là do hai từ “kinh đô” và “thần bí” ghép lại. Còn vì sao gọi Huế là “Kinh đô Thần bí” thì có nhiều cách giải thích, trong đó cách giải thích do hai sự kiện lịch sử dưới đây được cho là khả tín nhất.

Sự kiện thứ nhất xảy ra vào năm 1558. Sau khi anh ruột của mình bị anh rể là Trịnh Kiểm sát hại, Nguyễn Hoàng bèn đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi xin cách đối phó.

Trạng lúc đó đang đứng bên hòn giả sơn, không trả lời thẳng câu hỏi mà chỉ lẩm nhẩm một câu: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dãy Hoành Sơn kia, có thể dung thân được muôn đời). Hiểu ý, Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm cho mình vào Nam, băng qua Hoành Sơn (phía nam tỉnh Hà Tĩnh, phía bắc tỉnh Quảng Bình) vào làm trấn thủ đất Thuận Hóa để xa lánh hiểm họa, từ đó làm nên nghiệp lớn của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Nhà Nguyễn sau này.

Sự kiện thứ hai, huyền hoặc hơn. Sau khi vào Thuận Hóa một thời gian, Nguyễn Hoàng tìm đất xây dựng kinh đô. Một đêm nọ, ông mơ thấy một bà lão mặc sắc phục đỏ, tự xưng là Thái Thượng Lão Quân, bảo ông đi về hướng đông khoảng ba dặm để lập kinh đô. Ông thấy mình cùng đoàn tùy tùng nghỉ chân ở một địa điểm trên bờ Sông Hương, cách Huế khoảng 5 cây số về phía tây.

Sáng hôm sau, ông đi về hướng đông như bà lão trong mộng đã bảo. Sau mấy dặm đường, chúa Nguyễn gặp một cảnh trí sơn thủy hữu tình như thiên nhiên đã bày sẵn để dành cho ông. Ngoài cái đẹp của cảnh quan, nơi đây còn có địa thế phong thủy tốt tươi, xứng tầm một xứ “địa linh nhơn kiệt” để vị chúa đầu tiên của các chúa Nguyễn chọn làm nơi đặt bản doanh và sau này là kinh đô của cả nước.
Lời tiên tri của Trạng Trình, lời báo mộng của Thái Thượng Lão Quân quả đã báo trước sự nghiệp lâu dài 400 năm của Nhà Nguyễn và cũng chừng đó năm của cố đô Huế.
Tương truyền, trước đó có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên một ngọn đồi bên bờ sông Hương vào ban đêm và nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”.

Vì thế, vào năm 1601, Nguyễn Hoàng đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là chùa “Thiên Mụ”. Năm 1862, khi cầu tự, vua Tự Đức đã đổi thành chùa Linh Mụ vì sợ chữ Thiên phạm húy với Trời.

Với hai sự kiện thần bí kể trên, kinh đô Huế đã được gọi là đất Thần Kinh. Vua Thiệu Trị, cháu của Nguyễn Hoàng đã có một chùm 20 bài thơ gọi là Thần kinh nhị thập cảnh để tả những cảnh đẹp của kinh thành Huế.
Nói thêm, cũng có chuyện kể rằng, Nguyễn Hoàng chiêm bao thấy một bà tiên, bảo từ gò đất hãy thắp cây hương rồi chèo thuyền đến khi nào hết cây hương thì dừng lại, chọn nơi ấy làm phủ Chúa. Chúa làm theo, khi hết cây hương thì thấy hiện ra một vùng đất (sau gọi là Phú Xuân) phía trước có núi án ngữ (sau gọi là núi Ngự Bình), bèn chọn làm nơi xây phủ Chúa, về sau là kinh đô của cả nước. Chúa cho xây chùa Linh Mụ trên gò đất để tạ ân bà tiên, và dòng sông đó được gọi là sông Hương.

Sưu tầm


LẠI MỘT NGƯỜI VIỆT NAM NỮA!
NHƯNG VẪN CHƯA LÀ HỒNG PHÚC CỦA DÂN TỘC
"Với hơn 30 ngàn Gsts. Tại sao nhà nước VN không phát hiện và đào tạo?"?
Hành trình 'thần kỳ' của cậu bé lớn lên từ dòng kênh đen.
Chiếc máy bay không người lái vọt lên 220 m trên bầu trời xứ Bavaria, Đức. Nhờ camera quang và nhiệt, nó phát hiện đám cháy, tiếp cận mục tiêu và thả đồ cứu trợ.
Khi nó hạ cánh xuống mặt đất, tràng pháo tay của những chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới vang lên không ngớt. Đến lúc này mọi người đều thừa nhận mẫu máy bay không người lái (drone) mang tên Hera của Việt Nam "nói được, làm được" với những thông số vượt trội trong khi những mẫu khác trên thế giới khi bay thực tế đều không được như thiết kế.
Cuộc thử nghiệm thành công trước sự chứng kiến của các chuyên gia drone hàng đầu cuối tháng 9/2023 mở ra chương trình hợp tác giữa "cha đẻ" của Hera, tiến sĩ Lương Việt Quốc và đại diện công ty Protrack của Israel, đơn vị chuyên sản xuất phần mềm chiến thuật quân sự.
Israel vốn là cường quốc drone nên thông thường các công ty Do Thái ưu tiên hợp tác với nhau nhưng Protrack lại chọn một drone từ Việt Nam vì các tính năng vượt trội.
"Đó là điều khiến tôi tự hào", tiến sĩ Lương Việt Quốc, 58 tuổi, CEO Công ty Real-time Robotics (RtR) chia sẻ.
Gần 50 năm trước, dòng người vô gia cư lũ lượt kéo nhau về xóm Gò Mả - khu nghĩa địa nằm dọc dòng kênh Rạch Lào, nay thuộc quận 8, TP HCM - dựng nhà sát mộ, tạo nên cảnh tượng "người sống ở chung với người chết". Gia đình cậu bé Lương Việt Quốc nằm trong số đó.
Bố mẹ Quốc trở về thành phố từ vùng kinh tế mới, cất căn nhà tạm trên con rạch nhỏ, nơi người ta vứt rác, mảnh vỡ thủy tinh và đi tiêu xuống. Hàng ngày, cậu bé phải đợi nước thủy triều rút, lặn xuống rạch bắt cá và mò phế liệu. Đôi chân trần chằng chịt những vết thương.
Tiến sĩ Quốc kể, con rạch có chu kỳ nước cách nhau 25 tiếng nên hôm nay xuống lúc nhập nhoạng, những ngày sau sẽ phải xuống muộn hơn, lúc nửa đêm và khi về sáng. "Những đêm trời mưa, tôi cố nán lại kéo dài thời gian nhưng vì cái bụng đói quá vẫn phải xuống", người đàn ông 58 tuổi hồi tưởng.
Tuổi thơ của ông còn là nỗi ám ảnh những đêm mưa to, gió lớn, khắp nhà là xô chậu nhồi giẻ rách để nước mưa không bắn ra ngoài. 9 anh em ông mỗi người một góc, che đầu bằng giấy báo, nilon ngủ gà ngủ gật.
"Đói triền miên nên suốt tuổi thơ tôi chỉ ước ao lớn lên kiếm được việc làm, được chủ cho cho ăn tùy thích, không cần lương bổng gì cả", ông Quốc nói.
Cuộc sống lam lũ khiến những người bạn của Quốc bỏ học từ lớp 3. Các chị, các em cũng bỏ ngang đi làm. Chỉ duy cậu bé bám trụ vì luôn nhớ lời bà nội: "Chỉ có học mới thay đổi cuộc đời".
Tốt nghiệp cấp ba, Lương Việt Quốc học trung cấp tài chính, sau đó tiếp tục học lên đại học hệ tại chức. Đầu những năm 1990, Việt Nam bắt đầu mở cửa, khi đó Quốc 26 tuổi, nhận thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh nên quay lại trường học. Nhờ có ngoại ngữ, anh trở thành một quản đốc Dự án tăng cường nhân lực xóa nghèo tại Trà Vinh của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2002, học bổng Fulbright thay đổi chính sách, không yêu cầu bằng đại học chính quy. Thông tin này lập tức thắp lên một giấc mơ táo bạo trong lòng chàng trai trẻ. Anh nộp hồ sơ và "run lên vì bất ngờ và sung sướng" khi được cấp học bổng thạc sĩ tài chính tại Đại học Cornell (Mỹ).
"Tôi không có tiền đi du học, không có bằng đại học chính quy. Tôi học tiếng Anh chỉ vì nó làm cuộc sống mình phong phú nhưng cuộc đời đôi lúc vượt ra ngoài khả năng tưởng tượng, mà ngay cả trong giấc mơ cũng không mơ nổi", anh nói.
Mùa thu 2003, chàng trai Việt đặt chân đến thành phố Ithaca, bang New York. Trên đất Mỹ, Quốc mới biết có cơ hội học lên tiến sĩ, nên song song chương trình thạc sĩ kinh tế, anh dốc sức học thêm các môn mà chương trình yêu cầu. Thành tích xuất sắc giúp Việt Quốc nhận được học bổng của 8 trường khác nhau. Sau cùng, anh chọn Viện Đại học California -Berkeley. Bốn năm sau khi tốt nghiệp, anh làm việc ở Thung lũng Silicon.
Tại đầu não công nghệ toàn cầu, tiến sĩ kinh tế người Việt nhận thấy drone sẽ là thiết bị của tương lai, nên quyết định thành lập Công ty Real-time Robotics (RtR), năm 2014. Ba năm sau, anh mở trụ sở ở Việt Nam, tuyển 100% kỹ sư Việt. Nhà khởi nghiệp này ví hành trình của RtR như con bướm phải qua nhiều lần lột xác. Ba năm đầu chỉ học việc, ba năm tiếp theo đuổi kịp thế giới và cuối cùng là thiết kế được sản phẩm vượt trội hoàn toàn.
Khi ra mắt, Hera có 5 điểm vượt trội so với các sản phẩm đang có trên thị trường. Đầu tiên, nó là sản phẩm duy nhất nhỏ đến mức nhét vừa balo, dễ dàng để một người mang đi và tự thao tác. Tiếp theo, nó khỏe, bởi tất cả những con nhỏ chỉ nâng được tối đa hai kg nhưng Hera mang được 15 kg. Hera gắn được bốn camera với mỗi tải có tầm quan sát 360 độ trong khi các dòng khác chỉ gắn được một.
Nó cũng thông minh gấp ba, bốn lần và đặc biệt đa năng. Một Hera có thể làm nhiệm vụ trinh sát, tác chiến, cứu hộ cứu nạn, truyền tin, truyền thông, quản lý rừng, phòng cháy chữa cháy, quét lidar lập bản đồ, dò phóng xạ, khí độc, mang thả vũ khí, thiết bị chữa cháy. Nếu không tải Hera bay được 56 phút, bay với tải một kg là 53 phút, đủ bốn tải là 16 phút.
Hiện Hera được bán tại thị trường Mỹ giá 58.000 USD/chiếc, cao hơn 1,5 lần so với các sản phẩm khác. Nó đang được Công ty Valmont Industries, ở Mỹ sử dụng để kiểm tra đường điện cao thế định kỳ để đảm bảo an toàn; được Almos National Lab, nơi chế tạo bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới sử dụng. Tại Việt Nam, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã tiếp cận Hera.
"Trong năm nay, chúng tôi sẽ tung ra ba phát minh là khung chống rung OmniSight gimbal, máy bay không người lái trồng rừng và máy bay không người lái có khả năng chống chiến tranh điện tử", CEO này nói.
Trong số này, khung chống rung OmniSight là một phát minh đột phá. Suốt 10 năm nay trên thế giới là dòng gimbal mang một camera, quét ngang, không thể quét 360 độ. Tiến sĩ Quốc mong muốn gimbal phải như hai mắt của tắc kè quan sát được 360 độ môi trường xung quanh, giúp tăng năng suất làm việc lên gấp đôi.
Trong một lần phải nằm viện làm thủ thuật, anh chợt nghĩ ra giải pháp. Ngay lập tức anh gọi cho kỹ sư trưởng đến trình bày cách để gắn hai camera vẫn giữ được trọng tâm, đồng thời thêm não cho gimbal để chạy trí tuệ nhân tạo. Cái tên OmniSight mang nghĩa "thiên lý nhãn".
Nghe tiến sĩ Quốc trình bày xong, người kỹ sư trưởng cười nói: "Vậy ra đây là kết quả của bốn ngày nằm viện?".
Nhìn lại hành trình của mình, Lương Việt Quốc rút ra hai bài học. Thứ nhất, giáo dục thực sự thay đổi cuộc đời con người. Học tập không chỉ trong hệ thống giáo dục chính thống mà học suốt đời theo nghĩa rộng cả không gian và thời gian. Nhờ học, anh đi lên từ dòng kênh chết. Và cũng nhờ tự học, anh đã ghi tên người Việt vào bản đồ phát minh trên thế giới.
Sự ra đời của Hera là minh chứng cho thấy trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể sánh tầm với các quốc gia trên thế giới, thậm chí vượt trội. Mặt khác, nó truyền cảm hứng, nếu đi theo con đường phát minh sáng chế, người Việt có khả năng thành công. Theo tiến sĩ Quốc, đây là con đường mà duy nhất để một nước từ vị thế là quốc gia đang phát triển thành quốc gia phát triển, như Hàn Quốc đã đi, Trung Quốc đang đi.
Chiều cuối năm 2023, Lương Việt Quốc quay trở lại xóm Gò Mả thăm những người bạn, người thân. Anh vẫn dùng ngôn ngữ xưa của những đứa trẻ khu ổ chuột, vẫn cười ngặt nghẽo ôn chuyện cũ. Nhưng ra về, lòng anh nặng trĩu. Thương những khuôn mặt thân quen vẫn mắc kẹt trong cái thế giới nhỏ bé, ngày ngày buôn thúng bán bưng, tối về uống rượu, đánh lộn.
"Tôi mong rằng tương lai chúng ta không còn phải kể câu chuyện anh hùng nữa. Bởi, khi ai đó nói về tôi như những anh hùng thì ngoài kia vẫn còn quá nhiều đứa trẻ sống trong một thế giới trái ngược", anh nói.
Đó mới là phần chìm của tảng băng - mà cậu bé bước ra từ dòng kênh chết - đang góp phần thay đổi.




Phan Dương - Nguyễn Đông.






Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.