.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

12 tháng 8 2019

MÁ VÀ EM! - Nguyễn Thị Thanh Ngọc


Má tôi kể, khi ba đưa em về, đặt em ngồi vào ghế xong là ba bỏ đi đâu đó. Má không thèm tới gần nhưng vẫn ngó chừng vì sợ em té. Mà lạ. Em cứ ngồi yên một chỗ, không nói năng hay la khóc gì, nét mặt buồn hiu. Sợ em đói, gần tới giờ ăn má bới cơm đút em ăn (lúc ấy em bốn tuổi - năm 1977). Tính má vốn thương con nít nhưng má không vuốt ve nựng nịu em cái nào. Chừng ba trở về nhà, lát sau bỗng em… ị. Thấy ba loay hoay, má không đành, thế là xắn tay vào… Từ đó, má trở thành người nuôi con mọn sau khi đã gả con gái lớn đi lấy chồng, còn con trai út thì chưa đầy hai mươi tuổi…

Cơ duyên là, một lần tôi có việc đi cùng ba lên Sài gòn, đến nhà thăm ba đứa em khác mẹ ở quận 6. Mẹ ruột của các em tôi bận bán buôn ở chợ, phải thuê người chăm sóc con mình. Thấy người ấy dọn cơm cho các em tôi ăn dưới đất, sát bên đường thoát nước lộ thiên từ trong bếp ra trước cửa nhà, tôi hỏi sao chị không dọn trên bàn cho các em ăn. Bà ta trả lời tỉnh bơ “Tụi nó là con nít, ngồi bàn ghế mắc công dọn, ngồi dưới đất khỏi lo té…”. Tối tôi ngủ với em, cứ nhìn mãi hàng mi đen rậm cong quớt nổi bật trên gương mặt trắng trẻo xinh đẹp nhưng buồn thỉu buồn thiu, môi thiếu hẳn nụ cười… mà không kềm được nước mắt. Sợ lớn lên em tủi thân vì mình là con vợ lẽ, chắc sẽ khó lấy chồng!

Trở về Sóc Trăng, trên đường đi làm tôi ghé nhà kể chuyện cho má nghe, và nói “Bây giờ con có chồng rồi không còn ở bên vú, vú nuôi em để hủ hỉ cho vui nghe vú…” Má bảo “Con tui tui mới phải lo. Con ai mà bắt tui phải nuôi!” Tôi biết má nói vậy thôi chớ má vốn dễ động lòng nên xúi ba “Ba ẵm em về nhà đại đi, chừng nào vú nhứt quyết không bằng lòng thì ba lại đưa em đi chẳng muộn…”
Vậy là em về ở với mẹ ghẻ mà mẹ ruột em (cũng như ba tôi) không hề lo âu gì về cái điều “mấy đời bánh đúc có xương…”. Cũng chính em là nhịp cầu để sau đó không lâu lắm, ba tôi lại đưa về thằng anh (lớn hơn em một tuổi) và thằng em (nhỏ hơn em hai tuổi) để má tôi nuôi tất. Có khi mẹ em từ Sài gòn chạy về thăm, tình cờ tôi chứng kiến em cứ luẩn quẩn bên má tôi rồi len lén đưa mắt nhìn mẹ ruột của mình, mặc cho má tôi kêu em hãy đến bên mẹ ruột. Tôi phải dắt tay em đến bên mẹ của em, em mới chịu đến gần, vậy mà em cứ ngoái nhìn má tôi gọi “Vú ơi, vú…” 

Sau này lớn khôn, đã lập gia đình, em vẫn thường nhắc với tôi việc lúc nhỏ hay bị nhức chân đã được "vú xoa dầu lửa và bóp chân cho em mỗi tối!" Khoảng năm em mười chín, em muốn học may nên hỏi xin tiền ba, ba lại biểu “Mày xin vú mày á!” Nhưng lúc ấy má tôi đâu có tiền, mà nếu có em cũng không muốn xin của má tôi... Không phải ba tiếc tiền. Chỉ là ba nghĩ má tôi chẳng khác nào mẹ ruột của em, nên mọi thứ cứ để má tôi lo, dù lúc ấy em đã trở về sống bên mẹ ruột của mình. Có thời gian má tôi cũng vì thương các em nên đã xin nghỉ việc ở một chủ thầu (cung cấp bữa ăn cho công nhân một công ty lớn ở Sài gòn) về tiếp mẹ ruột em (lúc ấy dì đang bán thịt heo ở chợ Bến Thành) Thỉnh thoảng tôi nghe má phàn nàn khi mẹ em cứ sai em đi trả tiền thịt hàng ngày (do một người con trai nào đó chở) Còn em có lần kể với tôi mà cặp mắt hoe đỏ rưng rưng “Mẹ biểu em đi đòi tiền của một bà bán thịt chung trong chợ. Bả không trả còn thách em muốn làm gì làm. Em lấy một tảng thịt đùi khoảng vài ký bỏ đi, bả rượt theo tới quầy thịt của mẹ la lối um sùm, chửi em hỗn còn đòi đánh em, vậy mà mẹ hổng nói câu nào, chỉ có vú là bênh em…” Sau này có dịp nhắc, tôi hỏi má “Vú binh HC. bằng cách nào mà em nó vẫn còn xúc động cho tới bây giờ?” “Ờ, vú nói với bà kia là bà có giỏi thì cứ đụng vô con gái tui thử coi. Rồi bả xấn xấn tới, vú vừa kéo HC. ra sau lưng mình vừa xô bả ra…” Nói xong má tôi thở ra “Lúc ấy con HC. tức quá nên khóc. Vú cũng tức nên nói với mẹ nó, chuyện như vậy mà bà nín thinh để người ta ăn hiếp con gái mình. Từ nay bà đừng có kêu con nhỏ đi đòi tiền ai hoặc để con trai nhà ai chở con gái mình đi trả tiền thịt nữa nghe…”

***
Ba đứa em khác mẹ với tôi cũng đồng thời là em khác cha của hai người anh và hai người chị khác, trong số đó có người anh lớn đã mất. Cả bốn anh chị của chúng đều nhỏ tuổi hơn và đều gọi tôi là chị hai. Trừ người anh đã mất (không hề biết má tôi nhưng có biết tôi) ba đứa còn lại đều gọi má tôi là “Vú” như chị em tôi. Nói chung, bên ngoại của em tôi, nhất là bà ngoại, không chấp nhận ba tôi, vì “Gia đình tui là gia đình cách mạng, tui không chấp nhận con mình làm bé ai hết. Cậu muốn chắp nối với con tui thì phải thôi vợ lớn…” Ba tôi đáp “Vợ tui đâu có lỗi gì mà tui phải thôi…” “Vậy cậu không có quyền tới lui với con tui, tui cấm!” Bà cấm ba tôi quan hệ với mẹ ruột của em, đồng thời bà cũng không thương ba đứa em tôi vốn cũng là cháu ngoại ruột của bà. Mỗi khi mẹ em biết bà ở quê sắp lên Sài gòn thì sẽ cho hay để các em tôi đi trốn ở nhà người quen trong xóm. Đứa nào không trốn kịp sẽ bị bà đánh đòn thẳng tay không chút xót thương. Có lẽ vì vậy mà có lần (tại nhà tập thể cơ quan tôi ở Cần Thơ) mẹ em nói với tôi 
“Bên ngoại không thương nên dì muốn các con mình chỉ cần biết bên nội là đủ!” Tôi can “Dì đừng nên nghĩ vậy, cũng đừng tưởng nói vậy thì con sẽ vui. Bởi thương các em nên con mới bày cách cho ba đem các em về cho vú nuôi lúc dì gặp khó khăn…” Tôi còn kể cho dì ấy nghe chuyện tôi đã dẫn các em mình tới tận cơ quan công an huyện, nơi em ruột dì làm thủ trưởng để cho cậu biết thêm những đứa cháu ruột của mình. Dù nói thiệt lòng lúc bấy giờ tôi không thích đến cơ quan công an, cũng không biết khi gặp thì ông ấy sẽ cư xử ra sao, chỉ là tôi không muốn các em mình bị tất cả người thân bên ngoại từ bỏ!
Hoàn toàn tôi không mong họ thương và giúp để má tôi có thể nuôi các em mà bớt phải quá lo toan nhọc nhằn. Bởi ngay chính mẹ của em, khi giao hết ba đứa con này về cho má lớn nó nuôi cũng không cần chu cấp bạc tiền đều đặn hàng tháng như lúc phải trả tiền thuê người nuôi con nhỏ… Sau này má tôi hay hồi ức “Có lúc quá khó khăn, vú chỉ chạy đủ tiền mua gạo ăn mỗi bữa với ba khía, mà ba khía còn không được trộn giấm tỏi chanh đường, chỉ trụng nước sôi cho sạch và bớt mặn rồi xé ra cho các em ăn với cơm. Vậy mà thằng V. (anh kế HC.) cứ “Vú ơi con ăn hết chén này rồi ăn thêm chén nữa nghe vú, vú chừa ba khía cho con thêm nghe vú…” Chuyện này thì tôi không được thấy được nghe vì lúc ấy tôi đang ở nhà chồng. Còn chuyện thằng P. (em út) bị sốt xuất huyết, thì tôi hoàn toàn chứng kiến. Lúc ấy Sóc Trăng đang có dịch… Một bữa đi làm tôi ghé nhà xem các em mình như thế nào mới hay P. đã bị sốt ngày thứ tư mặc dù có uống thuốc nam, má tôi khóc “Hổng biết sao có trị mà nó không hết sốt, bữa nay còn đi tiêu ra đen thui…” Tôi tức tốc cùng má đưa em vô bệnh viện. Lúc ấy bệnh nhi đông nghẹt nhưng cũng may bệnh viện kịp xử lý, chuyền nước biển liên tục và cho em uống thuốc men đầy đủ. Bác sĩ nói em đang bệnh nặng, đã bị xuất huyết bao tử, tối đó em còn sốt cao đến nói sảng “Vú ơi, chó chó… chó nhiều quá, nó cắn con vú ơi!” Tôi phải kềm tay em vì sợ trật kim, còn má tôi luýnh quýnh vừa chườm khăn cho em vừa rơi nước mắt “Vú đây, vú đây. Hổng sao. Hổng có chó đâu con, nó không có cắn con đâu con…” Khi mẹ em từ Sài gòn về thăm, cơn bệnh của P. đã thuyên giảm hẳn, song bệnh viện vẫn giữ lại điều trị đúng phác đồ. Có lẽ nghe mẹ em than thở buôn bán khó khăn, kẹt không có tiền đem về tiếp má tôi lo cho P. được, bà nội tôi nói “Mẹ mầy đừng lo. Nhờ con B. đưa em nó vô bệnh viện kịp thời nên không tốn tiền tốn bạc gì nhiều…” Má tôi nghe vậy càng buồn vì biết mẹ chồng không thấu hiểu được những khó khăn mà mình đã câm lặng, gồng gánh trải qua trong lúc chồng lái xe biền biệt phương xa, ít gởi tiền về cho vợ nuôi con riêng của chồng (đến nỗi má tôi phải lâm nợ!) Còn mẹ ruột của chúng, má đâu cần phải nhắc để được sẻ chia, chung vai gánh vác… Vậy mà bà nội chỉ biết thông cảm, an ủi người ở xa, lâu lâu mới về thăm con, thăm người vợ lớn của chồng và thăm cả mẹ chồng - với chút đỉnh trầu cau, hoặc xấp vải cho bà may áo mặc!
Quả tình tôi không biết nói sao với má, chỉ nói là do tâm lý người già. Nhưng cũng có lần tôi nói “Nội mất lâu rồi, sao thỉnh thoảng vú cứ nhắc chuyện xưa để lại buồn. Vú hãy nhớ chuyện vui đi…” Má tôi bảo “Đời vú có gì vui để nhớ!” Tôi nghe tim mình nghẹn cứng. Tôi có sai không khi đã bày cách đưa các em mình về với cội nguồn bên nội? Để cho số phận đẩy đưa khiến má tôi không muốn mà phải đành chấp nhận mẹ em, như đã đành nuôi con của chồng mà hết lòng thương yêu, chăm sóc không khác gì con ruột! Thậm chí có lúc má tôi còn phải ra tay giúp đỡ (theo yêu cầu của các chị khác cha của em) vào những lúc mẹ em lâm vào cảnh ngặt!

Có lẽ tôi không sai. Vì em tôi - đứa em gái HC. không khác gì con ruột của má tôi, cũng hết lòng thương yêu và luôn mong muốn làm được những điều để má tôi vui và hạnh phúc! Cả chồng em cũng thế…
Rồi cả bà mẹ chồng của em cũng hết sức thương quý má tôi. Cứ mỗi dịp em về Cần Thơ, bà lại bảo “Con phải rước vú lên trên này chơi với má…”

(7-8-2019)

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.