Lần này em tôi về Sóc Trăng chúc mừng anh ba nó có nhà mới, mẹ chồng em cũng kêu “Rước bà Vú lên chơi”. Hôm má tôi còn ở Cần Thơ, nghe hai người nói chuyện với nhau qua điện thoại, tôi biết bà cũng tha thiết rủ rê má tôi như vậy… Má tôi trả lời “Bây giờ chắc tui ít có dịp lên thăm bồ rồi, thông cảm cho tui nghen. Tui sắp về Sóc Trăng ở luôn với con trai rồi” Hổng biết những lần má tôi lên Sài Gòn thăm bà sui và con cháu mình, hai bà đã cùng nhau tâm đắc điều gì mà “kết” nhau rất dữ. Má tôi gọi bác sui là bồ, còn bác sui gọi má tôi là người yêu. Mỗi khi nghe hai bà nói chuyện với nhau, chị em tôi thích thú cười tít mắt…
Tôi biết bác sui nhiều trong lần em tôi sanh con gái đầu lòng vào năm 1996. Hôm ấy chồng chở tôi bằng xe honda lên Sài Gòn ủng hộ tinh thần em. Em đau bụng khá lâu, phải qua hôm sau cháu bé mới chịu “chui” ra. Tôi một phen hú vía, bởi thiệt ngộ, em “thừa hưởng” căn bệnh suyễn từ ông nội chúng tôi, trong khi tất cả con, cháu còn lại của ông hoàn toàn không mắc phải. Quá vui mừng tôi quên cả ý tứ, làm “tài lanh” biểu thằng P. về nói mẹ em mua và làm cho chị nó con gà hầm thuốc bắc ăn “xổ lòng”. Ai dè bác sui đã chuẩn bị sẵn và cho con dâu mình ăn cái trứng vịt tươi luộc - theo truyền thống quê bà... Rồi qua nhiều lần lên xuống thăm em, thấy cách bà đối xử với ba đứa con dâu, tôi mừng như chính bản thân mình hạnh phúc.
Nhà của bà thâm hậu sâu, trong một con hẻm khá rộng. Bà xây phòng cho ba cặp đôi, con gái út thì ngủ chung với bà trong căn phòng phía sau phòng khách. Cặp vách nhà bà là nhà cô con gái đầu lòng. Cô làm việc ở ngân hàng, dễ tính như mẹ mình và rất thương em út. Em tôi trước khi sanh cũng làm việc ở ngân hàng qua sự giúp đỡ tận tình của người dì ruột thứ năm. Chị và em bạn dâu với em ai cũng xinh đẹp, vui vẻ, hòa đồng. Em tôi cũng vậy nhưng có phần ít nói. Nghe tôi hỏi thăm, em chia sẻ có lúc các nàng dâu cũng xảy ra xích mích giận hờn nhau. Những lúc như vậy bà im lặng chẳng rầy rà ai. Sau đó bà vào từng phòng riêng mỗi người hỏi han tìm hiểu kỹ sự tình rồi nhẹ nhàng khuyên bảo… Kết quả tất cả ngày càng vui vẻ, thuận hòa, biết quan tâm và yêu thương nhau hơn.
Khi nhà nước phóng con đường mới, to phía sau nhà bà thì nhà bà có hai mặt tiền và trở nên đắt giá. Bà bán nhà, chia đều cho các con trai để mỗi người có nhà riêng theo yêu cầu của bà là tìm mua nhà ở gần nhau. Riêng con gái lớn và con gái út thì được nhận phần ít hơn xíu, lý do bên chồng con gái lớn có cho đất để vợ chồng cô cất nhà, còn con gái út chưa lập gia đình sẽ ở chung với bà cùng vợ chồng em tôi.
Khi biết em sắp có nhà mới, tôi lên thăm, gặp lúc bà đang về quê đám giỗ. Vốn ấn tượng, xót xa cảnh em mình ngày ngày đi làm về ôm giặt cả đống quần áo mệt mỏi, ít thời giờ nghỉ ngơi, tôi biểu em đưa tôi ra cửa hàng điện máy chọn mua cho em một máy giặt. Người bán hàng tưởng tôi là mẹ, tìm mua quà tặng cho con gái khi thấy tôi chọn lựa quá kỹ càng về công suất lẫn độ bền của máy… Cũng không lạ. Em nhỏ hơn tôi đến 18 tuổi và chỉ lớn hơn con gái đầu lòng tôi tròm trèm 7 tuổi. Hơn nữa tôi vốn có nét mặt như hằn lên trên trán một chữ “già”…
Bác sui từ quê trở vào tôi kịp gặp. Đúng ra là khi biết rõ giờ giấc đi lại của bà, tôi nấn ná chờ đợi, để được nói với bà “Con xin phép thím cho con tặng hai em chiếc máy giặt. Sự đóng góp này chỉ như cái móng tay so với tấm lòng và tài sản mà thím đã trao tặng cho vợ chồng em. Mong thím vui lòng chấp nhận. Vì thím đang ở ngoài quê nên con không có dịp xin phép trước…” Vừa nói mà tôi vừa thầm nhớ chuyện con gà hầm thuốc bắc và cái trứng vịt tươi luộc, cho em gái mình ăn xổ lòng sau khi sanh. Còn bà cười, nói “Đúng là chị hai mày thật kỹ tính…” Rồi bà vui vẻ kể tôi nghe chuyện bà về quê nhằm mục đích gì và đã làm gì cho họ hàng thân tộc ngoài ấy. Thêm một lần tôi học tập được ở bà tính cẩn trọng lúc đi xa: tiền lẻ để riêng, đủ mua vé xe tàu hoặc ăn uống dọc đường, tuyệt đối tránh móc cả cọc tiền ra rồi lựa lựa đếm đếm mỗi khi cần… sẽ dễ gợi lòng tham của người khác. Tôi còn nhận ra bà rất tiết kiệm (nhất là việc xài điện, nước) nhưng không hề có tính ky bo. Bà hay chia sẻ, giúp đỡ thân nhân lẫn người dưng nhưng biết “liệu cơm gắp mắm”, phù hợp khả năng, tuyệt đối không vung tay quá trán để chứng tỏ lòng hào hiệp, hay gia sản mình đang sở hữu…
Nói chung, tôi thầm nghĩ bà là người mẹ chồng trên cả tuyệt vời. Và tôi hay nói với em mình “Em như vậy là có phước, chị hai mừng lắm. Hãy tận hưởng hạnh phúc và phải biết vun bồi hạnh phúc. Vợ chồng em đi làm cả ngày tối mới về nhà ăn cơm. Hai nhỏ cũng đi học suốt. Má chồng ở nhà thui thủi một mình. Những lúc có mặt ở nhà hãy nói chuyện nhiều hơn với bà…” Tôi biết em không hề ỷ lại, hay dại khờ không biết quý trọng, nâng niu tình cảm của mẹ chồng. Ngoài giờ đi làm, khi có mặt ở nhà em tranh thủ làm mọi việc…Chỉ là em rất ít nói, ít kể chuyện hay tâm sự với má chồng, mỗi tối sau giờ làm trở về nhà, ăn uống, dọn dẹp xong xuôi là vợ chồng, con cái rút hết lên lầu. Mỗi lần nghe tôi nói vậy, em cười toe “Em đi làm suốt có biết chuyện gì đâu mà nói với má. Chuyện xảy ra trong xóm hay ở chợ, hoặc chuyện cô bác bên chồng… em có biết gì đâu. Thôi thì chuyện gì má kể thì em lắng nghe, không dám có ý kiến, sợ mình nói lỡ có gì không đúng…” “Má nói mà em cứ nín thinh, bộ hổng sợ má chán rồi không thèm nói nữa sao?” Em lại cười hì hì… Mấy năm gần đây, qua nhiều lần lên chơi và ở lâu với bà sui, má nói với tôi như khoe “Bác sui cứ khen con HC. biết tiện tặn, chuyên môn hấp cơm để ăn sáng ở nhà rồi mới đi làm”, “Ngày nào bả cũng dậy sớm nấu nước cho nhà uống với lại cho con, cháu đem theo… Riêng sáng chủ nhật thì bả làm gì cũng có ý nhẹ nhàng không gây ra tiếng động lớn. Bả nói “để cho tụi nó ngủ”. Vú công nhận con HC. có phước!”
Tôi nghĩ ông trời cũng công bằng. Hồi đó khi mới gặp, mẹ em kể tôi nghe lúc bé xíu em không được uống sữa, chỉ được uống nước cơm pha đường. Em được đặt tên HC. bởi đã chào đời trong cơ hàn, khốn khó. Rồi khi về bên nội cho má lớn nuôi, em chỉ được dư thừa tình yêu thương từ người mẹ ghẻ. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, lẫn khó khăn riêng của người mẹ ghẻ nghèo, em đâu được ấm thân về vật chất. Điều đáng mừng là cả ba anh em em vẫn được mẹ ghẻ cố gắng lo toan cho các em không bị gián đoạn học hành. Chỉ đến lúc không kham nổi, người mẹ ấy mới buông tay cho các em trở về với mẹ ruột mình, thì em gái tôi đã sớm biết thế nào là cực khổ, nhọc nhằn vì cuộc sống. Do lúc ấy mẹ em cũng bị vây bủa khó khăn bởi làm ăn thất bại, bị thất thoát vì không giỏi quản lý! Cho nên em mới được bù đắp khi có chồng, sống hạnh phúc với chồng và đặc biệt với người mẹ chồng đáng kính đáng yêu dường ấy…
Xin cảm ơn trời. Xin cảm ơn bác sui - người mẹ chồng hiếm có của em tôi - người đã ban tặng em tôi hạnh phúc!
(9-8-2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét