Tôi cho xe xuôi về Nam trên Freeway 5 để tham dự buổi họp mặt tại nhà do thầy Xuân khoản đãi, con đường này tôi đã đi lại hàng bao nhiêu năm với nỗi nhọc nhằn trên vai để trả nợ áo cơm. Mặc dù ở Mỹ nhưng tôi phải chịu một nắng hai sương mỗi ngày, sương mù dày đặc của buổi sớm mai và sương chiều khi trở về nhà. Nhưng hôm nay tôi ung dung lái xe một cách bình thản với lane bên phải để có thời giờ ngắm nhìn trời mây nước.
Nghĩ lại tôi có may mắn được hít thở bầu không khí được mệnh
danh là trong lành nhứt thế giới mà ít ai trong bạn bè tôi có được.
Xe tiếp tục chạy dọc theo bờ biển, rồi qua hai quả cầu trắng to lớn của lò
nguyên tử, nổi bật trên nền trời xanh của biển báo hiệu cho tôi biết là đã đi
được nửa đoạn đường. Thỉnh thoảng kim chỉ nam trong xe chỉ về hướng Nam-Tây-Nam
làm tôi hình dung bên kia bờ Thái Bình Dương, có đất nước mang tên Việt Nam của
tôi đang ở tận chân trời xa thẳm, nơi đó có ngôi trường Hoàng Diệu mà tôi đã
vật lộn với chữ nghĩa trong suốt bảy năm để làm hành trang cho việc sinh kế sau này và có những người bạn của tôi đang khắc khoải trong cuộc sống trên chính
quê hương của mình, tôi cảm thấy thương cho những người bạn còn ở lại. Tôi cho xe rẽ sang Freeway 56 East để tìm địa chỉ nhà thầy. Đây là vùng đồi núi,
các khu nhà mới được xây cất vào cuối thập niên 90 đến đầu thế kỷ 21.
Thầy Xuân ra đón tôi tận cửa. Theo thói quen tôi cởi giầy ra, thầy thấy được, khoát tay và chỉ bảng ghi "khỏi cởi giầy" khi vào nhà, tôi vẫn để chân không đi, thầy và cô liền mang đôi giày đến tận chân của tôi, việc làm này càng tạo cho tôi cảm giác thân thương đối với thầy. Trông thầy không thay đổi nhiều, có chăng chỉ là những dấu khắc của thời gian, vẫn dáng dấp nghiêm nghị nhưng ẩn hiện sự thân thiện trên khuôn mặt của thầy khiến cho thầy trò càng gần gủi hơn. Tại đây tôi biết thêm cô Hà (vợ của thầy), thầy Vũ Ngọc Phan, cô Lê kim Đính, thầy Nguyễn Ngọc Đường, tôi chưa hân hạnh theo học mặc dù tôi nghe tiếng đã lâụ. Thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, bây giờ nhìn lại người nào trên đầu cũng muối nhiều hơn tiêụ. Trong buổi cơm chiều hôm nay biết bao kỷ niệm thời xa xưa đã được tuôn trào, mỗi người góp một ít kỷ niệm của mình, tôi tưởng chừng như đang ngồi tại ngôi trường Hoàng Diệu thân yêu ngày nàọ.
Sự họp mặt này là nhờ Phan trường Ân, khi xuôi Nam tận biên giới Mexico để lập nghiệp, Ân kể lại trong lúc đang sửa những món hàng điện tử, vừa làm vừa tiếp chuyện với khách.
- Xin lỗi ông ở San Diego lâu chưạ?
- Lâu rồi.
- Ông có biết thầy Trần cảnh Xuân không?
- Tôi biết.
- Bây giờ thầy Xuân ở đâu?
- Ở tại đây này.
- Tôi biết tại đây, địa chỉ ở đâu?
- Tại ngay đây, đang đứng đây.
Ân ngước lên:
- Ô, thầy!
Hai thầy trò gặp nhau vui mừng khôn tả.
Hai thầy trò gặp nhau vui mừng khôn tả.
Rồi Ân nhắc thêm, hồi đó trong khi sắp hàng để tiễn đưa thầy về trường mới, Ân đã hân hạnh được thầy xoa đầu nhắn gởi “Con ở lại cố
học giỏi nhen”. Mới đây chị Hoàng Yến nhắc lại khi thầy phát thưởng cho
chị năm 1965, lúc đó chị học lớp Đệ Thất "Thầy khen con học giỏi”.
Ngày nào khi gặp thầy Xuân ở trường Hoàng Diệu cũng khoanh tay cúi đầu xưng con
với thầy, giờ thì những đứa con học trò đã trên dưới 60 tuổi, tóc cũng đã điểm
sương như thầy.
Tôi nhớ lại sau 1/11/63 phong trào đổi mới vùng lên, các anh chị lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất đã đưa kiến nghị, yêu cầu có những thay đổi mới cấp bách cho trường, rồi sau đó thầy Trần cảnh Xuân được đề cử làm Hiệu Trưởng. Đến năm 1965 thầy được lệnh đổi về làm Hiệu Trưởng Trường Tân An vài năm, tiếp theo thầy trở về Bộ Giáo Dục làm việc, trước 1975 thầy rời nước đi du học tại Hoa Kỳ để theo học chương trình Ph.D. và thầy đã từng dạy tại đại học Sandiego, California. Trên đất Mỹ thầy đã thành lập Hội Khoa Học Kỹ Thuật gồm các chuyên gia cao cấp nhằm tạo dựng một nước VN tốt đẹp hơn.
Trước khi ra về, thầy mong muốn tôi cùng các bạn cố gắng thành lập Hội Cựu Học Sinh Hoàng Diệu để có dịp ôn lại kỷ niệm và giúp đỡ lẫn nhau. Thầy sẽ luôn luôn theo dõi, điện thoại góp ý kiến hầu Hội CHS/HD được thành hình mau chóng.
Hội thành lập với sự tiếp tay của thầy với Bảng Nội Qui được thầy Xuân soạn thảo cùng sự cộng tác của những thầy khác. Thầy Xuân lúc nào cũng đôn đốc, hướng dẫn cho những lần họp mặt sau này. Ngày hôm nay hội hoạt động với chiều hướng tốt đẹp là nhờ sự có mặt của thầy. Chúng em xin khắc ghi trong tâm công sức đó. Bốn mươi năm qua, mọi học trò đều nhớ đến thầy, theo tôi nghĩ cho dù bao nhiêu năm nữa không một ai quên thầy. Khi danh sách Thầy Cô được thành lập tôi cảm nhận ra một điều, không một đứa học trò nào lầm lẫn khi nhắc đề tên thầy Hiệu Trưởng với ba chữ "Trần cảnh Xuân".
TRỊNH KIM LONG HD61
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét