*Có một đôi vợ chồng già nọ sinh sống tằn tiện, tiết kiệm để nuôi 4 người con khôn lớn. Thời gian như thoi đưa, thoắt cái họ đã ở bên nhau 50 năm. Những người con thành đạt của họ bí mật bàn bạc để tặng cho ba mẹ một món quà thật ý nghĩa nhân dịp đám cưới vàng.
Vì biết hai cụ thích nắm tay nhau ngắm ánh hoàng hôn nên các con quyết định tặng cho ba mẹ một chuyến du lịch trên con tàu sang trọng nhất, để hai cụ thỏa sức đắm chìm trong cảnh đẹp hữu tình của đại dương.
Cầm vé hạng nhất bước lên con tàu sang trọng, với sức chứa lên đến hàng nghìn người, hai cụ già không khỏi xuýt xoa, ngạc nhiên. Trên tàu có đầy đủ tiện nghi, nào là bể bơi, phòng ăn sang trọng, rạp chiếu phim....chẳng thứ gì là không có, chỉ có điều giá dịch vụ vô cùng đắt đỏ.
Với hai cụ già sống cả đời tiết kiệm, dù không phải tự thanh toán cho chuyến đi song nghĩ kỹ một chút, sẽ nhận thấy họ không nỡ tiêu tiền.
Vì thế, họ chỉ ngồi trên khoang hạng nhất, quan sát và cảm nhận sự tiện nghi của một con tàu đạt tiêu chuẩn 5 sao, thưởng thức nắng và gió trên mặt biển.
Một phần vì lo lắng có thể đồ ăn trên tàu không hợp khẩu vị, một phần để tiết kiệm, hai cụ đem theo một thùng mì tôm, để lỡ không ăn được đồ trong nhà hàng cao cấp thì còn có đồ ăn chống đói. Nếu muốn đổi khẩu vị có thể mua bánh mì và sữa trong siêu thị trên tàu.
Buổi tối cuối cùng của chuyến đi, cụ ông nghĩ, nếu như về nhà, hàng xóm láng giềng hỏi đồ ăn trên tàu thế nào, mình không biết trả lời làm sao cũng không hay.
Thế rồi ông bàn với bà, quyết định tối đó sẽ dùng đồ trên tàu, dù sao cũng là bữa cuối cùng, ngày mai đã là điểm cuối của hành trình rồi, cũng không sợ dễ dãi với bản thân quá!
Dưới ánh đèn lung linh và tiếng nhạc nhẹ nhàng, cặp vợ chồng già đang trong những ngày tận hưởng đám cưới vàng như tìm lại được niềm vui của những ngày mới yêu.
Thời gian dùng bữa tối đã sắp hết, trong tiếng nâng cốc, cười nói vui vẻ của mọi người, cụ ông gọi phục vụ ra thanh toán, trong tâm trạng vẫn chưa hết hào hứng và hạnh phúc.
Nhân viên phục vụ lịch sự hỏi:
"Bác có thể cho cháu xem vé tàu không ạ?"
Ông cụ có chút bực mình trước câu hỏi đó:
"Tôi có trốn vé để lên tàu đâu mà ăn một bữa cơm cũng cần phải xem vé tàu?"
Nghĩ thầm, ông lấy vé tàu ra.
Nhân viên phục vụ nhận tấm vé rồi lấy bút ra, tích một nét bút lên rất nhiều ô trống ở mặt sau của vé tàu, đồng thời kinh ngạc hỏi:
"Bác ơi, từ lúc bác lên tàu đến giờ bác chưa sử dụng dịch vụ nào ạ?"
Ông cụ tỏ ra bực bội hơn:
"Tôi sử dụng hay không có liên quan gì đến cô không?"
Nhân viên phục vụ nhẫn nại, đưa trả tấm vé và giải thích:
"Đây là vé hạng sang, tất cả mọi dịch vụ bao gồm ăn uống, hát và các hoạt động khác đều đã bao gồm trong vé rồi ạ. Mỗi lần sử dụng dịch vụ, bác chỉ cần đưa tấm vé này ra để chúng tôi kiểm tra ."
Ngày mai chuẩn bị lên bờ, cả hai đều lặng lẽ không nói một câu vì họ tiếc đã không biết tận dụng hết tiện ích của cặp vé hạng nhất đem lại .
- Thực ra, mỗi chúng ta đều đang ở trên chuyến tàu xa hoa kia và đang sở hữu tấm vé hạng nhất trong tay. Cuộc đời chính là chuyến tàu xa hoa mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta, còn sinh mệnh chính là tấm vé hạng nhất đó.
Ta may mắn được thực hiện cuộc hành trình này, tuyệt đối đừng bao giờ để lãng phí tấm vé hạng nhất mà chính ta đang có, đừng bao giờ từ bỏ các khả năng, các cơ hội trải nghiệm cuộc đời.
Những người ở độ tuổi trung - cao niên như chúng ta đều đã phải trải qua cuộc sống khó khăn, từng có những ngày ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thế nên trong cuộc sống của mình, phần lớn đều không biết phát hiện ra những quý giá mà cuộc đời ban phát, cũng như tận hưởng nó trong cuộc đời của mình .
- Bạn đã tận dụng thật tốt tấm vé hạng nhất cuộc đời mình chưa?
- Xin đừng đợi đến lúc gần phải xuống thuyền rồi cảm thấy hối hận.
Cang Huỳnh lược dịch từ La Vie est Belle.
GIA TÀI VÔ GIÁ ...
Có một người đàn ông giàu có rất thích các tác phẩm mỹ thuật, hội họa. Ông làm việc kiếm tiền, thậm chí là tiết kiệm ăn mặc để dành tiền sưu tầm những bức tranh quý hiếm. Trong khoảng hơn chục năm, ông sưu tầm được rất nhiều tranh của các danh họa nổi tiếng, có thể nói đó là cả một gia tài mà nhiều người ngưỡng mộ.
Năm đó, đất nước của họ bất ngờ bị cuốn vào một cuộc chiến. Giống như nhiều thanh niên khác, cậu con trai cũng tòng quân bảo vệ quốc gia. Nhưng không lâu sau đó, người đàn ông nhận được một bức thư, trong thư viết: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo với ông, con trai ông đã hi sinh trong khi chiến đấu…”
Người cha như đứt từng khúc ruột, cố gắng chịu đựng nỗi đau, đọc hết bức thư. Cuối cùng, ông cũng đã nắm được đại khái việc con trai mình hi sinh. Khi đó, người con trai đã rút lui về khu vực an toàn, nhưng do phát hiện chiến hữu bị thương vẫn còn ở ngoài chiến hào nên đã chạy ra cõng bạn vào trong.
Chính trong lúc cõng người cuối cùng, một viên đạn của quân địch đã bắn trúng anh… Cái chết của con trai khiến người đàn ông vô cùng đau đớn. Ông già yếu đi rất nhiều.
Một tháng sau đó là giáng sinh. Người cha ấy không có tâm trạng nào để đón kỳ lễ quan trọng trong năm, thậm chí ông còn không ra khỏi giường, bởi bản thân ông chưa thể chấp nhận hiện thực, ông không thể tưởng tượng được không có con trai, ông sẽ đón kỳ lễ này thế nào. Đúng lúc đó, chuông cửa vang lên. Ông dậy mở cửa, khách đến là một thanh niên, tay cầm một chiếc túi nhỏ.
Người thanh niên nói: “Thưa bác, có lẽ bác không biết cháu. Cháu chính là người lính bị thương được con trai bác cõng trên lưng lúc hi sinh đây ạ”. Nói đến đây, mắt anh ta đỏ hoe, vừa đưa chiếc túi trong tay cho người cha, vừa nói:
“Cháu rất nghèo, không có thứ gì giá trị để biếu bác. Cháu nhớ con trai bác từng nói rằng bác yêu thích nghệ thuật, mặc dù cháu không phải là một nghệ thuật gia nhưng vì muốn cảm tạ ơn cứu mạng của con trai bác, cháu đã vẽ một bức chân dung của anh ấy, mong bác nhận cho”. Trong lòng người cha dấy lên một cảm xúc khó tả. Ông nhận chiếc túi, mở ra và nâng niu bức tranh chân dung của con trai trên tay.
Rồi ông quay người, từng bước từng bước một đi lên tầng trên, vào phòng tranh, gỡ một bức tranh của Rembrandt ở phía trước bếp lò xuống, treo bức tranh chân dung của con trai vào đó. Nước mắt rơi đầm đìa, ông nói với người thanh niên: “Con trai, đây sẽ là vật sưu tầm quý giá nhất của ta. Với ta, nó có giá trị lớn hơn tất cả những gì ta đã sưu tầm trước đây."
1 năm sau, người cha tội nghiệp đó vì quá u sầu mà qua đời. Trước khi chết, ông đã gọi luật sư đến làm di chúc và trong dịp giáng sinh năm đó, người ta sẽ công khai đấu giá những bức danh họa mà ông đã sưu tầm.
Thông tin được truyền đi nhanh chóng, quản lý các viện bảo tàng và cả các nhà sưu tầm đều tìm đến phiên đấu giá. Họ đều muốn có được những bức tranh quý. Vào ngày diễn ra sự kiện, người đến tham gia đấu giá đông kín cả căn phòng.
Người chủ trì trịnh trọng tuyên bố: “Cảm ơn các vị đã đến đây hôm nay. Bây giờ chúng ta xin phép được bắt đầu đấu giá. Sản phẩm đấu giá đầu tiên là bức tranh chân dung đằng sau tôi đây”. Bức tranh mà người chủ trì nhắc đến chính là bức tranh mà người thanh niên trẻ đã trao cho người cha vào dịp giáng sinh năm trước.
Tiếng bàn luận vang lên: “Đây chẳng qua là bức tranh chân dung con trai ông ta thôi mà. Chúng ta bỏ qua bức tranh này, vào thẳng việc đấu giá các bức danh họa đi có được không?”. Nhưng người chủ trì nghiêm túc lắc đầu: “Không được, phải đấu giá xong bức này mới có thể tiếp tục”. Nghe người chủ trì nói như vậy, nhóm người kia không nói thêm gì, cả hội trường im ắng.
“Bức tranh này có giá khởi điểm 100 USD, có ai đồng ý mua không” – người chủ trì bắt đầu ra giá. Không ai trả lời. Anh ta lại hỏi: “50 USD có ai mua không?”. Không ai trả lời. Người chủ trì tiếp tục hỏi: “40 USD có ai mua không?”. Vẫn không có một tiếng động.
Tinh thần của người chủ trì có vẻ đi xuống, đến âm thanh phát ra cũng có thể cảm nhận được sự run rẩy trong đó. Anh ta lại hỏi: “Có phải không có ai muốn mua bức tranh này?”
Lúc đó, một ông cụ lớn tuổi đứng lên nói: “Anh à, 10 USD có được không? Anh xem, 10 usd là toàn bộ tài sản của tôi rồi. Tôi là hàng xóm của nhà sưu tầm tranh, tôi biết cậu bé này, tôi đã chứng kiến cậu ta lớn lên. Nói thật, tôi rất thích nó, tôi muốn mua bức tranh, 10 USD liệu có được không?”
Người chủ trì nói: “Được. 10 USD lần 1, 10 USD lần 2, 10 USD lần 3, giao dịch hoàn thành!”. Phía dưới, tiếng vỗ tay rào rào vang lên. Đám đông mặt ai cũng hớn hở hưng phấn, quay sang nói với nhau: “Này, cuối cùng thì cũng đến lúc vào chủ đề chính rồi.”
Nhưng người chủ trì bất ngờ nói: “Cảm ơn các vị đã đến đây và tham gia buổi đấu giá, buổi đấu giá hôm nay kết thúc tại đây”. Đám đông bên dưới ngơ ngác: “Thế nghĩa là sao? Các sản phẩm chính còn chưa bán cơ mà? Tại sao đã kết thúc rồi?”
Người chủ trì nét mặt vô cùng nghiêm túc trả lời: “Thật xin lỗi, các vị, buổi đấu giá thực sự chỉ đến đây thôi. Theo di chúc của nhà sưu tầm, ai mua bức tranh con trai ông, người đó sẽ có được tất cả bộ sưu tập của ông.”
*****
Tất cả những người tham gia buổi đấu giá choáng váng... Cái giá tận cùng của lương tâm là bao nhiêu? 10 đô hay đáng giá cả gia tài?
Tịnh Yên biên dịch
DieuLe__Sưu tầm
CHO EM MỘT NỤ HÔN?
Doãn Kim Oanh
Lúc bấy giờ bạn gái tôi còn đang học ở khoa văn của một trường đại học tên tuổi. Trong số các giáo sư giảng bài, có một nam giáo sư trạc năm mươi tuổi, phong độ nhanh nhẹn hoạt bát. Giáo sư không những học thức uyên bác, các tác phẩm tự sáng tác xếp cao bằng đầu người, mà cách ăn nói cũng dí dỏm, lý thú. Thầy thường hay đến giữa đám đông sinh viên nói chuyện văn học cổ kim đông tây.
Thầy đã trở thành thần tượng trong trái tim nam nữ sinh viên cả lớp. Nhiều nữ sinh thậm chí đã chủ động gần thầy, hy vọng được thầy nâng đỡ và chỉ bảo.
Bạn gái tôi cũng là một trong số đó, cô hẹn hai bạn gái chí thân cùng đi đến nhà giáo sư xin ý kiến mấy vấn đề… Xuyên qua con đường mòn bóng cây râm mát, họ đến một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh giáo sư ở. Dừng chân trước một ngôi nhà gác nho nhỏ xinh xinh, tường vôi màu xanh, bạn gái tôi đang định thò tay gõ cửa, thì thấy cánh cửa khép hờ. Thế là cô khẽ đẩy cửa, trông thấy một pha cứ há mồm trợn mắt.
Giáo sư ở trong nhà đang ôm hôn một cô gái, mà cô gái ấy chính là học trò của giáo sư.
Thấy các cô xuất hiện bất ngờ, như bị điện giật, giáo sư vội vàng cuống quýt buông tay ra, đầu cúi xuống, sắc mặt bỗng chốc tái mét.
Hai bên cứ đứng tại chỗ, có lẽ chỉ trong mấy giây, nhưng như dài dằng dặc một thế kỷ, không khí như chết lặng, nghe rõ tiếng thở và trái tim đang đập gấp của nhau.
- Lúc ấy mình sợ hết hồn, thật đấy, cậu bảo mình nên làm thế nào? - Kể đến đây bạn gái ngẩng đầu lên hỏi tôi.
- Giả vờ không nhìn thấy ư ? Biến đi cho nhanh, hoặc bước hẳn lên khuyên một cách khéo léo uyển chuyển ư? Báo cáo lãnh đạo, hoặc nói với vợ giáo sư để ông bị trừng phạt, thậm chí thân bại danh liệt ư? - Ý nghĩ này nhanh chóng lướt qua đầu mình. Giáo sư không phải hạng người này, có lẽ ông chỉ bộc phát nhất thời - Không chờ tôi trả lời, bạn gái tôi lại bắt đầu nói, giọng chậm rãi, giống như đang cố gắng nhớ lại tình hình lúc bấy giờ.
Giáo sư có một người vợ ông rất yêu mến và bà cũng rất mến yêu ông. Vợ giáo sư cũng dạy học ở một trường cao đẳng. Họ đã có một cô con gái hoạt bát đáng yêu sắp tốt nghiệp đại học. Đây là một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Gia đình và bản thân giáo sư có phẩm chất tốt, tự khép mình vào kỷ luật, trong sạch, luôn luôn được cả trường biết đến.
Chỉ sau mấy giây dừng lại và do dự, bạn gái tôi đã thản nhiên bước vào, đứng trước mặt giáo sư, tươi cười nói:
"Thưa giáo sư, chúng em đều là học trò của thầy, thầy không được thiên vị bạn nào, thầy cũng hôn em một cái được không?".
Giáo sư lập tức bừng tỉnh, ông khẽ ôm và hôn nhẹ lên trán cô. Giây lát ấy cô nhìn thấy trong mắt giáo sư có cái gì ánh lên ươn ướt.
Hai bạn gái kia cũng lập tức hiểu ý, đi đến bên giáo sư cũng đề nghị như thế, giáo sư đã lần lượt làm theo.
- Quá trình câu chuyện là như vậy. Nét mặt bạn gái tỏ ra vui vẻ nhẹ nhõm.
Thấm thoát đã bao nhiêu năm trôi qua, giáo sư vẫn có một gia đình trọn vẹn và được mọi người biết đến. Ông trở nên càng cần cù chịu khó nghiên cứu và hăng hái sáng tác, đã giành được những thành quả hết sức to lớn.
Năm mình tốt nghiệp, ông đã gửi cho mình một tấm thiếp chúc mừng, trên thiếp chỉ có một câu
"Thầy mãi mãi cảm ơn lòng lương thiện và trí tuệ của em, chính em đã cứu thầy".
Cuối cùng bạn tôi nói:
- Nhiều sự việc kỳ diệu như thế đấy, cứu vớt hoặc hủy diệt một trái tim, một linh hồn, thường thường chỉ là mấy câu nói xem ra rất đơn giản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét