.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

05 tháng 2 2024

SỰ THẬT


Năm nay tôi đã hơn bảy mươi tuổi. Cái tuổi mà con cháu đã có thể chúc thọ được rồi.

Tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời. Nhưng có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên được.

Tôi viết lá thư này gửi các anh, các chị để kể lại câu chuyện mà tôi là một người liên quan đến câu chuyện đó.

Hy vọng, câu chuyện của tôi nếu được in lên, sẽ nói với bạn đọc gần xa một điều gì đó về cuộc đời này.

 Câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, ở ký túc xá mà tôi ở lúc đó.

Một hôm, chúng tôi đi tập quân sự. Duy chỉ có một người trong phòng kêu ốm và ở lại.

 Người đó là S, quê ở TH.

Buổi chiều trở về, tôi sắp xếp lại đồ đạc cá nhân và hoảng hốt nhận ra một chỉ vàng của tôi không cánh mà bay. Đó là chỉ vàng mà cha mẹ cho, để mua xe đạp đi làm sau khi tôi ra trường.

Ngay lúc đó, tôi nhìn S đang nằm quay mặt vào tường, và hoàn toàn tin rằng S đã lấy cắp chỉ vàng của tôi.

Tôi đề nghị mọi người trong phòng cho tôi khám tư trang của họ.

 Cuộc khám xét không thành công.

 Nhưng qua phân tích của chúng tôi và qua thái độ hoang mang của S, chúng tôi đều tin S đã giả ốm ở nhà để lấy cắp chỉ vàng.

 Bảo vệ nhà trường cho biết, buổi sáng chúng tôi đi tập quân sự thì S có ra khỏi trường khoảng một giờ đồng hồ.

Mặc dù S cả quyết không hề lấy cắp chỉ vàng ấy, nhưng chúng tôi và nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để chất vấn và khẳng định thủ phạm vụ trộm đó là S.

Một tuần sau, chúng tôi phát hiện S mang một bao tải mì sợi ra ga tàu mang về quê.

 Chúng tôi túm lại hỏi S lấy tiền đâu mà mua mì sợi. S không nói gì mà ôm mặt khóc.

 Năm đó, nhà trường đã không xét tốt nghiệp cho S mặc dù học lực của S rất khá, với lý do đã có hành vi đạo đức xấu và không trung thực với tội lỗi của mình.

 Chúng tôi hồ hởi nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác.

 Chỉ có S không được nhận bằng tốt nghiệp và tạm thời không được phân công công tác. Đồng thời nhà trường có công văn gửi về địa phương S sinh sống, đề nghị địa phương theo dõi và giáo dục S. Khi nào địa phương chứng nhận S đã hối cải và tiến bộ, thì nhà trường sẽ xem xét giải quyết trường hợp của S.

Thời gian cứ thế trôi đi.

 Một số bạn bè học cùng chúng tôi vẫn có liên lạc với nhau. Duy chỉ có S là không ai biết rõ ràng ở đâu và làm gì.

Nhà trường cho biết, S cũng không quay lại trường để xin cấp bằng và phân công công tác.

Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng còn nhớ tới chỉ vàng bị lấy cắp năm xưa.

 Trong đám bạn bè tôi, có những người rất thành đạt. Đặc biệt H đã trở thành một người rất giàu có bằng năng lực và sức lao động của chính anh.

 Anh là một người được xã hội biết đến.

 Một hôm, sau ngày tôi vừa nghỉ hưu, có một thanh niên mang đến nhà tôi một lá thư và một cái hộp giấy nhỏ.

 Anh thanh niên nói là một người nhờ chuyển, nhưng lại nói là không nhớ tên người đó.

 Tôi băn khoăn và hồi hộp mở thư ra.

 Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: "Anh P thân mến, tôi xin được gửi trả lại anh chỉ vàng mà tôi đã lấy của anh cách đây mấy chục năm. Tôi sẽ đến gặp anh để xin anh thứ tội. Kính".

 Đọc thư xong, tôi thực sự bàng hoàng.

 Lá thư không ký tên. Tôi không còn nhận được chữ đó là của ai viết nữa. Tôi đoán đó là thư của S.

Tôi mở chiếc hộp giấy nhỏ và nhận ra trong đó có một chỉ vàng. Đó là một chỉ vàng mới.

 Không hiểu tại sao lúc đó nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Lúc này tôi mới thực sự nghĩ đến S với một nỗi xót thương.

 Ngày ấy, S là sinh viên nghèo nhất trong lớp. Bố S mất sớm. Mẹ S phải tần tảo nuôi năm anh chị em S ăn học. Có lẽ vì thế mà trong một phút không làm chủ được mình, S đã trở thành một kẻ ăn cắp. Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy.

Sau khi nhận được lá thư và chỉ vàng, tôi hầu như mất ăn, mất ngủ. Có một nỗi ân hận cứ xâm chiếm lòng tôi.

Ngày ngày tôi đợi S đến tìm. Tôi sẽ nói với S là tôi tha thứ tất cả và tôi cũng xin lỗi S vì lòng tôi thiếu sự thông cảm và thiếu vị tha.

 Một buổi sáng có tiếng chuông cửa. Tôi vội chạy ra mở cửa.

Người xuất hiện trước tôi không phải là S mà là H. Tôi reo lên: “Ối, hôm nay sao rồng lại đến nhà tôm thế này". Khác với những lần gặp gỡ trước kia, hôm đó gương mặt H trầm tư khác thường.

 Tôi kéo H vào nhà và nói ngay: "Mình vừa nhận được thư thằng S. Cậu có biết nó viết gì không? Nó đã trả lại tôi chỉ vàng và nói sẽ đến gặp tôi để xin lỗi".

Khi tôi nói xong,

H bước đến bên tôi và nói: “Anh P, anh không nhận ra chữ viết của tôi ư. Tôi chính là người viết lá thư đó. Tôi chính là người đã ăn cắp chỉ vàng của anh". Nói xong, H như ngã đổ vào tôi và khóc rống lên.

Tôi vô cùng bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Khóc xong, H đã kể cho tôi nghe tất cả sự thật. Vì cũng muốn mua một chiếc xe đạp sau khi tốt nghiệp đi làm, H đã tìm cách lấy trộm chỉ vàng.

Và suốt thời gian qua, H rất ăn năn và luôn tìm kiếm S để chuộc lỗi.

 Thế rồi chúng tôi quyết định về quê S mặc dù biết S không còn sinh sống ở quê đã lâu.

 Vất vả lắm chúng tôi mới biết thông tin về S: Sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo về đạo đức của mình, S đã phải chịu quá nhiều tai tiếng và những ánh mắt khinh bỉ của hàng xóm. S đã xin đi khai hoang ở một huyện miền núi.

Nghe vậy, chúng tôi lại tức tốc lên đường tìm đến nơi S đang sinh sống. Ở đó S sống cùng vợ con trong một ngôi nhà gỗ đẹp dưới chân một dãy đồi. S trồng trọt và mở một trang trại chăn bò lớn. Trông anh già hơn tuổi nhưng khỏe mạnh và đôi mắt nhân ái vô cùng.

 Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc.

 Tôi và H quyết định ngủ lại một đêm với S. H xin S cho H được kể sự thật cho vợ con S nghe để họ thanh thản và hãnh diện về chồng, về cha mình và H muốn được tạ lỗi với vợ con S. Nhưng S gạt đi và nói: “Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ ăn cắp". Trước khi chia tay nhau,

 H cầm tay S khóc và nói: “Mình có tội với cậu. Cậu đã tha tội cho mình. Nhưng mình muốn được trả một phần nhỏ cái nợ lớn mà đời mình đã mang nợ với cậu. Hãy nói mình phải trả nợ cậu như thế nào".

 S mỉm cười và nói: “Ông đã trả hết nợ rồi". Khi tôi và H còn chưa hiểu ý thì S nói: “Việc ông nói ra sự thật về tội lỗi của ông là ông đã trả hết nợ rồi. Đừng nghĩ gì về chuyện cũ nữa. Mà thực ra, ông nợ chính ông nhiều hơn là ông nợ tôi.

 Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình". Cho đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu con người S. Tôi hiểu ra một điều gì đó thật xúc động, thật sâu sắc về cuộc đời này.

 Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị như thế.

 Cũng trong cái đêm thức với S tại ngôi nhà gỗ của anh, chúng tôi mới biết những ngày đi học, khi nghỉ học, S vẫn đi quay mì sợi thuê để mua mì sợi cứu đói cho gia đình.

 Chúng tôi đã không hiểu được bạn bè mình. Chúng tôi đã làm cho một con người như S nếu không có nghị lực, không có lòng tin có thể dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.

 Thưa các anh, các chị, câu chuyện tôi kể cho các anh, các chị chỉ có vậy. Nhưng với tôi đó là một bài học về con người và về cuộc đời.

 

Tác giả: Vương Điền


Người đàn ông có số vất vả 


Năm tôi lên 9 anh Cu 12 tuổi, anh đang học lớp 6, tôi cùng lớp cùng tuổi với con Hảo em út anh nhưng tôi chơi với cả ba anh em nhà anh vì chúng tôi ở cùng xóm, hai nhà chỉ cách nhau vài căn..

Từ trong gia đình đến hàng xóm toàn gọi anh là Cu, chẳng cần biết tên thật anh là gì… Những bà hàng xóm thường réo tên anh thoải mái:

- Cu, mẹ mày có nhà không?

- Thằng Cu, ra mà xem con em gái mày đang bị ngã ngoài ngõ kìa Hảo đã giải nghĩa cho tôi Cu là tên loài chim Cu chứ không phải nghĩa “kia”, nhưng tôi vẫn lanh chanh hỏi lại anh cho chắc:

- Anh Cu ơi, tên anh nghĩa là loài chim Cu hay là………..

Anh trợn mắt và tức giận búng vào tai tôi đau điếng không cho tôi nói hết câu:

- Con nhỏ nhiều chuyện, tên Cu chỉ là tên gọi ở ngoài, tao tuổi con khỉ tên là Thân mày nhớ chưa?

Tôi vừa nói vừa bỏ chạy vì sợ bị anh búng tai lần nữa:

- Em cứ gọi là anh Cu, dễ nhớ hơn.

 

Cha anh mất sau một cơn bạo bệnh cách đây hai năm, thế là gánh nặng gia đình một mình mẹ anh lo toan, bác gái phải chạy chợ từ sáng sớm đến chiều buông mới về, bác bán hàng ở chợ Gò Vấp.

Ở nhà anh Cu bỗng trở thành người nội trợ chăm sóc hai em là thằng Toàn và con Hảo, sáng anh đi học trưa về là đâm đầu vào bếp nấu cơm rồi giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa và làm đủ thứ việc trong nhà..

 

Tôi thường sang nhà anh chơi với Hảo và Toàn, có nhiều lúc tôi ngồi chồm hổm xem anh Cu thái quả bầu, vo gạo, xem anh rán trứng, …cho tới lúc ba anh em ngồi vào mâm cơm tôi cũng chưa chịu về để anh Cu phải mời:

- Mày có muốn ăn cơm không?

Tôi mừng rỡ:

-Cho em ăn với…

Thằng Toàn thì lườm tôi:

-Sao mày không về nhà mày ăn cơm ngon hơn, ở đây cơm nhà nghèo…

Tôi ăn cơm với trứng rán lộn xộn mà thấy ngon lành nên đáp thật thà :

- Anh Cu nấu ăn ngon hơn.

Anh Cu giải thích:

-Trứng rán với một tí mỡ đảo lộn xộn lên làm gì mà ngon cho được, tại mày ăn cơm nhà lạ nên cảm thấy ngon .

- Em nói thật mà, với lại em thích ăn cơm nhà anh vui hơn.. Ở nhà mẹ em cứ bắt ăn cơm với ruốc cho lành, ăn thịt cá cho bổ, em ngán lắm.

Ngoài món trứng rán lộn xộn tôi ăn món canh bầu nấu với tôm khô cũng thấy ngon hơn nhà mình.  Lạ thật, chẳng lẽ anh Cu có tài nấu ăn đến thế..

 

Tôi ăn chực nhà anh Cu vài lần thành quen, thành ghiền, có lần tôi lẽo đẽo theo anh ra sàn nhà sau nhìn anh rửa bát và …năn nỉ:

- Mai mốt em lớn anh Cu lấy em nhá, nấu cơm với canh bầu trứng rán lộn xộn cho em ăn…

Anh Cu bỗng đỏ mặt mắc cở, anh lấy tay hất nước trong chậu rửa bát vào người tôi và đuổi tôi:

- Con nít con nôi ăn nói tầm bậy…về nhà mày đi.

Một buổi chiều thứ bảy tôi sang nhà anh Cu chơi như thường lệ, vừa vào trong nhà thì cũng là lúc có hai chị nữ sinh mặc áo dài trắng dắt xe đạp dừng lại trước cửa nhà anh, tôi đoán là bạn học cùng lớp với anh, không thấy anh ở nhà trên tôi biết anh Cu đang ở dưới bếp nấu cơm nên gọi ầm ĩ lên:

 

- Anh Cu ơi, anh Cu ơi…có bạn anh đến..

Gọi to thế mà chưa thấy anh lên, từ dưới bếp nhìn lên nhà trên anh Cu có thể thấy thấp thoáng hình dáng hai cô bạn anh rồi mà, tôi liền chạy xuống bếp thì thấy anh đang vội vàng bắc nồi canh bầu ra khỏi bếp, xong anh quay ra… kéo tai tôi thật đau và mặt anh đỏ bừng lên vì tức giận:

- Sao mày gọi tên Cu thế hả ? này…này…lần sau chừa không được gọi Cu nếu có bạn tao đến chơi. 

Anh lau tay, sửa lại quần áo cho ra vẻ dù chẳng chỉnh tề thêm là bao và đi lên nhà, tôi đi theo thấy hai chị nữ sinh nhìn anh cười cười và thay nhau trêu đùa:

- Hình như ở nhà bạn có tên…gì lạ lắm nhỉ?

- Ừ, tên …. nghe kêu lắm…

Anh Cu lại đỏ bừng mặt và liếc nhìn tôi với vẻ…căm hờn. Tôi cảm thấy mình có lỗi bèn tìm cách chuộc tội, tôi khoe:

- Hai chị ơi, anh C…

Suýt nữa thì tôi lại nói anh Cu, may mà tôi dừng kịp và vội vàng sửa lại:

-Anh Thân đang nấu cơm dưới bếp, anh ấy nấu cơm rất giỏi, ngày nào anh cũng cho nhà ăn món canh bầu và trứng rán lộn xộn ngon lắm…

Tưởng rằng lời khen của tôi sẽ làm anh vừa lòng hãnh diện không ngờ anh lại ném cho tôi cái nhìn tóe lửa làm tôi ngạc nhiên và e ngại không dám ở lại nhà anh mà lủi thủi đi về..

Hôm sau tôi sang chơi nhà anh Cu, anh vẫn không tha cho tôi, anh vẫn còn giận lắm:

-Tại sao mày lại kể với hai bạn là tao nấu cơm hả?

Tôi cãi ngay:

- Thì ngày nào anh chẳng nấu cơm, em nói có gì sai đâu..

- Nhưng đấy không phải là công việc của con trai. Còn nữa, sao mày lại khai ra nhà tao toàn ăn cơm với trứng và canh bầu hả?

Tôi lại cãi:

- Em thấy anh hay nấu món ấy, mà hai món đều ngon. Anh sợ gì?

Thế lần sau em sẽ kể thêm món rau muống luộc và đậu hũ kho hả anh?

-Trời ơi, sao mày ngu thế. Không kể gì hết, hiểu chưa?

Thấy anh càng giận thêm tôi sợ hãi líu ríu:

- Vâng, em…. hiểu rồi.

 

Mà thật ra tôi không hiểu gì cả. Anh giỏi giang, anh nấu ăn ngon mà sao lại cấm tôi không được khoe cho người khác biết.?

Chúng tôi vẫn ở chung xóm và lớn lên, tôi vẫn gọi anh bằng tên Cu như bấy lâu nay trong nhà và hàng xóm vẫn gọi, chẳng ai thắc mắc hay ngại ngùng gì cả. Tên Cu cũng bình thường như bao cái tên khác. 

Càng lớn tôi càng thấy tên Cu của anh…kỳ kỳ và đã hiểu ra cha mẹ anh gọi âu yếm thế vì anh là con trai, cũng như con gái thì người ta hay gọi là cái Gái, cái Tẹt gì đó để phân biệt giới tính, chứ không phải

đặt tên anh cho giống loài chim Cu như Hảo đã nói cho đỡ “quê “ anh của nó.

Anh Cu đã là một thanh niên, anh vẫn ngoan hiền đảm đang thay mẹ lo cơm nước chăm sóc hai em và làm bao nhiêu công việc nhà.

 

Năm tôi 14 tuổi tôi biết mắc cỡ không ngồi lì nhà anh để đợi anh Cu mời ăn cơm nữa, mà anh có mời tôi cũng chẳng dám ăn. Món trứng rán lộn xộn và canh bầu anh nấu vẫn là món ngon trong đời tôi.

Tôi cũng hiểu ra nhiều điều, vì quả bầu và trứng là món rẻ tiền nên nhà anh ăn thường xuyên chứ không phải là món họ yêu thích.

 

Nhà anh dọn đi nơi khác, đến gần chợ Gò Vấp để mẹ anh thuận tiện việc đi lại buôn bán.

Chia tay ba anh em mà tôi chỉ nhớ một người, chỉ nhớ anh Cu . 

Từ nhà tôi đến chợ Gò Vấp không xa, chỉ chừng hai cây số nhưng tôi không thể ngày nào cũng sang nhà anh Cu chơi được nữa.

Hôm anh về thăm xóm cũ, vừa trông thấy anh tôi mừng rỡ chạy ra và kêu lên không kềm hãm được:

- Anh Cu…anh Cu…

Lạ quá, anh không tức giận khi tôi gọi anh bằng cái tên này dù anh đã là một thanh niên cao ráo đẹp trai. Anh 18 tuổi rồi.

- Em và bố mẹ em có khỏe không?

Dĩ nhiên bây giờ anh không xưng hô với tôi “mày, tao” nữa. Tôi cũng biết điều tự ý sửa lại:

- Cả nhà em vẫn bình thường, hôm nọ Hảo nói với em là anh Thân đã thi đậu vào đại học sư phạm phải không?

- Ừ, anh sẽ học sư phạm

- Anh giỏi qúa, giỏi việc nhà lại học giỏi nữa.

Anh không e ngại như xưa mà còn đùa:

- Số anh…vất vả mà, bây giờ anh cũng vẫn vừa đi học vừa nấu cơm và chăm sóc hai đứa em chứ đã xong đâu. Này, anh vẫn còn làm món trứng rán lộn xộn và canh bầu, em dám…ăn không?

Tôi vẫn nhớ lời tôi đã năn nỉ và mong ước mai này lớn lên anh Cu sẽ cưới tôi vì tôi thích ăn hai món này của anh. Anh còn nhớ không hay anh chỉ vô tình nhắc lại? 

Hình ảnh anh Cu ngày xưa và bây giờ luôn ở trong trái tim tôi, một thứ tình cảm nhẹ nhàng, trong veo, là tình trẻ thơ hàng xóm lâu năm, tình bạn hay tình của tuổi mới lớn bâng quơ ?

Hai năm sau cả nhà tôi đi xuất cảnh sang Mỹ, tôi không có dịp tham dự ngày anh ra trường tốt nghiệp đại học như có lần tôi đã hứa với anh,

mà ngược lại anh là người đưa tiễn tôi ra phi trường cái điều mà anh và tôi đều không hẹn trước..

Hôm ấy tôi buồn lắm chỉ nhìn anh mà không nói nên lời, mãi tôi mới nói được:

- Chúc anh ở lại bình an, anh sẽ ra trường và dạy học giỏi nhé..

Anh cũng buồn buồn:

- Sang Mỹ em có thèm ăn món trứng rán lộn xộn và canh bầu nấu tôm khô thì một ngày nào đó về đây anh sẽ nấu mời em..

                 ******************

Sau khi tôi sang Mỹ anh em Hảo và  tôi thỉnh thoảng có liên lạc qua lại.

Rồi tôi và anh Cu đều đã có gia đình riêng, mỗi người bận rộn cuộc sống của mình.

Tôi và anh Cu hai phương trời cách biệt, hai cuộc đời, hai lối rẽ khác nhau. 

Anh em Hảo và tôi không thân như thuở nhỏ nữa, những người bạn hang xóm cũ của tôi đã nhạt phai dần theo chồng chất của thời gian và cuộc sống..Tất cả chỉ còn trong kỷ niệm.

Bỗng một hôm tôi nhận được điện thoại từ anh Cu. Thì ra gia đình riêng của anh đã xuất cảnh sang Mỹ nhiều năm nay.

Anh vừa tình cờ gặp một người hàng xóm cũ nào đó ở Mỹ và người này cho số điện thoại của vài hàng xóm khác, trong đó có số điện thoại của tôi để anh Cu hỏi thăm hàng xóm láng giềng nơi xứ lạ quê người..

Khi tôi hỏi thăm gia đình anh thì anh Cu nói rất ít và chỉ nói chung chung. Anh có vẻ buồn không muốn nói nhiều về gia cảnh mình.

 

Tôi không là đứa trẻ con năm xưa xồng xộc chạy vào nhà anh và biết hết mọi ngõ ngách tâm tư của cuộc sống từng người trong nhà anh nữa..

Và tôi cũng chỉ kể với anh là các con tôi đã ăn học trưởng thành.

Thế là tôi và anh Cu cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa nơi xóm nhỏ khi chúng tôi còn nhỏ.

Ngày liên lạc được với tôi cũng là dịp con thứ hai của anh tốt nghiệp đại học, anh  mời vợ chồng tôi tham dự, anh nhắc lại ngày xưa tôi đã không thể tham dự anh ra trường thì ngày nay hãy dự ngày ra trường của con anh và cũng là dịp bạn bè gặp lại..

Tôi đã vui vẻ nhận lời.

 

Nơi anh Cu ở cách nơi tôi không xa, chỉ gần một tiếng lái xe.

Tôi lái xe đến nhà anh, đây là lần đầu tiên chúng tôi tái ngộ kể từ ngày tôi đi xuất cảnh năm tôi 17 tuổi.

Vừa thấy anh, y như ngày xưa, hôm anh từ Gò Vấp lần đầu tiên trở về thăm xóm cũ tôi lại bật thốt lên mừng rỡ :

- Anh Cu……

Anh tuổi con khỉ tên Thân tôi biết thế mà sao vẫn cứ quen miệng gọi là anh Cu . Có lẽ cái tên anh Cu đã thân mến in sâu vào tâm khảm tôi suốt cả thời trẻ thơ .

Anh chẳng phiền toái tôi chút nào vì tôi vẫn dùng cái tên mà ngày xưa tôi đã có lần làm anh mắc cở với bạn bè, trái lại nét mặt anh cũng vui mừng rạng rỡ.

Anh ngạc nhiên thấy tôi đi một mình, bây giờ tôi mới kể anh nghe chồng tôi đã qua đời cách đây vài năm vì một tai nạn xe cộ khủng khiếp đã làm tôi bàng hoàng đau đớn, vì lẽ đó nên tôi ít khi nhắc đến cái chết của chồng.

Tôi ngạc nhiên hơn khi biết chuyện gia đình anh, người vợ đã lìa bỏ chồng con đi theo tiếng gọi tình yêu khác, anh đã ở vậy nuôi hai đứa con ở tuổi dở dang như các em anh ngày nào.

Anh từng có kinh nghiệm chăm sóc hai em nên săn sóc hai con rất chu đáo kể cả công việc nấu nướng cho con từng bữa ăn. Căn bếp vắng lạnh không có bóng dáng người mẹ đã có người cha thay thế...

 

Suốt những năm qua anh không nghĩ đến chuyện tái hôn chỉ vì muốn gần gũi để thương yêu bù đắp cho các con đã thiếu thốn tình mẹ, để các con không  bị tổn thương thêm lần nữa. Mẹ đã bỏ rơi chúng, nếu cha sau đó cũng tìm hạnh phúc mới lấy vợ khác chúng sẽ cảm thấy bơ vơ và tủi thân dường nào

Tôi cảm phục anh đến nghẹn ngào:

- Anh là một người cha tốt, là một người đàn ông tốt, từ khi người đàn ông trẻ con 10 tuổi cho đến bây giờ.. Người đàn ông có tâm hồn bao la yêu thương và biết cả  nấu cơm quét nhà giặt giũ, biết chăm sóc người thân của mình .….

Anh lại vui đùa :

- Ngày xưa anh đã nói với em anh là người đàn ông có số vất vả mà.

 

Tôi và anh cùng lẻ loi cô độc, có phải ông trời cố tình xô đẩy cho chúng tôi gặp lại nhau không?

Sau lần hội ngộ ấy anh và tôi dần dần thân nhau lại như xưa, anh thường lái xe từ thành phố anh đến thành phố tôi.

Hảo từ Việt Nam được tin tôi và anh Cu đã gặp lại nhau nó mừng vui lắm luôn gọi phone nói chuyện để khuyến khích chúng tôi đến với nhau vì các con của tôi và con anh đều đã trưởng thành . Hảo nói với tôi:

- Ngày nhỏ bạn thích anh Cu lắm mà, khi lớn bạn cũng thích anh ấy nhưng đã vội ra đi, tuy bạn không nói ra nhưng chơi với bạn, gần gũi bạn tôi đã hiểu thế.. Bạn có biết là anh Cu đã mơ ước sau khi

tốt nghiệp đại học sư phạm anh sẽ hỏi cưới bạn làm vợ không? Ngày bạn đi anh Cu buồn và hụt hẫng như một người vừa đánh mất tương lai.

Tôi cũng buồn và cảm thấy hụt hẫng như thế. Tôi và anh  cùng tâm trạng mà cùng non trẻ vụng về chưa ai kịp nói lời yêu…..

Không cần  cô em út nói giùm… Anh đã đến thăm tôi với một bó hoa hồng đỏ thắm để cầu hôn tôi:

- Anh xin cưới em nhé.  Em còn yêu anh không?

 

Tôi vờ ngây thơ vì chẳng còn ngây thơ như xưa nữa :

- Sao anh lại hỏi thế? Em yêu anh hồi nào mà còn hay hết ?

- Anh còn nhớ có con bé năm lên 9 tuổi đã lẽo đẽo theo anh ra sàn rửa bát sau nhà năn nỉ anh mai mốt lấy em, nấu canh bầu, trứng rán lộn xộn cho em ăn. Ngoài hai món “đặc sản” nhà nghèo ấy từ ngày chăm sóc hai con anh còn biết nấu những món ăn Âu Mỹ nữa ……

- Em chỉ thích ăn món “nhà nghèo” của anh thôi, trứng và canh bầu nấu tôm khô thôi.. Thế thì số anh vẫn…khổ, vẫn vất vả. Ngày xưa nấu nướng hầu hạ cho các em của anh, rồi cho các con anh, nếu cưới em anh lại…phải nấu nướng cho em, cho cô vợ cuối mùa này nữa.

Anh vui vẻ:

-Chăm sóc cho những người mình yêu thương là anh vui rồi, anh tình nguyện làm người đàn ông số vất vả suốt đời.

Tôi dịu dàng nắm bàn tay anh:

- Em thử lòng và đùa với anh thôi, lẽ nào để anh chiều em mãi thế, em có còn là con bé hàng xóm của anh năm xưa đâu. Em sẽ thay đổi số mệnh cho anh, không để anh phải vất vả nữa. Em sẽ nấu cho anh những bữa cơm ngon để cám ơn anh ngày xưa từng mời em ăn cơm cũng như cám ơn anh đã thực hiện lời…năn nỉ của em, hôm nay xin cưới em …

Anh kéo tôi sát vào người anh và ôm tôi, vòng tay đàn ông yêu thương che chở, vòng tay này đã từng của hai em anh, của hai con anh và hôm nay thuộc về tôi:

- Cho anh xin lỗi ngày xưa đã mấy lần nổi giận búng tai và nhéo tai em nhé. Em biết không, khi ở tuổi lớn lên anh đã từng mong được bên em để nói lời xin lỗi này…

Tôi nũng nịu trách:

- Anh nhắc lại chuyện cũ  em bắt đền anh đấy. Làm sao bây giờ? chả lẽ em… nhéo lại tai anh ?

- Đừng em, anh sẽ đền em bằng những nụ hôn, tuy muộn nhưng vẫn là những nụ hôn đầu đời của tình yêu đầu đời chúng ta nhưng vì duyên số nên đến gần cuối đời chúng ta mới đến với nhau…


 Nguyễn thị Thanh Dương 

Posted by GLN




CHỒNG CHẬM CHẠP
✍️Trà Giang
Quán cà phê của chị mới dựng lên chỉ chừng 5 năm, nhưng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của cả xóm.
Ai cũng biết, cái quán đông khách là nhờ sự duyên dáng của bà chủ. Chị xinh đẹp, tháo vát và lanh lẹ. Nhưng cũng chính vì thế, những thắc mắc càng đổ dồn về phía ông chủ - một người đàn ông chậm chạp, mờ nhạt, kiệm lời.
Chị lanh lẹ một cách tinh tế. Chị thoăn thoắt làm công việc của 3 - 4 người nhưng mặt mũi vẫn tươi như hoa, vẫn đon đả phục vụ và thuộc làu thói quen, sở thích của từng vị khách. Chị chạy tới chạy lui không ngừng từ sớm đến đêm.
Anh chỉ phụ dắt xe. Khu vực để xe thì lọt thỏm trong sân nên công việc của anh cũng không mấy nặng nề. Người ta nhìn vào chỉ thấy chị chạy như con thoi còn anh thì lầm lì đứng đó.
Trong khi chị hớn hở chào mời thì anh nói năng nhát gừng, đôi lúc còn tỏ ra nặng nề khi thấy những chiếc xe đậu không ngay ngắn.
Khách vào quán hay cố đi thật nhanh qua khu vực để xe, để đỡ phải giao tiếp lâu với anh, mà cũng để tiến vào không gian của chị thật lẹ.
Thỉnh thoảng, vẫn có người dừng giữa cuộc trò chuyện, hất cằm ra sân mà hỏi chị: “Chồng cô đó hả?”, chị cười: “Dạ, ông xã tui đó!”. Giọng chị to rõ, như cố để cho con người đang lúi húi ngoài kia nghe thấy.
Chẳng ai hiểu một người chồng như thế thì có gì để mà tự hào giới thiệu. Một người vô tâm cũng có thể thấy vợ chồng họ như đôi đũa lệch.
Có bữa, thấy anh đi ngang, nhóm tài xế là khách quen bèn nói vu vơ:
- Mới sáng sớm mà hanh nắng rồi, có cái bạt sao không kéo lại che cho khách?
Anh bèn đi lại tháo dây, kéo bạt che kín cả quán. Lúc này đám tài xế lại lao nhao:
- Mới sáng mà che kín mít vậy, phí gió trời!
Chừng như nghe không rõ, anh lúng túng, chau mày làm ra vẻ khó hiểu. Bên này, đám khách quen lại phá lên cười, tranh nhau nói mấy câu yêu sách chẳng đâu vào đâu. Một trong số đó còn nói: “Ông chủ này coi bộ lãng tai!”. Lúc này, chị chủ quán phăng phăng bước tới, đon đả cười với cả chồng lẫn khách:
- Quán này chuyên môn hóa cao lắm nghen, kéo bạt chừng nào là do tui phụ trách, ông chủ chủ yếu đứng đó kiểm soát tui thôi à!
Nói xong, chị lấy lại sợi dây thừng từ tay chồng, kéo ngược tấm bạt hở ra một nửa, vừa che được nắng, vừa lấy được gió trời. Xong việc, chị nói:
- Anh coi ăn sáng cho kịp giờ, đồ ăn em để sẵn trong lồng bàn nhen!
Anh quay đi. Cái giọng ngọt như mía lùi của cô vợ tươi tắn như đẩy ông chồng khù khờ lên một trời danh giá. Thấy cái vẻ ù lì của anh, người ta ưa làm tội làm tình. Nhưng chỉ cần một lần bị chị dẹp gọn, kẻ yêu sách kia cũng phải nể anh thêm mấy bậc. Bởi, chẳng cần biết anh khù khờ ra sao, chỉ riêng việc được một người đàn bà thông minh một lòng yêu kính là đã “có số má” rồi.
- thì chắc chắn, người này phải có một điều gì đó khiến người kia còn muốn gắn bó.
Chị nói:
Hôm đó quán vắng, tôi đến thì gặp lúc chị thảnh thơi ngồi nghỉ mệt, còn anh lúi húi tỉa tót cây cối. Quán không quá rộng, nhưng luôn cho cảm giác xanh tươi. Đó chính là vì mớ cây cối được đặt đúng chỗ, được trồng theo tầng với chậu nhỏ, chậu lớn. Tôi khen:
- Chị không có nhân viên mà vẫn giữ được cái quán sạch sẽ tươi mát hoài hè!
- Tại tui có ổng!
Chị tiếp tục huyên thuyên rằng anh giỏi về cây cối ra sao, anh bỏ ngủ trưa để chăm chút “bầy cây” này thế nào. Tôi chợt hiểu về cách mà họ gắn bó trong cái quán này. Tôi hỏi:
- Ảnh hiền queo mà chị thì lẹ làng vậy, sống sao cho khỏi lệch nhịp?
Chị đáp thiệt nhanh:
- Quan trọng là mình chọn cuộc chiến nào thôi cưng ơi. Tụi chị bán quán, nhằm ngay cái thế mạnh ăn nói của chị nên chị nổi hơn. Ảnh giỏi kỹ thuật, giỏi cây cối, giỏi kiên trì… thì không ăn thua lắm với chuyện tiếp khách. Nhưng đừng tưởng vậy là mình ngon hơn ảnh nghen! Không có ảnh lo hậu kỳ, điện nước, cây cối, nhạt nhẽo… thì chị cũng chịu chết à. Người ta không biết thì nói này nói kia, chứ mình là vợ chồng, mình biết chồng mình giỏi gì, mình dở cái gì, là sống được hết!

Tôi vỡ lẽ hoàn toàn. Và chợt giật mình, nếu vợ chồng nào cũng biết cái giỏi, cái dở của nhau, thì chẳng “cuộc chiến” nào, chẳng tình thế nào có thể đẩy người ta vào những hoang mang của lệch pha, hơn kém, đến mức thấy chẳng biết so sao cho bằng như lúc đầu…





 MỘT CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG.

Tôi muốn bắt đầu câu chuyện này bằng Ngày xửa ngày xưa... có một người nhà giàu, rất giàu.
Sự giàu có bắt đầu từ một cơ may. Hồi đó, khi còn là cậu bé nghèo khổ chỉ mong được ăn no, ông đã được một người tốt bụng đưa về nhà nuôi nấng và cho ăn học. Ông thường kể lại chuyện này cho con cái nghe nhưng các con ông cười, cho rằng đó chỉ là một trong những bài học đạo đức của ông mà thôi.
Rất bận rộn nhưng tuần nào cũng vậy, ông dành ra một buổi tối ăn mặc như một người lao động bình thường và đi dạo. Nói là đi dạo nhưng thực ra ông tìm gặp những ai cần giúp đỡ. Ngay cả kẻ trộm cắp ông cũng không từ chối, vì nghĩ rằng biết đâu sự giúp đỡ của mình sẽ là cơ hội cho kẻ muốn hoàn lương.
Một tối mùa đông, như thường lệ ông đi trên đường. Ngang qua công viên ông dừng lại vì chợt thấy dáng vẻ của một chàng trai thiểu não quá. Cùng với bộ áo quần tỏ rõ sự nghèo nàn là nỗi tuyệt vọng lồ lộ.
- Chào cháu, có chuyện gì vậy?
Câu hỏi êm ái của ông khiến chàng trai rùng mình. Cái rùng mình trong bóng tối của đêm đông khiến trái tim nhân hậu của ông đau nhói. Ông rất biết giới hạn của mình. Tiền bạc, ông không thiếu. Một công việc, ông sẵn sàng mở rộng cửa các nhà máy của mình cho bất kỳ ai cần một công việc. Nhưng nếu là một căn bệnh hiểm nghèo thì... Ông đã từng cho người ta tiền không phải để có cuộc sống mong ước mà là để mua một cái quan tài!
- Cháu không thể nói gì với ta sao?
Giọng chàng trai nghẹn ngào, đẫm nước mắt:
- Cháu yêu...
Ông có thể hiểu được, chắc đôi trẻ thiết tha yêu thương nhưng mẹ cha nhất định ngăn cản bằng cách thách chàng trai một đám cưới linh đình?
Ông mỉm cười:
- Ta sẽ tặng cháu tất cả những gì nhà gái muốn.
- Không... Không ai có thể- chàng trai tuyệt vọng nói.
- Ta có thể.
Câu trả lời tự tin và quả quyết của ông chỉ khiến chàng trai chìm sâu thêm trong cay đắng:
- Ông trời cũng không thể làm được gì đâu! Tối nay, cháu và nàng hẹn gặp nhau lần cuối tại đây. Rồi sau đó...
Giờ thì đến phiên ông rùng mình - rồi sau đó...
- Nhưng cái gì là không thể? - Ông gặng hỏi.
- Cha mẹ nàng chẳng đòi hỏi gì ngoài việc cháu phải đưa cha mẹ đến thăm nhà gái.
- Ơ, một thách cưới thực khắt khe! Như ta đây, nếu nhà gái đòi con trai ta phải đưa mẹ nó đến thì ta biết làm sao khi mẹ nó đã qua đời từ lâu!
- Không phải vậy ạ! -chàng trai kêu lên-cháu không biết cha mẹ mình là ai. Tự nhiên mà lớn lên... Tự nhiên mà có trên đời... Làm sao họ dám gả con gái cho một kẻ chẳng có gốc tích như cháu?
Ông đặt tay lên vai chàng trai và cảm nhận được toàn bộ sức nặng của cuộc sống trĩu trên đôi vai non tơ này. Có tiếng chân rón rén bước đến gần, và một cô gái xuất hiện. Dù cô đang mặc cái áo dày sụ của mùa đông và cái mũ len trùm xuống che khuất nửa khuôn mặt, ông vẫn nhận ra cô thật xinh xắn và đang đau khổ đến nhường nào.
Ông thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên mặt cô dù trời tối. Một ý nghĩ thoáng qua đầu... Ông mỉm cười:
- Chào con!
Cô gái đưa tay lên miệng để che một tiếng kêu kinh ngạc, còn chàng trai thì sửng sốt. Ông thấy mình còn xúc động hơn cả đôi trai gái:
- Nếu hai con không chê có một người cha như ta...
•••
Đám cưới diễn ra vô cùng vui vẻ. Cha mẹ cô dâu càng lúc càng quý chú rể bởi vì cha chàng không những rất lịch sự mà còn rất hiểu biết. Ông nói chuyện về công việc lao động chân tay như một người cả đời gắn bó với nó vậy.
Nhưng điều đáng nói là những chuyện sau đám cưới. Một người khách đến dự tiệc rồi về là chuyện thường, còn đây là cha của chú rể. Nhìn những điều không dám thốt thành lời trong mắt đôi trai gái đang tràn trề hạnh phúc, ông chẳng thể làm gì khác hơn là đóng trọn vai diễn của mình.
Thăm họ hàng và cùng nhau ra biển lưới cá... Con trai ông không phải dân biển nên rất vụng về, nhưng điều đó không khiến niềm vui giảm đi. Mất một tuần ông không đến văn phòng làm việc.
Rồi mọi chuyện cũng kết thúc êm đẹp. Đôi vợ chồng mới cưới lưu luyến tiễn ông từ làng chài ra đến thị trấn và từ đây ông sẽ lên tàu.
Lúc này không có ai, chỉ có ba người với nhau, không cần phải đóng kịch. Nhưng làm sao có thể xưng hô khác được nữa?
- Chúng con chào cha.
- Chào hai con.
Sự trở về của ông làm cả công ty nháo nhác. Người thì tưởng ông gặp tai nạn mất xác, người tưởng ông bị bắt cóc và đang đợi cú điện thoại đòi tiền chuộc. Có người còn thì thầm rằng các con ông đang tìm kiếm di chúc.
Ông vẫn mỗi tuần một buổi đi trên đường để tìm kiếm và chia sẻ với người không may. Khi là tấm mền bông ấm áp cho kẻ đang run rẩy, khi thì tháo chiếc nhẫn trên tay tặng người cơ khổ...
Một năm trôi qua, mùa đông lại đến. Một tối khi ngang qua công viên, ông chợt nghe tiếng gọi vui mừng:
- Con chào cha!
Ông nhận ra ngay chàng trai hôm nào. Dù không thể nhớ mặt tất cả những người ông đã giúp nhưng chàng trai này là một kỷ niệm đặc biệt: Chưa có ai cầu xin ông một điều tương tự vậy.
- Chào con.
- Mấy hôm nay ngày nào con cũng đến đây. Con mong được gặp cha.
- Có chuyện gì vậy?
- Vợ con mới sinh em bé. Ông bà ngoại mời ông nội đến ăn mừng mẹ tròn con vuông.
Giọng chàng trai đầy hy vọng, mà cũng rất ngập ngừng... Quả là chàng mong muốn nơi một ông già gặp gỡ tình cờ một điều hơi quá đáng!
Nói xong, nhìn đôi mắt nhướng lên vì ngạc nhiên của ông, chàng trai vội vàng tiếp lời:
- Con cũng định là nếu không gặp được cha thì sẽ nói với ông bà ngoại là ông nội đang bệnh nặng.
- Chẳng ai muốn mình là người đang bị bệnh nặng cả, con trai - ông nói với một nụ cười tươi tắn trên môi- Biết tặng cháu nội món quà gì đây?...
Ông bà ngoại tíu tít mừng vui khi ông đến. Còn phải nói, làng chài nhỏ bé mấy khi có khách xa về.
Không phải chỉ ông bà ngoại mà là cả họ mừng vui. Hôm nay nhà này mời ông một bữa, ngày mai nhà khác mời... Cứ như vậy, nhà nào cũng kéo ông đến. Lần thứ nhất là sau tiệc cưới, và đây là lần thứ hai ông được bao nhiêu người mời mọc mà không phải là để nhờ cậy điều gì. Họ nấu những con cá con tôm tươi hiếm hoi trong mùa đông, và rất sung sướng khi thấy ông ngon miệng; Để mừng cháu nội ông kháu khỉnh, mừng con dâu ông khỏe mạnh, mừng con trai ông đáng mặt nam nhi làng chài, vậy thôi.
Họ không biết ông là ai nên không dạ thưa, không cố gắng làm ông hài lòng, không điệu bộ, không kín đáo quan sát đợi ông cau mày là vội dọn thay món khác, không chuẩn bị trước đến lúc này thì thế này và lát nữa thì thế kia...
Tất cả thật giản dị như vốn là vậy. Ông ăn và uống rượu chiết từ một cái can nhựa thật to được mua về cho tất cả mọi người cùng uống.
Ông hít thật sâu làn không khí mằn mặn của biển, thấy lòng dâng một niềm vui khó tả, và ông hãnh diện khi thấy ánh mắt mọi người nhìn con trai mình lúc nói về anh. Chỉ một năm thôi mà anh đã trở thành một trong những người đi biển giỏi nhất làng chài này. Có một đứa con trai đáng mặt nam nhi thật không dễ, ông hiểu sâu sắc điều này...
- Rảnh rỗi ông lại về thăm cháu nhé.
Câu nói và những cái vẫy tay lưu luyến khiến ông xúc động. Ông chợt thấy có lỗi khi lừa dối những con người hồn hậu chân thành như vậy. Nhưng biết làm sao đây? Nhất là khi tất cả đang rất hạnh phúc.
Tất cả, đúng vậy! Đêm nằm trong biệt thự tiện nghi của mình, ông chợt nhớ ra các món cá hơi mặn, dân chài thường ăn mặn. Bác sĩ nói quả thận của ông sẽ gặp phiền toái nếu ông ăn mặn, nhưng tại sao lúc đó ông không hề thấy đau nhức như lẽ ra? Làm sao mà ông đã ăn hết tất cả một cách ngon lành?
Cho đến một ngày... bé Bi vòng đôi tay nhỏ xíu qua cổ ông, miệng bập bẹ gọi “Ông nội ơi...” thì ông nhận ra mình đến đây không chỉ vì chàng trai, không phải vì trách nhiệm tình cờ số phận sắp đặt.
Ông đến đây vì bản thân mình muốn. Mỗi lần chìa má cho bé Bi hôn, ông thấy lòng trào lên niềm xúc động lạ lùng. Bước chập chững vấp vào ngưỡng cửa, bé òa khóc giơ hai tay về phía ông tin cậy.
Ông muốn cho bé tất cả những tiện nghi mà cháu nội của ông được hưởng, nhưng ông không dám mang tới làng chài gì khác ngoài túi bánh quy, cái khăn len, hộp sữa. Ông sợ.
Phải, ông sợ...Nếu biết ông là tỉ phú thì chuyện gì sẽ xảy ra? Một khoảng cách mênh mông đẩy những con người hồn hậu của làng chài ra xa tít tắp. Mình ông cô đơn bên này với bao quy tắc, có quy tắc ông phải chấp nhận và có quy tắc do chính ông đề ra.
Hơn nữa, họ sẽ biết những đứa con của ông là như thế nào. Và... sẽ giống như những nơi ngày ngày ông đi qua, rập khuôn những lời nói, những kiểu dáng cung kính và những tính toán lợi lộc. Tệ nhất là con trai và con dâu của ông sẽ thay đổi. Tiền bạc và quyền hành sẽ làm biến đổi tất cả, ông quá rõ như vậy.
Không, để có những phút giây êm đềm ở làng chài này, để có gia đình êm ấm này, ông vẫn hãy là ông nội thôi!
Ông cảm thấy bứt rứt trước những món quà đẹp muốn cho bé Bi mà đành phải thôi. Nhìn bé chơi với những viên sỏi, những vỏ ốc, những cái nắp hộp bằng thiếc... ông quyết định khi bé đến tuổi đi học sẽ nói thật và đưa bé vào một trường danh tiếng nhất...
Nhưng chưa kịp thực hiện thì ông ngã bệnh. Nguy kịch đến nỗi báo chí và truyền hình ngày nào cũng đưa tin và tung ra những dự đoán cho tương lai của cơ nghiệp mà ông dày công xây đắp.
Quanh ông là những hàng rào người: bảo vệ, các cộng sự, bác sĩ, luật sư, phóng viên, những kẻ thừa kế hàng thứ nhất, họ hàng xa, họ hàng gần.
Giờ khắc tỉnh táo hiếm hoi, ông bình tĩnh truyền đạt những gì cần thiết, và điều cuối cùng là gọi gia đình nhỏ của làng chài. Lệnh ban ra xong, ông cầu trời cho cuộc sống của mình đừng kết thúc trước khi kịp gặp.
Nhưng ông không phải đợi một giây nào cả. Ngay lập tức họ xuất hiện trên ngưỡng cửa. Nghĩa là họ đã ở cạnh ông từ lâu lắm rồi. Làm cách nào vào được ngôi biệt thự của ông trong giờ khắc này? Không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu người ta thiết tha muốn thì luôn có một cách nào đó.
Ông chợt thấy lòng ấm áp. Nghĩa là họ đã nhận ra ông! Còn ông thì...
- Các con biết từ bao giờ? Ông yếu ớt hỏi.
- Ngày đám cưới đã có người nhận ra bác. Bác nổi tiếng như vậy, đặc biệt như vậy...
- Hãy gọi bằng cha như con vẫn thường gọi -Ông nói và cảm thấy hạnh phúc. Đúng vậy, hạnh phúc. Và tiếc nuối.
- Cha chưa làm được gì cho các con và bé Bi -Giọng ông chỉ còn là tiếng thầm thì -Nhưng ta có một món quà...
- Cha đã cho con rất nhiều rồi - Chàng trai nghẹn ngào.
- Ta đã làm gì đâu... - Giọng ông yếu ớt và tràn đầy hối tiếc -Nếu ta biết con nhận ra ta là ai, hẳn ta đã...
- Cha đã cho con một người vợ hiền, cha đã cho con của con những kỷ niệm về ông nội, cha đã cho con một làng chài làm quê nhà...- Chàng trai bật khóc - Cha đã cho con một cuộc đời.
Khuôn mặt người sắp chết ánh lên nét ngỡ ngàng. Ông muốn nói gì đó nhưng không kịp... Chàng trai áp khuôn mặt đầm đìa nước mắt vào lòng bàn tay của người đã thay đổi đời anh từ một tối mùa đông.
Sau lưng anh, bé Bi trên tay mẹ mở to đôi mắt tròn xoe. Kỷ niệm cuối cùng của bé về ông nội là trên khuôn mặt khép lại xanh xao hé nở nụ cười.

(ST(nguồn Facebook)


 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.