16 tháng 2 2025
Xe scooter điện.
Ngày nay, xe scooter điện đang trở thành biểu tượng của sự tiện lợi và phong cách trong các thành phố hiện đại. Nhưng ít ai biết rằng, hơn một thế kỷ trước, chiếc scooter đầu tiên đã xuất hiện trên đường phố với thiết kế và công năng không hề thua kém những mẫu xe hiện đại.
Trong bức ảnh đen trắng này là hình ảnh của một phụ nữ thanh lịch, mặc trang phục thập niên 1910, đang cưỡi trên một chiếc Autoped – chiếc scooter tiên phong được sản xuất từ năm 1915 đến 1922. Autoped có hai phiên bản: một sử dụng động cơ xăng và một sử dụng động cơ điện với phạm vi di chuyển lên đến 19 km – một con số ấn tượng vào thời điểm đó.
Sự đổi mới dành cho phụ nữ và xã hội
Điều thú vị là Autoped nhanh chóng trở thành phương tiện ưa thích của phụ nữ, bởi vào thời điểm đó, rất ít phụ nữ sở hữu bằng lái xe. Chiếc scooter nhỏ gọn và dễ điều khiển này mang đến cho họ sự tự do di chuyển chưa từng có trước đây. Không chỉ phụ nữ, nhân viên bưu điện và cảnh sát cũng sử dụng Autoped như một phương tiện hiệu quả để di chuyển nhanh chóng trên đường phố đông đúc.
Khi quá khứ định hình tương lai
Nhìn vào chiếc Autoped, ta không khỏi kinh ngạc trước sự tiên phong trong thiết kế và công nghệ của nó. Thật thú vị khi nhận ra rằng những gì chúng ta nghĩ là “công nghệ hiện đại” thực ra đã được hình thành từ hơn 100 năm trước.
Autoped không chỉ là một phương tiện di chuyển; nó là biểu tượng của sự tiến bộ, thể hiện tinh thần đổi mới vượt thời gian. Từ những đường phố mù sương của thập niên 1910 đến những đại lộ hiện đại ngày nay, chiếc scooter nhỏ bé này đã chứng minh rằng ý tưởng tốt không bao giờ lỗi thời.
Hình ảnh người phụ nữ trên chiếc Autoped không chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc trong lịch sử – đó là lời nhắc nhở rằng, sự tự do và đổi mới luôn là động lực thúc đẩy xã hội tiến về phía trước.
#Autoped #ScooterDien #LichSuCongNghe #SuTienPhong #DoiMoiTu100NamTruoc #CauChuyenQuaKhu #PhuNuVaCongNghe #PhuongTienDiChuyenXanh
Place Dalida tọa lạc tại giao điểm của Rue Girardon và Rue de l'Abreuvoir, một trong những con phố đẹp nhất và yên bình nhất của Montmartre. Quảng trường này không lớn, nhưng mang một vẻ đẹp đặc biệt, với những hàng cây xanh mát, những băng ghế gỗ mời gọi và một bức tượng đồng của Dalida, được đặt ở vị trí trung tâm.
Bức tượng Dalida là tác phẩm của nhà điêu khắc Alain Aslan, được khánh thành vào năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nữ ca sĩ. Bức tượng khắc họa hình ảnh Dalida với vẻ ngoài tươi tắn, rạng rỡ, như thể cô vẫn còn sống mãi trong lòng người hâm mộ. Điều đặc biệt là phần ngực của bức tượng sáng bóng hơn so với các phần khác, do người hâm mộ thường xuyên chạm vào để thể hiện sự ngưỡng mộ và cầu may mắn.
Place Dalida là một điểm đến để chiêm ngưỡng bức tượng và tưởng nhớ Dalida, đồng thời là một không gian để thư giãn, tản bộ và tận hưởng không khí trong lành của Montmartre. Vào những ngày đẹp trời, bạn có thể ngồi trên những băng ghế gỗ, ngắm nhìn những hàng cây xanh mát, lắng nghe tiếng chim hót và cảm nhận được sự yên bình, tĩnh lặng của khu phố.
Place Dalida cũng là một điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn khám phá Montmartre. Từ đây, bạn có thể dễ dàng đi đến các điểm tham quan nổi tiếng khác của khu phố, như Sacré-Cœur, Place du Tertre hay Musée de Montmartre.
Dalida (1933-1987) là một nữ ca sĩ và diễn viên người Pháp gốc Ý. Bà là một trong những nghệ sĩ thành công nhất của Pháp, với hàng loạt các bài hát nổi tiếng như "Bambino", "Gigi l'amoroso" hay "Il venait d'avoir 18 ans". Dalida nổi tiếng ở Pháp và trên toàn thế giới, với giọng hát đặc biệt và phong cách biểu diễn quyến rũ. Bà cũng là một biểu tượng của phong cách và sự quyến rũ, được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích.
NHỚ THẦY - Lê Trần
15 tháng 2 2025
14 tháng 2 2025
SANH LY TỬ BIỆT - Snowynguyen
Con người sinh ra lớn lên rồi phải chiến đấu với cuộc sống, cho sự sinh tồn, lo toan tính toán mọi việc, lo cho gia đình con cái, sự xa hoa cho sự sống của mình.
Mấy ai lo cho sự an yên của tâm hồn, bình an thanh thản ra đi trong thanh nhẹ, mỗi con người sinh ra chạy theo tập quán động loạn của cuộc sống chiến đấu sinh tồn với nó, mà từ bao nhiêu nghìn năm chưa thể thay đổi, chẳng mấy ai biết rằng mình từ đâu đến đây rồi ra đi phải đi về đâu ?
Cái sống đã có và không chuẩn bị cho ngày ra đi, ai cũng sợ sự sanh ly tử biệt, mà không bao giờ nghĩ rằng ta sanh ra lớn lên già nua và bệnh hoạn rồi ra đi với hai bàn tay không, để lại sự nuối tiếc cho xung quanh mình, tâm sự buồn cho những người ở lại. Nếu chúng ta hiểu rằng con người sống trong định luật của Trời định, sanh lão bệnh tử không ai có thể tránh được, vậy mà chúng ta hiểu nó, nhưng vẫn phải chạy theo cái giả tạm mà thực chất con người có hồn và xác, đó là ánh sáng từ thanh nhẹ mà đến, chúng ta đánh mất nó, vì cuộc sống này mình phải tranh đấu cho sự giàu sang mà mọi người đều chạy theo, không lo cho tâm hồn mình thanh nhẹ, sự buồn tủi, uẩn khuất, sự cao ngạo mang theo suốt cuộc đời này, để rồi kết thúc bằng những cơn bệnh giày xéo tâm can mà dù có nắm bao nhiêu tiền của trong tay, hạnh phúc thế gian thế này, cũng phải buông xuôi với hai bàn tay trắng, không nắm được gì không mang được gì trong giờ phút ra đi. Chỉ có sự thanh thản nhẹ nhàng không oán giận buồn tủi, chỉ còn tình thương và sự tha thứ là tồn tại trong tâm hồn mỗi con người, đó là sự thanh nhẹ, khi ra đi thanh nhẹ buông bỏ thì mới trở về nơi thanh nhẹ của nó, còn uẩn khuất, đau khổ, buồn tủi, giận hờn, ghen ghét … những thứ nặng nề này sẽ không thể đi đến sự thanh nhẹ của chính nó.
Đứa trẻ sanh ra không biết ngày giờ nào nó được sanh ra, chỉ có trong giấy chứng nhận là ngày giờ nó được sinh ra, nhưng khi lớn lên nó phải tranh đấu với cuộc sống thì quên đi thân xác này cần có sự khỏe mạnh, mà ít mấy ai lo chăm sóc cho nó khi còn trai tráng, nhưng đến ngày bệnh tật xảy ra, chúng ta cũng không biết trước, chỉ biết rằng nếu mình không chăm lo cho nó cũng như chiếc xe cũ kỹ mà không ai chăm sóc, một ngày nào đó nó bệnh, thì nó sẽ ngưng vì nó không bao giờ được bão trì, nó hư thì sửa cũng có thời hạn, một ngày nào đó rồi cũng vứt nó đi vì nó không thể chạy được nữa, chúng ta cũng thế khi còn đương thời nghĩ mỉnh có nhiều sức khỏe « lấy sức khỏe đó đi kiếm tiền, chạy đôn chạy đáo mà quên rằng mình cần có sức khỏe tốt » rồi tuổi già đến thì sợ sệch ngày chết, ai cũng sợ cái chết và khi thấy cái chết ấy đến với ai đó trong gia đình thì mình cảm thấy hụt hẫn và đau buồn, nhưng quên rằng mình rồi cũng chuẩn bị cho mình một hành trang thanh nhẹ thế nào ? để có hành trang thanh nhẹ trước lúc ra đi, nghĩ người cũng phải nghĩ đến mình, mới có thể thoát được sự buồn phiền của cuộc sống, ngày ra đi không ai biết trước chỉ có ông Trời là biết rằng ngày mình phải ra đi, kết thúc khóa học tại thế gian này. Còn ra đi thế nào thì theo những gì mình đã làm cho bản thân mình và xung quanh.
Tham sanh úy tử ai cũng thế, khi bệnh tật đến con người sẽ tự quay lại nhìn thấy rằng mình đã đánh mất lãng phí thời gian vàng bạc của mình, vì mình quên mình. Lo cuộc sống tranh đua với sự giả tạm mà mình không nhận thấy, thấy nuối tiếc « ước gì thời gian quay trở lại » nhưng đã quá muộn màng không giữ lại được. Mình sẽ lúng túng trước giờ ly thân và hoảng loạn vì phải chiến đấu với sự sinh tồn giờ phút lâm chung.
Biết trân trọng thân xác này và một tâm hồn thanh nhẹ, thì mới có thể có sự thanh nhẹ ngày mình ra đi, dù giờ phút chiến đấu với bệnh tật hay phút ra đi không báo trước cũng sẽ đón nhận sự thanh thản nhẹ nhàng giờ phút ly thân.
Làm sao có được sự thanh nhẹ, chỉ buông bỏ vật chất và nghiệp lực bấm víu xung quanh thân tâm và tâm hồn này, quên quá khứ không đặt khởi điểm ở tương lai, sống cho hiện tại, giữ tâm thanh tịnh trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chắc chắn rằng phải có ân sư thì mọi việc mới có thể lý giải, không bằng lý lẽ đời thường mà có thể có được. Phải có « phương pháp » mới có thể giải quyết mọi sự việc ở thế gian này.
Snowynguyen
14/02/2025
Hoa hồng tưởng nhớ anh - Nguyễn Hồng Phúc HD67
Bài viết này dựa theo ký ức và tâm tư, theo bản tính tự nhiên nên lối viết có phần thiếu văn hoa bóng bảy trau chuốt như những người viết chuyên nghịêp. Mong bạn đọc thông cảm và xem như truyện kể lại, nhớ đến đâu kể đến đó…
Tối thứ sáu (8/2/2025) tôi điện về Sóc Trăng hỏi thăm cô em H từ Cali đã về đến Việt Nam chưa. “Em vừa về tối hôm qua anh ba à nên sáng nay còn hơi mệt. Em chuyển phone qua cho anh nói chuyện với anh hai nhe”
“P. đó hả anh hai đang sửa soạn để đi Sài gòn đón con H. về”. Anh tôi trả lời.
“Không anh hai, H. đã về rồi và đang ở với anh đó”. Tôi nói.
Sau đó anh tiếp tục kể chuyện dài dòng lê thê qua màn hình Zalo, nhiều khi xen lẫn tiếng Pháp mà chính tôi cũng không hiểu anh nói gì cho lắm. Từ khi anh về VN hồi đầu tháng 2 năm 2024 anh bị mắc bệnh lú lẫn (dementia) và đang được em gái cho chữa trị tại Sóc Trăng và hình như bệnh anh không khá hơn mà ngược lại càng ngày càng trầm trọng hơn. Tôi gọi điện nói chuyện với anh mỗi tuần để cho anh đỡ buồn, đỡ nhớ nhà và gia đình ở Paris. Tại Sóc Trăng vài bạn HD tới thăm anh vài lần rồi cũng không còn tha thiết với anh vì anh luôn nhắc nhỡ chuyện làm ăn bên Pháp, lý thuyết anh khám phá hay kỹ thuật xác suất thống kê chơi chứng khoán với những ngôn ngữ chuyên môn khoa học khiến cho bạn bè càng không hiểu anh nói gì. Anh nhớ rất rõ những chuyện quá khứ, như những lúc đi bán hàng hội chợ (foire alimentaire/Food show) ở Strasbourg, ở Vienna, ở Rome, Bỉ, kể ra những khám phá của những nhà khoa học lừng danh, v.v… và anh cứ nghĩ mình vẫn còn ở bên Pháp. Nhiều lần tôi phải nhắc nhở anh cố gắng ăn uống đầy đủ, đi bộ, tập thể dục ra ngoài gặp gỡ bạn bè mỗi ngày cho đầu óc thanh thản vì anh đang nghỉ hưu và dưỡng bệnh ở quê nhà. Cũng có nhiều lúc anh than thở “P. có tin tức gì về con anh không”. Anh nhớ da diết con cái nhất là đứa con đầu lòng, bé Hậu mà ảnh thương hết chừng mực và đứa con gái út (Thảo) lúc nào anh cũng lo lắng từng chút một. Ở Sóc Trăng nhiều lúc nhớ con quá, anh xách valise đi đến từng nhà hàng xóm láng giềng hỏi thăm có con của anh đấy không. Thật tội nghiệp cho anh lúc nào cũng nghĩ tới con cái. Tôi có liên lạc với con anh nhưng chúng nó quá bận với con cái nên chưa có dịp liên lạc hỏi thăm anh. Thực ra anh chỉ cần nghe tiếng nói của con cái của anh cũng đỡ thương nhớ phần nào…
Tối chúa nhật bên Canada tức sáng thứ hai VN (10/2/2025) em gái tôi gọi điện báo tin đã chở anh đi BV Cần Thơ để chụp Scan vì sáng nay thức dậy, anh đánh răng rửa mặt quần áo còn ướt sũng, anh bước xuống vài nấc thang thì bị trượt té, sau đó bị chấn thương sọ não (hemorrhage). 2 giờ sau em gái tôi gọi điện cho tôi biết là xong rồi vì quá trễ, bác sĩ không thể cứu vãn gì được nữa. Thế là anh đã ra đi vĩnh viễn…
Nghĩ lại cuộc đời này quá vô thường, mới vừa nói chuyện và thấy anh trên Zalo mà 2 ngày sau đó anh đã rũ bỏ tất cả mà ra đi không một lời trăn trối…
Tôi nhắn tin ngay cho con trai lớn anh ở Paris báo hung tin thì bé Hậu gọi điện thoại trả lời tôi và hứa sẽ cố gắng thu xếp về VN nhanh nhất có thể. Hôm sau thứ ba 11 tháng hai anh em nó bay từ Paris về VN đúng lúc. Hôm thứ năm 13 tháng hai lúc 5 giờ sáng, 2 cháu đã chứng kiến việc thiêu đốt và mang hộp tro tàn của cha chúng về chùa làm lễ.
Hồi còn nhỏ tôi rất sợ anh tôi vì cha tôi cho anh cái “quyền huynh thế phụ” để hướng dẫn cho các em trong việc học hành. Đúng là anh có khí phách của một giáo sư. Anh dạy kèm tôi và các em những môn chính như toán và pháp văn khi lên trung học. Mặc dù cha tôi không có trình độ học vấn cao nhưng cha rất quan tâm đến việc học của con cái. Hơn nữa ông lo bận bịu làm ăn nên cho anh hai rất nhiều quyền hành trong gia đình. Thứ nhất anh ấy học giỏi năm nào cũng “nhất lớp”. Thứ nhì anh ấy được quyền dạy dỗ nếu cần và kèm chúng tôi học tại gia. Vài đứa em sinh ra được ba má đặt cho 1 cái tên không được hoa mỹ thì anh vội cho đứa ấy 1 cái tên khác để có phần hoa mỹ hơn. Đến bây giờ tôi vẫn không quên ơn anh cả tôi về sự dạy dổ lúc chúng tôi còn bé thơ.
Anh là tuýp người điềm đạm sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Amh được đa số bạn bè quý mến. Khi học xong lớp đệ ngũ (lớp 9) thì trường Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long vừa mở cửa và tuyển học sinh mới. Anh tôi vài vài bạn cùng lớp đi dự thi và trúng tuyển. Học được vài tháng thì anh bỏ về lại Hoàng Diệu Khánh Hưng vì không chịu nổi cảnh xa nhà. Năm sau 1970 khi anh lên đệ tam (lớp 10) thì trai gái được học chung lớp và anh quen được cô bạn gái D. T. Hồng. Hai người có vẻ thân thiết, một cặp trai tài gái sắc. Chị Hồng dáng cao ráo quý phái, nước da trắng trẻo thùy mị. Thỉnh thoảng các anh bạn có bạn gái như TD Bửu, T.H Lén, C.T Trí, v.v..cùng nhau tổ chức đi picnic. Cô Hồng thuộc gia đình quý tộc ở ST, hình như biệt thự nhà chị ở trên đường Tự Đức. Lúc ấy anh than vãn với tôi là hơi ngại về mối tình này vì gia đình tôi không “môn đăng hộ đối cho lắm” mặc dù anh chỉ học vấn giỏi hơn cô ấy mà thôi. Những năm gần đây khi về VN tôi tìm ra quyển nhật ký cũ kỹ của anh, biên lại những kỷ niệm về học tập, tình cảm của anh đối với cô bạn Hồng cũng như những buồn chán thất vọng vì hoàn cảnh 2 gia đình quá khác nhau. Sau kỳ thi tú tài 1 năm 1971 chị Hồng đậu với hạng cao hơn anh tôi. Từ đó tôi thấy anh rất buồn và tự ái từ từ tránh xa cô bạn mà anh rất yêu quý vì nghĩ mình yếu kém không xứng đáng với cô ấy mặc dù anh đứng đầu lớp năm ấy. Và cũng từ đó anh bắt đầu sao lãng phần nào việc học hành lớp đệ nhất (lớp 12) và chuẩn bị thi tú tài 2 nên sau khi đậu Tú Tài 2 năm 1972 với số điểm không đạt đủ tiêu chuẩn đi du học, anh càng thất vọng nặng nề hơn. Tinh thần suy sụp trầm trọng. Anh luôn thủ thỉ với tôi là phải cố gắng phi thường để đạt tiêu chuẩn du học.
Vào mùa hè đỏ lửa 1972 anh đưa tôi lên Sài gòn tìm thầy giỏi để học luyện thi tú tài 1 (trong 2 tháng) với gs Cù Quang Hưng và cũng chính anh cùng cha tôi đưa tôi lên Vĩnh Long, động viên tôi trong 3 ngày vào kỳ thi tú tài 1 cùng mùa hè năm ấy.
Sau khi tôi đậu tú tài 1 thì anh cũng xong tú tài 2. Tôi và anh lên Sài gòn tiếp tục việc học. Tôi học lớp 12 ở Lasan Taberd còn anh học Y khoa Minh Đức. Hai anh em ở nhà trọ của ông chú ở Thị Nghè, mỗi sáng 2 anh em ăn sáng ở những quán cơm bên lề đường trên xa lộ Xa cảng (bây giờ là đường Điện Biên Phủ nối dài). Sau đó anh đèo tôi trên chiếc Honda dame đến Taberd Saigon rồi anh tiếp tục đi đến đại học Minh Đức. Chiều anh đón tôi về.
Buổi tối hai anh em lái Honda đi trại lính Nguyễn Văn Nho ở Thị Nghè để ăn cơm tháng quân đội, vừa ngon lại vừa rẻ. Một năm trôi qua rồi cũng tôi thi đậu tú tài 2 và chính anh gom góp giấy tờ của tôi để nộp đơn xin đi du học. Sau đó anh chở tôi đến nhà 1 gs dậy luyện nói tiếng Pháp để chuẩn bị du học. Năm trước 1972 anh đã chuẩn bị kỹ càng việc đi du học của anh không thành nên bây giờ anh chỉ tiếp tục lập lại công việc lo giấy tờ thủ tục, dầu sao tương đối dễ dàng hơn.
Làm giấy tờ chuẩn bị du học Canada xong xuôi, anh khuyên tôi nên lên Đà Lạt học tạm ngành Chính Trị Kinh Doanh để làm quen dần với khí hậu xứ lạnh. Anh cũng đưa tôi ra chợ trời Saigon đường Huỳnh Thúc Kháng đề mua áo ấm mùa đông. Anh lo cho tôi từng chút một. Riêng tôi hơi miễn cưỡng chuyện đi du học vì gia đình tôi không khá giả gì. Đi du học sẽ là 1 gánh nặng cho ba má tôi vì còn phải lo cho 9 anh em ở lại Việt Nam. Hơn nữa lúc đó tôi cũng đã đậu vào Cán sự Phú Thọ, và trong thâm tâm tôi sẽ tiếp tục học kỹ sư ở Sài gòn để gần gũi với gia đình chứ đi qua Canada một thân một mình khó lòng xoay sở trong việc sinh sống và học tập. Nhưng anh tôi vẫn muốn tôi đi du học vì số điểm tú tài 2 của tôi vượt tiêu chuẩn du học, điều kiện mà rất nhiều người ở tỉnh nhỏ mơ khó mà có được. Trong lúc chờ đợi Nha Du học xét đơn, tôi bắt máy bay lên học ở Đà Lạt. Lần đầu tiên trong đời được đi máy bay Air VietNam. Anh ở lại Sài gòn chạy tới chạy lui để lo bổ sung hồ sơ xin passport ở bộ Nội Vụ, chờ nhận đơn chấp thuận ở các đại học bên Canada, xin chứng nhận của nhà băng về tình hình tài chính gia đình, đặt vé máy bay, v..v…
Thế rồi đâu cũng vào đó vào đầu tháng 11 năm 1973 anh điện lên Đà Lạt cho tôi báo tin là phải về Sài gòn ngay để chuẩn bị lên đường đi Canada.
Đến tháng tư năm 1975 tường Minh Đức bị giải thể. Anh tiếp tục học ngành Hóa tại Sài gòn. Sau khi đạt được bằng cử nhân anh trở về Sóc Trăng làm giám đốc hãng tôm đông lạnh để xuất khẩu. Anh cũng lập gia đình sau đó và có đứa con trai đầu lòng. Khoảng năm 1984 anh cùng gia đình với đứa con đầu lòng di cư sang Pháp với dạng kiều bào Pháp hồi hương (Rapatriement).
Hay tin gia đình anh di cư sang Pháp tôi mừng lắm vì sau 13 năm du học lần đầu tiên tôi gặp lại anh ở một tỉnh lẻ Metz 200km ở phía đông Paris. Một ít lâu sau anh dọn về Paris sinh sống và học lại ngành điện toán. Anh tìm được việc làm ở tòa lãnh sự Mỹ ở Paris, khâu này chuyên lo về payroll cho nhân viên Mỹ phục vụ ở Âu châu. Không may cho anh gần 10 năm sau họ đổi hệ thống computer từ IBM 360 sang mini-computer nên sa thải hết một equipe IT và họ dùng dịch vụ nhà băng (outsourcing) để làm payroll. Nhân viên chỉ được một số tiền bồi thường nho nhỏ để tìm việc khác chứ không có chế độ lương hưu non như Canada chúng tôi. Thật là 1 chế độ bóc lột tư bản. Số phần anh lúc nào cũng kém may mắn…
Kể từ đó anh làm công cho người ta như lo việc buôn bán trong các hội chợ Foire alimentaire bên Âu châu, có tuần có việc và nhiều tuần không có việc. Vì thế anh có dư nhiều thì giờ trong vài chục năm nên anh nghiên cứu những đề tài khoa học khác thường như cách chơi chứng khoán bằng xác suất thống kê, cách chế biến thảo mộc thành thuốc rửa miệng (rinse-mouth), đông trùng hạ thảo, sự hình thành của nhân loại, v.v….rồi lấy thì giờ phiên dịch mấy tài liệu nghiên cứu sang tiếng Anh.
Anh hay gọi điện cho tôi để bàn bạc tìm cách bán những nghiên cứu khoa học của anh cho những hiệu sách trên thế giới. Đa số các nhà sách từ chối, họ bảo anh phải làm cầu chứng tại tòa và việc này sẽ rất ư tốn kém. Anh nói với họ là chỉ muốn bán bản quyền mà thôi. Anh vẫn tiếp tục nghiên cứu những đề tài khoa khác và hình như không bán được 1 bản quyền nào cả và anh vẫn tiếp tục làm part-time cho người ta để lo kế sinh nhai hằng ngày.
Năm 2018 anh em chúng tôi và cả anh nữa sang Cali ăn tết, chúng tôi có dịp gặp lại vài thầy cô và bạn bè HD. Lúc ấy anh biết được chị Hồng có gia đình và đang ở San Francisco. Anh liên lạc bằng điện thoại với cô Hồng và ngày hôm sau chuẩn bị bắt xe bus đi SF để thăm chị. Tôi khuyên anh không nên đi vì như thế anh sẽ làm phiền toái gia đình chị Hồng. Chị Hồng điện cho anh tối hôm đó nói rằng chưa tiện tiếp anh nên anh không đi SF nữa. Anh thì thầm với tôi “khi mình một ai thì mình thương họ suốt cả cuộc đời”. Không ngờ anh còn si tình đến thế. Tôi biết là anh còn luyến tiếc cô bạn gái lắm nhưng giờ đây ai cũng có gia đình không nên làm xáo trộn cuộc sống riêng của nhau mà hãy xem như 1 tình bạn tri kỷ… Anh không kể với ai chuyện đoái hoài cô bạn gái và giấu cả chuyện gia đình anh. Cô NA khóa 68-75 có cùng nhận xét tương tự như tôi trong bài viết ngắn gần đây của cô “Một bông hồng cho anh…”
Đã từ lâu tôi chưa thấy anh cười vui vẻ như lúc còn bé ở VN ngày xưa. Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, anh đều thăm hỏi cuộc sống của từng đứa em, bạn bè cùng lớp nhưng ít khi hay không khi nào anh đá động về chuyện gia đình anh.
Anh thân yêu của chúng tôi đã không còn nữa, nhưng những kỷ niệm êm đẹp với người vần còn mãi trong lòng anh em chúng tôi. Anh tôi tính tình rất hiền hòa, bao dung, thương yêu mọi người không thù hằn ghen ghét ai trong cuộc sống, mặc dù tôi biết rất thiếu thốn đủ mọi mặt từ tình cảm đến vật chất nhưng dễ mến, đối xử tốt với em út, bạn bè và hàng xóm, thương yêu con cái và vợ mình.
Thật đau lòng khi đường đời anh tôi quá ngắn nên đã không thể đi bên cạnh cuộc đời chúng tôi lâu hơn.
Sắp đến giờ thiêu xác anh tôi (5 giờ ngày 13 tháng 2 năm 2025), tôi ghi lại những kỷ niệm êm đẹp của một thời anh để lại như một nén hương lòng thắp lên để tưởng nhớ đến anh.
Anh Hai ơi cuối cùng rồi 2 đứa con mà anh thương yêu nhất cũng đã về thăm anh lần cuối cùng và đang mang nắm tro tàn của anh về chùa để thờ phụng. Xin anh hãy thanh thản ra đi và quên cuộc đời khó khổ này.
Cầu xin linh hồn Minh Hiếu được yên nghỉ ngàn đời nơi thanh nhẹ… Mong rằng ở nơi bình yên ấy anh sẽ không còn bận bịu cuộc sống vô thường dưới trần gian.
Một hoa hồng tưởng nhớ anh …
Nguyễn Hồng Phúc
Edited by Nguyễn Thị Tuyết