Thời Đức Phật còn tại thế, có một ông lão có năm người con trai, nhưng không ai nguyện ý chăm sóc phụng dưỡng ông lão lúc tuổi già. Không còn cách nào khác, ông đành phải đi khắp đầu đường xó chợ để xin ăn. Ông cảm thấy cuộc đời tràn đầy đau khổ, cũng oán hận những đứa con bất hiếu, đồng thời thấy bất lực đối với vận mệnh bi thảm lúc cuối đời của mình.
Một ngày kia, khi gặp được Đức Phật, ông lão liền hỏi: “Kính thưa Đức Phật từ bi vĩ đại, Ngài có cách nào có thể thay đổi vận mệnh bất hạnh của lão hay không?“. Đức Phật liền hỏi ông: “Ông có biết cảm ân không?“. Ông lão trả lời: “Lão đây không biết thế nào gọi là cảm ân, kính mong Đức Phật từ bi chỉ rõ bến mê“.
Đức Phật chỉ vào cây gậy ông lão đang cầm trên tay, nói: “Trong lòng ông có thấy cảm ân đối với cây gậy mà ông đang cầm trên tay này hay không?“. Ông lão nghe xong câu nói này, nghĩ ngợi rồi nói: “Lão đương nhiên là có thấy! Lão ra ngoài xin ăn, mỗi khi gặp phải chó dữ, nó là cây gậy đuổi đánh chó của lão. Những lúc bước đi trên con đường gồ ghề, lên đèo xuống dốc, nó giống như là cánh tay mang đến an toàn cho lão. Những lúc lão đây mệt mỏi, thì sẽ gối đầu lên nó mà ngủ, nó là chỗ dựa hạnh phúc của lão. Vậy nên, đối với cây gậy này, lão đây thật sự mang ơn rất nhiều, thật không cách nào biểu đạt hết được nỗi cảm kích trong lòng“.
Đức Phật liền vui vẻ khen ngợi rằng: “Thiện tai! Thiện tai! Thế thì từ hôm nay trở đi, mỗi ngày ông hãy cứ mang theo cây gậy này, không ngừng nói câu cảm ân, cứ như vậy cho đến một thời gian nhất định, vận mệnh của ông sẽ tự thay đổi!“.
Ông lão nghe theo lời dạy của Đức Phật, tin tưởng không chút nghi ngờ, từ đó về sau ông ngày nào cũng đều nói cảm ân. Không chỉ nói cảm ân với cây gậy, mà ông cũng nói tiếng cảm ân với hết thảy những người thiện tâm bố thí cho ông. Cuối cùng cho đến những người xấu ác đã làm tổn thương ông, dối gạt ông, ông cũng đều nói tiếng cảm ân họ trong tâm. Cảm ân khiến cho lòng ông không còn chút tâm oán hận nào nữa, mà chỉ có cảm ân trong tâm. Cứ thế lâu dần, ông dần dần đã đạt đến được cảnh giới tâm trí thanh tịnh , dứt bỏ mọi ý niệm trần tục, gọi là “Tam muội cảm ân”.
Một ngày kia, Đức Phật lại giảng kinh. Ông lão nghĩ thầm: “Mình hôm nay đạt được cảnh giới hạnh phúc an vui như vậy, đây đều là nhờ ơn Đức Phật ban cho, mình phải đi cảm tạ Ngài mới được!” Thế là ông bèn đi nghe Đức Phật giảng kinh thuyết Pháp. Đức Phật trông thấy ông đến, bèn nói với đại chúng rằng: “Hôm nay tôi sẽ thỉnh mời một ông lão tu hành đến thuyết giảng về Tam muội cảm ân của ông ấy cho mọi người“.
Đức Phật bèn mời ông bước lên đài, mời ông giảng rõ câu chuyện cảm ân của ông. Vừa khéo ngày hôm đó, năm người con trai của ông lão cũng đến nghe giảng ở bên dưới. Họ nghe thấy người cha của mình giảng đối với một cây gậy cũng đều nên chân thành cảm ân, huống chi là những thứ khác! Càng huống là đối với cha mẹ đã ban mạng sống cho mình, nếu như đều không biết cảm báo ân đức, người như vậy quả thật là cầm thú cũng không bằng!
Bởi loài quạ đều biết phụng dưỡng cha mẹ, dê con cũng biết quỳ xuống cảm ân khi bú mớm. Thế là, năm người con này lương tâm trỗi dậy, hiếu tâm khởi phát. Nghe giảng kinh xong, họ đều tranh nhau chạy lên trên bục tỏ ý muốn phụng dưỡng cha mình.
Lúc này, Đức Phật nói với ông lão rằng: “Vận mệnh của ông bây giờ đã được thay đổi rồi! Một người nếu biết ôm giữ lòng cảm ân, người đó sẽ có được mọi thứ. Một người nếu không có lòng cảm ân, thì người đó sẽ không có được gì cả“.
Đức Phật chỉ giảng báo ân, không giảng báo oán. Người khác nếu có ân huệ với mình, mọi lúc đều nên nghĩ: “Nhận ân của người một giọt nước, nên lấy thùng nước mà báo ân”. Còn người khác nếu có oán thù với mình, thì hãy mau chóng quên đi, bản thân không nên đau đáu ghi hận trong tâm. Bởi lợi người cuối cùng cũng là lợi mình, hại người sau cùng cũng là làm hại chính mình.
Hãy cảm kích người đã làm tổn thương bạn bởi người đó đã giúp ma luyện ý chí cho bạn.
Hãy cảm kích người đã dối gạt bạn bởi người đó đã tăng thêm hiểu biết cho bạn.
Hãy cảm kích người đã đánh đập bạn bởi người đó đã giúp bạn tiêu trừ nghiệp chướng.
Hãy cảm kích người đã bỏ rơi bạn bởi người đó đã dạy bạn nên phải tự lập.
Hãy cảm kích người đã làm bạn vấp ngã bởi anh ta giúp tăng thêm trí huệ bình tĩnh cho bạn.
Cuối cùng, hãy cảm ân tất cả những người đã thành tựu niềm tin kiên định cho bạn.
Thiện Sinh biên dịch
Tại sao người thông minh sẽ không trách người mà tự trách mình?
Ellen Johnson Sirleaf là đương kim tổng thống Liberia. Trong cuộc bầu cử năm 1997, bà xếp thứ nhì và bị ứng cử viên thứ nhất bỏ rất xa. Phải đến 8 năm sau, bà mới hoàn thành được ý nguyện chính trị của mình khi đắc cử Tổng thống năm 2005. Sirleaf chính là nguyên thủ nữ đầu tiên và duy nhất của một quốc gia châu Phi.
Trước khi được bầu làm Tổng thống đã ba lần bà phải sống lưu vong ở Guinea (cũng là một nước ở châu Phi). Cứ mỗi lần phải đứng trước hiểm nguy hiểm, đối mặt cái chết, Sirleaf đều thề nguyện trong tâm rằng nhất định sẽ có ngày quay trở về đánh gục hết những đối thủ chính trị của mình, để những người từng khiến bà đau khổ cũng sẽ phải nếm thử cuộc sống lưu vong như nơi đầu đường xó chợ này.
Một ngày nọ, khiSirleaf đang cùng người tùy tùng tới thăm một ngôi làng nhỏ, bỗng nhiên có tiếng súng nổ. Người vệ sĩ đầy kinh nghiệm tên Weisa đã không quản nguy hiểm, đẩy mạnh bà nằm xuống đất để lấy thân mình mà đỡ đạn. Sirleaf nhờ vậy mà được cứu sống. Thế nhưng viên đạn độc ác kia đã cướp đi tính mạng người vệ sĩ Weisa trung thành đang độ thanh xuân.
Sau này, Sirleaf mới biết người nổ súng vào mình hôm đó chính là hàng xóm của vệ sĩ Weisa, một anh chàng thanh tên là Asa. Asa bị người khác mua chuộc, đã luôn chờ đợi cơ hội ám sát bà.
13 năm sau đó, một lần nữa vị nữ Tổng thống trở lại thăm ngôi làng kia. Bà đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến người mẹ của Weisa đang mang đồ ăn cho mẹ của Asa. Bà đi tới hỏi mẹ của Weisa nguyên cớ, bà chỉ mỉm cười và đáp: “Asa nó bỏ trốn rồi, không biết đi đâu mà bặt vô âm tín đã 13 năm nay. Mẹ cậu ta giờ côi cút một mình, nghèo đói khó khăn, giờ còn bị bệnh nữa. Bà ấy đói chẳng có gì ăn nên tôi mang đồ ăn sang”.
Sirleaf nheo mày nhắc nhở: “Nhưng họ là kẻ thù của chúng ta đấy”. Câu trả lời của bà lão lại càng làm vị nữ Tổng thống ngạc nhiên: “Những chuyện đó đều đã qua rồi mà! Lấy oán báo oán chỉ càng tăng thêm thù hận mà thôi”.
Chỉ một lời ấy của bà lão đã khắc cốt ghi tâm trong lòng vị nữ Tổng thống. Bà hiểu rằng điều mà đất nước Liberia bị chiến tranh tàn phá này đang cần không phải là sự thù hận mà đó là lòng khoan dung.
Từ đó trở đi bà Tổng thống luôn dùng thái độ khoan dung, từ bi để tha thứ cho tất cả những người từng là đối thủ của mình. Cũng bởi vậy bà đã có được sự ủng hộ của tất cả người dân Liberia, trở thành vị nữ tổng thống đầu tiên được bầu một cách dân chủ trong lịch sử Châu Phi.
***
Có một sự thật là ngày còn nhỏ chúng ta dễ tha thứ cho nhau những lỗi lầm hơn bất cứ khi nào. Lũ trẻ chơi với nhau, tranh giành đồ chơi, có thể vì thế mà đánh nhau, xô đẩy. Nhưng chỉ một hoặc vài hôm sau, mọi thứ xí xoá như chưa từng tồn tại. Ngày thơ bé, tâm hồn người ta thật là thuần thiện, chất phác, dễ nhớ và cũng dễ quên. Tha thứ, bao dung coi như là phản xạ.
Khi càng trưởng thành, càng nhuốm mình vào dòng đời đen bạc, càng bị cuộc sống vật chất cuốn lấp đi, người ta càng cảm thấy khó mà dung thứ nhau nổi. Anh đánh tôi, mắng chửi tôi, tôi quyết không bỏ qua, quyết sống mái một phen. Có khi lời nói ra miệng là tha thứ nhưng trong lòng thật sự là chất chứa oán hận ngút trời. Tha thứ sao mà khó thế?
Tha thứ là một trong những loại mỹ đức lớn nhất của đời người. Chỉ những người có ý chí kiên cường, tấm lòng rộng rãi mới có thể bao dung, tha thứ cho kẻ khác. Nói thế để hiểu rằng tha thứ tuyệt nhiên không phải là chuyện dễ dàng, không phải chỉ là lời nói đầu môi. Đó là cảnh giới của người quân tử, của bậc trí giả.
Tiêu chuẩn đạo đức của người xưa rất cao. Người ta đọc sách thánh hiền, hiểu rõ đạo lý răn dạy của các bậc tiền nhân, luôn dùng tâm thiện lương mà đối đãi với tất cả mọi sự. Phạm Thuần Nhân, làm quan dưới triều nhà Tống trước khi mất dặn dò con cháu mình rằng: “Người thông minh lấy tâm trách người để tự trách mình, lấy tâm tha thứ mình để tha thứ người thì không phải lo bản thân không đạt được địa vị của bậc thánh hiền”.
Xưa, Sở Trang Vương mở yến tiệc khoản đãi quần thần. Tưởng Hùng rượu say nhân lúc đèn tắt mà trót trêu ghẹo ái thiếp của nhà vua. Người đó nhanh tay giật đứt giải mũ trên đầu Tưởng Hùng để làm chứng rồi tâu lên vua. Sở Trang Vương nghe xong bèn ra lệnh cho tất cả bá quan văn võ cũng phải tự giật đứt giải mũ của mình. Bá quan nghe theo tăm tắp. Khi đèn sáng lên, không còn biết ai là người đã trêu ghẹo ái thiếp của vua nữa.
Sau này, khi Sở Trang Vương bị quân Tấn vây ráp rất dữ, mấy lần đều thấy Tưởng Hùng tả xung hữu đột, phá vây giải nguy, nhờ đó mà bảo toàn tính mạng, lại đại thắng trở về. Sau này hỏi ra mới biết sự tình, Tưởng Hùng vì cảm cái ân nghĩa của Sở Trang Vương trong bữa tiệc rượu năm đó mà không tiếc thân mình, quyết lấy cái chết mà báo đền. Sức mạnh của lòng tha thứ, bao dung thật lớn vậy thay.
Thế mới thực là:
Dung người lầm lỗi, phúc báo triền miên
Mở lượng từ bi, quỷ thần cảm động.
Mở lượng từ bi, quỷ thần cảm động.
Bình Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét