8 công trình cheo leo cô độc nhất thế giới, có nơi ranh giới sự sống chỉ cách một bước chân.
1. Tu viện Paro Taktsang, Bhutan
Tu viện Paro Taktsang. (Ảnh dẫn qua: Thounsand Wonders)
Đây là ngôi đền nổi tiếng của Bhutan, còn được gọi bằng cái tên “Tiger’s Nest” (Hang hổ). Đền Paro Taktsang là địa điểm thiêng liêng của Phật giáo trên dãy Himalaya, nằm cheo leo bên vách đá của thung lũng Paro, Bhutan. Ngôi đền lần đầu tiên được xây dựng vào năm 1692, xung quanh hang động Taktsang Senge Samdup.
“Hang hổ” khi tuyết trắng bao phủ. (Ảnh dẫn qua: Tripfreakz)
Nằm bên sườn của vách núi cao chót vót, thiền viện không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ mà còn được biết đến là nơi lưu giữ rất nhiều văn tự cổ và tranh vẽ tuyệt đẹp từ thời xa xưa.
2. Thiền viện Phugtal, Ấn Độ
Là một trong những công trình cheo leo đẹp nhất thế giới nằm ở Zanskar, Ladakh phía bắc Ấn Độ, thiền viện Phugtal, còn được gọi là Phuktal, là nơi cư ngụ của 70 vị sư. Thiền viện có một thư viện cùng nhiều phòng cầu nguyện. Được xây dựng tựa vào vách núi đầu thế kỷ thứ 12, tu viện Phugtal đã đón tiếp nhiều du khách tới thưởng ngoạn.
Thiền viện Phugtal (Ảnh dẫn qua: trangcongnghe)
Tu viện này nằm ẩn mình trong một khoảng rộng của hẻm núi khổng lồ cao tới 3.800m thuộc dãy núi Himalayas. Thiết kế cô lập của Phuktal mang ý nghĩa tinh thần to lớn vì đã có nhiều nhà sư ẩn cư và thiền định trong các hang động ở khu vực này.
Bằng cách nào đó, Phuktal vẫn điềm nhiên, lặng lẽ như được xếp từ muôn kiếp nhiều đời và được chở che trong một hốc đá to. Tới đây, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp mà còn cảm nhận được sự gần gũi và nguyên sơn của thiên nhiên, một cảm giác khó tìm giữa xã hội hiện đại.
3. Tu viện Sümela, Thổ Nhĩ Kỳ
Nằm tại Trabzon, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Biển Đen, tu viện Sümela đã được thiết lập năm 386 dưới thời trị vì của hoàng đế Theodosius. Tu viện nằm trên một vách núi cheo leo cao 1.200m, do thời tiết quanh năm ẩm ướt cộng với sương mù thường xuất hiện nên tu viện cổ kính này luôn khoác trên mình vẻ âm u, huyền bí.
Ảnh dẫn qua: chaothonhiky
Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, tu viện Sumela là một công trình chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, tôn giáo và kiến trúc của đất nước.
Ảnh dẫn qua: kênh 14
Đầu thế kỉ 20, cùng với sự thành lập của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người Hy Lạp buộc phải rời khỏi Sumela và tu viện chính thức bị bỏ hoang từ năm 1923. Các tu sĩ đã chuyển các báu vật sang Hy Lạp và nhiều công trình bằng gỗ đã bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn năm 1930. Ngày nay, tu viện Sumela đã được phục dựng và trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
4. Tu viện Meteora, Hy Lạp
Ảnh dẫn qua: VYC Travel
Meteora gồm 6 tu viện nhỏ được xây dựng trên những cột đá tự nhiên nằm ở rìa phía Tây Bắc khu vực Thessaly, gần con sông Pinios và ngọn núi Pindus thuộc trung tâm Hy Lạp. Được xây dựng thần kỳ trên đỉnh của các ngọn núi sa thạch thẳng đứng ở độ cao gần 400m, vì vậy ngoài kiến trúc cổ điển, nơi đây còn nổi bật với vẻ đẹp huyền ảo ẩn hiện trong mây trời.
Ảnh dẫn qua: Khoahoc.tv
Meteora đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới hỗn hợp theo theo tiêu chí văn hóa và tự nhiên. Hiện nay nó đang có một sức hút đặc biệt đối với du khách viếng thăm.
5. Cầu cổ tích Hoàng Sơn Trung Quốc
Cầu cổ tích cao 1.320 mét, bắc qua các vách núi của dãy Hoàng Sơn. Nếu bạn muốn đến được cây cầu này, bạn phải leo lên sườn núi cheo leo và vô cùng nguy hiểm.
Ảnh dẫn qua: kênh 14
Hoàng Sơn là một trong những dãy núi nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ, nằm ngay trên mép thung lũng sông Vị, cách thành phố Tây An 120km về phía đông. Hoàng Sơn cũng nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với “tứ tuyệt”.
Hoàng Sơn nổi tiếng với “tứ tuyệt” (Ảnh dẫn qua: KHPT)
Nơi đây có hàng nghìn gốc thông cổ trên một trăm tuổi, những tảng đá cao chọc trời với hình thù kỳ quái, biển mây bao bọc cả khu vực do thời tiết ở Hoàng Sơn phân bố theo chiều dọc từ thấp lên cao và những suối nước trong vắt. Hoàng Sơn thực sự là một tuyệt tác kỳ diệu của tự nhiên.
6. Con đường bằng ván
Hoa Sơn là một trong Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc. Được cho là nơi ở một thời của Lão Tử, Hoa Sơn có tầm quan trọng rất lớn về mặt tín ngưỡng, đặc biệt đối với Đạo giáo. Để đến được đỉnh Hoa Sơn hùng vĩ, bạn sẽ phải vượt qua những cây cầu bằng ván gỗ vô cùng nguy hiểm. Đến nay, người ta vẫn chưa xác định được ai là những người đầu tiên xây dựng lên con đường chênh vênh, cheo leo ấy.
Núi Hoa Sơn, một trong năm Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc (Ảnh dẫn qua: baomoi)
Du khách sau khi leo xong các bậc thang cheo leo bằng đá, sẽ còn phải men theo hệ thống đường ván bằng gỗ mới có thể lên đỉnh núi.
Con đường ván gỗ nguy hiểm để lên đến đỉnh Hoa Sơn. (Ảnh dẫn qua: baomoi)
Nhiều người gọi con đường ván gỗ này là “Con đường mòn nguy hiểm nhất thế giới”, “Con đường ván gỗ trên bầu trời” hay “Nấc thang lên thiên đường, địa ngục chỉ cách một bước chân”.
Ảnh dẫn qua: dkn.tv
Hoa Sơn là một điểm du lịch hấp hẫn đối với những người yêu thích mạo hiểm bởi hệ thống đường ván dọc theo vách đá đã có 700 năm lịch sử, được mệnh danh là “Hoa Sơn đệ nhất thiên hiểm”.
Phần thưởng sau con đường chinh phục nguy hiểm và gian nan chính là khung cảnh kì vĩ của đất trời, núi non. (Ảnh dẫn qua: 2sao)
7. Cầu thang nguy hiểm nhất thế giới, Machu Picchu
Ảnh dẫn qua: Outsidego
Không vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành, cũng chẳng có tuổi thọ hơn 4.000 năm như công trình đá Stonehenge, nhưng Machu Picchu – thành phố nhỏ nằm lẩn khuất trong dãy rừng già trên núi Andes lần lượt vượt qua những “đối thủ sừng sỏ” như quần thể Angkor, Stonehenge… để trở thành một trong bảy kỳ quan thế giới mới.
Ảnh dẫn qua: zicasso
Ở độ cao 2.430 m trên một quả núi có chóp nhọn, Machu Picchu nằm cách Cusco, Peru khoảng 70 km về phía tây bắc. Có cả trăm bậc đá dẫn lên Machu Picchu và được tạc hoàn toàn vào trong một tảng đá granite duy nhất.
8. Chùa Huyền Không, Trung Quốc
Chùa Huyền Không tọa lạc trên lưng chừng vách đá ở núi Hằng Sơn. Đây là một quần thể kiến trúc được xây dựng trong những hốc đá tự nhiên dọc theo đường viền của mỏm đá.
Là một trong 3 đại danh lầu Giang Nam Trung Quốc, xây dựng vào đời nhà Đường năm 713, chùa Huyền Không cách mặt đất khoảng 50m, hai bên là vách núi cao hơn 100m. Vách núi thẳng đứng như bị dao cắt, vì thế chùa có cảm giác như bị dính trên vách đá.
Ảnh dẫn qua: thuvienhoasen
Đây là một ngôi chùa độc đáo, có sự kết hợp hài hòa cả 3 yếu tố: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.
Phần lớn các ngôi chùa chỉ thờ một tôn giáo riêng nhưng chùa Huyền Không có tới ba giới ở chung một điện thờ, thật là hiếm có. Đây cũng là một nguyên nhân chùa được bảo tồn hoàn hảo.
Nhiều nhà thơ, nhà du lịch nổi tiếng đã đánh giá chùa Huyền Không chính là “kỳ quan tráng lệ” hay “kỳ quan lớn thiên hạ”. Rất nhiều công trình cổ đại là sự thể hiện rõ ràng trí tuệ của người xưa. Họ đã để lại cho hậu thế chúng ta những giá trị truyền thống, công trình kiến trúc tráng lệ mang giá trị lịch sử to lớn của nhân loại, những điều còn trường tồn mãi mãi với thời gian.
Gia Viên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét