Thông thường chúng tôi hay bay về Việt Nam ăn tết. Khác với mọi năm, năm nay chúng tôi hẹn anh em ở khắp nơi trên thế giới quay tụ về Orange County để thử ăn cái Tết Mậu Tuất đầu tiên ở vùng nắng ấm quanh năm, đồng thời tham dự tiệc cưới của đứa cháu và buổi họp bạn tất niên Hoàng Diệu, luôn thể làm giỗ 3 năm ngày Mẹ tôi mất.
Lúc này thời tiết mùa đông Montreal rất lạnh ở 12 độ âm C, nha khí tượng báo trước sẽ có nhiều sương mù và tuyết rơi nhẹ. Trời mờ tối đen mịt lúc 5 giờ sáng sớm thứ tư đầu tháng 2 chúng tôi lái xe lên phi trường để lấy chuyến máy bay Air Canada đi Houston khởi hành lúc 9 giờ rồi từ đó sẽ chuyển máy bay về Orange County. Khi đến trình diện ở counter của Air Canada thì họ cho biết là chuyến bay bị hủy bỏ vào giờ chót nên họ buộc phải chuyển chuyến bay chúng tôi sang tuyến đường khác – Chicago O’Hare và khởi hành trước 1 tiếng. Vì là thời tiết mùa đông nên chúng tôi mặc rất đầy đủ. Trên máy bay thành ra quá nóng, chúng tôi cởi bớt ra. Khi xuống phi trường O’Hare chúng tôi sơ xuất nên bị lạnh cảm ngay lập tức vì khí hậu nơi đây không kém gì Montreal chúng tôi.
Trên máy bay nhìn xuống thấy toàn màu tuyết trắng tiêu điều khắp bắc Mỹ, nhưng khi máy bay vào không phận California thì quang cảnh bên dưới chuyển khác hẳn sang đồi núi màu vàng với lưa thưa cây xanh. Máy bay hạ cánh an toàn ở phi trường John Wayne sớm trước 1 giờ, chúng tôi chạy lẹ lấy hành lý vì đây là phi trường nội địa nhỏ nên không bị hải quan khám xét lúc ra cổng. Hai vợ chồng tôi đều bị sưng cỗ nên ăn nói năn khó khăn khi gặp anh em đến đón.
Lúc này thời tiết Santa Ana đầy ngập nắng ấm, cây cối xanh tươi như đang chào đón mùa xuân và tết Việt Nam cũng sắp đến. Hai ngày sau chúng tôi chỉ đi thăm xung quanh khu Phước Lộc Thọ và dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị buổi họp mặt tất niên Hoàng Diệu.
Tối thứ sáu 24 tết là ngày tiền hội ngộ Hoàng Diệu. Đông nhất phải nói là nhóm đồng môn khóa HD 65-72 có bảy người đến nhà em gái tôi ăn uống nhậu nhẹt vui vẻ sau bao nhiêu năm nên có rất nhiều chuyện để tâm sự. Sáng hôm sau thứ bảy mùng 25 tết các anh chị HD mang đầy thức ăn tới, có người đến từ sáng sớm để sửa soạn thức ăn tại chỗ, người khác mang bia rượu hay trái cây, người mang bánh tráng miệng, v.v.... Ngày họp mặt tất niên HD năm nay có hơn 40 thầy cô và các anh chị bạn đồng môn tham dự. Đặc biệt kỳ này anh Long, có biệt hiệu “du đảng Sóc Trăng” cực nhọc khiên cái máy ép nước mía chạy bằng điện đến dự tiệc. Sau khi nước mía được đổ vào ly xong anh ra sau vườn hái vài trái tất phía trộn vào nước mía tạo ra một hương vị rất đặc biệt. Sau 5 giờ ăn uống trò chuyện hàn huyên thoải mái, chụp ảnh kỷ niệm các thầy cô và nhất là người có tuổi ra về vì sức khỏe trong khi đa số các anh chị em đồng môn còn ham vui ở lại ca hát Karaoke với bầu không khí thật vui nhộn. Không sao tả hết được niềm vui của vài anh bạn khóa 65-72 sau 50 năm mới gặp lại, anh Hồng đến từ Paris, Nga đến từ Na Uy, anh Hội từ Vancouver và Bửu từ Philadelphia bay đến Orange County để hội ngộ bạn bè, tai bắt mặt mừng, buồn vui không sao kể siết. Chúng tôi cáo từ ra về sớm nên chỉ nghe vài đồng môn HD ca Karaoke rất hay không khác gì ca sỹ chuyên nghiệp như anh Quan, Thanh Nga và Bé Hai, v.v... Tôi nghĩ mình hơi ganh tị vì các bạn đồng môn này cũng vào hàng 6 như mình mà sao giọng họ vẫn còn y nguyên như thời còn ở trường HD, trong khi giọng tôi đã trở nên khàng khàng như vịt đẹt. Sau đó là phần dạ vũ bỏ túi với những tiếng hát cũng của các cô bạn rất hay. Các đồng hương dìu nhau ra sàn nhảy để như ân cần chia tay hẹn ngày gặp lại. Sau buổi họp ấy các anh bạn khóa 65-72 còn ham vui hẹn rủ nhau mấy buổi sáng hôm sau đi uống càfé Gypsy ở khu phố Catina trước khi đường ai nấy về và cũng để xem anh Long đốt pháo. Phải nói đây là lần đầu tiên tôi được nghe lại tiếng pháo nổ giòn tay kể từ khi Tết năm 1990 tại Sóc Trăng. Vì đã hẹn trước với gia đình bên bà xã, tôi buộc phải cáo từ vài đồng môn thân rồi rón rén đi ra buổi họp để về nhà cô em vợ ở Aliso Viejo để họp gia đình. Đêm ấy chúng tôi ăn uống vui vẻ ở nhà cô em vợ ở Aliso Viejo và gặp mặt đông đủ anh em phía bà xã. Sau bửa tiệc ông anh bà xã đưa chúng tôi về nhà anh ngủ đêm ở Irvine để ngày hôm sau anh đưa chúng tôi đi dự đám cưới đứa cháu cho tiện đường. Nhà anh nằm ở khu chung cư mới vùng Irvine với cách trang trí thật đẹp, có đường tráng cement trên dĩa hè dành riêng cho người đi bộ, có cả sân tennis và hồ bơi.
Tôi thích nhất là mỗi sáng sớm bầu trời Cali tràn ngập nắng ấm chói chang, cây cối xanh tươi mát mẻ và dần dần thời tiết có thể ấm lên hơn 20 độ C. Nhưng đến chiều khi mặt trời lặn xuống thì nhiệt độ xuống rất nhanh cộng với gió nhè nhẹ nên dân bắc cực như chúng tôi dễ bị cảm lạnh vì thời tiết thay đổi quá đột ngột trong vòng một ngày. Ngày hôm sau chúa nhật mùng 26 tết là đám cưới đứa cháu tổ chức ở Thư Viện Richard Nixon nằm trên đồi Yorba Linda. Trước khi dự đám cưới bắt đầu từ 3 giờ chiều, ông anh bà xã đưa mọi người đến quán Huế Ngự Bình ở Garden Grove dùng cơm trưa. Ôi cha cái waiting line khá dài nên khách hàng phải viết tên lên mảnh giấy nhỏ dán trên cửa chính và đợi khi có bàn trống họ gọi vào. Kể ra dân Việt khá lịch sự tôn trọng người đến trước, kẻ đến sau nên chúng tôi chỉ đợi khoảng 20 phút thì được gọi vào. Bún bò Huế ở đây ngon tuyệt. Về nhà nghỉ ngơi ít lâu sau đó mấy ông anh bà xã đưa mọi người đi Yorba Linda dự đám cưới. Thư Viện tọa lạc trên đồi nên khung cảnh trông thật lảng mạn yên tỉnh đầy trữ tình. Vì địa điểm nằm trên đồi núi nên lúc nào gió cũng hiu hiu và khi mặt trời lặng xuống thì bầu không gian trở nên hơi se lạnh. Những cành liểu trang trí chung quanh Thư Viện phất phơ trong gió nhè nhẹ như đón chào muà xuân đến.
Hôm sau sáng thứ hai mùng 27 tết như đã điện trước anh BS Anh từ Santa Monica đến đón chúng tôi, Bửu, Ân, Hội và anh Hồng đi Laguna beach, Huntington và New Port beach. Trên xe chúng tôi hàn huyên tâm sự liên miên và trao đổi văn hóa Âu Mỹ rất nhiều, chuyện thời cuộc ngày nay hay những chuyện ngắn chuyện dài của những 50 năm trước ở Sóc Trăng. Khi trở về lại Westminster mấy anh bạn vẫn còn luyến tiếc vì chưa đủ thời gian vui vẻ với nhau sau bao nhiêu năm vắng bóng.
Tuần lễ đầu ở Cali mỗi sáng sớm tôi và ông anh ở Paris đi bộ từ nhà đứa em gái ở Westminster đến Phước Lộc Thọ rồi trở về nhà gần 1 giờ, sau đó anh Bình đến rước chúng tôi đi uống càfé và ăn điểm tâm ở Gypsy trong khu Catina hay càfé Lily. Nhà cô em gái ở cách Phước Lộc Thọ khoảng 3 km nên có thể nghe pháo nổ giòn tai ngay từ ngày 28 tết.
Thói quen trở nên lệ mỗi sáng chúng tôi và vài anh bạn đồng môn HD tụ năm tụ bảy ở mấy quán cafe Gypsy/Lily để tán ngẫu. Các anh bạn có người gần 50 năm mới gặp lại, buồn vui còn rất nhiều chuyện để tâm sự cho nhau trước khi chia tay. Nói hoài cũng chả bao giờ hết vì mỗi người còn lo về nhà riêng để còn sửa soạn cho những ngày tết quan trọng sắp tới. Riêng anh Long và anh Bình chuẩn bị khăn gói lên đường về Sài gòn ăn tết trong nay mai còn anh Hội trở về Vancouverđể chuẩn bị ăn tết với gia đình.
Trưa thứ hai mùng 27 anh chị Trịnh K. Long lái xe đến đưa anh em chúng tôi đi ăn cơm trưa chay.
Ngày thứ năm 30 tết các em tôi cúng giao thừa rước ông bà về vì thế tôi buộc phải từ chối lời mời ăn tối của cô bạn đồng môn ở Riverside. Các em tôi vẫn còn giữ ít nhiều phong tục Việt Nam là trang bày các mâm cỗ không thể thiếu khổ qua nhồi thịt, thịt gà hấp muối, thịt heo kho trứng, 2 đòn bánh tét, mấy bát cơm cúng ba mẹ tôi và 3 ly rượu. Có điều là ngày nay gia đình tôi không còn thức cả đêm nấu bánh tét như lúc cha mẹ tôi còn sống. Bánh tét bánh chưng, mứt trái cây bây giờ được bán đầy rẫy trong các siêu thị. Cả ngày tôi đi bộ đã nhiều còn sửa soạn quét dọn nhà cửa nên người khá mệt, tôi chìm trong giấc ngủ trước 12 giờ đêm. Trong giấc ngủ tôi còn nghe vang vảng đâu đây tiếng trống múa lân và tiếng pháo nổ ròn ở khu Phước Lộc Thọ.
Ngày mùng một tết chúng tôi ở nhà để cúng bái và đi thăm các cậu mợ vùng Orange County và dự lễ ở vài ngôi chùa vùng này. Sáng sớm thứ bảy mùng 2 tết chúng tôi hẹn nhau trên đường Bolse/Trần Hưng Đạo để dự cuộc diễn hành Tet Festival trên đường Bolsa/đại lộ Trần Hưng Đạo do nhiều cộng đồng và hội đoàn người Việt ở O.C tổ chức rất linh đình. Người Việt mình ở bốn phương kéo nhau về Cali xem tết Việt Nam hay chợ hoa hai bầy bên đường Bolsa nên đầy nghẹt người ta. Cuộc diễn hành chỉ một đoạn đường ngắn từ Beach blvd đến đường Brookhurst st mà phải mất hơn hai tiếng. Các cô gái ngay cả mấy ông tây bà đầm đều mặc áo dài truyền thống đủ màu chói chang dưới ánh nắng gắt của Cali. Các phái đoàn quân lực VNCH gồm nhiều binh chủng như dù, thủy quân lục chiến, hải quân và không quân, các hội đoàn lần lượt chầm chậm lướt qua trong khi pháo nổ vang trời đâu đó trong các siêu thị khá giả cùng với tiếng lân múa...
Sau cái Tet Festival anh em chúng tôi lên xe tiếp tục đi cúng viếng các chùa Điều Ngư, Bát Nhã, Liên Hoa, Dược Sư Phỗ Đồ Sơn, chùa Thánh Cao đài Tây Ninh,v.v...Người hành hương khắp nơi tụ về California và nơi đâu tôi cũng có cảm tưởng là các cô vận áo dài màu mè mới để khoe ngày tết. Các cụ với áo dài truyền thống dần dần biến mất thêm vào đó giới trẻ cũng vận áo dài màu mè và à la mode hơn. Vào mỗi chùa sau khi cúng dường chúng được phát 1 bao thư lì xì 1$ và một trái quít để lấy lộc may. Chỉ nội vùng OC mà đã có hơn 22 ngôi chùa Việt Nam lớn nhỏ.
Sáng mùng 3 tết cũng là ngày giỗ Mẹ tôi ở chùa Bát Nhã trên đường First street. Trang trí trước cửa chùa là tượng Quan Thế Âm cùng các tượng Phật chung quanh chùa thật lộng lẫy, nhìn rất ngoạn mục. Nghe nói chùa vừa dọn về đường First street/Bolsa nối dài được vài năm nên còn mới mẻ và tươm tất lắm. Trong ba ngày Tết khách hành hương rất đông viếng chùa lễ Phật. Tìm được 1 chỗ trong bải đậu xe là cả một thử thách lớn. Sau hơn một giờ đọc kinh làm lễ cầu siêu cho người khuất bóng là phần đãi tiệc cho quan khách được mời đến dự chung với các gia đình có giỗ bằng một bửa cơm chay thật thịnh soạn và ngon miệng như bánh chưng chay, lẫu chay, xôi gấc với chả, gỏi tôm chay và chè trôi nước tráng miệng, v.v....
Chiều mùng 3 Tết chúng tôi lái xe đến OC Fair & Event center ở Costa Mesa để tham quan Hội chợ Tết do tổng hội sinh viên California tổ chức rất công phu, có nhiều gian hàng triển lãm văn hóa Việt như những gánh hàng bán trái cây, hàng bán bánh mì và xe xích lô cho khách chụp hình, gian hàng đặc sản Sóc Trăng và thức ăn đặc sản thuần túy của các vùng khác ở Việt nam. Sau khi đi bộ vài giờ mỏi chân chúng ghé vào hí viện/arena để xem văn nghệ do đa số do sinh viên và học sinh thực hiện. Giàn nhạc rất to, trong và rỏ làm bầu không khí Tết trở nên hoành tráng và vui nhộn.
Mấy ngày sau Tết chúng tôi đi thăm bà con ở Pomona gần Los Angeles rồi sau đó trực chỉ phố Tàu và phố Việt ở Los Angeles để mua sắm ít đồ dùng rẻ tiền.
Liên tiếp mấy ngày sau, mỗi sáng chúng đi bộ, chơi tennis, đi shopping sắm sửa, hay tìm các quán ăn ngon ở Cali và để đưa người thân ra phi trường lần lượt về quê họ.
Chiều thứ hai mùng 4 tết chúng tôi đứa em gái ra phi trường LAX rồi trực chỉ đến nhà các bạn mới quen lúc đi Nhật năm 2017 ở quận Orange tên Hưng và Lan Anh, anh Dzũng và chị Nguyệt, Hùng và Tâm An, Alfie và chị Diệp.
Mỗi ngày chúng tôi cố gắng thử các món ăn nổi tiếng ở Cali như món ăn Huế Ngự Bình, Bún nước lèo Sóc Trăng, Chạo tôm gỏi cuốn ở Brodard và Brodard Chateau, Brodard Chay, Golden Flowers, Bún măng Hồng Mai, Bún ốc Bình Minh, nhà hàng hải sản New Port Tân cãng, Hủ tiếu Mỹ Tho Phương và Cô Ba, bánh ngọt 95 độ, chè Hiển Khánh, nhà hàng Nhật Gyu Kaku, Cơm tấm Đào Viên giá rẻ và rất ngon, Cơm chay Lục Ký nằm bên hông Phước Lộc Thọ, v.v...
Tuần cuối cứ mỗi sáng ông cậu tôi đến đón tôi bằng xe để đi bộ ở khu vườn Mile Square – Fountain Valley, hít thở không khí trong lành ở O.C. Sau một tiếng đi bộ, tôi và ông cậu đi bộ sang bên kia đường Euclid để ăn điểm tâm ở quán Phở Kim Quy thật tuyệt vời, đúng gu miền bắc.
Thứ tư mùng 6 ông cậu đưa chúng tôi đi Fashion Island, New Port beach. Đây là khu siêu thị lộ thiên thuộc loại sang có rất nhiều gian hàng và một cửa hàng triển lãm xe điện Tesla và Karma. Đường đi vào shopping có bản hiệu Chúc Mừng Năm Mới bằng tiếng Việt chứng tỏ ảnh hưởng người Việt ở đây rất mạnh.
Thứ năm mùng 7 anh BS Anh hẹn chúng tôi ở Rosemead để đưa chúng tôi thăm Rodeo drive ở Hollywood. Đây là con đường chính có nhiều cửa hiệu nổi tiếng trưng quần áo rất đẹp mắt và giá cả cũng thật tuyệt... Nhân viên bán hàng trong tiệm khi nhìn thấy anh em chúng tôi vận quần áo sòm soàn nên họ không màn tiếp nữa. Trong khi ngoài đường thì xe đắt tiền như Roll-Royce, Lamborghini chạy nhan nhãn. Sau đó anh đưa chúng tôi lên lầu 35 của hotel Westin Los Angles uống càfe trong khi cả từng lầu quay chầm chậm 360 độ để khách có thể ngắm toàn diện thành phố Los Angeles về đêm từ trên cao.
Sáng thứ sáu mùng 8 anh bạn đồng môn tên Long hẹn cô Liễu và vị hôn phu cô đi ăn nhà hàng Brodard Chateau trên đường Trask thật ngon miệng, rồi từ đó Long đưa thầy cô về Anaheim để sáng hôm sau thầy cô lấy máy bay về Portland Oregon. Thầy cô hơn chúng tôi khoảng 7 tuổi nhưng trông còn phong độ lắm. Bây giờ ai cũng có tuổi. Sau hơn 50 năm gặp lại tôi không thể nào nhớ nổi khuôn mặt cũng như lối dạy dỗ chúng tôi ở lớp đệ lục năm 1968.
Mấy ngày sau đó lần lượt chúng tôi tiễn các anh em ra phi trường để về quê nhà cho nên mỗi ngày lại vắng thêm một người thân. Cuộc vui nào cũng có lúc tàn.
Trong hơn hai tuần ở California thật tình tôi không giám lái xe trên xa lộ freeway. Ngày xưa tốc độ cho phép là 60 mph, bây giờ tăng lên 65 mph cho nên bà con lái xe thường từ 75 đến 80 mph làm tôi chóng cả mặt vì không quen vận tốc quá nhanh. Vì thế đi đâu cũng phiền anh em hay bạn bè đến đưa đi hay đón về. Hơi phiền phức.
Ngày cuối trước khi lên đường về lại Canada chúng tôi đi viếng chùa Tsi Lai trên núi Hacienda rất vỹ đại và khung cảch trang trí như còn ngày Tết. Tôi đã viếng vài chùa tại Đài Loan thì chùa Tsi Lai không khác cho lắm về cách tổ chức và kiến trúc rất đặc biệt kiểu Đài Loan.
Sáng sớm chúa nhật mùng 10 tết tôi lấy máy bay United Airline về lại Canada mà lòng còn luyến tiếc vì chưa thực hiện được hết những điều mình mong muốn.
Theo thống kê năm 2015 có khoảng 667 ngàn người Việt cư ngụ ở California, gần phân nửa ở quận Cam. Lần đầu tiên tôi viếng thăm California năm 1982, lúc ấy vùng Orange County còn chia nhiều khu người Mễ và Đại hàn, người Việt ở thưa thớt khắp mọi nơi, vườn cam và vườn dâu đầy dẫy đó đây và chợ Việt nam không sầm uất như ngày nay. 26 năm sau trở lại quận Cam tôi giật mình mới thấy cộng đồng người Việt mình phát triển mạnh mẻ, có đời sống sung túc hơn làm tôi hảnh diện mỗi khi ra đường gặp dân Mỹ, nghĩ là người Việt đã góp phần lớn làm cho quận Cam trở nên rất trù phú. Trên đường Bolsa đầy dẫy văn phòng địa ốc, tư vấn luật sư, bác sỹ, nha sỹ, chợ búa, spa, tiệm nail và nhà hàng, v.v...
Có lần chúng tôi lội bộ từ quán càfé Gypsy trong khu phố Catina ra đại lộ Bolsa thì có 1 chiếc xe ngừng đột ngột chặn chúng tôi trong lúc làn xe cộ vẫn chạy ào ào trên Bolsa và làn xe phải dừng lại ngay giửa đường sau chiếc xe ấy. Một bà lão Việt Nam mở cửa bước xuống xe và tỉnh bơ đi vào chợ xem như tất cả xe cộ lưu thông và mọi người phải dừng lại để ưu tiên nhường cho cụ xuống xe. Một cảnh tượng thật trông thật chướng mắt.
Nhiều lần chúng tôi lái xe vào parking của Costco hay các siêu thị Việt nam, người tiêu thụ đẩy xe cart chất đầy thức ăn cho vào xe họ xong rồi vứt bỏ lại parking một cách mất trật tự.
Nhiều gia đình Việt Nam ở xa trung tâm như Irvine, Mission Viejo, Laguna Beach, Newport và Huntington beach, sống gần khu Mỹ trắng thì họ có đời sống tươm tất, sạch sẽ lịch sự. Trong khi rất nhiều gia đình người Việt khác tập trung ở khu Westminster, Fountain Valley, Santa Ana, Garden Grove, Anaheim có đời sống sô bồ, kém ngăn nấp hơn. Tết năm nay tôi có dịp tiếp cận với cộng đồng người Việt nhiều hơn nhất là vào dịp tết, chứng kiến sự trù phú của khu Orange County. Nói chung ngày nay người Việt ở Cali có đời sống vật chất rất ổn định, con cái đa số thành công mỹ mãn, đời sống khá đầy đủ văn minh hơn hẳn dân Sài gòn. Tuy nhiên nếp sống ấy vẫn còn thua xa dân Tây phương về cách giao tế lịch sự với đồng bào, nhiều gia đình ăn ở còn kém văn minh lắm...
Dù sao đi nữa chúng tôi rất hài lòng thỏa mãn về chuyến thăm California lần này vì luôn nhận được sự đón tiếp rất nhiệt tình và dễ thương từ các bà con dòng họ và bạn bè ở đây.
Nguyễn Hồng Phúc
Montreal Xuân 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét