I-ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của tuyến giáp (nằm ở vùng trước cổ) để tạo ra một chất nội tiết có tác dụng kích thích sự tăng trưởng, trí thông minh, ngừa ung thư… Một số thực phẩm giàu i-ốt như rong biển, cá biển, lườn gà, khoai tây… bạn nên bổ sung vào bữa ăn hằng ngày.
Thiếu i-ốt kéo dài có thể dẫn đến tình trạng hư hại thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ. Hơn nữa, việc thiếu i-ốt, trẻ sẽ lùn, dễ mắc bướu cổ, kém tập trung….
Ở phụ nữ mang thai, thiếu i-ốt có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, đẻ non… Với thanh niên, người lớn nếu không bổ sung đủ i-ốt có thể dẫn đến mắc các bệnh như bướu cổ, hư hại chức năng thần kinh, tâm thần…
Bên cạnh việc ăn muối, để ngừa và đẩy lùi bệnh nguy hiểm, bạn có thể bổ sung i-ốt vào bữa ăn hằng ngày bằng những thực phẩm dưới đây:
Rong biển
Tảo bẹ là một loại rong biển, có chứa lượng i-ốt lên đến 2000 microgam. Kế đến là tảo Arame và tảo nâu Wakame chứa 730 microgam và 80 microgam i-ốt.
Cá biển
Cá tuyết có chứa rất nhiều i-ốt do sống trong môi trường biển. Đây được xem là loại cá có hàm lượng calo cao với nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như axit béo, omega-3, vitamin D, E, kali, folate và protein. Một phần cá tuyết 87 gam chứa đến 99 microgam i-ốt.
Sữa
Một ly sữa chứa đến 56 microgam i-ốt, ngoài ra, nó còn là nguồn cung cấp vitamin D, canxi cực tốt cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, sữa còn chứa các khoáng chất tuyệt vời như mangan, folate, phốt pho, kali, magie…
Sữa chua cũng là một sản phẩm làm từ sữa rất giàu i-ốt. Một cốc sữa chua cung cấp 154 microgam i-ốt, giàu protein, canxi…
Khoai tây
100 g khoai tây chứa khoảng 4.5 mcg. Tuy không quá cao, nhưng so với các loại rau củ quả khác, khoai tây vẫn là thực phẩm giàu i-ốt.
Tôm
Trong 87 gam tôm biển có chứa đến 35 microgam i-ốt. Ăn tôm mỗi ngày giúp tăng cường protein, canxi và các khoáng chất cần thiết khác.
Lườn gà
Trong 87 gam lườn gà chứa 34 microgam i-ốt, chiếm 23% lượng i-ốt cơ thể cần mỗi ngày. Lườn gà còn giàu kali, phốt pho, vitamin B tổng hợp và rất ít calo.
Trứng gà
Trong trứng gà có chứa i-ốt rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ và nhận thức ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một quả trứng luộc có chứa 12 microgam i-ốt, chiếm 9 % lượng i-ốt cơ thể cần.
Phô mai
Trong mỗi miếng phô mai chứa đến 12 microgam i-ốt. Tuy nhiên, nó có hàm lượng calo lớn, nên bạn nên ăn lượng vừa phải để hạn chế tăng cân.
Ngô
Ăn ngô giúp tăng lượng i-ốt cho cơ thể. Nửa chén ngô giúp cung cấp 14 microgam i-ốt. Bạn có thể ăn ngô luộc như một bữa ăn nhẹ, hoặc thêm vào canh, salad cho bữa tối của mình.
Rau chân vịt
100 g rau bina (rau chân vịt) chứa 16.4 mcg i-ốt. Ngoài rau bina thì rau cần cũng có lượng i-ốt tương đương (16mcg/100g), rau dền chứa 5 mcg, súp lơ 1.2 mcg và cải xoăn 4.5 mcg.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cảnh báo, Việt Nam nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng.
Kết quả điều tra năm 2013-2014 cho thấy, gần 10% trẻ 8-10 tuổi bị bướu cổ, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4 mcg/dl. Năm 2005 tỷ lệ trẻ bị bướu cổ là dưới 5%; mức trung vị i-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10 mcg/dl.
Chỉ 6 % số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối i-ốt, 75 % sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh…
Nếu như năm 2005, độ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của Hà Nội lên đến gần 100%, thì sau 3-4 năm chỉ còn gần 30%.
|
Lan Phương
6 thực phẩm tốt cho người bị bướu cổ
Bệnh bướu cổ thực chất do thiếu iốt gây nên, vì thế người bệnh có thể phòng ngừa và ngăn chặn bằng cách cải thiện chế độ ăn uống hàng ngày. Các loại cá biển béo và nhiều dầu như cá thu, cá ngừ, rau củ quả màu vàng, xanh sẫm, sữa chua… rất có lợi cho bệnh nhân bướu cổ.
Bướu cổ (hay bướu tuyến giáp) là một bệnh lý nội tiết rất hay gặp trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam. Bệnh là tên gọi chung của những hội chứng suy giáp, cường giáp, ung thư tuyến giáp, trong đó hay gặp nhất là bướu cổ đơn thuần (chiếm đến trên 80% các trường hợp).
Theo nhiều thống kê, số lượng người bị bệnh bướu cổ ở Đông Nam Á lên tới 176 triệu người (chiếm 13% dân số). Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng ở một số vùng, tỉ lệ người mắc bệnh khá cao – từ 3% (vùng ngoại ô Hà Nội) đến 67% (các tỉnh vùng núi như Tây Nguyên hay Lào Cai,…).
Theo Familyhospital, bệnh bướu cổ thực chất do thiếu iốt gây nên, vì thế người bệnh có thể phòng ngừa và ngăn chặn bằng cách cải thiện chế độ ăn uống hàng ngày. Bệnh nhân cần tăng cường hấp thụ các thực phẩm chứa nhiều iốt và các dưỡng chất cần thiết nhằm hỗ trợ điều trị kịp thời.
1. Cá biển
Một trong những nguyên nhân gây ra bướu cổ là suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A, khiến chức năng tổng hợp hormone ở tuyến giáp bị rối loạn. Trong khi đó, các loại cá biển béo và nhiều dầu như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá anchovy là những nguồn vitamin A dồi dào, rất có lợi cho bệnh nhân bướu cổ.
2. Củ quả có màu vàng và rau xanh sẫm
Các loại củ quả có màu vàng như cam quýt, cà rốt, khoai lang rất giàu vitamin A, giúp cải thiện được tình trạng bệnh bướu cổ mà không để lại tác dụng phụ. Các loại rau sẫm màu như rau diếp, cải xoong chứa nhiều vitamin và hoạt chất senevol, được bác sỹ khuyên dùng thường xuyên trong điều trị bướu cổ.
Tốt nhất nên sử dụng trái cây tươi và rau củ đã luộc sơ. Hạn chế chế biến thức ăn có nhiều tinh bột, đường trắng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ và các loại rau có màu trắng, ví dụ như bắp cải trắng.
3. Hải sản
Bướu cổ thường xảy ra khi cơ thể hấp thu iốt không đầy đủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến giáp, khiến thực quản, khí quản bị chèn ép, gây khó nuốt, khó thở cho bệnh nhân.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân bướu cổ cần tăng cường hấp thụ iốt từ muối và các hải sản chứa hàm lượng iốt cao như tôm, cua, sò, ngao, hải tảo… nhằm ngăn ngừa và đầy lùi sự phát triển của bướu.
4. Sữa chua, pho mát
Sữa chua, pho mát cũng như các sản phẩm khác từ sữa bò chứa hàm lượng cao iốt, canxi, vitamin B và protein có ích cho người bướu cổ.
Ngoài ra nên bổ sung thêm sữa chua có tác dụng tích cực đối với đường tiêu hóa, cải thiện khẩu vị, kích thích vị giác của bệnh nhân bướu cổ trong giai đoạn chán ăn do ảnh hưởng của bệnh.
5. Các loại đậu
Đậu tây, đậu xanh, đậu hà lan… cung cấp nguồn iốt dồi dào và lượng lớn chất xơ nên tốt cho cơ thể.
6. Khoai tây
Ít người biết rằng khoai tây là một trong những loại rau củ chứa nhiều iốt nhất. Chế biến khoai tây, bao gồm cả vỏ mang lại lượng iốt cần thiết cho mỗi bữa ăn.
Chú ý, khi lựa khoai tây nên tránh củ mọc mầm, gây độc cho cơ thể.
Phương Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét