.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

27 tháng 4 2019

Loại quả giải nhiệt dưỡng sinh cực hiệu quả cho ngày hè nóng bức



Mùa hè là mùa của nhiều loại quả chín. Theo các chuyên gia, giá trị dinh dưỡng trong từng loại quả khác biệt hoàn toàn so với các loại thuốc bổ. Nếu lựa chọn có tính nhắm thẳng vào các loại này sẽ giúp bạn bổ sung dưỡng chất hiệu quả cho những ngày hè oi bức.
1. Dưa hấu
Dưa hấu là loại quả được ưa thích vào mùa hè. Dưa hấu rất giàu vitamin A, B1, B2, C, glucose, sucrose, axit malic, axit glutamic và arginine… Nó có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp. Có tác dụng bổ trợ nhất định khi khát, đổ mồ hôi nhiều do nắng nóng.
Mặc dù tốt cho sức khỏe, nhưng đây lại là thực phẩm có tính hàn, dễ làm tổn thương Tỳ Vị, vì vậy nhóm người Tỳ Vị hư hàn, viêm dạ dày mãn tính, viêm ruột, viêm loét tá tràng hoặc phân lỏng nên ăn ít. Người bình thường cũng không nên ăn quá nhiều, nếu không sẽ làm tổn thương Tỳ Vị gây khó tiêu hoặc tiêu chảy.
Dưa hấu là thực phẩm có tính ngọt hàn, những người mắc phong hàn cảm mạo và mới bị cảm lạnh, đặc biệt là những người dễ bị nhiễm lạnh và không có mồ hôi đều không nên sử dụng.
2. Kiwi
Kiwi còn được gọi là đào hồ ly, đằng lê, đào khỉ, mộc tự, quả mao mộc, kiwi, quả nho… Thông thường quả có hình elip, bề ngoài có màu nâu xanh, da phủ lông tơ dày. Phần thịt quả màu xanh lá cây và có hạt đen. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, vitamin C trong kiwi có thể tăng cường khả năng miễn dịch, chống lại stress và lão hóa. Vitamin C cũng làm vết thương mau lành và giúp hấp thu sắt để xương, mạch máu và răng chắc khỏe.
Kiwi là loại quả tốt cho tim mạch và có nhiều công dụng với sức khỏe. (Ảnh: pixabay.com)
Kiwi cũng chứa hàm lượng serotonin rất cao. Chất này có tác dụng tăng cường khả năng học tập, ghi nhớ, điều hòa cảm xúc và giúp kiểm soát sự thèm ăn. Trong quả còn chứa một loại hóa chất thực vật tên là lutein. Lutein là một loại carotenoid, theo một số nghiên cứu, có thể ngăn chặn tình trạng mù lòa liên quan đến lão hóa. Đây là loại trái cây không chứa chất béo. 2 quả mỗi ngày có thể cung cấp nhiều chất xơ hơn hầu hết các loại ngũ cốc nguyên cám. Nó là lựa chọn tốt cho những người cần phải kiểm soát đường huyết, vì chỉ số GI chỉ là 52. Đây cũng là loại trái cây tươi ngon, bổ dưỡng giúp duy trì sức khỏe trái tim, điều hòa quá trình tiêu hóa và kiểm soát cholesterol.
3. Măng cụt
Măng cụt là loại trái cây mùa hè giàu chất dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin, đặc biệt là xanthones giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề sức khỏe do suy yếu hệ miễn dịch. Trong Đông y, măng cụt tính mát, giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt và làm dịu căng thẳng.
Măng cụt là loại quả giải nhiệt mùa hè và tăng cường miễn dịch hiệu quả. (Ảnh: pixabay.com)
4. Đu đủ
Đu đủ không chỉ là một loại trái cây ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh. Đu đủ có chứa một loại enzyme tiêu hóa có thể phân giải các loại protein thành trạng thái có thể tiêu hóa, tỉ lệ hòa tan cao hơn gấp 35 lần so với thịt nạc. Do đó, đu đủ có thể được sử dụng để điều trị chứng rối loạn tiêu hóa protein. Thành phần này trong lá và quả đu đủ non là nhiều nhất.
5. Dứa
Mỗi 100 g trái dứa chứa tới 30 mg vitamin C và rất giàu nước. Thành phần thịt quả cũng giống như đu đủ, chứa một loại enzyme có khả năng phân giải protein, do đó nó có thể hỗ trợ loại bỏ cục máu đông và làm cơ bắp dẻo dai. Theo Đông y, dứa có vị ngọt, chua, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, ích tỳ vị, trị say nắng, giải rượu, hỗ trợ tiêu hóa, ngừa ung thư đường ruột, hạ huyết áp. Có thể ăn nguyên quả, ép lấy nước hoặc nấu canh. Nước ép dứa trị ho, đau họng do nhiệt. Khi ăn nếu thấy ngứa lưỡi thì không nên dùng nữa. Dùng dứa sau bữa ăn giúp dễ tiêu hóa, giảm mỡ hấp thu vào máu. Ăn dứa có tác dụng lợi tiểu nên giúp điều trị tăng huyết áp, giảm sưng phù. Do đó, dứa là thực phẩm rất tốt đối với người bị bệnh tim mạch.
6. Nho
Tác dụng chống oxy hóa của hạt nho không chỉ gấp 20 lần vitamin C mà còn gấp 50 lần vitamin E. Hạt nho chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa OPC. Đây là một flavonoid mạnh, chủ yếu được tìm thấy trong lớp biểu bì và hạt. Hạt nho đỏ có chứa nguồn OPC phong phú. Nó là chìa khóa hỗ trợ tăng hoạt động chống oxy hóa trong cơ thể, bảo vệ chống lại tổn thương oxy hóa tới hệ miễn dịch và trì hoãn quá trình lão hóa.
7. Dâu tây
Dâu tây không chỉ là thực phẩm giải nhiệt mùa hè mà còn hỗ trợ trong điều trị ung thư. (Ảnh: pixabay.com)
Theo Đông y, dâu tây tính lạnh, vị chua ngọt, quy kinh Tỳ, Phế. Tốt cho những người mắc phong nhiệt, ho khan, viêm họng, viêm thanh quản. Thích hợp cho những người phiến nhiệt khô miệng và tiêu chảy mùa hè. Ngoài ra, thích hợp cho những bệnh nhân bị ung thư đang trong quá trình trị liệu nhất là ung thư vòm họng, phổi, amidan. Dâu tây chứa 90% nước cùng chất xơ, vitamin C giúp tăng lưu lượng máu đến da, giảm độ nhạy cảm với ánh sáng, cải thiện cấu trúc và kết cấu của da. Dâu tây có thể ăn hoặc làm nước ép để uống giải nhiệt.
8. Táo
Táo chứa protein, chất béo, carbohydrate, vitamin tổng hợp, axit malic và thành phần dinh dưỡng giá trị là pectin. Pectin là cellulose hòa tan, có thể thúc đẩy nhu động của đường ruột, điều dưỡng Tràng Vị. Nó có thể kết hợp với cholesterol trong cơ thể để bài tiết ra ngoài và đạt được mục đích giảm cholesterol. Pectin cũng có thể kết hợp với cholesterol trong túi mật, có thể làm loãng dịch mật và ngăn ngừa sỏi mật. Theo Đông y, táo có vị ngọt, hơi chua, tính bình. Tác dụng thanh nhiệt trừ phiền sinh tân dịch, bổ tâm ích khí, an thần, nhuận phế kiện tỳ vị. Táo trị được các bệnh viêm dạ dày, tăng huyết áp, mất ngủ, lo lắng…
9. Dưa lê
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dưa lê có hàm lượng vitamin A, B, C và chất khoáng như magie, natri tương đối cao. Dưa lê là một trong những trái cây giàu vitamin C – một loại vitamin chống oxy hóa giúp tăng nồng độ collagen, loại protein giúp da khỏe và trẻ trung. Vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng trong chức năng của hệ miễn dịch và có thể giúp chống lại virus gây sốt và cảm cúm.
Dưa lê không chỉ là thực phẩm giải nhiệt còn là loại quả hỗ trợ giảm cân hiệu quả. (Ảnh: baomoi.com)
Hàm lượng chất xơ cao trong dưa lê giúp bạn no nhanh, lâu hơn, hạn chế chứng thèm ăn, sẽ rất thích hợp cho việc giảm cân trong mùa hè. Dưa lê có một tác dụng không ngờ nữa là loại bỏ các loại ký sinh trùng có trong ruột. Đó là lý do tại sao bạn nên khuyến khích trẻ ăn trong mùa hè để phòng ngừa các căn bệnh về tiêu hóa.
Theo kết quả một nghiên cứu, cơ thể có ít folate sẽ tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ người già). Các chuyên gia khuyên bạn nên ăn những thực phẩm giàu chất folate như dưa lê để trí não luôn được khỏe mạnh, minh mẫn. Dưa lê có chứa cả chất beta-carotene. Sự kết hợp giữa beta-carotene và vitamin C có thể giúp ngừa được nhiều căn bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, huyết áp thấp…
Kiên Định
Nguồn tham khảo: kknew.cc

Kỳ y dị thảo: Câu chuyện về nguồn gốc của cây nhân sâm


Nhân sâm là thảo dược quý hiếm, đứng đầu trong 4 vị thuốc thượng hạng (sâm, nhung, quế, phụ) của Đông y. Tương truyền Sơn Đông mới thực sự là quê hương bản quán của loại thảo dược này và xung quanh nó còn có một câu chuyện đầy thú vị.
Tại sao lại gọi là nhân sâm?
Chữ Nhân tức là người, chữ Sâm trong chữ tham, là tham gia, là chen vào. Con người nào có tài cao đức trọng được chen vào ngang hàng với trời đất, gọi là tam tài (3 giới Thiên – Địa – Nhân). Sâm này có công bồi bổ mà cứu vớt người ta trong cơn bệnh nguy nan, rất là đắc lực. Thực là thứ Sâm rất quý, nên mượn nghĩa chữ Nhân mà đặt tên là Nhân Sâm. Lại có sách chép: Củ Nhân sâm có đầu có mình và tay chân tựa như hình người, nên gọi là Nhân sâm.
Chuyện về nguồn gốc cây nhân sâm
Xa xưa tại tỉnh Sơn Đông có ngọn núi tên Vân Mộng và trên đó cũng có ngôi chùa cùng tên. Trong chùa có hai hòa thượng một thầy một trò sinh sống. Dù là người xuất gia, nhưng lão hòa thượng không hề nhất tâm tụng kinh niệm Phật, cũng không làm việc mà dồn hết cho tiểu hòa thượng. Không những vậy còn hành hạ ngược đãi cậu bé đến nỗi càng ngày càng gầy yếu xanh xao.
Ngày nọ, khi lão hòa thượng xuống núi và tiểu đồ đệ đang bận việc trong chùa, có một cậu bé mặc yếm đỏ không biết từ đâu bỗng dưng xuất hiện, cười nói vui vẻ và giúp tiểu hòa thượng làm việc và biến mất khi có người.
Theo Thần nông bản thảo kinh, nhân sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm.
Cứ như vậy một thời gian lâu sau đó, lão hòa thượng phát hiện tiểu đồ đệ của mình có sự khác lạ. Cho dù có giao bao nhiêu công việc nặng nhọc, cậu đều có thể làm hết nhưng vẫn rất khỏe mạnh, sắc mặt luôn trắng hồng. Tò mò hoài nghi, ông gọi tiểu hòa thượng tới đánh đập tra hỏi quyết tìm ra nguyên nhân.
Bị dồn hỏi nhiều, không còn cách nào khác tiểu hòa thượng phải kể lại toàn bộ sự việc. Lão hòa thượng trong lòng nghĩ ngợi: “Ở nơi thâm sơn cùng cốc vắng vẻ không có người này sao có thể xuất hiện cậu bé yếm đỏ? Phải chăng đó chính là thần gậy cỏ (nhân sâm)?”
Suy nghĩ hồi lâu, lão lấy một sợi chỉ đỏ trong rương, xỏ qua đầu cây kim, đưa cho tiểu hòa thượng, rồi dặn dò kỹ lưỡng: “Đợi khi nào cậu bé đó đến đây, nhà ngươi hãy lén lén đâm cây kim này vào cái yếm của nó”.
Ngày hôm sau, lão hòa thượng lại đi xuống núi. Tiểu hòa thượng vốn dĩ muốn đem mọi chuyện kể cho cậu bé yếm đỏ nghe nhưng lại sợ chửi mắng đánh đập, đành nhân lúc cậu bé vội vã chạy về nhà, liền đâm cây kim vào cái yếm của cậu.
Hôm sau, trời vừa sáng, lão ta bắt tiểu hòa thượng nhốt lại trong chùa và mang theo cây cuốc, lần theo dấu vết sợi chỉ đỏ để lại đi vào rừng. Đi mãi, đi mãi thì phát hiện thấy bên cạnh một cây thông già, có cây kim cắm vào mầm cây non nhỏ ở dưới. Lão vô cùng mừng rỡ, liền gắng sức mà đào, cuối cùng đào được một cây “sâm đồng” , tức ‘cậu bé nhân sâm‘.
Lão hòa thượng mang “cậu bé nhân sâm” về chùa, bỏ vào nồi, thêm nước, rồi đậy nắp lại, còn lấy một tảng đá lớn đè lên. Sau đó, lão bắt tiểu hòa thượng nhóm lửa nấu chín. Thật không may ngay đúng lúc đó, người bạn thân của lão hòa thượng có việc gấp cần tìm lão xuống núi, lão gắng sức từ chối mãi mà không được. Trước khi đi, lão dặn đi dặn lại: “Ta còn chưa về, tuyệt đối không được mở nắp nồi ra”.
Sau khi lão ta đi rồi, từ trong nồi không ngừng tỏa ra mùi hương kì lạ, hiếm thấy trên đời. Tiểu hòa thượng rất lấy làm tò mò, mặc kệ lời dặn của thầy, đẩy tảng đá để sang một bên và mở nắp nồi. Thì ra trong đó đang nấu một củ nhân sâm hương thơm xông vào mũi. Cậu bóc thử một miếng bỏ vào miệng nếm, cảm thấy thơm ngọt lạ kỳ. Không nghĩ ngợi gì thêm, tiểu hòa thượng liền ăn hết củ nhân sâm và uống hết cả nước.
Cậu bé yếm đỏ chính là do củ nhân sâm biến hóa mà thành (Ảnh: read01.com)
Không lâu sau, có tiếng bước chân của lão hòa thượng vọng tới, tiểu hòa thượng biết rằng thầy mình đang tiến vào. Giật mình chẳng biết làm sao cậu liền cắm đầu bỏ chạy, trong phút chốc cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, rồi bay lên không trung mà đi mất. Lão hòa thượng trông thấy cảnh này, biết ngay “cậu bé nhân sâm” đã bị tiểu đồ đệ ăn mất, hối hận vô cùng.
Thì ra, cậu bé yếm đỏ chính là củ nhân sâm đó biến thành. Dưới gốc cây thông già có một đôi nhân sâm. Kể từ sau khi “cậu bé nhân sâm” bị lão hòa thượng đào mất, củ sâm còn lại dưới gốc thông ngày đêm khóc lóc vô cùng thảm thiết. Thông già nói: “Con ngoan, đừng khóc nữa. Ta sẽ đưa con đi đến vùng Quan Đông, ở đó dân cư thưa thớt, ta có thể chở che cho con mãi mãi”. Nhân sâm không khóc nữa, mà cùng thông già dọn đến chỗ rừng sâu núi thẳm chốn Quan Đông, ổn định cuộc sống trên núi Trường Bạch. Kể từ đó, nhân sâm ở Vân Mộng, Sơn Tây ngày một mất dần, còn nhân sâm trên núi Trường Bạch, vùng Quan Đông càng ngày càng nhiều thêm.
Tác dụng của nhân sâm
Theo Thần nông bản thảo kinh, nhân sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.
Có thể chỉ dùng 1 vị sâm: nhân sâm thái mỏng, hãm với nước sôi, nhiều lần, ngày có thể dùng 4-10g. Hoặc ngâm rượu: 50g nhân sâm thái mỏng ngâm rượu 3 lần. Lần 1 ngâm với 600ml rượu 35-40 độ, ngâm 1 tháng; lần 2 ngâm 500ml trong 3 tuần; lần 3 ngâm với 400ml rượu trong 2 tuần. Sau gộp dịch chiết 3 lần. Ngày uống 20-30ml.
Theo zhengjian
Kiên Định biên dịch
Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.

Kỳ y dị thảo: Câu chuyện nguồn gốc của cây hoa quế


Được biết đến từ thời cổ đại, quế được người Trung Quốc phát hiện sử dụng đầu tiên sau đó du nhập vào Châu Âu theo con đường tơ lụa. Xung quanh nguồn gốc về hoa của thảo dược này còn một câu chuyện tuyệt đẹp.
Đông y xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: Sâm, nhung, quế, phụ. Trong y học cổ truyền phương Đông, quế được sử dụng trong các bài thuốc, thức ăn chữa cảm lạnh, chướng bụng đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng kinh. Tác dụng tiếp thêm năng lượng, sức sống cũng làm cho thảo mộc này trở nên nổi tiếng. Tất cả các bộ phận của cây như hoa, rễ, vỏ rễ và quả đểu có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. 
Hoa Quế còn có tên gọi khác là hoa Mộc, Mộc Hương, Đan Quế. Đây là loại cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, thường xanh, có thể cao 3 – 12m, lá dài 7 – 15cm và rộng 2,6 – 5cm. Hoa có thể có các màu bao gồm màu trắng, vàng nhạt, vàng hoặc vàng cam, dài khoảng 1cm và có mùi rất thơm. Xung quanh nguồn gốc xuất xứ của loại cây này còn có một câu chuyện rất thú vị.
Câu chuyện nguồn gốc của hoa quế
Tương truyền vào thời cổ đại ở chân núi Lưỡng Anh có một người phụ nữ hiền lành tốt bụng sống bằng nghề bán rượu bồ đào. Rượu mà bà cất ra mùi vị rất thơm ngon nên được mọi người gọi bằng tên thân mật Tiên tửu nương tử.
Vào một sáng sớm mùa đông lạnh giá, tuyết rơi đầy trời, khi Tiên tửu nương tử mở cửa chuẩn bị mở hàng bỗng nhìn thấy một chàng thanh niên gầy như que củi, ăn mặc rách rưới như người ăn mày đang nằm ngoài cửa. Động lòng thương xót kẻ nghèo khó, nàng vội chạy lại gọi và sờ thử vào mũi xem còn thở hay không. Thấy người thanh niên hơi thở thoi thóp yếu ớt, liền đưa vào trong nhà cho uống canh nóng và nửa bát rượu.
Một lát sau, anh ta dần dần tỉnh lại, xúc động nhìn Tiên tửu nương tử mà nói: “Cảm ơn nàng đã cứu mạng. Tôi vốn là người tàn tật không nơi nương tựa, nay đây mai đó xin ăn. Thời tiết lạnh giá thế này nếu đi ra ngoài không bị chết vì lạnh cũng bị chết vì đói, xin hãy rủ lòng thương cho tôi ở lại đây thêm vài ngày có được không?”. Tiên tửu nương tử thấy thật khó xử, sợ mọi người sẽ lời ra tiếng vào, nhưng lại cũng không thể thấy chết mà không cứu nên cuối cùng gật đầu cho anh ta ở lại.
Ngô Cương tu tiên mắc lỗi nên bị sư phụ phạt lên cung trăng chặt quế (Ảnh: 230189.com)
Đúng như nàng dự đoán, những lời đồn thổi mạo phạm nói xấu nàng nhanh chóng truyền khắp vùng, mọi người đều tìm cách lánh xa, người tới mua rượu cũng ngày một ít. Tuy nhiên, Tiên tửu nương tử nhẫn chịu những đau khổ trong lòng, vẫn tận tâm tận lực chăm sóc người thanh niên nọ. Sau cùng, không một ai tới mua rượu của nàng, không còn kế sinh nhai nàng đành nói thật tình hình với anh ta. Người thanh niên thấy vậy thì cũng bỏ đi không lời từ biệt. Không yên tâm khi người tàn tật nọ rời đi, nàng đi khắp nơi tìm kiếm.
Tại sườn núi, nàng gặp một ông lão tóc bạc phơ, gánh một gánh củi khô, bước đi một cách cực nhọc mệt mỏi. Đang định chạy tới giúp đỡ thì nàng thấy ông lão ngã lăn ra đất, gánh củi cũng rơi xuống. Ông lão cực nhọc nhắm nghiền đôi mắt, môi run run, cất giọng một cách yếu ớt mệt mỏi: “Nước, nước, cho tôi xin chút nước”. Tiên tửu nương tử thở dài thương cảm mà nghĩ thầm: “Ở nơi vùng sườn núi hoang sơ này lấy đâu ra nước cho ông lão bây giờ?”. Không chút do dự, nàng cắn vào ngón giữa cho máu tươi bật ra rồi đưa vào miệng ông lão. Đột nhiên ông lão biến mất.
Một cơn gió mát thổi vụt qua, trên trời bỗng có một túi vải to màu vàng rời xuống, bên trong là rất nhiều túi giấy màu vàng nhỏ và một tờ giấy màu vàng, bên trên viết: “Nguyệt cung ban quế tử, ban thưởng người thiện lương. Phúc cao như quế bích, thọ cao như quế hoa. Hái hoa cất rượu quế, đem tặng mẹ và cha. Ngô Cương giúp người hiền lành, giáng tai họa cho người gian dối”. Lúc này, Tiên tửu nương tử mới hiểu, hóa ra người đàn ông tàn tật và ông lão gánh củi đều là Ngô Cương biến hóa.
Sau khi biết chuyện, những người dân quanh vùng đều tới xin cây quế về trồng. Những người lương thiện khi trồng cây xuống đất, sẽ đâm chồi nảy lộc nở hoa thơm ngát khắp sân. Những người tâm bất chính, trồng cây không đâm chồi từ đó mà tự biết xấu hổ thay tâm đổi tính hướng thiện. Mọi người đều vô cùng biết ơn Tiên tửu nương tử, chính nhờ tấm lòng thiện lương, hiền lành đã cảm động tới người trông coi cây quế ở nguyệt cung là Ngô Cương đại tiên (*), nhân gian mới có được hoa quế và rượu quế. Hoa quế không những mang tới hương thơm và vẻ đẹp thanh khiết có giá trị thưởng thức cao, các bộ phận của cây như hoa, rễ, vỏ rễ và quả đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Các bài thuốc từ hoa quế
Theo Đông y, hoa quế có vị đắng, tính ôn, đi vào kinh mạch Tâm, Can; tác dụng làm tan vết bầm tím, máu tụ, tiêu đờm, bổ thận, tỳ, vị, giãn nở gân cốt, hoạt huyết, trị đau lưng, mộng tinh, xuất tinh sớm, di tinh, thần kinh suy nhược, loét dạ dày, ruột, sa dạ dày, đi kiết ra máu, ho hen…; chữa bệnh dị ứng, hôi miệng (khi mệt mỏi), thị giác kém.
Hoa quế có thể làm thành thuốc, là dược thảo chữa hôi miệng hiệu quả. (Ảnh: kplant.biodiv.tw)
Quả của cây quế chính sau khi thu hoạch, ngâm nước nóng phơi khô và cho vào làm thuốc có tác dụng làm ấm Vị, bình Can, ích Thận, tán hàn, cầm ho. Hoa quế có thể làm thành rượu ‘hoa quế lộ’ có tác dụng sơ can lý khí, kiện Tỳ khai Vị, hóa đờm. Rễ và vỏ rễ sao và sắc nước uống, có thể trị đau dạ dày, đau răng, tê bì phong thấp, giảm đau nhức gân cốt.
1. Pha hạt hoa quế và hoa hồng theo tỉ lệ 3:1 vào nước sôi uống thay trà hằng ngày có tác dụng bổ tim, dạ dày, trị bệnh đau dạ dày.
2. Rễ hoa quế nấu canh, uống cùng một lượng vừa phải rượu vàng (rượu Thiệu Hưng) có thể trị đau lưng.
3. Rễ hoa quế nấu với thịt lợn theo tỉ lệ 1:2 giúp tinh thần tỉnh táo, có lợi cho những người bị bệnh động kinh.
(*): Ngô Cương là người Tây Hà thời Hán, khi tu đạo phạm lỗi nên bị sư phụ phạt đưa tới cung trăng. Trên cung Quảng Hàn có một cây quế cao 500 trượng rất to, Ngô Cương chỉ được rời khỏi đây nếu có thể hạ được một cây gỗ mọc ở đó. Vấn đề là mỗi lần chàng chặt cây thì thân cây lại liền ngay lại, điều này làm cho chàng vĩnh viễn phải ở lại cung trăng.
Theo zhengjian
Kiên Định biên dịch

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.