27 tháng 5 2020
NGƯỢC XUÔI SA ĐÉC
Bạn và tôi vừa thực hiện chuyến đi du lịch bụi về tỉnh Đồng Tháp, chuyến đi dự định khoảng 4 ngày. Hai anh bạn già chơi thân với nhau từ năm học đệ thất đến giờ nên đi chơi chung rất hợp gu!
Trên đường đi đến Sa Đéc ngang qua Nha Mân, một địa danh nổi tiếng không thể không dừng lại. “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Con gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Nha Mân nay là xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành.Câu ca dao trên ví von tại một vùng quê nước ngọt cây lành, nơi đó ngày xưa nổi tiếng có nhiều thanh nữ xinh đẹp.
Sa Đéc là đô thị lâu đời ở miền Tây. Chợ Sa Đéc năm bên con sông giống như nhiều ngôi chợ ở miền Tây trong cảnh trên bến dưới thuyền. Đến Sa Đéc không thể thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở đường Nguyễn Huệ. Nhà được ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha ông Huỳnh Thủy Lê) xây dựng năm 1885 và trùng tu năm 1917 với kiến trúc Đông Tây kết hợp. Ngôi nhà này được nhiều du khách đến viếng, đặc biệt du khách người Pháp từ khi có phim “Người tình” dựa theo tiểu thuyết tự truyện của Marguerite Duras. Ngắm kỹ ngôi nhà, anh bạn tôi tiếc rẻ ngôi nhà xưa của bà Phủ An ở Sóc Trăng đâu kém ngôi nhà này nhưng đã bị đập bỏ thật tiếc!
Kiến An Cung được người dân địa phương gọi là chùa ông Quách do một số người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến định cư tại Sa Đéc xây dựng năm 1924. Chùa được xây theo chữ “Công” gồm có 3 gian, trong đó gian giữa rộng nhất dùng làm điện thờ. Phần điêu khắc gỗ rất đặc sắc và để lại nhiều ấn tượng cho du khách.
Đình Vĩnh Phước trên đường Trần Hưng Đạo được xây dựng năm 1807. Như nhiều ngôi đình ở Nam bộ, đình Vĩnh Phước thờ Thần hoàng Bổn cảnh, ngoài ra trong chánh điện còn có bàn thờ quan Thượng đẳng thần Tống Phước Hòa. Qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ nét cổ kính. Theo chúng tôi, đây là một trong những ngôi đình đẹp ở đồng bằng sông Cửu Long.
Làng hoa Sa Đéc (gồm xã Tân Khánh Đông, phường 3 và phường Tân Quy Đông) được xem là vùng trồng hoa lớn nhất miền Tây. Hoa trồng ra được bán ở nhiều tỉnh thành trong nước, nước ngoài. Người địa phương trồng hoa trong giỏ đặt trên giàn cây rất tiện lợi trong việc chăm sóc và vận chuyển khi thu hoạch. Hiện có hơn 400 ha với hơn 2.000 gia đình trồng hoa và kinh doanh hoa kiểng. Khung cảnh thật hữu tình. Các nhà vườn rất thân thiện, hiếu khách.
Món ăn nổi tiếng ở Sa Đéc là hủ tíu. Sợi hủ tíu được làm bằng bột gạo có màu trắng sữa. Ngoài hủ tíu nước còn có hủ tíu khô.Thưởng thức một tô hủ tiếu Sa Đéc, những sợi bột trắng trên đó có vài con tôm ,thịt,tỏi bằm ,hành lá ,ngò thơm hòa quyện với khói bốc lên, ta cảm nhận một hương vị thật đậm đà đặc biệt. Món bánh phồng tôm, bánh tráng sữa của địa phương rất được du khách ưa chuộng. Về đây, mới thấy nghề làm bột của Sa Đéc ở xã Tân Phú Đông thật nhộn nhịp, sản xuất hàng năm trên 50.000 tấn bột, không địa phương nào ở miền Tây sánh kịp.
Sa Đéc là thành phố nhỏ nhưng xinh đẹp. Chiều ra bờ sông ngồi uống cafe thư giãn thật sảng khoái, tâm hồn như lắng đọng khi nhìn những giề lục bình nở hoa tím trôi lững lờ trên sông. Tôi nhớ lại, đây là nơi sinh trưởng của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt. Ông có bút danh Sa Giang, một nhà thơ gốc người miền Tây ít ỏi trong làng văn Sài Gòn trước năm 1975. Thơ của ông: « Một mai ta đến bên thành/ Cỏ cây cũng muốn thương mình ra hoa/ Vầng trăng bến ngựa giang hà/ Bên kia vách mộ lòng ta chợt buồn ».
Người bạn gái học chung từ thời trung học với chúng tôi đã theo chồng và đã trở thành người Sa Đéc hơn 40 năm qua. Bạn nói xứ này dễ làm ăn, là nơi đi dễ khó về. Lúc mới có chồng dự tính ở một thời gian ngắn rồi đi, ở riết đã quen không muốn đi đâu nữa! Ở tuổi chớm già, chúng tôi ngồi nhắc lại kỷ niệm thời đi học dưới mái trường công lập gần nửa thế kỷ trước.
Thời gian ngắn ngủi rong chơi ở Sa Đéc đã để lại cho tôi tình cảm tốt đẹp về một vùng đất phương Nam nước ngọt cây lành. Chúng tôi tiếp tục sẽ đi qua những miền đất của Đồng Tháp.Tạm biệt đô thị xinh đẹp và hiền hòa. Chúng tôi lại lên đường dưới cái nắng và gió.
Tuấn Ba
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét