Một lần ông xã ngồi mân mê bàn tay tôi rồi hỏi: "Nói anh nghe, bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay rồi?
Một câu hỏi không hề dễ trả lời, thậm chí là không thể trả lời cho chính xác. Có những bàn tay ta nắm rồi buông, và chẳng bao giờ còn nhớ lại. Có những bàn tay, nắm rồi nhớ mãi dù năm tháng đi qua.
Bàn tay tôi nắm đầu tiên là của ai, là bố hay là mẹ? Tôi chắc chắn không biết. Nhưng tôi biết đó là hai bàn tay tôi đã nắm nhiều nhất thuở ấu thơ. Những bàn tay to, thô ráp bởi cày cuốc ruộng đồng, những bàn tay như thần thánh có thể làm hết thảy mọi việc. Bàn tay bố dắt tôi chập chững bước đi. Bàn tay mẹ cầm tay tôi uốn từng nét chữ. Bất cứ khi nào tôi ngã, hay khi tôi buồn khóc, ốm đau, sẽ có bàn tay rộng lượng chìa ra cho tôi nắm vào để biết rằng mình đang được vỗ về an ủi.
Sau này lớn lên, tôi lấy chồng xa, thỉnh thoảng đưa con về thăm nhà, ngủ chung với mẹ. Những đêm chờ mẹ ngủ say, tôi cầm bàn tay mẹ áp vào ngực mình. Bàn tay vẫn to, đầy những nốt chai sần và nay đã nhăn nheo gầy guộc. Và tôi khóc, cảm giác nhớ tiếc một cái gì đó.
Tôi nhớ bàn tay người con trai đầu tiên mà tôi gọi đó là mối tình đầu. Đôi bàn tay đẹp, dài với những chiếc móng được cắt gọt cẩn thận. Người ấy thường nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dùng ngón tay mình vẽ vẽ vào lòng bàn tay tôi rồi hỏi: “Đố em biết anh vừa viết gì?” Tôi lắc đầu. Anh cười nói anh viết rằng: “Anh muốn nắm tay em đi hết con đường đời dài rộng” Nhưng rồi mọi lời hứa hẹn đều như gió thoảng mây bay. Bàn tay ấy đã buông lơi, thôi không còn nắm tay tôi mà tìm đến một bàn tay khác.
Những lúc buồn, tôi vẫn vô thức tự vẽ vẽ lên lòng bàn tay mình. Rồi lại tự cười một mình khi nhận ra mình giống hệt một kẻ ngốc.
Ngày có người con trai cầm tay tôi nói lời cầu hôn, tôi cảm nhận rõ sự gai góc xù xì trong bàn tay ấy. Cảm giác ấy khiến tôi liên tưởng đến bàn tay mềm mại của mối tình đầu, rồi chợt thốt lên: “Sao bàn tay anh xấu thế?” Anh nhìn tôi, bật cười giải thích, vì nó không được lớn lên trong mượt mà nhung lụa mà lớn lên bởi những gánh nặng mưu sinh, vì nó không được nâng niu mà đã bao phen trầy da chảy máu. Rồi anh nhìn vào mắt tôi, bàn tay siết chặt bàn tay: “Em cứ tin, nó không đẹp nhưng chẳng ngại khó khăn nào cả, hãy cứ vững tâm mà nắm lấy, được không?”
Cuối cùng thì tôi đã nhận lời nắm lấy bàn tay ấy, để anh dắt lên xe hoa, để anh lồng vào ngón tay chiếc nhẫn cưới, để anh lau những giọt nước mắt ngày tôi về nhà chồng. Bàn tay ấy đã tự vào bếp nấu cho tôi bát cháo ngày tôi ốm, tự cắm hoa vào lọ những ngày kỷ niệm yêu đương. Bàn tay ấy đã dắt tôi đi qua bao nhiêu ngày tháng chông chênh đan xen những lo toan và niềm hạnh phúc. Đôi bàn tay xù xì nhưng cứng cáp và ấm áp vô ngần.
Ngày tôi đau tưởng chừng xé ruột để cho chào đời một sinh linh, đứa con gái bé bỏng của tôi sau khi được y tá tắm rửa sạch sẽ được đặt nằm cạnh mẹ. Hai bàn tay nhỏ xíu yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng chạm vào bàn tay con, hạnh phúc đến ứa nước mắt. Đó là khi tôi biết rằng mình đã thực sự trưởng thành, và tin rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn để có thể che chở cho con, để dắt con đi suốt những tháng năm thênh thang phía trước.
Những đêm nằm bên con, cầm lấy tay con đặt nhẹ lên môi hôn, chợt nghĩ rằng có lẽ ngày xưa mẹ mình cũng nâng niu và yêu thương mình nhiều đến thế. Rồi một ngày con gái mình sẽ lớn, sẽ lại đặt bàn tay vào một bàn tay khác mà con thương yêu. Chỉ mong con gặp đúng người để tin, và bàn tay không bị buông lơi trong nỗi đớn đau thất vọng.
Ngày ông nội mất, tôi nghẹn lòng nhìn bà nội cầm tay ông kể lể về những tháng ngày xưa cũ khi ông bà còn trẻ. Hai người đã cùng nhau sống chung hơn nửa thế ky với bao nhiêu yêu thương, giận hờn, khổ đau, hạnh phúc. Vậy mà nay tay bà còn ấm, tay ông đã lạnh ngắt rồi.
Chẳng ai cưỡng được số mệnh, chẳng ai đâu. Ai rồi cũng sẽ một ngày về nằm trong lòng đất. Có người ra đi trong ồn ào khóc lóc, có người lìa khỏi thế gian trong lạnh lẽo cô đơn. Người ra đi bởi đã trả xong nợ cõi trần. Chỉ là người ở lại sẽ mang nhiều nuối tiếc xót xa khi biết rằng bao nhiêu yêu thương lúc này cũng không thể sưởi ấm cho người được nữa.
Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa tay mình lên trước mặt rồi tự hỏi lại câu chồng mình đã hỏi:
“Bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay?”
Nhiều, nhiều lắm. Có những cái nắm tay khiến mình nhớ mãi, có những cái nắm tay buông rồi là quên ngay. Có những cái nắm tay thật chặt, cũng có cái nắm tay buông lơi hờ hững. Chợt nhận ra một bàn tay đẹp không phải là bàn tay thon dài mềm mại với những chiếc móng được tỉa tót sơn màu. Một bàn tay đẹp là chìa ra đúng lúc mình cần, nắm tay mình qua những đoạn đường đời chông chênh sỏi đá, dẫu mệt mỏi cũng không buông, dẫu xa xôi cũng không nản.
Nếu chúng ta đang có những bàn tay để nắm, xin hãy trân trọng từng phút giây. Đừng mơ mộng những bàn tay xinh đẹp của ai kia mà buông lơi bàn tay gần gũi ấm áp ở bên mình. Nắm lấy tay nhau, cử chỉ ấy ấm áp hơn mọi lời nói yêu thương đầu môi chót lưỡi. Bởi cuộc đời nhiều bất trắc, ai biết được khi nào ai nhắm mắt xuôi tay. Ai biết được khi nào tay mình vẫn ấm áp đây mà bàn tay ai kia đã vô chừng lạnh lẽo. Vậy nên khi sống không đem đến cho nhau sự ấm áp, thì khi lìa khỏi nhân gian có bịn rịn tiếc thương cũng còn ý nghĩa gì?
Lê Giang
Trên con đường ở thành phố Hoschton, có tiệm giặt hiệu "Diana". Bà chủ là Henry đã 72 tuổi. Chồng bà, ông Henry qua đời chưa được bao lâu, bỏ lại mình bà cô đơn trong ngôi nhà trống vắng. Việc kinh doanh đã ngưng từ lâu, song bên ngoài, tấm biển hiệu "Diana" vẫn còn hiện diện. Sau một lần bệnh nặng, nghĩ không còn sống bao lâu nữa, bà nhờ công ty đấu giá quảng cáo bán đấu giá tài sản của mình. Chỉ có điều khó hiểu là gắn liền với nhà đất bán đấu giá còn có chiếc đồng hồ quả quýt bình thường, không chỉ vậy, bà ra giá chiếc đồng hồ cao hơn nhiều so với giá nhà đất. Chi tiết quảng cáo ghi: ‘Sẽ tặng không nhà đất cho ai biết lai lịch của chiếc đồng hồ’. Nội dung quảng cáo quá hấp dẫn nên thu hút rất nhiều người muốn tìm vận may. Hội trường nơi diễn ra buổi bán đấu giá chật kín người, điện thoại reo không ngớt nhưng không ai nói đúng lai lịch của chiếc đồng hồ. Bà Henry ở bên cạnh điện thoại, vẻ mặt đăm chiêu. Bà mong có thể hoàn thành tâm nguyện cuối cùng. Hơn 50 năm trước, bà và ông Henry kết hôn không lâu, họ dùng tên bà là "Diana" để mở tiệm giặt ủi. Công việc kinh doanh rất thuận lợi.
Vào một buổi chiều trời mưa tầm tã khi bà định đóng cửa tiệm thì một người trung niên qua ngang. Bà Henry chủ động mời vào trong tiệm tránh mưa, mới biết anh ta tên Robert, đang thất nghiệp.
Thấy dáng vẻ anh ta nghèo khổ, nên trước khi anh ta rời đi, bà Henry cho 10 đồng và cho mượn chiếc dù. Hôm sau Robert đến trả dù và giao bộ đồ, nhờ giặt sau ba ngày sau sẽ trở lại lấy. Sau khi Robert rời đi, theo thói quen thông thường, bà kiểm tra xem khách có vô ý để quên thứ gì trong túi hay không. Tò mò, bà mở chiếc đồng hồ ra xem và lặng người. Trên vỏ nắp có lồng tấm ảnh thiếu nữ rất xinh đẹp, đang cười tươi như hoa chính là bà thuở còn trẻ. Bà kinh ngạc khẽ gọi: "Smith!" và nước mắt tuôn trào. Smith là người tình đầu của bà Henry. Năm 1950, bà và ông Smith đính hôn, chiếc đồng hồ là vật đính ước giữa hai người. Không lâu sau, chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Smith là sĩ quan quân đội Hoàng gia Anh thành viên của tổ chức Liên Hiệp quốc, nên phải sang Triều Tiên tham chiến. Mặc dù ngày nào bà cũng cầu nguyện cho Smith nhưng tin bất hạnh chuyển về quê nhà là Smith tử trận. Dẫu vậy, bà vẫn không tin sự thật đau buồn này, bởi Smith hứa sẽ trở về cưới bà. Mang hy vọng đó, bà chịu đựng nỗi đau đến năm 1953 thì chiến tranh kết thúc. Thế nhưng trong đoàn quân từ Triều Tiên trở về, vẫn không thấy bóng dáng người yêu. Sau đó, do sắp xếp của gia đình, bà kết hôn với ông Henry và mở tiệm giặt "Diana". Bây giờ bà không ngờ lại thấy được vật đính ước giữa bà và Smith năm xưa.
Ngỡ ngàng một lúc, bà tự đặt câu hỏi: "Robert là ai? Sao anh ta có chiếc đồng hồ quả quýt này? Anh ta cố tình đưa nó cho bà hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, bức thư của người tên Weber gửi cho Robert có liên quan gì đến chiếc đồng hồ hay không? Trong thư, người này nói bị bệnh nặng, cần tiền chữa trị, mong Robert nghĩ tình bạn bè cho anh ta vay 1,000 bảng Anh. Bà Henry cất giữ chiếc đồng hồ, đợi Robert quay lại lấy để hỏi chuyện. Thế nhưng 3 ngày, rồi một tháng trôi qua, Robert vẫn biệt tăm. Nhớ ra người đàn ông tên Weber đang mắc bệnh nặng cầu cứu Robert giúp đỡ, lòng bà Henry bất giác thấy tội nghiệp. Robert chắc biết chuyện, nhưng không trở lại. Nghĩ nếu người đàn ông tên Web gặp nạn mà không được giúp, bà thấy áy náy trong lòng. Bà Henry gửi ngay 1000 bảng Anh là toàn bộ tài sản riêng của bà trước khi kết hôn, đến địa chỉ ghi trên thư. Đồng thời, bà cũng gửi kèm lá thư, nói rõ mọi chuyện và nhờ Weber nếu gặp Robert, hãy nhắn anh ta đến tiệm giặt ủi lấy đồ. Thư gửi đi nhưng chẳng nhận được hồi âm. Song bà Henry không bỏ cuộc. Bà quyết định vượt đường xa đi tìm Weber. Đến địa chỉ trên thư, bà chỉ nghe được những thông tin đáng kinh ngạc. Người ta cho biết Weber mồ côi không bà con thân thích. Anh ta rong ruổi khắp nơi không làm nghề gì nhất định, chẳng ai biết hành tung, thậm chí họ không nghe nói anh ta bị bệnh.
Bà Henry thấy lòng tê tái, nghĩ mình đã rơi vào bẫy lừa đảo của ai đó, may là chiếc đồng hồ vẫn còn nên bà thấy có chút hy vọng. Mấy năm trôi qua, những gì bà chờ mong vẫn chưa xuất hiện. Đột nhiên một hôm, bà nhận được ngân phiếu chuyển tiền trị giá 2,000 bảng và kể từ đó, khoản tiền tương tự đến với bà mỗi năm nhưng thời gian không cố định, địa chỉ thay đổi liên tục khiến bà không thể truy ra. Không biết nên giải quyết thế nào, bà cố duy trì tiệm giặt với hy vọng ngày nào đó, chàng trai Robert xuất hiện giải tỏa tất cả.
Cứ như thế, mấy mươi năm trôi qua, sức khỏe của bà Henry ngày càng mệt mỏi. Cuối cùng, bà quyết định cách bán đấu giá đặc biệt để "người giấu mặt" xuất hiện. Sau khi hoạt động diễn tập cho buổi đấu giá kết thúc thì có người đàn ông cao niên xuất hiện, nhìn kỹ chiếc đồng hồ, nước mắt ông chảy thành dòng, nói chiếc đồng hồ là của mình. Bà Henry mời ông ta đến. Vừa tiếp xúc, người đàn ông hỏi: "Bà có phải là Diana ở bức ảnh lồng trong chiếc đồng hồ?" Bà Henry lặng người. "Diana!", ông ta gọi cái tên bao nhiêu năm qua không ai biết đến. Hai người đặt câu hỏi cùng lúc: "Sao ông biết tên tôi?" - "Sao bà có được chiếc đồng hồ này?” Người đàn ông cao niên tự giới thiệu là Brian, cho biết đã dành một thời gian dài với tài sản tiết kiệm để đến các cơ sở đấu giá và nhà sưu tập tìm lại chiếc đồng hồ này.
Người đàn ông lớn tuổi chậm rải kể: "Năm đó, tôi thuộc quân đội Liên hiệp quốc" đến chiến trường Triều Tiên và trong một chiến dịch, tôi bị bắt làm tù binh. Trong trại tù, tôi gặp Smith khi đó đang bị viêm phổi và bị trọng thương. Nghĩ không còn sống được lâu, Smith trao chiếc đồng hồ cho tôi, ân cần dặn dò nếu còn cơ may được trở về nước thì trao cho cô gái tên Diana và gửi lời xin lỗi cô ấy là anh không thể cùng người mình yêu sống đến hết đời được".
Nghe đến đây, bà Henry khóc không thành tiếng. Qua bao nhiêu năm, cuối cùng bà mới biết được tin xác thực về Smith. Bà lau nước mắt, hỏi tiếp: "Về sau Smith ra sao?" - "Sau đó, một buổi tối, Smith được khiêng đi nói là để điều trị. Smith rưng rưng nước mắt cáo biệt và không ngừng nhắc tôi nhất định phải trao món đồ anh ấy gửi cho Diana. Từ đó, tôi không gặp lại Smith. Chiến tranh chấm dứt, qua trao đổi tù binh, được trở về quê hương, tôi mang chiếc đồng hồ đi tìm Diana nhưng thật không ngờ, trên tàu hỏa, tôi bị kẻ cắp lấy trộm hành trang. Từ đó tôi vô cùng bối rối vì sự ủy thác của người đồng đội quá cố! Tôi cố công tìm kiếm chiếc đồng hồ suốt mấy chục năm qua, chiếc đồng hồ đã trở thành nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai trong lòng tôi. Cho đến hôm nay, được thấy nó và gặp bà, tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm".
Bất giác nhớ khoản tiền nhận được hàng năm, bà Henry hỏi: "Vậy số tiền tôi nhận được hàng năm là do ông gửi đến đúng không?" Brian ngạc nhiên: "Tiền gì? Những năm qua, để có thể đi khắp nơi tìm kiếm chiếc đồng hồ, tôi hầu như không còn để dành được đồng nào. Tôi vẫn muốn biết làm sao bà có được chiếc đồng hồ này?" Đúng lúc bà Henry muốn nói cho Brian chuyện ly kỳ liên quan đến chiếc đồng hồ thì điện thoại reo. Bên kia đầu dây là tiếng nói của một thanh niên: "Bà còn nhớ người tên Robert chứ ạ?" Nghe tên Robert, bà Henry thấy căng thẳng, vội vã nói: "Tất nhiên tôi nhớ! Ông ta vẫn khoẻ chứ?" Người kia đáp: -"Đấy là cha cháu, ông đã qua đời. Trước khi chết, ông nói bà đã cứu ông và dặn cháu nhất định phải báo đáp". Cảm tưởng khó hiểu lộ trên khuôn mặt bà Henry: -"Chắc cậu lầm rồi? Tôi có làm gì để cứu cha cậu đâu!" - "Không lầm đâu ạ, bà đã cứu cha cháu. Thời trẻ ông tên Weber, làm nhiều việc không lương thiện. Ông kể lại có một hôm, gặp bà ở tiệm giặt ủi, ông giật mình vì bà giống hệt người con gái ở bức ảnh lồng trong chiếc đồng hồ quả quýt. Cha cháu đã trộm chiếc đồng hồ của ai đó rồi mang đi bán. Gặp hôm trời mưa, bà mời cha cháu vào tiệm tránh mưa, còn cho 10 dồng và cho mượn chiếc dù”. Cha cháu nói, đó là lần đầu tiên ông cảm nhận được sự tôn trọng, nên quyết định tặng chiếc đòng hồ cho bà”. “Nhưng khi đó vì nghèo quá nên ông cố tình nhét bức thư ‘cầu cứu’ trong túi quần cùng với chiếc đồng hồ, không ngờ bà tốt bụng, đã chuyển cho người tên Weber 1000 bảng Anh. Bố cháu được tiền, vô cùng cảm động, ông thề làm lại cuộc đời. Kể từ đó, bố cháu bỏ tên cũ, đổi thành Robert. Ông đợi cháu tích cóp 2000 bảng để gửi cho bà. Cha cháu qua đời đột ngột quá, cháu thề sẽ đến gặp và thay ông xin lỗi bà. Hôm nay, đọc báo thấy quảng cáo, biết người bà đang tìm là cha cháu. Qua đây, xin bà hãy chấp nhận lời xin lỗi và cảm ơn bà đã giúp đỡ cha cháu".
Nghe đến đây, lòng bà Henry như giải tỏa được gánh nặng. Bao nhiêu điều chất chứa trong lòng bà mấy chục năm qua cuối cùng được giải tỏa. Bà không ngờ hành động bác ái của mình có thể thay đổi được một đời người. Bà Henry vội vã nói: "Tiền cháu gửi, tôi chưa động đến, tổng cộng có hơn 100.000 bảng Anh, mời cháu đến gặp tôi một lần". Bên kia đầu dây vọng lại câu trả lời đầy kinh ngạc: "Không thể nào như vậy, cháu có ý muốn dành dụm đủ 2000 bảng Anh gửi cho bà nhưng cuộc sống khó khăn quá, cháu chưa có đủ tiền gửi như vậy, chắc bà lầm rồi". Dứt tiếng, người thanh niên gác máy.
Ngày hôm sau, buổi bán đấu giá diễn ra đúng kế hoạch. Căn phòng lớn chật kín, mọi người đều muốn biết kết quả cũng như bí mật của chiếc đồng hồ. Khi xướng ngôn nhân kể lai lịch chiếc đồng hồ, những tràng pháo tay vang lên rộn ràng. Đúng lúc người bán đấu giá tuyên bố bất động sản của bà Henry, như lời hứa ban đầu, sẽ trao tặng cho ông Brian, thì sự việc không ai ngờ đến đã xảy ra. Hãng đấu giá nhận được điện thoại của tòa án, nói có ông cụ gọi điện thông báo chiếc đồng hồ có tranh chấp về quyền sở hữu, yêu cầu hoãn cuộc bán đấu giá chờ ông đang trên đường đến Hội trường.
Bà Henry và ông Brian nhìn nhau thắc mắc. Người đó là ai lại có liên quan đến chiếc đồng hồ? Cuối cùng người đàn ông lớn tuổi bí ẩn ngồi trên xe lăn xuất hiện, tiến vào hội trường. Bà Henry kinh ngạc, lên tiếng: "Smith" rồi ngất xỉu. Brian vội vã tới gần ông cụ ngồi xe lăn: "Trời, Smith! Ông vẫn còn sống!" Ông Brian tin tưởng Smith đã "chết" hơn 50 năm qua. Thì ra, trong đêm ở trại tù binh, Smith được trao trả ngay và được chuyển đến bệnh viên dã chiến cách chiến trường rất xa. Bác sĩ có thể cứu ông khỏi tay tử thần, nhưng 2 chân phải cắt bỏ. Khi được trở về nước, ông dùng tên giả, vì biết chỉ khi mình "chết", người yêu mới có được cuộc sống hạnh phúc khác. Ông sống cuộc đời độc thân nhưng lúc nào cũng nhớ Diana nên cố tìm mọi cách theo dõi cuộc sống của người yêu. Ông tiết kiệm tiền để gửi cho Diana. Khi biết chồng Diana là ông Henry qua đời và thấy quảng cáo bán đấu giá, ông không thể ngồi yên. Bà Henry thấy mình như đang trong giấc mơ dài khá ly kỳ. Khi tỉnh dậy, người trong mơ đã không còn thanh xuân nữa. Vậy là khoản tiền lớn bà nhận được và cất giữ suốt mấy chục năm qua là do người yêu thương gửi đến mà bà không hề hay biết. Cuối cùng, bà Henry quyết định để lại toàn bộ nhà đất cho Brian. Bà cũng gửi một phần tiền cho cậu con trai của Robert, dù sao ông ta cũng tặng lại chiếc đồng hồ cho bà để cuối cùng nó trở về với chủ nhân đích thực. Còn riêng mình, bà quyết định chăm sóc ông Smith sống nốt quãng đời còn lại.
Nguyễn Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét