Phong Dinh là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 22 tháng 10 năm 1956 để " thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập.
Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Dinh được thành lập do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh đặt tại Cần Thơ và vẫn giữ nguyên tên là "Cần Thơ", về mặt hành chánh nằm trong khu vực xã Tân An thuộc quận Châu Thành. Tỉnh trưởng Phong Dinh đầu tiên là Đặng Văn Quang (từ tháng 1-1956 đến tháng 4-1957).
Năm 1957 - dưới thời viên tỉnh trưởng Đỗ Văn Chước (từ 8-4-1957 đến 3-12-1959), tỉnh Phong Dinh có 5 quận, 10 tổng và 59 xã:
1 - Quận Châu Thành Phong Dinh có 2 tổng: Định An, Định Bảo; quận lỵ: xã Tân An.
2 - Quận Phụng Hiệp có 2 tổng: Định Phước, Định Hòa; quận lỵ: xã Phụng Hiệp.
3 - Quận Ô Môn có 2 tổng: Định Thới, Thới Bảo; quận lỵ: xã Thới Thạnh. Ngày 16 tháng 10 năm 1958, quận Ô Môn đổi tên là quận Phong Phú.
4 - Quận Long Mỹ có 2 tổng: An Ninh, Thanh Tuyền; quận lỵ: xã Long Trị.
5 - Quận Kế Sách có 2 tổng: Định Khánh, Định Tường; quận lỵ: xã Kế An. Ngày 16 tháng 9 năm 1958 chuyển quận Kế Sách sang tỉnh Ba Xuyên.
Ngày 18 tháng 3 năm 1960, Tỉnh trưởng Phong Dinh Trần Cửu Thiên lập thêm quận Đức Long gồm 1 tổng là An Ninh với 7 xã trực thuộc do tách đất từ quận Long Mỹ; quận lỵ đặt tại xã Vị Thanh.
Ngày 24 tháng 12 năm 1961, hai quận Đức Long và Long Mỹ được bàn giao cho tỉnh Chương Thiện mới thành lập. Tỉnh lỵ tỉnh Chương Thiện đặt tại xã Vị Thanh. Tỉnh trưởng lúc này là Lê Văn Tư (7/1961 - 11/1962).
Ngày 2 tháng 7 năm 1962 tỉnh trưởng Phong Dinh là ông Tư lại lập thêm 2 quận mới là Khắc Trung và Khắc Nhơn. Quận Khắc Trung được thành lập do tách đất từ quận Phong Phú cùng tỉnh hợp với đất đai xã Thạnh Phú do quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang chuyển sang; quận lỵ đặt tại Cờ Đỏ (thuộc xã Thới Đông). Quận Khắc Nhơn được thành lập do tách đất từ quận Châu Thành và quận Phong Phú cùng tỉnh; quận lỵ đặt tại Bảy Ngàn (thuộc xã Tân Hòa).
Ngày 20 tháng 4 năm 1964 đổi tên 2 quận Khắc Trung, Khắc Nhơn thành Thuận Trung, Thuận Nhơn. Sau đó, quận lỵ quận Thuận Nhơn cũng được dời về Một Ngàn (cũng thuộc xã Tân Hòa).
Ngày 26 tháng 5 năm 1966, lập thêm quận Phong Điền, gồm 5 xã do tách từ phần đất của các quận Châu Thành, Phong Phú và Thuận Nhơn; quận lỵ đặt tại Phong Điền (thuộc xã Nhơn Ái). Các viên tỉnh trưởng lúc này là Huỳnh Ngọc Diệp A (1965 - 1966), Phạm Bá Hoa (12/1966 - 3/1968)
Ngày 23 tháng 4 năm 1968, lại lập thêm quận Phong Thuận, gồm 5 xã do tách đất từ quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh và quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên. Quận lỵ đặt tại Cái Côn (thuộc xã An Lạc Thôn). Tỉnh trưởng lúc này là Nguyễn Văn Khương (3/1968 - 7/1970).
Tính đến năm 1971, dân số tỉnh là 337.159 (thời tỉnh trưởng Lê Văn Hưng: 1970 - 1972)
Năm 1973, tỉnh Phong Dinh gồm 7 quận: Châu Thành, Phụng Hiệp, Thuận Nhơn, Thuận Trung, Phong Phú, Phong Điền, Phong Thuận. Tỉnh trưởng là Lê Duệ (1972 - 1973).
Thị xã Cần Thơ được tái lập theo Sắc lệnh số 115-SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa Trần Thiện Khiêm ngày 30 tháng 9 năm 1970, là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh.
Khi đó thị xã bao gồm các xã Tân An, Thuận Đức, ấp Lợi Nguyên thuộc xã An Bình và ấp Bình Nhựt thuộc xã Long Tuyền cùng thuộc quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh trước đó.
Từ đó cho đến năm 1975, thị xã Cần Thơ và tỉnh Phong Dinh là hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau theo sự phân chia sắp xếp hành chính của Việt Nam Cộng Hòa.
LỊCH SỬ CẦN THƠ:
TÊN GỌI:
Khi đối chiếu địa danh Cần Thơ với tên Khmer nguyên thủy của vùng này là Prek Rusey (sông tre), không thấy có liên quan gì về ngữ âm, người nghiên cứu chưa thể vội vàng kết luận là Cần Thơ là một địa danh hoàn toàn Việt Nam và vội đi tìm hiểu căn cứ ở các nghĩa có thể hiểu được của hai chữ Hán Việt "cần" và "thơ". Cần Thơ không phải là từ Hán Việt và không có nghĩa.
Nếu dò tìm trong hướng các địa danh Việt hoá, người nghiên cứu có thể thấy ngữ âm của Cần Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer "kìntho", là một loại cá hãy còn khá phổ biến ở Cần Thơ, thông thường được gọi là cá sặc rằn, nhưng người ở Bến Tre vẫn gọi là cá "lò tho". Từ quan điểm vững chắc rằng "lò tho" là một danh từ được tạo thành bằng cách Việt hoá tiếng Khmer "kìntho",người nghiên cứu có thể sưu tầm các tài liệu về lịch sử dân tộc, về sinh hoạt của người Khmer xa xưa trong địa phương này, rồi đi đến kết luận là địa danh Cần Thơ xuất phát từ danh từ Khmer "kìntho".
Về nguồn gốc chữ "Cần Thơ", có 2 thuyết:
- Thuyết thứ nhất kể rằng khi chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, thuyền ngài lênh đênh trên sông Hậu, trong đêm khuya thanh vắng ngài nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ một khúc sông xa vọng lại. Ngài xúc động và đặt tên con sông nhỏ này là "Cầm Thi Giang". Cầm Thi được đọc trại thành Cần Thơ.
- Một truyền thuyết khác nói là khi xưa vùng Cần Thơ có trồng nhiều rau cần và rau thơm. Mỗi khi chèo ghe đi bán trên sông rạch, chủ ghe thường rao: "Ai mua rau cần thơm không". Rau cần thơm vì vậy đã vào ca dao, và cần thơm đọc trại thành Cần Thơ
Rau cần rau thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn
Rau cần lại với rau thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều.
THỜI PHONG KIẾN:
Vào năm Mậu Tý 1708, ông Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Vùng Cần Thơ lúc ấy vẫn chưa được tổ chức thành một đơn vị hành chánh của Hà Tiên.
Sau khi Mạc Cửu mất vào năm Ất Mão (1735), Mạc Thiên Tứ nối nghiệp cha, khai phá thêm vùng hữu ngạn sông Hậu.
Năm Kỷ Mùi 1739, Mạc Thiên Tứ thành lập thêm 4 vùng đất mới ở phía hữu ngạn sông Hậu để sáp nhập vào đất Hà Tiên: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bắc Bạc Liêu).
Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang, do Mạc Thiên Tích có công khai phá cùng thời với đất Cà Mau, Rạch Giá và Bắc Bạc Liêu. Sau đó cùng sáp nhập vào đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tích đã sớm nhận thấy vị trí chiến lược của Trấn Giang - là hậu cứ vững chắc cho Hà Tiên trong việc chống lại quân Xiêm và quân Chân Lạp - nên đã tập trung xây dựng nơi đây thành Thủ sở với các thế mạnh cả về quân sự lẫn kinh tế và văn hoá.
Năm 1771, quân Xiêm tấn công Hà Tiên nhưng không chiếm được Trấn Giang.
Năm 1774, nghĩa quân Tây Sơn kéo quân vào Nam đánh chiếm thành Gia Định, sau đó kéo xuống miền Tây và Trấn Giang. Sau trận Rạch Gầm – Xoài Mút (tháng 1 năm 1785), vào năm 1787, quân Tây Sơn rút khỏi các dinh trấn miền Tây, Trấn Giang trở lại dưới quyền bảo hộ của Nhà Nguyễn. Suốt thập niên 70 của thế kỷ XVIII, Trấn Giang trở thành một cứ điểm quan trọng và phát triển mạnh trong bối cảnh lịch sử đầy xáo động.
Năm 1808, dưới triều vua Gia Long, đất Trấn Giang thuộc trấn Vĩnh Thanh (trước đó từng có tên là dinh Long Hồ, dinh Hoằng Trấn, Vĩnh Trấn), một trong 5 trấn của Gia Định bấy giờ là: Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên.
Năm Quý Dậu 1814 (năm Gia Long thứ 12), huyện Vĩnh Định được thành lập. Vùng Cần Thơ thuộc huyện Vĩnh Định (Nam sông Hậu), trấn Vĩnh Thanh (có 2 huyện: Vĩnh An và Vĩnh Định), phủ Định Viễn. Huyện Vĩnh Định có vị trí địa lý: Đông giáp biển, Tây giáp Cao Miên, Nam giáp Hà Tiên, Bắc giáp huyện Vĩnh An và huyện Bình Minh.
Vào thời Gia Long, huyện Vĩnh Định chưa chia tổng. Tổ chức hành chánh của huyện được chia thành 37 thôn.
Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, ngũ trấn được đổi thành lục tỉnh là Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đất Cần Thơ ngày nay (tức Trấn Giang ngày xưa) được lập thành huyện Vĩnh Định và cắt về phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Do có nhiều cuộc nội loạn ở vùng Nam Bộ, đặc biệt là cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833–1835) nên thủ sở Trấn Giang vào thời Minh Mạng được tái thiết. Với tiềm năng kinh tế và vị trí địa lý của mình, thương mại Trấn Giang - Cần Thơ đã phát triển khá mạnh với chợ Sưu ở gần bến sông Cần Thơ, chợ Tân An liền hướng bến sông Bình Thủy và chợ Thới An Đông trên vùng gần cửa sông Ô Môn.
Vào năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân 1836), địa bạ tỉnh An Giang (2 phủ, 4 huyện, 18 tổng, 161 thôn) được hoàn thành. Huyện Vĩnh Định có 4 tổng là Định An, Định Bảo, Định Khánh và Định Thới, phân cấp hành chánh cơ sở thành 30 thôn.
Năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20), huyện Vĩnh Định lại được đổi tên thành huyện Phong Phú, và cho huyện Phong Phú thuộc về phủ Tuy Biên (Châu Đốc), tỉnh An Giang. Huyện Phong Phú có 3 tổng và 31 thôn với huyện trị đặt tại thôn Tân An, ven bờ sông Cần Thơ.
Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động dữ dội ở Nam Kỳ Lục Tỉnh. Thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) theo hoà ước nhượng bộ của Nhà Nguyễn vào năm 1862.
Vào các ngày 20, 22 và 24 tháng 6 năm 1867, Pháp vi phạm hòa ước 1862, chiếm 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
THỜI PHÁP THUỘC:
Ngày 1 tháng 1 năm 1868, Thống đốc Nam Kỳ là Bonard quyết định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bãi Sào (Sóc Trăng) lập thành quận đặt dưới sự cai trị của người Pháp, lập Toà Bố tại Sa Đéc. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành) đặt lỵ sở tại Sa Đéc gồm có 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên và Phong Phú.
Huyện Phong Phú có địa giới hành chính Bắc giáp phủ Tân Thạnh và phủ Lạc Hóa, Tây - Bắc giáp huyện Tây Xuyên, Đông - Nam giáp huyện Vĩnh Định, phía Nam có nhiều rừng tràm và hổ báo. Huyện Phong Phú được phân cấp hành chính cơ sở gồm 8 tổng (3 tổng cũ, 5 tổng mới phía Nam sông Hậu). Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.
Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành một hạt, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Tòa Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng.
Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ. Hạt Cần Thơ thuộc khu vực Bassac (Hậu Giang). Hạt Cần Thơ chia làm 11 tổng, 119 làng, dân số 53.910 người.
Năm 1899, Pháp đổi các đơn vị hành chính cấp hạt thành tỉnh và huyện đổi thành quận. Tỉnh Cần Thơ được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900.
Như vậy, tỉnh Cần Thơ là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Năm 1917 tỉnh Cần Thơ có diện tích 2.191 km², gồm 4 quận: Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Cầu Kè.
Năm 1921 có thêm quận Trà Ôn. Tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ đặt tại làng Tân An thuộc quận Châu Thành.
Năm 1928, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập các thành phố Bạc Liêu, Cần Thơ, Rạch Giá và Mỹ Tho có Ủy ban thành phố, thị trưởng do chủ tỉnh bổ nhiệm và có ngân sách riêng. Tuy nhiên sau này vẫn thường gọi là thị xã Cần Thơ.
Nghị định ngày 30 tháng 11 năm 1934 sắp xếp đất đai thị xã Cần Thơ thành 5 vùng và 1 vùng ngoại ô để thu thuế thổ trạch.
Từ năm 1876 đến năm 1954, địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ dưới quyền kiểm soát của chính quyền Pháp không có sự thay đổi. Tuy nhiên, trong thời gian chiến tranh Đông Dương, chính quyền kháng chiến của Việt Minh có điều chỉnh một phần địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ.
Năm 1947, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa thành lập thị xã Cần Thơ thuộc tỉnh Cần Thơ. Trong 2 năm 1948 và 1949, tỉnh Cần Thơ nhận thêm huyện Thốt Nốt từ tỉnh Long Xuyên, nhận các huyện Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá từ tỉnh Rạch Giá vừa bị giải thể và nhận huyện Kế Sách từ tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, tỉnh Cần Thơ giao 2 huyện Trà Ôn và Cầu Kè về tỉnh Vĩnh Trà (gồm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh ngày nay).
THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA:
Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ ở Miền Nam có nhiều thay đổi. Ban đầu Chính quyền Quốc Gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa ban đầu vẫn duy trì tên gọi tỉnh Cần Thơ cùng với thị xã Cần Thơ như thời Pháp thuộc.
Ngày 28 tháng 8 năm 1956, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ban hành Dụ số 50 về việc bãi bỏ quy chế thị xã. Theo quyết định này, bãi bỏ Dụ số 13 ban hành ngày 30 tháng 5 năm 1954 về quy chế thị xã. Những thị xã hiện đặt dưởi quy chế trên, từ nay sẽ theo chế độ thôn xã, và được quản tri bởi một ủy ban hành chính do tỉnh trường bồ nhiệm. Theo đó, tiến hành giải thể thị xã Cần Thơ vốn được lập nên trước đó, đồng thời địa bàn thị xã được chuyển thành xã Tân An trực thuộc tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143-NV để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng Hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Dinh được thành lập do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh đặt tại Cần Thơ và vẫn giữ nguyên tên là "Cần Thơ", về mặt hành chánh thuộc xã Tân An, quận Châu Thành.
Năm 1957, tỉnh Phong Dinh có 5 quận: Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Long Mỹ và Kế Sách.
Ngày 23 tháng 2 năm 1957, tỉnh Phong Dinh nhận quận Kế Sách từ tỉnh Ba Xuyên (tức tỉnh Sóc Trăng trước đó) quản lý. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau vào ngày 16 tháng 9 năm 1958, tỉnh Phong Dinh giao lại quận Kế Sách cho tỉnh Ba Xuyên.
Ngày 16 tháng 09 năm 1958, quận Ô Môn đổi tên là quận Phong Phú.
Ngày 18 tháng 3 năm 1960 tỉnh Phong Dinh lập thêm quận Đức Long trên cơ sở tách đất từ quận Long Mỹ.
Ngày 24 tháng 12 năm 1961, hai quận Đức Long và Long Mỹ được bàn giao cho tỉnh Chương Thiện mới thành lập.
Ngày 2 tháng 7 năm 1962 tỉnh Phong Dinh lập thêm 2 quận Khắc Trung và Khắc Nhơn.
Ngày 20 tháng 4 năm 1964, đổi tên 2 quận Khắc Trung và Khắc Nhơn thành Thuận Trung và Thuận Nhơn.
Ngày 26 tháng 5 năm 1966 lập thêm quận Phong Điền.
Ngày 23 tháng 4 năm 1968, lại lập thêm quận Phong Thuận.
Ngày 30 tháng 9 năm 1970, Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa Trần Thiện Khiêm ban hành Sắc lệnh số 115-SL/NV cải biến xã Tân An và các phần đất phụ cận (bao gồm xã Thuận Đức, ấp Lợi Nguyên thuộc xã An Bình và ấp Bình Nhựt thuộc xã Long Tuyền) thuộc quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh thành "thị xã Cần Thơ", là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh.
Thị xã Cần Thơ là nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến.
Ngày 7 tháng 6 năm 1971, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ban hành Nghị định số 585-NĐ/NV thành lập tại thị xã Cần Thơ 2 quận lấy tên là quận 1 (quận Nhứt) và quận 2 (quận Nhì). Địa phận của 2 quận này được phân chia thành 8 khu phố trực thuộc như sau:
- Quận 1 (quận Nhứt) gồm năm khu phố: An Lạc, An Cư, An Nghiệp, An Hòa, An Thới.
- Quận 2 (quận Nhì) gồm ba khu phố: Hưng Lợi, Hưng Phú, Hưng Thạnh.
Ngày 22 tháng 8 năm 1972, Tổng trưởng Nội Vụ Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lại ban hành Nghị định số 553BNV/HCĐP/NÐ, đối các danh xưng "khu phố" của thị xă thành "phường".
Từ đó cho đến năm 1975, Thị xã Cần Thơ và tỉnh Phong Dinh là hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau theo sự phân chia sắp xếp hành chính của Việt Nam Cộng Hòa. Tỉnh Phong Dinh gồm 7 quận: Châu Thành, Phụng Hiệp, Phong Phú, Thuận Nhơn, Thuận Trung, Phong Điền, Phong Thuận.
(Tài liệu của Phóng Viên Chiến Trường sưu tầm)
Can Tho 1920-1929 - La résidence. Dinh Tham biện Chủ tỉnh |
Can Tho 1920-1929 - L'église. Nhà thờ Cần Thơ thập niên 1920 |
Can Tho 1920-1929 - Usine d'électricité. Nhà máy nước và điện Cần Thơ |
Can Tho 1920-1929 - Sur le canal |
Can Tho 1920-1929 - Ecole des jeunes filles. Trường nữ Tiểu học Cần Thơ thập niên 1920 |
Can Tho 1920-1929 - Paysage |
Can Tho 1920-1929 - Hôpital. Bệnh viện Cần Thơ thập niên 1920. Sau năm 1954 là bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa. Nay là Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ nằm đối diện với công viên Lưu Hữu Phước. |
Can tho 1920-1929 - Le port. Bến tàu đường sông tại bến Hàng Dương (từ 1958 là Bến Ninh Kiều) |
Can Tho 1920-1929 - Usine d'électricité. Nhà máy nước và điện Cần Thơ |
Can Tho 1920-1929 - Le bac Bến phà Cần Thơ thập niên 1920 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét