.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

01 tháng 10 2022

Chú Được


Vợ tôi báo tin:

- Ông Được lại có vợ mới!
Tôi sửng sốt:
- Sao em biết?
Vợ tôi trề môi:
- Chả về rồi, dẫn theo một bà Miên bụng chửa. Cha này hết nước nói...
Được là chú họ xa của tôi, chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nhà ở cùng xóm. Chưa tới bốn mươi, chú Được đã có đến ba đời vợ. Người vợ đầu tiên khá đẹp, cưới hỏi đàng hoàng nhưng mới về nhà chồng hơn sáu tháng đã đẻ. Đứa bé chết ngay sau đó ít ngày, mẹ nó cũng trốn viện dông mất, nghe nói đi theo bồ cũ. Vợ kế là một bà góa chồng, lớn hơn chú Được vài tuổi, chuyên nghề chủ hụi. ở với nhau được vài tháng, vợ chú Được than quê chồng buồn, chịu không thấu, xin về nhà ít bữa rồi ở luôn bên mẹ ruột. Chú Được đi rước năm bảy lần không được, chán không lui tới nữa.
Vợ thứ ba là dân phụ hồ - cùng nghề với chú Được, quê đâu tận Bến Củi, vừa thôi chồng, một hôm xách giỏ theo chú Được về nhà. Êm ấm cũng được vài năm, bà vợ đẻ ra một thằng nhóc, đặt tên là Bờm. Thằng Bờm lên ba tuổi thì bỗng một hôm ông chồng cũ của vợ chú Được lù lù đến... đòi con. Nhìn kỹ mặt thằng Bờm giống mặt gã nọ như khuôn đúc - kể cả hai cái tai giảo, chú Được nổi khùng vác rựa rượt đôi gian phu dâm phụ ra khỏi nhà. Mấy tháng sau, bà vợ mới dám quay lại, quỳ tạ lỗi với chú Được, khóc lóc xin được đem thằng Bờm về với chồng cũ.

Chú Được say xỉn, cười khóc, chửi bới suốt ba ngày ba đêm. Ông Năm - cha chú cứ phải lò dò theo sau giữ, phòng khi chú té ngã còn kịp lôi về nhà. Những lúc chú Được khóc khóc cười cười, ông Năm hết rầy rà lại dỗ dành như dỗ con nít.
Từ từ chú Được cũng thôi, không chửi nữa, nhưng né tránh gặp mặt hàng xóm láng giềng. Chú đi làm từ sáng sớm, mãi chiều tối nhá nhem mặt người mới về nhà. Thỉnh thoảng, tôi có ghé qua nhà chú, nhờ làm ít việc vặt, bao giờ cũng bắt gặp cảnh ông Năm nằm trên chiếc võng bố rách, đưa cót két, miệng huyên thuyên gì đó. Ông vốn là người hay nói. Chú Được cứ nằm sấp trên giường tre, để nguyên cả đôi dép mang đi làm hồ về chưa rửa, không ừ không hử tiếng nào. Ánh điện vàng ệch câu nhờ nhà hàng xóm hắt lên vách đất, càng tô thêm vẻ hắt hiu cho ngôi nhà chỉ có hai người đàn ông.

Vợ tôi luôn tỏ ra ác cảm với chú Được, chỉ bởi cái tội chú ưa chửi thề, ưa nói năng bặm trợn, bỗ bã, đã vậy còn rượu chè. Nhưng cái làm cho nàng ghét nhất là: "Đàn ông gì cứ hết vợ này đến vợ khác. Mà phải quý giá chi cho cam, toàn đổ vỏ cho thiên hạ".
Rồi chú Được bỗng tếch qua Cam-pu-chia. Chú nói ở xứ Miên thợ hồ kiếm ăn được. Đi mất bốn năm tháng liền, về dẫn theo một bà quấn xà rông, đen như lọ chảo, tóc xoăn tít đỏ hoe hoét vì cháy nắng, bụng to đùng.
Mấy bữa sau, chú Được ghé nhà tôi dặn:
- Nè gì thì gì, ngày mốt hai đứa bây nhớ qua dự đám cưới tao nghe. Bữa nay tao đích thân qua mời, không đi tao giận.
Ý chừng chú vừa đi quán về. Tay xách chai nước mắm, tay kéo lưng quần xà lỏn lận thành cục bên hông, chú cười hà hà:
- Tao cưới vợ lại, được hôn Tính?
Vợ tôi hớt lời:
- Lấy vợ hoài không sợ người ta nói sao ông?
Chú Được trợn mắt, giọng sừng sộ:
- Vợ thằng Tính bây nói sao khó nghe. Tao lấy vợ chớ ăn hết của ai mà sợ thiên hạ nói? Mấy vụ trước, tao coi như xí bỏ. Nói thiệt với bây kỳ này tao không thèm cưới vợ xứ mình nữa. Thà tao lấy con Miên này, nó xấu xí, nghèo khổ, khờ khạo nhưng mà nó hiền lành, thật thà. Tao là tao chán thứ đàn bà khôn lanh, xảo trá lắm rồi!
Chú phủi chân phành phạch ngồi bệt xuống hiên nhà, gãi đùi sồn sột, hạ giọng:
- Mà bây biết hôn. Con nhỏ này tội nghiệp lắm. Cha mẹ nó chết hết, ở bển, nó phải đi ở đợ cho người ta từ hồi nhỏ. Khờ quá mới bị chúng lừa, nó dút cho một bụng rồi nó bỏ.
Đoạn chú vỗ vỗ vào ngực, cười hề hề:
- Thôi kệ, trời cho sao hứng vậy. Tao coi vậy chớ không thèm nhỏ mọn, tiểu nhân. Con ai không cần biết, nó về với tao thì là con tao.
Chú xách chai nước mắm, vẻ hả hê, xăng xái đi về. Vợ tôi nhìn theo, lắc đầu dài giọng:
- Khi khổng khi không rước của thừa về nhà. Cha này muốn vợ đến mức lú lẫn.

Đám cưới chú Được coi vậy mà đông. Nói là đám cưới cho sang, thật ra chỉ là bữa cơm ra mắt bà con hàng xóm. Người ta tới dự chủ yếu là để thỏa mãn sự tò mò về bà vợ mới - tên là Cà Nọi của chú Được. Đó là một người đàn bà gầy ốm, nhỏ tuổi hơn chú Được nguyên cả con giáp, vận xà rông đen, hai tay lúc nào cũng lúng ta lúng túng như cố che cái bụng bầu có vẻ quá khổ so với thân hình nhỏ nhắn, đèo đẹt. Ai tới, thím Cà Nọi cũng chắp tay trước ngực, khom người cúi thấp đầu chào, vẻ rụt rè, khép nép, hỏi gì cũng chỉ cười ngượng nghịu. Thím không biết một tiếng Việt nào, vốn tiếng Miên của chú Được thì lại quá tệ. Chú Được cứ ngồi tù tì uống rượu với khách, thỉnh thoảng lại ngoắc vợ, vừa gọi vừa ra dấu: "Ê! Ê! Lấy thêm cho lít rượu, Cà Nọi à". Lần nào thím Cà Nọi cũng đưa chai cho chồng bằng cả hai tay, đầu cúi thật thấp, xong lại rón rén lùi vào phía cửa bếp.

Ông Năm tỏ vẻ hài lòng khi thấy mấy người láng giềng có mặt đông đủ. Ông bưng ly rượu vỗ vai người này, nắm tay người nọ, cười hề hà:
- Phải vậy chớ, phải vậy chớ! Tưởng tụi bây chê cha con tao nghèo không thèm tới là tao giận đó nghen!
Ông khoát tay lia lịa, nhất định không chịu nhận tiền mừng cưới, hỏi:
- Thôi thôi! Lần này cha con tui làm tiệc mọn mời bà con tới đặng bà con chứng giám giùm cho vợ chồng thằng Được nó ăn ở với nhau cho đàng hoàng, chớ tiền bạc thì không dám nhận đâu. Đừng để thằng Được nó mắc nợ bà con nhiều quá, tội chết.
Đoạn, ông cười ha hả:
- Nó cưới vợ một tỷ lần rồi, mặt mũi nào mà nhận tiền mừng của bà con nữa.
Ông quay mặt vào cửa buồng, nơi thím Cà Nọi đang đứng lấp ló, ngoắc bảo:
- Vợ thằng Được ra đây.
Thím Cà Nọi rụt rè bước lại giữa nhà, cúi đầu nhìn xuống đất, hai tay chắp trước ngực. Ông Năm vỗ vỗ đầu con dâu, bảo khách:
- Con nhỏ này coi vậy chớ mà được. Nó hiền lành, lễ phép, biết lo lắm. May ra nó mới chịu nổi tánh khí kỳ khôi của thằng Được.
Chuyện chú Được lấy vợ được mấy bà rỗi việc xóm tôi chụm đầu bàn tán suốt cả tháng trời. Có người chép miệng đoán: chú Được ăn phải bùa ngải của thím Cà Nọi, nếu không làm gì có chuyện tự dưng đi rước của thừa thiên hạ về nhà. Có người khen thím Cà Nọi hiền hậu, chịu khó, ăn ở phải phép.

Từ ngày có thím Cà Nọi, nhà cửa chú Được sạch sẽ, ngăn nắp hơn. Chẳng mấy khi thím Cà Nọi bước chân ra khỏi nhà. Ngày nào hàng xóm cũng thấy thím ì ạch vác cái bụng bầu ra sân giẫy cỏ.
Chú Được vẫn đi làm hồ, nhưng không đi Miên nữa. Chiều chiều, chú đạp xe về, người ngà ngà men rượu. Có hôm hứng chí, chú ghé rủ tôi tới nhà lai rai vài xị. Lần nào từ chối, tôi cũng bị chú chửi văng mạng.
- Mầy chê thằng chú mầy thất học, không xứng uống rượu với hạng công chức như mầy chớ gì? Đù má, mai mốt chó nó chơi với mầy nghen.
Sợ chú tự ái, lâu lâu có dịp đi ngang, tôi đều ghé thăm nhà chú. Lần nào cũng thấy thím Cà Nọi đang bận bịu gì đó. Chẳng bao giờ thấy thím ngồi ăn cơm chung với chồng và cha chồng. Đến bữa, thím bưng cơm canh đặt lên bàn, chắp tay xá từng người rồi ngồi lùi vào một góc. Chờ hai người ăn xong, thím dọn dẹp đâu đó rồi mới xuống bếp ăn một mình. Ông Năm bảo:
- Rầy hoài mà thím mầy không nghe. Bảo ăn một lượt cứ không chịu. Thôi kệ nó muốn sao thì muốn, từ từ rồi quen.
Có lúc tôi đến, thấy chú Được đánh trần, nằm lim dim ngủ trên võng, thím Cà Nọi ngồi một bên, chăm chỉ nặn mụn cho chồng. Trong nhà tịnh không tiếng động.

Chú Được làm ăn có vẻ khấm khá, ngày nào cũng có người gọi đi làm. Vợ tôi bảo chú mới sắm quần áo mới cho cả nhà. "Coi vậy mà ổng hạp với bà Miên này. Thôi cũng cầu như vậy?" - giọng nàng đã bớt vẻ ngoa ngoắt.
Vừa thấy tôi về, vợ tôi liền bảo:
- Ông Năm qua kiếm anh nãy giờ ba bốn bận. Bà Cà Nọi bỏ đi mất rồi!
Tôi chưng hửng:
- Sao vậy?
- Cũng tại ông Được chớ ai. Đã nói rồi, cha này xài hổng vô. Đang yên ổn không muốn, bày đặt đứng núi nầy trông núi nọ cho sanh chuyện. Đúng là vợ chồng cũ không rủ cũng tới.
Tôi chưa kịp hỏi, đã thấy ông Năm hớt hải chạy tới:
- Hai Tính à! Bây có xe honda làm ơn chạy liền ra thị xã, kêu thằng Được về giùm ông. Nghe nói nó đương xây cái nhà lầu ngay dốc cầu quan. Biểu nó xin nghỉ, về liền đặng đi kiếm con Cà Nọi. Tao chạy tìm cả tiếng đồng hồ rồi không thấy nó đâu hết. Trời đất ơi! Bụng dạ như vậy mà đi đâu không biết.
Tôi lật đật chạy đi, dù không kịp hiểu đầu đuôi. Chú Được nghe báo, vội vã phóng lên xe cho tôi chở về. Dọc đường, chú vò đầu bứt tóc:
- Cũng tại ông già không hà. Thằng Tính mày coi, chuyện không có gì mà làm rùm beng, bảo sao thím mày nó không sợ. Để tao kể cho mày nghe. Chẳng là hôm trước tao gặp lại hai mẹ con thằng Bờm ở chợ Trường Lưu. Hai mẹ con nó đi bán vé số. Thằng chồng cũ của bả nó giở chứng, toàn ăn không ngồi rồi, bắt hai mẹ con bả đi làm nuôi, còn hành hạ, đánh đập bả tới mang bịnh, bây giờ đi làm nặng không nổi nữa. Gặp tao, bả mắc cỡ, cúi mặt xuống khóc ròng. Còn thằng Bờm...
Giọng chú bỗng nghẹn lại:
- Mầy ơi! Tội nghiệp thằng nhỏ quá chừng. Hồi còn ở với tao, tao cưng như vàng như ngọc, tao nghèo chứ có khi nào để nói đói khát, rách rưới đâu, vậy mà bây giờ mình mẩy nó tèm hem túa hụa, ghẻ lở tùm lum. Thấy tao, nó ôm cổ tao cứng ngắc, nước mắt rưng rưng, thấy mà đứt ruột. Tao có gửi tiền cho má con nó mấy lần. Thì thấy khổ quá không đành lòng, nhất là thằng nhỏ, nó con nít, biết gì, chớ nào tao có tơ tưởng gì chuyện cũ. Vậy mà hổng biết ai học tới học lui, ông già tao nghe được. Mới hồi tối này, ông hạch hỏi, rồi quần tao một trận te tua. Ông chửi tao vuốt mặt không kịp. Tức quá, tao cự lại, ông vác chổi phang tao, rượt tao chạy khắp nhà, chịu nổi hôn?
Chú Được bảo tôi ngừng ở ngã ba quốc lộ, chú đón xe ôm đi lên cửa khẩu. Chú đoán thím Cà Nọi chắc đã tìm đường về quê cũ ở bên kia biên giới, bên này thím đâu có quen ai.

Buổi chiều, đi làm về, tôi định chạy vội lại nhà chú Được xem sự thể ra sao thì ông Năm lọ mọ tới, mặt mày tươi tỉnh:
- Về rồi, con vợ thằng Được về rồi.
Ông đón ly nước tôi đưa, lắc đầu:
- Chà! Con nhỏ gan cóc tía, bụng dạ như vậy mà giữa trưa nắng chang chang dám lội bộ ra đường cái, năm sáu cây số chớ ít ỏi gì. May mà thằng Được lên tới cửa khẩu còn gặp nó xớ rớ ở đó.
Ông Năm nói tiếp như phân trần:
- Tối hôm qua, tao la rầy thằng Được, chớ có nói gì nó đâu nà. Chắc nó thấy tao la lối rồi chỉ chỉ nó - là tao biểu thằng Được thôi không được dính dấp tới con vợ cũ nữa, lo mà nuôi vợ sắp đẻ đây nè, nó tưởng tao xúi thằng Được đuổi nó đi hay sao nên cứ chắp tay xá tao lia lịa, rồi ngồi khóc cả đêm. Tao rán sức làm cho nó hiểu là tao không có đuổi nó. Tưởng nó hiểu ra rồi, ai dè, mới này tao đi xóm về mới hay nó bỏ đi mất tiêu. Thằng Được nó cự tao quá xá.
Ông cười xòa:
- Kỳ này, chắc tao phải bắt thằng Được qua bển học nói tiếng Miên quá.
Thấy trời tối, tôi đưa ông Năm về. Trong lúc đi bộ dọc theo đường, ông rù rì kể cho tôi nghe:
- Nói cho ngay, cái chuyện với mẹ thằng Bờm, tao biết thằng Được nó không có ý gì đâu, nhưng mà nghe tụi nó gặp lại nhau, tao phải rầy chằng chằng trước. Ngừa bịnh hơn trị bịnh chớ mầy. Tao cố ý làm dữ một lần cho nó tởn, kẻo có ngày nó sanh tâm, quay về mối cũ, có phải tội nghiệp cho con Cà Nọi hôn hè? Bây giờ nghĩ coi, con người ta cô thân cô thế, bụng mang dạ chửa, theo nó trôi dạt về đây... Thà không thương thì thôi, đã thương thì thương cho trót, đâu phải dẫn về rồi bỏ nó bơ vơ. Tao là tao không chịu vậy.

Tôi ngập ngừng mãi, tới cửa ngõ nhà ông Năm mới dám bật lên điều ngấm ngầm bấy lâu không dám hỏi:
- Ông Năm nè, con hỏi thiệt... Mai mốt con của thím đẻ ra, ông có chắc coi nó như cháu nội ruột không?
Ông Năm dừng chân, vỗ vai tôi cười khà khà:
- Chà! Thằng hỏi kỳ khôi thiệt nghen.
Ông lại đổi giọng nghiêm nghị.
- Tao biết, có nhiều người đàm tiếu, dị nghị, chê cười cha con tao là dại, khi khổng khi không đi rước của thừa về nuôi. Ai nói gì kệ họ, tao không màng. ở đời biết sao là khôn, là dại. Của thừa, cũng năm bảy đường của thừa. Mình thương nó ắt nó thương mình. Tao không lo cái cóc khô gì hết.
Ông nín lặng giây lát, rồi bỗng ghé sát tai tôi, nói nhỏ:
- Nè, chớ bộ mày tưởng thằng Được nó là con ruột của tao sao?!

 

Nhất Phượng


Cà cuống- Song Thao


Tôi phải cám ơn ông bạn đã chuyển cho tôi bài viết về cà cuống của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung. Vừa đọc được hai chữ “cà cuống” là đầu óc tôi cuống cả lên. Cả một thời nhỏ dại ùn ùn trở về. Nhưng đọc bài “Cà Cuống” của Vũ Thị Tuyết Nhung trước đã. “Tôi còn nhớ, mẹ tôi thuở sinh thời, cứ vào cữ tháng Bảy mùa Thu trở ra đến tháng Mười chớm Đông, lúc Người đi chợ Hàng Bè, thi thoảng lại được mấy bà hàng tôm hàng cá quen gọi vào, thầm thì giúi riêng cho mấy con cà cuống mà các bà thường chỉ để dành cho khách ruột sành ăn”. 

Tác giả Vũ Tuyết Nhung còn nhớ “mùa” cà cuống, tôi thì chịu. Ngày nhỏ ý niệm thời gian chưa vướng vào đầu óc, tôi chỉ nhớ bất chợt vào những buổi tối liên tiếp, cà cuống bay bổ vào những ngọn đèn đường là lúc chúng tôi chạy đuổi theo bắt cà cuống. Cà cuống là con gián cồ, lớn gấp nhiều lần. Vậy mà gián thì chúng tôi sợ mà cà cuống thì chúng tôi…thương, thi nhau chạy theo chộp bằng tay không. Chộp xong, kiếm mấy cành cây khô, nổi lửa, nướng ăn ngay tại chỗ, thơm cách chi!
Cà cuống nướng là thứ ăn lấy được của bọn trẻ chúng tôi. Người lớn ăn khác, trân trọng hơn nhiều. Họ phân biệt cà cuống đực và cà cuống cái. Chuyện tưởng chỉ có chính con cà cuống mới quan tâm đến, nhưng đực cái cũng là thứ mà các người lớn săm soi đầu tiên khi nắm được chú cà cuống. Bởi vì cà cuống đực mới có bọng nước thơm, thứ quý giá nhất của cà cuống. Mỗi con đực có hai bọng, nhỏ bằng đầu tăm, chứa thứ nước thơm tho. Với cà cuống đực thì thứ nước có mùi thơm này là để dụ con cái. Với con người thì thứ nước thơm này để khoái khẩu. Bởi vì món chi có tí tinh chất này cũng biến thành món ngon được. Từ chén nước mắm chấm rau muống luộc dân dã cho tới những món cao cấp hơn như bún thang, bánh cuốn, chả cá.

Người Tràng An chỉ lấy đầu chiếc tăm, chấm vào chiếc lọ nhỏ chứa tinh chất cà cuống một hai chấm là món ăn dậy mùi, thơm ngát. Mỗi người Hà Nội đều có những kỷ niệm với cà cuống. Với tôi là chén bún thang ngày tết. Lòng phơi phới trước giờ khắc tinh khôi của ngày đầu năm, gắp miếng bún thang nhè nhẹ hương cà cuống, thấy tất cả cái tết trong người. Với tác giả Vũ Tuyết Nhung là một thứ cũng rất tết: bánh chưng. “Bao năm nay, từ ngày đi lấy chồng, tôi đã nhiều lần đặt bánh chưng ở các cửa hàng nổi tiếng trong thành phố, hay là tự gói lấy bằng các thứ gạo đỗ, thịt thà thơm ngon nhất, mà sao ăn cứ không được như hương vị bánh chưng mẹ gói lúc sinh thời. Thì ra, ngày xưa, mẹ tôi khi ướp nhân bánh trước khi gói, bao giờ cũng nhớ rảy vào một chút tinh dầu cà cuống mà bà để trong một chiếc lọ bé xíu, gọi là lọ penexilin nút cao su, quấn mấy lần nilon như một thứ đồ gia bảo, cất trong ngăn trên của chiếc tủ chùa ở gác hai. Nếu không cho vào nhân bánh, thì khi xóc gạo gói bánh, bà cho nhàn nhạt muối đi một chút. Đến lúc bóc bánh ăn, mới chấm thêm chút nước mắm cà cuống, thì cũng hợp giọng khôn tả”.

Nói tới món ngon Hà Nội, người ta không thể không vời tới những Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài. Trong “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường”, Thạch Lam nói tới cà cuống trong một món ăn thông thường là phở mà chúng ta tưởng cà cuống chẳng có vai trò chi. “Trong nhà thương vốn có một bà bán các thứ quà bánh ở một gian hàng dựng dưới bóng cây. Cái quyền bán hàng đó là cái quyền riêng của nhà bà, có từ khi nhà thương mới lập. Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng. Nhưng gánh phở của bà thì tuyệt: bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn. Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.

Thứ “thoảng nhẹ như một nghi ngờ” này, Tô Hoài miêu tả trong “Chuyện Cũ Hà Nội” với một món ăn khác: “Từng lá bánh được bóc ra, trắng tinh, xếp lên đĩa. Đĩa giò lụa cả khoanh đã cắt khía ra từng miếng. Nước mắm Nam Ô được thửa đã rót ra cái bát nhỏ của nhà hàng. Mùi nước mắm phảng phất thơm ngát cà cuống”. Cũng món bánh cuốn chấm nước mắm cà cuống này, trong cuốn “Món Ngon Hà Nội”, Vũ Bằng da diết:“Để làm nổi hẳn vị của nước chấm lên, người hàng bánh cuốn thường gia thêm vào chai nước chấm một hai con cà cuống băm nhỏ, nó đem đến cho ta một cái thú đậm đà hơn là cái thú cà cuống nước bán từng ve nhỏ ở các hiệu bán đồ nấu phố Hàng Đường hay một chút mắm tôm cà cuống đệm vào làm tăng vị của bún thang lên đến cái mức ăn ngon gần như không thể nào chịu được”.

Thứ mà nhà văn Vũ Bằng gọi là “cà cuống nước bán từng ve nhỏ” mà ông chê ỏng chê eo, không biết có phải là các lọ cà cuống chế bằng hóa chất không? Tôi không nghĩ vậy, tuy từ thập niên 50 của thế kỷ trước, người ta đã phân chất tinh dầu cà cuống. Đó là một hợp chất gồm nhiều chất dễ bay hơi. Mãi tới gần đây, nhờ tiến bộ của ngành sắc ký khí (gas chromatography) người ta mới xác định rõ hơn thành phần của tinh dầu cà cuống. Trong một nghiên cứu, Đại học Suranaree bên Thái Lan đã nhận diện được 22 chất tạo hương ở cà cuống đông lạnh, và 27 chất ở cà cuống luộc. Thành phần chính là hai chất: hexenol acetate và hexenyl butyrate. Tất cả các hợp chất này cấu thành mùi hương đặc trưng của cà cuống. Từ những kết quả phân tích này, người ta dùng kỹ thuật phối hương để chế ra tin 

Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi biết tới thứ cà cuống nhân tạo này khi đang tu nghiệp ở Manila. Một anh bạn sinh viên Việt Nam ở Phi, dân Bắc kỳ di cư, đã bất ngờ kiếm được một chai tinh chất cà cuống do Thái Lan sản xuất tại một cửa hàng trên phố Tàu Manila. Cuối tuần, khi tới nhà một Việt kiều tại Phi chúng tôi làm món bánh cuốn Thanh Trì. Trịnh trọng mở nút chiếc chai nhỏ xíu, mùi cà cuống xông lên làm nức chí mọi người. Nhưng, như gió thoảng mưa sa, chỉ trong chớp mắt, mùi hương bay đi mất. Của giả chẳng thể so sánh được với của thật. Khi qua định cư tại Montreal, ăn bánh cuốn, tiệm cũng hỏi khách, nếu khách thích có mùi cà cuống thì chi thêm ít tiền để có được vài giọt chất cà cuống…giả mạo. Gọi là…để tưởng nhớ mùi hương. Chưa kịp nhớ, hương đã cao bay xa chạy!

Cà cuống làm bằng hóa chất như vậy là hàng nhái. Chẳng ai chuộng. Tinh dầu cà cuống chính tông chỉ có con cà cuống được đóng vai trò nhà sản xuất, một loại nhà sản xuất bủn xỉn. Mỗi con cà cuống chỉ cho được 0,02 milliliter tinh dầu. Tính ra muốn có 20 milliliter tinh dầu phải cần tới một ngàn chú cà cuống đực. Tinh dầu này ở dạng lỏng, nhẹ hơn nước nên dễ bị bay hơi kiến cho việc bảo quản khá khó khăn. Tôi nhớ ngày đó ông bà tôi thường đựng tinh dầu này trong những chai dùng để đựng thuốc chích penicillin có nắp đậy bằng cao su. Sau khi đã dùng hết thuốc, lấy chai không, rửa sạch để đựng tinh dầu cà cuống. Muốn chắc ăn hơn, lấy giấy ni lông bao thêm nhiều lớp bên ngoài nắp, cất vào tủ chè có khóa. Tết nhất hoặc giỗ chạp mới đem ra dùng.

Bắt được cà cuống, đè ra lấy tinh dầu cũng phải có nghề. Đây là công việc đòi hỏi khéo tay, tỉ mỉ, nhẩn nha. Nếu nóng vội bọng tinh dầu có thể bể, uổng một đời cà cuống! Đầu tiên, người ta bẻ gập đầu cà cuống xuống tận ngực, hai bọng dầu sẽ lòi lên trên sóng lưng. Bọng dầu này, gọi là “chỉ dầu”, dài khoảng từ 2 tới 3 milimetre, trông giống như sợi bún tàu. Lấy một cây tăm tre nhọn, khẽ khều bọng dầu lên, bỏ vào chai. Cần phải tách dầu ra khỏi bọng, nếu không tinh dầu sẽ có mùi hôi.

Dân ta biết tới hương vị cà cuống từ rất lâu, khoảng 2.200 năm trước, từ thời Triệu Đà lận. Con cà cuống dĩ nhiên không biết tự đặt tên. Tên của muôn loài do con người đặt. Nhưng tại sao lại là cà cuống? Nhà văn Vũ Bằng, trong cuốn “Thương Nhớ Mười Hai”, đã cà kê dê ngỗng như thế này: “Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ kì, ông ta bèn gửi dâng vua Hán một mớ và gọi nó là “quế đồ”, nghĩa là con sâu của cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống ở trong cây quế mà chỉ là một con sâu sống ở dưới nước “thuỷ đồ”. Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”, nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó, cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng. Con rận rồng! Nghe tên có quý không? Ta có tám món ăn quý nhất gọi là bát trân : nem công là một, chả phượng là hai, da tây ngu là ba, bàn tay gấu là bốn, gân nai là năm, môi đười ươi là sáu, thịt chân voi là bảy, yến sào là tám. Con rận rồng không phải là một thứ trân, mà chỉ nên coi là gia vị, nhưng nghe tên thì quý có phần hơn cả bát trân là khác”. 

Cà cuống hay rận rồng không nằm trong bát trân nhưng chen chân được với ngà ngọc. Trong các món đồ Triệu Đà triều cống vua Hán ngày đó, người ta ghi nhận được các món sau: một đôi ngọc bích trắng, một ngàn bộ lông chim trả, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, 40 đôi chim trả sống, 2 đôi chim công và một giỏ cà cuống. Như vậy, nằm kề bên cạnh các thứ chi bảo, cà cuống cũng thuộc loại oai lắm rồi!

Thứ oai phong như vậy hình như trời chỉ cho miền Bắc nước ta? Không hẳn vậy, miền Nam cũng cà cuống như ai nhưng người ta không biết dùng. Tác giả Tuyết Nhi, một người mà tôi chắc là sinh trưởng trong Nam, đã viết: “Nhiều năm trước, cứ vào mùa nước nổi là tôi lại theo cha giăng lưới, dở dớn, kéo chài… Tôm cá miền Tây thì nhiều vô số kể còn cà cuống thì thỉnh thoảng cũng thấy vài con. Tuy vậy, ở xóm lưới quê tôi dường như không ai biết con cà cuống có thể ăn được cả. Như bây giờ, khi hỏi cha tôi con cà cuống ăn được không, ông kinh ngạc bảo: “Trời, con đó mà ăn uống gì! Nhìn thấy ghê!”. Vậy đấy, có những thứ đặc sản mà đôi khi mình không biết, lại bỏ qua”. Một tác giả khác kể lại chuyện bắt cà cuống ở Cần Thơ: “Hằng năm, cứ vào mùa mưa là cà cuống xuất hiện. Chúng rất thích ánh đèn, mỗi khi màn đêm buông xuống, nơi nào có ánh đèn sáng chúng thường bay ra. Biết được những đặc điểm nêu trên, chúng tôi thường tụ tập dưới những cột đèn đường sau những cơn mưa để bắt cà cuống. Lúc bấy giờ, công trình làm Bến Xe Mới ở Cần Thơ quê tôi, đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động. Đây là điểm tập kết của chúng tôi hằng đêm để rượt bắt cà cuống. Mỗi đêm, nếu may mắn chúng tôi bắt được vài trăm con cà cuống rất dễ dàng”.

Chuyện khá lạ lùng. Dân Cần Thơ cũng đuổi bắt cà cuống dưới ánh đèn đường y chang như chúng tôi ở Hà Nội. Ngạc nhiên hơn nữa khi tác giả Vũ Thế Thành kể chuyện bắt cà cuống ngay tại Tân Định, Sài Gòn. “Hồi nhỏ tôi vẫn theo lũ bạn đi bắt cà cuống ở những cột đèn đường, đem bán cho mấy người ve chai. Cà cuống rẻ rề, cả chừng hai chục con mới được 5 cắc. Họ thu gom cà cuống, bỏ trong thùng sắt tây, sau này tôi mới biết, họ đem bán cho một tiệm thuốc tây ở đường Hai Bà Trưng, Tân Định, trích lấy tinh dầu. Chỉ con đực mới có tinh dầu. Hồi bắt cà cuống, tôi đâu có biết đực cái thế nào, hễ thấy cà cuống là chộp. Vậy mà đực cái gì họ cũng mua. Con đực được khều lấy tinh dầu. Rồi sau đó, đực hay cái gì cũng lên… chảo chiên hết”.

Chuyện cà cuống bay la đà dưới ánh đèn đường đã đi vào cổ tích. Chúng tuyệt giống nơi phố thị. Nhưng ngày nay cà cuống lại nở rộ ở miền Nam do có cả một kỹ nghệ nuôi cà cuống. Nghe nói có rất nhiều trang trại nhưng có lẽ trang trại nuôi cà cuống của anh Lê Thanh Tùng ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành lập từ năm 2007, là quy mô nhất. Đất Củ Chi bên cạnh nhà anh Tùng là vùng đất rộng mênh mông bị bỏ hoang từ lâu, cỏ cao lút đầu người. Đó là nơi anh Tùng hội ngộ với cà cuống. Vì là đất hoang nên môi trường không bị ô nhiễm, các loài côn trùng mặc sức sinh sôi nảy nở, trong đó có cà cuống. Anh Tùng là người mê nuôi các loại côn trùng. Anh khởi đầu bằng cách nuôi dế. Gia đình anh sống nhờ trại nuôi dế này cả chục năm trước khi anh nghe nói tới cà cuống. Anh cũng chỉ nghe sơ sơ biết cà cuống là đặc sản hiếm hoi trên Sài Gòn nên tìm đọc sách vở nói về thứ côn trùng lạ lẫm này. Anh biết được là cà cuống thường sống trong hồ, ao, đầm lầy, ruộng lúa, ban ngày ở dưới nước, ban đêm bay lên. Thức ăn của chúng là tôm tép, nòng nọc và cả cá lẫn ếch nhái.

Sau bốn tháng lặn lội vừa bắt côn trùng, vừa có ý tìm kiếm cà cuống, anh bắt được đúng năm con. Anh khởi nghiệp nuôi cà cuống từ năm…tù nhân này. Anh nuôi chúng trong hồ xây, thả dày đặc lục bình. Anh chia sẻ: “Khi càng hiểu nhiều về nó, tôi càng mê. Xem trên sách báo, nhiều nhà khoa học cho rằng việc nuôi cà cuống là điều không thể càng làm tôi thêm quyết tâm. Mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thiết kế những ao hồ có đặc điểm giống hệt môi trường thiên nhiên. Từ năm con cà cuống đầu tiên, tôi thả trong hồ, bỏ cá con vào làm thức ăn cho chúng. Chỉ vài tuần, chúng đẻ trứng và nở ra đến vài trăm con”. Ngày nay, trang trại của anh lúc nào cũng có khoảng năm ngàn cà cuống. Anh làm đông lạnh và bán cho khách thu bạc triệu mỗi ngày. Nhưng anh Tùng là một nông dân có tâm. Anh không giữ độc quyền. Những nông dân nào muốn theo nghề, anh sẵn sàng nhượng con giống, chỉ cách nuôi và mua lại thành phẩm. Theo anh, có như thế mới phát triển được một ngành nuôi mới.

Chắc chúng ta đều biết câu thành ngữ: cà cuống chết đến đít vẫn còn cay. Ngoài nghĩa đen khen ngợi tinh dầu cà cuống, câu này còn có nghĩa bóng, ám chỉ những người ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai trái rành rành của mình. Tôi vốn có lòng thương cà cuống, ít nhất chúng là một phần tuổi thơ của tôi, nên rất bất mãn với cổ nhân. Cà cuống đâu có cay như ớt, như gừng để gừng càng già càng cay. Tinh dầu cà cuống thơm tới mê đắm. Vậy có nên chăng sửa lại câu thành ngữ trên: cà cuống chết đến đít vẫn còn…thơm!


SONG THAO

Màu Đỏ Trong ​Sân.

Hai chiếc xe van đậu lại trong sân nhà thờ. Thả xuống sân những cụ ông và cụ bà, người tóc muối tiêu, người tóc trắng như cước, người lưng còn thẳng, người đã phải nhờ gậy trúc đưa đi. Hôm nay họ mặc toàn một mầu đỏ. Có người áo khoác dạ đỏ, có người áo len đỏ, có người quàng khăn đỏ, có cụ bà không mặc áo đỏ thì bôi son có mầu rất tươi của trái anh đào chín (bright red cherry). Họ đến ăn bữa cơm trưa vào ngày thứ ba của tuần lễ thứ hai trong tháng. (Bữa ăn, một tháng một lần, cung cấp bởi một nhóm phụ nữ của họ đạo, ở tuổi hưu trí làm thiện nguyện.)

Cuối tuần này có lễ Valentine, nên hôm nay nhóm tổ chức tiệc Valentine cho các cụ.

Mười chiếc bàn cho tám mươi người ngồi, được trải khăn bàn đỏ, đặt hoa đỏ. Món tráng miệng hôm nay cũng là những lát bánh có kem hoa hồng đỏ.

Thức ăn chính và món tráng miệng, chúng tôi đã chia nhau nấu nướng sẵn ở nhà, mang tới. Từ 10 giờ sáng, tụ họp nhau, đặt bàn, pha cà phê, nước trà, hâm nóng thức ăn. Các cụ lần lượt đến trước bữa ăn khoảng nửa tiếng. Cụ bà nhiều hơn cụ ông, có vài người còn đủ cặp, nhưng phần đông lẻ bạn.

Hôm nay tôi và năm người nữa phụ trách ở ngoài phòng ăn, chúng tôi đưa các cụ vào bàn, sau khi dán bảng tên lên áo cho mỗi người. Tôi cầm những bàn tay có hình dáng của những nhánh gừng khô; tôi đi chậm, theo chân người đi chậm, tôi thở nhẹ, theo tiếng người thở nhẹ, tôi kéo ghế, tôi trải khăn ăn trên lòng cho cụ nào không tự làm lấy được; tôi nhìn những sợi tóc mỏng xám bạc, những chiếc kính gọng nhỏ móc hờ trên tai, nằm ngơ ngác trên sống mũi với cặp mắt nhìn chậm chạp dưới hai chiếc vòng kính tròn. Tôi thấy tôi trong tròng kính đó. Mầu đỏ của những chiếc áo, khăn bàn và hoa hồng ánh lên mặt mọi người, giúp các cụ tươi hẳn lên. Các cụ nói chuyện với nhau nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng phải nghiêng hẳn đầu vào nhau để nghe cho rõ. Tôi nhìn các cụ thân mật, thì thào vào tai nhau. Tôi lắng nghe họ nói về ngày lễ “Tình Yêu” cuối tuần này. Những người ở chung một nhà già hứa sẽ rủ nhau ngồi chung một bàn. Rồi họ nhắc lại những cái hẹn Valentine của ba mươi, bốn mươi năm, thậm chí năm mươi năm về trước (nếu còn nhớ được). Những tên tiệm ăn, những con đường hò hẹn, chén rượu nào đã rót ra, nàng mặc áo mầu gì, chàng đi xe hiệu gì? Những chiếc thiệp với lời tỏ tình, những bài thơ vụng về của thi sĩ mới viết bài thơ thứ nhất. Họ nghiêng xuống nhau những khuôn mặt nhầu như những nếp lụa bị xếp lâu ngày, những cặp mắt hấp háy sau tròng kính, những nụ cười với hàm răng thẳng tắp, đều đặn.

Bà Sarah, ngoài bẩy mươi, nói:

- Valentine đáng nhớ của tôi, khi tôi được bốn mươi tuổi. Lúc đó chúng tôi còn ở Los Angeles, Mark đã đưa tôi đến khách sạn Bonaventure ăn ở tầng lầu có tường kính và cả phòng ăn hình tròn quay chung quanh thành phố khi chúng tôi ngồi ăn.

Bà Pat chen vào:

- Khi tôi mười tám, tôi được một bạn trai cùng lớp mời đi dã ngoạn (picnic) ở bờ biển Dana Point, California trong ngày Valentine.

Ông Tom cầm tay vợ hỏi khẽ: - Bà có nhớ ngày Valentine đầu tiên khi chúng mình mới cưới nhau được một năm không?

Bà Daisy rụt cổ lại cười, những nếp nhăn trên mặt bà cũng cười theo, nói:

- Ông đưa tôi đi sanh, và mình đã đặt tên cho con trai là Valentine.

- Bà nhớ đúng không đấy?

Bà Daisy im bặt tiếng cười, nhìn ông như dò hỏi, bà không biết bà nhớ có đúng không. Nhưng rõ ràng bà có một người con tên là Valentine mà.

Những người còn lại ngồi im lặng, họ chưa nghĩ ra được trong đời họ có ngày Valentine nào “đáng nhớ” hay không?

Ở một bàn khác hình như chẳng ai nhắc đến ngày lễ tình yêu. Có người hỏi, không biết chiều nay có mưa không? Có người trả lời ngày mai là ngày lễ giáng sinh. Có người hỏi chị đã uống thuốc ho sáng nay chưa? Vâng, tối nào tôi cũng uống thuốc an thần.

Tôi rót cà phê, nước ngọt, dặn thật kỹ ly nào là nước, tách nào là cà phê. Nhắc cụ bà Pam nhớ cụ đã uống hai tách cà phê rồi; nhắc cụ ông John đừng cho sữa vào ly coke và tiêu muối trên bàn không cần rắc lên bánh ngọt.

Có một bàn gợi mắt tò mò của tôi nhất, cả tám người ngồi đó hình như là bốn cặp. Duy chỉ có một cặp là chung một họ (last name) nhưng ba cặp kia xem ra cũng âu yếm lắm. Tôi thấy họ cũng trạc tuổi giữa bẩy mươi đến tám mươi, nhưng ăn mặc rất tươm tất, nếu không nói là rất thời trang. Áo và khăn quàng cho các bà, mũ nỉ cho các ông, cả đến cặp kính trên mắt cũng kiểu mới nhất, họ là những người già, nhưng còn minh mẫn và sức khỏe khá tốt. Họ nói năng rõ ràng, và trao đổi khá hiểu biết trên những vấn đề thời sự mới nhất. Tôi nghe họ nói đến bữa tiệc “Tình yêu” ở một nhà hàng khá nổi tiếng họ sẽ đi với nhau vào cuối tuần này. Họ còn yêu đời và yêu người, tuổi tác hầu như không can thiệp được vào những sinh hoạt của nhóm người già trong bàn này.

Chiếc bàn cuối tôi mang bánh ngọt ra, tôi mới bất chợt thấy một người cụ ông Á Ðông, tóc bạc phau, nhưng còn khá nhiều, dáng gầy gầy, mặt nhỏ nhưng không thấy hốc hác, không đeo kính, hai mắt khá sáng. Tôi nhìn vào bảng tên thấy chữ “Dat Pham” tôi cúi chào cụ, cụ Ðạt cho biết cụ theo người bạn Mỹ đến đây lần đầu. Cụ ở một mình trong khu housing, chỗ cụ ở không thấy người Việt, cụ nói:

- Bên mình trước đây làm gì có ngày Lễ Tình Yêu, bây giờ nghe đâu Việt Nam cũng ăn mừng ngày này đấy.

Cụ nói xong mỉm cười, nói tiếp: - Càng vinh danh tình yêu rầm rộ, càng ly dị nhanh, bà nhỉ.

- Dạ.

Tôi nghĩ cụ có lí, nhưng tôi vẫn nói tiếp.

- Cháu chắc ngày nào cũng là ngày tình yêu rồi, nên không cần ăn mừng nữa.

- Bà lạc quan quá, thật ra người mình coi nặng cái “nghĩa” hơn “tình”, thế thôi.

Tôi rót thêm trà vào tách cụ, im ắng một giây, để cụ hiểu là tôi đồng ý với cụ. Tôi mời cụ tháng tới tiếp tục đến với chúng tôi, và cụ nhận lời. Tôi phụ giúp chương trình này cả hai năm, lần đầu tiên mới gặp một người đồng hương, tự nhiên thấy việc làm nhỏ nhoi của mình vui hẳn lên.

Tôi đi tới đi lui từ trong bếp ra tới những bàn tiệc. Nhìn ngắm các cụ ngồi ăn và các bà trong nhóm thiện nguyện đang loay hoay với công việc, (và nhìn cả chính tôi). Mỗi người một vẻ, người nhanh nhẹ cứng cáp, kẻ chậm chạp yếu ớt. Người có khả năng cho, người có nhu cầu nhận, những mái tóc muối tiêu hay bạc phơ như cước, những cặp mắt còn tinh anh hay đã mờ đục. Họ đã đi qua bao ngày lễ hội tình yêu, qua bao cơn hồng thủy của đời sống.

Bây giờ các cụ ngồi đây, trong căn nhà hội của nhà thờ, ăn bữa trưa thanh đạm cung cấp bởi những người làm công tác thiện nguyện cũng già gần bằng họ, một bữa ăn được trang hoàng để ăn mừng cho ngày lễ tình yêu; họ còn nhớ lại được những gì, họ có nuối tiếc không?

A, tình yêu như thế nào nhỉ? Còn ai trong chúng ta nhớ rõ cái cảm giác đó không? Nó ào ào như mưa rào nhiệt đới, nó hung hãn như ngày biển động, nó huy hoàng như mặt trời mọc hay nó ấm áp và nồng nàn như một vạt nắng đầu xuân; nó là ngụm rượu đầu tiên, là nụ hôn vội vã, là vòng tay vụng dại, là đam mê bồng bột, hay nó là... là gì nhỉ, có ai còn nhớ không?

- Cho tôi xin ly nước lạnh, nước cam sẽ làm tôi xót ruột.

- Tôi không ăn được bông cải xanh, nó làm tôi đầy hơi trong bụng.

- Ly cà phê uống vào buổi trưa, sẽ làm tôi mất giấc ngủ ngày đấy.

Có ai còn nhớ lại “Một thời để yêu, một thời để chết”. Có ai còn nhớ để nhắc lại cho nhau một lời nói của Valentine thời trẻ dại: “Rồi chúng ta sẽ cùng già đi, rồi chúng ta tiếp tục đổi thay theo tuổi tác, duy có một điều sẽ không bao giờ thay đổi... Em luôn mãi để lòng mình yêu anh. (1)

Tôi không còn trẻ dại nữa, nhưng giữa khoảng không gian ửng đỏ của khăn bàn, của hoa, của áo khăn cho ngày lễ tình yêu chúng tôi tổ chức cho những người ở tuổi “cổ lai hy” này, tôi bỗng thấy lòng rung lên một câu thơ:

Quái lạ làm sao cứ nhớ nhau

Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu

Bốn phương mây nước trời đôi ngả

Hai chữ tương tư một gánh sầu. (2)

Không biết có ai “tương tư” mình trong ngày “tình yêu” này không nhỉ?

Lần tới, gặp lại cụ Ðạt, tôi sẽ đọc câu thơ này cho cụ nghe, đố cụ nhớ là thơ của ai. Rồi tôi sẽ hỏi cụ xem hồi trẻ cụ có “đa tình “ không hay chỉ toàn là “nghĩa” với nhau thôi.

Trần Mộng Tú

Chú thích:

(1) As we grow older together, As we continue to change with age, There is one thing that will never change... I will always keep falling in love with you. (Karen Clodfelder)

(2) Tản Ðà 

 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.