- Này ông,
- Gì, để tôi ngủ thêm tí nào
- Dậy đi, chở tôi ra chợ hoa bằng xe đạp đi
- Sao hôm nay bà lại giở giời thế này. Ra mua cái vé tàu điện ngầm mà đi chợ... Bà lão thân yêu ơi, cho tôi ngủ thêm tí nữa thôi mà...?
Lèm bèm, năn nỉ đủ cách mà chả được, ông cũng đành dậy.
2 ông già bà cả đèo nhau trên cái xe đạp của thằng cháu. Thời buổi động 1 tí là người ta đi tàu ngầm, ô tô, 2 ông bà trên cái xe đạp làm bao nhiêu người đi bộ phải ngoái nhìn.
- Lát ông phải mua hoa tặng tôi nhé.
- Ừ, mua cho bà 1 củ khoai ngay đây.
- Ơ, tôi bảo mua hoa cho tôi mà.
- Mua cho bà củ khoai để bà ngồi ăn, đỡ ngồi réo sau lưng tôi nữa.
Gió thổi dìu dịu theo những bánh xe quay. Tia nắng vàng chảy tràn những con phố thân thuộc. Bà dựa vào lưng ông, tận hưởng cảm giác bình yên thư thái. Những kỉ niệm xưa ùa về trong tâm trí, mờ ảo nhưng vẫn thật lung linh ấm áp. Những lần đưa đón, hẹn hò, giận dỗi... Ông im lặng, có lẽ ông cũng đang nhớ lại thuở đẹp đẽ xưa kia.
2 ông bà ra chợ hoa, xong cũng chả mua gì. Ông thì không có hứng thú với hoa hoét, bà thì xem xem ngắm ngắm xong rồi cũng chả chọn hoa nào. Chợt ông bật cười:
- Cứ y như cách đây bốn chục năm ý nhỉ. Bà vẫn là cái đồ kiết xu như trước.
- Còn ông gạch ngói bốn mươi năm vẫn chẳng mòn.
Bà cười thật lớn. Nhưng thật sự bà đang cảm thấy rất mệt. Gần đây bà thường xuyên bị lả người và gầy đi rất nhiều. Chiếc lá vàng, chỉ chờ một cơn gió nhẹ để trở về với lòng đất...
Hôm nay là sinh nhật ông vì thế mà bà "giở giời" như vậy. Ở cái tuổi răng đã lung lay cả hàm thế này nói đến chữ “sinh nhật” có vẻ không hợp, và ở tuổi này thì còn ai mà nhớ đến ngày sinh nữa đâu. Nhưng bà có một linh cảm, có lẽ đây là lần sinh nhật cuối cùng của ông mà còn có bà ở bên...
- Cho ông hôm nay qua nhà mấy ông hàng xóm chơi điện tử đấy
- Thật á, bà lão hôm nay được ăn củ khoai xong nên tử tế hẳn
Bà dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những món ăn ông thích nhất. Bà cũng ra hiệu bánh đặt một chiếc bánh gateau nho nhỏ. Cuối tuần, cả nhà đi vắng hết. Thế lại hay, bà muốn dành khoảng thời gian đặc biệt này với riêng mình ông. Đang chuẩn bị nốt nến để thắp bánh thì bà bỗng thấy tối sầm lại. Bà cố đi vào phòng, ra chiếc giường và nằm xuống nghỉ.
- Bà nó ơi, hôm nay tôi đánh thắng to nhé, các lão ấy bị tôi cho ăn hành tơi tả.
Không có tiếng trả lời, dự cảm chẳng lành, ông chạy ngay vào phòng của 2 người và thấy bà đang nằm đó. Trông bà rất yếu.
- Bà nó ơi, bà sao thế?
- Ông... tôi mệt lắm... Ông ra chỗ bếp mang bánh sinh nhật và nến vào đây.
Lúc này ông mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình. Ông cảm thấy điều gì đó không ổn, nhưng ông không hỏi nữa và ra bếp lấy bánh vào.
- Giờ tôi mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật tôi đấy. Bà cầu kỳ thế này. Bà nó ơi, bà nó thấy mệt lắm à, để tôi gọi bác sỹ đến xem nhé.
Bà mỉm cười.
- Ông ơi... Tôi thấy mình đã đến lúc lên thiên đường rồi.
- Bà nói gì thế, đừng nói nữa! Chỉ vớ vẩn.
Ông thấy sợ hãi khi nghe bà nói thế
- Ông để tôi nói... Tôi làm những món ông thích nhất... và có cả bánh gateau nữa... Sinh nhật của ông lần cuối cùng mà tôi có thể ở bên... Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi có ông bầu bạn từng ấy năm...... Ông ở lại mạnh khỏe và chăm lo cho con cháu nhé...
Nước mắt lăn dài. Ông biết là ngày này sẽ đến nhưng ông vẫn cảm thấy không trụ vững nổi khi đối mặt với giây phút đó. Ông cầm tay bà, run rẩy, và ông nói trong nước mắt.
- Bà lão ơi, làm sao tôi có thể ở lại mà không có bà...
- Tôi muốn... nghe... điều ước... trong sinh nhật... của ông...
Ông nghẹn ngào và tưởng chừng trái tim mình cũng đang rời khỏi cơ thể để đi theo người vợ thân thương.
- Gặp bà và chung sống với bà là mọi điều ước của tôi đã thành hiện thực rồi. Nếu có ước tôi chỉ ước được gặp bà sớm hơn, bà lão ạ.
Bà nở nụ cười cuối cùng và nhắm mắt...
Bà đã có một thiên đường ở trần thế này. Giờ chỉ là đi đến 1 thiên đường khác, và chờ ông ở đó...
Sưu Tầm.
Chỉ có thể là tình yêu...
Một chiều đông lạnh buốt. Trên đường về nhà, tình cờ tôi nhặt được một chiếc ví bằng da màu nâu đã cũ sờn, có sợi dây nơ màu đỏ. Bên trong ví không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào mà chỉ có vỏn vẹn 3 đô la và một phong thư nhàu nát. Những chữ duy nhất có thể đọc được trên bì thư là địa chỉ của người gửi.
Lá thư được viết với nét chữ con gái mềm mại, trên nền giấy xanh điểm xuyết vài bông hoa nhỏ phía góc trái. Đó là thư chia tay gửi cho một người tên Michael. Cô gái nói rằng cô không thể gặp anh ta nữa vì gia đình ngăn cản, nhưng dù vậy, cô vẫn sẽ luôn yêu anh. Cuối thư ký tên là Hannah.
Nội dung thư khá xúc động, nhưng chẳng có chi tiết gì rõ ràng, ngoại trừ cái tên Michael, để xác định chủ nhân của chiếc ví. Tôi gọi điện cho tổng đài để xin số điện thoại dựa vào địa chỉ ghi trên bao thư.
Sau khi nghe tôi trình bày, người trực tổng đài ngần ngừ một lát rồi nói: “Chủ nhà ở địa chỉ trên có đăng ký số điện thoại, nhưng rất tiếc tôi không thể cho anh số điện thoại được”. Cô lịch sự đề nghị rằng chính cô sẽ gọi điện cho người ở địa chỉ đó, giải thích câu chuyện và hỏi xem họ có muốn tiếp chuyện với tôi hay không. Vài phút sau, cô quay lại và chuyển máy cho tôi.
Tôi hỏi người phụ nữ ở đầu dây bên kia về người phụ nữ tên Hannah. Bà ta vội đáp, “Ồ, chúng tôi mua căn nhà này cách đây đã 30 năm. Hình như gia đình ấy có cô con gái tên là Hannah, nhưng cách nay vài năm Hannah đã đưa mẹ vào viện dưỡng lão.”
Tôi gọi điện đến viện dưỡng lão và được biết bà cụ đã qua đời, nhưng họ có biết số điện thoại của người con gái.
Tôi lại tiếp tục gọi đến số điện thoại được cho và biết rằng Hannah hiện cũng đang ở trong một viện dưỡng lão.
“Thật là ngốc!” – Tôi tự nghĩ. “Sao mình lại cất công đi tìm chủ nhân của một chiếc ví chỉ có 3 đô la và một bức thư cũ mèm những năm mươi năm trước kia chứ?”
Tuy nhiên, tôi vẫn gọi đến nhà dưỡng lão nơi có lẽ cô Hannah, giờ đây đã là bà Hannah, đang ở. “Vâng, bà Hannah đang ở với chúng tôi,” đó là câu trả lời tôi nhận được.
Mặc dù đã 10 giờ đêm, nhưng tôi vẫn lái xe đến viện dưỡng lão. Sau khi giải thích với cô y tá trực đêm, tôi được cô đưa lên tầng ba của tòa nhà, giới thiệu tôi với bà Hannah. Bà cụ trông thật phúc hậu với mái tóc bạch kim, gương mặt tươi tắn và đôi mắt sáng tinh anh.
Tôi kể cho bà nghe chuyện mình nhặt được chiếc ví và cho bà xem bức thư. Vừa trông thấy phong thư màu xanh điểm vài cánh hoa nhỏ nơi góc trái, bà Hannah hít một hơi dài và nói, “Đây là lần liên lạc cuối cùng của bà với Michael!”.
Bà quay đi một lúc như chìm trong suy tưởng, rồi nhẹ nhàng nói, “Bà yêu anh ấy biết bao. Nhưng khi ấy, bà chỉ mới mười sáu tuổi và gia đình bà cho rằng bà còn quá trẻ để yêu. Chao ôi, anh ấy mới tuyệt vời làm sao!”.
Rồi bà tiếp tục, “Michael Goldstein là một người tuyệt vời. Nếu cháu tìm thấy anh ấy, hãy nói rằng bà luôn nghĩ đến anh. Và…,” ngập ngừng một lúc lâu, gần như cắn chặt môi, bà nói tiếp, “nói rằng bà vẫn yêu anh ấy. Cháu biết không,” bà khẽ mỉm cười, đôi mắt ngân ngấn nước, “bà chưa từng kết hôn. Bà nghĩ rằng không ai có thể sánh bằng Michael cả…”
Tôi xúc động nhưng phải chào tạm biệt bà Hannah vì đêm đã khuya. Xuống tới tầng một, tôi gặp người gác cổng ở ngay trước cửa thang máy. Anh ta hỏi, “Bà cụ có giúp gì được cho anh không?”
Tôi trả lời rằng bà đã cho tôi thêm được một manh mối, “Ít nhất tôi biết được họ của ông ấy. Nhưng tôi nghĩ chắc phải gác chuyện này sang một bên ít lâu. Cả ngày nay tôi đã cố tìm cho được chủ nhân của chiếc ví này.”
Tôi lấy chiếc ví ra cho anh ta xem. Vừa trông thấy chiếc ví, anh gác cổng kêu lên, “Khoan đã! Đây là chiếc ví của ông Goldstein. Tôi có thể nhận ra nó bất cứ đâu nhờ vào sợi dây nơ này. Ông cụ thường hay làm mất ví. Ít nhất ba lần tôi tìm thấy chiếc ví trong hội trường này.”
- Ông Goldstein là ai vậy? – Tôi hỏi mà có cảm giác tay mình run lên.
- Ông sống ở tầng tám. Chắc chắn đây là ví của Michael Goldstein. Chắc ông cụ đã làm rơi nó trên đường đi dạo.
Tôi cám ơn anh rồi chạy vội đến phòng y tá để kể cho cô y tá trực ban những gì anh gác cổng vừa bảo. Chúng tôi trở lại thang máy lên tầng tám. Tôi thầm cầu nguyện ông Goldstein vẫn còn thức.
Chúng tôi bước vào căn phòng duy nhất còn sáng đèn. Một người đàn ông đang ngồi đọc sách. Cô y tá đến hỏi ông có làm mất chiếc ví hay không. Ông Goldstein ngước lên với vẻ ngạc nhiên, rồi lần tìm túi sau của mình và nói, “Ồ, nó lại bị mất rồi!”
- Chàng trai này đã tìm thấy chiếc ví và chúng cháu nghĩ có lẽ là của ông.
Tôi trao cho ông Goldstein chiếc ví, vừa trông thấy nó, ông cụ mỉm cười nhẹ nhõm rồi nói:
“Đúng nó rồi! Chắc ông đánh rơi nó chiều nay. Này cháu ông muốn thưởng cho cháu một món gì đó.”
- Không cần đâu thưa ông. – Tôi đáp và nắm lấy tay ông cụ – Nhưng cháu muốn kể với ông một việc. Cháu đã đọc bức thư bên trong với hy vọng tìm thấy chủ nhân của chiếc ví.
Đột nhiên nụ cười trên gương mặt ông cụ tắt ngấm.
- Cháu đã đọc lá thư đó à?
- Không chỉ đọc lá thư, cháu còn biết được bà Hannah hiện đang ở đâu nữa.
Ông xúc động nắm chặt tay tôi:
- Hannah? Cháu biết Hannah ở đâu à? Cô ấy khỏe không? Còn xinh đẹp như trước không? Làm ơn, làm ơn cho ông biết đi!
- Bà ấy khỏe… vẫn xinh đẹp như khi ông biết bà. – Tôi đáp khẽ.
- Cháu cho ông biết nơi ở của cô ấy được không? Sáng mai ông muốn gọi điện cho cô ấy. – Giọng ông run run, gần như thầm thì. – Cháu biết không, ông yêu Hannah đến nỗi khi nhận được lá thư này, ông có cảm giác cuộc đời mình cũng chấm dứt từ đó. Ông chưa từng kết hôn. Ông chỉ yêu một mình cô ấy thôi…
- Ông đi với cháu nhé. – Tôi nói.
Chúng tôi đi thang máy xuống tầng ba. Sảnh đã tắt đèn, chỉ còn một hai ngọn đèn thắp sáng dẫn lối chúng tôi đến phòng sinh hoạt chung. Nơi đó, Hannah vẫn ngồi một mình xem tivi.
Cô y tá bước lại gần chỗ của bà.
- Bà Hannah. – Cô nói nhỏ, chỉ tay về phía Michael đang đứng đợi ở cửa. – Bà có biết người này không?
Chỉnh lại gọng kính, bà nhìn một chút nhưng không nói lời nào. Michael khẽ lên tiếng, dường như chỉ là thì thầm:
- Hannah, anh là Michael đây. Em còn nhớ anh không?
Bà thở mạnh:
- Michael ư? Em không tin nổi! Michael! Đúng là anh rồi! Michael của em!
Ông bước chầm chậm tới chỗ của bà, và họ ôm chầm lấy nhau.
Ba tuần sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ viện dưỡng lão. “Chủ nhật này anh có thể sắp xếp để đến đây dự lễ cưới không? Ông Michael và bà Hannah sẽ trao nhẫn cưới cho nhau!”
Một đám cưới tuyệt vời! Tất cả mọi người ở viện dưỡng lão đều tham dự. Bà Hannah mặc một chiếc áo đầm dài màu be nhạt, gương mặt ngập tràn hạnh phúc. Cụ Michael mặc một bộ vét màu xanh đậm, hãnh diện sánh bước bên cô dâu của mình.
Một kết thúc đẹp cho câu chuyện tình kéo dài gần sáu mươi năm !
Tôi chụp được khoảnh khắc này khi tôi nhẹ nhàng bước vào phòng mà bố mẹ không biết. Bố dựa vào mẹ, hình như đang lau nước mắt. Mẹ ôm bố từ đằng sau, má tựa vào vai bố với nét mặt rất an yên.
Gần một tháng trời mấy mẹ con đưa bố hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhiều lần tưởng bố không qua khỏi, nhưng không đứa nào dám khóc vì sợ mẹ lo lắng và buồn, vậy mà khi thấy hình ảnh này, chẳng hiểu sao tôi khóc hu hu rồi vội vàng chạy ra khỏi phòng vì sợ bố mẹ phát hiện.
Gần một tháng trời bố nằm viện mẹ không rời nửa bước, con cái bắt về nhà nghỉ ngơi cũng không nghe. Câu nói nhiều nhất mà tôi được nghe từ mẹ là: "Chỉ cần bố mày sống, còn ốm yếu thế nào mẹ cũng hầu được, vất vả thế nào mẹ cũng chịu được ".
Đã có lần tôi đọc được ở đâu đó viết về một cuộc tình đẹp, đại ý thế này: Đó là cuộc tình mà người ta cộng vào nhau cái ân cái nghĩa, cái tình cái thương. Người ta có thể không nhớ đã cưới nhau bao nhiêu năm, nhưng luôn nhớ bạn đời của mình thích gì, nghĩ gì, muốn gì, mong gì...Là khi tay này có lạnh có run thì vẫn đầy hơi ấm bàn tay của nửa còn lại. Là khi chân này có cần ba toong thì cái ba toong xịn nhất luôn là người bạn đời của mình. Là khi không thể tự mình ngồi được thì chỗ dựa tin cậy nhất, êm ái nhất luôn là người đàn ông ấy, người phụ nữ ấy của đời mình.
Nhớ lại một lần hôm ý bố đã bớt mệt, mẹ tranh thủ về qua nhà, mẹ mới về được khoảng vài tiếng đồng hồ mà bố phải hỏi "Mẹ con đâu?", "Mẹ con lên viện chưa?" đến 5,6 lần. Ông anh trai tôi mới bảo: "Mẹ con sắp lên rồi, bố nhớ mẹ quá à?". Bố gật đầu, hai anh em nhìn nhau cười khúc khích, thế là bố bảo "bố chả có gì phải xấu hổ đâu, tình cảm thật, phải trân trọng".
Gần 60 năm bên nhau, bố mẹ vẫn cứ yêu nhau như thế, và viết lên một cuộc tình đẹp bằng tình yêu của mình mỗi ngày!
Sưu tầm
My Lan Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét