“Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn
Theo quan niệm của phần đông người Việt ta thì “trà” là nói đến uống chè theo
phong cách Trung Hoa. Tất cả các loại trà khác nhau đều được chế biến từ lá cây
chè, tên khoa học là Camellia sinensis (chữ sinesis nghĩa là “xuất xứ Trung Quốc”
trong tiếng Latin).
Cây chè hoang dã mọc cao ở vùng Xishuangbanna, Vân Nam. Những người hái chè can
đảm đứng thăng bằng trên những cành cây cả ngàn năm tuổi. Nguyên tắc là: cây
càng cao, giá lá chè càng cao.
Người Trung Quốc chia chè ra làm sáu loại dựa theo mức độ lên men của lá chè (từ
thấp đến cao): bạch trà, lục trà, hoàng trà, Ô Long trà, hồng trà và hắc trà. Với
các nước Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thì phổ biến nhất vẫn là lục
trà (chè xanh) và Ô Long trà. Trong khi đó 90% trà tiêu thụ trên thế giới lại
là hồng trà – black tea (người Tàu gọi tên theo màu nước – “hồng” là màu đỏ,
tương như Nhật: Kocha, Triều Tiên: Hongcha, còn người Tây lại gọi tên theo màu
lá trà là “đen”).
Từ trái qua phải: Lục trà (Green tea), Hoàng trà (Yellow tea), Ô Long trà
(Oolong tea), Hồng trà (Black tea)
Điều đó có nghĩa là, với thứ nước chè mà chúng ta vẫn uống hằng ngày, trong 10
người uống trà trên toàn thế giới thì sẽ có 9 người không biết chúng ta đang
nói về cái gì. Nói một cách khác, những loại trà tầm như Matcha hay Trà sen gần
như không được biết đến bên ngoài Đông Á. Vì vậy mình viết bài này để đưa đến một
góc nhìn khác về việc uống trà trên thế giới nói chung, qua một nước điển hình,
tiêu thụ trà nhiều nhất toàn cầu là Ấn Độ.
1. Black tea – Hồng trà
Trà là loại thức uống phổ biến thứ nhì trên thế giới sau… nước. Như đã nói ở
trên thì black tea (tạm gọi “trà đen”) lại là loại được dùng rộng rãi hơn cả.
Lí do đơn giản là vì trà đen giữ được mùi, màu, vị đến mấy năm trong khi trà
xanh sẽ mất vị nhanh chóng trong vòng chưa đến một năm.
Ở phần trên bài, mình dùng chữ “lên men” (fermentation) để phân loại trà là dịch
từ tiếng Anh, nhưng thực ra đây là một thuật ngữ dùng sai trong quá trình chế
biến lá chè tươi, chính xác phải là “oxy hóa” (oxidation). Trà đen là loại mà
lá chè bị oxy hóa nhiều hơn cả, nôm na là tiếp xúc với nhiệt ÍT nhất. Đầu thế kỉ
XIX, người Anh (bị nghiện trước rồi sau mới) nhận ra tiềm năng kinh doanh vô hạn
của trà. Vì muốn vận chuyển và bảo quản trà đi qua những quãng đường rất dài đến
châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Úc với những đặc điểm khí hậu rất khác nhau,
họ đã phát triển phương pháp này từ cách làm hồng trà truyền thống của Trung Quốc
vốn rất ít phổ biến.
Đầu tiên sau khi thu hoạch, lá chè được sấy hoặc phơi khô để bẻ vỡ các liên kết
protein trong lá và giảm hàm lượng nước xuống còn khoảng 70% ban đầu.
Phơi lá chè ngoài trời trước xưởng trà ở Vân Nam
Tiếp theo là giai đoạn chế biến chính, có hai phương pháp hiện nay là Chính thống
(Orthordox) và CTC (Crush, tear, curl – nghiền, xé, viên).
Làm theo cách chính thống là dành cho chè hảo hạng, nghĩa là lá được vò (bằng
tay hoặc bằng máy) cho đến khi lá chè khô, vụn ra và xoăn lại.
Cách còn lại, CTC, dành cho chè loại thường, chiếm đến 80% thị trường, là dùng
máy cắt rồi xé cho nát nhừ nát tử sau đó vo viên lại. Những phần vụn thừa từ
cách làm chính thống có thể đem trộn vào cùng với cách làm này. Tất cả các loại
chè túi nhúng (tea bag) đều làm theo cách này cả.
Trà đen trông sẽ lổn nhổn từng viên như thế này đây, chứ không rõ hình thù như
chè búp Thái Nguyên. Dám cá là có nhiều người ngồi uống trà nhúng Lipton đến
mòn cả ghế rồi mà chưa từng xé cái túi lọc ra xem bên trong nó thế nào.
Trước thời Minh, người Trung Quốc đã nghĩ ra cách nén trà đen thành dạng bánh để
dễ bảo quản và vận chuyển. Họ trộn trà cùng với một số chất phụ gia như bột mì,
tiết lợn hay phân bón để kết dính và chống ẩm mốc (viết đến đây lại nhớ đến vụ
trộn phân bón làm cho nước chè xanh ngắt đẹp lung linh mấy năm trước, ngẫm ra
thì người ta cũng chỉ muốn bảo tồn phương pháp truyền thống thôi mà). Những
bánh trà này gọi là trà chuyên (茶磚),
người Anh dịch nôm na là tea brick (nghĩa là “cục gạch trà”, vì chữ “chuyên”
trong tiếng Hán nghĩa là “cục gạch đất nung” thật).
Ngày nay trà chuyên vẫn được sản xuất đối với hắc trà (trà có nồng độ oxy hóa
cao hơn cả black tea) .. gọi là để uống nhưng mục đích chính là làm quà lưu niệm.
Vì độ quý hiếm cũng như công dụng chữa bệnh và giải khát của trà mà những bánh
trà này được sử dụng như một thứ tiền tệ không chính thức ở Mông Cổ, Tây Tạng
và nhiều nước Trung Á. Đặc biệt là khắp vùng Siberia (Xi-bê-ri) rộng lớn ở Viễn
Đông Nga, người ta dùng bánh trà để trả tiền nhiều hơn là dùng đồng bạc. Những
bánh trà này đều được sản xuất tại vùng Vân Nam, được coi là nơi khởi nguồn của
cây chè. Từ những năm đầu nhà Đường cho đến khi nước Nam Chiếu được thành lập rồi
chiếm giữ vùng sản xuất nguyên liệu chè đầu tiên và duy nhất trên thế giới, một
con đường dần hình thành để giao thương trà khởi nguồn từ huyện Phổ Nhĩ
(Pu’er), tỉnh Vân Nam (giáp với Điện Biên và Lai Châu) rồi tỏa ra theo ba
nhánh: một đi Tứ Xuyên qua Quý Châu, một đi Tây Tạng và một đi Đông Bắc Ấn Độ
qua Miến Điện. Con đường này được ví như Con đường tơ lụa ở phía nam và được gọi
là Trà Mã Đạo ( 茶馬道) tức là dùng ngựa
vận chuyển trà nhưng thực ra sức người là chính. Đến tận năm 2011, mới có một
nhà thám hiểm phương Tây đầu tiên tên là Jeff Fuchs đi được trọn vẹn con đường
sáu nghìn cây số này trong bảy tháng rưỡi (so ra thì cũng ngang tầm với anh Vừ
Già Pó đi Pakistan đấy chứ).
Bản đồ Trà Mã Đạo đi qua một loạt các thành phố lớn, có vai trò quan trọng
trong việc phát triển kinh tế ở những vùng núi xa xôi hẻo lánh này. Con đường
này bắt đầu hình thành vào những năm 700 Công Nguyên, phát triển cực thịnh vào
thế kỷ XIX khi mà nhu cầu uống trà của phương Tây tăng lên chóng mặt, kéo dài gần
một nghìn chín trăm năm cho đến khoảng năm 1960, khi mà Tây Tạng nổi dậy và chiến
tranh Trung-Ấn nổ ra.
Những người đàn ông làm cửu vạn với những bánh trà nặng trĩu trên lưng. Ảnh:
Ernest Henry “Chinese” Wilson, 1908, Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Tác giả bức ảnh là
một nhà nông nghiệp đã giới thiệu khoảng hai nghìn giống cây bản địa Trung Quốc
sang châu Âu, ví dụ như quả kiwi, trong đó có sáu mươi loài đặt theo tên ông,
nên mới có biệt hiệu là Wilson Ba Tàu). Bức ảnh cho thấy những người vận chuyển
này mang trên lưng khoảng 60 đến 90 cân trà, nhiều hơn cả trọng lượng cơ thể họ.
Nhiều khi họ còn tranh thủ khuân theo muối mỏ để bán.
2. Văn hóa trà của Ấn Độ
Vậy là sau một hồi diễn giải rất dài thì bạn đọc hẳn cũng đã nhận ra rằng trà
đen đã đến Ấn Độ từ rất sớm, khoảng năm những 700. Nhưng người Trung Quốc thì
xưa nay vẫn vậy, làm gì có chuyện họ để hạt giống chè lọt ra ngoài, nên uống
chè cả nghìn năm mà dân Ấn Độ vẫn không biết mặt mũi cái cây chè tươi nó ra làm
sao. Và cũng chính vì việc vận chuyển khó khan, giá cả đắt đỏ mà trà không hề
phổ biến ở Ấn Độ. Tài liệu sớm nhất ghi lại việc người Ấn Độ trồng chè là bởi
những nhà thám hiểm Hà Lan vào cuối thế khỉ 16, nhưng chỉ là những bộ tộc nhỏ,
trồng làm rau ăn, đem xào với tỏi.
Ngày nay trà được coi là quốc ẩm của Ấn Độ. 90% người dân Ấn Độ uống trà ngày
đêm sáng tối và trở thành nước sử dụng khối lượng trà nhiều nhất trên thế giới,
dù lượng trà tiêu thụ chia ra đầu người thì không cao (vì chia cho tận một tỉ
dân). Ấn Độ đang nắm giữ những công nghệ sản xuất chè tiên tiến nhất hiện nay với
quy mô khổng lồ. Trong gần một thế kỉ, Ấn Độ là nước sản xuất chè nhiều nhất
trên thế giới cho đến gần đây đã xuống thứ hai sau Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy.
70% sản lượng chè của Ấn Độ được tiêu dùng nội địa. Việc sản xuất chè ở Ấn Độ
quan trọng đến mức trong Chính phủ có cả Ủy ban Nhà nước về Chè (Tea Board of
India). Nhưng quay ngược dòng lịch sử thì không phải người Ấn Độ phổ biến chè
ra toàn quốc mà chính là người Anh.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi được Nội các Tổng lý Đại thần Nhật Bản Shinzō Abe
mời uống trà xanh matcha theo phong cách trà đạo. Ông Narenda Modi xuất thân từ
một gia đình trung lưu nghèo, lên sáu tuổi đã đi bán trà dạo ở ga cho khách đi
tàu hỏa rồi sau mở hàng nước chè cạnh bến xe buýt. Cả hai ông trong ảnh đều
nghiện trà nhưng mà màu trà các vị ấy thích lại khác nhau.
Công ty Đông Ấn muốn phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc về chè (để sau đó độc
quyền bán chè cho cả thế giới) nên đã lấy được hạt giống và đem về bang Assam của
Ấn Độ (xem bản đồ bên trên) để trồng đại trà (chữ “trà” trong từ “đại trà” là
đơn vị cổ tính số lượng lúa đã gặt, bốn trăm bó là một trà chứ không phải trà
là chè đâu nhé). Rồi thật tình cờ và thật bất ngờ, người Anh đã tìm ra giống
chè thứ hai trên thế giới, là cây chè bản địa tại Assam, đem nhân giống để trồng
trên toàn Ấn Độ và Ceylon (Sri Lanka về sau). Ngành công nghiệp này nhanh chóng
thu hút số lượng lớn lao động, nông dân nghèo bỏ ruộng đi vào các đồn điền chè
làm nô lệ như dân Việt Nam đi cao su cho Pháp.
Những đồi chè mộng mơ ở Darjeeling – vùng trồng chè nổi tiếng với thương hiệu
Darjeeling tea. Toàn Ấn Độ dùng chung một múi giờ nhưng riêng những vùng trồng
chè tập trung ở Assam và Tây Bengal tự ý dùng một múi giờ khác, sớm hơn một tiếng.
Vì những bang ở phía Đông Bắc này trên thực tế đón ánh sáng mặt trời trước nên
đổi giờ để người ta đi trồng và thu hái chè cho sớm sủa.
Thế nhưng người Ấn vẫn không quen uống trà cho đến khi người Anh phải nghĩ ra
chiến dịch quảng bá trà để đẩy mạnh tiêu thụ ngay tại Ấn Độ. Các công ty của
Anh cho công nhân người Ấn uống trà vào những lúc nghỉ giải lao, dần dà đâm
nghiện lúc nào không biết (cùng một bài với Pháp cho dân An Nam hút thuốc phiện).
Thế là thói quen uống trà lan ra khắp Ấn Độ cùng với mạng lưới đường sắt thông
qua những người công nhân làm đường.
Người Anh ban đầu giới thiệu trà có cho thêm một chút xíu đường và sữa nhưng
người Ấn Độ đã chế ra chai của họ, trà đặc, nhiều sữa, nhiều đường và thêm các
loại gia vị. Trà sữa là một cách uống trà du nhập từ Trung Quốc nhưng lại không
được đông đảo người Trung Quốc ngày trước dùng. Vì đó là thói quen của các bộ tộc
du mục phương bắc, cho sữa hoặc bơ vào trà để tăng cường năng lượng, trong đó
có dân tộc Mãn Châu nên trà sữa chỉ được giới quý tộc Mãn Thanh sử dụng. Người Ấn
Độ trước kia thường dùng sữa trâu để cho vào trà nhưng ngày nay hầu hết dùng sữa
bò. Sữa được cho vào đun sôi cùng với trà. Khác với trà xanh chỉ dùng nước nóng
già khoảng 80°C, trà đen cần phải đun sôi ở 100°C để hoàn chỉnh hương vị. Chất
tannin trong trà có vị càng đắng khi tiếp xúc với nhiệt càng lâu, nên trà xanh
không được đun sôi là vì thế.
Sau đây xin giới thiệu một công thức đơn giản (nhưng gia truyền của nhà hàng) để
các bạn có thể tự làm dễ dàng ở nhà một cốc chai theo phong cách Ấn Độ:
800 ml nước lã
200ml sữa tươi (tỉ lệ sữa:nước là 1:4)
6 teaspoon trà đen (nếu không tìm mua được thì có thể xé gói trà Dilmah ra
dùng, đây là một nhãn hiệu của Sri Lanka, chất lượng tốt hơn Lipton)
1 teaspoon tiểu đậu khấu (cardamom) khô hoặc bột
1-2 nhánh gừng tươi (đập dập chứ không cắt lát để lấy nước cốt)
1,5-2 tablespoon đường trắng (độ ngọt là tùy khẩu vị)
Cứ thế lần lượt cho vào cái nồi con rồi đun sôi bùng lên trong 2-3 phút là được.
Đổ ra cốc qua cái lọc để bỏ phần cái đi
Tái bút: Nhân thấy có cái chữ teaspoon trong công thức lại ngứa tay viết thêm.
Chữ teaspoon được dùng trong công thức nấu ăn theo thông lệ quốc tế (ở ta hay dịch
là thìa cà phê) cũng bắt nguồn từ việc xúc trà ra ấm. Ngày trước, giới nhà giàu
ở Anh làm những cái hộp thật đẹp bằng vàng bằng bạc chỉ để đựng trà gọi là tea
caddy và dùng một cái thìa bạc to chạm trổ đẹp để lấy ra gọi là caddy spoon.
Tea caddy và caddy spoon bằng bạc
Từ caddy spoon lại dùng một cái thìa nhỏ hơn để chia ra theo số lượng cần pha.
Trà đắt nên một teaspoon bé tẹo là đủ cho một cốc trà rồi. Teaspoon từ đó trở
thành một đơn vị đo lường chính thức trong Hệ đo lường Anh (mà trên thế giới cũng
chả còn nước nào ngoài Mỹ vẫn bướng không thèm công nhận Hệ đo lường Quốc tế).
Một teaspoon trong ngành công nghiệp thực phẩm Mỹ được quy định bằng 5ml.
Trà: cha, chè, chai, chay, tê…, và còn gì nữa?
Hieniemic
“If you are
cold, tea will warm you. If you are too heated, it will cool you. If you are depressed, it will cheer you. If you are excited, it will calm you.” (William Gladstone – thủ tướng Anh thế kỉ 19)
Chữ “trà” lẫn chữ “chè” trong tiếng Việt bây giờ mình dùng là từ Hán Việt. Người
Tàu viết chữ 茶 để chỉ cả cái
loại cây lẫn cái loại thức uống. Tiếng Nhật cũng xài chữ kanji 茶 và đọc là cha, trà xanh người ta kêu
là o-cha và trà đen thì kêu là ko-cha. Người Triều Tiên cũng gọi là cha. Trong
tiếng Việt mình, ở miền Bắc, cả từ chè và trà được dùng như nhau, nhưng ở miền
Nam, theo thông lệ thì người ta hay kêu cái loại cây là cây chè còn cái loại nước
là nước trà.
Trà xanh o-cha của Nhật. (Ảnh trong toàn bài là từ nhiều nguồn trên internet)
Trà đen ko-cha, dù ko-cha trong tiếng Nhật nghĩa là trà đỏ, nhưng thế giới xếp
ko-cha vào loại black tea (trà đen).
Nước Trung Quốc là một cái nước rất bự nên cách phát âm chữ 茶 cũng biến thiên vô kể. Ở vùng Nam
Trung Hoa, có chỗ người ta đọc là tê. Người phương Tây sau khi nhặt được cái
cây và cái loại nước uống đó về thì cũng dùng cái kiểu phát âm này mà gọi. Tiếng
Latin gọi là thea (tê-a), tiếng Anh gọi là tea, tiếng Pháp gọi là thé (đọc là tê).
Một nguồn phát âm nữa là từ tiếng Ba Tư. Tiếng Ba Tư ngày xưa lấy từ tiếng Tàu
mang về và gọi trà là chay. Từ đây, chữ chay lan ra khắp các vùng Tiểu Á, Trung
Á, Ả Rập, Nam Á và Địa Trung Hải. Tiếng Nga kêu là чай (chai). Tiếng Hy Lạp kêu
là τσάι (cũng là chai luôn). Vài ví dụ thế thôi.
Trên mạng có mấy ông rảnh rỗi ngồi võ đoán rồi kết luận hùng hồn gì đó rằng từ
“trà” không có nguồn gốc từ phương Bắc như trước giờ vẫn lầm tưởng mà vốn có
nguồn gốc phương Nam. Chả hiểu ba cái kết luận đó có ích lợi bổ dưỡng gì ngoài
việc tự vui sướng với những cái danh tự mình gán cho mình và góp thêm phần vào
phong trào bài Tàu cực đoan, nhưng mặc kệ gì thì gì, cả thế giới đều gọi cái loại
thức uống đó bằng các âm từa tựa nhau và có chung một nguồn gốc.
Thế trong trà có cái gì?
Trong trà có khá là nhiều hợp chất hữu cơ. Hợp chất hữu cơ đại khái là tất cả hợp
chất chứa nguyên tố carbon, trừ CO2, các muối carbonate, carbonic acid, và các
carbide (ví dụ như Al4C3) đều là hợp chất hữu cơ. Các hợp chất hữu cơ trong trà
đại loại nêu sơ lược gồm có caffeine, theanine và các hợp chất polyphenol.
Bảng thống kê lượng caffeine trong trà và cà-phê, như vậy trà Yerba và trà đen
là hai loại có hàm lượng caffeine cao nhất
Trước nhất nói tới caffeine đi. Đọc tên cái chất này thì hẳn phải nghĩ ngay tới
cà phê. Caffeine được tách đầu tiên từ hạt cà phê. Nó là một chất kích thích thần
kinh. Vì sao caffeine gây kích thích thần kinh thì có thể hiểu thế này: khi cơ
thể hoạt động sẽ sinh ra một chất kêu là adenosine. Tới một mức nào đó thì những
phân tử adenosine sẽ gắn vào các thụ thể (receptor – một thứ radar tí hon) trên
hệ thần kinh, làm giảm hoạt động của các tế bào thần kinh. Kết quả của việc này
làm cho cơ thể bớt tỉnh táo và… buồn ngủ.
Caffeine lại có cấu trúc gần giống với adenosine. Khi uống caffeine vào, nó
tranh chỗ của adenosine và bám vào các receptor. Ít adenosine bám vào hệ thần
kinh hơn nên cơ thể tỉnh táo hơn. Ngoài ra, caffeine còn kích thích tuyến yên ở
trên não làm tiết ra adrenaline (là hormone tuyến thượng thận, ad- là ở trên
(thượng), renal là tính từ để chỉ thận). Adrenaline là hormone hay tiết ra khi
cơ thể bị đặt vào tình huống nguy hiểm, stress hay căng thẳng, nó làm tim đập
nhanh hơn, thở dốc hơn, máu chảy đến các cơ bắp mạnh hơn, đồng tử giãn ra, lông
dựng lên, … đại khái là đặt cơ thể vào trạng thái sẵn sàng cho phản ứng
fight-or-flight (mình thích dịch là đánh hay tránh), nghĩa là trang bị cho cơ
thể để sẵn sàng giải quyết khó khăn, hoặc là chống lại, hoặc là bỏ chạy. Phản ứng
này là phản ứng có lợi cho sinh tồn và chắc hẳn là đã được chọn lọc tự nhiên giữ gìn.
Nhiều người cũng uống trà vào buổi sáng cho tỉnh táo, trong ảnh là bữa sáng với
trà chanh, bánh mì mứt và trái đào hầm
Trong trà còn có theanine, là một amino acid. Theanine là một chất làm dịu căng
thẳng và giúp tỉnh táo. Theanine, nhìn tên ta có thể thấy được gốc từ thea-
trong tiếng Latin, chỉ trà. Theanin tìm thấy nhiều trong trà hơn là cà phê. Do
trong trà có cả caffeine lẫn theanine nên uống trà thường có cảm giác dễ chịu.
Nhiều người uống trà được nhưng uống cà phê vào thì hơi khó chịu chắc là do vậy.
Thứ ba là các hợp chất polyphenol. Poly- nghĩa là nhiều, phenol là từ chỉ những
cái vòng sáu cạnh có cái vòng tròn ở giữa nhìn giống như tổ ong trong hóa hữu
cơ, gắn thêm gốc -OH. Polyphenol chỉ những hợp chất có nhiều cái vòng đó. Nhiều
bạn hẳn cũng biết rằng trong trà có cái chất gì đó chát và rất có lợi kêu là
tannin, cũng là tên khác của những hợp chất polyphenol. Khi người ta hái lá
chè, lá chè sẽ bắt đầu tiết ra những enzyme làm oxy hóa những hợp chất
polyphenol này. Để hạn chế điều này, chè sau khi hái sẽ được đưa ngay vào công
đoạn sao chè, nghĩa là cho chè vào lò “rang” lên bằng nhiệt độ cao, mục đích là
để làm biến tính các enzyme đó, khiến cho nó không oxy hóa các polyphenol được
nữa.
Nghiên cứu tách chất polyphenol trong trà để làm thuốc
Các polyphenol trong trà điểm danh có 4 tên sau đáng chú ý: EC (epicatechin),
ECG (epicatechin gallate), EGC (epigallocatechin), EGCG (epigallocatechin
gallate). EGCG nghe khá quen nếu các bạn để ý quảng cáo trà xanh 0 độ hay trà
xanh C2 gì đó, có câu “hàm lượng i gi xi gi cao”. Mấy cái polyphenol này là chất
chống oxy hóa.
Nhưng chất chống oxy hóa là gì? Đến đây, bạn nào ghét môn Hóa đừng đọc nha…
Trong cơ thể có một dạng phản ứng gọi là oxy hóa-khử. Quy ước là: cứ một chất
khi truyền electron cho chất khác thì nó là chất khử, hay nói cách khác là nó bị
oxy hóa. Quá trình này sẽ tạo ra các gốc tự do, nghĩa là 1 phân tử hay ion chứa
một electron tự do, độc thân. Những kẻ độc thân tự do này có nhu cầu kết bạn,
nên sẽ tạo ra chuỗi phản ứng, bằng cách cướp electron từ phân tử khác, biến cái
phân tử kia thành gốc tự do mới. Quá trình này gọi là oxy hóa. Mấy nhà khoa học
nói quá trình này liên quan mật thiết tới lão hóa.
Thế rồi xuất hiện những “anh hùng” – những phân tử mang danh chất chống oxy hóa
(antioxidant), là những kẻ dư electron, chúng sẽ gắn thêm electron cho mấy cái
gốc tự do kia để hết còn đi oxy hóa người ta. Do đó, chắc là cứ tọng vào người
nhiều chất chống oxy hóa thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, trẻ lâu!
Chất polyphenol trong trà có mặt nhiều trong các loại thuốc chức năng, nhằm chống
lão hóa, lọc máu, giảm béo, tang sức đề kháng…
Mình hiện đang học ở Anh nên nói tí về trà Anh. Nước Anh là một nước người ta rất
thích uống trà. Trà ở đây người ta nhập về chủ yếu từ Sri Lanka và người ta hay
uống trà nóng với sữa. Người Anh uống trà truyền thống là trong tiệc trà buổi
chiều. Họ uống trà và ăn bánh. Có một kiểu tiệc trà đặc trưng là trà kem (cream
tea), uống trà ăn bánh scone phết kem bơ sữa và mứt dâu. Cái truyền thống này bắt
nguồn từ vùng Devonshire và được coi là rất đặc trưng Anh Quốc.
Trà chiều của người Anh
Mình từng vào một cửa hàng trà ở Winchester. Ở đó người ta bán đủ các thể loại
trà. Một cửa hàng nhỏ có một đống các lọ thủy tinh chứa các loại trà với vô số
loại mùi. Người ta ướp trà rất hay, đủ các hương, từ mùi rất ngọt của đào, hay
của berry, hay của táo, hay của vải ,cho tới trà hương chanh hương cam hương xả,
đến cả hương oải hương rất gắt…, trông (và ngửi) rất thích mắt (và mũi). Thích
nhất là cái trà trộn lẫn với cánh hoa anh đào sakura có mùi rất ngọt.
Công ty sách Nhã Nam có xuất bản cuốn Trà Kinh của Lục Vũ, nếu các bạn muốn tìm
hiểu thêm xem người Tàu uống trà thế nào và cách chế biến trà truyền thống đại
loại ra sao thì có thể coi tham khảo. Người Việt mình có cái trà sen là hay được
coi là trà truyền thống của Việt Nam, cứ tôi tối chèo thuyền ra đầm sen nhét trà
vào những búp sen non rồi buộc lại, sáng hôm sau lại chèo ra hái sen về, hứng
luôn sương sớm đọng trên lá sen đúng kiểu Nguyễn Tuân rồi đem túm trà vào lá
sen mà nướng, sau đó thì pha uống. Coi ra người mình cũng hay ho, có nhiều thú
chơi và thời gian gớm. Người Việt mình còn uống trà xanh nữa, nghĩa là lấy lá
chè già nhưng còn tươi chứ chưa sấy hay sao gì cả, hãm vào nước sôi ra nước màu
vàng tươi rồi uống.
Trà sen Việt Nam
“Đến như loài người, muốn đỡ khát thì uống lấy nước, muốn tiêu sầu thì uống lấy
rượu, còn muốn tỉnh mộng mê thì uống lấy trà.” (Lục Vũ)
Đặng Thái
Tại sao các tù nhân thời xưa lại yêu cầu hành quyết vào mùa thu và 3 giờ buổi trưa? Bí ẩn lớn đằng sau
Ảnh minh họa.
Theo sổ sách ghi lại, hệ thống hành quyết có nguồn gốc từ thời nhà Chu. Ba tháng thu đông là tháng 7, 8, 9 âm lịch, cũng là 3 tiết của mùa thu. Điều này liên quan đến quan niệm thần quyền tự nhiên của người xưa, tức là tuân theo ý trời, xuân hạ là mùa vạn vật sinh sôi, thu đông là mùa cây cối khô héo, tượng trưng cho giá rét.
Đồng thời, mùa thu tương ứng với “vàng” trong ngũ hành, tức là vạn vật lúc này im lặng, sinh khí kém nhất, vàng tượng trưng cho dụng, đốn hạ, là đại diện cho sự hủy diệt. Tuy nhiên, nếu phạm tội lớn như phản quốc thì không bị giới hạn và có thể bị tử hình ngay lập tức.
Về thời điểm lựa chọn xử trảm vào "ba giờ trưa", tức là 11 giờ 45, có hai giả thuyết, thứ nhất, theo sử sách ghi lại, vào lúc ba giờ trưa, mặt trời ở tâm, và bóng trên mặt đất lúc này là thời kỳ ngắn nhất cũng là thời kỳ dương khí thịnh nhất, dương khí có thể trấn áp và xua tan âm khí, đề phòng hồn ma của tử tù ám ảnh. Việc hành quyết nên được tiến hành khi dương khí đang thịnh nhất.
Một cách nói khác là vì những tù nhân bị kết án được đưa đến nơi hành quyết rất sớm, họ không được ăn gì trong suốt thời gian đó, và họ sẽ không thể quỳ gối trong một thời gian dài sau khi đến đó. Hầu hết tù nhân đều đã kiệt sức, ánh mặt trời giữa trưa càng thêm chói mắt, khiến cho tù nhân mất trí, dù có bị chém đầu cũng không còn nhận thức được bao nhiêu, tự nhiên cũng không còn bao nhiêu sức lực để chống cự, tỷ lệ hành quyết thành công vào thời điểm này rất cao, và nỗi đau của tù nhân cũng có thể được xoa dịu.
Theo Hồ Yên/ Công Lý & Xã Hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét