Lỡ kẹt lắm thì nình ông mới xách giỏ đi chợ, dĩ nhiên là theo...lệnh bà. Bà đưa tiền và dặn phải mua cái nầy cái nọ thì mình phải làm y như vậy đúng theo “quyền lực mềm” để tránh chiến tranh.
Thuở đó, xách giỏ vô chợ mắc cở thấy mồ tổ, đôi khi còn bị mấy con nhỏ bạn hàng trêu ghẹo chế ngạo nữa.Tụi nó nói là đàn ông gì mà đi chợ, là đàn ông gì mà trả giá kỳ kèo còn hơn đàn bà con gái nữa, v.v...Tiền bạc đưa ra, thối lại đều theo lối tính rợ, chớ có xài máy tính, có receipt gì đâu nên dễ bị thối thiếu lắm. Nhứt là đàn ông con trai thì lại càng dễ bị gạt hơn. Chẳng lẽ mình đứng đó mà đếm tới đếm lui hoài sao, coi sao cho đặng...Thôi, họ thối bao nhiêu thì họ biết, mình mau mau thồn hết vào túi rồi vọt lẹ cho rồi, để tránh cái cười...nhạo báng của con nhỏ bán hàng quê lắm.
Đôi khi, tiền còn dư được chút đỉnh thì mình giữ lấy, kể như tiền tip, đủ uống ly nước mía hay làm một cái cà phê phé nại hoặc xây chừng bên lề đường. Nếu hổng đủ tiền lẻ thì làm một cái lưng chừng cũng đỡ ghiền...(phé nại: cà phê sữa, lưng chừng:1/2 ly cà phê đen nhỏ, xây chừng: cà phê đen nhỏ nguyên ly).
Nụ cười tươi mát của cô chủ quán và nước trà free, uống bao nhiêu, ngồi bao lâu cũng được.
Mấy năm đầu sau 75, đồ đạc trong nhà đem bán bớt hết nên ít có nhà nào còn xài tủ lạnh. Mỗi ngày mấy bà, mấy cô, mấy dì, mấy mợ, mấy thím, mấy chị, mấy em gái thường hay xách giỏ đi chợ, mua đồ đủ ăn trong ngày chớ ít ai có cái lệ mua trữ để ăn cả tuần như tại hải ngoại. Cánh đàn ông con trai thì ở nhà làm chuyện khác hay phì phà điếu thuốc mơ tưởng chuyện vượt biên…
Mà các bạn có biết không, chợ là nơi để mấy bà gặp nhau mỗi ngày, nhỏ to tâm sự, chem chép với nhau, bàn chuyện đàn bà, chuyện đánh ghen, chuyện con mẹ kia chài thằng cha nọ, chuyện con nhỏ nầy sao nó ngựa quá thấy mà phát ghét, v.v... Rồi thì sẵn dịp ngồi xề xuống sạp làm bậy một tô bánh canh giò heo, hoặc một tràng bánh hỏi thịt nướng thơm phức để rồi còn có sức mà… nói tiếp nữa chứ.
Ngày đó, bà xã tui thường đạp xe mini đi chợ một mình. Ngày cuối tuần, người gõ lấy xe honda hai bánh chở vợ đi chợ. Tới nơi, hai đứa thường tìm cái gì lót bụng trước đã... Sau đó tìm chỗ đậu xe, và bả dặn tài xế ra chờ tại ngã tư Phan đình Phùng/Nguyễn an Ninh, ở đó tha hồ mà nhìn ngắm các cô đi qua các bà đi lại để giết thời giờ. Khỏi cần biểu, em ơi!
Thời điểm đó, hai vợ chồng sống tại thị xã Cần Thơ. Nhà lồng chợ nằm ở dưới bến Ninh Kiều. Bạn hàng bán buôn ì xèo, loạn xà ngầu dưới bến và ngay cả trên bờ quanh chợ.
Bà xã kể rằng bả đi chợ quá thường xuyên, mua dễ nên bạn hàng quen mặt và rất thích nên mỗi khi thấy mặt bả là họ kêu réo um xùm mời cô Tư mua mở hàng dùm...
Đó là chuyện đời xưa, lúc hai đứa đang ở lứa tuổi ngoài 30, tràn đầy sức sống.
Thế rồi thời gian qua mau…
Đi chợ bên nầy, ngày nay
Tại hải ngoại thì khác. nam nữ bình quyền mà. Chuyện chợ búa và bếp núc là chuyện của cả đàn bà lẫn đàn ông. Hễ ai rảnh rỗi thì người đó nhận lãnh. Còn như muốn tình nguyện lãnh luôn thì càng tốt.
Phần đông thiên hạ đều đi chợ vào những ngày cuối tuần.
Thứ năm là ngày lãnh lương của công nhân hãng xưởng, nên chiều thứ năm thì tất cả chợ búa và siêu thị đều bắt đầu rộn rịp lên hết.
Ai cũng đi chợ vào những ngày cuối tuần để mua sẵn đồ ăn cho cả tuần tới. Nhà nào có con đông thì mua khẩm đồ, đầy nhóc một xe... để đẩy, để xách mệt nghỉ.
Khuynh hướng đi chợ Costco có mòi gia tăng trong những gia đình đông con. Giá tương đối rẻ nhưng bắt buộc phải mua khối lượng lớn. Sẵn tiện ghé ăn hotdog va uống coca thả cửa chỉ tốn có 2$ mà thôi.
Từ vài năm nay, Canada bắt chước Việt Nam mình ngày xưa, hễ đi chợ thì phải xách theo túi, giỏ để đựng đồ, nhưng lỡ có quên cũng hổng sao, nhưng phải trả thêm 5 xu cho một cái xắc plastic. Lý do để hạn chế ô nhiễm môi sinh vì vấn đề phế liệu plastic (?).
Những năm đầu khi mới định cư Canada
Nhớ những năm đầu 80 khi mới qua định cư tại Montréal, nghèo rớt mồng tơi mà dám chơi sang hết biết. Cuối tuần thì tụi nầy lôi hai đứa nhỏ đi chợ với Pa Má. Đi bằng métro/bus chớ có xe cộ riêng gì đâu. Đi một vòng hai ba chợ cùng trong một buổi chiều...
Đầu tiên thì xuống chợ cá, còn gọi là chợ Roy mua đầu cá: 1 đô 1 cái đầu, về nấu canh chua ăn tanh rình tanh ói. Kế là chợ trái cây 4 Frères ở đường Avenue du Parc, rồi đón bus xuống chợ Việt Nam ở đường St Laurent (gần métro St Laurent) phố Tàu để mua lặt vặt vài ba món đồ và rau thơm. Có khi thì xuống tiệm Thu, cũng nằm trên St Laurent ngày nay. Hai chợ Việt Nam và chợ Thu đã biến mất từ lâu lắm rồi.
Sau cùng là vợ chồng và hai đứa con khệ nệ xách đồ leo lên bus về chợ Tây Provigo đường Mt Royal gần nhà để mua thịt, sữa, bánh mì... Xong xuôi hết thì lết bộ, lội tuyết vài ba trăm mét về apt.ở đường Fabre gần Parc LaFontaine. Vô nhà, đồng hồ chỉ 7giờ rưỡi tối. Cái ngộ là hồi đó mình không có mắc nợ ngập đầu như bây giờ.
Chơi sang chỉ biết xài tiền mặt thôi, chớ hồi đó có biết mặt mũi Visa, Master Card ra làm sao đâu.
Ăn không có bao nhiêu mà hổng biết tại sao mình phải chịu mệt xác như vậy!
Hai đứa nhỏ thì mừng lắm vì mỗi khi đi chợ với Pa Má thì được cho ăn Mc Do. Tụi nó cũng phụ một tay xách đồ lăng xăng thấy tội nghiệp. Đây là chuyện của những năm đầu 80 khi mới định cư tại Montreal.
Đó là những ngày xưa thân ái, những ngày hạnh phúc nhất của gia đình nhà gõ.
Khi đã ổn định và có xế hộp.
Sau nầy khi đã đi làm, thì có xế hộp nên cũng đỡ hơn.
Tuần nào mình cũng có bổn phận làm tài xế chở vợ đi chợ và đẩy xe tò tò phía sau bà nhà như hầu hết các ông chồng khác. Nghề nầy rất tốt cho sức khỏe thể xác và tâm thần. Bảo đảm không bao giờ bị mất job.
Còn nhớ một hôm trong chợ Á Đông, thình lình có tiếng đàn bà phía sau lưng gọi anh ơi anh ởi, rồi còn khều lưng nữa chớ. Mình quay lại thì có một cô nào lạ hoắc hà. Té ra là cô ta xớn xác muốn gọi ông chồng đứng đâu đó mà lộn với mình. Mình hết hồn hết vía vì có bà xã bên cạnh, sợ bả hiểu lầm thì mệt. Còn phần cô ta chắc cũng hết hồn mà còn bị quê nữa (chắc chồng cô ta đầu cũng hói như mình). Không phải tại có tịch nên hay giật mình đâu. Đây chỉ là tình ngay lý gian mà thôi!
Có một lần khác, trong lúc mình đang ngó chỗ khác, có bà nào đó tự nhiên đem bỏ thêm vài ba món vào xe của mình rồi ung dung đẩy cái xe của mình đi tỉnh queo. Té ra bà ta lộn xe (có lẽ vì lựa đổ gần giống nhau quá). Thiệt là vô ý vô tứ hết sức!
Có khi chợ đông quá, lối đi lại chật chội, đẩy xe không kịp, không thấy bà xã, hổng biết bà chủ lủi ở đâu mất tiêu (chắc còn chạy đi kiếm trái cóc) … Lại phải mất công chờ thêm tí nữa!
Tại các chợ A Đông, trong khi chờ trả tiền, ôi thôi mình thường chứng kiến hoạt cảnh của những người “vui tánh” bô lô ba la và nổ với nhau toàn chuyện riêng tư của họ nghe mà phát mệt.
Rồi còn cái vụ, có người đi chợ mà cứ tưởng họ đang ở trong nhà họ, tự tiện để xe nằm chình ình choán giữa lối đi, cản trở lưu thông, không ai qua lại được hết. Mất lịch sự hết biết. Thường thấy ở mấy chợ Á Đông nhiều hơn là chợ Canadian., có lẽ nhờ chợTây rộng rãi hơn chăng?.
Ra quầy tính tiền, thì phải xếp hàng, kẻ trước người sau đông ơi là đông.
Mấy năm gần đây phần lớn chợ Tây đều có các “két tự động” libre service. Mình tự scan lấy đồ mua, bỏ vào xắc, tự trả tiền vô máy, xong thì xách đồ đi về thơi thới.
Người gõ thuộc thế hệ cao niên, thông minh nhưng lại chậm hiểu nên hơi lọng cọng với ba cái kỹ thuật mới nầy lắm. Cứ làm trật vuột hoài, lúc nào cũng phải đứng đó chờ cô em trách nhiệm lại giúp.
Thôi, thà đứng xếp hàng bên phía quầy có caissière cho tiện việc hơn.
Trong gia đình, chuyện chợ búa do các bà quyết định.
Trong gia đình VN, chợ búa mua cái gì là do mấy bà quyết định. Đây cũng là trường hợp chung của các xứ Âu Mỹ.
Mỗi chiều thứ tư, thì người ta quăng dủ thứ tờ quảng cáo bươm bướm bán sale vô nhà mình.Bà xã gom góp lại và nghiên cứu kỹ lưỡng theo nhu cầu trong tuần và budget gia đình.
Mình muốn ăn cái gì thì phải đề nghị, bàn tính trước để bà xã xem lại giá cả, so sánh cái nầy với cái kia, chợ nầy chợ kia, nên hay không, mắc hay rẻ, nên mua ở đâu, ở chợ nào cho có lợi, v.v…
Mình thấy bà xã đôi khi cũng có lý.
Nói chung đám nình ông không có thói quen nầy.
Một số bạn chắc cũng như mình, hễ thích món nào là mua món đó, tiền bạc mắc rẻ chút đỉnh cũng hổng sao, không quan trọng. Bận tâm chi ba cái lẻ tẻ.Thấy cục thịt bò nào mình ưng ý thì a lê hấp, lấy thẩy vô xe mà ít khi nào check lại cái giá theo đơn vị price per/kg.
Mình còn có tật làm biếng, nhiều khi không chịu kiểm soát coi cái gì còn cái gì hết trong tủ lạnh trước khi đi chợ nên cắm đầu lấy thẩy vào xe một cách vô tội vạ. Về nhà mới té ngửa ra là đã có món đó trong tủ lạnh rồi. Bị cự cũng không oan.
Rau cải, trái cây là vấn đề nan giải nhứt, vì là hàng mau hư. Có khi các chợ Tây bị ối đọng hàng hóa nên phải bán bỏ để khỏi hư. Chẳng hạn chợ Trái cây Fruiterie 440, họ thưởng bán sale cải salade dún 1$/ba bó. Mỗi bó tươi rói lớn hơn ba bàn tay, hai vợ chồng ăn một bó một tuần cũng hổng hết. Thấy rẻ thì ham, mua về hổng có chỗ nhét vô tủ lạnh, vì còn nào là rau muống, cải bẹ xanh, khổ qua, bầu bí, trái cây, v.v…Nhiều khi rau cải thúi trong tủ lạnh mà mình cũng hổng hay.
Còn cái vụ lựa bắp tươi. Tây tụi nó lựa rất lâu vì tụi nó chỉ thích bắp non. Ngược lại, mình thì khoái bắp già, trái to, hạt to, càng cứng càng tốt. Chỉ cần 5 phút là lựa xong 24 trái bắp tốn 3$.
Mua dưa hấu, thì mình ôm lên, kê ngang tai và búng nhè nhẹ nghe kêu bon bon là được khiến Tây trắng lé mắt hết (chắc hổng biết cái ông nầy lựa cái kiểu gì?). Thật ra mình cũng chẳng biết gì hơn ông Tây.
Vấn đề khuyến mãi để móc túi thiên hạ
Vấn đề khuyến mãi marketing là một vấn đề rất khoa học. Con buôn nắm lấy tâm lý ham rẻ của người tiêu thụ nên triệt để khai thác, bắt buộc họ mua số lượng lớn để tiết kiệm được một hai đồng. Rồi còn những mặt hàng họ cố ý trưng bày ngay cửa, cạnh caisse trả tiền với những lời quảng cáo đầy màu sắc gợi sự chú ý, đó là những mặt hàng họ cố tình tạo cho người mua tâm lý thôi thúc phải mua ngay nhưng mua về thì cũng hổng có sử dụng. Khoa học gọi đây la impulse buying.
Đàn ông Tây đi chợ cũng khá nhiều và thường là họ có làm một cái liste những gì họ cần phải mua.
Hai vợ chồng tụi nầy thì hầu như tuần nào cũng y như tuần nào, mua cũng bao nhiêu thứ đó mà thôi. Khỏi cần làm liste mất công, ngoại trừ khi nào nhà chuẩn bị đãi tiệc thì bà xã mới làm liste phải mua những gì cần mua cho buổi tiệc mà thôi.
Khi nào ghé chợ mua ít đồ, thì bà xã đi vô mua một mình, còn mình ở lại xe xem báo hoặc đánh một giấc cho sướng tấm thân già.
Nếu có mua gạo hay nước mắm thì mình phải đi theo để xách và đẩy xe ra. Nói chung, nếu có chồng đi theo thì chắc bà xã vẫn vui hơn!
Đi chợ một mình
Đôi khi bà xã bận việc, mình được vợ giao tiền cho đi chợ một mình. Trước khi đi, bả dặn dò đủ điều, nên mua thứ nào, phải xem như thể nào thí dụ như mua hột gà nhớ mở ra coi có hột nào nứt bể không; fromage đầu bò bao nhiêu tiền một hộp, nhớ đưa coupon cho họ bớt tiền; mua sữa nhớ xem ngày hết hạn sử dụng expiration date; trả tiền xong đứng lại check coi có đúng hay không, coi chừng người ta ăn gian đó như mua hai hộp lại tính ba hộp, mua loại tomate 99 xu/lb lại tính loại 1.50$/lb; tiền lẻ thối lại nhớ đếm kỹ đừng thấy con nhỏ caissière liếc nhìn rồi lính quýnh, hớp hồn nên quên hết; Sao bả đoán đúng quá vậy? Nhớ check lại receipt coi đúng không.
Nhớ mua món nầy xong rồi chạy qua tiệm nọ mua món khác vì ở đó rẻ hơn.Có khi mua có ba bốn món mà phải chạy qua hai ba chợ...Làm như xe chạy bằng nước lạnh không bằng!
Theo các nhà tâm lý học, họ khuyên các bà xã đừng gọi phone vô sở bảo ông nhà xong giờ làm việc ghé qua chợ coi cái gì được mua về làm cơm chiều. Khi đói bụng ông xã thường hay có khuynh hướng thấy món nào cũng ngon hết nên mua quảng mua tiều đủ thứ. Tốn tiền vô ích. Đúng là đói con mắt!
Mua món gì thì nên đi thẳng lại nơi có trưng bày những thứ đó. Mua xong thì nên lẹ lẹ đi ra chớ đừng có dại mà đi vòng vòng tiệm coi họ có bán cái gì lạ không. Thế nào cũng bị ngứa con mắt mà mua thêm những thứ thật sự không cần thiết.
Coi chừng bị ăn gian giá cả
Hầu như các siêu thị Tây tại Montreal đều chủ trương bán bằng giá với các siêu thị đối lập nếu chúng ta đưa cho họ xem tờ quảng cáo hàng sale của tiệm đối lập.
Tại một vài siêu thị Quebec, như chợ MAXI, tại Montreal nếu quầy két tính lố giá niêm yết, (như thay gì niêm yết 0.99$/lb, họ lại tính 1.50$/lb). Áp dụng Politique dexactitude des prix của họ, chúng ta có quyền đến quầy khiếu nại (còn gọi là “quầy nghe chửi”) customer service trình receipt, hay coupon de caisse – Nếu món hàng giá dưới 10$, mình sẽ được hoàn lại tiền đã trả mà còn được biếu free món hàng cầm về.
Nếu giá sản phẩm trên 10$.(thí dụ 12$). Mình phải trả nguyên giá nhưng được bớt 10$. Nghĩa la mình chỉ phải trả 2$ mà thôi.
Luật không áp dụng cho các mặt hàng như: rượu chát, bia, thuốc lá, sữa và thuốc men…
Hơi mất công chờ đợi nhưng có lợi và nhứt là đỡ ấm ức trong bụng,.
Mấy tiệm Á Đông thì đừng hy vọng cái vụ nầy. Chuyện tính ẩu cũng thường hay xảy ra lắm.Vô tình hay cố ý? Thí dụ mua 3 lon họ lại nhấn máy thành 4 lon, mua loại rẻ tiền tính theo loại giá đắt tiền hơn v,v…Về tới nhà mới kiểm soát receipt thì trễ quá. Chỉ còn biết kêu Trời mà thôi.
Cũng có tiệm Á Đông bên Brossard, gần Montreal, receipt của họ toàn là biên có một chữ grocery từ trên xuống tới dưới … thì làm sao mình phân biệt được món nào là món nào.
Tức quá thì trở lại tiệm hỏi cho ra lẽ để tức thêm và tốn xăng, tốn thời giờ vô ích cho 1-2 $.
Đây là luật mà ít người biết.
Dédommagement en cas derreur de prix
http://www.opc.gouv.qc.ca/
Prenez le temps de vérifier votre coupon de caisse avant de quitter le magasin. Si vous constatez une erreur, vous pourrez faire appliquer la politique sur-le-champ.
Vous vous rendez compte de lerreur après coup? Vous pouvez retourner chez le commerçant et demander le dédommagement prévu par la politique.
Các nhà tâm lý học nói gì?
Tạp chí La Semaine vol 6 No 21 tháng 7/2010 vừa qua có đăng bài “Hommes et Femmes: à chacun son épicerie” có nêu nhiều điểm khác biệt trong cách đi chợ giữa người đàn ông và người đàn bà. Sau đây là những điểm chính yếu qua nhận xét của nhà tâm lý học Yvon Dallaire và nhóm Environics Research Group:
-/ Đàn ông thường hay ghé chợ để mua lặt vặt những gì họ đang thiếu trước mắt mà thôi. Đàn bà thì khác, các bà quy hoạch rất kỹ, lo xa nên chỉ đi chợ một tuần một lần mà thôi.
-/ Chỉ cần nhìn vào chiếc xe đẩy trong chợ cũng đủ thấy có sự khác biệt về thói quen và gu mua sắm giữa đàn ông và đàn bà. Các ông không có nhu cầu và sở thích giống như các bà về mặt ăn uống.
-/ Xe của quý bà, hàng hóa thường bỏ lộn xộn, không thứ tự. Quý ông đầu óc rất khoa học (cartesien), theo bản năng tự nhiên, họ sắp xếp sản phẩm theo từng loại chẳng hạn như rau quả chung với nhau ở một phía, thịt thà cá tôm thì theo một phía khác, v.v…
-/ Đàn ông thường có cầm theo cái liste mua sắm nhưng kẹt một nỗi là quý ông hơi ích kỷ (égoistes) nên có khuynh hướng hay mua bốc đồng (achat impulsif) nhiều hơn các bà. Quý bà thì có lòng rộng lượng (altruistes) hơn, thường nghĩ chung cho cả gia đình trong lúc mua. Trong thực tế, có khi cái liste trong tay các ông là do chính tay bà viết ra vì bà biết cái gì còn cái gì thiếu trong tủ lạnh hay trên kệ…
-/ Khảo cứu của MasterCard cho biết đàn ông thường dễ tính (indulgence) nên có khuynh hướng hay mua quà ăn chơi, ăn vặt như chocolat, kẹo, bánh ngọt, chip, v.v.
-/ Đàn bà quan tâm nhiều hơn đàn ông trong vấn đề bảo vệ sức khỏe. Trong lúc đi chợ, các bà thường xem nhãn hiệu dinh dưỡng trên món hàng trước rồi mới mua.
-/ Các bà rất quan tâm đến chi thu trong gia đình. Rất cần kiệm để ngân sách gia đình khỏi phải thiếu hụt. Chính các bà là người lo gom góp coupons, chờ mua đồ sale.
Đây là một đức tánh tốt, chúng ta, những người đàn ông, cần ghi nhận và phải biết ơn bà xã của mình. Bởi lý do này, các bà ít chịu đi ăn tiệm hơn các ông.
Ăn ở nhà vừa bảo đảm sức khỏe và vừa tiết kiệm được tiền!
Một cái nhìn của nhà văn Chu Tất Tiến: “Người Việt Năm Bờ Oăn”
“…Người Việt mình, sau 15 năm tái định cư, đã trở thành Năm Bờ Oăn hết rồi! Cứ đi chợ thì biết liền, các bà vô chợ lục tung tất cả trái cây, rau củ của người ta lên mà lựa tan nát, coi cuộc đời cứ như củ khoai ấy.
Có những thùng lê ngon, giá cao, đã để trong hộp đàng hoàng, và dán chữ “Xin đừng lựa”, các ông bà Năm Bờ Oăn cứ tỉnh bơ, nhặt trong chồng hộp ấy, quả nào to nhất, ngon nhất thì cho vào hộp mình, rồi tàn tàn ra tính tiền, để mặc đống quả kém kém chút chút kia nằm tụm năm, tụm ba, ngơ ngác.
Túi cam cũng thế, mặc dù tính tiền theo túi, các bà cũng tháo giây cột miệng túi ra, lựa cho đã rồi cột dây lại, coi như không có gì xẩy ra. Lại còn chỉ cho nhau mánh lựa cam ngon nữa chứ! Lựa trái làm rớt lỏng chỏng dưới đất, thi lấy chân đá vào gậm, đôi khi cũng chả thèm đá cho bẩn chân.
Mấy vị mua cá nhờ chợ làm giùm cũng ít khi nói lời cảm ơn với người đã giúp gọt vẩy, rửa ruột.
Vài vị khác thì lựa cho đã, đưa người làm rồi bỏ đi luôn, không thèm trở lại. Ra tới quầy tính tiền, thì chả toàn thấy những bộ mặt đưa đám. Không thấy có nụ cười nào cả. Người tính tiền cứ lầm lầm lì lì làm việc, khiến người mua cũng tiếc một lời cám ơn.
Chả ai cám ơn ai! Ai cũng Năm bờ Oăn mà!(Ngưng trích –Chu Tất Tiến-Người Việt Năm Bờ Oăn).
Còn những người “Việt Khôn ngoan” tại quê nhà thì sao?
“Trên trang mạng http://www.sbtn.tv vào ngaỳ 8/8 có đăng một bản tin mang tựa đề: “Dân Việt bị bêu xấu ở các siêu thị”. Đại khái bản tin này nói rằng người Việt hiện nay đang bị cảnh giác ở siêu thị các nước Nhật, Thái, và bây giờ bị bêu xấu ngay tại siêu thị ngay trong nước Việt Nam. Một tờ báo trong nước chỉ ra 5 tật xấu của người Việt hay diễn ra trong các siêu thị: ăn cắp, tật bới tung hàng hoá, không chịu xếp hàng theo thứ tự, hay ăn thử và nói cười lớn tiếng. Bài báo chỉ nêu lên hiện tượng này, mà không chỉ ra biện pháp để ngăn ngừa, tiêu diệt các thói xấu đó…” (Ngưng trích Ba chợ búa-Suy nghĩ về một số cố tật của dân Việt qua một bài báo- Vietbao.com )
“…Bởi vì một số tật xấu kể trên của người Việt trong nước vẫn còn thấy tại các siêu thị của người Việt mình bên này (ở mức độ ít nghiêm trọng hơn), đặc biệt là ngay trong khu vực Little Saigon, thủ đô của người Việt tị nạn. Đi vào các siêu thị Việt Nam, vẫn thấy những bịch trái cây bị bóc ăn thử, vỏ và hột vứt lăn lóc trên quầy. Vẫn thấy hàng hóa bị khách bới tung, vứt bừa bãi để lựa hàng cho vừa ý. Có người nói thích đi mua trái cây ở chợ Trung Đông, bởi vì trái cây ở đây không bị người mua trước “bấm” thử bầm dập, những người mua sau không dám mua nữa…” (Ngưng trích Ba chợ búa- Suy nghĩ về một số cố tật của dân Việt qua một bài báo, Vietbao.com 12/08/2014)
Phỏng vấn thăm dò đồng hương về vấn đề đi chợ cuối tuần tại hải ngoại
Chào các Anh và các Chị,
Tại hải ngoại, USA, Canada, Westminster, San José, Virginia, New york, Houston, Toronto, Vancouver, Montreal, Paris, London, Sydney, Munich, chắc đa số các bạn nình ông cuối tuần thường phải chở bà xã đi chợ mua đồ ăn cho tuần tới (không phải đi shopping xí xọn trong mấy cái thương xá đâu nhé!)
+ Các bạn hãy cho biết cảm tưởng của mình, những vui buồn, bực bội (nếu có)....
+ Bạn thấy gì quanh bạn, cho biết những nhận xét của quý bạn về thái độ, tâm lý mua của nình ông và nình bà VN trong chợ;
+ Bạn thường thấy gì trong chợ? Cung cách của nình ông, nình bà trong chợ (Chợ Tây và Chợ VN, chợ Tàu);
+ Thái độ lúc mua, lúc đẩy xe, lúc trả tiền;
+ Bạn đi với bà xã của bạn (phải trên 10 năm thâm niên mới hợp lệ);
+ Bạn từng bị hay được bà xã nhờ đi chợ một mình;
+ Ai thường sử dụng coupon giảm giá;
+ Nình ông thích mua gì trước mua gì sau cùng...Còn nình bà thì sao?
+ Vấn đề mua đồ sale, nhãn đỏ;
+ Nếu bạn là người độc thân, vợ chết, vợ bỏ hay bỏ vợ thì thái độ của bạn lúc đi chợ ra sao?
+ Ai thường móc bóp trả tiền.
Đây là một thăm dò ý kiến mà thôi.
Thành thật cám ơn tất cả,
Nguyễn Thượng Chánh, Montreal , Canada 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét