.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

10 tháng 9 2014

Mãi mãi vợ chồng



Image

Anh tên Quanh, vui tánh lắm. Chả bao giờ ai nghe anh than, hay chê khen ai. Ăn món gì có dở, anh bảo “cũng được”; không thích ai, anh nói “anh chàng này hơi lạ lạ…” Nghe ai có tật hay dạy đời bảo, tên cha mẹ nào đặt mà chẳng đẹp, chẳng ý nghĩa, anh cười cười đồng ý, mà có ai hỏi anh có thật sự thích tên mình không thì anh… lắt đầu và cười càng lớn hơn, cười như muốn tạ tội với mẹ cha. Có lần tôi theo anh đi siêu thị khi vợ dặn anh mua đu đủ nào tươi về cúng. Anh nói y vậy với chủ tiệm, chủ gật đầu gói cho anh mấy trái tươi nhất. Về nhà vợ nhăn mặt bảo sao héo quá, nói anh ra tiệm trả lại, tới tiệm gì gì đó quen vợ để mua cho chắc ăn đi. Anh lái ra tiệm vợ thích mua liền đem về, và vợ đồng ý. Mấy trái hơi héo đó anh đem cho người ta: “Tiệm đang ế, bán được mấy trái cho mình ổng mừng quá trời, ai nỡ đòi tiền lại”.


Ai có bằng Tiến sĩ thì thường ra vẻ ta đây ngon, danh lớn, tiền nhiều; không phải anh. “Tui buồn buồn thì mượn tiếp tiền chính phủ học thôi, học dễ mà, thì người ta đi làm, còn tui… đi học!” Anh đầy bằng cấp nhưng bạn bè hiểu, đi đâu chơi hơi tốn kém họ cũng hay bao anh. Cứ lâu lâu nghe vợ chửi anh ra đời không biết lo làm ăn như người ta, chửi bóng gió chuyện anh không biết giữ sĩ diện khi ra đường, anh chỉ hay cười cười giả lả rất tội… Đã có rất nhiều người khuyên anh nên apply việc làm chỗ này hay chỗ kia, nhưng rốt cuộc sau khi interview, chắc nghe cái giọng ngọng, lại càng ngọng ngịu hơn của anh khi đang lúng túng trả lời, công ty nào cũng im re. Riết rồi anh sợ cái cảnh ngồi bị người ta hỏi han, dòm ngó, đánh giá anh như vậy lắm. Ai có được cái bằng thì đi xin việc phải dán trước trán cho thiên hạ thấy, anh thì phải hết dấu bớt hết cái bằng này tới cái bằng kia vì không muốn phải bị người ta hỏi thêm hoặc tỏ ra thương hại khi nhìn một ông Tiến sĩ đi apply việc thông dịch hay dạy Anh văn cho người mới đến định cư…


Nhớ những ngày mới gặp chị. Lúc ấy anh đang học năm đầu Tiến sĩ sau khi ôm cái bằng MBA chơi không mấy năm, trông nụ cười vô tư của anh vẫn còn hứa hẹn một tương lai. Và đấy là những lúc tươi tỉnh nhất của anh khi tới nhà chị làm quen và lấy lòng ngay ông “bố vợ” khó tánh. Chắc nhìn anh hiền hậu ông khoái, dù anh nói chuyện hơi ngọng nhưng có mấy khi anh đứng lại nói với ông để ông biết. Lúc ấy, chị ở Việt Nam mới qua đây đoàn tụ, có biết ất giáp gì, chỉ chứng kiến cảnh anh nói tiếng Anh mà ai nghe cũng hiểu là đã quá cao sang rồi – và khi nói câu ngắn anh ít bị ngọng hơn nhiều. Cưới nhau vài năm, chị bỏ may vá qua ngành Bảo Hiểm và thành công nhanh. Đúng đấy là nghề nói, chị nói ngày càng nhiều, ở ngoài gặp khách hay về nhà…. gặp anh. Mà hễ nói là càu nhàu có dây có nhợ, như muốn gây, bực chuyện mới xong thì quay qua xào lại chuyện cũ. Giờ chị còn có cái tật mới, hay kể xấu chuyện chồng, chuyện bên nhà chồng cho bè bạn, cho bà con phía mình nghe chơi cho vui.


Đêm kia, chị bảo tối không về, khỏi đợi chị. Rồi nhiều đêm nữa cũng thế… Không cần một lời giải thích chị đi đâu, ngủ nhà ai. Anh im im hiểu chuyện. Nhưng anh nhất định không nói, chỉ chờ ai khác nói lời chia tay…. Ngày hai người tới văn phòng dịch vụ ký giấy ly dị, họ lặng thinh vẫn cùng ngồi chung một xe anh lái, không một tiếng nói dù là tiếng chào gì nhau… Tất cả tài sản hơn 100 ngàn anh nhường chị hết. Cũng may anh chị chưa có con, ký xong là cứ đứng dậy ra rảnh rang…


Ngày ngày sống trong căn phòng thuê lặng lẽ, những khi buồn anh hay nhớ những hạnh phúc xưa… Nhớ những bữa vợ đi may phone nói sẽ về sớm. Anh phải lật đật bắt nồi cơm điện, chiên vài cái trứng, hâm bịch nước chicken broth, chỉ chờ sôi là bỏ cải đắng, hay ổ qua, hay xà lách xon vào… Lần nào ăn vậy vợ cũng khen ngon, anh ngồi đó đơm cơm mãi cho vợ…. Làm sao anh quên được cái cảnh những đêm vợ đi may về trễ, ê ẩm tay chân, vừa về tới nhà ngửi được mùi canh chua chay của anh là mắt sáng lên liền, vội vã nhào vô tắm để chạy ra ăn liền một tô xe lửa. Đấy là một món “gia truyền” của anh: phải hầm táo lọai rustic nhỏ, cabbage với nho tươi mấy tiếng đồng hồ, để nguội cho tan độ chát, dịu độ chua, rồi mới cho rau cải vô (đậu hủ mới chiên chỉ cắt bỏ vào trước khi ăn để nhìn vẫn mượt mà và thơm).


Anh còn nhớ những bữa cuối tuần vợ vui rủ anh đi ăn phố Tàu, ăn xong đi thẳng vô rạp xi-nê Tây xuất đúng 10 giờ rưỡi coi phim gì cũng được, về nhà gần 1 giờ khuya mà vợ nằm cứ thích kể chuyện hồi còn nhỏ mơ mộng gì khi lớn lên lấy chồng thì người chồng lý tưởng sẽ ra sao mà cười ngất vì không giống gì ông …“chồng thiệt” bây giờ… Tưởng vợ vui vui nói chơi khi đang trong hạnh phúc vậy mà anh đâu có ngờ… Người chồng thiệt này đã mang thất vọng cho vợ nhiều lắm từ những ngày đó rồi sao…


Có lần nghe người ta nói có nghe phía vợ chửi anh là “ cái thằng lười làm ăn lắm, có tiếng mà không có miếng”, nghe và anh biết đau thấm thía, dù chưa biết thực giả ra sao. Đêm ấy anh mua rượu về mở cây đèn Christmas trên bàn lên nhìn những màu xanh, màu đỏ nhấp nháy mà buồn vô hạn… Anh cũng biết ngoài trường đời, anh không có khiếu giao thiệp, ăn nói, chưa kể tới giọng nói càng ngọng nặng khi anh càng ráng giải thích một điều gì đó… nhưng anh thấy mình vẫn ở với vợ trọn lòng chớ có lỗi chi khác lớn bao giờ…


Lâu lâu nhớ cảnh cũ người xưa, không dám tới thăm nhà bố mẹ vợ, anh tới chơi nhà ông anh vợ mà ngày trước thoải mái với anh nhất. Và anh cũng hay “cho em gửi” chút đồ trước khi về, và chạy ù ra xe lấy nửa nồi canh chua chay tặng họ. Anh cũng không quên câu “Hồi đó vợ em thích canh này, nấu công phu lắm. Hay… anh gọi vợ em có rảnh thì qua lấy về ăn…” Nói xong rồi đi ngay không chờ coi ai có phản ứng gì, ra sao… Bao giờ cũng còn là “vợ em, vợ em” với ông anh vợ cũ…


Ngày kia và nhiều ngày sau đó, anh phone tới ông anh vợ để tới chơi nữa. Phone vẫn nghe reng nhưng không còn ai trả lời như trước… Hiểu ý, sau 4, 5 lần, anh thôi không gọi nữa. Những đêm ấy anh thấy buồn lắm. Là những đêm anh mang mấy ngọn đèn Chirstmas xanh xanh đỏ đỏ chớp chớp ra vừa uống vừa say sưa nhìn quá khứ chớp chớp chói nhoà vào mắt… và ngủ vùi theo. Người ta né tiếp anh cũng phải, chỉ tội cho nửa nồi canh chua đành phải đổ. Thà là đổ nhưng khi nấu anh cũng đã nghĩ tới em. Anh hay lẩm cẩm kiểu phá của như thế. Mà chắc được mỗi lần chăm chuốt nấu cho ngon nồi canh chua là lúc anh được nhớ tới vợ, được gần gũi nhất chăng dù đời có bẻ bàng chi thì cứ kệ nó…


Mùi hương canh chua chay từ đó là thứ mùi vợ chồng, mùi kỷ niệm, mùi đời sống, mùi cô đơn, mùi mặc cảm, mùi quần áo vợ, mùi tóc vợ, mùi hạnh phúc, mùi đớn đau, mùi nghèo nàn, mùi chia ly… và có khi là thứ hương vị mằn mặn của chính nước mắt anh…
Mấy năm trôi qua, anh nghe người ta nói hay gặp vợ anh ngoài shopping, ngoài nhà hàng, hay đi bên cạnh một ông gã đàn ông hào nhoáng nào đó. Có người nói còn thấy hai người ở dưới Niagara Falls Casino nữa. Mỗi lần nghe, anh đều ráng cầm lại mọi cảm xúc và hay nói lãng qua chuyện khác mà mong đừng ai nhìn thấy ra những phản ứng tâm lý của mình. Anh hay nghĩ quanh vậy chớ ai mà chẳng biết, mắt thiên hạ sáng hơn anh tưởng nhiều…


Có lần nghe thằng bạn kia trách sao anh ngu, sao để hết tài sản cho vợ để vợ có tiền phè phởn hưởng thụ “với người ta”. Những câu nói đó mới thật là độc ác nhất , đâm anh đau hơn dao đâm, anh nghĩ. Người ta cứ chém tim anh thành 5 thành 7 mảnh đến bầy nhầy rồi và vẫn không ai chịu buông tha… Anh hay tự nhủ, không phải anh không thấy, không biết, nhưng khi nghe bất kỳ giọng nói của ai xía vô, khịa vô cho bật máu ra, nỗi đau càng bùng lên dữ dội…


Cho tới ngày kia, anh liều gọi cho ông anh vợ sau khi nấu nồi canh chua xong, và mừng rỡ vì nghe được tiếng trả lời. Và ngạc nhiên thay, đấy chính là giọng nói ấp úng, nhỏ nhẹ của… vợ anh. “Chắc vợ đang muốn trở lại với mình nên… mới tới đây chờ phone mình chăng. Phone có hiện tên, hiện số mà, vợ phải biết là mình đang gọi chứ?…”, anh nghĩ nhanh và lắp bắp quá, nói chừng nửa câu nữa là gát máy trong sự ngỡ ngàng của vợ phía bên kia… Bỗng chừng 15 phút sau, anh quyết định… phone lại. Lần này ông anh vợ trả lời nhanh: “Sao vậy? Sao vậy Quanh? Sao em nói cái gì mà vợ em khóc lóc bỏ chạy về rồi…? Trời ơi, hai đứa bay làm tao khổ quá… Mày muốn mang canh cho nó, gặp giọng nó thì mày cúp máy là sao?… Hay là… thế này, mày lái xe qua nhà cũ tụi mày đi, vợ mày chắc đã về tới rồi…” Tới nước này, anh Quanh như thông được mọi nỗi niềm khúc mắc, anh vói lấy cái áo, chùm chìa khoá và nửa nồi canh chua là vọt liền…


Nửa nồi canh đã hâm, giờ âm ấm, còn nằm im trong microwave chưa ai kịp ăn… Chắc nó cũng vui được trở lại cái bếp mà nó đã ra đời lần đầu hơn 10 năm trước qua bàn tay của anh, trong sự chờ đợi của vợ anh… Chắc nó đang được nghe lại những thứ tiếng hạnh phúc lâu lâu rì rì ra từ phòng ngủ của hai vị chủ của mình như thuở nào… Chắc mấy gã chồng không biết giận là mấy tên không bao giờ bị mất vợ thật sự chăng… Chiếc xe anh còn đậu trước nhà ngay cũng chỗ cũ của nó như không còn muốn phải bị dời đi đâu nữa… Cả đêm…


Câu chuyện đã hết. Xin tiếp câu chuyện khác. Vẫn chuyện đã vợ chồng tức…vợ chồng mãi mãi. Nhưng mãi mãi một kiểu khác…
Dáng ông Huân dong dỏng, đi đứng từ tốn, miệng rộng, hay cười cười. Tuy hay ăn mặc giản dị, quần tây đậm, áo sơ mi và một cái áo len mỏng dài tay màu dịu, nhưng ai chắc cũng nhìn thấy ông sang. Ông có giọng trầm ấm Bắc kỳ sang cả, hay đùa nhẹ thâm trầm, làm bè bạn ông hay cười theo… Là một giáo sư đại học ngành chính trị lâu năm, mới ngoài 50 mà nhiều người cứ tưởng ông già hơn. Đi trong trường gặp sinh viên tóc đen có vẻ là Việt, ông hay cười cười như ngầm trả lời “Đúng, tôi là giáo sư Huân đây!”và sẵn sàng đứng lại nói chuyện.


Người ta hay thấy ông qua lại khó hiểu với toàn những bè bạn Việt độc thân, mất vợ hay đã chia tay vợ, sống trong những căn phòng rẻ tiền ngột ngạt trong những building cũ kỹ ngay dưới phố. Chắc bên họ ông phải thấy thích lắm, thấy mình được phép sống lè phè giữa đời sống thành công cô độc… Đấy cũng là thứ phong cách mà người ta rất thích ở ông. Gần đây ông lại hay bị người ta bàn tán về chuyện ông mới bị vợ bỏ. Họ hiếu kỳ cũng phải, vì khó ai tin một ông giáo sư đại học hào hoa lịch lãm lại rơi vào hoàn cảnh như thế. Làm sao ông tin được có ngày này. Càng không ngờ khi người vợ hai mươi mấy năm lại đem lòng yêu mãi một gã An nào đó quanh năm sống im lặng cũng ngay trong thành phố này, làm phụ bếp hết nhà hàng này tới hotel kia…


Trên đời chắc không có ai biết gã An đó chính là người yêu đầu đời của vợ ông, ngoại trừ ông từ hôm bà vừa khóc vừa chạy nhanh ra khỏi nhà, và để lại lá thư ngắn… Ông đã đọc biết bao nhiêu lần lá thư đó. Mỗi lần đọc ông thấy đau hơn, như lại mới khám phá ra một nỗi đau mới… Càng đau, ông càng thấy buồn nhiều hơn ghen tức… Buồn là mình đã quá tự tin trong chuyện vợ chồng mà không thể nhìn ra vợ đã sống một đời sống riêng biết bao nhiêu năm qua mà mình không mảy may hay biết…


Mà đúng. Sao ông không tự tin được chứ, đời ông vốn làm gì cũng tới, muốn gì được nấy. Từ học hành, từ làm việc, có bao giờ biết thua kém ai; từ mỗi lần gặp đàn bà đẹp, có bao giờ ông có thứ cảm giác thất bại bao giờ, hình như ai cũng toàn dành cho ông những đôi mắt ngưỡng mộ. Đời ông chỉ từ chối người ta chớ có ai từ chối nổi ông, mà giờ đây… Ông càng nghĩ càng chỉ thấy thêm chơi vơi như một kẻ bị lạc đường. Có những lúc ngồi uống rượu một mình nhìn nắng chiều phản xuống mặt sông sau căn nhà nghỉ mát, ông mang lá thư vợ ra để bên cạnh. Ông nhìn màu giấy, nhìn màu chữ chứ không đọc nữa. Ông đã thuộc mèm từng chữ, từng nét bút nặng nề mà liên miên nghĩ đến chừng tới tối trời rồi ngủ gục luôn ở ngoài sân… Tới khi nghe gió khuya xào xạt đám lá bên bờ nước, ông mới choàng tỉnh. Có khi cả mấy phút ông mới tỉnh hẳn, cứ chập chờn ngỡ mình đang sống giữa một cơn ác mộng hay một cuốn cải lương dài…


“Anh Huân thương. Em xin phép được viết ra một điều khốn nạn nhất trên đời… và mong khi đọc xong lá thư này là anh không còn phải nhìn mặt em nữa… Anh không có lỗi gì cả, tất cả là do em cứ mãi còn nặng nợ chuyện xưa, với anh An. Chắc anh không biết An là ai đâu, anh ấy là một người đàn ông đầy bất hạnh, là tình yêu đầu của em trước khi em vâng lời ba mẹ về làm vợ anh. Hồi xưa dưới Bình Dương ba mẹ em giàu có, đầy uy thế còn anh là ông tỉnh trưởng trẻ vừa nhậm chức, được chú em nghe theo lời ba mời về coi mắt em. Một cái gật đầu của anh là định mệnh cho đời em và anh An. Ba mẹ em khó khăn, cổ kính, đã ép bức em bỏ rơi ảnh…
Hai con giờ đã lớn, em đã hết lời tâm sự với chúng. Chúng đã chịu tha thứ cho em dù em biết chúng sẽ không bao giờ tha thứ. Riêng với anh. Mong anh rộng lượng tha thứ… Hình như anh lúc nào cũng có thể sống tốt mà không cần phải có em bên cạnh đâu, có đúng không. Còn gì để em phải viết dài hơn. Anh bảo trọng.”


Lời lẽ trong lá thư hiền hậu như người vợ của ông chớ có gì khác nhiều, nhưng mọi thứ đều đã đổi thay rồi. Ông già ra nhanh, sức khoẻ cũng không còn như trước… Công việc giảng dạy cũng giảm bớt đi nhiều, ngày ngày ông hay tìm ra bờ sông này ngồi nhìn dĩ vãng, nghĩ ngợi, lặng lẽ… Lắm lúc lơ mơ mệt ông còn tưởng có vợ ông sẽ bước ra kêu tên ông, hay ra ngồi xuống bên ông chờ nghe ông nói một điều gì đó vu vơ… Nhiều khi nhớ vợ, ông hay dặn các con về thăm mẹ chúng nhiều hơn, và ông không quên nhờ chúng gửi tiền bạc thêm cho mẹ khi biết tin người chồng mới sức khoẻ đã sa sút, không còn đi làm bếp được như trước nữa… Đồng tiền, thành công, địa vị với ông những buổi chiều buồn này có khác chi những thứ xa lạ nhất trên đời, có khi ông ngờ ngợ chúng chính là nguyên do ngăn cách tình yêu thương của vợ dành cho ông…


Tuy vợ ông đã dọn đi xa, cách hơn 4 giờ lái xe nhưng hai năm gần đây hai người đã đôi lần đụng mặt nhau trong vài tiệc cưới hay ngoài phố. Những lần đó, ông hay lủi thủi quẹo ngay ngõ khác hay từ từ rút khỏi cảnh tiệc tùng dù có ai quen đang nhìn ông ái ngại… Nhớ có hôm ông được Hội Người Việt mời đứng tên trưởng ban tổ chức để nhờ oai danh giáo sư kêu gọi cộng đồng xuống đường chống cộng sản. Lần ấy ông không ngờ thấy bóng dáng bà từ xa dù chính ông cũng chỉ tới và đứng xa khu biểu tình, trầm ngâm một mình…


Lần ấy ông thắc mắc nhiều lắm. Lẫn lộn một chút niềm vui: “Sao thừa biết có mình đến bữa nay mà vợ lại đến như thế, và ông vội quay đầu xe hướng khác ra về. Chút an ủi chua chát xoa dịu lòng tự ái ông thật dễ chịu, và làm ông rộn ràng hơn khi mang chai whiskey ra nhìn bờ nước chiều hôm đó… – Ông có biết đâu vợ ông đã nhìn thấy ông lủi thủi bỏ ra về khi nhìn thấy có mặt bà sáng nay từ xa mà bật khóc! Chiều ấy, ông muốn uống thật say mà vẫn không say… Đoạn ông thở dài nhớ lại mới ngày nào hai vợ chồng ông đã từng cùng ngồi đây mà không ngờ mấy mươi năm vẫn mãi là người xa lạ nhau mà ông nào có hay…


Có đêm mấy ông bạn lên tặng ông vài cuốn kinh Phât. Ông đã nghe thật nhiều lần. và ông bắt đầu tin ở một phần số vô hình nào đó mà mỗi kiếp người sẽ phải đi qua. Ông cũng mơ hồ khám phá một thứ tình yêu mới thật lạ, có lúc nó làm cho ông thấy vui lên, làm ông bình thản hơn trước. Trong đó, người ta không còn cần phải là gì của nhau mà vẫn nghĩ về nhau tha thiết nhất, vẫn có thể thuộc về nhau mãi mãi. Chắc như như tình yêu của vợ ông và… gã An kia vậy!… Nhưng ông cũng giựt mình nhận ra: Biết tới bao giờ người ta mới thật sự biết mình là của nhau; người ta còn phải chia tay tới bao nhiêu lần nữa để khám phá ra có những thứ tình yêu chân thật khác không bao giờ chết?


Có khi ông thoáng nhớ lại câu vợ nói ngày nào một thứ tâm sự buồn buồn vu vơ đã hiển hiện từ lâu mà ông không kịp thấy ra: “Kiếp sau em xin được làm dòng sông này, bao giờ cũng trôi trôi dù đời buồn hay vui… Nếu có chết đi em cũng muốn được ôm trong lòng tâm sự của dòng sông…”


Rồi tới ngày kia. Các con khuyên ông hãy ra căn nhà nghỉ mát đó để chờ gặp mẹ chúng một lần. Và chúng năn nỉ chỉ một lần này thôi, cho mẹ chúng được thoả long như một ân huệ. Ông không biết từ chối. Và sau cùng vợ chồng ông đã gặp lại nhau…


Trong căn nhà nghỉ mát quen thuộc đầy bóng dáng hai vợ chồng ngày nào, cả hai giờ đây đều im lặng. Như thường lệ, ông ngồi trên chiếc ghế gỗ ngả lưng nhìn sát bờ nước, bà lo nấu một bữa ăn sau cùng cho ông trong bếp… Những âm thanh quen tai của chén dĩa, của tiếng nước chảy, của tiếng tủ lạnh đóng mở, những mùi hương, những ánh đèn vàng hắc ra lâu lâu có bóng người vợ cũ xao động quanh chỗ ông ngồi như đang thách thức mọi cảm xúc của ông… Bao nhiêu ký ức hiện về quấn lấy ông… Có lúc ông nhắm mắt thật lâu như không muốn phải đối phó với hiện tại bẻ bàng này… Bữa ăn được bà một mình dọn ra bên cạnh ông. Hai người cùng ngồi bên nhau im lặng mãi… Không ai ăn. Chỉ có dòng nước quen thuộc trôi trôi chờ đợi …


Khi trời đã quá tối, những dĩa thức ăn kia vẫn còn nguyên trên chiếc bàn nhỏ, giờ đã lạnh tanh. Ông Huân nằm ngủ luôn bên bờ nước. Gió khuya đã thổi mạnh mấy lần, ông tỉnh giấc mấy lần… Đến lần tỉnh lại sau cùng, ông đã nhìn được mặt sông đêm sao thật êm không chút gợn. Hình như trời đã hừng sáng , mấy mảng sương trắng như những bóng mây ma cứ lưu luyến mãi không rời mặt hồ trong…

Ông có biết đâu, đêm qua vợ ông đã đến trầm mình từ chiếc cầu cao thật cao nơi đầu sông.

Để xin được còn… mãi mãi vợ chồng như xưa…


Đoàn Khuê

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.