.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

30 tháng 10 2014

Nhậu "mê tơi" cuối tuần với 3 món chim - ốc - cá

Tuần này, gợi ý cho bạn 3 món "nhậu" ngon, dễ chế biến mà nguyên liệu có ngay ngoài chợ. 


Để có một nồi ốc om chuối đậu thật ngon, bạn phải khéo léo từ khâu chọn lựa ốc đến khâu chế biến ốc, cách tẩm ướp, nêm nếm gia vị... và khi món ăn được bày ra phải đạt cả về màu, mùi, vị.


Nguyên liệu: 

+ Ốc nhồi hoặc ốc mít 1kg
+ Chuối xanh 6 quả
+ Thịt ba chỉ 200-300g
+ Đậu phụ 4 miếng to cắt thành 20 miếng nhỏ như bao diêm
+ Nghệ, hành tím, tỏi, hành lá, tía tô, lá lốt, mẻ, mắm tôm, nước mắm, bột canh, đường, dầu ăn hoặc mỡ nước. 

Cách làm: Ốc rửa sạch, cho vào nồi luộc với khoảng nửa lít nước, nêm chút muối thì ốc sẽ giòn hơn. Đậu phụ rán vàng, nghệ giã nát, cho thêm một chút nước vào và vắt lấy nước. Hành tím, tỏi bóc vỏ, bằm nhỏ. Hành lá, tía tô, lá lốt rửa sạch, thái nhỏ. Thịt ba chỉ cho vào chảo rang cháy cạnh. Ướp ốc và thịt ba chỉ với một chút mẻ, mắm tôm, nước nghệ, hành tỏi bằm, để 15 - 20 phút cho ngấm. Phi thơm hành tỏi, cho ốc và thịt ba chỉ đã ướp vào xào, khi ngấm gia vị thì xúc ra bát to, để riêng.

Lấy một cái nồi khác, xào chuối với mắm muối, nước nghệ, đổ nước ốc vào đun tới khi chuối chín mềm thì cho ốc + thịt ba chỉ + đậu phụ vào đun tiếp cho sôi, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Không đun sôi quá lâu, con ốc sẽ bị quắt lại, đậu phụ sẽ bị cứng. (Nếu thích ăn đặc thì có thể vớt một phần chuối ra, nghiền nát để tạo độ sền sệt cho nước). Trước khi tắt bếp, cho hành lá, tía tô, lá lốt vào. Thế là có nồi ốc om chuối đậu để thưởng thức. 


Thời tiết Hà Nội đỏng đảnh như tính tình của người con gái đôi mươi làm cho chúng ta gợi nhớ đến những món nướng thơm. Với cách làm đơn giản, món cá lăng nướng sả ớt chắc chắn sẽ làm hài lòng bất cứ vị thực khách khó tính nào. Mùi cá nướng thơm phức như đánh thức chúng ta về một mùa Hè sắp qua và mang mùa Thu đến thật gần.


Cách làm: Sả cắt khúc, nghệ tươi, hành khô, tỏi bỏ vỏ, cá lăng làm sạch. Cho hỗn hợp sả, nghệ tươi, hành khô, tỏi, đường, nước mắm, bột gà vào máy xay cùng nước lọc. Cắt cá lăng theo miếng khoảng 25g một miếng, cho hỗn hợp sốt đã xay vào ướp, chú ý trải đều hỗn hợp khắp miếng cá.

Để khoảng 10 phút cho ngấm, cho thêm chút dầu ăn để miếng cá không bị chảy nước. Bắc chảo nóng già, cho dầu ăn, rồi rán cá cho chín vàng. Tiếp tục dùng chảo phi thơm hành khô rồi cho hành hoa, thì là, ớt và tiếp theo là cá lăng, lạc, hành khô là hoàn thành món ăn rồi. 


Miếng chim câu ngọt thơm ăn kèm miếng cà muối chua dịu không hề gây cảm giác ngán, chỉ lo "tốn rượu tốn mồi" mà thôi.

Hướng dẫn chi tiết món 

Để món ăn được hoàn hảo nhất, chim bồ câu phải là loại đã mọc đủ lông đủ cánh, thịt chim giai đoạn này mềm và săn chắc. Nếu chọn loại mới ra ràng thì non quá, loại đã biết bay thì thịt dai. 

Cách làm: Chim câu đã sơ chế (vặt lông, thui qua lửa, moi nội tạng) chặt miếng nhỏ. Cà muối bổ đôi, bỏ phần ruột, chỉ lấy cùi, rửa sạch và bóp cho bớt chua. Tỏi bóc vỏ, bằm nhỏ 1 củ, 2 củ bóc vỏ để nguyên tép. Hành khô bằm nhỏ. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, thái khúc dài 5 - 7cm. Ướp thịt chim với 1 ít tỏi bằm, hành khô, mắm, đường, tiêu bột, dầu mè, nước cà pháo muối. Để 15 - 20 phút cho ngấm gia vị. 

Cho dầu ăn vào chảo, đun nóng, cho tỏi nguyên tép vào chiên vàng thơm, sau đó vớt ra đĩa, để riêng. Cho thịt chim vào chảo chiên ở lửa vừa để thịt chim chín săn lại, có màu đẹp. Vớt thịt chim ra đĩa riêng, chắt bớt dầu trong chảo, chỉ để lại khoảng 1 thìa cà phê. Sau đó bạn cho cà muối vào chảo, đảo đều, tiếp tục cho thịt chim, tỏi chiên, hành lá vào, đảo đều tay. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng, sau đó tắt bếp và bày thức ăn ra đĩa nhé! Chúc bạn và gia đình ngon miệng. 

Jane

Cuối tuần lạ miệng với thực đơn "dậy mùi" vịt hấp dẫn

Chỉ cần chuẩn bị một con vịt là bạn có hai món ngon cho bữa cơm cuối tuần. Cùng bắt tay chuẩn bị cho gia đình bạn một thực đơn lạ miệng nhưng vô cùng đơn giản này nhé.

Thực đơn cho ngày cuối tuần

*Món chính: Vịt luộc tẩm ướp
*Món phụ 1: Vịt nấu măng
*Món phụ 2: Rau luộc chấm muối vừng
*Tráng miệng: Táo mèo dầm muối ớt

Cứ khi nào thèm vịt thì nhất định trong thực đơn nhà mình sẽ có món vịt luộc tẩm ướp. Nó có thể lạ miệng với nhiều người nhưng đối với gia đình mình nó luôn luôn quen thuộc. Đây là một ngón ăn vô cùng đơn giản nhưng lại hết sức ngon miệng. Cùng bắt tay vào làm nhé.

1. Vịt luộc tẩm ướp

Nguyên liệu:
+Một con vịt khoảng 1,5 kg đã được làm sẵn.
+Rau thơm: răm, mùi tầu (ngò ngai)
+Tỏi, gừng, ớt, chanh
+Gia vị: bột canh, mỳ chính, nước mắm ngon

Thực hiện:
- Sơ chế vịt: Vịt mua về làm sạch lông măng. Ướp vịt với gừng đập dập và rượu trắng để khử mùi tanh trong khoảng 10 phút. Sau đó rửa lại vịt thật sạch bằng nước.
- Luộc vịt trong một nồi lớn, để đảm bảo nước gần ngập mặt vịt. Sau khi nước sôi vặn nhỏ lửa. Sau khi sôi 10 phút thì tắt bếp. Ngâm vịt tiếp khoảng 15 - 20 phút nữa.
- Rau thơm rửa sạch, thái nhỏ. Tỏi băm nhỏ. Chanh vắt lấy nước cốt (dùng khoảng 1,5 quả).
- Chặt vịt và tẩm ướp khi còn nóng. Chặt miếng vừa ăn rồi cho vào một tô lớn. Thêm rau thơm, tỏi băm, nước cốt chanh, gia vị sao cho vừa miệng. Ướp thịt trong khoảng 10 phút. 
- Trình bày và thưởng thức khi còn nóng.

2. Vịt nấu măng

Nguyên liệu:
+ Phần cổ, cánh, xương sống của vịt để nấu măng.
+Rau thơm: rau răm, mùi tầu, hành lá.
+Một củ măng chua (có thể dùng bất cứ loại măng nào mà bạn thích).
+Gia vị

Thực hiện:
- Vịt chặt thành miếng vừa ăn. Tẩm ướp một chút gia vị để khoảng 15 phút.
- Rau thơm rửa sạch thái nhỏ.
- Măng thái miếng mỏng. Luộc qua với một chút muối. Rửa lại thật sạch với nước và để ráo.
- Xào vịt trên một chiếc chảo với lửa lớn đến khi thịt săn lại, đổ vào nồi nước luộc vịt ở trên. Ninh vịt ở lửa nhỏ.
- Dùng chính chảo vừa xào vịt để xào măng. Thêm một chút đường để trung hòa bớt vị chua của măng. Thêm một chút mắm muối. Đổ măng vào nồi thịt vịt và tiếp tục ninh trong khoảng 15 phút. Nêm nếm cho vừa khẩu vị.
- Gần ăn thêm rau thơm, hành lá. Múc ra bát.

3. Rau củ luộc chấm muối vừng

Để trung hòa hai món trên, thêm một đĩa rau luộc chấm muối vừng là tuyệt vời rồi.
- Chuẩn bị su su, hoa lơ, cà rốt (hoặc bất cứ loại củ nào mà bạn thích). Rửa sạch ngọt vỏ, cắt miếng vừa ăn. Riêng su su nên ngâm nước khoảng 10 phút cho ra bớt nhựa. Luộc rau chín vớt ra để nguội. Khi ăn chấm với muối vừng nhé.

4. Táo mèo dầm muối ớt

Táo mèo của nước mình thường có vỏ ngoài xấu xí và không được ngọt bằng táo nước ngoài. Tuy nhiên, chính vị chua dịu và giòn giòn của nó nếu kết hợp với một chút xíu muối ớt sẽ cho ta món táo mèo dầm ngon tuyệt.

Cách làm hết sức đơn giản. Táo ngọt vỏ cắt miếng vừa ăn, ngâm vào một bát nước có pha ít muối trắng và nước cốt chanh. Việc này sẽ giúp táo không bị thâm. Ngâm khoảng 3-5 phút. Vớt ra thấm bớt nước, thêm đường, muối ớt rồi trộn đều.


Chúc gia đình bạn ngon miệng!
Nàng chủ bếp Sweetseason

Cơm nhà tối nay: Đổi vị với các món từ tôm cho gia đình

Tôm là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều chất đạm, các vitamin và nguyên tố vi lượng...

Vì vậy hãy nhớ bổ sung thường xuyên các món ăn từ hải sản như tôm các mẹ nhé. Cùng "nghía" thực đơn hôm hay xem có gì. 

Cơm nhà tối nay 

Món chính: Bí ngòi nấu tôm, cà rốt 
Món phụ: Nộm rong sụn và tôm
Tráng miệng: Chè sen cốm

1. Bí ngòi nấu tôm, cà rốt 
Bát canh là tổng hòa của các hương vị: vị thơm, mát của bí ngòi, vị ngọt của tôm, của cà rốt, màu sắc hài hòa sẽ giúp kích thích vị giác của cả gia đình. Nấu bí ngòi với tôm thực ra khá đơn giản, tôm các bạn bóc vỏ, bí ngòi rửa sạch, thái lát dài mỏng, cà rốt cắt miếng vuông dài, cuộn bí ngòi bao quanh tôm, cà rốt, cố định bằng cách buộc 1 sợi hành lá xung quanh rồi đem nấu với nước dùng (có thể là nước xương ninh hoặc các bạn xay đầu, vỏ tôm để lấy nước).

2. Nộm rong sụn và tôm
Các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 10 hợp chất flavonoid khác nhau trong rong sụn có chức năng như chất chống viêm và chống ung thư. Thường xuyên ăn rong sụn sẽ giúp các bạn có hệ xương chắc khỏe, bảo vệ mắt khỏi các bệnh như đục thủy tinh thể, lão hóa điểm vàng…
Nguyên liệu:
+ Rong sụn: 100gr khô
+ Tôm: 200gr
+Cà rốt: ½ quả
+ Rau gia vị, mắm, đường, chanh, tỏi…
Thực hiện:
 Rong sụn các bạn rửa sạch cát, ngâm với nước lọc để rong nở trắng. Tôm rửa sạch, luộc hoặc hấp chín, bóc vỏ. Cà rốt nạo sợi dài, ngâm với chút muối cho mềm.
- Trộn chung rong sụn, tôm, cà rốt. Rau gia vị (mùi ta, húng…) rửa sạch, thái nhuyễn, trộn chung với rong. Sau đó cho 1 muỗng mắm, 1 muỗng đường, 1 muỗng cốt chanh cùng với chút tỏi giã nhuyễn vào tô đựng rong, trộn đều, chờ rong ngấm gia vị và thưởng thức.

3.
 Tráng miệng với chè sen cốm
Món ăn mang nhiều hương vị của mùa thu, mùi cốm thơm lừng quyện với mùi lá sen, hương sen. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa ông bà ta đã dùng lá sen để bọc cốm, vừa tăng mùi hương, vừa giữ lại vị mềm dẻo, ngọt của từng hạt cốm. Ăn miếng chè cốm lẫn hạt sen thơm, bở, thấy yêu hơn “mùi” của mùa thu.

Chả rươi – mới ngửi mùi đã muốn ăn ngay

Chả rươi vừa rán còn nóng, thơm phức mùi thì là, the the vị vỏ quýt, béo ngậy vị rươi ngon tuyệt, xứng đáng là tinh hoa ẩm thực đất Bắc.


Nguyên liệu:
+ 500g rươi
+ 200g thịt vai xay (lẫn cả nạc cả mỡ)
+ 1 quả trứng gà
+ 1/3 vỏ quả quýt phơi vài ngày cho héo
+ Hành, thì là
+ Nước mắm, bột canh, hạt tiêu
Cách làm:

- Rươi sau khi mua về các bạn sơ chế rươi thật sạch, đổ ra rổ lỗ nhỏ hoặc rây cho ráo bớt nước.

- Hành, thì là nhặt rửa sạch, thái nhỏ. Vỏ quýt tươi chứa nhiều tinh dầu nên dễ bị nhặng đắng, tốt nhất nên phơi khoảng vài ngày cho vỏ se lại (không phơi khô quá, vỏ sẽ bị cứng), các bạn đem thái chỉ thật mảnh hoặc băm nhỏ.

- Cho rươi vào bát, nêm vào đó 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê bột canh, 1/2 thìa cà phê tiêu, cùng với hành, thì là, vỏ quýt, trứng gà.

- Dùng đũa đánh đều, rươi gặp nước mắm sẽ tan rất nhanh, tuy nhiên không nên đánh rươi nhuyễn quá vì khi ăn sẽ không cảm nhận rõ vị bùi ngậy đặc trưng. Nếu cảm thấy hỗn hợp hơi đặc thì các bạn dùng thêm 1 quả trứng nhé.

- Đến đây các bạn có thể chọn cách hấp nguyên miếng chả cho chín, rán vàng rồi thái miếng nhỏ vừa ăn hoặc rán chả trực tiếp không cần hấp. Cá nhân mình thích cách rán trực tiếp nên xúc từng thìa rươi đổ vào chảo mỡ nóng già, rồi dàn đều tạo thành những miếng hình tròn, có độ dày 2cm.

- Chả rươi khá nhanh chín nên chỉ cần chiên đến khi xém vàng hai mặt thì các bạn vớt chả ra nhé. Món chả sẽ ít bị ngấm dầu, giòn bên ngoài mà bên trong vẫn mềm ngọt. Rán kĩ quá miếng chả dễ bị khô.


Nhìn con rươi lúc còn sống thì cũng hơi… ớn, nhưng món chả rươi thì chỉ cần ngửi mùi thơm trong lúc rán đã muốn ăn ngay rồi. Rươi là loại thực phẩm có hàm lượng đạm rất cao, vì vậy những người vừa ốm dậy, hen suyễn, tiền sử dị ứng thì không nên dùng, và cũng không nên ăn các món liên quan đến rươi vào buổi tối vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu.

Cả năm có một mùa rươi nên các bạn có thể mua nhiều, sơ chế sạch và chia vào các hộp nhựa trữ trong ngăn đá của tủ lạnh để ăn dần. Chả rươi đã hấp chín hoặc rán sơ có thể để lâu không hỏng, thuận tiện cho việc bảo quản và gửi biếu người thân, bè bạn ở xa.
Bài và ảnh: Hà Ly
CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.