Các con thương yêu,
Bây giờ trời vào Đông. Cái lạnh buốt làm cho mẹ nhớ đến những ngày nắng ấm quê hương. Quê ngoại con là một tỉnh không xa đô thành Saigon lắm được bao quanh bằng hai dòng nước ngọt mặn điều hòa. Mẹ vẫn tự hào được sinh trưởng trên mảnh đất mặn tình vấn vương kỷ niệm hào hùng nầy. Mẹ tưởng chừng như không bao giờ rời khỏi quê mình để dấn thân vào nơi xa lạ với bốn mùa xuân hạ thu đông. Các con cũng được ra đời ở đấy, đu đưa kẽo kẹt trên võng từ thuở ấu thơ, đêm ru bằng nhạc muỗi vo ve, tập tành yêu gánh nước từ lúc chập chững biết đi, bập bẹ nói.
Trầu cau
Con còn nhớ vườn nhà với hàng cau tây thẳng tấp sai quằn buồng « đầu rồng đuôi phượng le te, mùa đông ấp trứng mùa hè nở con ». Trái cau xinh xắn đổi màu như câu đố « bà già mặc áo đỏ, trẻ nhỏ mặc áo xanh ». Lá cau uyển chuyển uốn mình như những nàng vũ nữ « ballet » theo điệu nhạc lúc nhặt khi khoan, dồn dập rộn rã hay êm đềm dưới chiếc đũa thần của nhạc trưởng gió. Tàu cau con thường dùng làm xe kéo, lá cau con tập tướt làm kèn hoặc gấp hình chim cò, cào cào châu chấu…, ngộ nghĩnh khéo tay ghê ! Nếu con biết sự tích trầu cau, quà biếu xin trong lễ cưới hỏi ngày xưa, các con sẽ hiểu quan niệm đẹp thời trước môi đỏ má hồng điểm tô bằng vôi cau trầu đó.
Những con châu chấu, cào cào bằng lá cau, lá dừa
Bông bụp (bông dâm bụt )
Phía trước nhà là hàng bông bụp ,loại cánh to hay loại lồng đèn.
Trẻ con thích ngắt đọt bụp cắm vào cằm hay quanh miệng làm râu, thứ « hàm râu cá chốt là hàm râu dê » đùa phá ghẹo nhau. Sát bên là hàng cây keo ù, nhiều gai, trái uốn khoanh, chín thì vỏ đỏ mộng nứt dọc bên hông khoe ruột trắng phao, hột đen mun, ăn vào thum thủm mà bùi bùi ngọt chát. Lâu lâu ngoại hái lá nấu sôi thay xà bong gội đầu, trơn lắm
Trái keo ù
Cây keo ù
Bạch mai chiếu thủy
Giữa vườn là hai cây bạch mai chiếu thủy đơm hoa được uốn tỉa thành hình hai chim hạc xòe cánh nhìn nhau, đượm sương tỏa ngát hương buổi sớm. Gần đấy cụm bông giấy không mùi khoe sắc thắm quyện lấy hương bạch hạc thơm lừng tua tủa hoa trắng vươn cao như chiếc lộng vinh qui.
Bạch hạc
Bông giấy
Hoa đại,(sứ ta, sứ cùi)
Cạnh cổng vào hoa sứ cùi nhiều màu, trụi lá khi trổ hoa, miền Bắc gọi là hoa đại , khác hẳn với sứ tây thanh tao đài các, cánh trắng thơm ngát dịu mà các cô thường hái hoa cài lên mái tóc hay ép vào tập sách, tên chữ là ngọc lan thi vị như tên.
Trái sơ ri
Trưa quê mình, mùa nắng thường oi bức, không thích ngủ, các con hay dạo vườn, chun dưới bụi sơ ri , đặc sản quanh năm có trái. Phải công nhận cây này thật đẹp, lá tròn tròn xanh đơm chùm hoa tím nhỏ xinh xinh, trái hình quả cà chua chia ba múi như ba miền đất nước, đổi màu xanh vàng đỏ như khí hậu Bắc Trung Nam.
Cành lá trái táo
Con còn nhớ mỗi lần cắn trái táo ngòn ngọt chua chua dòn rụm, bạn bè thường đùa nghịch chế con : ‘’ Ăn táo coi chừng lé đó ! Táo lé ! Té láo !’’. Điểm son văn học nước nhà mình đó.Trẻ em cũng đã quen nghe nói lái, thể thức diễn tả tuyệt vời có một không hai nầy cũng là mật khẩu làm nhức tai bứt tóc các chế độ không được lòng dân.
Trái ổi xá lị
Bên hè nhà ngoại trồng vài loại ổi, ổi sẻ khá to hơn ổi ô rô khó trồng ít trái, ổi xá lị tuyệt ngon, vua không ngai của giống cây nầy. Con hay lén dùng móng tay bấm nhẹ vào vỏ trái ổi xanh hái nhanh chẳng chịu chờ cho chín tuy không dám ăn nhiều vì nhớ lời ngoại dặn : ‘’ Ổi ăn chặt bụng lắm, khó tiêu‘’, nhưng buồn miệng thèm chua vẫn là cái khoái tiêu khiển của tuổi trẻ vườn quê đó
Cành lá trái me
Có những buổi trưa hè lộng gió, con vội chạy ra tìm me chín rụng sau vườn. Chưa phân biệt được như me ván bản to, trái cong như lưỡi liềm, me đậu phộng mắt nhỏ, ít chua, có lần con hỏi mẹ :’’Me nầy là me Tây, me Mỹ hay me dốt vậy me ?’’. Mẹ bật cười tự nhủ :’’Con bé con nầy chắc đã nghe hay đọc chuyện tiếu lâm ở đâu rồi’’. Mẹ khẽ cốc đầu con nhẹ bảo :’’ Thường chỉ có dừa Xiêm, chuối Tây, còn me dốt là me vừa bắt đầu chín’’. Me chua mà quẹt với mắm tôm chà Gò công chỉ hình dung thôi đã thèm chảy nước miếng.
Lần ra phía sau vườn, hàng tre thẳng tấp cao vút uốn theo chiều gió, vi vút như tiếng tra roi của các hiệp sĩ thúc quân ra trận. Lạ thật tre không hoa không trái mà lại có con vì ‘’tre tàn măng mọc’’. Không phải là người mà cũng có mắt có râu như câu đố xuất mộc nầy :
‘’ Ông già ổng chết từ lâu,
Con mắt trao tráo hàm râu vẫn còn.’’
Tre lại mọc sát nhau, chặt khó đứt bứt chẳng được, rì rào như xóm làng quây quần thân thiện bảo vệ khóm mụt măng non hình ngọn núi nhỏ xinh xắn bất khuất vươn lên. Nhìn gốc tre già tua tua rễ, ống tre khô vẫn còn mắt trừng trừng như chứng nhân lịch sử hay của lương tâm. Mẹ cứ nghĩ tre sao mà anh hùng gan dạ lạ, sống thì không chịu cúi luồn, chết đi dù có bị đốt thiêu, quyết ‘’không than’’ chỉ trở thành tro bụi mà thôi.
Trái vú sữa
Con còn nhớ, có lần gần Tết, con khệ nệ vác cây cần móc có lồng thọc vú sữa . Cẩn thận, chăm chú con đưa trái vào cửa lồng quay vòng giật mạnh. Tưởng đâu trái ngọt lọt vào trong, thế mà đôi lúc ương ngạnh, trái tuột ra tự gieo mình xuống đất vỡ tung. Sữa trắng tuôn trào trắng ngần như giòng sữa mẹ ngọt ngào thơm. Trái nầy mà không khéo ăn, miệng tay dính nhựa, vẽ hề trông thật buồn cười mà cũng không dễ cọ rửa rứt ra đâu. Thế mà thử nếm một lần rồi thì không muốn dứt, bứt mỏi cả tay mà chẳng chịu ngưng.
Con có thấy tên hoa quả quê mình thường gợi hình đượm tình lẫn ý như chùm ruột, mảng cầu, đu đủ, vú sữa, sung, cau, trứng cá,…
Trái trứng cá
Trái lá chùm ruột
Cây đu đủ
Trái sung
Các con thương ! Vườn nhà quê ngoại đưa con vào kỳ niệm đất tổ quê cha, xác định cội nguồn vì bây giờ lắm lúc các con suy tư tự hỏi :’’ Ở đây, mình là ai ?’’.
Người Á châu ta không thể đổi mặt mày để giống dân Âu Mỹ được cũng như người Phi châu không biến đổi nổi màu da. Ở xứ người con vẫn là người ngoại quốc, tị nạn, ăn bám ở nhờ, về nước là ngoại kiều rủng rỉnh tương lai. Hãy chấp nhận cuộc sống với những qui luật riêng biệt hay bất biến. Cái nhìn của người khác đôi khi là gánh nặng phải vác mà lắm lúc cũng phải biết quẳng đi.
Thế giới quả thật là một thực thể hòa đồng trong khác biệt. Đông Tây chẳng hạn như hai cánh tay trái phải bám vào thân. Mỗi nước dân như hoa trái vườn nhà bổ túc điểm tô quả đất muôn màu xoay chuyển.
Cô Trần Thành Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét