.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

31 tháng 3 2015

BRUSSELS... VÀ LẦN GẶP GỠ






Nhìn hình em để trên Facebook, chị nhớ lại lúc hai chị em mình gặp nhau lần đầu tiên ở Brussels vào tháng 6, 2013, vui và cảm động lắm...

Em còn nhớ vì sao mà hai chị em đã "quen" nhau không?    

Nhờ vào email "Les Murs de Bruxelles" chị gởi đến Nhóm Đồng Bằng Sông Cửu Long, rồi nhờ anh Hồng Phúc đã chuyển và trả lời thơ cho "em Oanh", nhưng lại gởi qua email... của chị (chị rất cảm ơn anh Phúc về điều nầy) và chị đã chuyển thơ lại cho em. Thơ đã đi một vòng rất xa, từ chị, ở Toronto, đến anh Phúc ở Montréal, từ anh Phúc đến em ở Bruxelles... và rồi thơ trả lời của em đã trở lai Toronto để hai chị em mình quen biết nhau từ ngày đó đến bây giờ.


Về hình chụp trong restaurant ăn French fries ngon ơi là ngon, vì hình bị mờ quá, có lẽ khi chụp, cậu waiter bị run tay, nên coi không rõ em ơi!

Ngộ ghê em hả, không thể ngờ được là hai chị em lại có cùng sở thích, về nhạc Pháp, về quan niệm sống, về cuộc đời, về con người... để cho chị và em trở nên thân ơi là thân, và không biết từ bao giờ, em đã trở thành cô em... nhỏ nhất của chị.

Bao nhiêu là emails qua lại, bao nhiêu lần nói chuyện qua phone, đã chia xẻ với nhau bao nhiêu là chuyện, chúng ta vẫn thường nói với nhau, nếu có thể gặp được nhau... và ngày đó, một ngày tháng Sáu, từ Canada chị đã đến Âu Châu, rồi từ Paris chị đã đến Bỉ, đến Bruxelles, và đã gặp được em, em nhỏ ơi.

Xem lại album, nhớ đến em Tuyết đă lái xe chở chị và cả nhà cùng với hai người bạn của chị trên những đường phố của thủ đô Brussels, giới thiệu cho chị biết những thắng cảnh nổi tiếng của Brussels, những món ăn ngon của Brussels, cảm ơn thật nhiều nhen cô "Tour Guide" thông minh, xinh đẹp. 


Ngày hôm đó, trời nắng đẹp, nắng reo vui cho chị gặp được cô em dịu dàng, giỏi giang của chị, chị rất phục tài lái xe của cô em dễ thương nầy, đường thì nhỏ, mà em của chị lái xe và lách các xe khác rất là tài tình, chị thì... chịu thua rồi nhỏ ơi ! 
Nhìn hộp chocolate thật đẹp, gói thật khéo mà em đã tặng, chị cảm nhận được sự ngọt ngào, với những chân tình dễ thương của cô em nhỏ của mình.
Lúc trở về Paris, lòng thật bồi hồi, nhớ lại những lúc chị và em cùng nhau "dạo phố" ở Brussels, nhất là ở "Grand Place", vui ơi là vui, và trên phi cơ bay trở về Canada thì kỷ niệm và niềm nhớ đã đong đầy em Tuyết ơi... 


Chị vẫn luôn mong sẽ có một ngày chị em chúng ta lại được gặp nhau !
Cho dù đã đi qua những quốc gia, những thành phố nổi tiếng của Âu Châu: Paris, Nice, Cannes, Monaco, London, Barcelona, Venice, Florence, Vatican City, Rome... chị vẫn luôn nhớ đến Bruxelles, thủ đô hiền hoà của nước Bỉ, với cuộc sống êm đềm, vì nơi đó có gia đình em, và nơi đó còn là quê hương thứ hai của cô em nhỏ dễ thương của chị. Gởi đến em lời chúc bình an. Em Tuyết, je t'aime beaucoup ma petite sœur !

*Viết cho em Tuyết Snowy Nguyễn

Ngô Thị Xuân Nga - Toronto - Printemps 2015

VỀ LẠI THÁNG 3







THƠ THÁNG CHẠP 2014



CẢM XÚC SAU 50 NĂM



25 tháng 3 2015

CẢM XÚC 50 NĂM

Tôi vào trường Hoàng diệu thân yêu cách đây tròn 50 năm, đã mấy chục năm lăn lộn với đời và bao lần va chạm với cuộc sống tạo nên những dấu ấn khó phai. Tuy nhiên, tôi thấy quãng thời gian mình là học sinh trung học là một trong những quãng thời gian có nhiều dấu ấn, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời.




Đó là quãng thời gian gắn liền với trường xưa, thầy cũ, bạn bè thân thương, gắn liền với tình thầy nghĩa bạn và bao ước mơ tươi đẹp thầm kín của tuổi đầu đời. Đó là quãng thời gian gắn liền những buổi lên lớp ồn ào, những chuyến rong chơi bạn bè vui vẻ, gắn liền với những giờ học không phai như giờ toán, ngoại ngữ sôi động, giờ công dân đầy kiến thức thiết thực, giờ vạn vật, địa lý với bao điều mới mẻ, giờ sử ký, cổ văn sôi nổi hùng hồn.....Đó cũng là quãng thời gian gắn liền niềm đam mê nghề nghiệp, sự theo đuổi thiên chức đầy tâm huyết; gắn liền sự cởi mở, bao dung và kỳ vọng của bao lớp cô thầy tới bao thế hệ học trò.

Còn bao thế hệ học trò biết nghề giáo là nghề cao quý, được cả xã hội coi trọng. Học trò kính cô thầy như mẹ cha, coi nhân cách thầy cô là mẫu mực để noi theo. Học trò hồi đó không phân biệt thành phần, giàu nghèo, giỏi dở ...đều quây quần bên nhau như trong một gia đình, biết thương mến và giúp đỡ nhau và ai cũng biết phận sự mình là phải luôn cố gắng học tập; coi đó là sự tất yếu, duy nhất để vui lòng cô thầy, cha mẹ, người thân và bản thân được bạn bè quý mến. Bởi vậy có trò nào lỡ làm sai, bị xử phạt, dù có nghiêm khắc, học trò không bao giờ oán trách cô thầy; bởi biết hình phạt là để trò biết hướng tốt mà đi, mà làm. Thời đó học trò không biết rượu bia, thuốc lá, không biết nói tục, không côn đồ....nếu có chỉ là thiểu số không đáng kể. Học trò thời đó được sống trong môi trường lành mạnh ngoài sự dạy dỗ của cha mẹ, không thể không kể tới công lao giáo huấn của bao bậc cô thầy.

Sau bao năm nhận được sự giáo dục của cô thầy, bao ta6mhuye61t của cô thầy chảy trong tâm trí học trò, đã hoà quyện kết tinh thành thói quen, bản tính, suy nghĩ và hành độn, thành bản lĩnh, nhân cách các thế hệ học trò. Kiến thức cô thầy truyền đạt đã trở thành những viên đá tảng để học trò vững bước trên đường tương lai của mình. Tuy trò xưa có danh thành, cũng có đứa lỡ vận, có người khấm khá cũng có bạn khó khăn.

Làm sao biết được dòng đời muôn ngã với bao phong ba, bất trắc chực chờ áp đặt lên thân phận của mỗi con người. Nhưng trò xưa dù hiện nay cao hay thấp, sang hay khó vẫn không phân biệt, vẫn đối xử nhau như bạn cũ thuở nào, thậm chí còn tương trợ nhau theo khả năng mỗi người. Học trò xưa đối xử với nhau đầy tình thân ái, tình người không quản ngại thời gian chắc sẽ là một cử chỉ làm vui lòng cô thầy, vì đã không phụ lòng kỳ vọng, mong đợi, dạy dỗ của cô thầy.

Nhìn lại quãng đời dài đã đi qua, càng thấm thía với câu ca dao:
                                             Công cha như núi Thái Sơn
                                   Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
                                             Tình thầy biển rộng bao la
                                       Ơn thầy sánh tựa mẹ cha đâu sờn.

Thiết nghĩ, cảm nhận của tôi và các đồng môn cùng thời về quãng đời cắp sách chắc không thể khác biệt. Tình thầy nghĩa bạn luôn vha3y trong tâm tưởng của mỗi học sinh chúng ta.

HÔ QUANG CUA
HD 65-72

KỶ NIỆM XƯA

                                                                           

Mới đây mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, con đường xưa từ nhà đến trường ngày nào, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm.

Thật khó có thể ngờ sự thay đổi của con đường mà tôi đã đi qua. Bãi xàu cái tên của một quận lỵ, gần nhất và phát triển nhất của tỉnh lỵ Ba xuyên cách nhau chưa đầy 6 cây số. Mỗi ngày từ nhà tôi gần dinh quận lội ra bến xe,  để đi đến ngôi trường trung học công lập Hoàng diệu duy nhất của tỉnh Ba xuyên,  mà mỗi năm chỉ khoảng 300 học sinh may mắn được vào học.

Muốn vào được trường Hoàng diệu phải qua một kỳ thi tuyển mà số thí sinh thì đông gấp mươi lần nên những ai may mắn lọt  vào được đây cũng là niềm tự hào.

Tôi còn nhớ những chuyến xe Lam đầy ấp người từ Bãi xàu chậm chạp bò qua Đài phát thanh của tỉnh ( bây giờ là trường Sư Phạm) qua cống BX ngang qua đường vào chùa Dơi (xưa chưa có chợ Mùa Xuân)

Dọc theo con đường từ Đài phát thanh đến Ngã ba nhà đèn, chỉ toàn là ruộng lúa chẳng có đến một căn nhà hay một mảnh nhô lên khỏi ruộng lúa, thế mà bây giờ mỗi khi trở lại nhà xưa. nhìn phố thị, tôi cứ tưởng là mình lầm nơi. Đúng là "bể lúa nương dâu" hay "vật đổi sao dời", con đường thân yêu ngày xưa từ Cầu bon đi ngang thánh thất Cao Đài (còn gọi là chùa Một Mắt) chỉ có hàng dừa soi bóng nước sông Cầu Bon, phía bên phải là bến xe Bãi Xàu qua cầu Thuận Hoá, đi thẳng là đến trường Hoàng diệu, có những hôm mưa tầm tã nước ngập tới đầu gối không đi được, thì con đường đi ngang qua tiệm chụp hình Mỹ Phương qua cầu bon là cách chọn lựa duy nhất của nhóm  áo trắng chúng tôi.

                                                                         

Bây giờ thì con sông từ đầu doi đến cống 1 Nguyễn bỉnh Khiêm xưa (nay gọi là đường 30/4) đã bị lấp, sông chỗ cầu Bon cũng thành đường rộng cạnh công viên, bến xe Bãi xàu phía bên nầy cầu Bon cũng không còn. Dãy nhà vựa mé sông nay mọc lên những toà nhà cao đẹp. Đúng là sự đổi mới xưa và nay trong trí tôi.

Hoàng diệu trường xưa nay đã thêm tuổi và thay đổi về hình thức bên ngoài. Tôi cũng tự hào là học sinh Hoàng diệu, đã năm mươi năm qua, tôi luôn ghi nhớ điều ấy.

NGUYỄN NGỌC DUNG
HD 65-72

TẢN MẠN KỶ NIỆM TRƯỜNG XƯA

Được sinh ra và lớn lên tại Sóc Trăng, tôi đã từng học tập 7 năm tại trường Hoàng diệu (1965-1972). Sau khi học xong đại học, tôi công tác trong nghành giáo dục tại tỉnh nhà 36 năm, trong đó có 21 năm dạy học tại trường Hoang diệu. Mới đây được tin các bạn đồng khoá học sẽ tổ chức họp mặt kỷ niệm nhân 50 năm vào học trường Hoàng diệu ( 1965-2015) tôi mừng khôn xiết.





Mừng vì tôi có dịp gặp lại thầy cô cũ của tôi - hiện nay không còn bao nhiêu người - mà còn mừng vì sẽ có dịp gặp lại các bạn đã cùng tôi mài mòn đũn quần trên ghề nhà trường Hoàng diệu hơn 45 năm về trước. Nhiều kỷ niệm về thầy cô và bạn bè vẫn còn khắc mãi trong lòng tôi.

Thuở học lớp đệ thất, đệ lục (nay là lớp 6, lớp 7) tôi vẫn thường chơi đập bặc cắc ăn tiền với bạn Ngô lài Sương lúc giớ ra chơi. Còn giờ học trong lớp tôi vẫn thường lén lút chuyền tay mua kẹo ngậm từ bạn Hồ quang Cua, Bạn Cua là "một cây" học thuộc lòng rất giỏi, nhất là môn vạn vật, sử địa...

Bạn Trần thanh Bé và tôi cùng đi học chung đường Nguyễn tri Phương, từ nhà đến trường Hoàng diệu mỗi ngày. Bạn Sơn Xuân rất có khiếu về văn nghệ. Bạn Lâm hán Trung học giỏi về toán lý. Bạn Trương kiến Dũng rất năng nổ trong các hoạt động xã hội...Và còn nhiều kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu,  ngày nay tôi không nhớ hết.

Hình ảnh kính mến các thầy Lê xuân Vịnh, Lâm cộng Hưởng, Hoàng việt Sơn, Lê vĩnh Tráng, Lý ngọc Hiếu...không bao giờ phai nhạt trong tôi. Tôi đã học được rất nhiều điều tốt đẹp về triết lý sống tứ thầy Nguyễn đình Sinh. Thầy Nguyễn hiền Tâm đã cho chúng tôi ngững giờ học Văn vui nhộn, gần gũi....

Mặc dầu đã quá tuổi 60, có đầy đủ con cái, cháu nội, cháu ngoại, nhưng những hình ảnh thân thương của thầy cô và bạn bè cũ thời thơ ấu tôi không bao giờ quên được.

Cám ơn trường Hoàng diệu đã cho đời tôi những kỷ niệm học đường quý giá.

NGÔ KIM THẠNH
HD 65-72.

LỜI CHO NHAU



Bạn tôi ơi!

Cho dù bạn sống ở đâu, cho dù bạn giữ trọng trách gì, bạn đang là người thành đạt hay bạn đang là kẻ trắng tay, hay cho dù bạn là kẻ đãng trí cách mấy đi nữa thì, tôi vẫn tin rằng, vẫn phải công nhận rằng thì là, hình ảnh đẹp nhất của một đời người phải là thời kỳ tập tễnh bước chân lên ngưỡng cửa trung học, phải không?

Mà đúng quá phải không bạn tôi? Thuở còn là cậu bé con, quần "xà lỏn" đen áo trắng thì....nhí con quá, mà lúc lên đại học thì....người lớn quá, cho nên thời kỳ đẹp nhất chắc chắn phải là khoảng giao thời cúa tiểu học và đại học, cái khoảng thời gian vừa tập tành một chút người lớn, khi chúng ta lần đầu mặc chiếc quần tây kaki xanh và chiếc áo sơ mi trắng mới toanh được cẩn thận bỏ vào quần và cài chiếc dây nịch cũng vừa mới mua hôm lấy bộ đồng phục, để từ một đứa bé tiểu học trở thành một cậu học trò trung học.

Đâu ai trong chúng ta quên được hình ảnh của ngày tựu trường tháng chín năm ấy bạn nhỉ, năm 1965. Phải, năm 1965, năm mươi năm trước, thời khắc ấy mãi mãi và vĩnh viễn là một dấu ấn in trên tâm tưởng của thế hệ học trò mà bọn mình may mắn có được, sau 5 năm làm học trò tiểu học, phải qua một kỳ thi tuyển gay go, mới được vào học trường trung học công lập Hoàng diệu, niềm hãnh diện chẳng phải riêng chúng ta mà còn là niềm tự hào của cả gia đình ( mà hồi ấy chắc mặt đứa nào cũng câng câng vì....được làm học sinh trường Hoàng diệu thì phải)!

Từ lớp đệ thất P1 của nữ sinh, đệ thất P2, P3 của nam sinh, đệ thất A1 của con gái và thất A2 của phe con trai.....năm lớp đệ thất được nối liền nhau nằm trên dãy lớp xa văn phòng nhất, nên chúng ta thoải mái chơi đùa ( dù rằng phòng riêng của thầy hiệu trưởng là phòng đầu của dãy lớp). Mà nầy, nhớ không bạn ta? Trước phòng học của mình là một con đường rộng trải đất đỏ, mà mùa hè đầy những trái còng chín rụng hay mùa mưa xanh rêu trơn trợt cũng chẳng đủ ngăn bước chân chạy nhảy của bọn mình mỗi khi hết giờ học!



Và qua thời gian ba năm của buổi chiều tới hết lớp đệ ngũ, chúng ta lại được lên học lớp buổi sáng với các đàn anh đệ tam, nhị, nhất....chúng lại lớn lên và các trò chơi trẻ con thay đổi dần theo....chiều cao của các cô cậu học trò ngày mới vào trường. Chúng ta bỏ lại một thời kỳ rất đẹp của tuổi học trò trên sân trường ngập nước mùa mưa ấy....cho đến ngày rời trường! Những cánh chim non đã có đủ lông đủ cánh để bay xa, bay cao hay thất cơ lỡ vận, và dù có đạt thành ước vọng, hay dở dang giấc mơ, chúng ta chẳng phải đã có nhiều lúc chạnh lòng nhớ lại thời cắp sách đến trường, nhưng làm sao chúng ta còn tìm thấy lại thời khắc thần tiên ấy nữa?

Ấy vậy, mà ngày hôm nay, trong không khí ngày họp mặt kỷ niệm 50 năm vào trường, chúng ta được sống lại thời khắc ấy, khi nhìn quanh ta là bạn bè, là thầy, là cô, là những khuôn mặt thời xa xưa, là mẫu chuyện nhắc nhớ, là tiếc thương kẻ ra đi, là sẽ chia đời lưu lạc.

Hãy vui hưởng hiện tại, bạn nhé. Kỷ yếu nhỏ nầy được hình thành cho những điều đơn giản mà hạnh phúc biết bao!

PHAN TRƯỜNG ÂN
HD 65-72.


24 tháng 3 2015

TƯỜNG TRÌNH HỌP MẶT VƯỜN ME KHÓA 65-72



·        Trước giờ họp mặt:
Ngày 21/3 là tổng dợt. 4 giờ chiều xong. 5 giờ chiêu đãi tại khách sạn thầy cô trên SG về. 9 giờ đêm, tôi mời được thầy Vịnh, thầy Tâm, Thầy Bá, thầy Nhiều, thầy Nhiếp, chị Hoàng Yến, chị Hoàng Cúc và anh Hiệp, Trương (con thầy Tráng)… tới nhà tôi (gần khách sạn) ăn cháo hải sản khuya. Vơi 4 chai rượu chát.
·        Ngày họp mặt:
-         Từ 6 giờ sáng là chủ nhà và một số thành viên chủ chốt đã có mặt.
-         Gánh bún nước lèo, bánh…cũng đủ hàng sớm.
-         Đúng 7 giờ có đồng môn đến.
-         Thầy cô, bạn lần lượt có mặt. Tay bắt mặt mừng trong khoảng không được bố trí ước lệ là sân trường. Quán cà phê, bún nước lèo, bánh củ cải rộn rịp…
-         Có hơn 20 thầy cô và trên trăm HD các khóa có mặt. Có các HD về từ Pháp, Mỹ, Úc và các tỉnh lân cận.
-         Các tiểu cảnh được chiếu cố. Cầu tre được nữ sinh khoe sắc. Thư viện cũng khá đắt hàng. Chỉ y tế học đường là ế, y sĩ chạy qua phụ bán cà phê!
-         Lúc 9 giờ cùng nhau chụp ảnh chung trước pano là hình ảnh cổng trường xưa làm kỷ niệm. Xong. Chuông chợt reo…như hồi xưa. Trò vô lớp trước. Thầy cô vô sau. Trò đồng loạt đứng dậy chào.
-          Từ bên ngoài lớp (chòi lá) tiếng thầy giám thị (MC) vang lên:  50 năm, hơn nữa đời người. 50 năm bao biến động trong mỗi cuộc đời. 50 năm biết bao ân tình chất ngất. 50 năm ai còn ai mất... Ôi bao thăng trầm của dòng đời, của từng người. 50 năm sau, ai còn có nhau là niềm hạnh phúc vô cùng. 50 năm sau thầy trò cũ gặp nhau ... tay bắt mặt mừng mà ngấn lệ rựng rưng, buổi hàn huyên không có điểm dừng. Để ân tình thêm tỏa, để nổi lòng thêm thỏa, thầy trò xưa mượn chòi lá làm lớp học, mượn pano làm bảng đen, mượn micro làm phấn trắng, mượn mặt dàn đờn organ làm bàn giảng cùng với hình ảnh hoa phượng tươi sáng để mọi người hòa mình về không khí ngày xưa, thuở dưới mái trường Hoàng Diệu...thầy trò bên nhau...
-         Giám thị giới thiệu thầy cô có mặt theo thời gian về trường.
-         Phó lớp 65 điểm danh học sinh hiện diện.
-         Thầy trò dành phút tưởng niệm thầy cô học sinh mãi mãi không về.
-         Không khí sôi động trở lại với bài hát VUI NGÀY HỌP MẶT.
-         Trưởng lớp 65 Dương Viên Bình báo cáo tình hình hoạt động lớp 50 năm qua. Báo cáo có những câu chữ rất thơ ngây: Thưa thầy, vật đổi sao dời. Xưa tụi em chỉ biết ăn đá đậu không biết nhậu, thi đâu đậu đó mà không cần ngó nhau, bây giờ trường thi luôn trắng…phao! Gặp nhau lúc nào cũng rủ…nhậu! Nhưng cũng có những đoạn rất thắm đượm tình xưa ngày cũ:Ngoảnh lại, để thấy thời gian trôi nhanh về quá khứ, mới đây đã tròn 50 năm kể từ ngày khóa học 65 bở ngở bước vào khung trời Hoàng Diệu. Những năm tháng miệt mài dưới mái trường thân thương,  bên bạn bè thân thiết, theo sự chỉ bảo của Cô Thầy đáng kính luôn là những hình ảnh đẹp nhất, những kỷ niệm quý nhất trong đời học sinh. Với tình cảm đó, buổi họp lớp 65 hôm nay kỷ niệm 50 năm vào trường, là cơ hội là gặp gỡ đông đủ hơn Cô Thầy, bạn cũ và thân hữu; là dịp thể hiện tình cảm tri ân của trò cũ tới Cô Thầy xưa, là cơ hội để cùng nhau tâm sự, trao đổi thông tin về bạn bè, cũng là cơ hội tương thân tương ái…
           Trong một lần hội ngộ đời lưu lạc, Thầy hiệu trưởng cũ trường Hoàng Diệu Trần Cảnh Xuân đã bùi ngùi nói Thầy, trò tóc bạc trắng như nhau… Chúng ta hảy ngoảnh nhìn nhau đi. Màu gió sương, bụi đường đời đã in dấu trên từng gương mặt, trên từng vầng tráng, trên từng mái đầu. Thời thanh xuân đã đi qua; thuở hồn nhiên tuổi cắp sách đã lùi trong quá khứ; những mối tình học trò thơ mộng chỉ là tâm tưởng. Chúng ta đã mất nhiều thứ, tuổi trẻ, sức khỏe, thời gian và nhiều thứ đáng quý khác nữa. Nhưng điều vô cùng quý giá chúng ta còn giữ được, như đồng môn Nguyễn Rốp nói, đó là chúng ta còn có nhau.
50 năm còn có nhau hôm nay là điều quý giá nhất với chúng em trong mối tình cảm đầy thân ái với các thầy khả kính, trong mối tình nghĩa ấm lòng của các học sinh với nhau. 50 năm còn có nhau là điều quý giá cho tất cả mọi người dự buổi họp lớp hôm nay. Em xin thay mặt lớp 65 báo cáo về lớp, có gì sơ xuất xin niệm tình tha thứ. Cuối báo cáo, em kính chúc các thầy thật nhiều sức khỏe, chúc các bạn có thời gian, để chúng ta còn nhiều buổi họp lớp nữa đông vui hơn.
Cuối cùng em cũng mong là các thầy nên nhéo tai hay cú đầu mấy học sinh nghịch ngợm như trong báo cáo của em để các học sinh này được sống lại cảm xúc hồi xưa…
-         Học sinh giữ trật tự lớp Ngô Lài Sương lên báo cáo các mặt diễn ra trong sân trường. Điểm chú ý là nói về Y tế: Y tế học đường có miễn phí thuốc dán, dầu gió, thuốc cảm và cả băng ca. Nhưng cả ngày nhân viên thất nghiệp. Xã hội thất nghiệp thì không vui, nhưng nhân viên y tế học đường thất nghiệp sao em vui quá chừng!Chứng tỏ thầy trò đều có sức khỏe tốt. Chỉ có điểm đáng trách là bộ phận y tế tự cho rằng mình sáng tạo, năng động tạo ra trò vui không đụng hàng là làm tour du lịch vườn me bằng băng ca, cứ nhóm 3 người, 1 nằm 2 khiêng như kiều hành quân thời vua Quang Trung thần tốc tiến ra Thăng Long đánh tan quân phương bắc! Em đã thổi còi cấm, bởi như vậy làm lạm dụng băng ca là của công để kinh doanh! Báo cáo cũng rất cụ thể: Thùng tiền tương ái bạn hiền khó khănthu được khá tốt. Đây là điều đáng quý nhất của HS chúng ta. Là điểm sáng chói nhất của phần em phụ trách. Chứng tỏ đồng môn Hoàng Diệu đối xử nhau trên tình nghĩa và sự chia sẻ đầy sẻ chia, chia nhau tia nắng, ngọn lửa tuy nhỏ để ấm lòng nhau. Cũng rất mong là các bạn sẽ còn có thêm bàn tay bè bạn, bàn tay chia sẻ để giỏ tiên ta nặng hơn để tinh thần RÁCH – NÁT thêm vẻ vang hơn.(Có học sinh như cười chế nhạo) Ai cười? Các bạn không hiểu tinh thần rách nát là gì à? Là lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát. Em nghĩ thầy các thầy dạy Việt văn  phải coi lại điểm môn Việt văn các bạn này!
-         Học sinh trật tự (HSTT) Nguyễn Thành Khánh đứng lên khoe: rất tích cực xét trong cặp nữ sinh HD65 Võ Thị Phương Mai thu được 2 cây thuốc, 2 chai rượu do HD65 Phan Trường Ân nhờ chuyển vô để hút, uống lén.
-         Lý Văn Hào (K64 vô họp ké) tướng to con, cường tráng nên có tên là Cường Hào đứng lên tuyên bố đòi quýnh mấy HSTT vì xét cặp nữ sinh là hành vi thấy chướng mắt!!! Nhưng Cường Hào chỉ nói nhỏ cho mấy bạn gái ngồi kế bên đủ nghe thôi!
-         HSTT nói sẽ đem mấy cây thuốc, chai rượu cất kỹ trong phòng Tổng giám thị (TGT)!
-         Các học sinh liên quan tường trình: Phan Trường Ân phân trần ghiền thuốc là tập hút theo thầy T.P.H (đã mất). Còn Nguyễn Thành Khánh đổ thừa ghiền thuốc tại vì trường có quá nhiều nữ sinh đẹp nên luôn suy tư không biết chọn ai, suy tư trong khói thuốc, riết ghiền nặng luôn!
-         Thầy TGT Lê Vĩnh Tráng phải đứng lên phân xử. Trước mắt giữ rượu, thuốc. Đợi hội đồng kỷ luật họp xử sau. Lớp cứ tiếp tục họp.
-         Thầy hiệu trưởng Lâm Cộng Hưởng nói về chuyến đông du nữa vòng trái đất và tình cảm thầy trò, đồng nghiệp ấm cúng. Thầy Trương Tấn Lộc tiếp lời lên kể chuyện ngày xưa….
-         Giảm không khí căng thẳng qua bài hát ƠN THẦY.
-         Họp lớp chuyển qua phần tuyên dương. Gần 3 năm trước, năm 2012, trong buổi họp cả trường, cây dù che trong sân trường bị gió giật có khả năng gãy đổ. Nếu gãy đổ chắc có tai nạn xảy ra, vì dưới cột cờ là hàng trăm người cả thầy cô lẫn học sinh. Trong thời khắc khó khăn nhất có 3 bạn nữ đã dũng cảm nhanh chân tới tiếp ôm cột, do quá tập trung tinh thần, 3 học sinh này ôm luôn học sinh 68 Lực đang ôm cột trước đó. Sau đó các học sinh phổ thông đã tới tiếp tay kịp thời. Đáng lẻ phải có gì tưởng thưởng ngay 3 nữ sinh đó nhưng do lộn xộn không ai biết rõ 3 nữ sinh nào. Gần 3 năm sau, cây kim trong chăn lòi tra, mới biết 3 nữ sinh đó là học sinh 65. Nay nhân buổi họp lớp, văn phòng thông báo với toàn thể học sinh 65 tuyên dương 3 nữ sinh đó. Đó là HS65 Trịnh Kim Đến, HS65 Sơn Thị Liêng, HS65 Nguyễn Ngọc Dung.
-         Ba hiệu trưởng là thầy Vịnh, thầy Hưởng và cô Kim Anh lên phát phần thưởng 3 nữ sinh này. Phần thưởng chỉ là 2 lon bò cụng để duy trì lòng dũng cảm.
-         Chủ hãng xuất cảng thủ công mỹ nghệ Chim Dòng Dọc Sài Gòn có nhã ý tặng mỗi nữ sinh dũng cảm một món quà rất đặc trưng quê hương. HD64 Phan Thị Hạnh lên tặng mỗi người một cái nón lá.
-         Chủ hãng gạo Ngọc Bùn. Có lạ không, người ta là hạt ngọc trời, ngọc đất, ngọc phù sa nhưng đây là ngọc bùn! Ý là từ bùn đen đã cho ra những hạt gạo trắng tinh, thơm, dẽo, mềm rất là đáng quý như ngọc. Phần quà tuy nhỏ nhưng có giá trị tinh thần, quà này mua ở chợ không có, nhưng mua ở đây có vì chưa công bố ra bên ngoài, là những hạt ngọc mới nhất. HD65 Hồ Quang Cua lên tặng mỗi bạn một bịch gạo là thành tựu nghiên cứu mới có kết quả.
-         Sau phần HD65 Phan Trường Ân tặng quà lưu niệm tới ban tổ chức, tặng hoa hồng cho bạn gái đẹp nhất HD71 Kim Lang, là bài hát có sự phối hợp 3 ca sĩ nhí từ Long Khánh (cháu ngoại thầy Thiên)  và ca sĩ chuyên nghiệp Sóc Trăng. Tập hát với nhau chỉ diễn ra ít phút trước đó, nhưng khi diễn xuất thì vô cùng xuất sắc. Bài hát tuyên dương thầy nhạc Võ Văn Thiên, hơn nữa đời người kết nối học sinh với câu ca tiếng hát. Bài hát có tên THẦY LÀ ĐẠI THỤ.
-         Hiệu trưởng trẻ trung nhất và là đương nhiệm Phạm Ngọc Phụng lên tặng hoa thầy trưởng thượng Võ Văn Thiên.
-         Đã tuyên dương thầy trưởng thượng, cũng tuyên dương cho đủ. Nhạc sĩ Võ Thiên Lan và ca sĩ Dạ Thảo lên nhận hoa do trưởng lớp HD65 tặng vì đã góp sức cho buổi họp mặt thêm ấm cúng và phong phú.
-         Phát phần thưởng may mắn tới các thầy là kết quả từ hàng chục ngàn email bình chọn. Phát phần thưởng may mắn tới học sinh là kết quả hàng trăm lần gieo quẻ và sờ mu rùa của các nhà bói toán hàng đầu thế giới. Điều chú ý là có nhiều phần thưởng may mắn đến cả thầy lẫn trò. Mong là đây là điềm lành để năm nay cả thầy và trò đều an khang và may mắn thật sự.



-         HD65 Nguyễn Thành Khánh cất tiếng: Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng…,HD68 Huỳnh Hoàng Mai trong áo dài trắng dắt xe đạp vào, giỏ xe vàng hoa hướng dương mới lén cắt trong vườn me. Bài hát có phụ họa khá sinh động. Kết thúc nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ…
-         MC:Vâng có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ. Mà không chỉ có một gã khờ, có hàng trăm gã khờ như vậy. Tôi nói không sai. Trường ta tự hào là trường học hay, hay toàn diện so các trường còn lại. Lớp 65 này cũng là lớp hay mới có những người thành công như báo cáo của trưởng lớp. Trong đó có phần văn thơ với hàng ngàn bài thơ học sinh 65 đã chào đời! Bởi vậy, sau đây là phần đọc thơ HS65 và khen thưởng, nhằm tạo ra nguồn cảm hứng để các HS ham mê thơ hơn, biết đâu sẽ xuất hiện một thần thơ sau này là đảo điên thiên hạ!
-         Phan Trường Ân lên đọc bài thơ Tháng ba thấy lại trường xưa.
-         Nguyễn Ngọc Dung lên đọc bài thơ Trường cũ.
-         Nguyễn Thành Khánh lên đọc bài Gặp bạn cũ bên cầu tre vườn me.
-         Lê Hữu Thiện đọc bài thơ Cảm xúc 50 năm qua điện thoại thu trước, hết sức chậm rãi và truyển cảm.
-         Sau khi bình chọn, bốn thầy dạy Việt văn là thầy Vịnh, thầy Tráng, thầy Tâm, thầy Phái lên trao bốn giải cho 4 học sinh. Giải có tên là mạnh mẽ, tươi trẻ, vui vẻ và mạnh khỏe.
-         Phần giao lưu, câu hỏi tới Thành Khánh là cho biết người bạn cũ trong thơ có mặt hôm nay không, là ai? Khánh xin một phút đi tìm và nói là Có nhưng không thể tiết lộ tên. Khánh phân trần: Tôi muốn nhiều nữ sinh ở đây đều tưởng mình là người tôi đã nói trong bài thơ, như vậy là nhiều nữ sinh đều sẽ vui vì nghĩ là mình đang có người thầm để ý dù hiện nay đều đã lớn tuổi! Tôi biết có nhiều người thầm thương tôi, mặc dù tôi vừa xấu vừa già vừa học dở. Tôi không muốn những người thầm thương tôi bị thất vọng!!! Câu trả lời này được chọn là câu trả lời tự tin nhất!!!



-         Đúng 11 giờ, kết thúc phần LỄ là tiếng hát một thời của Sơn nữ Thị Liêng với sự phụ họa nhắc lời của người đứng phía sau pano!
-         Phần HỘI khởi đầu là sự ồn ào của bộ phận lo ẩm thực. Ai cũng ham vui, lo hướng mắt về lớp học, khiến việc chuẩn bị bữa ăn bị chút chậm trễ, thiếu sót. Thức ăn toàn rau củ quả tẩm bột chiên (dạng tempura của Nhật) nên cũng dễ ăn…bằng tay, bằng tăm, khỏi cần dĩa nĩa!
-         TGT đồng ý xử lý tại chỗ tang vật do HSTT thu được. Cũng nói thêm HD65 Trần Phi Long cũng lén bỏ vali thầy Hưởng hai chai rượu khi thầy trên đường du lịch trở về. Thầy Hưởng đem vô giao nộp luôn! Tang vật tăng lên, việc xử lý tang vật khá ồn ào mới có thể dứt điểm.
-         Các tiếng hát HD một thời cất lên. Điều không ngờ là HD65 Ngô Lài Sương, chưa hề có tên trong lịch sử ca hát, đã âm thầm 30 năm luyện giọng trong các quán karaoke, cất cao tiếng hát Khmer đã thu hút quá nhiều HS phụ họa, trở thành giọng ca được nhắc nhở nhiều nhất, bài hát sôi động nhất, nhiều tiếng cười khen nhất.
-         Gần 1 giờ chiều,thầy hiệu trưởng Lê Xuân Vịnh xin cái micro để thầy được nói. Thầy nói cám ơn đã cho thầy một ngày vui vẻ sum vầy quý giá hiếm hoi giữa tuổi này. Thầy Võ văn Thiên tiếp lời là thầy như có liều thuốc hồi sinh, cảm thấy khỏe mạnh hơn nhiều…
-         2 giờ chiều, chia tay trong lưu luyến. Một số bạn 65 chưa thể ra về…
-         Sáng hôm sau, trên email tôi nhận bài thơ cảm xúc buổi họp mặt của HD66 Nguyễn Thị Ngọc Bích. Chiều, HD65 Nguyễn Ngọc Hồng trên đường trở lại Paris điện hỏi tôi nhận xét về kết quả buổi họp mặt. Tôi nói anh nghe các thầy nói gì thì tin đó. Bởi tuổi này thầy không xài câu chữ khách sáo đâu, có gì nói đó. Tối, thầy Lê Vĩnh Tráng gởi tin nhắn cám ơn đã cho thầy một ngày vui khó tả. Khuya, nhận thơ HD62 Nguyễn Vân từ Cali cảm xúc ké (vì hứa về dự họp mặt nhưng hứa lèo!).
-         Kịch bản và thiết kế không gian: HD68 Lực.
-         MC: HD64 Liêng, HD68 Sơn.
Thư lý Lực

23 tháng 3 2015

TÂM TÌNH GÓP NHẶT MỪNG NGÀY HỌP MẶT VƯỜN ME MỸ XUYÊN SÓC TRĂNG 22/3/2015

                                                                                   
                                                                             


Qua không biết bao nhiêu email và nhiều cuộc điện thoại, bổng nhiên tôi có tên trong nhóm tổ chức ngày họp mặt Vườn Me kỷ niệm 50 năm ngày vào trường Hoàng Diệu của Niên Khóa 65-72, tôi thật là hãnh diện và sung sướng khi có tên trong danh sách này. Tạm gọi là mình cũng có một chút đóng góp công sức cho kịch bản ngày họp Vườn me, tôi miệt mài lo cho chu toàn vài việc được giao như viết bài, chuẩn bị xe đưa Cô Thầy và đồng môn về Sóc Trăng và đóng góp một số ý kiến cho kịch bản ngày họp thêm phong phú và nhất là đem lại cho Cô Thầy và các bạn nhiều tiếng cười, nhiều kỷ niệm đẹp cho ngày hội.
Và cũng từ đó mỗi khi nhắc đến ngày họp Vườn me Sóc Trăng thì một số bạn bè đồng khoá hay khác khoá… thường hay hỏi tôi, lúc đầu tôi có hơi bỡ ngỡ một chút, nhưng dần dà tôi cảm thấy an tâm và tự tin hơn khi nói là mình học trường Hoàng Diệu niên khoá 65-72 với một số vốn kỷ niệm về bạn bè trong khoá 65-72 như Trường Ân, Thanh Đoàn, Ngọc Hồng, Thanh Liêm, Công Nhân, Quang Liêm… và thế là tôi đã được trở về với niên khoá 65-72 một cách tự nhiên ấm áp và hết sức gần gũi!
Mãi mê trong những công việc chuẩn bị cho ngày họp mặt, tôi càng phấn chấn hơn khi nghe câu nói của Quốc Lực “nhờ có mác HS65, anh càng sốt sắng lo chuyện trong ra ngoài… nước trong lần họp mặt khoá 65 nầy.” – tự nhiên nhiều kỷ niệm và tên của những bạn trong khoá 65 lần lượt hiện về trong ký ức của tôi để cho tôi biết chắc chắn rằng mình đã vào trường Hoàng diệu từ năm 1965.
Châu văn Mẫn HD 65 và tôi quen biết nhau khi tôi còn sống tại Sóc Trăng với cái duyên là đồng nghiệp “đồng hồ” tôi giúp Mẫn nhiều trong nghề sửa đồng hồ (lúc ấy Mẫn có một cửa hàng đồng hồ tại Sóc Trăng) và cả hai chúng tôi đều chẳng biết là chúng tôi cùng một niên khoá… sau nầy về Sài Gòn thỉnh thoảng có gặp nhau, đôi khi tôi nhắc đến Lai Mỹ Hoà… hay Lưu Kim Khoa hoặc Nguyễn ngọc Hồng thì Mẫn đều biết nhưng thật sự lúc ấy Mẫn cũng chẳng nói là mình học NK 65-72 cho đến lần thấy hình của Mẫn chụp chung với những người bạn khoá 65 như Trường Ân, Công Nhân, Kim Khoa… trong tiệc cưới con trai của Liêm Newton thì tôi mới giật mình và biết là Mẫn học cùng một khoá 65 với mình.
Theo tôi cũng nhờ tiệc cưới con trai của Đặng Quang Liêm một dịp có nhiều bạn khoá 65 về dự, trong không khí đông vui cộng thêm niềm xúc cảm dâng trào trong lòng của những người bạn lâu ngày mới có dịp gặp nhau mà cái ý tưởng tổ chức một ngày họp mặt đầy đủ hơn đã nhen nhúm từ lâu được bộc phát một cách mãnh liệt hơn nữa và Ngọc Hồng, Hữu Thiện, Phương Mai đã đề xuất với nhóm Hoàng Diệu 65-72 để rồi cùng nhau làm nên một dấu ấn thật đáng nhớ cho thời gian còn lại của một đời người!
Lưu Kim Khoa HD 65 tôi vẫn thường gặp khi còn ở Sóc Trăng… đôi khi cũng cà phê với nhau nhưng tôi thì nghĩ là bạn khoá 66 mà thôi… và bây giờ lại biết Khoa cũng là khoá 65 như mình! Lai Mỹ Hoà thì tôi chỉ biết khi còn học võ Thái cực Đạo như trường hợp anh Lê Công Ích hay Trương Duy Bữu… thế mà bây giờ biết ra chúng tôi đều cùng một khoá 65 chuyện này làm cho tôi càng vui hơn.
                                                                         




Trước đây tôi chỉ biết Quang Cua qua báo chí là một kỹ sư nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu về những giống lúa cho năng suất và chất lượng cao (đặc biệt là ST20) và đã giúp cho nông dân nâng cao được đời sống. Gần đây thì tôi biết Cua là một CHS Hoàng Diệu và rất nhiệt tình trong việc tương trợ cho những đồng môn còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Trong thời gian chuẩn bị cho ngày Hội ngộ Vườn me nhân 50 năm ngày vào trường Hoàng Diệu của Khoá 65, nhìn những bức ảnh ở trần… da đen sậm của Cua, khi tất bật lo chỉnh trang chăm chút lại Vườn me để tiếp đón Cô Thầy về hội ngộ ngày 22 tháng 3 tôi thật sự hâm mộ lẫn thán phục cái tinh thần của anh kỷ sư nầy, đã chẳng màng danh lợi và dành rất nhiều tâm sức cho ngày hội ngộ năm nay. Quang Cua vẫn cặm cụi miệt mài nghiên cứu… vẫn lội ruộng như một nông dân chính hiệu vẫn làm mà không nói. Từ đó tôi mới biết mình và Cua cùng một niên khoá; sau một thời gian dài thưởng thức miễn phí hết sức vô tư gạo ST 20 và gạo tím than, quà của Quốc Lực mang đến cho tôi và được Lực gắn cho một cái mác là tiền nhuận bút cho những bài viết được đăng??

                                                                               
                                                                         


Tôi mới biết Phương Mai HD65 khoảng vài tháng nay trong thời gian email qua lại cho việc chuẩn bị cho ngày hội vườn me... thỉnh thoảng cũng nói chuyện trên FB… thông qua Cẫm Chức HD66, và cô em bà con Cẫm Phương… cuối cùng tôi và Mai cũng nhìn được chúng tôi cũng có bà con xa và lại học cùng khoá 65 nên càng gần hơn. Từ Australia vừa về tới Sài Gòn (14/3) chiều hôm đó anh em chúng tôi đã có dịp ăn cơm gia đình thật thân tình với nhau… có lẽ nhờ mấy món đặc sản miền tây… vài lon bia và những kỷ niệm về An Lạc Tây quê của chúng tôi mà nhiều tiếng cười đã tràn đầy trong buổi cơm ấy. Tình thân càng gắn chặc tôi và Mai hơn, trò chuyện càng vui, càng thoải mái, thích nhất là tiếng cười của Mai không lớn lắm! Nhưng đủ để xoá tan mọi phiền muộn trong lòng, thế là thêm một bạn khoá 65 tuy xa mà gần. Trong câu chuyện ngày hôm ấy Mai tiết lộ với tôi có mang về tặng cho bè bạn trong ngày họp mặt vườn me: 2 cây thuốc & 2 chai rượu Tây (mang về từ Australia), thế là tôi liền bàn với Mai là sẽ đem món quà nầy làm một tiết mục vào kịch bản vườn me cho thêm vui… thêm phong phú. Các bạn sẽ được thưởng thức tiết mục nầy trong ngày 22/3/2015.

                                                                           


Còn nói về Phan Trường Ân thì đúng ra là tôi đã giận nó rồi! Tôi định bụng hôm gặp nhau ở vườn me sẽ không thèm nói chuyện với nó nữa!! Ai đời bạn bè thân với nhau mà nó từ nước ngoài về Việt nam cả tuần lễ rồi! Mà tôi không hay! Chỉ alo một cái cho hay là về rồi đang ở Sóc Trăng nhưng còn bận lắm???  Khi nào về Sài Gòn thì cho tôi hay, và tôi cứ gắng mà tin như thế!  Chứ thật tình tôi biết tính thằng bạn nầy quá rồi chắc mẽm là ông bạn đào hồng nầy của tui đang mãi mê chạy theo một bóng hồng nào nữa rồi?
Nhưng sáng 15/3 Ân gọi điện thoại hẹn tôi ăn cơm nhà hàng “Quê nhà”,
 “được lời như cởi tấc lòng” thế là bao nhiêu bực bội của tui đã được dằn xuống, coi vậy mà thằng nầy cũng biết điều “không tham sắc bỏ bạn” nhủ thầm trong bụng lần nầy tôi sẽ ăn uống vô tư cho nó trả tiền hết hồn luôn (nói cho vui thôi chứ tôi ăn cũng ít, mà uống thì chẳng bao nhiêu!). Thật sự thì tôi chỉ thích hai thằng bạn ngồi nhâm nhi cà phê (quán vĩa hè càng tốt… hút thuốc thoải mái) nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mà phần nhiều là kể chuyện nó làm thơ chọc con gái ra mần sao… rồi trốn con gái như thế nào! Nhiều người lấy làm lạ sao hai thằng tui lại chơi thân với nhau được?! Nó thì đào hoa khắp chốn, tui thì cắn răng chịu phận trung trinh một đời!
Nhân có Mai đang ở Sài Gòn tôi liền đến chở Mai cùng đi  gặp bạn sáu lăm luôn, tôi và Mai ngồi chờ một lát thì Ân đến với Kim Lang HD 71-78… rồi lần lượt anh em nhà Kim Lang đến đông đủ, lúc nầy Ân mới nói hôm nay tụi mình ăn cơm gia đình… Vậy là lần nầy bạn tôi đã chịu dừng gót lãng du hay đã bị tóc nàng trói chặc chân anh?! Thế là chúng ta không còn dịp thưởng thức những vần thơ trữ tình lãng mạn nữa rồi. Thừa thắng xông lên hôm sau Ân mời một số Thầy và bạn đến nhà Kim Lang dùng cơm gia đình nữa… không biết Ân mời và nói như thế nào mà mấy đứa em (con Thầy Tráng) khệ nệ mang theo rượu tây đến dự lễ ra mắt…!?
Trở lại chuyện chuẩn bị cho ngày họp mặt vườn me. 
Khi tôi đang viết những dòng chữ nầy thì mọi việc coi như đã hoàn chỉnh đến 99% trong đó phải kể đến công sức của tất cả anh chị em trong khoá 65… và thật là vô tâm khi chúng ta những CHS Khoá 65 không biết và ghi nhớ công sức của anh chị em đồng môn Hoàng Diệu ngoài khoá 65.
Chị Hoàng Yến HD 64-71 đã bỏ ra rất nhiều công sức, trong việc lo đưa Cô Thầy về Sóc Trăng mà đã nói thì chúng ta phải nói cho chi li sòng phẳng mọi chuyện từ tiền điện thoại gọi mời Thầy Cô, rồi lại phải gọi xác nhận xem Cô Thầy nào đi dự, rồi hợp đồng xe (chị Yến xuất tiền túi để đặt cọc xe) riêng lần nầy lại nhận đưa thêm một số CHS từ nước ngoài về, cũng như số đồng môn đang ở Sài Gòn về Sóc Trăng dự họp công việc lại càng bề bộn và rắc rối. Xin đơn cử một chuyện nhỏ ra đây để anh chị em mình thông hiểu, BTC thông báo việc đăng ký cần xe đưa về Sóc Trăng là phải xác nhận trước ngày 6/3/2015 để biết mà hợp đồng xe cho đủ chỗ (dư chỗ thì phí phạm, mà thiếu chỗ thì lại lỗi hẹn anh chị em) thế mà gần tới ngày về thì lại có thêm vài anh chị muốn đăng ký! Hết chỗ thì không thể nhận thêm… không nhận thì lại bị phiền trách, so bì vv..vv, theo tôi trước khi phiền trách hay so bì chúng ta nên đặt mình vào vị trí của chị thì sẽ dễ dàng thông hiểu hơn. Và như thường lệ cà phê ăn sáng của Thầy Cô khi chuẩn bị lên xe về Sóc Trăng chị Yến âm thầm lo hết. Sở dĩ tôi dùng chữ âm thầm, vì chưa bao giờ tôi nghe chị kể những chuyện nầy, chính tôi thấy như thế và thấy mình phải nói đúng như thế, nói để cho chúng ta đều biết và hiểu cho một tấm lòng rất tha thiết và hết lòng với trường Hoàng Diệu.
Cô Hồng Nhan HD 68-75 Trưởng ban liên lạc Hoàng Diệu Nam Cali, công việc cô Nhan phụ trách ở trong hội Nam Cali hết sức là nhiều trang web (biên tập chỉnh sửa bài vở) rồi thêm lo chuyện diễn đàn, rồi còn phải lo cuộc sống gia đình.





Nhưng với nhiệt tâm của mình đối với Hoàng Diệu trường xưa, cô Hồng Nhan lại đảm nhận thêm công việc cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và rất chính xác, về diễn tiến từ ngày đầu tiên cho đến ngày hôm nay của ngày Họp mặt Vườn Me 22 tháng 3 năm 2015. Nhiệt tình và tấm lòng của Hồng Nhan có lẽ mọi người đều đã biết, muốn nói hết e rằng khó nói hết và đủ trong một bài viết, ở đây tôi chỉ nêu một ít chuyện nhỏ nhờ đó mà tỏ chút tri tâm của đàn anh đối với đàn em.
Quốc Lực HD 68-75 Trưởng ban liên lạc CHS Sóc Trăng anh chàng nầy và tôi có nhiều món nợ cần phải tính cho sòng phẳng hôm nay tôi chỉ nói ít thôi cho anh chị em tỏ tường. Ai đời tôi đường đường cũng là khoá đàn anh, cũng có nhiều bài viết được đăng trên trang web bên Mỹ bên Âu mà lần nào gởi bài cho nó cũng bị nó chê như tát nước vô mặt… nào là gõ chữ chạy lung tung, nào là trật chính tả sửa đến “phát chán!”. Lần nầy nghe nói có làm kỷ yếu mini của khoá 65 thấy trên mạng kêu gọi anh em khoá 65 đóng góp bài vở mà gởi cho Lực biên tập lại… tôi tự ái lắm chứ định bụng không viết gì hết, nhưng nghĩ lại thiệt thòi cho mình quá! Nếu mình không viết thì không ai biết tài thi văn của mình, với lại lần nầy là kỷ yếu khoá mình nữa không lẽ nó lại bỏ bài mình ra sao? Có lẽ lần nầy Lực đã đọc và thấm được cái hay của chữ chạy lung tung, lại nữa cũng ít bài nên không ngán tôi gởi mấy bài hồi ký đều lọt vô chung kết hết trọi! Thấy dễ ăn quá tôi bèn làm luôn một bài thơ gởi cho Lực ai ngờ nó phán cho một câu “thơ sai vần, anh nên trở về với sở trường của mình là viết đi” tức chết được với em nầy mà! Quân tử trả thù ba năm chưa muộn. Tôi quyết tâm gắng dành dụm tiền bạc, nhậu nhẹt quà cáp rồi nhờ mấy ông giỏi văn hư cấu cho tui một mớ thành tích thành tựu gì đó?  Hoặc giả là khen bà vợ tôi đảm đang “nấu cơm không khét” lại giỏi việc giữ chồng không có lăng nhăng vợ lớn vợ nhỏ.. vv.. rồi gởi đi đăng báo tùm lum… thế là sẽ có nhiều người biết đến tên tui. Nghĩ đến lúc đó tui sướng rân mình mẩy!
Nói cho vui về chuyện Lực đối xử với riêng những bài viết của tui thôi, còn về chuyện giúp đỡ cho ngày hội ngộ vườn me của khoá 65 thì thật sự Lực rất toàn tâm toàn ý cho chuyện chung nầy. Cho tới ngày hôm nay đóng góp về vật chất của anh chị em trong khoá 65 đến tay BTC có thể nói là con số quá nhỏ so với những gì Lực đã ứng ra ban đầu. Nhưng chuyện đáng quý nhất là nhiệt tình của nó đối với công tác tổ chức từ tạo mẫu pano, biên tập in ấn bài vở cho tới chuyện sắp xếp nơi ăn chốn ở cho Cô Thầy và bè bạn phương xa về Sóc Trăng dự họp, chưa kể đến quà kính Thầy tặng bạn đã được Lực chuẩn bị thật chu đáo.
Cộng với kinh nghiệm nhiều lần tổ chức hội họp Quốc Lực đã đóng góp rất rất nhiều cho kịch bản ngày hội của khoá 65, kịch bản thật logic, trang trọng và đầy tính nhân văn được nối kết thật nhuần nhuyễn với những tiết mục vui cười, tạo ra những nét chấm phá hết sức ấn tượng trong suốt buổi họp. Chịu trách nhiệm quản lý một công ty lớn tại Sóc Trăng công việc rất nhiều nhưng với tâm huyết của mình đối với trường Hoàng Diệu và riêng đối với khoá 65 trong lần Hội ngộ tại vườn me ngày 22 tháng 3 nầy. Chẳng biết nói gì hơn là mượn vài dòng chữ thô thiến nầy gởi đến một người em thay lời cám ơn trân trọng nhứt.
Qua bài viết nầy tôi  kính gởi đến tất cả quý Thầy Cô và anh chị em đồng môn trong và ngoài khoá 65 lời cám ơn chân thành nhứt đối với những đóng góp của mọi người cho ngày Hội Ngộ 50 vào trường Hoàng Diệu của niên khoá 65-72.
Thời gian đã là 50 năm trôi qua… thiếu sót là không tránh khỏi khi góp nhặt những kỷ niệm về bạn, về Cô, về Thầy! Mong tất cả mở lòng mà bỏ qua những thiếu sót hoặc mạo phạm của tôi.

Sài Gòn 1:15 am 20.03.2015 
NGUYỄN THÀNH KHÁNH HD 65-72
CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.