(. . . . những ngày xưa thân ái, xin gởi lại cho ai . . . .)
Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê ven sông Hậu. Cù Lao Dung là nơi chôn nhau cắt rốn, rồi gia đình dọn về Đại Ngãi sinh sống.
Cù Lao Dung trong tôi thì rất nhạt nhòa, tôi chỉ còn nhớ được 3 cái tên thân thương là Rạch Bà Chủ, Rạch Ông Lâm, Rạch Bà Kẹo nơi tôi thường theo các anh – chị - các cậu tôi đi bắt cá men theo các con rạch, các mương vườn ! nhớ loáng thoáng hình ảnh một thằng bé dộ 3 – 4 tuổi trần truồng chạy theo các anh – chị - các cậu để cầm thùng đựng cá do họ bắt được ! Mỗi lần tôi xin đi theo thì họ đều nói “mầy bận quần áo mà cầm thùng thì cá chạy hết không bắt được, muốn theo thì phải ở truồng bọn tao mới cho đi”. Vậy là dưới kinh rạch, mương vườn là dội quân đi nôm, mò cá thì trên bờ có “một tướng quân” ở truồng dòng dõng đi theo “chỉ huy, hò hét” ! Sau nầy tôi mới biết là bị “dụ khị”, mỗi lần gặp lại là họ đều đem chuyện nầy ra nhắc lại rồi cả tôi và họ đều cười ngất !
Đại Ngãi thì tôi sống hơi lâu hơn ! bạn bè con nít của tôi cũng khá đông. Nhà ông bà ngoại tôi ỏ cách nhà máy Tây Nam độ chừng 15 – 20 căn nhà. Trò chơi mà bọn con nít chúng tôi chơi ngày đó cũng rất mộc mạc, quê mùa ! trò chơi bắn đạn, tán u, nhảy cò cò . . . trò chơi mà bọn con trai chúng tôi thường chơi là trò đánh trận, cả bọn chia làm hai phe (thường là xóm trên, xóm dưới) rồi bắn nhau bằng sợi dây thun máng váo hai ngón tay, đạn là những đoạn cỏ u du được cắt khúc dài độ 2 lóng tay, phơi cho ráo ráo (để bẻ đôi không bị gảy) rồi bắn nhau, kèm theo tiếng “bằng chéo” từ miệng của các “ông lính”.
Mỗi khi có bọn con gái tham gia thì địa điểm là gò mã Bà Phủ ngay phía sau xóm, trò chơi “bạo lực” bị “xí ! xó”, thay vào đó lúc nào cũng là trò chơi nhà chòi ! Bọn tôi cũng chia ra từng cặp “có vợ, có chồng”, mỗi cặp cất một căn nhà riêng bằng lá chuối, cũng đi chợ nấu cơm, mua bán tiền là lá cây. Sinh con đẽ cái là những chiếc khăn cuộn lại thành đứa bé sơ sinh. Cưới gã, làm suôi với nhau, chuyện nầy là “người thật nhưng việc giả” ! Cha – mẹ, con cái, dâu – rể đều do “đào – kép” là chính bọn con nít chúng tôi diễn, bắt chước theo những gì bọn tôi nhìn thấy được nơi người lớn và các tuồng cải lương, buồn cười là các vai luôn luôn thay đổi ! hôm nay hai đứa là vợ chồng, là cha mẹ, ngày mai có thể là mẹ con, suôi gia . . .
Trong thời gian nầy tôi đôi khi cũng có theo ba – má tôi sinh sống tại nhiệm sở của ba tôi dạy là Nàm Xụ (Gòi/Lịch Hội Thượng), rồi Bố Thảo nhưng ký ức nhạt nhòa quá, tôi chỉ còn nhớ là thường đi theo bọn trẻ ra bờ sông câu cá rô, dang nắng ngoài ruộng hớt cá lia thia đồng, mỗi khi có cá là tôi được bọn chúng dạy cho cách dùng lá môn để đựng cá mang về .
Đầu năm lớp ba, tôi theo ba má tôi về sống tại SócTrăng, không còn được ăn cơm chan “nước cơm chắc” với cá kho mà ngoại tôi luôn luôn để dành cho tôi mỗi khi đi học về nữa, không còn nhìn thấy khói lam chiều vương trên mái lá mỗi chiều đi học về ! Không còn được tụi thằng Mâu, thằng Hưởng cho cưởi trâu trong buổi trưa nắng cháy !
Trò chơi cũng không còn “thôn dã” nữa, thay vào đó là bắn kẹo, những viên đạn keo hay nút ve/chai nước ngọt, bia được sắp trong một hình tam giác, tới hạng đứa nào thì đặt tay ở một mức định sẳn bắn cho đạn/nút ve văng ra khỏi vòng bao nhiêu thì ăn (bỏ túi) bấy nhiêu !
Chia hai phe chơi bắt kẹo. Đánh “vụ” (con quay), trò chơi nầy, con vụ (con quay) đứa nào vụng về, làm biếng thì chạy ra Hia Bò Ghết (Hồng Hương) mua một bộ là 1 đồng, gồm có con vụ bằng cây được tiện bằng máy và một cây quất bằng vải rất đẹp. Tuy nhiên bọn tụi tôi thì thích tự làm hơn, con vụ là những ống chỉ bắng cây mà má tụi tôi đã xài hết chỉ vứt bỏ, dùng dao đẽo một đầu cho nhọn, dùng một hột táo nhét vào để lấy đầu nhọn tiếp đất “chạy cho ngon”.
Đá gà bằng búp bông phượng, dùng những nhị đực của bông ngoéo vào nhau, giật mạnh, nhị bông của đứa nào đứt thì thua.
Bắn pháo bông, bỏ sáp đèn cầy vào một cái nút ve đun cho sôi rồi tạt nước vào cho ngọn lửa bùng mạnh lên, có đứa bị cháy xém cả lông mày, nhưng rất vui, cười nắc nẻ mỗi khi có thằng cháy lông mày, lông mi !
Bánh kẹo không còn là những cục kẹo chanh, kẹo dừa như khi còn ở Đại Ngãi nữa, mà thay vào đó là những miếng “xi-cu-la” hình tròn ép trong lớp giấy bạc giả thành những đồng tiền xu ! bánh “LU”. Đi rong theo xóm lượm vỏ quýt mang lại tiệm thuốc bắc Đức Xuân Đường đổi lấy “trần bì” chia nhau mỗi đứa cắn một miếng rồi cười ngắt nghẻo, cự nự vì đứa cắn nhiều cắn ít !
Biết vào rạp “xi-cà-la-ma” Nhị Trưng để coi phim cao bồi, vào rạp Nguyễn Văn Kiểng coi tài tử Ấn Độ nhảy múa ! Biết mỗi khi đi học thêm ở nhà Ông Đốc Múi thì ghé vào tiệm cà phê Tân Lạc Viên cạnh rạp Nguyễn Văn Kiểng để tự thưởng cho mình một bịt cà phê đá 1 đồng, hay ghé xe bò vò viên ngang với cây xăng Trường Hưng để “tự sướng” với tô hủ tíu “bò viên” 2 đồng ! Thấy mấy “anh hùng cao bồi viễn tây” bật “hộp quẹt Zippo” điệu nghệ quá ! cũng mót tiền mua một cái để bật “teng teng” nghe chơi ! cũng tập phì phà điếu thuốc cho giống thần tượng ! ban đầu thì sặc sụa ! thằng nầy chỉ thằng kia cách hút cho khỏi sặc ! thuốc nào hút không bị sặc ! vậy là ghiền thuốc lá từ năm lớp đệ ngũ ! Nhãn hiệu thời thượng là “Capstan lùn” theo tôi từ đó ! cho đến bây giờ vẫn không bỏ thuốc được !
Già rồi mới thấy mình ngu, chuốc lấy nợ đời !
Ngày nay, nhìn bọn trẻ mãi mê với game online, thấy có phần cảm phục chúng vì tiếp cận nhanh với công nghệ tiên tiến, nhưng sao thấy nó nhạt nhẻo, khô khan quá ! không thơ ngây như bọn tôi ngày xưa !
Ôi ! nhớ qua những ngày xưa thân ái ! thơ ngây !
LÝ VĂN HÀO HD 64-71
(08/03/2015)
(08/03/2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét