Thật khó có thể ngờ sự thay đổi của con đường mà tôi đã đi qua. Bãi xàu cái tên của một quận lỵ, gần nhất và phát triển nhất của tỉnh lỵ Ba xuyên cách nhau chưa đầy 6 cây số. Mỗi ngày từ nhà tôi gần dinh quận lội ra bến xe, để đi đến ngôi trường trung học công lập Hoàng diệu duy nhất của tỉnh Ba xuyên, mà mỗi năm chỉ khoảng 300 học sinh may mắn được vào học.
Muốn vào được trường Hoàng diệu phải qua một kỳ thi tuyển mà số thí sinh thì đông gấp mươi lần nên những ai may mắn lọt vào được đây cũng là niềm tự hào.
Tôi còn nhớ những chuyến xe Lam đầy ấp người từ Bãi xàu chậm chạp bò qua Đài phát thanh của tỉnh ( bây giờ là trường Sư Phạm) qua cống BX ngang qua đường vào chùa Dơi (xưa chưa có chợ Mùa Xuân)
Dọc theo con đường từ Đài phát thanh đến Ngã ba nhà đèn, chỉ toàn là ruộng lúa chẳng có đến một căn nhà hay một mảnh nhô lên khỏi ruộng lúa, thế mà bây giờ mỗi khi trở lại nhà xưa. nhìn phố thị, tôi cứ tưởng là mình lầm nơi. Đúng là "bể lúa nương dâu" hay "vật đổi sao dời", con đường thân yêu ngày xưa từ Cầu bon đi ngang thánh thất Cao Đài (còn gọi là chùa Một Mắt) chỉ có hàng dừa soi bóng nước sông Cầu Bon, phía bên phải là bến xe Bãi Xàu qua cầu Thuận Hoá, đi thẳng là đến trường Hoàng diệu, có những hôm mưa tầm tã nước ngập tới đầu gối không đi được, thì con đường đi ngang qua tiệm chụp hình Mỹ Phương qua cầu bon là cách chọn lựa duy nhất của nhóm áo trắng chúng tôi.
Bây giờ thì con sông từ đầu doi đến cống 1 Nguyễn bỉnh Khiêm xưa (nay gọi là đường 30/4) đã bị lấp, sông chỗ cầu Bon cũng thành đường rộng cạnh công viên, bến xe Bãi xàu phía bên nầy cầu Bon cũng không còn. Dãy nhà vựa mé sông nay mọc lên những toà nhà cao đẹp. Đúng là sự đổi mới xưa và nay trong trí tôi.
Hoàng diệu trường xưa nay đã thêm tuổi và thay đổi về hình thức bên ngoài. Tôi cũng tự hào là học sinh Hoàng diệu, đã năm mươi năm qua, tôi luôn ghi nhớ điều ấy.
NGUYỄN NGỌC DUNG
HD 65-72
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét