Thị trấn giữa rừng, Vùng đất ăn nên làm ra, Cống phẩm của phía Tây… là những cách lý giải của học giả về tên gọi thành phố hơn 300 tuổi.
Từ đầu thế kỷ XX người Pháp đã nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của địa danh Sài Gòn – thành phố mà họ muốn biến thành “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Nhưng cái tên dung dị, thân quen ấy kể cả người Việt cũng đều không rõ nghĩa.
Sau hơn 300 năm hình thành, phát triển, nhiều thế hệ học giả vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi này. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, Sài Gòn có 3 cách lý giải được đánh giá cao nhất.
Thị trấn giữa rừng
Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa “củi” và “Gòn” tức “cây bông gòn”, quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của cho nghĩa của Sài Gòn là “củi gòn”.
Dựa theo thông tin này, học giả Trương Vĩnh Ký nói rằng tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ “Prei Nokor” của người Khmer. Giả thuyết này được ông Ký đưa ra trong giáo trình “Địa lý Nam Kỳ” của mình. Một loạt cách gọi tương tự về địa danh Việt – Miên ở Nam Kỳ phiên âm giống vậy như Cần Giờ là từ “Kanco”, Cần Giuộc là “Kantuộc”, Gò Vấp là “Kompăp”…
“Prei” theo tiếng Khmer nghĩa là “rừng”, còn “Nokor” là “thị trấn”. Như vậy “Prei Nokor” nghĩa là một “thị trấn ở trong rừng”. Nghĩa rộng hơn theo Phạn tự là “lâm quốc”. Vùng này trước đây là đại bản doanh của một Phó vương nước Chân Lạp cũ.
Dần dần, người dân đọc trại từ “Prei” thành “Rai” rồi thành “Sài”. Từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và từ “Kor” thành ra “Gòn”.
Căn cứ của lý giải này dựa vào việc Prei Nokor xưa kia là rừng rậm có nhiều cây gòn được dân cư sử dụng làm củi. Học giả Trương Vĩnh Ký kể lại rằng, người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai. Chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ tại đó năm 1885.
Sau Trương Vĩnh Ký, đốc phủ Lê Văn Phát đồng tình lý giải này. Ông cho rằng, không chỉ người Khmer mà người Lào cũng gọi vùng này là “rừng cây gòn” thông qua từ Cai Ngon. Vốn dĩ ngôn ngữ Lào giống tiếng Thái nên Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn.
Tuy nhiên giả thuyết này bị cho là không có căn cứ, vì qua thời gian, không ai tìm ra được dấu tích của một “khu rừng có nhiều cây gòn” tại Prei Nokor cả, mà đó chỉ là suy đoán.
Vùng đất ăn nên làm ra
Học giả – nhà văn Vương Hồng Sển cho rằng không thể dựa vào ngữ nghĩa hai từ “Sài Gòn” hay “Prei Nokor” để phân tích. Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, cụ Vương đã dày công tra cứu hàng loạt sách báo Pháp lẫn Việt. Ngoài ra, ông đi thu thập dữ liệu từ dân gian nên rút ra cách lý giải khác.
Theo Vương Hồng Sển, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi “ăn nên làm ra” cần được củng cố cho thật bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là “Tai-Ngon” hay “Tin-Gan” mà theo Hán Việt là Đề Ngạn.
Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm “Sài Gòn” là từ “Thầy Ngồn”, “Thì Ngòn” mà ra.
Tuy nhiên theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn viết năm 1776 có dữ kiện “năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn”… Đây cũng là lần đầu tiên hai từ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Điều này chứng tỏ từ “Sài Gòn” có trước thời điểm người Hoa đến Chợ Lớn nên cách lý giải của Vương Hồng Sến không thuyết phục.
Cống phẩm của phía tây
Còn học giả người Pháp Louis Malleret cho rằng Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng “Tây ngòn” – nghĩa là cống phẩm của phía tây (Tây Cống). Tiếng “Tây ngòn” phát âm theo giọng người Hoa thành Sài Gòn.
Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này vì dựa vào dữ kiện lịch sử do Trịnh Hoài Ðức chép lại. Khi Campuchia bị phân ra cho hai nhà nước thì cả hai vua đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor.
Về lý giải này của học giả người Pháp, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng “Tây Cống” chỉ được người Hoa dùng sau này. Ngày trước vùng Chợ Lớn được gọi là Sài Gòn nhưng khi người Pháp chiếm các tỉnh Đông Nam bộ đã gọi vùng Bến Nghé là Sài Gòn vì tên Bến Nghé quá khó đọc với họ.
Nguồn gốc tên gọi Sài Gòn sẽ còn nhiều tranh luận nhưng nhiều học giả nhận xét, việc không rõ thực hư như vậy càng khiến Sài Gòn hơn 300 năm càng thêm huyền bí, hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò khi muốn tìm hiểu.
Tên gọi Sài Gòn dù nguồn gốc như thế nào thì tính cách người Sài Gòn vẫn không đổi khác, vẫn là “Anh Hai Nam bộ”, đi trước đón đầu trong nhiều lĩnh vực. Sài Gòn – TP HCM đang chuyển mình phát triển để lấy lại danh xưng một thời “Hòn ngọc Viễn Đông”, là đầu tàu cả nước trong nhiều lĩnh vực.
Nguồn: Tổng hợp
Người bỏ quan trường trở thành đệ tam phú hào
Sài Gòn
Bá hộ Xường sở hữu hơn một nửa những căn nhà ở khu Chợ Lớn, nắm giữ đế chế mua bán thực phẩm, bất động sản ở Sài Gòn và miền Tây cuối thế kỷ 19.
Nằm lọt thỏm trong khu dân cư trên đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (TP HCM) là cổ mộ rộng khoảng 100 m2 và xây từ 110 năm trước của vợ chồng ông Lý Tường Quan (tức bá hộ Xường), người giàu thứ 3 của Sài Gòn xưa.
Khu mộ được xây bằng đá, có tường rào, mái che, họa tiết chạm khắc công phu. Trải qua trên trăm năm nhưng quần thể mộ cổ vẫn được bảo quản khá tốt. Đây là một trong 3 cổ mộ được TP HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Tấm bia trong khu mộ ghi lại rằng, ông Lý Tường Quan sinh năm 1842, mất năm 1896, là con trai thứ ba trong gia đình người Hoa có bốn anh em. Lúc lọt lòng, ông có “hồng hoa bao để” (đẻ bọc điều) nên được đặt tên là Tường Quan.
Thông minh từ nhỏ lại chăm học, Lý Tường Quan ngoài tiếng Việt còn thông thạo Hoa và Pháp ngữ. Ông cũng rất giỏi cầm kỳ thi họa và được người Hoa bầu là trưởng bang Triều Châu khi còn rất trẻ. Người Pháp sau khi chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ cũng mời ông làm thông ngôn kiêm luôn chức bang trưởng cả 7 bang Hoa kiều Chợ Lớn.
Nghề thông ngôn thời điểm đó rất được coi trọng, có nhiều cơ hội tiến thân trên quan lộ. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng cho rằng, thầy thông ngôn rất oai, thét ra khói, hét ra lửa vì luôn kề cận các quan to cả Tây lẫn ta. Có được vị trí này, con đường làm quan của các thầy thông ngôn sẽ rất hanh thông. Nhưng chẳng hiểu sao, năm 30 tuổi, Tường Quan xin nghỉ công việc nhiều người mơ ước.
Cổ mộ có tuổi đời khoảng 110 năm, là một trong 3 mộ được công nhận di tích ở TP HCM. Ảnh: Sơn Hòa
Nghỉ làm quan, ông gom vốn đi khắp nơi kinh doanh thực phẩm, thứ hàng hóa rất thiếu thốn thời đó. Mặt khác, nhờ sẵn quan hệ lúc trước với người Pháp, ông biến họ thành chỗ chống đỡ cho mình.
Nghỉ làm quan, ông gom vốn đi khắp nơi kinh doanh thực phẩm, thứ hàng hóa rất thiếu thốn thời đó. Mặt khác, nhờ sẵn quan hệ lúc trước với người Pháp, ông biến họ thành chỗ chống đỡ cho mình.
Người đàn ông họ Lý thuê nhân công xuôi thuyền thu mua cá ở miền Tây mang lên bán ở các khu nhộn nhịp là Chợ Lớn và Sài Gòn. Đánh đúng nhu cầu thị trường, việc buôn bán phát đạt, lãi mẹ đẻ lãi con. Lý Tường Quan còn học cách bảo quản cá thịt hoặc làm mắm rồi đóng gói đưa đến những thị trường xa hơn. Nhiều đơn hàng của ông sang đến Trung Quốc, Pháp…
Trong những lần dong thuyền mua cá, thuyền đi luôn trống không, Tường Quan thấy lãng phí nên nghĩ cách tận dụng đưa nhu yếu phẩm ở thành thị như quần áo, giày dép, xà bông, mì chính… về bán lại cho nông dân.
Nhờ sự quan sát tinh tế, nắm được quy luật cung – cầu của từng thị trường mà hệ thống buôn bán của Lý Tường Quan gần như thâu tóm toàn bộ các thị xã lớn nhất Nam Kỳ. Người ta ví von, cứ 10 người Nam Kỳ thì có tới 8 người ăn, mặc đồ của ông bán.
Nắm trong tay đế chế phân phối khổng lồ, ông mau chóng giàu “nứt đố đổ vách”, người dân không gọi ông bằng tên thật nữa mà gọi là bá hộ Xường. Theo lý giải thì Xường có thể là tên gọi ở nhà của ông (chữ Tường đọc theo tiếng Hoa).
Bá hộ Xường ngắm tới thị trường nhà đất. Dựa vào mối quan hệ với chính quyền Pháp, ông mua được nhiều khu đất hoang giá rẻ, đầu tư xây nhà để cho thuê hoặc bán lại với giá cao. Nhờ cách làm ăn này, khối tài sản của ông tăng vọt lên theo cấp số nhân.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, khu Chợ Lớn trước đây phân nửa nhà đất là của bá hộ Xường. Đó là chưa kể một số khu vực kế cận như quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, quận 4 ngày nay… Nếu chú Hỏa, người giàu thứ 4 có khoảng 20.000 căn nhà ở Sài Gòn thì bá hộ Xường đứng thứ 3 thì số nhà đất phải hơn nhiều.
Tuy giàu có nhưng gia đình bá hộ Xường vẫn sống nề nếp, không ăn chơi hưởng lạc như những đại gia khác. Khi vợ chồng ông mất, con cháu chia nhau cai quản công việc. Sau này, hầu hết họ đều ra nước ngoài sinh sống.
Ở TP HCM, ngoài cổ mộ của ông Lý Tường Quan ở quận Tân Phú, tại đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) còn một trong những căn nhà của ông thời xưa. Ngôi nhà hiện là từ đường của dòng họ Lý tại Sài Gòn và cũng là di tích được thành phố công nhận, lưu giữ. Ngôi nhà được xem như tài sản cuối cùng còn sót lại của người đàn ông giàu thứ 3 trong Tứ đại phú hộ “Nhất Sĩ, nhì Phường, tam Xường, tứ Hỏa”.
Sơn Hòa/vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét