Nếu như
cuộc đời có phím DELETE ... chắc chắn nó sẽ được sử dụng nhiều nhất...
Ðược
tin ông bạn già bất thình lình “ra đi”, tôi vội mang vòng hoa đến chào từ biệt.
Ông bạn tôi mặc bộ đồ rất đẹp, bình thản nằm đó. Tôi mừng thầm cho ông bạn đã
“ra đi” một cách nhẹ nhàng trong lúc đang ngủ ngon lành. Sau đó, trên đường lái
xe về nhà, tôi suy tư về khoảng thời gian còn lại trong đời tôi. Dù sao năm nay
tôi đã trên bẩy chục tuổi đầu rồi. Theo thống kê ở Canada, người đàn ông trung
bình có thể sống tới năm 76 tuổi mới được phép “ngao du vùng tiên cảnh”. Có
nghĩa là tôi còn có thể sống được chừng 5 năm nữa. Vì thế, tôi nghĩ rằng đã đến
lúc tôi phải phác họa ngay một “chương trình ngũ niên” cho tôi, kẻo lúc “ra đi”
lại tiếc rẻ khôn nguôi.
Cũng
may hiện nay tôi vẫn còn khỏe mạnh, tiền hưu trí cũng đủ để “phè phỡn với đời”.
Vấn đề quan trọng bây giờ là phải “phè phỡn” làm sao cho “phải đạo”? Chuyện
“ong bướm” ư? Mục này tôi không còn khả năng để “đụng” tới. Những người đến tuổi
sắp “ra đi” như tôi không nên quá tham lam. Chúng ta hãy để đám con cháu có dịp
“thi thố tài năng”, không nên tranh dành với thế hệ trẻ. Biết nhường nhịn như vậy
mới được người đời kính nể.
Ðối
với tôi, ăn uống cũng không còn là một mục khoái lạc đáng để ý tới. Có mấy cái
răng hàm thì rụng gần hết, huyết quản thì bị mỡ bám đầy, máu thì ngọt như mật
ong. Theo tôi nghĩ, ông Trời cho mỗi người một số lượng đồ ăn nhất định để sinh
sống trong suốt cả cuộc đời của mình. Người nào dùng hết “khẩu phần” của mình
là phải “ra đi”. Ông Trời đâu có cho phép chúng ta kéo dài cuộc sống để “ăn ké”
vào khẩu phần của người khác. Nói tóm lại, “ăn nhiều, ăn nhanh, ăn mạnh, vét
cho sạch nồi cơm”, không phải là bí quyết trường sinh. Các bác sĩ ở các nước Âu
Mỹ cũng đã nhận ra điều này, nên đã luôn luôn khuyên già trẻ cũng như nhớn bé
phải ăn uống chừng mực. Hơn nữa, chúng ta cũng đã từng được nghe các cụ nhắc nhủ
nhiều lần: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”, hoặc “tham thì cực
thân, Phật đã bảo thầm thì chớ có tham [ăn]”.
Thế
là tôi đã mất hai trong bốn mục khoái lạc mà người đời gọi là “tứ khoái”. Sau
cùng, tôi chỉ còn thấy có hai thú vui hợp với túi tiền và sức lực của tôi: đó
là đọc sách, và đi du lịch. Tôi thấy, đi ngao du những nơi danh lam thắng cảnh
là thuận tiện nhất: ban ngày thì đi tham quan đó đây, tối về khách sạn ngồi đọc
sách. Ðối với người có tuổi như tôi, thời giờ rất là cấp bách, làm “công đôi ba
việc” như vậy mới “tranh thủ được thời gian”. Thế là hai vợ chồng tôi bàn nhau
đi ngao du vùng nắng ấm để trốn mùa lạnh ở Canada. Ôi, mùa đông ở xứ “tình nồng”
này, sao mà lạnh thế! Càng về già, tôi càng cảm thấy lạnh, lạnh từ ngoài vào tới
tận đáy lòng con người.
Tối
hôm đó, tôi chui vào mền nằm nghĩ đến ngày mai tới Miami sưởi nắng... Ðang say
sưa mơ màng thì vợ tôi đánh thức: – Dậy đi anh. Ðến giờ ra phi trường rồi, máy
bay không đợi anh đâu. Em đã chọn cho anh một bộ quần áo rất đẹp để mặc đi đường.
Bỗng
nhiên tôi nhớ đến ông bạn già của tôi đã được Nhà Ðòn mặc cho một bộ quần áo rất
đẹp trước khi lên xe “ra đi”. Tôi nhìn vợ tôi xếp quần áo của tôi vào va-li,
tôi vội hỏi:
– Ủa,
em không đi cùng với anh hay sao?
–
Em còn bận công việc nên đành phải ở lại. Anh đã đến tuổi có quyền được đi ngao
du, nay đây mai đó. Anh cứ đi chơi thanh thản là em mừng rồi.
Cuối
cùng tôi đành phải lên xe taxi ra phi trường một mình. Tôi quay đầu nhìn lại
mái nhà thân yêu của tôi cho đến khi nó mờ dần sau màn tuyết trắng, mầu trắng
tang tóc làm tôi khẽ rùng mình. Phải chăng kẻ “ra đi” thường nghĩ tới kẻ “ở lại”?
Quả
thiệt máy bay không đợi tôi. Tôi vừa ngồi xuống ghế thì máy bay bắt đầu cất
cánh. Lòng tôi buồn rời rợi vì tôi đang bay về vùng nắng ấm trong khi họ hàng
thân yêu tôi còn phải ở lại vật lột với băng tuyết từ Bắc Cực ù ù thổi về. Khi
máy bay hạ cách xuống phi trường Miami, xe của hãng du lịch đã chờ sẵn để đưa
tôi về khách sạn R.I.P (“Resort of International Peace”, mà tôi tạm dịch là
“Lưu Xá Hòa Bình Thế Giới”). Mới nhìn thoáng qua tôi đã nhận thấy phong cảnh
thành phố này quả có đẹp, đúng như những bích trương quảng cáo du lịch đã trình
bày. Hai bên đường là những cây cao vời vợi, cành lá um tùm. Xung quanh khách sạn
của tôi là những biệt thự xinh xắn nằm sau những hàng rào hoa đủ mầu đủ loại.
Ngồi
uống trà trong vườn của khách sạn, tôi thoải mái nghe chim hót líu lô và nhìn mấy
con bướm bay tung tăng trong nắm ấm. Một lát sau, người hướng dẫn du lịch mời
tôi lên xe đi xem phong cảnh thành phố. Ðó là một chiếc xe buýt chở chừng 50 du
khách đủ loại người. Ða số là người có tuổi như tôi, nhưng cũng có vài người rất
trẻ. Ngoài một số người Mỹ ra, tôi còn nhận thấy vài người ngoại quốc mặc quần
áo cổ truyền của nước họ. Ông tài xế cho biết là xe sẽ dừng nhiều nơi nổi tiếng
trong thành phố, du khách có thể xuống bất cứ chỗ nào để tham quan, một giờ sau
đó xe sẽ trở lại đón để đưa đi thăm viếng nơi khác, hoặc chở về khách sạn
R.I.P.
Xe
đi vòng vòng trong thành phố và vùng ngoại. Xe ngừng nhiều nơi nổi tiếng của
vùng này: có những khu biệt thự sang trọng lộng lẫy, có những bãi cát vàng óng ả
chạy dài xuống biển xanh mầu ngọc thạch, có những trung tâm thương mại xầm uất,
v.v... Mỗi khi xe ngừng lại, thì có vài du khách tíu tít xuống xe. Khi xe tới
Tropical Garden (Vườn Bách Thảo Nhiệt Ðới), tôi bèn xuống xe vì muốn sống lại
trong khung cảnh xanh tươi của đất nước tôi khi xưa. Tôi sung sướng khi thấy lại
những cây đa cổ thụ cao ngất từng mây, những cành hoa phượng vĩ rực rỡ dưới nắng
chan hòa, những con chuồn chuồn vui đùa giữa những cụm bông sen trên mặt hồ phẳng
lặng...
Tôi
đang thẩn thơ hưởng khung cảnh tĩnh mịch gần như thoát tục, thì bỗng nhiên nghe
có tiếng người gọi tên tôi. Quay lại thì thấy anh Tùng, người bạn chí thân của
tôi từ ngày học đệ thất. Ðã hơn bốn chục năm rồi bây giờ mới lại gặp nhau.
Chúng tôi bắt tay nhau thiệt lâu, mừng mừng tủi tủi. Chúng tôi dạo chơi dưới
bóng mấy cây liễu già bên hồ, kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm vui buồn khi
xưa. Sau khi học hết bậc trung học, anh Tùng đi động viên, nay đây mai đó, theo
tiếng súng của thời cuộc ở nơi tiền tuyến. Còn tôi được may mắn được đi ngoại
quốc du học. Tuy vậy, chúng tôi vẫn liên lạc mật thiết với nhau bằng thư từ. Lá
thư cuối cùng của anh tôi nhận được hồi cuối năm 1967. Trong thư anh cho tôi biết
là anh đang hành quân ở Quảng Trị, và trong vài tuần nữa anh được nghỉ phép để
về Cần Thơ ăn tết và nhân tiện cưới vợ luôn một thể. Thế rồi trận Mậu Thân bất
thình lình xẩy ra. Từ đó tôi không nhận được tin tức gì về anh. Tôi cho rằng
anh đã bị tử trận. Bây giờ lại gặp được anh, tôi mừng muốn khóc. Trong khi đi
bách bộ trong vườn, chúng tôi nói chuyện huyên thuyên, không để ý đến thời
gian. Ðến lúc xe buýt tới, chúng tôi đành phải chia tay nhau. Tôi lên xe ra đi.
Anh ở lại vì anh muốn tiếp tục cuộc du ngoạn trong vườn mà anh ví “như vườn Tao
Ðàn ngày xửa ngày xưa, nơi mà chúng mình thường tới chơi trong những giờ trốn học”.
Bắt tay anh, tôi hẹn với anh ngày tái ngộ. Anh cười vui vẻ, rồi thốt ra một câu
triết lý bâng quơ:
–
Vũ trụ này thực ra bé nhỏ lắm, chúng mình đi loanh quanh, luẩn quẩn, mãi rồi sẽ
có ngày cũng lại gặp nhau. Ðến lúc lên xe chạy ra ngoài phố, tôi mới sực nhớ là
đã quên hỏi địa chỉ của anh. Tuổi già lẩm cẩm, hay quên. Thiệt là vô tích sự!
Xe
chạy vào khu ăn chơi buôn bán nổi tiếng trong vùng. Tôi tò mò xuống xe đi xem cảnh
“ngựa xe như nước, áo quần như nêm.” Ðường phố đông nghịt những người. Họ đi ngắm
nhau, hoặc ngắm những hàng hóa đắt tiền bầy trong tủ kính. Tôi mỉm cười nhìn một
bà Mỹ to béo đang chăm chú nhìn một bộ áo dạ hội mỏng dính với bảng giá
“Special Sale: 299.95 dollars.” Tôi cảm thấy tội nghiệp cho cái “cái cối xay”
đang bị thôi miên bởi cái áo “hớ hênh,” vừa hở lưng đằng sau, vừa hở rún đằng
trước. Ðã thích ăn cho mập xù, lại còn thích mặc quần áo khiêu gợi! Ðang ngẫm
nghĩ về cái ham muốn quá đáng của con người, thì tôi đã bước tới trước cửa một
tiệm kim hoàn. Tôi đứng ngắm những vòng ngọc đủ mầu, những dây chuyền vàng chạm
chổ tinh vi, những chuỗi hạt trai sáng rực dưới ánh đèn trong tủ kính. Bỗng
nhiên có tiếng ồn ào trong tiệm, rồi có bóng một thanh niên chạy vọt ra ngoài,
đằng sau là những tiếng hô hoán ầm ĩ. Hai tiếng súng nổ liên tiếp làm tôi giật
mình quay lại. Tôi thấy một cô cảnh sát cầm súng thản nhiên đứng nhìn người
thanh niên đang nằm quằn quại trên vũng máu, tay còn nắm chiếc đồng hồ vàng nạm
kim cương. Khách bộ hành tò mò nhìn cảnh chết chóc như đang xem chương trình
Miami Vice trên ti-vi. May sao vừa lúc đó thì xe buýt của hotel tới, tôi vội chạy
lên xe, để trốn cảnh si mê và tàn bạo.
Xe
ngừng bánh nhiều nơi cho du khách xuống du ngoạn. Nhưng tôi vẫn ngồi yên trên
xe vì tôi thấy mất hết cảm hứng đi ngắm cảnh phồn hoa giả tạo. Cuối cùng xe
cũng về tới khách sạn R.I.P khi thành phố bắt đầu lên đèn. Tôi mệt mỏi xuống xe
và rất ngạc nhiên khi thấy bố mẹ tôi mừng rỡ chạy ra đón tôi, và ôm tôi vào
trong lòng. Mẹ tôi vỗ về tôi, rồi nhẹ nhàng trách tôi: – Con mải đi chơi ở đâu
mà mãi bây giờ mới về, làm bố mẹ mong chờ.
Tôi
cảm thấy hối hận vô cùng, tôi gục đầu vào vai mẹ tôi khóc nức nở như ngày tôi
còn bé...
Bỗng
nhiên tôi nghe văng vẳng có tiếng gọi tôi: – Dậy đi anh. Anh nằm mơ cái gì mà
khóc lóc thảm thê vậy?
Tôi
chợt bừng tỉnh, nước mắt hãy còn rỏ xuống gối. Sau đó, tôi nghĩ nhiều lắm. Tôi
nghĩ đến ông bạn già của tôi mặc bộ quần áo rất đẹp đang nằm trong nhà quàn.
Tôi nghĩ đến chuyến du ngoạn mà tôi đã thực hiện được trong giấc mơ. Tôi nghĩ đến
giờ phút kỳ lạ cho phép tôi gặp lại những thân nhân của tôi đã bỏ tôi “ra đi”
lâu lắm rồi. Tôi nghĩ đến cái sống và cái chết. Sau khi tôi “ra đi,” tôi sẽ đi
về đâu? Là “người trần mắt thịt,” làm sao tôi biết được. Chỉ những “chuyên gia”
nghiên cứu về linh hồn hay duyên kiếp mới “biết rõ ràng” những chuyện gì “chắc
chắn” sẽ xẩy ra khi chúng ta sang “bên kia thế giới.” Những vị này thường cho
chúng ta biết rằng: sau khi chết đi, con người sẽ khốn khổ lắm nếu không biết
thành kính thờ phụng Chúa hoặc ra chùa tụng kinh giải oan. Có người lại nghĩ rằng
sau khi chết đi, con người sẽ trở thành cát bụi, chứ không đi đâu hết. Trái lại,
giấc mơ kỳ lạ mà tôi đã trình bày ở trên làm cho tôi nghĩ rằng cuộc sống cũng
như sự chết không khác gì một cuộc ngao du. Linh hồn chúng ta có thể là một
hành khách trên một chuyến xe buýt du ngoạn. Xe buýt tới thì ta phải lên xe “ra
đi.” Làm sao mà biết được xe sẽ ngừng ở nơi nào. Khi xe tới trạm, ta phải xuống.
Trạm xe bus có thể là một khu “Vườn Nhiệt Ðới,” có thể là một trung tâm thương
mại phồn thịnh giả tạo đầy si mê và tội lỗi, có thể là một khu tối tăm, nghèo
nàn, có thể là một ổ trộm cướp đầy sì ke, ma túy...
Nếu
cho sự chết là một du ngoạn, tại sao chúng ta không sửa soạn cuộc “ra đi” của
chúng ta cho chu đáo. Khi chúng ta vượt biên, chúng ta sửa soạn rất kỹ càng.
Nhưng khi chúng ta đến tuổi phải “ra đi,” chúng ta lại không tính toán như người
vượt biên, dù rằng chúng ta vẫn còn đủ tỉnh táo để sửa soạn cuộc “ngao du” của
chúng ta. Chúng ta không chịu sửa soạn trước khi “ra đi” vì chúng ta sợ chết,
nên chúng ta không dám nghĩ đến cái chết cho đến khi chúng ta thở hơi cuối
cùng. Thế là chúng ta “thẩy” trách nhiệm đó cho những người thân thiết có nhiệm
vụ cáng đáng thân xác của chúng ta. Trong lúc “tang gia bối rối,” người nào
càng thân thiết với chúng ta bao nhiêu, thì lại càng bối rối bấy nhiêu. Khi bối
rối như vậy, làm sao họ có thể tính toán một cách hợp lý được. Kết quả là người
thương yêu của chúng ta sẽ bị các Nhà Ðòn lợi dụng triệt để. Chuyện này rất dễ
hiểu: vì thương tiếc “người ra đi,” nên những người thân thích tưởng rằng càng
tiêu nhiều tiền cho chuyện ma chay bao nhiêu, thì “người ra đi” càng sung sướng
bấy nhiêu. Thiệt là nhầm to. Những bài kinh giải thoát, những sớ cầu siêu không
hóa giải được những tội lỗi của con người. Một cuộc mai táng huy hoàng không
làm cho “người ra đi” được “mát mặt” thêm một chút nào. Tuy vậy, những người
thân thích luôn luôn muốn có một đám tang thiệt là linh đình và tốn kém để tỏ
lòng thương tiếc của mình đối với “người ra đi.” Trong trường hợp này, “người
ra đi” chỉ còn biết thở dài (sau khi thở hắt ra). Rồi người đến viếng cũng muốn
mua một vòng hoa thiệt to, thiệt đắt tiền để tỏ tình bạn hữu với “người ra đi”
và nhất là để chứng minh cho bà con lối xóm biết rằng mình là “người đàng
hoàng, có thủy, có chung.” Thấy cảnh này, “người ra đi” cũng lại thở dài, chỉ
muốn thốt ra câu từ biệt: “Này bạn ơi, đã quá trễ rồi. Sẽ có ngày tái ngộ,” và
“tức cảnh” làm bài thơ như sau:
Khi
một thằng nằm xuống
Lại có thằng luống cuống đứng lên
Vái lạy thằng nằm xuống
Hy vọng khi mình nằm xuống
Lại có thằng khác luống cuống đứng lên.
Lại có thằng luống cuống đứng lên
Vái lạy thằng nằm xuống
Hy vọng khi mình nằm xuống
Lại có thằng khác luống cuống đứng lên.
Ðiều
mà chúng ta biết chắc là đa số những người sắp “ra đi” đều lo lắng thiết tha
cho “người ở lại,” và nghĩ rằng mình còn có thì giờ thu xếp mọi việc trước khi
“ra đi.” Tiếc thay, khi xe buýt bất thình lình tới đón đi “ngao du,” chúng ta vội
vàng lên xe nên không giúp gì cho những “người ở lại.” Trong khi đó, “người ở lại”
đau đớn muôn phần. Khi bố mẹ tôi lần lượt qua đời, một mình tôi “ở lại,” tôi lịm
người đi vì thương tiếc. Rồi khi tôi loáng thoáng được tin anh bạn chí thân của
tôi bị tử thương, tôi buồn ngẩn ngơ, tội nghiệp cho số phận long đong của người
trai thời loạn. Tôi bối rối vì tôi cảm thấy hối hận vì tôi cho rằng mình đã cư
xử không đầy đủ tình nghĩa đối với “người ra đi,” không có dịp tổ chức một đám
táng trọng thể đưa người quá cố sang “Bên Kia Thế Giới.” Ngoài ra, trong thâm
tâm, tôi cảm thấy lo sợ vì không biết những thân nhân của tôi sẽ đi về đâu: có
được “về với Chúa không”? có thoát khỏi “vòng nghiệp chướng” hay không? Ðó là
những phản ứng tự nhiên của những “người ở lại.” Vì thế, chúng ta thường thấy
những vụ ma chay linh đình để “người ở lại” có dịp “trả nghĩa” đối với “người
ra đi” (thà “trả nghĩa” trễ hạn, còn hơn là bị mang tiếng “bạc tình, bạc
nghĩa”). Chúng ta lại còn thấy trong những cuộc cúng lễ nguy nga, mọi người thiết
tha cầu xin Trời hay Phật giúp “người ra đi” được lên Thiên Ðàng hay vào Cõi Niết
Bàn. Mọi tín đồ đều “biết chắc chắn” rằng một linh hồn đầy tội lỗi khó có thể
siêu thoát được nếu thân nhân không thành khẩn cầu xin Ðấng Tối Cao nhủ lòng
khoan hồng đại lượng với “người ra đi”! Phải chăng vì chúng ta nghĩ rằng cái
quá khứ của “người ra đi” thiếu đạo đức, nên chúng ta mới phải làm lễ cầu siêu
cho “người ra đi” như vậy? Thiệt là tội nghiệp cho người “ra đi”: Ðã “nằm xuống”
rồi mà còn bị người đời gán cho cái tội “thiếu đạo đức.”
Nói
cho cùng, “người ở lại” đáng thương hơn “người ra đi.” Trong khi “người ra đi”
thản nhiên nằm đó, thì “người ở lại” không những bị xúc động tinh thần mà còn
phải xả thân cáng đáng công việc tiễn đưa “người ra đi.” Vì thế, tôi không thắc
mắc về việc tôi sẽ “ra đi,” nhưng tôi nghĩ rất nhiều, và lo lắng rất nhiều cho
“người ở lại.” Tôi muốn “người ở lại” khỏi phải quàng lên vai một gánh quá nặng
nề về tinh thần cũng như vật chất khi tôi “nằm xuống.” Có lẽ ít người nghĩ như
tôi và làm như tôi, vì đến lúc gần ngày tận số, mỗi người nghĩ một kiểu, và người
nào cũng cố gắng làm những việc mà mình cho rằng thỏa đáng nhất. Do đó, tôi
không dám khuyên ai. Những điều tôi trình bày sau đây chỉ là một thí dụ không
điển hình, một lối nhìn đời “không giống ai.”
Trước
hết, tôi không muốn những bạn bè thân thuộc tôi quá u sầu về chuyến “ngao du” của
tôi. Do đó, tôi đã trình bày cho mọi người biết rằng khi “chuyến xe buýt” tới,
tôi sẽ thản nhiên “ra đi” như tất cả mọi người khác đã từng “ra đi.” Tôi sẽ
“đi” về đâu? Có lẽ tôi sẽ về với bố mẹ tôi. Có lẽ tôi sẽ ngao du vùng tiên cảnh
cùng với bạn bè tôi. Dù sao đi chăng nữa, tôi không cần biết tôi sẽ “đi” đâu,
vì có biết hay không biết thì tôi và những người thân thuộc của tôi cũng chẳng
làm được gì cả.
Sau
đó, việc tôi phải làm trước khi “ra đi” là sửa sang lặt vặt trong nhà, vì vợ
tôi không phải là một người khéo tay biết sửa chữa nhà cửa. Ngoài ra, những gì
của tôi mà tôi thấy không cần dùng cho bản thân tôi hoặc cho “người ở lại,” tôi
mang đi cho người khác, hoặc đổ vào thùng rác. Khi tôi quẳng đi gần hai ngàn
quyển sách của tôi, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Trái lại, vợ tôi rất xúc
động, và hỏi tôi: – Những cuốn sách này là kỷ niệm gần 40 năm dạy học, tại sao
anh vất đi?
–
Anh không cần nữa.
–
Thì cứ để đấy, đôi khi anh muốn đọc lại thì sao?
–
Ðọc đi, đọc lại làm gì? Người ta lại tưởng rằng anh dốt, học mãi mà chưa thuộc
bài.
Sau
khi dọn dẹp nhà cửa, tôi bắt đầu nghĩ đến phí tổn chôn cất. Tôi thấy ở Ottawa mấy
gia đình mà tôi quen biết đã chi phí trên 15 ngàn dollars cho mỗi vụ ma chay.
Tôi tính nhẩm trong đầu thì thấy rằng chỉ trong vài chục năm nữa, cộng đồng người
Việt ở Ottawa (hơn bốn ngàn nhân mạng) sẽ phải chi cho Nhà Ðòn và nghĩa địa một
tổng số vào khoảng 60 triệu dollars (không kể tiền chi cho các vị tu sĩ cúng lễ,
cùng tiền bạn bè bỏ ra mua hoa phúng viếng). Như vậy, phí tổn ma chay cho nửa
triệu người Việt đang sinh sống ở Bắc Mỹ sẽ lên tới gần 8 tỷ dollars – bằng tiền
viện trợ mà những nước tư bản kiêm tài phiệt đã cấp cho “Ðảng ta” trong một khoảng
thời gian kéo dài hơn bốn năm trời. Thiệt là oai hùng! Thiệt là vĩ đại!
Ðể
biết rõ chi tiết của vấn đề, tôi bèn mời một đại diện Nhà Ðòn quen biết ở
Ottawa tới bàn chuyện ma chay cho tôi. Ông “tiếp thị” (salesman), quần áo chỉnh
tề, mặt trang nghiêm và đầy kính cẩn, ăn nói nhẹ nhàng và từ tốn trong khi
trình bày giá cả cho tôi nghe. Tập tài liệu về giá biểu in rất đẹp như tờ thực
đơn của một tiệm ăn sang trọng ở Paris (năm sao). Ðiều quan trọng mà mọi người
nên biết là “người mua” không được kỳ kèo về giá cả, vì Nhà Ðòn làm ăn đàng
hoàng “trước sau như một,” không khác gì “Bác và Ðảng” đã đối xử với dân ta hơn
nửa thế kỷ nay.
Tôi
đọc kỹ tờ giá biểu, rồi tham khảo với các bạn bè, tôi thấy rõ phí tổn nặng nề
mà “người ở lại” phải chi cho Nhà Ðòn ở Canada (có lẽ cũng tương tự như ở bên Mỹ).
Ðể có một thí dụ cụ thể, tôi xin liệt kê sau đây các “món hàng” căn bản mà Nhà
đòn Tubman đã trình cho tôi: (1) Dịch Vụ Chuyên Môn (Professional Services) •
900$ – dịch vụ do các chuyên viên Nhà Ðòn cung cấp (professional and support
staff services); • 250$ – giấy tờ lên quan đến vấn đề khai tử (documentation);
• 125$ – dịch vụ ở nghĩa địa hoặc công việc trao lọ đựng tro cho thân nhân
(gravesides service or delivery of urn as arranged).
(2)
Dịch Vụ Chăm Lo “Người Ra đi” (Prrofessional Care of Deceased) • 200$ – tắm rửa
và làm vệ sinh cho “người ra đi” (sanitary care of deceased); • 570$ – ướp xác
và trang điểm “người ra đi” (embalming and cosmetology of deceased).
(3)
Phòng Ốc Và Dụng Cụ • 400$ – xử dụng Nhà Ðòn (basic use of funeral home); •
990$ – xử dụng phòng thăm viếng, phòng làm lễ và những dụng cụ (visitation
room, chepel, and/or service equipment); • 225$ – xử dụng phòng sửa soạn và gìn
giữ xác “người ra đi” (use of facilities for preparation of deceased and/or
shelter of remains).
(4)
Xe Cộ Và Vận Chuyển (Automotiles and Transportation) • 295$ – chuyển xác về Nhà
Ðòn (transfer from place of death ố radius 40 km); • 200$ – xe cộ cần dùng cho
các nhân viên Nhà Ðòn (vehicles required for administrative tasks, clergy,
funeral director); • 270$ – xe chở quan tài ra nghĩa địa (funeral coach); •
125$ – xe limousine chở thân nhân. Chi phí căn bản cho Nhà Ðòn là $5,604.03 (gồm
cả thuế)
(5)
Chi Phí Cho Thành Phố • 75$ – khám nghiệm tử thi. • 52$ – thuế vệ sinh cho
thành phố.
(6)
Phí Tổn Mai Táng • 3,700$ (trung bình) – Tiền mua quan tài tùy theo loại sang
hay hèn, đúng theo giai cấp: từ thứ rẻ nhất là vải quấn xác (890$) cho tới quan
tài rẻ tiền bằng gỗ ván ép (1,695$), tới loại quan tài vừa đẹp vừa bền dành cho
các nhà giầu thích sài sang (11,000$); • 5,500$ – Tiền mua chỗ “An Nghỉ Ngàn
Thu” (R.I.P - Rest In Peace ) tại nghĩa địa: miếng đất to hơn cái giường đáng
giá khoảng chừng 5,500$; • 1,000$ – Tiền dựng mộ bia tùy theo túi tiền của mỗi
người (từ 1,000$ cho tới 5,000$, hoặc nhiều hơn nữa). Chi phí mai táng trung
bình khoảng chừng $13,000
Tôi
đọc tờ giá biểu thấy nhân dân ta bị Nhà Ðòn và Nhà Nước làm tiền một cách rất
là quy củ. Không những thế, ông “tiếp thị” lại còn khuyến khích tôi “mua” nhiều
món “hàng” khác vừa đắt tiền, vừa... vô dụng. Tôi bèn chặn lại với một câu hỏi
rất ư là “rẻ tiền”: – Mai táng kiểu nào rẻ tiền nhất?
Hắn
ngỡ ngang vì đang “rao hàng” thì bị cụt hứng. Nhưng ngay sau đó, hắn mỉm cười,
rồi nhìn tôi một cách rất ư là đại lượng: – Ông thích chơi trò rẻ tiền thì ông
nên chọn con đường hỏa táng, vì ông sẽ không mất tiền chi phí chôn cất và mua đất
ở nghĩa địa.
–
Ngoài tiền hỏa táng ra, còn có mục chi phí nào khác nữa không.
–
Có chứ. Thân xác của ông sẽ được tắm rửa, thoa son đánh phấn, và được đặt trong
một cỗ quan tài thiệt đẹp. Chúng tôi sẻ tổ chức linh đình cho ông. Ai trông thấy
nằm đó cũng phải thèm cái địa vị của ông.
–
Nếu tôi thích đi con đường hỏa táng, thì tôi đâu có cần mua quan tài làm gì cho
tốn tiền?
Lần
này hắn nhìn tôi một cách khinh thường ra mặt, và nói với một giọng mỉa mai: –
Ông cũng cần phải được trang điểm và nằm trong một cỗ quan tài đàng hoàng khi bạn
bè thân thuộc đến thăm viếng ông lần cuối cùng. Trưng bày thân xác ra như vậy mới
là người đàng hoàng chứ! Tuy nhiên, nếu ông thích bủn xỉn, thì cũng không sao.
Chúng tôi cũng có thể chiều ông được. Ðáng lẽ ông mua một cỗ quan tài rẻ tiền,
ông có thể thuê một cỗ quan tài sang nhất hạng. Cỗ này đáng giá 11,000$. Những
người giầu sang mua loại này, rồi mang đi chôn hay đốt cùng với cái xác của họ.
Nhưng nếu ông mướn cỗ quan tài này, để nằm vài ba bữa, lấy le với bà con lối
xóm, thì ông chỉ phải trả tiền thuê là 2,850$. Thiệt là rẻ mạt! Làm sao mà người
đời biết được rằng ông là người hà tiện, đến lúc “nằm xuống” mà còn không dám bỏ
tiền ra mua một cỗ quan tài để nằm cho thoải mái.
–
Nhưng tôi không muốn “trình làng nước” cái thân thể xám ngắt của tôi cho mọi
người chiêm ngưỡng thì sao?
Hắn
thở dài đến sượt một cái như một thầy giáo làng nhìn thằng học trò bướng bỉnh lại
còn có tật cù nhầy: – Làm như vậy cũng bớt được vài ngàn: tiền son phấn, tiền
thuê quan tài, tiền thuê Nhà Ðòn v.v.. Mà ông cũng không cần phải chi cho các vị
tu sĩ đến tụng kinh gõ mõ tùm lum trong Nhà Ðòn của chúng tôi làm gì. Thế là
ông đỡ thêm được vài ba trăm nữa. Ðối với hạng người “rẻ tiền” như ông, đỡ được
trăm nào hay trăm đó, có phải không?
Thằng
cha “tiếp thị” cho tôi là người bủn xỉn nên có vẻ bực mình lắm. Hắn chỉ muốn
thu được nhiều tiền cho chủ Nhà Ðòn để được ăn nhiều tiền hoa hồng do gia đình
“người ra đi” cung phụng. Vì thế, mỗi lần tôi bớt được món chi phí nào là hắn
có vẻ đau đớn như đang bị bà nha sĩ nhổ một cái răng hàm bự trong mồm. Cuối
cùng, tôi chọn một chương trình hỏa táng hợp với ý tôi. Tổng số tiền tôi phải
chi ra là 2,709.24$ cho những mục như sau: • tiền giấy tờ (khám nghiệm xác chết,
giấy khai tử, v.v.); • tiền xe đưa xác tôi từ nhà xác đến Nhà Ðòn; • tiền hòm bằng
giấy cứng (50$) đựng xác chết để mang đi hỏa táng; • tiền đưa hòm xác tới lò đốt
(không có vụ bầy biện thân xác ra cho mọi người “dòm ngó”); • tiền đốt xác; •
tiền hộp đựng tro để trao cho vợ tôi mang đi thả xuống biển (tôi mua loại rẻ tiền
nhất nên chỉ tốn có 20$; còn loại sang và đẹp thì lên tới 500$); • tiền thuế trả
cho thành phố, tiểu bang, và liên bang.
Người
“tiếp thị” đại diện Nhà Ðòn Tubman và tôi cùng ký vào tờ khế ước (bốn bản). Sau
đó, tôi hân hoan trao cho hắn tấm ngân phiếu 2,709.24$. Tôi phải trả tiền trước.
Ðối với tôi, điều này rất thuận tiện, vì sau này giá cả có gia tăng thì Nhà Ðòn
ráng mà chịu, chứ những “người ở lại” không còn phải lo lắng điều gì cho “người
ra đi.”
Khi
vợ tôi đi làm về, tôi hý hửng đưa cho cô nàng xem tờ khế ước. Thế là cô nàng
khóc bù lu bù loa, rồi hỏi tôi một câu mà tôi cho là lãng nhách: – Trong cả cuộc
đời của anh, anh chỉ thích chơi sang. Tại sao đến cuối cuộc đời, anh lại định
chết một cách rẻ tiền như vậy?
–
Em hỏi một câu thiệt là lãng nhách! Thế nào là chết rẻ tiền? Chết sang thì đi đến
đâu? Mang tiền ra cúng Nhà Ðòn và Nhà Nước làm gì? Chúng nó làm gì có quyền cấp
visa cho anh vào Thiền Ðàng, hay vào Vùng Cực Lạc. Việc gì mình phải “đút lót”
chúng nó? Dù sao anh cũng “save” hơn 12,000$, chứ đâu có phải là ít.
–
Em không cần món tiền đó đâu!
–
Nếu em không cần số tiền đó, thì em mang nó đi giúp người nghèo, có sao đâu? Ða
số dân ta hiện đang sống trong cảnh nghèo túng. Em có biết rằng nếu em mang
12,000$ về Việt Nam, em có thể nuôi hơn 60 em mồ côi trong một năm. Như vậy,
anh là người “chết sang” hay là người “chết rẻ tiền”?
Thấy
tôi lý luận như vậy, cô nàng vừa lau nước mắt vừa cười đùa:
–
Thôi, anh muốn chết kiểu nào cũng được. Cái đó tùy anh. Nếu anh “ra đi” trước
em, em sẽ chúc anh theo kiểu Tàu: “Thượng Lộ Bình An,” và xin anh “Bảo Trọng.”
–
Vậy, trước khi “ra đi,” anh sẽ chào em theo kiểu Mỹ: “Hẹn Ngày Tái Ngộ” – “See
Ya! Later.”
Nguyễn
Hữu Chi -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét