Con người có thể giảm nguy cơ tiểu đường loại 2 bằng cách ăn một lượng vừa phải các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa chua và những thứ ít béo, thay thịt đỏ và thịt chế biến sẵn bằng cá và trứng; cũng như giảm nguy cơ tử vong vì căn bệnh này bằng cách ăn ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, axit béo omega-3, nhiều cá, rau và đạm thực vật, theo UPI trích dẫn hai nghiên cứu riêng biệt dự trù được trình bày tại cuộc họp thường niên Hiệp Hội Châu Âu Về Nghiên Cứu Tiểu Đường tổ chức tại Stockholm, bắt đầu hôm Thứ Hai, 19 Tháng Chín.
Tại Mỹ, hơn 37 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Cứ năm người thì có một người không biết mình bị mắc tiểu đường. Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh (CDC) nói rằng ăn uống phù hợp là chìa khóa để kiểm soát lượng đường trong máu với những bệnh nhân bệnh tiểu đường.
Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà nghiên cứu người Ý xem xét 13 phân tích tổng hợp về mối liên hệ giữa hàng chục loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật và bệnh tiểu đường loại 2.
Các loại thịt bao gồm: thịt tổng hợp (total meat); thịt đỏ như thịt bò, cừu, heo; thịt trắng như thịt gà và gà tây; thịt qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích và thịt nguội; cá; các chế phẩm từ sữa, chế phẩm từ sữa nguyên béo, chế phẩm từ sữa ít béo, sữa, phô mai, sữa chua và trứng.
Các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ mắc tiểu đường tăng 20% đối với những người ăn 100 gram thịt tổng hợp một ngày, tăng 22% với những người ăn 100 gram thịt đỏ một ngày, và tăng 30% với những người ăn 50 gram thịt chế biến sẵn một ngày. Ngược lại, những người ăn 50 gram thịt trắng mỗi ngày chỉ khiến nguy cơ bệnh tiểu đường tăng 4%.
Về khía cạnh giảm nguy cơ tiểu đường, người dùng 20 gram sữa mỗi ngày có thể giảm 10% nguy cơ và 100 gram sữa chua mỗi ngày giảm 6% nguy cơ.
Bác Sĩ Annalisa Giosue, thuộc Khoa Y Học Lâm Sàng Và Phẫu Thuật tại đại học University of Naples Federico II, Ý, nói rằng các sản phẩm từ sữa rất giàu dưỡng chất, vitamin và các “hợp chất hoạt tính sinh học khác” có lợi cho quá trình chuyển hóa glucose, điều hành lượng đường trong cơ thể.
Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học Đức xem xét 45 phân tích tổng hợp về những yếu tố trong chế độ ăn uống và nguy cơ tử vong vì tất cả nguyên nhân ở những người từ 18 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường.
Họ thấy rằng nếu thêm một khẩu phần, tương đương 20 gram một ngày, ngũ cốc nguyên hạt, có thể làm giảm đến 16% nguy cơ tử vong vì bệnh tiểu đường. Đồng thời ăn thêm một khẩu phần cá mỗi tuần giúp giảm 5% nguy cơ.
Ngoài ra, ăn thêm 5 gram chất xơ mỗi ngày, tương đương một trái lê cỡ trung bình hoặc hai miếng lúa mì vụn, có thể giảm 14% nguy cơ tử vong. Hoặc ăn thêm 100 gram rau và 10 gram đạm thực vật (hạt, đậu phụ, đậu) giúp giảm tương ứng 12% và 9% nguy cơ tử vong.
Bác Sĩ Janett Barbaresko từ Trung Tâm Bệnh Tiểu Đường của Đức kết luận những phân tích mới cho thấy ăn theo chế độ như vậy giúp người bệnh tiểu đường sống lâu hơn.
(V.Giang)
Khám phá công dụng tuyệt vời của cây tía tô .TỐ NHƯ
Tía tô đã quá quen thuộc với mỗi người dân Việt và thường được sử dụng trong nấu ăn, làm đẹp. Không những vậy, đây còn là loại thảo dược quý trong nền y học cổ truyền phương Đông. Hãy cùng tìm hiểu những công dụng tuyệt vời của tía tô.
Từ xa xưa, tía tô đã được dùng như một loại gia vị, rau ăn kèm trong ẩm thực của người Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Đặc biệt là trong các món gỏi hải sản, nộm,… đều không thể thiếu loại rau này. Ngày nay, người Nhật còn bổ sung tía tô trong một số loại sữa dành cho trẻ em. Phụ nữ Nhật Bản dùng tía tô làm trà uống thanh lọc cơ thể từ bên trong, hay sử dụng như một loại mỹ phẩm thiên nhiên giúp dưỡng da, tắm trắng, giảm cân hiệu quả và an toàn.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, lá tía tô có hàm lượng dầu khoảng 40%. Trong đó có một lượng lớn axit béo chưa bão hòa chủ yếu là axit alpha-linoleic. Không những vậy, tía tô còn chứa 0,2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, xeton, furan,…
Mọi bộ phận trên cây tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc. Lá cây có vị cay ấm nên thường được sử dụng để chữa cảm mạo, sốt, ho, làm cho ra mồ hôi. Quả cây tía tô điều trị ho, làm long đờm. Thậm chí cành cây còn có tác dụng an thai.
Theo một số nghiên cứu, dịch chiết từ lá tía tô làm tăng nhu động của dạ dày, ruột, giãn cơ phế quản; do đó, vị thuốc có tác dụng kiện vị, chỉ ho. Tía tô còn có tác dụng kháng khuẩn, ức chế một số vi khuẩn đường ruột.
Trong Đông y, tía tô vị cay, tính ấm được xếp vào nhóm thuốc tân ôn giải biểu có công dụng giải cảm mạo, chống dị ứng, giải độc cua cá, chống ho hen và an thai. Các bộ phận dùng làm thuốc bao gồm: tô diệp (lá tía tô), tô ngạnh (cành tía tô) và tô tử (hạt tía tô).
Một số bài thuốc trị bệnh từ tía tô
1. Giải cảm hàn
Trường hợp bị cảm hàn nên dùng lá tía tô, có tác dụng làm ra mồ hôi hạ nhiệt, cơ thể có sốt nhức đầu và đau răng… Dùng Tô diệp và Sinh khương (Gừng sống) mỗi thứ 6g. Nếu có ho thêm Hạnh nhân, Trần bì mỗi thứ 6g.
Có thể dùng lá tía tô, hành lá cho vào cháo nóng ăn, đắp chăn cho mồ hôi ra râm rấp, lấy khăn khô lau sạch.
2. Giúp hạ sốt
Lá tía tô vô cùng nổi tiếng trong đông y, có tác dụng chữa cảm mạo, giúp ra mồ hôi, đào thải chất độc rất tốt. Tía tô là loại cây chứa nhiều tinh dầu có lợi cho sức khỏe, có khả năng giảm đau nhức, hạ sốt, ho khan …
Khi sốt, hãy xông lá tía tô cùng sả, hương lưu và trùm kín mền 10 – 15 phút cho ra mồ hôi độc. Ngoài ra, bạn có thể dùng lá tía tô nấu cháo giải cảm. Cũng giống như cách nấu thông thường, bạn thái nhỏ lá và trộn đều với thịt băm để người bệnh ăn lấy sức.
3. Khứ đờm chỉ ho
Người bị ngoại cảm phong hàn (đau đầu, sốt, sợ lạnh, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…) mà ho có nhiều đờm dùng Tô diệp, Sinh khương mỗi thứ 8g; Hạnh nhân, Bán hạ chế mỗi thứ 12g sắc với 500ml còn 250ml uống sau ăn.
Đối với bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, ho có nhiều đờm dùng phương Tam tử thang: Tô tử, Lai phục tử, Đình lịch tử mỗi thứ 8g sắc với 500ml, còn 250ml uống sau ăn. Bài thuốc này đặc biệt tốt với bệnh nhân cao tuổi.
4. Hỗ trợ chữa bệnh gút
Người mắc bệnh gút chỉ cần thêm tía tô sống rửa sạch vào bữa ăn hằng ngày là được. Có hai cách để tận dụng loại lá cây này:
– Mỗi khi thấy khớp xương có dấu hiệu sưng tấy lên thì hãy lấy lá cây tía tô nhai và nuốt để ngăn chặn cơn đau.
– Lấy khoảng 6-12g lá cây cho vào nồi đun sôi rồi chắt lấy nước uống. Không nên đun quá 15 phút vì sẽ làm mất tinh dầu trong lá.
5. Hành khí an thai
Dùng khi can khí uất kết dẫn đến động thai (tinh thần u uất, căng thẳng, hay lo nghĩ, có lúc cáu gắt, ợ hơi, kém ăn…), dùng Tô ngạnh, Chư ma căn (củ gai), Ngải diệp, mỗi thứ 8g, sắc uống.
Trường hợp có thai nôn dùng Tô ngạnh, Khương bán hạ (Bán hạ đã qua bào chế) mỗi thứ 12g, Trần bì 6g, sắc với 500ml, còn 250ml, uống sau ăn.
6. Giải độc sát khuẩn
Dùng Tô ngạnh và Tô diệp đốt xông khói hoặc nấu nước xông hơi để làm sạch môi trường trong nhà có bệnh sởi, đậu. Lấy lá tía tô xát vào mụn cơm, một thời gian mụn cơm sẽ mất. Ngoài ra, lá tía tô còn có công dụng giải độc cua cá, dị ứng thức ăn gây nôn mửa. Vậy nên, người Nhật hay ăn kèm lá tía tô cùng với hải sản, không những khử được mùi tanh, mà còn giảm bớt tính hàn lạnh và độc tính nếu có của cua cá…
Bài thuốc Tử tô giải độc thang dùng để giải độc cua cá gồm Tô diệp 10g, Sinh khương 8g, Sinh Cam thảo, sắc với nước 600ml, còn 200ml uống nóng chia 3 lần trong ngày.
Phụ nữ Nhật Bản dùng tía tô làm đẹp như thế nào?
1. Tía tô tẩy tế bào chết, làm sáng da
Dùng lá và cành tía tô vò nát, nấu làm nước xông và tắm là phương pháp hiệu quả giúp tẩy tế bào chết và giúp làn da sáng lên.
Nấu nước tắm: Vò một nắm cả lá và cành tía tô (lượng dùng tuỳ ý), cho vào 2 lít nước, đun sôi lên khoảng 10 phút, để cho đủ ấm. Sau đó dùng hỗn hợp này làm ướt người, bã tía tô để chà lên người.
Nấu nước xông: Lá tía tô 150g (có thể dùng bột lá tía tô 15g) cho vào chậu nhỏ, chế với 500ml nước sôi, trùm khăn hoặc vải mềm lên xông da mặt từ 10 – 15 phút. Dùng 2 – 3 lần/tuần. Kiên trì làm trong vòng 3 – 4 tuần. Việc xông hơi giúp giãn mạch máu dưới da, mở rộng lỗ chân lông, đào thải chất cặn bã. Tinh dầu và hoạt chất trong tía tô giúp sát khuẩn, tẩy tế bào chết. Từ đó, da trở nên mềm mịn, trắng sáng hơn. Ngoài ra cách này còn làm giảm các triệu chứng viêm mũi họng, phòng trị cảm mạo rất hiệu quả.
2. Lá tía tô cải thiện da khô, trị viêm miệng, giúp hơi thở thơm mát
Cách 1: Vắt lá tía tô uống hàng ngày. Uống sống tía tô có thể hơi khó khăn lúc đầu, do vị cay, mùi hơi nồng. Bạn có thể bắt đầu với 1 – 2 ngụm, sau khi quen rồi có thể tăng dần lên.
Cách 2: Dùng bột tía tô đã được làm sẵn trên thị trường. Với 10 – 15g bột tía tô hãm đặc với 200 – 250ml nước sôi, để nóng vừa uống, khi uống cố gắng dùng cả bã sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
Cách 3: Bạn có thể chặt cành và lá tía tô khoảng 1cm, đem phơi ở nơi thoáng khí, râm mát. Sau đó cất kín, dùng dần hàng ngày như pha trà.
3. Giúp gót chân mềm mại, hồng hào
Người có gót chân thô ráp có thể dùng một nắm lá tía tô vò nát (hoặc 15g bột tía tô) pha với 1 lít nước sôi, thêm một chút muối, để nhiệt độ đủ nóng (40 – 50°C) ngâm chân trong 15 phút trước khi đi ngủ. Mùi hương dễ chịu của nước tía tô cũng giúp bạn ngủ ngon hơn.
Chú ý: Những người ra mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm không nên dùng. Chất dầu trong hạt tía tô (Tô tử) có thể gây đại tiện lỏng, do vậy người rối loạn tiêu hoá, đại tiện lỏng không nên dùng.
Tố Như
8 thực phẩm ngon và bổ dưỡng trong mùa thu.
Nếu như nói mùa hè nóng nực khiến người ta không ngon miệng, vậy thì mùa thu là “mùa thèm ăn” với thực phẩm dồi dào, từ các loại trái cây ngọt ngào đến các loại củ như khoai lang, khoai môn… Có vô số thực phẩm tươi ngon theo mùa, vậy loại nào được yêu thích nhất?
Trang web xếp hạng thực phẩm của Nhật Bản đã thống kê khoảng 20 loại thực phẩm trong mùa thu được yêu thích. Dưới đây là 8 loại thực phẩm phổ biến, trong đó có một loại mà có thể bạn không nghĩ đến. Loại thực phẩm này không phải là thực vật, đó là cá thu đao sống ở trong biển.
1_ Cá thu đao
Mùa thu là mùa thu hoạch cá thu đao (Pacific Saury), có thể nói cá thu đao là loại cá phổ biến đại biểu cho hương vị mùa thu, nhất là ở Nhật Bản. Cá thu đao sinh trưởng ở các vùng biển Nhật Bản, Đài Loan thuộc vùng biển ôn đới Thái Bình Dương.
Vào mùa thu, đối với những người thích hải sản thì món cá thu đao nướng chắc chắn sẽ làm họ vừa lòng thỏa ý. Mặc dù món này có vị béo ngậy một chút, nhưng khi ăn, phối hợp với củ cải bào nhỏ chấm nước tương sẽ đem đến cảm giác thanh mát ngon miệng.
2_ Khoai lang
Ăn khoai lang tươi vào mùa thu có tác dụng dưỡng sinh. Khoai lang có vị ngọt giống như đường, là thực phẩm giàu chất xơ giúp điều tiết môi trường đường ruột và giảm táo bón, cũng như các Vitamin giúp nâng cao khả năng miễn dịch và dưỡng da.
Có nhiều cách ăn khoai lang, có thể nấu với cơm để làm thành món “cơm khoai lang”, hoặc có thể nấu riêng làm món ăn kèm với những món khác. Nhưng cách ăn kinh điển nhất thơm ngon nhất là khoai lang nướng, hương vị ngọt ngào của nó thật khiến người ta khó quên!
3_ Hạt dẻ
Hạt dẻ vào mùa thu rất hấp dẫn, đi trên những con phố bán đồ ăn, sẽ dễ dàng bắt gặp mùi thơm của hạt dẻ rang. Trong các tiệm bánh ngọt cũng có rất nhiều hạt dẻ, đây là một món ăn vặt không thể thiếu trong mùa thu.
Hạt dẻ rất giàu chất dinh dưỡng, gồm có Protein, Vitamin và các nguyên tố vi lượng.
Đây cũng là loại hạt chứa nhiều acid béo không bão hòa, rất tốt cho tim mạch.
Ngoài cách mua hạt dẻ đã được nấu chín, cũng có thể mua hạt dẻ sống về làm món cơm hạt dẻ, gà nấu hạt dẻ. Nên chọn hạt dẻ có vỏ ngoài màu nâu sẫm đều, những hạt như vậy mới chín và còn tươi. Nếu vỏ ngoài có màu nâu nhạt, là hạt dẻ chưa chín.
4_ Bí đỏ
Bí đỏ chứa nhiều Vitamin, là loại rau củ có nhiều công dụng không thể thiếu trong các món ăn mùa thu, có thể dùng làm món ăn chính, cũng có thể làm món ăn kèm. Nhưng nếu không ngại thưởng thức vị ngọt và cảm giác mềm dẻo của bí đỏ tươi, thì hãy thử làm món bí đỏ hấp.
Mặc dù bí đỏ có thể cất giữ được lâu, nhưng cần phải được bảo quản nguyên trái ở nơi râm mát và thoáng gió thì có thể cất giữ được khoảng 1-2 tháng. Nếu đã cắt ra, thì phải loại bỏ hạt và xơ, dùng màng bọc thực phẩm bao kín, cho vào tủ lạnh, cố gắng ăn trong vòng một tuần.
Bí đỏ còn có thể bảo quản bằng cách đông lạnh, như vậy càng thuận tiện hơn khi chế biến món ăn. Cắt bí đỏ thành từng miếng rồi luộc chín, để nguội, nghiền nhỏ, cho vào túi giữ thực phẩm, cất vào ngăn đông tủ lạnh. Cũng có thể phân ra từng phần để bảo quản để tránh chúng dính chung vào với nhau. Mỗi khi muốn dùng bí đỏ làm món hầm thì có lấy từ trong tủ lạnh ra bất kỳ lúc nào.
5_ Trái lê
Lê chắc chắn là một đại diện tiêu biểu cho các loại trái cây mùa thu. Một trái lê ngọt ngào mọng nước, giàu chất xơ, có thể ngăn ngừa táo bón. Ở Nhật Bản, người ta đem lê ướp lạnh rồi ăn sẽ ngọt và ngon hơn, một số người còn xay nhuyễn lê để làm thức ăn dặm cho trẻ sơ sinh.
Người ta thường nói rằng trái lê càng to thì càng ngon, khi mua lê ở siêu thị, quan trọng là phải chọn trái có phần thịt ở gần cuống tròn đầy và chắc. Ngoài ra, những trái lê chín sẽ có vỏ trơn bóng không có vân thô ráp.
6_ Nho
Nho có rất nhiều loại như nho xanh, nho đỏ, nho tím, chứa nhiều chất dinh dưỡng, được mệnh danh là “bảo thạch của trái cây”, hay “sữa thực vật” mọc lên từ đất. Đối với các loại trái cây mùa thu, sẽ rất thiếu vắng nếu không có nho.
Nho chứa nhiều chất chống oxy hóa, một trong số đó chính là Resveratrol, một hợp chất Polyphenol được tìm thấy trong vỏ nho đỏ và hạt nho. Hóa chất thực vật (phytochemical) này có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời giúp ngăn ngừa ung thư.
Nho thuộc loại trái cây có hàm lượng đường cao, cho dù ngon đến đâu cũng không nên ăn nhiều. Những người có tỳ vị hư hàn, người mắc bệnh tiểu đường nên ăn với số lượng hạn chế.
7_ Trái hồng
Ăn một trái hồng chín ngọt mới có thể cảm nhận được mùa thu đã đến, vì trái hồng chưa chín sẽ có vị rất chát, trái hồng chín vàng báo hiệu mùa thu thực sự đã đến.
Trái hồng có rất nhiều lợi ích. Nó là loại trái cây có hàm lượng calo thấp, hơn nữa còn chứa nhiều chất dinh dưỡng thực vật, Flavonoid vàng và chất chống oxy hóa, có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm, còn có thể ngăn ngừa hiện tượng xuất huyết trong các mạch máu nhỏ. Trái hồng còn chứa nhiều iodine, có thể ngăn ngừa và cải thiện bệnh bướu cổ do thiếu iod.
Có nhiều loại hồng khác nhau, trái hồng cứng có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường, đợi đến khi chín mềm mới có thể ăn được, nếu không sẽ có vị chát; trái hồng ngọt có thể ăn trực tiếp khi còn cứng, sẽ có vị tươi giòn khác biệt.
Cần lưu ý không nên ăn hồng quá nhiều hoặc ăn lúc bụng đói, cũng không nên ăn cùng với cua, nếu không sẽ bị đau bụng.
8_ Nấm thông
Mùa nấm thông là từ tháng 7 đến tháng 10, vì vậy muốn ăn nấm thông tươi thì phải chờ vào mùa thu.
Nấm thông hay còn gọi là nấm Matsutake, nấm tùng nhung, sinh trưởng ở vùng Đông Bắc và Tây Nam của Trung Quốc và ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, được mệnh danh là “Vua của các loài nấm”. Sở dĩ loài nấm này quý là do yêu cầu rất cao về nhiệt độ và đất trồng, rất khó trồng nhân tạo, vì vậy ở Nhật Bản nó được gọi là “Vua nấm thần kỳ”.
Theo các tài liệu y học ghi chép, nấm thông có các công hiệu bồi bổ cơ thể, ích dạ dày, giảm đau, lưu thông khí huyết, tiêu đờm, đuổi côn trùng. Các món như Súp gà hầm nấm thông, nấm thông xương sườn, cơm nấm thông… đều rất ngon. Nhiều người rất tin tưởng công dụng dưỡng sinh mạnh mẽ của nấm thông, vì vậy đã kết hợp với những nguyên liệu nấu ăn ngon. Nấm thông của mùa thu càng thêm hấp dẫn.
Thái Nhã - Lam Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét