.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

01 tháng 3 2024

Ban hợp ca Thăng Long Huyền thoại một thời của tân nhạc Việt


 Nếu nói về một ban nhạc danh tiếng nhất trong làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, hầu hết giới chuyên môn, giới ca sĩ, nhạc sĩ và khán giả đều công nhận đó là ban hợp ca Thăng Long, với nòng cốt là 3 tên tuổi đã trở thành bất tử: Ca sĩ Hoài Bắc (tức nhạc sĩ Phạm Đình Chương), danh ca Thái Thanh và ca sĩ Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm).


Từ trái qua: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) – Thái Thanh – Hoài Trung (Phạm Đình Viêm)

 

Trong 3 người thì Hoài Trung có vẻ kém danh tiếng hơn, nhưng khán giả vẫn chưa thể nào quên một giọng tenor với phong cách trình diễn đặc biệt, tiếng hát ngân dài và có khả năng giả tiếng ngựa hí hoặc các âm thanh khác khi hát bè trong hợp ca. Ông cũng có tài chọc cười nên cứ thấy ông xuất hiện trên sân khấu là khán giả đã cười ồ. Hoài Trung cũng là một diễn viên tham gia trong nhiều phim điện ảnh và thoại kịch.

 

Ngoài 3 cái tên chủ chốt này, thỉnh thoảng ban Thăng Long cũng có sự góp mặt của danh ca Thái Hằng, ca sĩ Khánh Ngọc (vợ Hoài Bắc) và cả nhạc sĩ Phạm Duy – là một trong những ca sĩ đầu tiên hát tân nhạc.



Đại gia đình Thăng Long: hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh

 

Điều đặc biệt của ban Thăng Long là các thành viên đều là những anh chị em họ Phạm (hoặc dâu rể). Thân phụ của họ là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung của ban Thăng Long) và 1 người con gái đã không may qua đời sớm khi đi tản cư ở Sơn Tây.

 

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.



Từ trái qua: Thái Thanh – Phạm Đình Chương – Thái Hằng

 

Khi đặt chân vào đến phương Nam, những anh chị em nhà họ Phạm muốn lập một ban nhạc gia đình để đi hát, họ đã chọn cái tên Thăng Long, gợi nhớ về vùng đất Hà Nội, là cố hương gốc gác của họ. Cái tên Thăng Long cũng gắn liền với thời thanh xuân của các anh chị em họ Phạm ở vùng tản cư.

 

Để nói rõ hơn về nguồn gốc của cái tên Thăng Long, hãy cùng đi ngược về quá khứ vào những năm đầu thập niên 1940, khi ông Phạm Đình Phụng còn ở Hà Nội và mở một cửa hàng bán mứt và ô mai ở phố Bạch Mai tên là Mai Lộc. Thuở đó có một câu bé mới 13 tuổi tên là Nguyễn Cao Kỳ thường đến Mai Lộc để ăn ô mai và đánh đàn mandoline với Phạm Đình Chương 14 tuổi, và Thái Thanh lúc đó mới 9 tuổi thường ngồi một bên để nghe mấy ông anh dạo đàn, thỉnh thoảng còn bị Phạm Đình Chương bắt hát để họ luyện đàn. Nguyễn Cao Kỳ sau đó thành tướng không quân, rồi phó tổng thống, nhưng luôn giữ một tình bạn thâm giao thuở thiếu thời với nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

 

Đến năm 1946, bắt đầu thời kỳ loạn lạc, nhiều gia đình Hà Nội phải dắt díu nhau đi tản cư, ông bà Phạm Đình Phụng cùng 2 người con trai, 3 người con gái ra vùng Sơn Tây, sau đó dừng chân ở một vùng xuôi gọi là Chợ Đại. (Lúc này người con trai đầu là Phạm Đình Sỹ, cùng vợ là Kiều Hạnh, các con là Mai Hương, Bạch Tuyết cũng đã từ Huế ra miền thượng du phía Bắc). Tại Chợ Đại, ông Phụng mua lại một cái quán và đặt tên là Quán Thăng Long, bán các món phở và cà phê. Trong những người con của ông bà Phụng có cô gái tên là Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy sau này. (Sau này có người nói rằng Thái Hằng cùng với quán cà phê Thăng Long trở thành nhân vật chính trong ca khúc nổi tiếng Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân).



Phạm Duy và Thái Hằng khi còn trong chιến khu

 

Trong hồi ký Phạm Duy, ông kể lại:

 

“Tại Quán Thăng Long, ông bà có ba người con để giúp đỡ trong việc nấu phở, pha cà phê và tiếp khách. Người con gái lớn tên là Phạm Thị Quang Thái, vào trạc 20 tuổi, biết hát và biết chơi cả đàn guitare hawaienne nữa. Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay một cú sét đánh. Thi sĩ Huyền Kiêu luôn luôn thích làm người tao nhã (galant) và có nhiều lúc, trịnh trọng cầm hoa tới tặng Nàng. Thi sĩ Đinh Hùng, rụt rè hơn, nhờ người chị ruột của tôi – đang tản cư ở Chợ Đại – làm mối. Còn anh họa sĩ hiền lành như bụt và có đôi mắt rất xanh là Bùi Xuân Phái thì ngày ngày tới Quán Thăng Long, ngồi đó rất lâu, im lặng… Ngồi, nhìn, chứ không vẽ. Ngọc Bích cũng soạn một bài hát tỏ tình…”

 

Chỉ một vài năm sau đó, tất cả các anh chị em họ Phạm là Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh (lúc này đi hát với tên là Băng Thanh) đều gia nhập các ban văn nghệ quân đội Việt Minh của Liên Khu IV, hai ông bà chủ quán Thăng Long quyết định rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hóa để được sống gần gũi các con. Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, thuê lại căn nhà lá và mở một quán phở, vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.



Những anh chị em và dâu rể nhà Thăng Long. Hàng đứng, từ trái sang: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Phạm Đình Sỹ. Hàng ngồi: Phạm Duy, Thái Hằng, Kiều Hạnh, Thái Thanh

 

Tháng 5 năm 1951, đại gia đình họ Phạm quyết định “dinh tê” về Hà Nội. Lúc này Phạm Duy đã cưới Thái Hằng, và cùng đi chung còn có gia đình anh cả Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh từ miền thượng du đi xuống. Chỉ 1 tháng sau, đại gia đình Thăng Long quyết định vào vùng đất hứa Sài Gòn để định cư. Tại đây những anh em nhà họ Phạm là Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Thanh thành lập ban nhạc lấy tên là Thăng Long, đặt theo tên quán phở gia đình ở vùng Chợ Đại, Chợ Neo trước đây.

 

Rồi cũng trong một tâm trạng lưu luyến về dĩ vãng chưa xa lắm, Phạm Đình Viêm lấy nghệ danh là Hoài Trung để nhớ về Khu 4, Phạm Đình Chương lấy nghệ danh là Hoài Bắc để nhớ về cố xứ. Còn cô út Băng Thanh chính thức lấy nghệ danh là Thái Thanh cho giống với người chị Thái Hằng.



Hoài Trung, Hoài Bắc và Thái Thanh

 

Lúc này Thái Hằng đã lập gia đình, bận bịu con nhỏ nên không thể theo hát cùng ban Thăng Long thường xuyên, mà chỉ thỉnh thoảng góp mặt. Tương tự là Khánh Ngọc – vợ của Hoài Bắc. Vì vậy nòng cốt của ban Thăng Long thành lập từ những năm 1950 cho đến năm 1975 là 3 người: Hoài Trung, Hoài Bắc và Thái Thanh. Thời gian đầu họ đến cộng tác với đài phát thanh Pháp Á ở đại lộ de La Somme (sau này là đại lộ Hàm Nghi) ở gần góc đường với đường Công Lý. Ban Thăng Long nhanh chóng đạt được thành công với lối hát khác biệt, có phần bè mới lạ và hấp dẫn. Họ lại có nguồn nhạc phong phú được sáng tác “cây nhà lá vườn” bởi 2 tên tuổi lừng danh là Phạm Duy và Phạm Đình Chương, mang được tính thời đại một cách sắc nét.




Thái Thanh – Hoài Bắc – Hoài Trung trong ban Thăng Long

 

Ngoài thù lao hát ở đài phát thanh và phòng trà vốn còn rất hạn chế ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1950, thì ban Thăng Long kiếm sống chủ yếu là tiền thu thanh trong đĩa nhạc, lúc này vẫn còn là đĩa đá, chứ chưa có dĩa nhựa (vinyl) như sau này.

 

Ban Thăng Long cũng là một trong những ban nhạc/ca sĩ đầu tiên trình diễn theo hình thức phụ diễn ở rạp chiếu bóng. Nghĩa là các ca sĩ lên hát tân nhạc (gọi là phụ diễn) cho khán giả nghe trước khi phim bắt đầu được chiếu. Đầu tiên là rạp Nam Việt ở chợ cũ góc đường de la Somme và Chaigneau (sau này là Hàm Nghi – Tôn Thất Đạm), lối phụ diễn này của ban Thăng Long thành công ngay lập tức. Ngay sau đó là rạp Văn Cầm ở Chợ Quán, rạp Khải Hoàn và Thanh Bình ở khu chợ Thái Bình – Quận Nhứt liên tục mời ban hợp ca Thăng Long đến phụ diễn.



Ban Thăng Long và vợ chồng nhạc sĩ Văn Phụng – danh ca Châu Hà thập niên 1960

 

Thời điểm đó người Sài Gòn vẫn rất mê cải lương, nhưng tân nhạc bắt đầu được ưa chuộng, mà sân khấu đầu tiên chính là ở các rạp chiếu bóng, vì những người đi xem phim chiếu rạp như vậy đa số là dân Tây học rất thích tân nhạc, nên ban Thăng Long có dịp giới thiệu hàng loạt những sáng tác của Phạm Đình Chương, Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ thời tiền chiến khác.

 


Ban Thăng Long lúc này có thêm Khánh Ngọc (áo đậm) và Thái Hằng (áo trắng)

 

Từ lối hát phụ diễn này, thừa thắng xông lên, ban Thăng Long tổ chức những Đại Nhạc Hội hát tân nhạc ở các rạp vốn được xem là “lãnh địa” của cải lương như rạp Nguyễn Văn Hảo hay Aristo. Lúc này không chỉ là hát phụ diễn nữa mà chương trình ca diễn của ban Thăng Long phong phú hơn nhiều. Các màn đơn ca, hợp ca, hay nhạc cảnh của ban Thăng Long cùng các nghệ sĩ khác được mời tới diễn chung, như Trần Văn Trạch, Phi Thoàn, Xuân Phát, và cả ban vũ Lưu Bình – Lưu Hồng (sau này gắn bó với Maxim’s của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ).




Từ trái qua: Khánh Ngọc, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung Phạm Đình Viêm

 

Click để nghe Ban Hợp Ca Thăng Long hát trong băng Sơn Ca 10 năm 1974

 

Với những hoạt động tân nhạc sôi nổi ngay từ khi mới chân ướt chân ráo đến Sài Gòn từ xứ Bắc, có thể nói ban hợp ca Thăng Long đã có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển tân nhạc ở Sài Gòn thập niên 1950.

 

“Quái kiệt” Trần Văn Trạch – người có thời gian cộng tác cùng ban Thăng Long kể lại: “Mỗi xuất hiện của Ban Hợp Ca Thăng Long là một cơn nóng sốt đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng… như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được…”




Đạt được thành công to lớn ở phía Nam, những anh chị em nhà họ Phạm bắt đầu “Bắc tiến”, mà thực ra là sự trở về Thăng Long của ban nhạc mang tên Thăng Long, lúc này cùng theo đoàn hát mang tên là Gió Nam, với ý nghĩa là một làn gió mới đến từ phương Nam để đi trình diễn ở Hà Nội. Vì Nhà Hát Lớn giới hạn về không gian, nên rất nhiều thanh niên không mua được vé, phải trèo qua cửa sổ để nghe Gió Nam hát. Trong những người thanh niên đó có Lê Quỳnh, lúc đó hãy còn rất trẻ và hâm mộ tiếng hát Thái Thanh cuồng nhiệt. Đến sau này, khi di cư vào Sài Gòn năm 1954 và trở thành nam tài tử nổi tiếng bậc nhất Miền Nam, ông đến hỏi cưới Thái Thanh và được gia đình ông Phạm Đình Phụng đồng ý.



Ban Hợp Ca Thăng Long đứng trên đỉnh cao cho đến đầu thập niên 1960 thì có một sự cố đau lòng diễn ra trong nội bộ gia đình họ Phạm đã làm rúng động báo giới Sài Gòn. Vụ việc này có thể ai cũng đã rõ nên xin không tiện nói, chỉ biết rằng sau tai tiếng này, cuộc đời Phạm Đình Chương bước sang một giai đoạn khác. Chia tay vợ với vết thương lòng to lớn, ông sống những ngày gần như cắt đứt mọi sự liên lạc, chỉ tiếp xúc giới hạn với 1 vài bằng hữu thân thiết. Gia đình Phạm Duy cũng rời đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan để về cư xá Chu Mạnh Trinh.



Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc

 

Từ thập niên 1960 trở về sau, Hoài Bắc – Phạm Đình Chương sáng tác rất ít, nếu có thì cũng là những ca khúc u sầu như Người Đi Qua Đời Tôi, Khi Cuộc Tình Đã Chêt, hay Nửa Hồn Thương Đau. Nhiều người nói rằng ca khúc Nửa Hồn Thương Đau được ông viết ngay sau khi chia tay Khánh Ngọc, nhưng sự thật không phải vậy. Dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương một thời gian khá dài, và ông chỉ sáng tác Nửa Hồn Thương Đau sau đó đúng 10 năm (1970) và được giới thiệu trong cuốn phim điện ảnh Chân Trời Tím qua tiếng hát Thái Thanh, được lồng vào phần trình diễn của minh tinh Kim Vui trong phim.

 

Cũng từ thập niên 1960, dù không hoạt động sôi nổi như trước, nhưng Ban Hợp Ca Thăng Long vẫn thu băng dĩa và trình diễn ở phòng trà Đêm Màu Hồng do Hoài Bắc Phạm Đình Chương mở ở Hotel Catinat có 2 mặt tiền đường, số 69 Tự Do và số 36 Nguyễn Huệ.



Hotel Catinat

 

Cuối năm 1974, ban Thăng Long cùng giọng ca Thái Thanh được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện riêng một băng nhạc duy nhất, đó là Sơn Ca 10.




Sau năm 1975, thời cuộc đổi thay, mỗi người mỗi ngả. Thái Thanh kẹt lại ở Việt Nam trong 10 năm, từ 1975 đến năm 1985. Hoài Bắc – Phạm Đình Chương cũng đến năm 1979 mới sang đến Hoa Kỳ. Năm 1976, Hoài Trung cùng với nghệ sĩ Vũ Huyến (tức nhạc sĩ Vũ Minh, tác giả ca khúc Cô Hàng Nước, và cũng là thành viên AVT hải ngoại) và cô cháu ruột Mai Hương thành lập ban Thăng Long hải ngoại. Từ 3 người Thăng Long năm cũ, giờ chỉ còn một Hoài Trung, cùng với 2 thành viên mới họ đã tái hiện lại ban hợp ca Thăng Long với những ca khúc đã gắn liền với tuổi, đặc biệt là bài Ngựa Phi Đường Xa.

 

Trong bài Ngựa Phi Đường Xa bên trên, chúng ta có thể thấy ông Hoài Trung trình diễn tuyệt kỹ tiếng ngựa hí rất hay đã từng được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.

 

Khi Hoài Bắc sang Mỹ năm 1979, nghệ sĩ Vũ Huyến trở lại AVT, nhường lại vị trí thành viên ban Thăng Long cho Hoài Bắc – Phạm Đình Chương.



Ban Thăng Long ở hải ngoại, với Mai Hương thay thế cô ruột là Thái Thanh

 

Năm 1991, Hoài Bắc Phạm Đình Chương qua đời ở tuổi 62

 

Năm 2002, Hoài Trung Phạm Đình Viêm qua đời ở tuổi 83 Đến năm 2020, cô em út Thái Thanh – linh hồn của ban hợp ca Thăng Long qua đời ở tuổi 86.

 

Tháng 11 cùng năm 2020, cô cháu gái của họ là Mai Hương – cũng là thành viên ban Thăng Long hải ngoại – đã về cõi vĩnh hằng. Tất cả những người đã tạo lập thành ban nhạc huyền thoại năm xưa nay đều đã thành người thiên cổ, nhưng tên tuổi và những đóng góp của họ dành cho tân nhạc vẫn trường tồn với thời gian.

 

 

Đông Kha


Thiên tài toán học trốn nhà đi tu

Từng đoạt huy chương vàng toán học thế giới và giành học bổng tại đại học Massachusetts, Liễu Trí Vũ từ bỏ tất cả để nương nhờ cửa Phật.

 Liễu Trí Vũ sinh năm 1988 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc có bố mẹ là giáo viên dạy Vật lý, từ nhỏ đã được bố mẹ giáo dục rất nghiêm khắc. Dưới sự hướng dẫn của cha, thành tích toán học, vật lý và hóa học của Liễu rất nổi bật. Từ năm lớp 11, cậu trở thành nhân vật nổi tiếng khắp Trung Quốc.

Năm 2005, Liễu giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Năm 2006, cậu đã đánh bại thiên tài toán học người Đức Peter Schultz để giành thêm một huy chương vàng Olympic Toán quốc tế nữa. Ngay trong năm 2006, Liễu được đặc cách vào thẳng khoa Toán của Đại học Bắc Kinh – nơi dành cho những thiên tài toán học của Trung Quốc.

Tuy nhiên từ khi còn là một đứa trẻ, Liễu có tâm lý khác xa với bạn cùng trang lứa. Cậu thường một mình đi lang thang khắp nơi. Khi mặt trời lặn, Liễu cảm thấy trống rỗng: "Buổi chiều đã qua một lần nữa, còn lại gì trong cuộc đời tôi?, Lý tự đặt câu hỏi rồi hét lên: "Thật nhàm chán, thật nhàm chán!". Bố mẹ đang làm việc giật mình chạy lại hỏi con: "Có chuyện gì vậy?", Liễu chỉ khóc mà không thể trả lời.

Với cha mẹ Liễu, việc rèn luyện cho con trở thành "học sinh giỏi" là nhiệm vụ cao cả nhất và họ luôn tự hào về điều này. Chàng trai này có lần tâm sự: "Điều họ quan tâm là tương lai của tôi có bị ảnh hưởng không và hiện tại tôi có gì. Còn điều tôi quan tâm lại là một lối thoát của tâm hồn". Cậu cho biết tâm nguyện của mình là được giúp đỡ mọi người.

Khi vào đại học Bắc Kinh, vì luôn hoang mang với hướng đi của mình nên Liễu đặt hy vọng vào triết học và tôn giáo. Thời gian này anh còn tham gia câu lạc bộ Thiền, dù câu lạc bộ không ăn chay nhưng anh chủ động thực hiện khiến nhiều người ngạc nhiên. Sang năm thứ 2, Liễu cảm thấy bản thân được thấu hiểu hơn khi gặp một người chị khóa trên học tại khoa nghệ thuật. Thanh niên này luôn nói với đồng môn rằng, Toán học không giúp anh thực hiện được chân lý của cuộc sống.

Dưới sự động viên của đàn chị, Liễu đã đến chùa Long Tuyền làm tình nguyện viên. Chính ở thời điểm này, anh đã quyết tâm đi tu. Sau đó, chàng sinh viên năm 2 thường xuyên đến chùa làm công quả và kéo dài suốt 3 năm đại học. Tại đây, Liễu rất tích cực trong các hoạt động công ích của chùa như phát cháo và thực phẩm miễn phí cho người nghèo. "Tôi muốn giúp đỡ người khác và thay đổi được xã hội", Liễu nói với bạn bè khi tham gia đội tình nguyện viên tại chùa.

Theo các bạn cùng lớp và giáo viên, mặc dù Liễu có tài về toán học nhưng đây không phải là sở thích lớn nhất của anh. Tuy nhiên, hướng đi mà cha mẹ hướng tới cho con là toán học, môn học mà Liễu đã phải nỗ lực rất nhiều. Đối với chàng trai này, ít người hiểu được nguyện vọng thực sự của anh. Mặc dù điểm số rất tốt ở trường, nhưng sự nghiêm khắc của cha mẹ và áp lực quá lớn, cộng với cơ thể yếu ớt, Liễu thường sống trong cảm giác u uất.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Liễu nộp đơn xin học bổng tại học Massachusetts, Mỹ để thuận theo ý bố mẹ. Theo lẽ thường, bất kỳ ai nắm bắt được cơ hội đều ra nước ngoài học thêm, nhưng Liễu lại có một quyết định gây chấn động: Vào chùa Long Tuyền tại Bắc Kinh cạo đầu đi tu.

Một ngày sau khi tham dự lễ tốt nghiệp của Đại học Bắc Kinh, Liễu đã gửi một email cho giáo sư Gigliola Staffilani của Viện Công nghệ Massachusetts. "Rất tiếc phải thông báo với ngài rằng tôi sẽ không còn là sinh viên của MIT." Thời điểm này, Liễu quyết định từ bỏ học bổng toàn phần 70.000 đô la Mỹ một năm giành cho sinh viên có thành tích xuất sắc. "Ngài có thể ngạc nhiên. Tôi đã quyết định cống hiến cả đời cho Phật giáo và trở thành một nhà sư trong chùa Long Tuyền, Bắc Kinh", anh nêu lý do gửi tới trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Sau khi gửi email, Liễu thu dọn hành lý và lặng lẽ lên núi. Cha mẹ biết chuyện đã tức tốc từ quê nhà Vũ Hán lên Bắc Kinh can ngăn. Cặp phụ huynh này coi trọng sự nghiệp học hành này hơn cả khi chính họ giúp con trai làm hồ sơ xin học bổng nước ngoài. Trước đó Liễu đã được bố mẹ chuẩn bị sẵn vali đồ đạc để sang Mỹ. Tuy nhiên sau một ngày, họ không thể liên lạc được với anh.

Chàng trai này không nói với ai về kế hoạch đi tu của mình. Lựa chọn đột ngột của con trai khiến cha Liễu kiệt sức, còn mẹ thì ngất lên ngất xuống. Người cha luôn hy vọng con sẽ nghĩ lại vì mới tốt nghiệp đại học lại chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống. "Cháu còn bồng bột. Tôi vẫn mong ngày con trở về", ông nói. Dù sau đó bố mẹ thường xuyên đến chùa tìm nhưng Liễu đều tránh mặt, chỉ để lại lời nhắn: "Không muốn trở lại chốn thế tục".

Chùa Long Tuyền- nơi Liễu quyết định tu tập trở nên nổi tiếng bởi sự xuất hiện của "thiên tài toán học Trung Quốc". Thậm chí có những người phải đi cả ngày đường để đến tận chùa nhìn Liễu từ xa. Tăng đoàn sau đó phải chuyển thanh niên này đến một phòng khác, tránh xa sự tò mò của những người hiếu kỳ.

Với dư luận thời điểm đó, có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người kêu gọi tôn trọng tự do cá nhân, trong đó có giáo viên và bạn bè. Số khác lại phản bác, nói rằng Liễu để phí cả sự nghiệp để đổi lấy sự thanh tịnh cho bản thân. Không quá quan tâm tới dư luận nhưng hộp thư của Liễu vẫn lưu thư trả lời của giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts. Vị này nói rằng ông rất xúc động trước hành động của chàng thanh niên: "Đây là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời một con người: Nhận ra con đường của chính mình".

Tại chùa Long Tuyền, Liễu thức dậy lúc bốn giờ sáng. Mỗi ngày là sự lặp lại của ngày hôm trước: tụng kinh buổi sáng lúc 4:30, làm việc hoặc học tập vào buổi sáng. Ăn lúc mười một giờ rồi nghỉ trưa. Buổi chiều dậy lúc 1:30 và tiếp tục làm việc hoặc học tập. Tụng kinh buổi chiều lúc 16:30, và sau đó tiếp tục lên lớp. 21h20 mới được nghỉ ngơi.

Sau 8 năm tu tập và nghiên cứu Phật pháp tại chùa Long Tuyền, vì những lùm xùm liên quan đến sư trụ trì, năm 2019, Liễu quyết định chuyển đến chùa Tây Viên ở thành phố Tô Châu. Tại đây Liễu có ý định thực hiện một số nghiên cứu về sự kết hợp giữa Phật giáo và tâm lý học.

Trước đó, vào cuối năm 2017, Liễu đã thi đậu bằng bác sĩ tâm lý. Nửa năm sau, nhà sư này mở một buổi "Tư vấn tâm lý Phật giáo" dưới dạng trò chuyện trên ứng dụng Wechat, mỗi lần một giờ. Chỉ sau một ngày đăng tải, có rất nhiều người đăng ký. Sau khi mở dịch vụ, Liễu trả lời tin nhắn bất khi có ai cần tư vấn. "Tôi luôn trong trạng thái căng thẳng", Liễu nói nhưng hy vọng sẽ giải quyết được mọi khúc mắc nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Lưu Phương Châu, một bệnh nhân được chữa trị tâm lý nói rằng, nhờ thầy mà cô không còn thù oán người bạn đời bội bạc của mình. Người phụ nữ này nhận xét Lý là một người tốt bụng và trong sáng hơn hết thảy những người cô từng gặp trong đời. "Thầy đã hàn gắn cuộc đời vốn chứa đầy sự thù hận của tôi", Lưu nói.

Hiện tại, Liễu dự định sẽ cống hiến hết mình cho công việc tư vấn tâm lý và "cứu độ chúng sinh". "Tôi đã tìm thấy chính mình trong những năm tháng tu tập. Tôi luôn tâm niệm hãy sống trọn vẹn, hết mình với lý tưởng và dù thế nào cũng không được lay chuyển", Liễu nói sau gần 10 năm rời xa gia đình để thực hiện ước mơ.

 

Vy Trang




“HỦ TÍU” HAY “HỦ TIẾU”?

Coi trên mạng thấy giải thích đủ thứ:

- Viết đúng là Hủ tiếu, nhưng do miền Nam phát âm lẫn lộn từ Tiếu qua Tíu.

- Tíu là viết sai nhưng chấp nhận được do đồng âm với Tiếu.

- Hủ tiếu là món của người Quảng Đông.

Thật vậy không? Hay sai bét?

Đầu tiên hết, “hủ tíu” là món của người Tiều. Họ phát âm là “củi tíu” có nghĩa là “bánh bột cọng nhỏ”. Sau đó thì tuỳ theo nếu ăn với cá thì kêu “củi tíu cá”, ăn với thịt heo thì gọi là “củi tíu thịt”. Dần dần chữ “củi” nói trại ra thành “hủ” để trở thành “hủ tíu” trong tiếng Việt, coi như đó là một cách chuyển âm hoàn hảo.

Trong tiếng Việt không có chữ “tíu” mà chỉ có chữ “tiếu” Hán Việt. Trong các bộ sách văn phạm ngữ pháp tiếng Việt thời VNCH trước đây là đa phần do các nhà giáo nổi tiếng di cư vào Nam năm 1954 soạn ra. Khi thấy chữ “Hủ tíu”, có lẽ do không phát âm được chữ “tíu” nên họ nghĩ là người miền Nam viết sai chữ “tiếu” thành “tíu” vì đồng âm, cho nên họ mới soạn trong sách giáo khoa là “Hủ Tiếu”, và cho là viết như vậy mới đúng.

Tuy nhiên, như đã nói, “hủ tíu” là một từ chuyển âm từ tiếng Tiều sang tiếng Việt, cho nên một người miền Nam có thể phát âm và phân biệt được rõ ràng giữa 2 từ “tíu” và “tiếu” mà không sợ trật.

Tôi nhớ lúc nhỏ cha má dẫn đi ăn hủ tíu, ăn thì ăn hủ tíu nhưng khi viết thì viết hủ tiếu, tại vì tôi đi học trong trường được dạy là phải viết “hủ tiếu” mới đúng (Merde! Và tôi viết như vậy cho tới bây giờ).

Trước năm 1954, ở trong Nam ai ai cũng viết là “hủ tíu”, cha tôi viết như vậy, ông học giả Vương Hồng Sển viết như vậy, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cũng viết như vậy. Điều đó chứng minh rằng “Hủ tíu” là không viết sai và không cần phải “chấp nhận được” trên bình diện ngôn ngữ học.

“Hủ tíu” đi tị nạn theo người Tiều đến vùng đất Nam bộ, người Hoa lập nên thành phố buôn bán sầm uất ở Mỹ Tho.

Món hủ tíu Tiều được Việt hoá đầu tiên ở đây để trở thành “hủ tíu Mỹ Tho”, đặc sản lẫy lừng khắp miền Tây Nam bộ.

Dân miền Nam thích ăn hủ tíu đến độ vùng nào cũng chế biến theo khẩu vị của vùng mình mà thành: hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Bạc Liêu, và thậm chí cái thành phố Bến Tre ở ngay sát nách Mỹ Tho cũng có hủ tíu riêng của mình kêu là hủ tíu Mỹ Lồng.

Hủ tíu Mỹ Lồng này không biết có ngon bằng hủ tíu Mỹ Tho không, nhưng nghe nói con gái nơi đây đẹp nức mắt...:

“Bến Tre nhiều gái má hồng,
Không tin thì xuống Mỹ Lồng mà coi”.

Tóm lại, bây giờ mấy tiệm hủ tíu gốc Hoa thì còn giữ chữ “hủ tíu” trên bảng hiệu (xem hình), dân Nam kỳ xưa xưa một chút thì còn viết “tíu”, chứ mấy tiệm Việt thì gần như chỉ ghi là hủ tiếu.

@người theo dõi



Vương Hồng Sển và những mối tình lận đận.

Cụ Vương Hồng Sển là người mê đồ cổ. Nhưng mê đến nỗi hai lần bị vợ bỏ và tự mình viết cuốn “Hơn nửa đời hư” hết sức thành thật để kể lại chuyện “hư” do tính đam mê đó thì thật hết mức!


Trước đây, nghe nói về những cổ vật và các cuốn sách không ai có nổi của Vương lão gia, nhiều người tự hỏi rằng ông lấy tiền đâu mà mua được như vậy? Sau này, đọc sách do ông tự thuật, người ta mới hiểu thì ra trời sinh ra ông có những đam mê thì cũng sinh ra ông có những gặp gỡ khiến ông “nặng túi”, dư sức mua các báu vật. Ví dụ đang không lấy gì làm giàu có lắm, cưới vợ xong, gia đình bên vợ cho vợ chồng ông số tiền hồi môn tới 600 đồng – một con số khủng khiếp lúc bấy giờ – cộng với một ngôi nhà ở ngoài mặt đường La Grandière (đường Gia Long cũ, bây giờ là Lý Tự Trọng, quận 1), trị giá tới 1.000 đồng, đâu phải chuyện nhỏ? Thế rồi, lần cưới vợ thứ hai, đang làm nhân viên tại Trường Máy (nay là trường Kỹ thuật Cao Thắng) ở Sài Gòn, ông đổi về làm nhân viên kế toán tại tòa bố (tòa tỉnh trưởng) Sa Đéc, hai vợ chồng phải ở nhà thuê. Tự dưng bà cô vợ là một trong số 4 người giàu có nhứt miền Tây lúc ấy, cho hai vợ chồng ông 240 mẫu ruộng ở Hoà Tú, Sóc Trăng, cộng với một hộp gồm 320 hột xoàn, ấy là chưa kể các hộp khác đựng vòng vàng, xuyến vàng, cà rá, bông tai…, ông “nghèo” sao được?


Lúc còn sinh tiền, ngoài 80 tuổi Vương lão gia vẫn tiếp tục là người bộc trực, vui tính và… thích tiếu lâm. Quý bạn thấy trong sách của ông có những câu “tả chân” như thế này thì cũng… hết chỗ nói luôn: “Hai quả núi vàng pha núm tuyết Một khe hang ngọc nức mùi hương”. Ông kể trong cuốn Một nửa đời hư: “Tôi sanh năm Nhâm Dần (1902), ngày 27 tháng 9 ta. Nhà cha tôi ở châu thành Sóc Trăng nhưng khi sanh, mẹ tôi về quê, sanh tôi tại làng Xài Cá Nả (bây giờ là làng Đại Tâm)”.


Học giả Vương Hồng Sển được người đời tôn vinh là nhà khảo cổ tầm cỡ thế giới. Nhưng về tình duyên ông thiếu may mắn: Hai lần đổ vỡ. Điều này chúng ta có thể thấy được qua những trang sách hóm hỉnh, sâu sắc trong tập hồi ký Hơn nửa đời hư của ông. Ông viết rất nôm na, chân thật, không chút giấu diếm.

Người vợ đầu tiên của ông tên Trần Thị Thố. Lúc bấy giờ, ông đã đậu bằng Brevet Elémentaire (ngoài Bắc thường gọi là bằng Diplôme) tại trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Qúy Đôn) ngày 18. 6.1923. Sau đó ông thi đậu cuộc thi tuyển chọn người làm thư­ ký cho nhà nước và được bổ nhiệm công tác tại “Trường Máy” trên đường Đỗ Hữu Vị (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) Sài Gòn.


Sau khi làm việc được một năm thì ông cưới vợ. Đám cưới diễn ra vào ngày 16. 6.1924 theo đủ lễ, có coi tuổi, coi ngày chu đáo. Nàng sinh năm 1910, lúc ấy mới 14 tuổi. Còn chàng, sinh năm 1902, lúc ấy 22 tuổi, quá đẹp! Thế nhưng, chỉ /chín tháng sau/ hai vợ chồng trẻ đã đưa nhau ra tòa và ngày 12.4.1926 tòa cho ly dị dù “chư­a nát chiếc chiếu tân hôn”.

Lỗi thuộc về ai? Sau này, ông viết: “Lỗi tại người đàn bà theo mặt luật pháp, mà đúng ra lỗi về người đàn ông ham mua sách và mê đọc sách đến quên người vợ trẻ nằm kề bên. Tiền hồ đám cưới được 600 bạc là một số tiền kếch xù, lại tiền ông nhạc cung cấp mỗi tháng không phải là nhỏ, cộng với sáu bảy chục bạc tiền lương, chỉ vèo trong mấy tháng, kết quả tủ sách không còn chỗ để, mà ái tình đã nhẹ bước ra đi. Ai chịu nổi với thằng chồng như vậy?“


Sau khi ly dị, ông còn lại căn nhà ở số 214 đường La Grandière (trước là Gia Long, nay Lý Tự Trọng, Sài Gòn), đem bán được 1,000 bạc. Không dám giữ số tiền quá lớn này trong mình vì ông biết tính mình quen tiêu xài lớn, sợ xài hết tiền, ông đem gửi một người bạn thân tên Nguyễn Văn Xuân. Không ngờ “đem trứng gửi cho ác”, đến lúc cần lấy lại thì bạn đã đánh bạc thua sạch!


Chừng hơn năm sau, tiếng sét ái tình lại đến với ông. Cô tư Dương Thị Tuyết, cháu bà Phủ An (đây là “Phủ” hàm, trong Nam không có chức quan phủ, quan huyện như ngoài Bắc). Đám cưới diễn ra vào ngày 9.11.1927. Nàng sinh năm 1911, lúc ấy 16 tuổi. Còn chàng, 23 tuổi. Hôm đám hỏi, ông bà nhạc (tên là ông Kính, trong lời tự thuật không hiểu sao ông thường gọi là “thầy Kính”) chê lên chê xuống là không có kim cư­ơng hột xoàn mà chỉ có mư­ời l­ượng vàng đôi (vàng đã đánh thành đồ gia bảo, từng đôi một như cặp xuyến, cặp kiềng, theo số chẵn để tiện khi cưới hỏi). Nhưng đối với ông, đây là vốn liếng của mẹ ông khi chết để lại cho ông nên nó vô giá, bên vợ đâu có hiểu điều đó, họ cứ chê trách.

Hôm ấy đám cưới thật linh đình, thân phụ của nghệ sĩ Hữu Phước (ông nội ca sĩ Hương Lan) là ông Bảy Cảnh làm phụ rể. Không biết rể phụ bưng thế nào mà cái chạo rượu lễ khi rót ra không còn một giọt! Điềm gở chăng? Lại nữa, căn phòng tân hôn đêm đó được cha mẹ cô dâu “m­ượn tạm” làm chỗ đánh bạc khiến hai người không có chỗ ngủ!

Cưới vợ xong, ông ở chung với gia đình vợ tại ngôi nhà số 260 đường Richaud (trước 75 là đường Phan Đình Phùng, Đa Kao, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1). Thời gian này họ sống với nhau cực kỳ hạnh phúc và ăn xài “như­ nước vỡ bờ”. Sau đó, họ dọn về nhà số 69 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du).

“Vợ tôi mới 16 tuổi, không biết lo gì hết. Lương tôi tám chục đồng, vừa bằng với lương thông phán của ông già vợ nhưng tôi dạy thêm Việt ngữ cho bốn anh Tây, mỗi anh hai chục, mỗi tháng kiếm thêm được tám chục nữa, vậy mà tháng nào cũng sạch bách, nhiều bữa ngồi sụ một đống, mẹ vợ đi đánh bài tứ sắc về phải cho 5 đồng, hai đứa dẫn nhau đi ăn cơm nhà hàng Yeng Yeng chớ không bao giờ ăn cơm nhà…”. Rồi mẹ vợ mất. Bản thân ông đã rời Trường Máy, đổi về tòa bố Sa Đéc. Vợ ở Sài Gòn, chồng ở Sa Đéc.

“Lúc này thân tôi nh­ư chiếc thuyền bé gặp cảnh bão táp, tai họa dập dồn. Vì không lo xa nên không dành dụm được xu nào” . Vợ chồng ông bèn cùng dọn về Sa Đéc, ngụ tại nhà số 106 đường Vĩnh Long, ít lâu sau lại dọn về nhà số 2 đường Vĩnh Phước – sát với dốc cầu Sa Đéc. “Tại đây, cách xa gia đình nhà vợ, tình duyên của tôi và Tuyết đằm thắm như­ hai con chim thoát khỏi ổ mẹ, ríu rít trên cành, rất tự do, đói bụng mà vui, nghèo mà hạnh phúc…”.

Nếu cứ như­ thế mãi chắc họ sẽ không chia lìa nhau. Số là ngày 20 tháng 11 năm 1928, họ gặp cứu tinh là bà Phủ hàm Lê Văn An, nghiệp chủ ở Sóc Trăng. Bà lên Sa Đéc dự tiệc cưới tại nhà thầy Cai tổng Nguyễn Tấn Cao tự Keo. “Tôi và Tuyết cũng có mặt ở đó. Tuyết kêu bà là bà nội nhưng sự thiệt là bà cô ruột (tức em ruột của ông nội). Bà cháu nhận nhau, tôi còn nhớ lời bà nói hôm ấy: “Tao nghĩ tội nghiệp cho con cháu nội của tao nay đã côi cút, mất mẹ. Chớ nếu mẹ nó còn sống, dầu nó ngậm ngọc mà nói tao cũng không màng. Thằng Tư (tức là tôi) mầy không biết chớ mẹ nó lúc trước cùng với chồng nó là thằng Kính đi kiện bà đây đặng tranh gia tài, bà còn tích giận. Nay thấy vợ chồng bây nghèo túng bà động lòng thương. Bây ráng ăn ở cho có hậu thì bà không bỏ tụi bây đâu”.

Ba năm sau, ngày 6 tháng 5 năm 1931, bà Phủ An qua đời. Trước khi mất, bà để lại di chúc, cho vợ chồng ông Vương Hồng Sển 220 hecta ruộng tốt trong làng Hoà Tú, 8.000 đồng tiền mặt và một số tư trang gồm không biết bao nhiêu là kim cương hột xoàn, riêng một hộp cũng đã có 320 hột, không kể bông tai, cà rá bằng vàng, nhiều không tưởng tượng nổi…

“Nhưng than ôi, cũng vì tiền quá nhiều mà nhơn tâm thay đổi. Sau 19 năm, từ 1927 đến 1946, vợ chồng đang ăn ở với nhau như bát nước đầy bỗng Tư sanh tâm ôm cầm sang thuyền khác. Án ly dị đề ngày 7 tháng 7 năm 1958. Thế là tan vỡ duyên nợ. Em bảo chia ruộng, chia vàng bạc, chia kim cương hột xoàn, tôi bảo để cho em hưởng trọn”.

“Em ôm mớ hột xoàn và các vòng vàng, xuyến vàng, cà rá, bỏ tôi bơ vơ một mình với mớ đồ cổ cùng các chén bát cũ, các sách rách bìa xác xơ mà em cho là vô dụng cũng như chủ của nó…”.

Sau đó ông ở với người khác, không có hôn thú, không có đám cưới đám hỏi nhưng lại bền chặt và hạnh phúc cho đến cuối đời. Người đó chính là bà Nguyễn Kim Chung, một nghệ sĩ lừng lẫy danh tiếng trên sân khấu miền Nam thuở trước với nghệ danh Bà Năm Sa Đéc.

Về cuối đời, học giả Vương Hồng Sển đã dành cho bà nhiều tình cảm trân trọng và đầy yêu dấu: “Người thứ ba nầy đã khóc với tui biết bao nhiêu là nước mắt”. Và theo ông: “Một khi đã có con trai nối dõi, tờ hôn thú vẫn là thừa”.

Bà Năm Sa Đéc qua đời 29 năm sau, tức năm 1987. Còn ông mất sau đó mười năm, tức năm 1996, thọ 94 tuổi. Trước khi mất, ông lập di chúc tặng tòan bộ các bảo vật, đồ cổ, sách ốc và cả ngôi nhà của ông cho nhà nước VN và các thế hệ mai sau. Đây là một kho tàng vô giá không ai có thể xác định rõ được giá trị của nó như thế nào. Ví dụ chiếc giường của một vị quý phi triều Nguyễn; một bộ gồm đầy đủ 211 số Nam Phong Tạp Chí mà theo ông cho biết, năm 1954, chỉ cần 60 số thôi ông cũng đã phải đổi cho một bà người Bắc vừa di cư vào Nam một căn nhà lầu đủ cho gia đình bà ở. Rồi thủ bút của học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, thủ bút của học giả Huình Tịnh Của với cuốn Quấc âm Tự vị in lần thứ nhất khi tiếng Việt hãy còn manh nha. Rồi các lọ độc bình, các chóe cổ từ đời Tống, đời Minh..vv.. Không vàng bạc nào có thể mua được. Chúng sẽ bị hao hụt đi thôi.

Chúng ta nên nhớ Thư viện Khoa học Xã Hội & Nhân Văn (ngày trước gọi là Thư viện Gia Long, nằm trên đường Gia Long, đối diện Bộ Quốc Phòng VNCH, khoảng giữa đường Tự Do nay là đường Đồng Khởi và đường Pasteur) đã có từ thời Pháp thuộc, giá trị như thế, sang trọng như thế, đã có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ thành công trên đường học vấn từ thư viện này. Nhưng nay, nếu bạn muốn mượn một cuốn sách, số hiệu trong thư mục thì có nhưng sách thì không. Người ta đã lấy trộm hoặc bán trộm mất rồi.

Kho tàng đồ cổ và các sách cổ quý còn hơn vàng của đại lão gia họ Vương rồi cũng sẽ thế thôi, không thể hơn được, đáng tiếc thay! Tại sao lại mất? Bởi vì các nhân viên thay nhau trực hàng đêm. Đêm nay người này lấy trộm một hai món. Đêm mai người khác lấy trộm một hai món. Vài ba năm kiểm tra lại một lần, đối chiếu với danh sách thấy mất nhưng không biết ai lấy, chẳng lẽ lại đuổi tất cả? Hơn nữa “cấp trên” đi kiểm tra cũng có trách nhiệm, thôi thì im lặng là hơn!

Bà Dương Thị Tuyết mất ngày 4-7-1992, thọ 81 tuổi. Bà Trần Thị Thố mất ngày 18-1-1992, thọ 82 tuổi. Cả hai bà đều không có con với ông. Riêng bà Năm Sa Đéc thì có, cả con trai lẫn con gái, người con trai tên Vương Hồng Bảo nhưng tài năng kém xa ông, không nối được nghiệp của cha.

Ba năm sau, ngày 6 tháng 5 năm 1931, bà Phủ An qua đời. Trước khi mất, bà để lại di chúc, cho vợ chồng ông Vương Hồng Sển 220 hecta ruộng tốt trong làng Hoà Tú, 8.000 đồng tiền mặt và một số tư trang gồm không biết bao nhiêu là kim cương hột xoàn, riêng một hộp cũng đã có 320 hột, không kể bông tai, cà rá bằng vàng, nhiều không tưởng tượng nổi…

“Nhưng than ôi, cũng vì tiền quá nhiều mà nhơn tâm thay đổi. Sau 19 năm, từ 1927 đến 1946, vợ chồng đang ăn ở với nhau như bát nước đầy bỗng Tư sanh tâm ôm cầm sang thuyền khác. Án ly dị đề ngày 7 tháng 7 năm 1958. Thế là tan vỡ duyên nợ. Em bảo chia ruộng, chia vàng bạc, chia kim cương hột xoàn, tôi bảo để cho em hưởng trọn”.

“Em ôm mớ hột xoàn và các vòng vàng, xuyến vàng, cà rá, bỏ tôi bơ vơ một mình với mớ đồ cổ cùng các chén bát cũ, các sách rách bìa xác xơ mà em cho là vô dụng cũng như chủ của nó…”.

Sau đó ông ở với người khác, không có hôn thú, không có đám cưới đám hỏi nhưng lại bền chặt và hạnh phúc cho đến cuối đời. Người đó chính là bà Nguyễn Kim Chung, một nghệ sĩ lừng lẫy danh tiếng trên sân khấu miền Nam thuở trước với nghệ danh Bà Năm Sa Đéc.

Về cuối đời, học giả Vương Hồng Sển đã dành cho bà nhiều tình cảm trân trọng và đầy yêu dấu: “Người thứ ba nầy đã khóc với tui biết bao nhiêu là nước mắt”. Và theo ông: “Một khi đã có con trai nối dõi, tờ hôn thú vẫn là thừa”.

Bà Năm Sa Đéc qua đời 29 năm sau, tức năm 1987. Còn ông mất sau đó mười năm, tức năm 1996, thọ 94 tuổi. Trước khi mất, ông lập di chúc tặng tòan bộ các bảo vật, đồ cổ, sách ốc và cả ngôi nhà của ông cho nhà nước CSVN và các thế hệ mai sau. Đây là một kho tàng vô giá không ai có thể xác định rõ được giá trị của nó như thế nào. Ví dụ chiếc giường của một vị quý phi triều Nguyễn; một bộ gồm đầy đủ 211 số Nam Phong Tạp Chí mà theo ông cho biết, năm 1954, chỉ cần 60 số thôi ông cũng đã phải đổi cho một bà người Bắc vừa di cư vào Nam một căn nhà lầu đủ cho gia đình bà ở. Rồi thủ bút của học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, thủ bút của học giả Huình Tịnh Của với cuốn Quấc âm Tự vị in lần thứ nhất khi tiếng Việt hãy còn manh nha. Rồi các lọ độc bình, các chóe cổ từ đời Tống, đời Minh..vv.. Không vàng bạc nào có thể mua được. Chúng sẽ bị hao hụt đi thôi.

Chúng ta nên nhớ Thư viện Khoa học Xã Hội & Nhân Văn (ngày trước gọi là Thư viện Gia Long, nằm trên đường Gia Long, đối diện Bộ Quốc Phòng VNCH, khoảng giữa đường Tự Do nay là đường Đồng Khởi và đường Pasteur) đã có từ thời Pháp thuộc, giá trị như thế, sang trọng như thế, đã có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ thành công trên đường học vấn từ thư viện này. Nhưng nay, nếu bạn muốn mượn một cuốn sách, số hiệu trong thư mục thì có nhưng sách thì không. Người ta đã lấy trộm hoặc bán trộm mất rồi.

Kho tàng đồ cổ và các sách cổ quý còn hơn vàng của đại lão gia họ Vương rồi cũng sẽ thế thôi, không thể hơn được, đáng tiếc thay! Tại sao lại mất? Bởi vì các nhân viên thay nhau trực hàng đêm. Đêm nay người này lấy trộm một hai món. Đêm mai người khác lấy trộm một hai món. Vài ba năm kiểm tra lại một lần, đối chiếu với danh sách thấy mất nhưng không biết ai lấy, chẳng lẽ lại đuổi tất cả? Hơn nữa “cấp trên” đi kiểm tra cũng có trách nhiệm, thôi thì im lặng là hơn!

Bà Dương Thị Tuyết mất ngày 4-7-1992, thọ 81 tuổi. Bà Trần Thị Thố mất ngày 18-1-1992, thọ 82 tuổi. Cả hai bà đều không có con với ông. Riêng bà Năm Sa Đéc thì có, cả con trai lẫn con gái, người con trai tên Vương Hồng Bảo nhưng tài năng kém xa ông, không nối được nghiệp của cha.

QHTN


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.