Ngày xưa, trước 1975 ở miền Nam, vợ chồng thường gọi nhau là "mình...!” một cách thân thương trìu mến...!
Khi giới thiệu vợ với người khác thì người chồng thường nói:
Ngược lại trong trường hợp khách đến tìm thì người vợ lại nói:
- Thưa anh, “Nhà tôi”, “Ông Xã” đi vắng... Nếu cần việc gì thì anh có thể nhắn lại.
Đạo vợ chồng nghĩa phu thê thời đó có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Những chuyện ly thân, ly dị rất hiếm khi xảy ra. Thậm chí có nhiều trường hợp chỉ mới là người yêu chưa hề được nắm bàn tay nhưng vẫn chờ đợi nhau hàng chục năm với tất cả sự nhớ nhung trung trinh chung thủy..!
Miền Nam trước 1975 , không có chuyện giấy tờ nhà cửa, đất đai, xe cộ đứng tên cả hai vợ chồng như thời nay.
Chỉ một người đại diện, thường là người chồng, vì xã hội miền Nam trước 1975 hiếm có chuyện vợ chồng lừa gạt nhau, tranh giành tài sản.
Hồi đó, nếu có ly dị ,cũng không có chuyện phân xử tranh giành quyền nuôi con và chu cấp. Tất cả đều là tự nguyện thu xếp của hai vợ chồng...!
Người lớn đã như vậy nên đối với con cái thì người miền Nam rất chú trọng vấn đề giáo dục.
Thông thường mấy đứa nhỏ gọi Ba-Má, Cha-Mẹ, ở vùng thôn quê thì có nhà gọi là Tía-Vú.
Có nhiều gia đình ở phố thị lại gọi Papa-Maman theo Tây.
Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954 thì mới nghe những cách xưng hô Thầy-U, Bố, Cậu-Mợ,...
Nhà của người miền Nam xưa, không bao giờ có chuyện phơi quần áo phía trước mặt tiền. Trước nhà là bộ mặt của cả gia đình, thậm chí là cả dòng tộc, nên không có chuyện phơi bày những thứ sinh hoạt riêng tư như vậy.
Con cái trong nhà của người miền Nam thường được dạy dỗ rất kỹ theo lễ giáo.
“Đi Thưa Về Trình”, trước khi đi đâu ra khỏi nhà thì phải nói Thưa Ba, Má, con đi tới nhà bạn... Lúc về thì cũng nói: Thưa Ba, Má con mới về...!
Có khách đến thăm nhà thì phải bước ra khoanh tay cúi đầu chào:
- Thưa Bác, Thưa Chú, Thưa Cô, Thưa Dì...
Khi đã thưa gửi đàng hoàng thì vào trong lấy ly nước đem ra mời khách, làm gì cũng bằng cả hai tay, ăn nói nhỏ nhẹ, đi đứng khoan thai, làm việc ít gây ra tiếng động ồn, không có chuyện mở ti vi hay radio nghe khi có khách...!
Trong khi khách nói chuyện với Cha Mẹ thì tuyệt đối tránh mặt không lai vãng, không được phép đùa giỡn hay nói chuyện lớn tiếng.
Trong lúc đang ăn không được nói chuyện, uống nước hay làm cho chén đũa kêu thành tiếng, nhai thức ăn không được phát ra tiếng sì sụp, húp sột soạt, không ợ hơi vì như vậy là bất lịch sự...
Con gái đến tuổi cập kê khi ngồi thì phải khép hai chân lại, không được phép nằm ngửa ở bất cứ đâu, nếu là trong buồng riêng đã đóng kín cửa. Các cô ấy cũng không được phép tự ý ra nhà trước chào khách nếu không được Cha Mẹ cho gọi.
Trò chuyện với bất cứ ai cũng phải dùng lời lẽ chuẩn mực, không được nói những từ ngữ dung tục không thanh tao, đứng đắn, không được nói láy... khi đi, chân không được kéo lê kêu lẹt xẹt...
Người lớn đang nói chuyện mà chen vào một câu thì gọi là ăn cơm hớt, sẽ bị rầy.
Buổi trưa ăn cơm xong mà không chịu ngủ mà cứ đùa giỡn hoặc nói lớn tiếng sẽ bị rầy...
Chỉ cái chuyện ăn uống đi đứng, nằm ngồi, sinh hoạt thôi mà ngày xưa ta đã được ông bà cha mẹ giáo huấn rất kỹ. Qua đó, nếp xưa đã hình thành nên nhiều thế hệ người miền Nam có tính cách lễ phép gia giáo khiêm cung khoan hòa như đã thấy...
Được thụ hưởng cung cách dạy dỗ của ông bà cha mẹ như vậy mà nếu ngày hôm nay mỗi người cố gắng truyền lại những điều tốt đẹp đó cho thế hệ con cháu thì đó chính là đã góp một phần quan trọng để giữ gìn danh tiếng cao quý đáng hãnh diện nhứt của chúng ta: NGƯỜI MIỀN NAM...
NGUYỄN AN CHI
TỐT HƠN CHÁN VẠN ÔNG CHỒNG THẾ GIAN…
Một hôm, có một phụ nữ đến gặp Già làng thông thái:
- Thưa cụ, cụ đã tác thành cho vợ chồng con 2 năm trước. Giờ thì con xin cụ hãy cho bọn con ly hôn. Con không thể chịu đựng lão chồng con thêm được nữa.
- Hãy cho ta biết nguyên nhân xem nào - Già làng nói.
- Dạ, chồng của người ta thì hôm nào cũng đi làm về đúng giờ, còn chồng con thì toàn về muộn. Vì chuyện đó mà hôm nào nhà con cũng ầm ĩ hết cả lên.
Già làng ngạc nhiên hỏi:
- Chỉ vì mỗi chuyện đó sao?
- Vâng, thưa cụ, con không thể sống được với một người chồng có cái tính đó.
- Ta sẽ thuận tình cho các con ly hôn, nhưng với một điều kiện. Con hãy về nhà, nướng một chiếc bánh thật to và ngon, sau đó đem đến đây. Nhưng khi làm bánh, con không được dùng bất cứ thứ gì trong nhà. Muối, nước, trứng và bột nhớ sang nhà hàng xóm để hỏi xin. Nhớ giải thích cho họ biết vì sao con lại sang xin nhé - Già làng nói.
Người phụ nữ về nhà, làm y chang lời Già làng dặn. Cô sang cô bạn hàng xóm, nói: "Cho mình xin cốc nước với". "Sao, nhà cậu mất nước à?"- Cô bạn hỏi.
"Không, nhà vẫn có đầy nước, nhưng tớ mới đến gặp Già làng, nhờ cụ chấp nhận cho chúng tớ ly hôn..." - người phụ nữ kể lể.
Khi nghe kể xong, cô bạn mới thốt lên: "Trời ơi, giá như cậu biết lão chồng tớ thế nào". Và cô ta bắt đầu "kể tội" lão chồng của mình.
Người phụ nữ lại sang nhà khác, hỏi xin ít muối. "Nhà cậu hết muối à, sao lại xin có mỗi một thìa". "Muối thì nhà vẫn còn, nhưng tớ mới đi gặp Gìa làng về...".
Người phụ nữ chưa kịp kể xong, cô bạn hàng xóm đã kêu lên: "Thế thì đã ăn thua gì, lão chồng tớ..." rồi tiếp tục bài ca kể tội chồng mình.
Tiếp theo, đến nhà nào hỏi xin thứ này thứ nọ, người phụ nữ cũng nghe được bao nhiêu là lời phàn nàn về các đức ông chồng.
Sau khi nướng xong một chiếc bánh to và thơm phức, người phụ nữ đem bánh đến cho Già làng:
- Con cảm ơn cụ, mời cụ thưởng thức thành quả lao động của con và gia đình. Con đã nghĩ lại rồi, không còn muốn ly hôn nữa cụ ạ.
- Sao lại thế, có chuyện gì à, con gái?
- Dạ thưa cụ, hóa ra chồng con còn tốt hơn chán vạn các ông chồng khác, cụ ạ - Người phụ nữ trả lời.
Phan Việt Hùng dịch từ tiếng Nga
TRUYỆN THẬT NGẮN, Ý NGHĨA THẬT DÀI
Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
------------
Đánh Đổi
Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chất . Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.
----++-+----
Mẹ tôi
Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.
-+++++----
Túi khoai thối
Thử hình dung những cơn giận dữ của ta như những củ khoai, mỗi lần giận là bỏ vào túi một củ, ngày càng nhiều và chúng dần thối đi. Nếu không biết bỏ qua lỗi lầm của người khác, cứ giận họ mãi thì với ta chẳng lợi ích gì, họ cũng chẳng vì ta giận họ mà mập hay ốm đi, còn ta khác nào phải mang theo túi khoai vừa thối vừa nặng. Nếu biết bỏ qua, ta sẽ có nhiều bạn, không còn phiền lòng vì túi khoai thối ấy.
-+++++- - -
Câu Hỏi
Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
------------
Ba Và Mẹ
Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.
-----+++----
Tình Đầu
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
-----------
Bão
Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
HOA NGUYÊN ( Nguồn ACE Dalat ‘Fb)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét