.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

12 tháng 7 2024

BẤT CHỢT ...HẮN GIẬT MÌNH !

 


Tác giả: Huỳnh Minh Hằng
Chủ nhật, hai vợ chồng hắn được nghỉ .
Vợ hắn nói :
- Hôm nay anh đi đâu thì cũng về nhà ăn cơm, em mời ba mẹ và các em sang nhà mình ăn cơm đấy nhé .
_Thế anh đã chuyển tiền vào tài khoản cho em chưa vậy, cuối tháng rồi đấy !
_ Hôm nay ta ăn hải sản nha chồng !
- Anh chuyển rồi mà, ăn gì tuỳ em thôi !
Thế là hắn lấy xe đi uống Café với mấy thằng bạn và đánh vài ván cờ thế giải trí.
Chín giờ rưỡi, vợ hắn gọi điện nhắc :
- Lúc về chồng nhớ lấy két Heineken nhé !
- Anh biết rồi, vợ yêu !
Mười một giờ hắn chạy xe về đến nhà. Thấy ba mẹ vợ, các em các cháu vợ đến thật đông vui. Hắn vào nhà ngồi nói chuyện với ba vợ, uống trà chờ đồ ăn dọn lên. Trong khi mẹ vợ và các em của vợ vừa làm đồ ăn vừa nói chuyện gì đó mà cười thật vui vẻ.
Gà tần, tôm hấp, mực xào satê, hàu nấu cháo, nghêu sò nướng mỡ hành thơm phức ...Ê hề, đầy bàn !
Khi nhập tiệc, vợ hắn tuyên bố trịnh trọng :
- HÔM NAY LÀ NGÀY GIA ĐÌNH, ba thằng Hải rót bia cho ông bà ngoại đi kìa. Mừng cả nhà mình SUM HỌP NHÂN SỰ KIỆN NÀY. Cả nhà nâng ly nào !
BẤT CHỢT ... HẮN GIẬT MÌNH !
Đã lâu lắm rồi, hắn chưa về thăm ba mẹ hắn. Giờ này ba mẹ đã ăn cơm chưa ? Tay của mẹ có còn nhức nữa không ? Chân của ba còn đau nữa không ? Chứng đau nửa đầu của mẹ giờ như thế nào, có tiền đi khám và mua thuốc nữa không... ?
Hắn buông rơi đũa, chạy ra bancông nhìn ra xa ... nơi ba mẹ hắn đang cô quạnh trong căn nhà trống hoác ở Quê !
Hắn bật khóc...khóc thật nhiều !
Rồi hắn chạy vào phòng, lập cập mở điện thoại...*

P/s : _ ĐÃ BAO LÂU BẠN CHƯA VỀ THĂM BA MẸ VÀ GIA ĐÌNH MÌNH ?
_ ĐÃ BAO LÂU BẠN CHƯA GỌI ĐIỆN HỎI THĂM SỨC KHỎE CỦA BA MẸ ?
_ ĐÃ BAO LÂU RỒI BẠN CHƯA BIẾU BA MẸ VÀI ĐỒNG ĂN QUÀ VÀ TIỀN MUA THUỐC MEN KHI ĐAU ỐM ?
( HÃY LÀM GÌ ĐI ...KHI CÒN CÓ THỂ )
H.M.H

* Bài viết MH đã đăng trên Tạp chí Hôn nhân gia đình năm 2014


LÀM CON HÃY NHỚ ĐIỀU NÀY !
KHI CHA MẸ GIÀ... Hãy để họ già đi bằng chính tình yêu mà họ đã cho bạn lớn lên...
Hãy để cha mẹ nói và kể những câu chuyện lặp đi lặp lại với sự kiên nhẫn và hứng thú giống như họ đã nghe bạn kể khi còn nhỏ ...
Hãy nhường nhịn cha mẹ đôi lời, như rất nhiều lần họ để bạn chiến thắng...
Hãy để cha mẹ vui vẻ với bạn bè của họ giống như họ đã từng cho phép bạn…
Hãy để cha mẹ tận hưởng những cuộc nói chuyện với cháu của họ, bởi vì họ nhìn thấy bạn trong đó ...
Hãy để họ tận hưởng cuộc sống giữa những đồ vật đã đồng hành cùng họ trong một thời gian dài, bởi vì họ đau khổ khi cảm thấy bạn vứt bỏ ký ức của cuộc đời này ...
Hãy để họ sai, như bao nhiêu lần bạn đã sai và họ không làm bạn xấu hổ khi sửa lỗi cho bạn...
HÃY ĐỂ HỌ SỐNG và cố gắng làm cho họ hạnh phúc trên đoạn đường cuối cùng mà họ còn phải đi; đưa tay cho họ, giống như họ đã đưa tay cho bạn khi bạn bắt đầu con đường của mình !
Hãy hiếu kính cha mẹ của bạn.
Sưu tầm



GIÀ SAO CHO... SƯỚNG!
Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử! Nhưng già vẫn có thể sướng.
Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.
Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương:
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
Cái già xồng xộc nó thì theo sau!” .
Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất!
Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:
* Một là thiếu bạn!
Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như
” Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”.
Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!
Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Ngày trước, Uy viễn tướng công mà còn phải than:
"Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Đến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi đựơc
Làm được tao làm đã lắm khi…"
Nguyễn Công Trứ
Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thỏang tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. NHỮNG KÍCH thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!…
Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm… văn nghệ!
* Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn!
Thực vậy. Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!
Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:
"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên. Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…)
Trần Nhân Tông
. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là đựơc. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!
Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn.. Con cháu hiếu thảo phải biết… giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.
* Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động!
Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)!
Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta làm đủ mọi chuyện bây giơ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV!. Có một nguyên tắc “ Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!
Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được!
Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…
Tóm lại, giải quyết được “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!

LP Sưu tầm




Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.