.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Ất Tỵ 2025 : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI ẤT TỴ 2025 AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

25 tháng 1 2025

Về đi mà ăn tết

 





Sài Gòn năm nay không thể có cái không khí hội hè miên man của những năm kinh tế phát triển tốt hồi trước. Nhưng khi chết chóc và mất mát qua đi thì rất đáng ăn mừng. Nhất là khi ngoài kia gió cứ se se lạnh, nắng cuối năm trong vắt mà da trời thì xanh leo lẻo. Bất chấp mọi thứ trên đời, tết về tới đầu hẻm rồi trời ơi!
Năm nay là cái năm đặc biệt chỉ xảy ra có một lần trong cả trăm năm. Người ta quan sát thấy quy luật của đại dịch hình như là vậy, cứ trăm năm thì tái diễn một lần. Cho nên ở đúng giai đoạn giao mùa này nhiều người thấm thía ý nghĩa của cái việc còn được ngồi lại với nhau là điều đáng mừng rỡ hơn bất cứ điều gì khác trên đời. Chén trà, ly rượu, tách cà phê chỉ là cái cớ để người ta xúm xít tận hưởng, để nhìn thấy người khác đang sống mà cảm tạ trời đất rằng mình cũng đang còn sống.
Vậy nên Sài Gòn năm nay không có không khí mua sắm ăn chơi tết sôi trào, nhưng có cái mong muốn đoàn viên và tụ hội rất mãnh liệt. Nó gần như lan tỏa trong không gian, pha vào từng làn sương ban mai, nhấn trái tim ta chìm ngập trong một bể nước ấm.
Cách đây chừng hơn tháng, không biết có phải do thời tiết năm nay có đợt lạnh sớm hay không, tự dưng những cây mai kiểng người ta chưng từ tết năm trước bỗng nảy lộc non rồi đơm bông vàng kín cả cành, cứ như mùng một tết đã tới âm thầm hồi nào không hay. Đi trong thành phố, lâu lâu lại nhìn thấy lấm chấm mai vàng trên ban công những ngôi nhà mặt tiền hay sáng rực trước cửa những căn chung cư cũ kỹ lâu đời. Dân Sài Gòn thích thú và (hơi lo) chụp hình đăng lên trang cá nhân, bàn tán xôn xao.
Nay mới mười một, mười hai tháng Chạp. Chưa thấy ai làm mứt gừng, nhưng chắc cũng hai tuần nữa thôi là rạo rực. Kỳ lạ, có những món ăn mang tính tượng trưng và ước lệ cao cỡ đó. Cứ tết thì người ta phải ăn bánh chưng bánh tét (ghét bánh chưng bánh tét lắm thì cũng ăn một miếng ngay sáng mùng một), phải sên mứt gừng, phải tặng quà cha mẹ và người thân, phải gặp gỡ bạn bè. Mặc dù quanh năm cũng tặng quà, cũng gặp gỡ, cũng ăn mứt gừng và bánh tét bánh chưng, cũng mua bông hoa về chưng, cũng dọn dẹp nhà cửa và mua quần áo mới. Nhưng mặc kệ, những thứ đó đều được làm trong năm, nên hổng có tính dzô. Tết… nó khác!
Bánh chưng ngày thường gói lá chuối cột dây nilon cũng được, nhưng bánh chưng bánh tét đặt lên bàn thờ cúng gia tiên phải gói bằng lá dong hai lớp xanh ngắt, gút lạt tre truyền thống, trên mặt dán tờ giấy trang kim đỏ vàng lấp lánh rực rỡ in những câu kinh điển như Cung chúc tân xuân, An khang thịnh vượng. Trái dưa hấu phải thiệt to, thiệt tròn, thiệt già trái, vỏ ngoài phải láng bóng xanh đen nổi gân, bên trên phải còn cái cuống dài quăn queo. Trái đu đủ phải ú nu, không sần không sẹo, da xanh ngắt mịn bóng điểm những mảng vàng tươi. Trái quýt căng tròn bánh xe, toàn thân vàng cam, trên cuống xòe ra hai cái lá xanh đối xứng y như hình tập vẽ trong tranh. Bình vạn thọ hay cúc mâm xôi phải tròn xoe, vun đầy, vàng rộm, không một điểm hoa khác màu, lá phải cứng chắc xanh ngắt. Úi chu cha sáng hăm bảy hăm tám, cả nhà vây quanh cái bàn thờ gia tiên rộn ràng như đám hội: người xếp trái cây lên chỗ này, người kêu không được không được, lại xích ra một xíu chỗ kia. Trái đu đủ thẳng lên xíu, nhưng vẫn phải hơi nghiêng nghiêng để chừa cho thấy trái thơm đằng sau ra chớ. Mấy trái thanh long này đẹp quá, thứ trái gì đẹp lạ đẹp lùng, vỏ thì đỏ tươi, lá xanh non, ruột trắng trong, hột thì đen lánh. Trái sam pô chê nâu vàng nè. Phải đủ sắc đủ màu chen nhau mới đẹp chớ. Hổng được để chỗ nào thiếu hụt nghen, cuối năm phải dọn cho thiệt đầy ắp, tràn trề, chan chứa, nhà cửa mới may mắn, ông bà mới vui mừng, phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới sung túc an lành.
Rồi cuống quýt mua củ kiệu về lột vỏ, lặt rễ, tỉa cà rốt hình bông hoa, phơi héo héo mà muối chua ngọt nhậu với lạp xưởng tôm khô, muối củ cải mặn ngọt ăn với bánh chưng bánh tét. Nhớ dặn mối để mấy ký thịt heo ba chỉ thiệt ngon, lớp mỡ lớp nạc phân minh cân đối, da mỏng mỏng vừa thôi, thịt phải hồng chắc, ấn ngón tay vô đàn hồi trở ra, mỡ phải dính sát, không có chút nào bầy nhầy. Rửa muối thiệt sạch, cắt miếng vuông vắn nửa bàn tay, trộn đường mang ra gió phơi cho mỡ được trong.
Kho măng hay kho hột vịt nước dừa đây ta? Kho măng thì phải lựa măng non vàng tươi, người phơi đã tước hết vỏ xơ chỗ khớp, ngâm từ mười tám, hai mươi tết. Cứ ngâm mềm rồi xả, cho tới khi nước ngâm măng còn vàng trong, miếng măng mềm ra dùng tay xé được thì lùa đám con nít vô xé măng. Xé nhỏ chừng ngón tay út chớ không xé nát nghe con, để kho nó còn rục ra nữa, bỏ miệng ngậm là tan liền nhưng phải nguyên miếng thịt miếng măng mới đẹp nghe con! Xoong thịt kho măng mà lụn vụn là tao quất tét đít tụi bay! (Xin lỗi các nhà gia đình học vẫn cho tôi xài câu này ở đây, dù nhiều người mắng Đen Vâu vì cái tội đưa câu hăm đánh của mẹ vào bài hát. Nhưng ở tâm thế của những người hiểu rõ văn minh để dạy con không đòn roi nhưng vẫn thích thú nhớ về cây chổi lông gà của mẹ-quất vô mông nó còn êm êm nữa-thì những câu hăm he này là ký ức của cả một bầu trời ngây thơ, chỉ còn khiến người ta bật cười âu yếm).
Rồi luộc hột vịt kho thịt. Tụi bay giờ làm biếng quá, đứa nào cũng lột trắng hột vịt ra xong thảy dzô xoong đốt lửa đùng đùng như đốt đồng để mà mau mau cho xong, đặng cầm cái điện thoại dzô phây. Làm sao ngon được con! Hột vịt kho phải rửa thiệt sạch vỏ, luộc xong bỏ nguyên trái vô kho ít nhứt hai lửa. Liu riu hoài cho nước dừa sủi tăm nhè nhẹ thôi, miếng thịt và cái trứng mới ngấm từ từ cái ngọt, cái thơm vô tận bên trong mà không bị háp. Tới khi ăn mới lột vỏ trứng ra, cắt làm hai hay làm bốn đặt lên dĩa, quả trứng vẫn nguyên vẹn tròn trĩnh và mịn màng chớ không bị trầy tróc hay bể tròng đỏ, làm đục nước, xấu nồi kho.
Rồi canh chừng hăm lăm, hăm sáu tết thì đi chợ hoa. Ôi chợ hoa! Sài Gòn đẹp kỳ diệu và cắn rấm rứt vào ký ức của người đi xa là vì nó đa dạng muôn màu. Một trong số đó là cảnh trên bến dưới thuyền. Chợ bông Bến Bình Đông bên kinh Tàu Hủ của Sài Gòn là địa danh lịch sử, nơi cứ giáp tết thì mấy km dọc bến rộn rịp ghe bầu miền Tây chở bông và cây kiểng chưng tết lên bán. Dưới bến ghe neo san sát, trên bến người xe nườm nượp, bông kiểng bạt ngàn. Ban đêm, ngàn vạn sắc màu của bông, của lá, của cây kiểng chen với vô vàn ánh đèn chiếu xuống mặc nước, rực rỡ lung linh như sao sa.
Mặc dù nhà nước từ lâu nay đã chuyển chợ hoa vào đường Nguyễn Huệ hay phân tán ra các công viên khắp thành phố thì với cư dân Sài Gòn lâu đời hay những người yêu và hiểu Sài Gòn, giáp tết vẫn phải đi chợ bông bến Bình Đông mới được gọi là đi chợ bông đúng nghĩa. Bông hoa ở đó mới rợi tươi nguyên, thương lái nổ máy ghe chạy một đêm thẳng từ vườn ở Sa Đéc lên tới Sài Gòn. Mùi đất, mùi lá, mùi những giọt nước tưới còn đẫm nguyên tinh khôi, những người bán cũng nguyên vẹn nông dân chân chất từ màu da sạm nắng đến gương mặt hồn hậu, đôi bàn tay lao động dãi dầu nổi gân cuồn cuộn. Đi chợ bông này là để hít lấy cái hơi ruộng vườn ngùn ngụt sinh khí, hít cái bầu không khí thanh tân trên những nụ hoa, chồi lá non mởn. Để chìm vô sự đơn sơ, mộc mạc của con người và đất đai, gột bớt bụi bặm thành thị, trải lòng ra nghe nó mềm mại, nhẹ bâng như ngày ấu thơ. Rồi lựa một cây mai thiệt sum suê chi chít nụ, bốn bồn cúc vàng ươm chưng trước cửa và ngoài sân, thay cây bông giấy trộn đủ năm sắc vàng cam, tím, trắng, hồng như một quầng mây ngũ sắc. Bưng thêm mấy chậu ớt kiểng trái nhiều màu, đặc nghẹt trên quầng lá. Đặt lên đôn, hay đặt thẳng trên bàn nếu nhà chật, vừa lạ vừa xinh.
Rồi ủi đồ đẹp, rồi chuẩn bị bao lì xì. Đi đổi tiền mới cứng keng ở ngân hàng, nhét vô mỗi bao lì xì một tờ, bắt tụi con nít bận áo mới thiệt đẹp xếp hàng khoanh tay chúc tết ông bà cha mẹ năm mới rồi mới trao.
Cứ chộn rộn tới tấp như thế, một ngày qua như chớp mắt. Mới đó mà đã cúng ông Táo, rồi đã tới giao thừa.
Mấy đứa nhỏ tới tuổi yêu đương thì trông tới tết lắm. Nhà có con trai đang thời sung sức đi cua gái thì thôi rồi. Sáng sớm ra nó đã tếch tới nhà bạn gái, ra sân lặt lá mai, sửa cái nọ, chữa cái kia, chở mẹ của bạn gái đi chợ tết một ngày mấy bận, đêm 30 cũng ngồi nhà người ta hùn canh nồi bánh chưng y như ông rể con. Vậy chớ mẹ ruột nó kêu chở đi chợ tết một bữa coi, nó chẳng nhăn nhó ỉu xìu như cái bánh nhúng nước, hết giục mẹ lẹ lẹ đi thì cằn nhằn mẹ mua gì mua nhiều dữ vậy, ba với mấy chú mấy bác toàn nhậu chớ có ăn đâu!
Phải tới bữa cơm tất niên, nó xin phép ba mẹ đưa bạn gái tới nhà. Con nhỏ tóc chải thiệt kỹ, bận đồ thiệt đẹp, bẽn lẽn lí nhí chào cô chào bác xong ăn nhón nhén như mèo mấy đũa rồi giành dọn dẹp rửa chén. Ông con trai nhà mình cũng ngoan ngoãn bất ngờ dính lấy một bên bạn gái, đứa kia đưa cái nào nó tráng nước úp lên cái đó gọn bâng. Cha mẹ phải dụi mắt mấy lần vì cứ tưởng con nhà ai lạc vào. Lúc đó mình mới biết nhà mình đúng là có con trai.
Phải hông mấy ông nhỏ? Tui biết quá mà!
Chuỗi ngày cuối năm cứ vậy mà trôi….
Không biết là tết làm nên vị cay ấm sực của mứt gừng, vị dẻo thơm béo bùi của bánh chưng, cái nhàn nhã thư thả trong rộn ràng náo nhiệt của những sáng những chiều cuối năm, hay là ngược lại.
Mà càng đi xa nhà, càng xa thời trẻ con bám đít mẹ nhằng nhẵng, người ta càng nhớ quay nhớ quắt.
Bài viết của Nguyễn An Sinh

Ở TRỌ

Chị Bông dứt phone với anh thợ làm hàng rào và lẩm bẩm: “Anh ta cho gía thay toàn bộ hàng rào 6,000 đồng, hao tốn quá!”.
Chị bực mình liếc mắt sang nhà hàng xóm có chung cái hàng rào sau vườn và lẩm bẩm tiếp: “Mà cái nhà hàng xóm này lại không biết điều”.
Trước đó anh hàng xóm người Mễ đã vài lần thẳng thắn từ chối hợp tác cùng chị Bông thay phía hàng rào chung của hai nhà với lý do hàng rào chưa hư hỏng gì và tiền thì họ chưa có luôn.
Trong vườn chị Bông trồng nhiều cây hoa hồng, mái hiên patio treo chiếc chuông gío nên thơ, nếu được hàng rào đẹp thì khu vườn sẽ càng đẹp thêm.

Cái cell phone chị để trên bàn trong sân patio reo lên, không lẽ anh thợ hàng rào gọi lại…giảm gía? Hay là anh hàng xóm Mễ gọi sang báo tin đã đồng ý làm hàng rào?
Chị Bông vội vàng mở phone, thì ra là chị Huê, người bạn thân thiết. Giọng chị Huê tưng bừng vui:
- Bông ơi, hai vợ chồng mình mới mua một căn biệt thự đẹp mà giá khá rẻ so với thị trường, vợ chồng chủ nhà ly dị cần bán nhà nhanh, ưu tiên cho tiền mặt, mình đủ điều kiện. Tháng sau bạn sẽ đến ăn mừng tân gia nhé.
Chị Bông ngạc nhiên:
- Ơ kìa, nhà Huê đang ở cũng mới cũng đẹp mà lại đổi nhà à?
- Nhà này mới hơn đẹp hơn và sang trọng hơn. Đây đúng là căn nhà ước mơ của mình. Hàng xóm toàn là triệu phú trở lên đó nha.

Chị Huê say sưa tả ngôi biệt thự từ ngoài sân vào bên trong đến cả khu vườn, chị Bông nghe đến đâu choáng váng đến đó. Một tiếng sau buông phone mà chị Bông còn thẫn thờ như người mới bị bỏ bùa chưa tỉnh. Bất giác chị ngó quanh khu vườn nhà mình bỗng thấy… tủi, giá mà chị giàu có như chị Huê thì đã thay quách toàn bộ hàng rào khỏi cần kêu gọi anh hàng xóm Mễ đóng góp. Chị Bông đang ganh tị với căn biệt thự chị Huê vừa khoe. Anh Bông lững thững ra vườn và bắt gặp vợ ngồi im lặng trong ghế xích đu, anh thắc mắc:
- Em nghĩ gì mà thẫn thờ ra thế? Lại bực mình vì anh hàng xóm Mễ vẫn chưa chịu chung tiến thay cái hàng rào mới hả?
- Tại anh Mễ và… tại chị Huê.
- Anh biết rồi, bà Huê không khoe stock của bà ấy lên giá thì cũng khoe cửa hàng bánh mì thịt nguội, giò chả, chè cháo của bà ấy doanh thu ngày càng tăng.
Chị Bông thán phục:
- Anh nói đúng đó, cửa hàng chị ấy đắt hàng lắm, dù đã thuê mướn cả chục người mà hai vợ chồng vẫn bận rộn cả ngày, trong khi vợ chồng mình cùng tuổi về hưu như anh chị Huê thì ăn không ngồi rồi chẳng kiếm ra xu nào ngoài mấy đồng tiền hưu.
- Tội nghiệp, anh chị Huê lớn tuổi rồi mà vẫn làm việc đầu tắt mặt tối. Tóm lại giàu có mà vẫn… ”khổ” vì kiếm tiền. Anh nghe kể rằng có bà già luôn than thở mình mẩy tay chân đau nhức, tai điếc mắt mờ thế mà vẫn… thích mở hầu bao ra đếm tiền, chẳng than mỏi tay đau tay hay mờ mắt gì cả. Thiếu đồng nào bà phát hiện ra ngay.
Chị Bông cãi lại:
- Càng có tiền càng sướng chứ, tội nghiệp gì chị Huê. Vợ chồng chị Huê mới mua một căn biệt thự hơn một triệu, trả tiền mặt nhé. Em nghe mà phát ham, trong khi em muốn thay cái hàng rào chỉ 6.000 đồng cũng không dám làm. Nãy giờ em cứ mơ ước nếu mình trúng số thì sẽ mua căn biệt thự trong khu ấy làm hàng xóm các triệu phú cho oai, hàng xóm với mấy nhà Mễ này chỉ thêm bực mình.
Anh Bông an ủi:
- Hàng rào sau vườn còn tốt chán, anh hàng xóm Mễ từ chối thay mới là đúng rồi. Em đừng “khủng bố” tinh thần nhà anh ta nữa, lần nào gặp mặt họ em cũng hỏi chỉ một câu: “Anh chị suy nghĩ kỹ chưa? Có thay hàng rào với tôi không?”. Mà em không nhớ bài thuyết giảng ở chùa hôm nào à, cuộc đời là cõi tạm, chúng ta đang ở trọ trần gian, đòi chi những điều hoàn hảo.
- Anh chỉ chuyên môn bênh hàng xóm, xe nó đậu đầy lề đường, trở ngại lối đi, chướng cả mắt, anh lại khen xe đậu thế này trông… nhộn nhịp khu phố. Cuối tuần nó tụ họp bạn bè uống bia trước sân mở nhạc tiếng Spanish ầm ĩ anh cũng khen… vui cả khu phố.
- Sống hòa đồng và nhịn hàng xóm một tí có sao đâu.
- Nếu thế em cũng sẽ đậu xe lòng lề đường và cuối tuần tụ họp bạn bè ngoài sân mở ầm ĩ nhạc Bolero Thanh Tuyền Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ cho hàng xóm Mễ nghe chơi nhá.
- Vợ chồng Mễ hàng xóm hiền lành dễ thương, chả lẽ vì cái hàng rào mà em đành hanh với họ thế à! Thuyết nhà Phật…
Chị Bông ngắt lời chồng:
- Ôi, anh lại thuyết nhà Phật lắm bi quan, nào đời là bể khổ, đời là cõi tạm, kiếp người mong manh, trở về cát bụi, ai mà đang tuyệt vọng sẽ chẳng muốn kiếp lai sinh. Em muốn như anh chị Huê lúc nào cũng phơi phới kiếm tiền và hưởng đời, muốn gì cũng có. Hay là mình gom góp vốn liếng, vay mượn thêm con cái đầu tư mutual fund hay địa ốc đi anh, chơi stock thì càng kiếm nhanh hơn nữa. Vậy anh muốn cái nào?
- Nghĩa là sao? Mình mua nhà cho thuê hoặc mua mutual fund, hoặc chơi stock đu dây với may rủi ấy hả?
Chị Bông giảng giải:
- Anh nhát gan không chơi stock thì thôi. Mua nhà mình chỉ cần down khoảng 20% và lấy tiền thuê hàng tháng trả mortgage, 10 hay 15 năm sẽ trả xong nợ, căn nhà thuộc về mình. Hay là đầu tư mutual fund chậm hơn nhưng 10 năm sau số tiền đầu tư có thể tăng gấp đôi. Tới lúc đó mình lấy cả vốn lẫn lời ra… mua nhà biệt thự làm hàng xóm các triệu phú luôn.
- Nghe em nói kiếm tiền nhẹ nhàng dễ dàng quá. Anh… không chọn cái nào cả.
Chị Bông cụt hứng giận dỗi trách:
- Hèn gì số mình nghèo là phải. Suốt đời ở căn nhà xấu này thôi.
- Ai mà chẳng muốn cuộc sống đầy đủ cao sang, anh cũng thích nhà cao cửa rộng lắm chứ, nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Bao nhiêu năm nay không giàu có được nói chi tuổi xế chiều.
Rồi anh Bông vỗ về:
- Thôi em đừng ganh đua với chị Huê nữa, mình không có tiền bạc và càng không có thời gian để đầu tư đường dài. Em cứ an phận làm hàng xóm mấy anh chị Mễ, mấy anh chị Mỹ đen như hiện nay đi. Vợ chồng mình là khách hàng thường xuyên của CVS pharmacy tại thành phố này, các nhân viên bán thuốc full time thậm chí nhân viên part time thay đổi soành soạch mà họ còn nhớ tên nhớ mặt mình. Vậy thì hơn 10 năm nữa mình 80 tuổi, bệnh tình mình đi tới đâu? liệu có còn sức khỏe mà hưởng nhà to nhà đẹp không, hả? nếu có thay đổi nhà thì anh sẵn sàng moving đến căn nhà nào… gần bệnh viện nhất để mỗi lần gọi 911 cấp cứu cho tiện.

***************.

Đến dự buổi tiệc tân gia nhà chị Huê, căn biệt thự lộng lẫy ấy chị Bông khó thể nào quên, vừa trầm trồ khen ngợi vừa mơ ước khi chị Huê dắt khách đi từng phòng giới thiệu, đây là phòng khách của tôi, phòng bếp của tôi, phòng nào cũng đẹp cũng sang.
Bước vào căn phòng ngủ kê hai chiếc giường mà vẫn còn rộng mênh mông với những tủ, gương sang trọng, chị Huê lại hãnh diện sung sướng:
- Các bạn ơi, đây là phòng ngủ yêu quý của tôi, từ cái giường, khăn trải nệm, gối mền, rèm cửa đều là hàng hiệu….
Bạn bè ai cũng khen vợ chồng chị Huê có phước, con cái đứa nào cũng ăn học thành đạt, gia đình đề huề, anh chị Huê thì giàu có làm ăn tiền vô như nước. Chị Bông hỏi:
- Bao giờ thì anh chị Huê nghỉ bán buôn, ở nhà hưởng nhàn thảnh thơi trong căn nhà đẹp này?.
Chị Huê phân trần:
- Mình cũng muốn nghỉ lắm. Con cái có công việc của chúng, chẳng đứa nào thích cái nghề bán bánh mì thịt nguội này cả, sang cửa hàng cho người khác thì tiếc rẻ vì công việc làm ăn càng ngày càng phát đạt, tiền cứ chạy vô túi vô nhà băng nên chẳng nỡ ngừng, thôi thì còn sức còn làm, có nhiều tiền tiêu xài cũng sướng tay. Nhờ thế vợ chồng mình mới mua căn biệt thự này dễ dàng.
Chị Huê ghé tai chị Bông khoe thêm:
- Trừ mọi chi phí mỗi tháng vợ chồng mình kiếm mười mấy ngàn, chẳng cần ăn học bằng cấp gì mà tính ra hơn hẳn lương kỹ sư lâu năm, tự mình làm chủ mình và làm chủ gần chục nhân viên từ khâu làm bánh mì, làm giò chả thịt nguội, đến khâu đứng bán cho khách hàng. Thử hỏi là chị có chịu buông bỏ cửa hàng ngồi nhà lãnh vài đồng lương hưu không chứ.

Sau dịp ăn tân gia ấy chị Bông ít có dịp đến nhà chị Huê nhưng thường gặp chị ở cửa hàng bánh mì thịt nguội nổi tiếng ngon nhất của thành phố này. Vợ chồng chị Huê nhanh nhẹn xã giao với khách hàng và tháo vát với công việc, chỉ huy nhân viên đâu ra đấy.
Thế mà một hôm chị Bông nghe hung tin, một người bạn gọi phone báo tin:
- Chị Huê đã qua đời trong giấc ngủ đêm qua vì heart attack.
Trời ơi, một cái chết quá bất ngờ, không hề báo trước. Chơi thân với chị Huê nhưng chị Bông có nghe chị Huê than thở gì về bệnh tim mạch đâu.
Hay là chị Huê làm việc nhiều quá nên căng thẳng và kiệt sức, ảnh hưởng đến tim mạch??

Sau đám tang chị Huê, cửa hàng bánh mì thịt nguội trở lại hoạt động bình thường, bạn bè ai cũng ngạc nhiên, tưởng anh Huê mất đi người vợ yêu dấu mấy chục năm bên nhau anh sẽ mất nguồn cảm hứng kiếm tiền.
Vài tháng sau chị Bông đã nghe bạn bè chung của chị Huê truyền nhau tin đồn anh Huê đang “tình ý” với chị Sương nhân viên quản lý cửa hàng.
Đó là một thiếu phụ khoảng 45 tuổi, chị ta là mẹ độc thân của ba đứa con. Được bà chủ tin cậy chị ta nhanh nhẹn khôn ngoan chăm chỉ làm việc và bây giờ thì được ông chủ độc thân ưu ái.
Ai cũng tưởng họ chỉ “tình ý” và bồ bịch cho đời nhau đỡ buồn. Nhưng một năm sau thì anh Huê chính thức đi thêm bước nữa với chị Sương với lý do để có người phụ anh công việc kinh doanh, cứ làm như anh chỉ cần người làm hơn là cần người tình.

Căn biệt thự lộng lẫy của chị Huê nay đã có nữ chủ nhân mới, thêm ba đứa con của chị ta nên cửa nhà đông vui hẳn lên, lúc nào cũng có một hai chiếc xe loại sang đậu trước sân, chiều tối các khung cửa sổ căn biệt thự đều sáng đèn ấm cúng.
Cửa hàng sản xuất bánh mì thịt nguội đã có nữ chủ nhân mới.
Ngày nào chị Huê từng hãnh diện khoe công việc và tiền bạc nay những huê lợi ấy đã vào túi người khác.
Ngày nào chị Huê từng sung sướng khoe căn phòng ngủ xinh đẹp sang trọng, nay căn phòng ngủ ấy cũng thuộc về người phụ nữ khác.
Và người chồng suốt mấy chục năm thân ái chung đôi của chị cũng thuộc về người khác luôn.
Chị Bông thấy xót xa giùm người bạn đã nằm dưới nấm mộ. Chị than thở với chồng:
- Thương chị Huê quá. Nhớ ngày mới mua căn biệt thự chị Huê hớn hở vui mừng bao nhiêu, chị trang hoàng chăm sóc từng căn phòng, thế mà ở chẳng bao lâu…
Anh Bông lại triết lý nhà phật:
- Chị Huê đã “ở trọ” trong căn biệt thự ấy, chứ có gì là của chị Huê đâu, kể cả bạc tiền và người chồng yêu dấu. Hết thời hạn thì ra đi. Vợ chồng mình cũng đang “ở trọ” trong chính căn nhà của mình đây. Cuộc sống luôn đi bên cạnh những rủi ro bất trắc, tai nạn hay bệnh hoạn có thể đến bất cứ lúc nào. Chúng ta không chết vì tại nạn, bệnh hoạn thì cũng chết vì tuổi gìà sức yếu, mười năm, hai mươi năm nữa thôi căn nhà này sẽ thuộc về ai…
Chị Bông giật mình, anh Bông nói đúng quá, sau này vợ chồng chị chết đi, con cái đều có nhà riêng và công việc ở xa, chẳng đứa nào có nhu cầu dọn về đây. Căn nhà này sẽ bán đi và thuộc về người khác.

Chị Bông chợt nhớ tới gia đình một người quen biết, sang Mỹ diện H.O năm 1990. Sau 5 năm làm việc cật lực họ có chút tiền down một căn nhà. Người vợ lãnh đồ từ hãng và may tại nhà, vừa chăm chỉ may vừa lo cơm nước cho chồng đi làm con đi học, chị hết sức tiết kiệm tiền bạc và cả thời gian, ít giao du với bạn bè, thậm chí từng là con chiên ngoan đạo chị cũng “né” màn đi nhà thờ hàng tuần, chỉ đi vào những dịp lễ lớn, vì đi nhà thờ là “tốn kém”, luôn có mục đóng góp đủ thứ, nay món này mai món khác chẳng bao giờ hết việc. Mục đích chính của chị là làm việc tối đa và tiết kiệm tối đa để có tiền trả nợ căn nhà .
Nhà cửa trả xong, vốn liếng bắt đầu rủng rỉnh thì đùng một cái chị H.O lâm trọng bệnh qua đời. Chồng quan niệm con cái đứa nào cũng có ăn học và có gia đình riêng không phải lo cho chúng nữa, ông ta về Việt Nam cưới một cô hàng xóm lỡ thì nhưng vẫn còn trẻ chán so với ông, bán căn nhà cũ đang ở để mua căn nhà khác mới hơn đẹp hơn cho xứng và le lói với người mới.
Chị H.O này cũng “ở trọ” và ra đi “trắng tay” như chị Huê.

Thế là chị Bông lại an phận tìm vui với căn nhà của mình, khu vườn sau hoa lá và chuông gió vẫn đẹp và nên thơ với cái hàng rào cũ mà chị từng muốn thay bỏ chúng.

Một buổi sáng chị Bông mang rác ra sân trước thì thấy chị Mễ hàng xóm cũng kéo thùng rác ra sân liền tươi cười xã giao, bù đắp cho những ngày chị Bông liếc mắt hay lườm lườm sang nhà nó với vẻ lạnh lùng:
- Chị khỏe không? Hôm nay chị không đi làm hả?
Chị Mễ than thở và e dè:
- Tôi bị mất việc rồi, đang hưởng tiền thất nghiệp. Chị đừng rủ tôi thay cái hàng rào nữa nghe.
Xong chị ta nửa đùa nửa thật:
- Chỉ còn chồng tôi đi làm, nhà 4 đứa con, nếu tôi mà thất nghiệp dài lâu thì không có tiền trả mortgage căn nhà này đâu, lúc ấy chị sẽ có hàng xóm mới để rủ họ thay hàng rào mới.
Chị Bông cảm thấy như mình có lỗi và ái ngại qúa. Hoàn cảnh nhà hàng xóm chẳng khá gỉa gì thế mà bấy lâu chị cứ “mặt sưng mày sỉa” ngầm với họ vì cái tội không chịu chung tiền làm hàng rào mới. Chị Bông dịu dàng thân mật:
- Chúc chị mau kiếm được việc làm, còn cái hàng rào chung của chúng ta, đúng như chồng chị đã nói, vẫn tốt lắm, thay làm chi cho phí tiền.
Trong ánh mắt chị Mễ thoáng vẻ ngạc nhiên và vui. Chắc vì lần gặp mặt này chị ta thấy chị Bông đã thay đổi thái độ quá bất ngờ.

Chị Bông lại thấy anh Bông nói đúng, chẳng có ai dám bảo đảm ở căn nhà của mình dài lâu chứ đừng nói suốt đời. Ngoài cái chết, người ta phải rời xa căn nhà vì hàng đống lý do, vì công việc, vì trường học của con cái hay vì mất job, vì li dị… v.v… và biết đâu chỉ vì… nhà hàng xóm. Gia đình anh chị Mễ này không chịu nổi mụ hàng xóm khó tính như chị Bông, một ngày nào đó họ cũng sẽ dọn đi cho khuất mắt?

Chị Bông chẳng cần cái hàng rào mới đẹp nữa cho hao tốn bạc tiền của mình và của hàng xóm và chị càng không mơ nhà to đẹp cao sang nữa khi tuổi đã xế chiều. Vì nhà to đẹp hay nhà cũ xấu cũng chỉ là quán trọ ven đường đời cho ta dừng chân và một ngày nào đó ta sẽ về nơi yên nghỉ sau cùng đó mới là căn nhà vĩnh cửu của riêng ta.

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG
21.12. 2017 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.