.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

02 tháng 9 2012

MÓN ĂN NGON CỦA SÀI THÀNH

                                        MỘT SỐ MÓN ĂN NGON 
                                       
                                          (sưu tầm cũa THU HƯƠNG HD 67-74 )



10 món ăn Việt ngon rẻ trong mắt du khách nước ngoài

BÁNH CANH - ĐẶC SẢN CỦA PHAN THIẾT, BÁNH HỎI Ở QUI NHƠN HAY BÚN THỊT NƯỚNG TẠI HUẾ VÀ ĐÀ NẴNG THỰC SỰ GÂY ẤN TƯỢNG VỚI DU KHÁCH NƯỚC NGOÀI, BỞI KHÔNG CHỈ NGON MÀ CÒN RẤT RẺ VỚI GIÁ CHƯA TỚI 1 ĐÔ LA.

Mọi người vẫn thường nói rằng "của rẻ là của ôi", song có lẽ câu này không đúng với những món ăn được du khách nước ngoài có tên Adam Bray kể trong bài viết của mình.
Đối với những vị khách nước ngoài từng một lần đặt chân đến dải đất hình chữ S thì văn hóa ẩm thực nơi đây thực sự gây ấn tượng với họ. Trong một bài viết, Adam Bray đã tổng hợp 10 món ăn Việt Nam ngon rẻ với tựa đề: "Đi ăn trưa ngoài chợ: 10 món Việt truyền thống chưa tới 1 USD".
Ngay phần mở đầu, tác giả đã tỏ ra khá ngạc nhiên vì những một điều tưởng chừng như mâu thuẫn: "Những món Việt hấp dẫn đôi khi lại là món ăn rẻ nhất mà người dân địa phương thường ngồi ăn trên chiếc ghế nhựa và cái bàn xếp ở ngoài chợ. Một đất nước nhỏ bé như Việt Nam vậy mà thức ăn lại tinh tế và đa dạng đến kinh ngạc. Mỗi thành phố, thậm chí mỗi ngôi làng đều có một món đặc sản".
Không chỉ liệt kê ra 10 món ăn ngon rẻ ở Việt Nam, tác giả bài viết đã tìm hiểu khá kỹ về nguyên liệu, cách chế biến, ngoài ra Adam Bray còn chỉ ra nơi ăn ngon nhất của từng món.

Bánh canh (ăn ngon nhất ở Phan Thiết)
Tác giả của bài viết - Adam Bray mô tả thì bánh canh được làm từ gạo và bột khoai mì, được chan bằng thứ nước dùng được nấu từ cá. Đối với vị du khách này thì bánh canh ở Phan Thiết là ngon nhất trong những nơi ông từng thưởng thức.

Bánh hỏi (ăn ngon nhất ở Qui Nhơn)
Bánh hỏi được làm từ mì gạo tạo thành những lá bánh con con, một chút hẹ và tóp mỡ phủ lên trên, ăn kèm với bánh hỏi có thể là heo quay, xúc xích thịt lợn... chấm với nước chấm pha bằng nước mắm, đường, ớt và chanh.

Bột chiên (ăn ngon nhất ở Sài Gòn)
Đây là một món khoái khẩu của học sinh ở Sài Gòn. Khoai mì bột được cắt thành hình con cờ sau đó chiên giòn kết hợp với trứng và dùng với nước chấm.
Bò khô (ăn ngon nhất ở Đà Lạt)
Ở món này tác giả viết: "Bò khô (món ăn yêu thích của tôi), tôi thấy rất thú vị khi được thưởng thức món này trong thời tiết mát mẻ và ẩm ướt ở Tây Nguyên".
Bún thịt nướng (ăn ngon ở Huế và Đà Nẵng)
Bún thịt nướng (thường được làm từ thịt lợn) ăn cùng với các loại rau và nước mắm. Tùy từng địa phương sẽ có cách pha nước mắm khác nhau với với lạc giã, cà chua hoặc chanh và ớt.

Bánh trứng mực (ăn ngon ở Phan Thiết)
Món ăn này được tác giả thưởng thức khi ghé thăm Phan Thiết. Bánh gồm có trứng mực, đậu phộng giã nhuyễn, lá bạc hà và dùng với nước chấm.
Xôi vịt và cơm gà (ăn ngon ở Phan Rang và Quảng Ngãi)
Gà và vịt là hai loại gia cầm rất phổ biến ở Việt Nam, gà thường được kết hợp với gạo, trong khi vịt thì nấu với gạo nếp.

Chè (ăn ngon ở Huế và Hà Nội)
Đây là một món tráng miệng ngọt ngào có thể ăn nóng hoặc lạnh. Những thành phần để nấu thành chè bao gồm: đậu, trái cây, khoai mì...

Bánh xèo (ăn ngon ở Sài Gòn và Phan Thiết)
Bánh xèo được tráng với tôm, thịt lợn hoặc mực. Tại Sài Gòn, bánh xèo được cuộn với lá rau diếp, trong khi đó ở Đà Lạt, bánh xèo lại được cuốn với bánh tráng và các loại rau sống, bánh xèo ở Phan Thiết thì nước chấm pha với lá bạc hà.

Bánh căn (ăn ngon ở Nha Trang và Phan Rang)

                                                    
12 món bánh dân dã hút khách chốn Sài thành| |
11/03/2012
Bánh tằm, báng tráng nướng thịt hoặc phết mắm tôm, chuối nướng nếp, bột chiên... là những món ăn dân dã đã từ lâu chiếm được cảm tình của đông đảo giới sành ăn ở Sài Gòn.

Bánh chuối nướng bán ở một quán ven đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM.
Những món bánh này thường được bày bán ở quán các cóc ven đường với giá tương đối mềm, chỉ từ 5.000 đến 20.000 đồng một phần. Một số địa điểm quen thuộc mà người Sài Gòn thường tìm đến thưởng thức như: công viên 23/9, 30/4 (gần nhà thờ Đức Bà), Tao Đàn (quận 1), đường Lê Quang Định, Đinh Tiên Hoàng, Cô Bắc, Nguyễn Văn Trỗi ...

1. Chuối nướng nếp
Chuối sứ lột sạch vỏ đem bọc một lớp cơm nếp (trước đó đã được xào với nước dừa và cơm dừa tươi). Trước khi nướng, người ta lấy lá chuối gói lại đem đặt lên lò nướng và trở tay liên tục để nếp không bị cháy.

Món này nên dùng lúc còn nóng, chan một lớp với nước dừa nấu với bột báng và đậu phộng giã nhỏ. Đĩa chuối nướng thơm phức có vị ngọt của chuối, vị béo pha chút mằn mặn của nước dừa, bùi bùi của đậu phộng rang hòa quyện trong hương thơm đặc trưng của lá chuối.

2. Bột chiên:

Món ăn này có nguồn gốc Trung Hoa được chế biến khá đơn giản. Bột gạo xắt thành từng miếng vuông bằng đốt ngón tay rồi đem chiên. Sau đó cho vào một hoặc hai trái trứng gà, hành lá và tiếp tục đảo đều cho đến khi miếng bột vàng giòn. Bột nóng hổi sắp ra đĩa, ăn kèm với đu đủ bào ngâm giấm và nước chấm xì dầu chua ngọt.

Bánh bột chiên tại quán ven đường ngã ba Điện Biên Phủ giao với Phùng Khắc Khoan.

3. Bánh tráng nướng thịt:

Thời gian gần đây, các bạn trẻ thành phố kháo nhau đến thưởng thức món bánh tráng nướng tại một quán bình dân nằm cuối con hẻm nhỏ trên đường Lê Duẩn. Tiệm mở cửa buổi chiều từ 4 đến 8 giờ, có bán nhiều loại từ bánh tráng nướng kẹp, bánh tráng thịt hoặc trứng ốp la...

Thùy Linh, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, mỗi buổi chiều đi học về đều ghé vào đây ăn. "Mình thích cái khẩu vị bánh miền Trung vừa cay, ngọt, vừa giòn, mà mùi thơm thì khỏi chê. Mà tốt nhất nên ăn lúc bánh còn nóng hổi chứ đừng để nguội bánh sẽ không còn giòn", Linh nói.

Bánh tráng nướng thịt được bán rộng rãi trên đường Cô Bắc (quận 5, TP HCM), công viên 30/4, 23/9...

4. Bánh tráng nướng mắm tôm:

Cũng giống như bánh tráng nướng thịt hoặc ốp la, song loại ở đây người ta còn phết lên bánh tráng một lớp mắm tôm rồi mới đem nướng. Bánh vừa chín giòn thì cuộn lại ăn lúc còn nóng hổi có mùi thơm đặc trưng của nước mắm.
Bánh tráng nướng mắm tôm tại công viên 23/9 (quận 1, TP HCM).

5. Bánh tráng cuộn:

Bánh tráng dẻo cho tôm khô xào, thịt luộc, trứng, rau răm, hành lá, ớt... quấn lại theo chiều dài của chiếc bánh. Khách mua có thể để nguyên ăn hoặc yêu cầu cắt ra thành từng khúc nhỏ.

Bánh tráng cuộn bán tại công viên 23/9 (mặt đường Phạm Ngũ Lão).

6. Bánh tráng trộn:

Khi nói về bánh tráng trộn, các bạn trẻ từ nữ đến nam, từ giới sinh viên đến dân văn phòng đều nhận xét một câu "không thể chê vào đâu được". Mặc dù đối mặt với nhiều "scandal" về vệ sinh an toàn thực phẩm, song món bánh dân dã này không vì thế mà mất đi chỗ đứng của mình trong lòng các "tín đồ sành ăn". Bởi vì xét cho cùng, văn hóa ngồi quán cóc, ăn món dân dã dường như đã trở thành thói quen của nhiều người. 

Hương vị của món bánh tráng này là sự hòa quyện của tôm khô, sa tế, ớt, muối tôm, đậu phộng, hành lá, khô bò, rau răm... làm cho người ta ăn một lần là ghiền. Tuy nhiên để đảm bảo vệ sinh (ở mức tối thiểu nhất), khách mua nên để ý chọn những quán hàng nào mà người bán có dùng bao tay ni lông hoặc đũa trong lúc trộn bánh.

Bánh tráng trộn được bày bán rộng rãi ở Sài Gòn. Ảnh chụp tại công viên Tao Đàn (quận 1).

7. Cá viên chiên:

Nhắc đến món này, hẳn các bạn sinh viên, học sinh không ai là không biết đến. Cái tên "cá viên chiên" đôi khi được dùng chung để gọi các món như: bò viên, tôm viên, đậu bắp, đâu hũ... được xâu lại thành từng xiên và bày bán ven đường hoặc trên những chiếc xe hàng rong. 

Khi khách lựa chọn những xiên viên chiên xong, người bán mới tuốt chúng ra khỏi xiên và đem chiên lên. Các viên bò, cá, tôm cho vào chảo dầu nóng phồng to lên đến khi chúng cháy vàng, người ta mới bỏ ra cho vào dĩa hoặc hộp. 

Món này ăn với tương ớt và tương đen có vị cay nồng, mằn mặn, giòn dai, nhai sần sật, không quá mềm cũng không quá cứng. Ở một số nơi còn ăn kèm với củ cải, cà rốt ngâm giấm, dưa leo...
Cá viên chiên bán ở khắp nơi trong thành phố. Ảnh chụp tại công viên 30/4 (gần nhà thờ Đức Bà).

8. Bánh cốm trộn dừa:

Cốm giã nhuyễn trộn với nước dừa và đường cát trắng, sau đó đem ủ cho hạt cốm mềm rồi bắc lên chảo nóng xào cho đến khi hỗn hợp này quyện lại dẻo quánh. Bánh cốm ăn vào có vị ngọt dịu, béo, dẻo và thơm.
Hàng cốm tại công viên Tao Đàn (quận 1, TP HCM).

9. Bánh khoai mì nướng:

Bánh này được làm từ củ khoai mì luộc lên rồi bào cho nhuyễn. Sau đó trộn chung với nước dừa, muối, đường rồi đem nướng cho đến khi có màu vàng cam. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm của khoai mì, béo của nước cốt dừa nên dùng lúc còn nóng là ngon nhất.
Khoai mì nướng bán tại công viên Tao Đàn (quận 1).

10. Bánh tằm:
Đây là món ăn dân dã, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, nhất là ở các vùng quê miền Nam, miền Tây. Hiện nay bánh tằm được bán rộng rãi ở Sài Gòn và trở thành món khoái khẩu của nhiều chị em phụ nữ. 

Cách chế biến món này khá đơn giản. Củ khoai mì lột sạch vỏ, mài nhuyễn, vắt bỏ nước rồi đem trộn với đường, bột năng và nước cốt dừa, hương va ni. Nếu thích có nhiều màu thì phân thành từng phần để trộn với lá dứa (màu xanh) hoặc chất tạo màu. Sau đó đem hỗn hợp này cho vào chiếc khuôn hình chữ nhật để hấp từ 20 - 30 phút. Chờ cho nguội, lấy bột trong khay ra sắt thành từng sợi bằng nửa ngón tay rồi đem trộn với cơm dừa nạo sợi.

Bánh tằm dùng với muối mè (làm từ mè rang, đậu phộng, đường, muối) có vị ngọn, béo, mằn mặn và dai.
Bánh tằm ngọt, dẻo và thơm rất được chị em phụ nữ ưa chuộng.

11. Bánh khoai mỡ chiên giòn:

Món này vẫn còn tương đối lạ lẫm với người Sài Gòn, chỉ những ai chịu khó "lùng sục" mới biết được, chẳng hạn tiệm bánh tại một con hẻm nhỏ ngay ngã tư Ông Ích Khiêm và Bình Thới (quận 11).

Món này chế biến kỳ công hơn. Củ khoai mỡ bổ đôi ra rồi dùng muỗng hoặc dụng cụ bào cho nhuyễn. Sau đó cho thêm gia vị đường, muối, tiêu, hành lá trộn cho thật đều. Tôm tươi hoặc khô để một nửa đem luộc và một nửa băm nhuyễn chung với thịt lợn. Tiếp theo thái nhỏ cà rốt, nấm, củ sắn, lạp xưởng để làm nhân.

Chia hỗn hợp khoai mỡ trên thành từng phần nhỏ rồi đem cán mỏng và cho nhân vào giữa. Bắc chảo mỡ lên bếp để cho nóng già rồi bỏ bánh vào chiên đến khi vỏ bánh giòn có màu vàng. Chiếc bánh nóng hổi có mùi vị lạ: béo nhưng không ngán, dẻo bên trong nhưng bên ngoài lại giòn, mùi thơm rất hấp dẫn.
Bánh khoai mỡ dẻo bên trong, giòn bên ngoài và có mùi thơm đặc trưng.

12. Bánh căn:

Món đặc sản miền Nam Trung Bộ này được làm từ bột gạo nướng trong khuôn. Có nhiều loại nhân: trứng, mực, tôm, thịt... Bánh căn dùng nóng với nước mắm pha chua ngọt, ăn kèm với rau sống, bánh mì chiên giòn.
Bánh căn theo khẩu vị Phan Rang (quán trên đường Lê Quang Định).

Bài và ảnh: Thi Ngoan
CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.