Một thoáng mong manh
Trần Quốc Sỹ
Truyện ngắn dưới đây được trích từ tập hồi ký "Giòng Đời Trôi Nổi" của cùng tác giả. Thời điểm: Sài Gòn, 1993.
….
.....
Hiệp phóng xe len lỏi giữa đoàn xe và người. Ngồi đằng sau, ôm eo ếch nó mà tim tôi cứ muốn nhào ra khỏi lồng ngực mỗi khi nó lạng qua để tránh một chiếc xe ngược chiều. Chiều hôm qua, tôi có ý định sẽ mua một chiếc Honda để làm phương tiện di chuyển, nhưng với quang cảnh trước mắt, tôi thầm nghĩ điệu này chắc tôi phải bỏ ý định này rồi.
Hai mươi phút sau chúng tôi về đến bùng binh Quách Thị Trang, trước cửa chợ Bến Thành. Mười tám năm, cái bùnh binh này cũng chẳng có gì thay đổi, nếu không muốn nói là điêu tàn hơn. Một mảng xi măng lề đường vỡ to mà cũng chẳng được tu sửa. Chợ Bến Thành cũng chẳng có gì khác lạ. Gần Tết nên các hàng quán chung quanh chợ buôn bán tấp nập. Những tấm bảng quảng cáo được căng lên chung quanh khắp nơi.
Tôi chợt bồi hồi nhớ lại những ngày trước 75. Cái thú vui của bọn thanh niên, thanh nữ chúng tôi thời đó là đi dạo chợ tết. Tuy chẳng có tiền để mua sắm nhưng chúng tôi cũng thích kéo nhau đi bộ dọc đại lộ Lê Lợi từ bùng binh cho tới Quốc Hội, rồi dọc theo đường Tự Do, Lê Thánh Tôn, hay Nguyễn Huệ .
Cái thú dạo phố Sài Gòn sau mười tám năm bỗng dậy lên mãnh liệt trong tôi. Tôi bảo Hiệp kiếm chỗ gởi xe rồi tôi và nó bách bộ trên con đường Lê Thánh Tôn râm mát.
Khác với khung cảnh cầu Bình Triệu, nơi đây tôi tìm được sự nhẹ nhàng, yên tĩnh hơn. Ngoài đường xe cộ tuy cũng qua lại nhưng dường như ít hẳn so với chỗ khác. Những người bộ hành trên đường cũng dường như thư thản hơn, không có nét vội vã.
Một người đàn bà với quang gánh và hai thúng xoài xanh bên lề đường gọi mời:
-Cậu mua dùm xoài. Xoài tượng ngon lắm.
Tôi đứng lại nhìn thúng xoài xanh. Những quả xoài tượng to tổ bố to bằng ba lần trái xoài Mễ, nặng cũng phải đến ba bốn pounds, xanh mướt, hấp dẫn. Hiệp bấm nhẹ tay tôi, mắt ra dấu bảo đi. Nhưng hình như những quả xoài có sức thu hút, mãnh liệt, kỳ lạ. Tôi đứng lại, rồi cúi xuống lựa hai quả lớn nhất, đưa cho bà:
-Bao nhiêu tiền vậy chị?
-Dạ cậu cho xin 4000 đồng
Tôi có nghe lầm không? Hai trái xoài bự như vậy mà chỉ có 40 xu hay sao? Ở Cali, một trái như vậy, nếu có, cũng phải từ 5 cho đến 10 đô.
Tôi móc túi lấy tờ giấy bạc 10,000 đồng đưa cho chị.
-Chị khỏi cần thối lại tiền cho tôi.
Người đàn bà thoáng ngạc nhiên, cầm tiền bỏ vào túi rồi nhìn tôi với con mắt biết ơn:
-Cám ơn cậu.
Trả tiền hai quả xoài xong, tôi kéo Hiệp vào một tiệm bán tranh sơn mài.
Hiệp ngần ngừ:
-Anh muốn mua tranh sơn mài hả? Ở đây họ bán mắc lắm. Để ngày mai em dẫn anh đi "lò" ở Bình Dương, rẻ hơn nhiều.
-Không, anh không có ý định mua, chỉ đi vào xem cho biết thôi.
Thấy tôi và Hiệp bước vào, một người đàn bà ra tiếp. Không, phải gọi là một cô mới đúng vì người đứng trước mặt tôi không thể nào trên 30 tuổi. Với khuôn mặt trái xoan dễ nhìn, thêm đôi mắt đẹp và nụ cười tươi, cô có một sức quyến rũ lạ thường. Gương mặt này, đôi mắt này, hình như tôi đã có lần gặp trong đời.
Tôi đang ngẩn người nhìn cô, cố moi móc trong cái trí nhớ tồi tệ của mình xem tôi đã gặp người con gái này lần nào chưa. Nhưng tôi chẳng thể nào nhớ được.
-Mời anh vào xem.
Giọng người con gái vang lên. Ôi, giọng miền Nam, thật nhẹ nhàng, thật êm ái.
-Cám ơn cô.
Tôi bước vào tiệm, đảo mắt nhìn những bức tranh sơn mài cùng những bức tranh cẩn xa cừ treo trên tường. Trên bức vách ngang treo một bộ Long Lân Quy Phụng thật lớn màu đen, cẩn ốc, treo sát vào nhau.
Người con gái đến bên:
-Bộ này đẹp lắm, mới về mấy ngày. Anh thấy sao?
-Bộ này hình ảnh tuy đẹp, nét vẽ sắc sảo, nhưng tiếc một điều là ốc hơi thiếu sắc, không được chiếu cho lắm. Ốc này không phải là ốc Sát, hay Ngọc Nữ. Họ dùng ốc vụn nhiều quá .
Người con gái nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên hỏi:
-Anh có trong nghề không sao rành vậy?
-Tôi là dân Bình Dương, ổ của tranh cẩn xa cừ mà (xin được mở ngoặc đơn ở đây là tôi không phải là dân trong nghề tranh cẩn xa cừ, mà cũng chẳng biết con ốc Sát hay Ngọc Nữ khác với những loại ốc khác chỗ nào. Sỡ dĩ tôi mạnh miệng nói như vậy là vì tôí hôm qua, Hiệp đã cho tôi bài học về tranh cẩn xa cừ. Hồi xưa, nó làm nghề này kiếm sống nên rất rành rọt.).
-Anh ở Bình Dương?
-Nhà tôi ở ngay chợ Thủ Dầu Môt.
Cô cười:
-Lạ, dân Bình Dương đâu cần phải lặn lội lên Sài Gòn mua tranh? Anh có thật tình muốn mua tranh hay chỉ đi dạo?
Tôi quay lại, nhìn thẳng vào mắt cô, trả lời bằng giọng của một người có tội:
-Thú thật với cô, tôi không có ý định mua tranh. Chỉ vì tình cờ đi ngang qua tiệm này, thấy có nhiều tranh đẹp nên vào xem. Vả lại, tôi thấy cô quen quen, hình như tôi đã gặp cô ở đâu đó một lần rồi.
Tôi chỉ vào Hiệp đang đứng ngắm một bức tranh trong góc:
-Tôi tên Sỹ, còn nó là em tôi, tên Hiệp. Cô có thể cho tôi biết tên đễ dễ xưng hô được không?
Người con gái chớp mắt:
-Dạ tên Bích Vân, nhưng tôi dám đoan chắc là tôi chưa từng gặp anh.
Tôi mỉm cười:
-Tôi nghĩ là cô đúng. Gương mặt của cô nhìn quen lắm nhưng tên cô thì tôi chưa nghe bao giờ. Bích Vân, tên đẹp quá. Tôi không mua tranh Bích Vân có phiền không?
Bích Vân lắc đầu:
-Ồ không, đâu có gì là phiền. Khách ở đây phần đông là du khách, họ cũng vào xem nhiều hơn là mua. Vân quen rồi. Vả lại, sáng nay vắng khách, có người để nói chuyện cũng đỡ buồn.
Mắt tôi bỗng chợt nhìn thấy một bức tranh nhỏ, khổ 16x20 treo trên bức tường sát bên trong. Tôi bước lại gần nhìn kỹ. Đây là một bức tranh làm bằng vỏ trứng, vẽ hai thiếu nữ Việt Nam đang tung tăng bên nhau, những tà áo dài tung bay trong gió. Điểm nổi bật của bức tranh này không phải là hai cô gái mà là màu sắc hài hoà của bức tranh. Người hoạ sĩ đã trộn lẫn màu vàng, màu đỏ, màu nâu và xanh thuỷ và những màu khác một cách tài tình khiến bức tranh có một nét rất độc đáo. Có bức tranh này treo phòng khách cũng đẹp lắm.
Tôi ngắm bức tranh một hồi rồi quay lại hỏi Bích Vân:
-Bức tranh này đẹp quá. Giá bao nhiêu?
-Dạ một trăm năm mươi ngàn. Anh thật có mắt mỹ thuật. Chính Vân cũng rất thích bức tranh này. Bức tranh này có màu sắc rất lạ, rất quyến rũ người xem.
Một trăm năm mươi ngàn tức là mười lăm đô cho bức tranh này thì quá rẻ. Tôi thật không ngờ.
-Cô nói thật đúng, nó cũng như cô chủ bán hàng vậy, rất quyến rũ người đối diện. Tôi lấy bức tranh này, cô gói lại dùm nhé.
Bích Vân gỡ bức tranh xuống, tìm cái hộp của nó rồi gói lại cho tôi cẩn thận.
Tôi móc bóp lấy tiền trả. Khi đưa tiền thối lại cho tôi, Bích Vân chợt nhìn tôi hóm hĩnh, hỏi nhỏ:
-Bao giờ anh trở lại Mỹ?
Tôi thoáng giật mình vì tưởng rằng nãy giờ mình đã qua mặt được cô bán hàng thanh tú này. Không ngờ nàng đã biết rõ chân tướng của tôi.
Nhưng tôi vẫn làm bộ tỉnh bơ, trả lời:
-Chiều nay. Nhưng nhà tôi ở Bình Dương, không phải Mỹ Tho.
Bích Vân mỉm cười:
-Bích Vân nói Mỹ là Hoa Kỳ đó.
Biết không thể giấu được nữa, tôi nói:
-Có lẽ sau tết. Anh về thăm nhà khoảng hơn 3 tuần. Nhưng Bích Vân làm sao biết anh không phải là dân ở đây? Đoán mò hay vậy?
Bích Vân trả lời, giọng tự tin:
-Có gì mà phải đoán mò? Chỉ cần nhìn sơ thì đã biết anh là Việt Kiều rồi. Này nhé, thanh niên ở đây không ai mặc quần short, áo polo bỏ trong quần và mang giầy tennis mới tinh như thế kia. Một điều nữa là ít người mập và trắng như anh. Vân tiếp xúc với du khách mỗi ngày nên nhận ra điều này không khó. Các ông Việt Kiều nhìn là biết liền. Anh không tin hả, để Vân chứng tỏ cho anh thấy.
Rôì nàng chỉ tay về phía ngã tư xéo góc, nói:
-Nè, anh thấy anh chàng mặc áo xanh đang đứng ở cái ngã tư bên kia không? Vân dám chắc với anh hắn là Việt Kiều.
Tôi nhìn Bích Vân nghi ngờ:
-Làm sao Bích Vân có thể biết anh chàng đó là Việt Kiều?
Bích Vân cười nhẹ:
-Dễ thôi, dân ở đây, không ai đứng ngã tư chờ đèn cả. Vì thế, người nào mà đứng chờ đèn xanh rồi mới băng qua đường, thì đoan chắc với anh người đó là Việt Kiều.
Tôi gật gù:
-Đúng, thật đúng. Bích Vân nhận xét hay lắm.
Tôi liếc nhanh vào bàn tay trần, trắng muốt của Bích Vân, trong trí óc tôi bỗng nảy ra một ý tưởng ngộ nghĩnh. Bỗng dưng tôi có ý định làm quen với người con gái này. Tôi không biết tại sao nữa nhưng hình như nơi người con gái này có một cái gì rất hấp dẫn và quyến rũ tôi. Từ gương mặt thanh tú, dáng dấp cân đối cho đến giọng nói nhẹ nhàng, thoang thoảng. Người con gái này đã làm con tim của tôi bồi hồi, rung động.
-Anh có một điều muốn nhờ Bích Vân giúp, không biết có được không?
-Việc gì ?
Tôi nhìn Bích Vân một vài giây dò xét rồi nói:
-Anh xa Sài Gòn đã gần hai mươi năm. Tất cả đối với anh bây giờ đều xa lạ. Bích Vân có thể giúp anh làm quen với phố phường không?
-Bằng cách nào? Làm sao Vân giúp anh được?
-Ý anh muốn nói là Bích Vân có thể làm hướng dẫn viên cho anh những ngày anh ở đây được không?
Bích Vân nhẹ giọng:
-Điều này hơi khó vì Vân phải trông tiệm từ sáng đến tối, nhất là trong những ngày cuối tuần. Xin lỗi anh, có lẽ Vân không thể giúp anh việc này được. Mà Sài Gòn nhỏ như lỗ mũi, Vân nghĩ anh có thể tự mình làm lấy chuyện đó, đâu cần phải có người hướng dẫn.
-Anh biết điều đó, nhưng có người hướng dẫn vẫn vui hơn là phải solo một mình. Thôi bây giờ thế này nhé, anh chỉ xin Vân hy sinh cho anh vài tiếng buổi tối thôi. Chiều nay, anh mời Vân đi ăn được không?
Bích Vân trầm ngâm, suy nghĩ một chút rồi trả lời:
-Chiều nay thì không được, nhưng chiều mai Vân rảnh.
Thật không ngờ, tình thế tiến triển tốt đẹp hơn tôi dự đoán. Tôi đáp nhanh:
-Không sao, tối mai cũng được. Cám ơn Bích Vân thật nhiều . Mấy giờ Bích Vân muốn anh đến đón.
-Bảy giờ. Anh đón Bích Vân tại tiệm.
-OK, bảy giờ. Tối mai, anh sẽ có mặt tại đây.
Tôi và Hiệp đi bộ trở lại chỗ lấy xe mà trong lòng thấy vui vui.
Tôi giật mình mở mắt choàng tỉnh khi nghe tiếng cười nói oang oang của Hiệp và Nhân dưới nhà sau. Nhìn đồng hồ tay mới hơn 9 giờ sáng. Tôi chui ra khỏi mùng, vươn vai mấy cái cho giãn gân cốt rồi lò dò đi xuống bếp. Ngoài sân nắng đã lên cao, trời bắt đầu hâm nóng.
Má tôi đang lui cui nấu nướng. Thấy tôi, bà quay lại âu yếm hỏi:
-Ngủ ngon không con? Đi tắm rửa đi rồi ăn sáng. Hôm nay má nấu bò kho ăn với bánh mì.
Rôì bà dục các em gái tôi:
-Mấy đứa bay dọn bàn, anh mày tắm rửa xong là ăn. Ăn sớm, chút nữa nó còn đi Sài Gòn.
Tôi ngạc nhiên:
-Ủa sao má biết con đi Sài Gòn ?
Hiệp lên tiếng:
-Em cho má biết. Em nói anh tự lái xe đi một mình.
Má tôi nói giọng có vẻ lo lắng:
-Con chạy xe thật cẩn thận nhé. Má nghe nói đường Sài Gòn bây giờ đông xe và người ta chạy ẩu lắm.
Tôi cười:
-Dạ má khỏi lo. Con sẽ chạy cẩn thận. Ở bên Mỹ xe còn đông hơn, người ta chạy nhanh hơn nhiều.
Má tôi hỏi:
-Tối nay con có về ăn cơm không?
-Có lẽ không. Con gặp mấy tên bạn cũ bữa nay, thế nào tụi nó cũng kéo con đi ăn uống. Má và các em cứ ăn cơm trước đừng chờ cơm, có lẽ đến khuya con mới về. Không chừng con ở lại Sài Gòn đêm nay nữa.
-Ừ đi chơi vui nhưng nhớ cẩn thận tiền bạc, giấy tờ
-Dạ, con sẽ cẩn thận. Cám ơn má.
Ăn sáng xong, tôi thay quần áo và chuẩn bị lái xe về Sài Gòn.
Sáng Chủ Nhật nên quốc lộ 13 tương đối vắng. Tôi vặn tay ga hết cỡ cho chiếc xe Honda dame phóng vút trên mặt đường nhựa. Gió thổi bên tai vù vù, tạt vào mặt tôi như xua đuổi và làm bớt đi cái nóng đang bắt đầu dâng trong không khí. Một mình trên chiếc xe, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của thời niên thiếu.
Năm 1969, bố tôi theo chân các nhà kinh doanh trên đường Minh Mạng, mở thêm tiệm bán xe Honda. Xe được nhập cảng từ Nhật, đóng trong thùng gỗ, cứ ba chiếc một thùng. Để tiết kiệm chỗ, xe chỉ được ráp khoảng 75 phần trăm, 25 phần trăm còn lại nhà buôn phải hoàn tất. Tôi được bố giao cho nhiệm vụ này.
Và để thưởng công, bố tôi cho tôi chiếc đầu tiên.
Lần đầu tiên tôi được ngồi trên chiếc Honda, í cha, sao mà nó đã gì đâu! Máy nổ êm ru, vô số, rồ ga xe phóng đi trên đường ngọt sớt. Ngồi trên xe như ngồi trên nệm ghế sa-lông, thật êm ái, không bị ê mông, ê đít như các xe gắn máy làm tại các nước Âu Châu.
Trước thời xe Nhật, dân Việt Nam chỉ quen xài xe Đức, Pháp, Ý như Mobillette, Velo Solex, Gorbel, Purch, Vespa, Lambretta ... Xe Đức, Pháp hay Ý tuy bền nhưng cục mịch, ồn ào, không tiện nghi và nhất là không êm ái như xe Nhật. Vì vậy, chỉ vài năm, xe gắn máy Nhật đã đánh bật xe gắn máy Đức, Pháp ra khỏi thị trường Việt Nam, nếu không muốn nói trên toàn thế giới. Chỉ có hai chiếc xe của Ý là Vespa và Lambretta là còn ngắc ngoải, sống sót.
Đường xá Việt Nam nhỏ, hẹp nên xe gắn máy loại nhỏ rất tiện dụng. Xe gắn máy đối với những nước nhược tiểu, chậm tiến cũng giống như xe hơi tại các nước tiên tiến, là phương tiện di chuyển cần thiết. Vừa tiện lợi, lại đỡ mất thời giờ. Không có nó, cũng như không có chân.
Thời đó, Sài Gòn đối với tôi quá nhỏ. Với chiếc Honda, tôi đi khắp chốn. Từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, đến Phú Lâm, Khánh Hội, Tân Định, Gia Định, Lái Thiêu, Thủ Đức, .... không có nẻo nào tôi không tới, không có chỗ nào tôi không biết. Có thể nói, tôi thuộc đường Sài Gòn như thuộc bản cửu chương.
Cái thú nhất của bọn thanh niên chúng tôi mới lớn ngày đó là được làm tài xế cho một người đẹp, nhất là người đó lại là người yêu của mình thì thật là tuyệt vời. Nàng ngồi sát vào mình, tay ôm eo ếch, ngực dựa vào lưng, hơi thở nhẹ vào gáy, thoảng mùi hương của da thịt, của mùi nước hoa, ... ui cha, cái cảm giác thật thần tiên, sướng chết đi được.
Xin cám ơn đời, xin cám ơn trời đã sinh ra phái nữ cho bọn đàn ông chúng tôi còn biết là đời đáng sống.
Xin đại diện cho đám đàn ông, thanh niên cám ơn các bà, các cô thật nhiều.
Hồi đó, các cô phải ngồi hai chân một bên. Có lẽ, chỉ có nước Việt Nam chúng ta là có kiểu ngồi độc đáo này. Phải công nhận kiểu ngồi này làm cho người con gái thanh nhã, kiêu sa. Các nước khác, các cô ngồi giống như các cậu, hai chân hai bên, nhìn làm sao ấy.
Mãi suy nghĩ vẩn vơ mà tôi tới cầu Bình Triệu hồi nào không biết.
Cũng như sáng hôm qua, sinh hoạt tại đây thật ồn ào náo nhiệt.
Đường phố tràn ngập xe cộ qua lại, ngang dọc, hỗn độn, không một thứ tự nào cả. Tôi phóng xe len lỏi giữa những đoàn xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gác, và người đi bộ.
Tuy hỗn độn nhưng vì tốc lực chậm nên tôi cũng dễ dàng luồn lách. Cứ thấy chỗ nào trống là đâm xe nhào vô. Giống như đi bộ vậy.
Cái phiền nhất của việc lái xe ở Sài Gòn là lúc quẹo trái. Ở Mỹ, người ta có lane để quẹo trái, có đèn để quẹo trái.
Ở Sài Gòn không vậy, tới ngã tư, khi muốn quẹo trái, thiên hạ lấn sang nửa phần đường đối diện (cái này mà làm ở Mỹ thì không vô nhà thương cũng ăn ticket), rồi lủi thẳng vô đoàn xe chạy ngược chiều và quẹo trái (nếu bạn chờ như ở Mỹ thì cả ngày cũng không quẹo được). Khi bạn đâm vào đoàn xe ngược chiều, họ sẽ tự động lạng ra và tránh bạn. Thoạt đầu, thấy thiên hạ làm tôi cũng thấy ơn ớn, vì lỡ thằng cha trước mặt mình nó không lạng ra mà cứ đâm thẳng thì mình chỉ có nước vô nhà thương. Nhưng khổ cái nếu không làm vậy thì làm sao quẹo trái. Thôi đành liều như thiên hạ.
Và sau khi thử một vài lần, tôi thấy cũng êm xuôi.
Sáng hôm nay tôi mới có dịp nhìn kỹ và ôn lại đường phố Sài Gòn . Hôm qua, ngồi đằng sau xe của Hiệp tôi không có cảm giác tự chủ. Cho xe chạy lăng quăng hết các nẻo đường mà tôi đã từng đi qua . Từ công trường con Rùa, rồi qua Duy Tân, trường Luật, trường Văn Khoa, chợ An Đông, nhà thờ Ngã Sáu, trường Chu Văn An, chợ Thái Bình, trường Hưng Đạo ... mỗi nơi là một kỷ niệm, mỗi chỗ là một ký ức.
Tôi cũng phục tôi thật, mười tám năm đã qua mà tôi còn nhớ được đường, không bị lạc. Đôi khi tới một con đường bị đổi tên, tôi cũng hơi lọng cọng một chút . Tuy nhiên, chỉ vài giây sau tôi đã nhận được phương hướng và xác định vị trí của tôi.
Móc tuí lấy quyển sổ nhỏ ghi địa chỉ của những tên bạn thân, tôi theo đó tìm đến nhà chúng. Một nửa bạn tôi vẫn còn ở Sài Gòn, một nửa đã vượt biên hay xuất ngoại. Một thằng qua đời vì bệnh, một thằng bỏ xác trong tù.
Tôi ghé Khanh trước . Nó ở ngay trên mặt tiền đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ . Khanh há hốc mồm kinh ngạc khi thấy tôi dựng chiếc Honda trước cửa nhà nó .
Nó chạy tới ôm chầm lấy tôi, nghẹn lời:
-Sỹ phải không ? Trời ơi, mày về hồi nào ? Mày trắng và mập hơn ngày xưa, chút nữa là tao nhận không ra nếu không nhờ cái trán của mày .
Tôi ôm nó mà cũng nghẹn lời . Bạn bè lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Tình cảm dâng tràn, mừng mừng, tủi tủi.
Một buổi tiệc dã chiến đã được tổ chức thật nhanh, những tên bạn còn sót lại được thông báo và chỉ hơn giờ sau đó, chúng tôi đã cùng nhau ăn uống vui vẻ tại nhà của Khanh.
Chúng tôi kể cho nhau nghe những vui buồn, những kỷ niệm trong thời còn đi học, và những diễn tiến trong cuộc đời sau cái ngày định mệnh 30 tháng 4.
Định mệnh đó đã tách rời anh em chúng tôi, phân tán cuộc đời mỗi đứa.
Hầu hết các bạn tôi đều có gia đình, ngoại trừ Thắng là còn độc thân. Nhưng có lẽ chẳng bao lâu nó sẽ không còn độc thân vì có một cô từ Mỹ về đã chịu ký bản án chung thân với nó. Nó đang làm thủ tục để qua Mỹ theo diện hôn phu.
Té ra, không chỉ các anh Việt Kiều về nước kiếm vợ mà còn có những cô Việt Kiều về nước kiếm chồng nữa.
Sau bữa tiệc, tôi về nhà Tân, một tên bạn thân ở Phan Sào Nam, để nghỉ ngơi và tắm rửa trước khi đến gặp Bích Vân. Hai vợ chồng nó cũng có được một ngôi nhà nhỏ, khang trang trong một con hẻm trên đường Trần Quốc Tuấn mà bây giờ gọi là đường 3 tháng 2.
Cuộc sống của Tân và Hương tương đối thoải mái. Tân mở tiệm bán thuốc tây, Hương thì đang làm cho một công ty du lịch. Tụi nó mới lấy nhau chưa được hai năm lại không có con nên rảnh rỗi. Mức sống của tụi nó nếu so với tiêu chuẩn Mỹ thì không bằng, nhưng so với Việt Nam, coi như cũng được trung lưu.
Ở chơi với Tân và Hương đến chiều, tôi từ giã chúng để đến Bích Vân. Tân bắt tay tôi xiết chặt và dặn tôi trở lại thăm chúng trong những ngày tôi còn ở Sài Gòn. Tôi bảo chúng đừng lo, trong vài tuần tới, tôi sẽ còn gặp chúng dài dài.
Tôi phóng xe về hướng Sài Gòn, không quên ghé tiệm hoa và mua cho Bích Vân một chục hồng nhung đỏ thắm.
Mặt trời lúc này đã khuất sau những căn cao ốc, để lại những vệt nắng chiều vàng vọt trên các ngọn cây.
Trên đường đến nhà Bích Vân tôi cảm thấy lòng rộn rã.
Tay cầm bó hoa bước vào tiệm sơn mài, tôi nhìn quanh hy vọng sẽ thấy Bích Vân. Trong tiệm vắng tanh ngoài một người đàn ông ngồi sau cái bàn giấy. Thấy có khách, ông đứng dậy lên tiếng:
-Chào ông, mời ông vào xem tranh.
Tôi nói nhanh:
-Dạ thưa bác cháu là Sỹ. Cháu muốn gặp cô Bích Vân.
Ông reo lên:
-À cậu Sỹ. Bích Vân đang sửa soạn trên gác. Nó có dặn tôi rằng nếu cậu đến bảo cậu chờ nó một chút. Tôi là bố nó, mời cậu ngồi.
-Dạ cám ơn bác
Tôi ngồi xuống cái ghế đối diện với ông . Người đàn ông trước mặt tôi tuổi khoảng trên dưới 70, tuy mái tóc bạc trắng nhưng gương mặt ông nhìn còn trẻ, ánh mắt còn rất cương nghị.
Ông rót cho tôi một ly nước trà:
-Mời cậu dùng trà. Bích Vân nói với tôi cậu là Việt Kiều mới về thăm nhà, đúng không?
Đưa tay nhận ly trà, tôi đáp:
-Dạ thưa bác vâng. Cháu vừa về hôm sáng thứ Sáu. Mười tám năm rồi cháu mới trở lại Sài Gòn. Cháu về ở đến qua Tết thì trở lại Mỹ.
Ông nhìn tôi, hỏi:
-Ở Hoa Kỳ cậu ở bang nào?
-Dạ thưa bác cháu ở California.
-À, chỗ đông người Việt định cư . Tôi nghe nói bây giờ bên ấy cũng không khác ở đây. Có đủ hàng quán, thức ăn Việt , sách báo tiếng Việt, có phải thế không?
-Dạ thưa bác vâng. Nơi cháu ở chỉ cách trung tâm buôn bán vài cây số.
-Thế về đây cậu thấy Sài Gòn ngày nay thế nào? Có khác ngày xưa không?
-Dạ thưa bác, cháu thấy Sài Gòn bây giờ cũng không thay đổi lắm. Chỉ đông người, xô bồ hơn thôi. Khi cháu rời Việt Nam thì Sài Gòn chỉ có khoảng 3 triệu dân. Bây giờ có lẽ phải hơn 5 hay 6 triệu.
-Cậu nói rằng mười tám năm rồi cậu mới trở lại Sài Gòn. Cậu ra nước ngoài năm 75?
-Dạ thưa bác, vâng
-Thế ngày xưa cậu ở đâu?
Tôi uống ngụm nước trà lấy giọng:
-Dạ, gia đình cháu ở trên đường Minh Mạng, khoảng giữa ngã sáu và ngã bảy, đối diện với chùa Hưng Long. Trước giải phóng, bố cháu buôn bán đồ gỗ.
Ông chợt nhìn tôi một lúc, nhíu mày suy nghĩ, rồi hỏi:
-Nhà cậu bán đồ gỗ trên đường Minh Mạng?
-Dạ vâng.
-Tên hiệu là gì?
-Dạ thưa bác, cửa hàng của ba cháu lấy tên là Văn Lang.
Ông chợt kêu lên thảng thốt:
-Cậu là con ông Văn Lang? Tôi biết ba cậu, và có lẽ tôi cũng biết cậu nữa.
Tôi ngạc nhiên:
-Bác biết bố cháu?
-Ừ, tôi biết ông Văn Lang. Cậu tên gì nhỉ? Mới đấy mà tôi lại quên mất rồi. Rõ chán, cái tuổi già ấy mà.
-Dạ cháu tên Sỹ. Trần Quốc Sỹ.
Ông vỗ đùi:
-Đúng rồi, cậu Sỹ, thảo nào lúc nãy tôi nhìn cậu thấy có nét quen quen. Cậu có người em trai tên Sơn và cô em gái thên