Có những kỷ niệm mà mình luôn mơ sống lại hết lòng,
Có những hoàn cảnh vui buồn mà suốt cả cuộc đời ta không bao giờ quên được,
Có tình cảm sâu thẳm nào còn mãnh liệt hơn cả tình yêu đôi lứa,
Có những con đường mình đi qua một hay nhiều lần tưởng như không bao còn nhớ nổi mà vẫn còn gây nhớ vương thương,
Có những khuôn mặt hình dáng khuất lấp rải rác thuở nào nghĩ rằng nằm gọn trong vô thức vẫn bồng bềnh trong bộ nhớ,
Có những tiếng cười mủm mỉm reo vang hay ngượng ngập khó tả, tiếng khóc thút thít hay òa vỡ, nỗi buồn ra rít của một ai ấy đó sao mà mình mong nghe thấy lại một lần,
Có tiếng ru à ơi, ầu ơ điểm đệm bằng tiếng kẽo kẹt đu đưa của chiếc võng mắc bên mái hiên nhà giữa trưa hè nắng gắt, sao mà thắm thiết gợi nhớ gợi thương,
Có tiếng gáy ò ó o của chú gà trống dương oai lẫm liệt bên các nàng gà mái đang cục tát bươi đất tìm mồi cho đàn gà con lẩn quẩn chạy quanh,
Cả tiếng chó tru, tiếng mèo ngao thống thiết trong đêm khuya khoắt, tiếng vó ngựa nện nhịp vang trên đường đá từ làng xa ra chợ,
Tiếng cười nắc nẻ, tiếng khóc oa oa của các trẻ hàng xóm, kể cả tiếng gây gổ nẩy lửa giữa các hàng xóm, tất cả vẫn còn có thể trồi lên bất chợt làm nhịp tim ta nhanh chậm liên hồi,
Có biết bao chuyện bực mình ngày xưa ấy, cái nhìn lạnh băng, cử chỉ vồ vập, lời nói đầu môi, thái độ hững hờ bội bạc,… với dòng thời gian cũng được xoa dịu phôi pha biến đổi để trở thành một phần đời nào đó vẫn còn trong ta, thoạt hiện thoát bay.
Các kỷ niệm ấy, hoàn cảnh ấy, tình cảm ấy, sinh vật ấy, đều là dấu mốc vô hình đã được sàng lọc chôn chặt trong ngăn vô thức hay trên hộc cao hơn, tiềm thức, rồi đến một lúc nào đó bật lên ý thức, tất cả đều thể hiện một chi tiết về sự kiện, dáng vóc hình hài hay tâm linh, một phần nào đó liên quan đến nguồn cội mỗi con người trên thế gian nầy mang tên Quê Hương.
Nếu không có quê hương, ta không biết mình là từ đâu đến, gia đình đồng hương.
Nếu không có quê hương, có thể ta không được biết cái ngọt ngào hay cay đắng của tình yêu, động cơ tuyệt vời có thể giúp ta làm nhiều điều kỳ diệu như cũng như biến đổi con người thành ác thú.
Nếu không có quê hương, ta không biết tình đoàn kết trên thế gian nầy là cần thiết, không một ai có thể sống không sự giúp đỡ của người khác như Sully Prud’homme đã viết « Nul ne peut se vanter de se passer des aưtres ».
Nếu không có quê hương, chắc ta cũng không hiểu tình nhớ lòng thương sao mà sâu sắc ngọt lịm hay nỗi thống khổ tận cùng tim gan huyết mạch như thế nào.
Nếu không có quê hương, chắc chắn ta không bao giờ biết được lòng tự trọng tự hào của một công dân yêu nưóc tự do dân chủ, hay nỗi tủi nhục của một dân tộc nô lệ bị xâm lăng.
Thật ra, chúng ta ai cũng có đất tổ quê cha.
Không có khoa học kỹ thuật hiện đại tân tiến nào ngay cả kỹ nghệ thẩm mỹ vẫn không biến nổi một người Á thành Âu hay da đen thành trắng được.
Sống tha hương bao nhiêu lâu chăng nữa, dù việc hội nhập rất nhuần nhuyễn, nói năng lưu loát có địa vị cao, thành đạt trong nhiều lãnh vực trong xã hội, người ta cũng có thể phân biệt được nguồn gốc mỗi người.
Dù biết rằng hoàn cảnh của thế giới ngày nay càng ngày càng phức tạp, việc thay đổi quốc tịch không làm cho ai ngạc nhiên, tuy nhiên dân tộc nào cũng vẫn còn giữ những nét đặc thù của quê hương mình, ít nhiều truyền thống phong tục của cha ông.
Vậy thì đừng để tính mặc cảm tự ti hay chán nản bi lụy, thờ ơ trước hoàn cảnh riêng hay chung của đất nước mà luôn luôn cố bình tĩnh tập thích nghi hội nhập, sống tự trọng tự lập vươn lên.
Không nên quá bận tâm cho tương lai thế hệ sau nầy, dù con cái ta có bị bứng khỏi nguồn cội ông cha, nhưng với chiếc gương trước mặt là cha mẹ, đồng hương cộng thêm một nền giáo dục tân tiến trong một xã hội văn minh, thế hệ kế tiếp sẽ có thái độ thích ứng, đúng đắn, chính chắn, rạch ròi hơn trong mọi tình huống chắc chắn là khác trước kia.
Đối với ông bà quê hương là tất cả, ta thương ta nhớ và hằng mong một ngày trở về trong tâm tình ngày trước, còn nước tiếp nhận cho ta tị nạn chỉ là quê hương thứ hai, như tâm trạng tình cảm của một người con nưôi dù được đùm bọc tận tình.
Ngược lại con cháu chúng ta lại xem nước định cư quê hương của họ, đó là điều tự nhiên đúng thôi. Phong tục tập quán truyền thống giáo dục cũng không giống nhau, có khi hoàn toàn khác biệt nữa là. Con cháu mình đâu có tắm trong văn hóa văn minh ngày trước làm thế nào hiểu được cái hay cái đẹp để bảo tồn phát huy.
Hơn thế nữa, phải công nhận tiếng Việt, một tiếng đơn âm có dấu rất phong phú dồi dào không dễ gì hiểu thấu đáo, phát âm hay viết cho đúng, và sử dụng lưu loát dễ dàng. Xin thử nghe một người sống lâu ở nước ngoài, ta có thể đoán được ngay người ấy cư ngụ định cư ở đâu vì thông thường trong một câu nói, vô tình hay hữu ý, thường pha trộn một vài tiếng ngoại thật…Việt. Và càng sống lâu ở nước ngoài và tiếp xúc thường xuyên với môi trường sinh hoạt, cách phát âm cũng mang ảnh hưởng đậm tiếng nước sở tại không hoàn toàn như tiếng mẹ quê hương.
Nước chảy xuôi dòng, nếu ta nhận chân rằng không thể ngăn chận sự luân lưu biến đổi trên thế giới thì cố gắng vui sống hội nhập, tự lực, tự trọng và nếu còn có thể góp phần bằng trí lực khả năng của mình trong cuộc sống thường nhật xã hội bất cứ nơi nào trên thế giới.
Vẫn biết rằng nếu ta không yêu quê hương ta thì ta không thể nào thương được nước người. Nhưng mối tình quê hương ấy cũng không giống nhau, mỗi người mỗi cách.
Vậy thì, thầm nghĩ rằng nếu mỗi người chúng ta đều cố gắng sống tốt hết lòng tha nhân mà vẫn không để mất cái « mình» thiện của mình trong mọi hoàn cảnh đã đều xứng đáng là một người con lương dân của tổ quốc quê hương.
Cô Trần Thành Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét