Cọ ỏm chấm mắm. Cách làm “ỏm” khá cầu kỳ đòi hỏi người làm phải kỳ công, người ta bảo “Ỏm” phải chính do bàn tay người dân trung du làm ra mới ngon. Quả cọ sau khi rửa sạch đem xóc lẫn với những mảnh cật nứa già cho bong vỏ xanh cho vào nồi lưng lưng nước, đặt lên bếp, đun nhỏ lửa. Cọ ỏm có thể chấm với nước mắm là ngon nhất hoặc có thể chấm bột canh, muối vừng… sẽ thấy được vị ngọt bùi, ngậy chát của quả cọ.
Cơm nắm lá cọ. Đây là món ăn quen thuộc của người dân vùng Tây Bắc mỗi mùa cọ đến. Lá cọ đem về hơ qua lửa cho mềm, lau sạch rồi nắm với cơm được nấu bằng những loại gạo mới thu hoạch, vừa thơm, vừa dẻo. Từng nắm cơm với những viền sọc được tạo hình từ lá cọ đượm thơm mùi gạo quê quyện với hương của lá cọ, chấm với muối vừng lạc hay sườn lợn rang muối mới thấy hết được vị ngon, ngai ngái của lá cọ không nơi nào có được của món ăn dân dã này.
Xôi cọ. Xôi cọ cũng làm từ cọ ỏm, nhưng sau khi cọ ỏm chín, dùng ngón tay tách nhẹ nhàng từng phần thịt vàng óng của cọ. Thịt cọ ấy đem trộn đều với gạo nếp hương, xóc chút muối rồi cho vào chõ xôi, đun nhỏ lửa, đồ chín. Khi xôi chín, trộn thêm hành mỡ đã phi thơm vào khiến cho món xôi cọ càng hấp dẫn. Xôi cọ chấm với muối vừng, đưa nhẹ vào lưỡi cũng đủ thấy mê ly.
Dưa cọ. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi của cọ, có thể ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon.
Ngoài ra, nếu cầu kỳ người ta có thể dùng cọ ỏm đem kho cá, nêm gia vị ăn cũng rất lạ.
Cọ nếp còn là nguyên liệu độc đáo cho món bánh dầy của “xứ cọ”
Lươn nướng sả mùa nước nổi
Từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, người dân miền Tây lại đón một mùa nước nổi. Quá quen với con nước lớn từ thượng nguồn Mê Kông tràn về hằng năm, những con người hiền hòa nơi đây biến hết cực nhọc của mùa nước lũ vào niềm phấn khởi vì những mẻ thủy sản tươi ngon thu hoạch được.
Nước lũ tràn về mang theo phù sa bồi đắp, hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho những cánh đồng bạt ngàn cùng hằng hà sa số những loài thủy sản đặc biệt. Về miền Tây mùa nước nổi lạ gì những khóm chợ với những mặt hàng như rắn, chuột, rùa, cua…Đương nhiên không thể thiếu lươn, bởi thời điểm này, lươn sinh sản nhiều hơn bao giờ hết. Độn mô cỏ xúc lươn là một trong những nghề mang về nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong mùa nước nổi. Có nhiều món ăn dân dã được chế biến từ lươn như canh chua lươn trái giác, lươn xào sả ớt, lươn hấp bầu, cháo lươn…Thêm vào đó, món lươn nướng sả với cách làm đơn giản nhưng thú vị cũng sẽ làm du khách nhớ mãi không quên.
Với món này, lươn chỉ cần rửa hết bùn đất qua nước sạch, cắt thành từng khúc vừa ăn (bỏ phần đầu và đuôi) rồi lấy hết ruột ra sao cho không vỡ bụng lươn.Luồng thanh sả đã bóc vỏ rửa sạch vào bụng lươn, nhớ chừa đoạn dài để tiện khi nướng. Nhóm bếp than, phết dầu ăn lên vỉ nướng và đặt từng que lươn lên vỉ. Trong quá trình nướng, khi thấy thịt lươn vừa săn cần phết dầu ăn với độ vừa phải lên từng que lươn. Thú vị là vật dùng để phết dầu lên lươn là sóng tàu lá chuối dát mỏng. Chất nhựa trong đó cùng với dầu ăn sẽ làm nhớt của lươn chảy ra hết. Đây chính là mẹo hay giúp cho việc sơ chế lươn từ lúc đầu nhanh chóng và đơn giản. Khi nghe thấy mùi thơm từ lươn cũng đồng nghĩa với việc lươn đã chín. Bày lươn ra, phết lên chút mỡ hành. Món lươn nướng sả này đúng điệu là chấm với mắm me tỏi ớt và ăn kèm bông điên điển.
Thịt lươn không chỉ là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, mà còn là nguồn nguyên liệu quý để bào chế thành nhiều bài thuốc qua các món ăn rất tốt cho sức khỏe. Với lươn nướng sả, dù không qua tẩm ướp bất kì gia vị nào nhưng trái lại lươn không tanh vì nhờ thanh sả luồng bên trong, đồng thời lươn còn giữ được nguyên cái chất dai ngọt của chính nó. Cái thú khi ăn món này là thực khách không cần dùng đũa muỗng chi hết. Mỗi người cầm một que, dùng tay xé miếng thịt lươn, quết chút mắm me sền sệt, lại ghém thêm vài bông thiên lý. Cái dai dai, ngọt thịt của lươn hòa với mùi thơm của sả, lại nghe cái vị chua chua mằn mặn, cay nồng của mắm me tỏi ớt, cái ngọt bùi của bông điên điển, nhắm chút rượu đế miệt vườn, cứ nói theo cách của người Nam bộ là: “Quá đã”.
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét