Các Bạn Mình Ơi !
Theo lệ thường, và cũng như các nhà văn nói, trong đời học sinh người thầy/cô đầu tiên trong ngày đầu tiên đi học thường là người có dấu ấn sâu sắc nhất trong đời học trò. Nhưng có lẽ, vì lúc ấy tôi còn nhỏ quá, và chắc tại vì vô tâm nên sao trong tôi hình ảnh người thầy đầu tiên của tôi lại nhạt nhòa quá ! Ngày đầu tiên tôi đi học, ba-má tôi dẫn tôi đến trường Tiểu Học Đại Ngãi (Long Phú) xin cho tôi vào học lớp Năm A (lớp một bây giờ) của thầy Chúa, tôi vô tâm đến đổi vẫn không nhớ thầy họ gì nữa ! Má tôi thì dỗ dành tôi bằng một khúc kẹo kéo bọc ngoài mấy hột đậu phọng rang béo ngậy và thơm. Ba tôi thì đến gặp thầy để xin cho tôi vào học lớp của thầy. Dù khi ấy ba tôi đã là thầy giáo dạy học tại Nàm Xụ (Lịch Hội Thượng), rồi Bố Thảo (Mỹ Tú), nhưng khi gặp thầy, ba tôi vẫn khoanh tay, khom mình (không phải là cúi đầu) làm lễ với thầy để xin cho tôi vào học. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi đâm ra sợ thầy, đồng thời trong lớp không có những thằng bạn trong xóm chơi với tôi hằng ngày, vậy là sau đó tôi lại sanh tật trốn học, sau nầy biết ra, má tôi lại phải đưa tôi sang lớp của thấy Tăng để học chung với bạn mà khỏi phải trốn học nữa. Nhưng có lẽ số trời ràng buộc tôi với thầy Chúa, thầy Tăng chỉ dạy tôi có 2 tuần rồi đổi đi xứ khác. Tôi lại trở về học với thầy Chúa ! Tất cả những gì về thầy còn đọng lại trong tôi là một ông giáo già, lưng đã còng, mắt ẩn sau cái kiếng già dầy cộp, râu tóc thì muối nhiều hơn tiêu ! Đít quần thì lúc nào cũng trắng vì bạc màu và vì đôi tay đầy bụi phấn của thầy lau vào đó theo thói quen ! Mỗi khi ghi bài dạy trên bảng, thầy luôn đi rảo qua các bàn học trò, sửa thế ngồi của từng đứa khi viết bài, sao cho lưng phải ngay, ngực không được dựa bàn để sau nầy không bị dị tật ! Đứa nào viết không đúng, chưa đẹp, thầy dừng lại cầm tay hướng dẫn rất là tỉ mỉ. Hết năm học lớp năm tôi không còn gặp lại thầy nữa, thầy về hưu, chuyển về sống tại quê nhà rất xa ! Đến khi bắt đầu vào học trường Hoàng Diệu, nhất là vào những năm đệ nhị cấp, tôi mới có cảm nhận sâu hơn về tình thầy trò, nên mới có đôi dòng về những người thầy/cô đã dạy tôi mà tôi đã ghi lại trong bài ghi về kỷ niệm của những ngày học Hoàng Diệu. Nay “chép lại” một phần trong bài “Hoàng Diệu Còn Lại Trong Tôi” để ghi vào đây với tấm lòng vừa là hối lỗi, vừa là tưởng nhớ đến các thầy cô đã có ít nhiều phiền lòng về một “thằng” học trò ngày xưa có nhiều quậy phá hơn là chăm ngoan. Các Thầy Cô Của Tôi Ở Hoàng Diệu Thân Thương Trong suốt “tuổi học trò”, tuy là học với nhiều Thầy-Cô, “chung đụng” nhiều bạn, nhưng bao giờ cũng chỉ có vài Thầy-Cô, vài ngườì bạn mà mình nhớ mãi (tôi nghĩ chắc là ai cũng như “tui”?!): 1- Cô Nguyễn Thị Na (dạy Vạn-Vật), như trên đã nói, Cô Na chỉ dạy chúng tôi không đầy một tháng, nhưng trong tôi từ đó đến nay luôn nhớ về Cô. Chuyện là như vầy: khi lần đầu tiên cô nhận giờ ở lớp tôi (11B1), bọn con trai chúng tôi đứa nào cũng “ngẩn ngơ”, không hẳn là đẹp, nhưng cô trông rất trẻ. Thế là bọn con trai chúng tôi không hẹn mà đứa nào cũng xưng “con” với cô lại đệm thêm mấy từ “dạ kính thưa cô” mỗi khi bắt đầu trả lời Cô về một câu nào đó. Nhìn vẻ ngượng ngùng của Cô khi nghe chúng tôi xưng “con” chúng tôi lại càng làm tới hơn, kết quả là Cô không dạy chúng tôi nữa. Lúc đó, vì còn tính háo thắng, nên chúng tôi không có đứa nào bận tâm, thậm chí có đứa còn đổ thừa là tại Cô “yếu bóng vía” bọn tôi “chỉ đùa cho vui thôi mà”. Nhưng sau nầy khi vào Trường Sư Phạm tôi mới thấm thía cái buồn của Cô, định tìm Cô xin lỗi thì Cô không còn dạy ở Sóctrăng nữa. “Niềm ray rứt khôn nguôi” nầy còn đeo đuổi theo tôi cho đến bây giờ, và mong rằng có dịp, hoặc có “ai đó” gặp lại Cô thì “hãy nói dùm tôi” “Lời Xin Lỗi Muộn Màng” của tôi. 2- Thầy Nguyễn Ngọc Long, trong tất cả các Thầy tôi “thọ giáo” thì Thầy Long là người tôi lưu luyến nhất, tính cách của Thầy khi lên lớp được tôi bắt chước rập khuôn khi đi dạy: ngồi trên bàn khi giảng bài, không bao giờ phê học bạ xấu cho học sinh (khi tôi dạy thêm giờ tại Trường Tỉnh Hạt). Kỷ niệm sâu sắc của tôi về Thầy là sau gần 4 năm nhập ngũ, khi trở về trường dạy, giờ đầu tiên khi vào lớp (11B1) Thầy hỏi tên từng “em” trong lớp nhưng khi đến tôi thì Thầy nói “Hào, lúc nầy tiến bộ chưa?”. Cả lớp thắc mắc hỏi “Sao Thầy nhớ có mỗi mình nó vậy?”, Thầy Long trả lời (sau câu trả lời của Thầy tôi không biết trốn vào đâu nữa!! nhưng lại rất “tự hào”): “khi tôi dạy năm đệ lục, chỉ trong vòng 15 phút đầu giờ là nó phải bị quỳ gối về tội nói chuyện trong lớp, nên tôi nhớ!!!!”. Trong giờ dạy Thầy rất nghiêm túc, nhưng sau giờ dạy thì Thầy đối với tôi và Trương Kiến Dũng như anh em, nhất là sau mỗi ván bóng chuyền, mấy Thầy trò chia nhau từng điếu Capstan “còng queo” trong túi để hút bên “xô” đá lạnh. Sau ngày 30/4/75, khi nghe tin mấy Thầy đi học chính trị dành cho Giáo Chức tại Trường Providence Cần Thơ (gần Đài Phát Thanh Truyền Hình TP. Cần Thơ hiện giờ, lúc đó tôi cũng học chính trị tại điểm Trường Đại Học Cần Thơ) tôi chạy qua thăm Thầy, nhưng không gặp, chỉ gặp Thầy Lợi Minh Hà, và được cho biết là Thầy Long không được cho đi học vì là Phụ Tá Giám Đốc Sở Học Chính Vỉnh Long (tương đương Phó Giám Đốc). Buồn quá!!!! 3- Thầy Phan Ngọc Răng, tôi chưa từng học với Thầy giờ nào, chỉ trò chuyện với Thầy mỗi khi có hoạt động văn nghệ, thể thao, hoặc làm “lon ton” trên văn phòng, nhưng ấn tượng Thầy để lại trong tôi là “anh hùng”, “quân tử”. Thầy cũng rất hiểu chuyện, không câu nệ: khi biết 3 đứa tôi (tôi, Kiến Dũng, Lê thanh Tâm) hút thuốc Thầy kêu 3 đứa lại bảo “tụi mầy có hút thuốc thì vào phòng “tao” mà hút, đừng đi loanh quanh trong trường để tụi nhỏ bắt chước, và để Thầy Quốc khỏi phải khó xữ”. Tôi xin được ghi lại đây chuyện “anh hùng” (theo ý cá nhân tôi) của Thầy: - Năm tôi học đệ Tam, có một nữ sinh (xin không nói tên) học lớp đệ Tứ có ý phê bình Thầy trên tờ “Bích Báo” của lớp. Thầy xuống lớp hỏi ai viết bài báo đó, lập tức “tác giả” bài báo đứng lên nhận. Thầy bảo “ngồi xuống” rồi ra khỏi lớp, không buồn hỏi tên. Lúc rảnh rỗi, tôi có hỏi Thầy về trường hợp đó (vì nghe có tin là Hội Đồng Kỷ Luật sắp họp để đuổi học tác giả bài báo) thì Thầy trả lời là “nó dám làm, dám chịu, rất anh hùng, bỏ qua”, vậy là em đó vẫn tiếp tục học, sau nầy trở thành cô giáo (chung khóa Sư Phạm với tôi). - Năm đệ Nhị, như trên tôi đã nói ai sinh từ năm 1951 trở về trước đang học năm đệ nhị thì không được học nữa, phải vào “Đồng Đế” mà học (đi lính). Vậy mà Trần văn Quận vẫn học tại lớp 11B1, rồi 12B1, thi 2 kỳ Tú Tài bình thường. Sau nầy tôi mới biết là trong thời gian đó Quận là “lính ma” của Liên Đội 22 đóng tại Đại Ngãi, Thầy biết, nhưng vẫn cho Quận học, sinh hoạt thể thao như thể là không có chuyện gì xảy ra. Sau nầy, mỗi khi bạn bè tụ lại “đấu láo”, Quận thường hay nói “nếu không có “Ông” Răng thì không có Quận như ngày hôm nay ngồi đây, mà có lẽ là đã ngồi trên bàn thờ từ lâu rồi!!!”. - Năm tôi học Sư Phạm (1972 – 1973), lúc đó Cô Quốc (vợ Thầy Tô Quốc, đã mất) được tin Hội Phụ Huynh Học Sinh của Trường lấy Câu Lạc Bộ lại để Hội kinh doanh gây quỹ Hội, Cô Quốc không được bán nữa, Cô Quốc lo lắm, vì các con còn quá nhỏ, thân Cô lại đang cảnh góa bụa. Đang lúc “rầu rĩ” thì Thầy Răng đi thanh tra ở An Xuyên (Cà Mau) về ghé nhà Thầy Hưởng chơi, trong bửa cơm gia đình, Cô Hưởng “mách nước” “Chị Quốc có gì khổ tâm thì nói cho Anh Răng nghe đi”. Sau khi biết sự tình, Thầy Răng “xé” vội một tờ lịch trên bàn, ghi vào đó 02 số điện thoại rồi nói “đây là 2 số điện thoại, số trên là số tại Văn Phòng của tôi, số dưới là số nhà riêng, “THẰNG” nào không cho chị bán nữa, chị gọi cho tôi 1 trong 2 số nầy, bảo đãm là 24 tiếng đồng hồ sau “NÓ” về Cà Mau dạy”. Xong Thầy quay sang Thầy Hưởng (lúc đó là Hiệu Trưởng), đang lấy 1 phòng cuối dãy ngang làm nhà, vì lúc đó dãy có nhà dành cho Hiệu Trưởng đã giao cho Sở Học Chánh làm văn phòng, nói “Anh Hưởng à! Anh Quốc chết khi còn đương chức (Tổng Giám Thị) mình phải giúp gia đình anh ấy, con anh Quốc phải ưu tiên vào Hoàng Diệu học”. Sau đó thì Cô Quốc vẫn tiếp tục bán cho đến 30/4. Sau năm 1975, lần đầu biết lại tin Thầy, tin Thầy mất ! là do Trần văn Quận thông báo!! 4- Thầy Võ Văn Thiên, đã là học sinh Hoàng Diệu, thì không mấy ai không biết “nhạc sư” Thiên. Phải nói trong nhóm học trò Hoàng Diệu, chắc có lẽ tôi và một vài bạn thôi, là học với Thầy Thiên lâu nhất, vì sau 4 năm học Đệ Nhất Cấp tại Hoàng Diệu, tôi lại được Thầy dạy thêm 2 năm tại trường Sư Phạm Sóc Trăng. Trong suốt thời gian học với Thầy, tôi chưa từng thấy Thầy to tiếng với đứa nào bao giờ, lắm lúc giận quá thì chỉ “hừ hừ” trong miệng vài lần rồi thôi, không để bụng. Lúc nào cũng đối xữ với học trò như cha đối với con. Hình bóng Thầy đậm mãi trong tôi, và chắc có nhiều anh-chị khác nữa, là lúc Thầy chỉ huy dàn đồng ca của trường trong các buổi lể, nhất là khi Thầy đánh nhịp bài “Khỏe Vì Nước”. 5- Thầy Lê Xuân Vịnh, ngoài những năm tôi học với Thầy tại Hoàng Diệu, tôi còn học với Thầy vào năm thứ nhất tại trường Sư Phạm, tôi nhớ nhất nơi Thầy là “tay trái chống nạnh, tay phải chụm lại rồi xòe ra như hoa nở, đoạn đưa tay lên sửa lại cặp kiếng, khi đôi mắt đang nheo nheo”, con người lúc nào cũng lo cho công việc, đôi khi vì quá lo cho công việc mà chuốc lấy cái không may vào thân !!. Đứa nào có lầm lỗi thì Thầy thẳng tay quát mắng rồi bỏ qua, không kỷ luật nặng đứa nào. 6- Thầy Tô Quốc, trong tất cả các Giáo Sư của trường (mà tôi biết) Thầy Tô Quốc, có thể được coi như là người được kính trọng, yêu mến của cả học sinh, đồng nghiệp. Thầy lúc nào trông cũng nghiêm nghị, ít cười, ít nói, sống rất “khép kín”. Tuy nhiên, khi gần Thầy lâu mới “thấy vậy mà không phải vậy”. Khi có đứa nào phạm lỗi, Thầy rất nghiêm khắc phê bình, rầy la mà thời đó bọn tôi nói đùa là “tụng cho một thời kinh” (giảng dạy rất lâu), nhưng sau đó rôi thôi, không để tâm, không phê học bạ xấu, không thành kiến với học trò phạm lỗi. Trong các cuộc họp Hội Đồng Kỷ Luật của trường, bao giờ Thầy cũng nói đỡ cho “tội nhân”. Tiện đây tôi cũng “mạn phép” kể ra câu chuyện nầy: Năm đó là năm tôi học lớp 11, vào đầu năm học, nhà trường có họp để xét trao học bổng cho các học sinh giỏi. Trong khi duyệt xét thì đến em gái tôi (đang học lớp 8) thì có một Thầy (xin phép không nêu tên) đứng lên phản đối, khi được hỏi lý do, thì lại đưa ra một lý do rất là “tào lao cốt chí”: “(vì) nó là em của Lý văn Hào” (!?!?). Trong khi các Thầy-Cô trong Hội Đồng con đang “ngơ ngác” thì Thầy Quốc nói ngay: “tôi phản đối lý do đó, vì tội ai làm thì nấy chịu, không thể thằng anh ăn mặn mà con em khát nước được. Vã lại, Hào nó tuy có nghịch phá, cũng là chuyện thường của tuổi học trò thôi, cũng chưa nghe Vị nào trong Hội Đồng Giáo Sư phàn nàn, và cũng chưa bị kỷ luật lần nào”. Trong khi các Thầy-Cô còn đang phân vân (vì ngại làm phiền lòng đồng nghiệp!) thì Thầy Quốc “hội ý” với Thầy Răng, sau đó Thầy Răng thuyết phục Hội Đồng, và nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng chấp thuận cấp học bổng cho em tôi. 7- Thầy Nguyễn Bình, tôi biết Thầy Nguyễn Bình đã lâu, nhưng mãi đến năm lớp 12 mới học với Thầy. Năm nầy, vì mãi lo “quyét dọn Con Đường Có Lá Me Bay” nên tôi ít tiếp xúc với Thầy, thậm chí còn “cúp-cua” nữa. Thầy sống rất tình cảm, đứa nào chậm trể học phí khi học “lò” Đồng Tiến thì Thầy đều can thiệp cho chậm trả để khỏi lỡ việc học. Hình như tôi với Thầy có duyên nợ hay sao đấy mà tôi gặp lại Thầy trong 2 trường hợp hi hửu sau: - Lần đầu, năm 1972, khi đó tôi học năm thứ nhất Sư Phạm, về trường dự thi Tú Tài 2 lần “thứ 3” (diện thí sinh tự do). Có một nữ sinh (không tiện nêu tên) học rất giỏi, nhà ở Bãi Xàu, vào buổi chiều thi chót (môn Vạn Vật) em đó vào trể giờ (phong bì đề thi đã xé) Giám Thị phòng không cho em vào thi (vậy là phải rớt), tôi lên “năn nỉ” dùm mãi mà Cô Giám Thị vẫn không đồng ý. May sao! Lúc đó Thầy Bình (là Giám Thị Hành Lang) đi đến, tôi chạy lại “trình bày” câu chuyện với Thầy, Thầy hỏi 2 vị Giám Thị Phòng “đề thi phát ra chưa?” khi biết là chỉ mới xé niêm phong, chưa phát đề, Thầy bảo “thôi cho nó vào thi đi, tội nghiệp nó”. Kỳ đó em đó đậu, lại đậu cao nữa!!! - Lần thứ hai, năm 1974, tôi lại về trường thi Tú Tài 2 lần “thứ 9” (mỗi năm có 2 lần thi Tú Tài 2, riêng 2 năm 72 và 73 mỗi năm thêm 1 khóa, Bộ thì thông báo là giúp học sinh, còn bên ngoài thì cho là vì con các ông lớn rớt dữ quá nên mở thêm để cứu). Năm nầy là năm đầu tiên tổ chức thi các môn dưới hình thức Trắc Nghiệm, chấm bằng máy IBM (nên “người bình dân” gọi là Tú Tài IBM!!!) nên cách điền biểu mẩu rất là rắc rối, “trịch” một chút là máy loại ngay (chấm rớt). Năm nầy tôi đã đi dạy học rồi, mà thời đó mỗi khi có “gác” (gác thi, gác bầu cử) thì giao cho “Thầy-Cô-Giáo”, do vậy trước ngày gác thi, tôi được Sở Học Chánh đưa Sự Vụ Lệnh cử đi gác thi (làm Giám Thị Phòng), gọi về Sở hướng dẩn cặn kẻ việc ghi biểu mẫu. Nhưng vì tôi “mắc” phải đi thi nên không đi gác thi được. Ngày vào phòng thi, Cô (lại là cô nữa!) giám thị phòng lên bảng hướng dẩn cho các thí sinh điền biểu mẫu. Tôi còn nhớ Cô nầy là Giáo Sư Công Nhật (đậu Tú Tài 2 không tốt nghiệp từ trường Sư Phạm, xin dạy giờ trường Tỉnh Hạt ở Long Phú), không có đi “tập huấn” ở Sở Học Chính. Chỉ nghe hướng dẩn ở Phòng Hội Đồng Thi ngay trước giờ gác thi, nên hướng dẩn không đúng. Tôi có nói nhỏ với Cô là “Cô hướng dẩn chưa đúng” thì bị nạt “em là thí sinh mà em giỏi hơn tôi là Giám Thị sao?”. Thời may, khi đó có Thầy Giám Thị Hành Lang (lại là Thầy Nguyễn Bình!!) đi đến, Cô Giám Thị chạy ra hỏi thì quả là cô ấy sai. Sau khi “chỉnh lý” xong, Cô đi lại hỏi tôi “sao em biết tôi sai vậy?”, lúc nầy tự nhiên “máu cà rởn” trong tôi lại nổi lên: “dạ không dấu gì Cô, trong túi “Con” một bên là Sự Vụ Lịnh đi gác thi, một bên là Phiếu Báo Danh nên “Con” biết!!!”. Năm đó tôi đậu “Tú Tài IBM”. Không biết khi so với Ông Tú Xương (. . . tám khoa chưa khỏi phạm trường quy . . .) thì sao nhĩ!?!? 8- Người Thầy tôi sắp kể ra đây thì chưa hề dạy Hoàng Diệu một giờ nào cả! nhưng lại được nhiều học sinh của Hoàng Diệu “thọ giáo”. Đó là Thầy Trần Xưng Thấu, người chuyên dạy cho các trường Tư Thục trong tỉnh, và là người dạy thêm nổi tiếng, nhất là “Luyện Thi Tú Tài 1”. Đến đây, tôi xin được nói thêm một chút, lúc đó tại Sóctrăng có 3 “lò” luyện thi, "lò" lâu đời nhất là “lò” Thầy Thấu (Toán – Lý Hóa), kế đến là “lò” Đồng Tiến (Thầy Hoàng Việt Sơn –Anh văn, Thầy Ngô Trọng Bình – Anh Văn, Thầy Nguyễn Bình – Toán, Thầy Lâm Ngọc Linh – Lý Hóa, sau có thêm Thầy Nguyễn Ngọc Long), sau ra thêm “lò” Lam Sơn (Thầy Lâm Cộng Hưởng – Toán, Thầy Dương Minh Tự - Toán, Thầy Nguyễn Đình Sinh – Triết học, Việt Văn). Thầy Thấu là người “theo thuyết thực hành” do đó Thầy khi dạy chú trọng cho bọn tôi làm bài tập thật nhiều (tại lớp) cũng như ở nhà. Thầy thường xuyên nhắc bọn tôi là “không ai ngồi nhìn người khác đạp xe, bơi lội mà biết lội” và “trong kỳ thi Tú Tài tất cả các “con ngựa (môn thi) phải đồng chạy lên dốc, nếu để chỉ vài “con ngựa” có hệ số cao (Toán-Lý-Hóa của ban B, Vạn Vật-Lý-Hóa của ban A) kéo thêm các con có hệ số thấp (Sinh Ngữ 1, Sinh Ngữ 2, Công Dân, Sử-Địa, Vạn Vật của ban B, Toán của ban A) thì rất là khó đậu như chính bản thân tôi đây làm điển hình !!!” Kể “dài dòng văn tự” về Thầy Thấu, để cho thấy là các Thầy dạy Hoàng Diệu rất là “phóng khoáng”. Các Thầy (đều là “dân” tốt nghiệp Đại Học) chỉ cần sao cho “2 lần 2 là 4” là cho điểm chứ không cần phải đúng theo lời văn (lời giải) của mình như các Giáo Sư hiện giờ (chỉ cho điểm cao em nào học thêm với mình)!!!! (20/11/2014)
Lý Văn Hào chs HD
64-71
|
21 tháng 11 2014
NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét