Nếu như ngày xưa, mồng tơi được ví như là rau của nhà nghèo bởi tính chất dễ nấu, nấu với gì cũng ngon, vài con cua đồng bắt về, giã, lọc lấy nước là có bát canh mồng tơi ăn vừa mát ruột lại đầy đủ chất dinh dưỡng; thì ngày nay rau mồng tơi ngự trị trong nhà hàng với đủ các kiểu lẩu - lẩu nào đi với mồng tơi cũng ngon!
Nấu gì cũng ngon
Mồng tơi ăn mát lại ngon
Món từ rau mồng tơi quen thuộc nhất là nấu canh với cua đồng. Gọi là canh mồng tơi cua đồng nhưng thật ra cần thêm vài loại rau nữa mới ngon. Cua mua về rửa sạch giã, lọc lấy nước (có thể cho xay bằng cối xay thịt). Mồng tơi, mướp, đậu bắp (có nơi gọi là bắp còi), thêm ít rau dền, rau ngót, rau nhớt… (mà người ta gọi là rau tập tàng). Cái hay của món canh này là nếu lượng mồng tơi ít đi thì sẽ là món canh tập tàng, nếu lượng rau nhớt nhiều lên thì gọi là canh rau đay.
Trong quá trình nấu, thịt cua sẽ tự động kết thành tảng và nổi lên mặt, cho sôi một dạo, vớt hết bọt, bỏ rau vào, hai thứ cho vào cuối cùng là mướp và đậu bắp. Món canh này ăn kèm với cà pháo, mắm tôm, thêm món kho và món xào nữa là có một mâm cơm ngon, đơn giản, đủ chất dinh dưỡng. Đây là món ăn mùa hè, giải nhiệt, mát dạ.
Canh mồng tơi có thể nấu với nhiều nguyên liệu khác nhau
Thật ra, nấu canh mồng tơi không cần cầu kỳ, nấu với tôm hay thịt cũng rất ngon. Ở vùng biển, người ta còn nấu với cá; thậm chí, ở một số vùng quê miền Trung, người ta nấu với mắm cái (hay còn gọi là mắm nêm). Bắc nước sôi, múc muổng mắm cái đổ vào, rồi bỏ rau mồng tơi (hay rau tập tàng) vào là có tô canh ngon.
Mồng tơi xào là một món ngon kiểu khác. Mồng tơi để nguyên lá, có người chần qua nước sôi rồi mới xào với tỏi, có người xào trực tiếp. Tính chất của mồng tơi là bám dầu mỡ nên rau ăn vừa ngọt, vừa béo, thêm vị thơm của tỏi, có thể đánh giá ngang ngửa (hay có phần trội hơn) món rau muống xào tỏi. Món này giờ đây không chỉ dành riêng cho bếp ăn gia đình mà đã ngự trị trong các nhà hàng khi thực khách bắt đầu chán các món ăn thừa chất đạm. Đơn giản hơn nữa, mồng tơi luộc chấm xì dầu cũng rất ngon, thanh cảnh, ăn không ngán.
Lẩu mồng tơi các kiểu
Lẩu mực mồng tơi với những con mực tươi rói chưa ăn đã thấy thèm
Ở Đại Lãnh (dưới chân đèo Cả), Vạn Ninh (Khánh Hòa) nổi tiếng có món lẩu mực với rau mồng tơi. Vào mùa mực cơm, con mực trung trung, don don, không lớn quá, mình tròn, thịt trắng, thật tươi mới ngọt, mới mềm. Nếu ngày trước người ta nấu theo kiểu nấu ngọt ăn với bún và rau sống thì giờ đây đã hoàn toàn được thay thế bằng mồng tơi và cải xanh. Nhìn vào cái lẩu cả đàn mực chen chúc chưa ăn đã thấy thèm!
Nước vừa sôi, cho rau mồng tơi hay cải xanh vào đảo một vòng rồi gắp ra ăn ngay, ngon đậm đà. Chén nước mắm nguyên chất màu vàng rơm thơm lừng, dằm thêm vài trái ớt xiêm xanh thật nồng. Gắp miếng mực chấm nước mắm, vị ngọt của mực tươi lẫn vào vị mặn và cay của mắm ớt, làm cho món lẩu mực có vị ngon không thể chê vào đâu được. Vị ngon được tăng thêm khi húp chút nước lèo, kèm thêm gắp rau mồng tơi hay cải xanh, rồi hít hà bởi cay và nóng.
Mồng tơi ăn kèm với lẩu nào cũng ngon
Trong món bao tử nấu tiêu hay món bắp bò nấu tiêu xanh thì rau mồng tơi làm chủ lực. Hầm cho bao tử hay thịt bò mềm, nêm nếm vừa ăn rồi đập dập tiêu xanh bỏ vào. Mồng tơi rửa sạch để ráo nước sắp lên đĩa. Ăn theo kiểu lẩu, nước sôi, ăn đến đâu bỏ rau đến đó, đảo rau một vòng rồi gắp ra. Món này ăn với bún.
Ngoài ra, còn có món lẩu chim bồ câu chỉ ăn với rau mồng tơi mới ngon, mới đậm đà. Thịt chim bồ câu bằm nhuyễn, vê viên (trong tiệc cưới người ta ép thành khuôn có hình chữ song hỉ). Nấu nước lèo với các gia vị lẩu. Nước sôi cho rau mồng tơi vào. Ăn nóng với bún hay với mì sợi. Cái ngon của rau mồng tơi là dù ở dạng chín tái (giòn giòn, sựt sựt) hay chín mềm đều ngon. Đó là do rau mồng tơi quến hết chất béo, chất ngon của vị lẩu. Càng ăn càng thấy mê!
Đơn giản nhất cho các bà nội trợ bận rộn là mua lẩu đông lạnh trong siêu thị (lẩu chua, lẩu hải sản…) về nấu, ăn với rau mồng tơi (không cần rau sống). Một cái lẩu ba người ăn, phải đến hai hay ba bó rau mồng tơi mới đủ.
BÌNH AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét