Anh chị đến với nhau bằng tình yêu đích thực, khi cả hai đã tương đối thành đạt, tạo dựng được sự nghiệp vững vàng. Ngày cưới của anh chị không phô trương, hào nhoáng, nhưng ấm cúng, rộn ràng với sự tham dự đông vui của người thân và bạn bè.
Năm năm chung sống trôi qua. Cuộc sống gia đình không quá thần tiên như mơ ước, nhưng cũng tạm gọi là yên ấm. Chén đũa để chung chạn còn khua, huống chi hai người dưng chẳng ruột thịt họ hàng xáp lại ăn ở chung, sao tránh khỏi đụng chạm. Chuyện sắp xếp nhà cửa; chăm sóc, nuôi dạy con; cách đối nhân xử thế..., mỗi người một ý, lắm lúc trái ngược nhau.
Được cái anh và chị đều thẳng tính, chuyện gì cũng sẵn sàng ngồi lại với nhau. Có khi cũng đùng đùng la lối, chẳng ai nhịn ai. Nhưng sau đó, bao giờ chị cũng là người nhìn ra bản chất của vấn đề và kiên nhẫn trao đổi cùng anh để đi đến thống nhất. Điều quan trọng là phải biết lắng nghe nhau. Bởi có chịu lắng nghe thì mới có thể thực sự hiểu được điều người kia muốn nói.
Ừ, đúng là cần phải lắng nghe nhau! Tiếc rằng, có những lúc dường như anh quên đi điều ấy. Giờ xa xôi rồi, nhìn lại, chị càng cảm thấy thật xót xa, vì ở những giây phút ấy, lẽ ra anh cần phải biết lắng nghe nhất. Bởi, đó chính là lúc tiếng lòng của chị được cất lên, da diết, thiết tha từ tận sâu thẳm trái tim tràn ngập yêu thương.
“Ôm em đi!” - một lời yêu cầu quá đỗi đơn giản, chân phương, quá đỗi rõ ràng, không mang một chút hơi hướm “đỏng đảnh” nào. Khi nói với anh điều đó, chị cảm thấy mình gần giống như một cô mèo lông trắng bồng bềnh đang dụi dụi vào lòng chủ nhân, khẽ nhắc nhở một cử chỉ yêu thương, âu yếm.
Nếu ở vào vị trí của anh lúc ấy, những người đàn ông khác có cảm thấy mình hạnh phúc không? Có cảm thấy thật ấm lòng và sẵn sàng siết chặt một vòng tay ôm, để làm vợ mình hạnh phúc?
Chua chát thay, điều hạnh phúc tưởng chừng như thật dễ dàng ấy đối với chị hóa ra lại quá xa vời.
Đến giờ nghĩ lại, chị vẫn chẳng thể hiểu nổi vì sao anh lại có thể đáp lại mong muốn của chị bằng một thái độ như thế.
Nào phải đâu anh đã hết yêu chị. Dạo ấy, anh vẫn yêu thương, vẫn luôn tự hào về chị, đi đâu cũng muốn chị đi cùng, cũng không hề có một người thứ ba nào xuất hiện. Anh mải mê với việc kiếm tiền và luôn làm tròn trách nhiệm với vợ con. Tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… mọi thứ anh lo cho vợ con đầy đủ. Anh lại không rượu chè, cờ bạc, không bồ bịch lăng nhăng. Anh luôn tự cho mình là một người chồng hoàn hảo. Và, lúc ấy, đáp lại yêu cầu của chị, thay vì mỉm cười hạnh phúc dang rộng vòng tay, anh lại cho phép mình nổi cáu:
- Anh đã lo cho em đầy đủ, hạnh phúc như vậy, em còn đòi hỏi gì nữa?
Chị đã sững người, cảm thấy tủi thân, giống như một đứa trẻ bị hắt hủi, bị mắng oan, vỡ òa như chưa bao giờ được khóc.
- Em muốn được anh ôm, điều đó có gì là không chính đáng?
Lúc ấy, anh đang rảnh rỗi, đang nghỉ ngơi, hoàn toàn không bận rộn chi hết. Vậy mà anh né tránh trả lời câu hỏi ấy của chị, vẫn tiếp tục lên giọng khăng khăng cho rằng mọi thứ anh đem lại cho chị là đã quá đủ đầy, cớ sao chị lại đòi hỏi.
Chị ngơ ngác, chơi vơi với niềm khắc khoải buốt nhói trái tim nhỏ bé: chẳng lẽ điều mình mong muốn lại là quá đáng, là-một-thứ-đòi-hỏi-xa-xỉ ư? Chẳng lẽ anh có quyền quyết định ôm ấp, vỗ về chị chỉ-bất-cứ-khi-nào-anh-muốn? Cái tôi của con người ta có những lúc cực kỳ đáng sợ, khiến người ta có thể kiên quyết một thái độ, bất chấp mọi thứ, chỉ nhằm để khẳng định quyền lực của bản thân.
Mặc chị khóc vùi, trái tim bị tổn thương, anh vẫn điềm nhiên, dửng dưng, cho rằng chị đang gây rắc rối, tự làm khổ mình, anh không-có-lỗi.
Có những điều tưởng chừng như không thể giải thích nổi. Chị, vốn là người kiêu hãnh, hiểu rõ giá trị của bản thân, thế mà cũng lạ, đã để không chỉ một lần, mà vài lần như thế diễn ra, với diễn tiến gần như được lập trình giống hệt nhau. Lần nào cũng kết thúc bằng một trận mưa nước mắt của chị.
Giờ đây nghĩ lại, chị cũng không hiểu vì sao mình lại có thể tiếp tục “hành hạ mình” như thế. Có lẽ vì lúc bấy giờ chị vẫn còn rất yêu anh và vẫn còn thiết tha mong muốn, hy vọng anh hiểu, lắng nghe tiếng lòng của chị...
Cho đến lần cuối cùng, khi trái tim chị không còn chịu đựng hơn được nữa, như chực nổ tung, chị thôi không khóc nữa. Chị nghe thấy giọng mình lạc hẳn đi:
- Em thề... sẽ không bao giờ đề nghị anh ôm em nữa.
Lời nói đau đớn ấy cũng chính là dấu chấm hết chị đặt cho trái tim mình. Chị không muốn làm nó phải buốt nhói thêm một lần nào nữa.
Cái ngày hôm ấy, đã xa xưa lắm rồi, thế mà nhiều lúc chị cứ ngỡ như chỉ mới hôm qua. Giờ đây, khi anh chị đã mỗi người mỗi ngả, chị vẫn nhớ như in cảm xúc hụt hẫng, bị tổn thương ngày nào. Có những điều xảy ra trong cuộc sống, cứ ngỡ là nhỏ thôi, nhưng thực ra không hề nhỏ, mà để lại vết hằn trong sâu thẳm trái tim ta. Để rồi, khi anh hiểu ra được vấn đề thì đã quá muộn màng...
“Vì biết đâu có đôi lúc em xa vời vợi...
...Kề bên nhau quên một chiếc hôn”.
Lời bài hát nhà ai đang cất lên, nghe sao mà thấm thía...
MINH PHƯƠNG
Ngày rước dâuTrong lễ rước dâu vợ giàu, vợ tôi được bố mẹ và người thân gia đình bên ấy cho rất nhiều hồi môn. Mà hồi môn mọi người cho đều quy ra vàng. Riêng bố mẹ vợ tôi cho vợ tôi 20 cây vàng. Còn các cô dì chú bác, anh em nhà vợ cho cũng đến gần 10 cây nữa.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét