Mất ngủ, khó ngủ, ngủ mơ, thường xuyên thức giấc về đêm… những vấn đề này không chỉ liên quan tới tâm lý, mà còn có nguyên nhân do rối loạn chức năng của lục phủ ngũ tạng. Khi chức năng của các tạng phủ được điều chỉnh bình thường, tình trạng này sẽ được giải quyết.
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người, ngủ sớm không những là liều thuốc bổ của nhan sắc mà nó còn rất tốt cho nội tạng. Một giấc ngủ đủ và sâu rất cần thiết để nội tạng phục hồi, sau thời gian dài làm việc. Theo y học cổ truyền, giấc ngủ có mối quan hệ mật thiết với ngũ tạng đặc biệt là tim, gan, lá lách, dạ dày và thận. Gặp vấn đề về giấc ngủ của những người ở độ tuổi khác nhau có những đặc điểm và quy luật nhất định. Ví dụ nhóm người trẻ tuổi đa phần đều vì Tâm Can hỏa vượng, đờm nhiệt bên trong tích tụ gây nên, thực chứng khá nhiều; người cao tuổi đa số vì Can Thận âm hư gây nên, hư chứng là chủ yếu. Trên lâm sàng, thông thường mối liên hệ giữa sự mất cân bằng của lục phủ ngũ tạng với giấc ngủ có thể chia thành 4 loại lớn sau:
1. Can khí không thông: Mất ngủ, mơ nhiều
Can chủ sơ tiết, có chức năng điều chỉnh cảm xúc, tình chí. Nếu không thông, kinh khí bất lợi sẽ dẫn tới tình trạng “mất kiểm soát” về cảm xúc, gây ra các triệu chứng khó chịu, lo lắng, lo lắng, căng thẳng, trầm cảm từ đó ảnh hưởng tới giấc ngủ. Nhóm người này cần học cách cởi mở, lạc quan và tích cực, khi chán nản hoặc muốn tức giận, nên cố gắng hít thở sâu để điều chỉnh tâm trạng. Cần kiên trì thực hiện khoảng ba lần một tuần mỗi lần khoảng nửa giờ. Hằng ngày nên dùng Trần bì, hoa bách hợp, cây dạ hợp và hoa hồng pha trà uống thay nước.
2. Khí huyết hư, thiếu: Khó đi vào giấc ngủ
Khí huyết hư thì huyết không dưỡng Tâm, tâm thần hỗn loạn nên không thể ngủ say vào ban đêm. Những người khí huyết hư tổn dễ xuất hiện các triệu chứng khó ngủ, ngủ không sâu, ra mồ hôi nhiều. Nữ giới còn có thể bị rối loạn kinh nguyệt, lượng kinh ít. Nhóm người này nên ăn các loại thực phẩm có tác dụng ích khí bổ huyết như Đại táo, Sơn dược… Hằng ngày nên dùng 10g các vị thuốc như Hoàng Kỳ, Đảng Sâm, Bạch Truật pha nước uống thay trà. Cần chú ý không nên vận động mạnh hoặc quá sức, hơi ra mồ hôi là đủ để phòng ngừa hao tổn khí huyết.
3. Tỳ Vị mất cân bằng: Giấc ngủ không ổn định
Người Tỳ Vị không cân bằng ăn tối xong khó tiêu hóa, thường cảm thấy khó ngủ nếu bị đau dạ dày và đầy hơi. Muốn cải thiện chất lượng giấc ngủ, trước tiên cần kiểm soát việc ăn uống, cố gắng sắp xếp ăn tối trước 6h, ăn no 7 phần, ăn uống thanh đạm, dễ tiêu hóa. Các loại thực phẩm dễ gây đầy hơi như các loại đậu, ngũ cốc nên ăn ít, các loại gây kích ứng dạ dày như ớt, tỏi, đồ lạnh nên hạn chế. Bữa tối có thể ăn cháo yến mạch, cháo Sơn dược để hỗ trợ tiêu hóa và điều chỉnh cân bằng Tỳ Vị.
4. Chức năng thận giảm: Dễ tỉnh giấc ban đêm
Tiểu đêm là một trong những biểu hiện điển hình của thận hư, cũng là một chỉ số biểu hiện chức năng thận bất thường. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, nếu nhịn tiểu thì không tốt cho sức khỏe, tỉnh giấc lại khó ngủ lại.
Để bảo vệ thận và giải quyết vấn đề tiểu đêm, nên ăn những thực phẩm có màu đen để bổ thận như đậu đen, gạo lứt, vừng đen, Câu kỳ tử… Ngoài ra, trước khi đi ngủ nên ngâm chân nước ấm, cho thêm mấy lát gừng khô, Nhục quế và lá ngải cứu để bổ thận dương. Đồng thời có thể kết hợp massage các huyệt vị như Dũng tuyền, Túc tam lý, Thận du…
Ngoài ra, có rất nhiều vấn đề về giấc ngủ do các bệnh chứng tổng hợp gây ra, ví dụ Tỳ Vị hư nhược lâu ngày rất có thể xuất hiện âm huyết hư tổn, để điều chỉnh cần bổ Tỳ kiện Vị lại cần điều Tâm. Nếu tình trạng này lâu ngày không khỏi nên tới các phòng khám y học cổ truyền để được hướng dẫn điều trị.
Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch
Kiên Định biên dịch
6 chất dinh dưỡng giúp tăng cường chức năng não bộ
Não bộ là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể. Do đó, cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho não bộ sẽ giữ cho nó có sức khỏe tối ưu. Từ đó, giúp chúng ta hoạt động tốt hơn vì có thể đưa ra quyết định thông minh hơn, xử lý nhiều thông tin hơn và lưu giữ lại tốt những ký ức mà chúng ta tạo ra hàng ngày.
Các chuyên gia khuyên chúng ta nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh để hỗ trợ chức năng bộ não, nhưng chính xác chúng ta nên thêm gì vào chế độ ăn uống có thể giúp tăng cường khả năng của não? Nếu bạn đang xem xét lựa chọn thực phẩm cho mình, bạn có thể muốn tìm kiếm những thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng này.
1. Phytonutrients
Phytonutrients hoạt động như chất chống viêm và chất chống oxy hóa trong cơ thể. Polyphenol, một loại chất phytonutrient, có thể giúp tăng hiệu suất bộ nhớ của bạn và kích hoạt các con đường bảo vệ thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn thực phẩm có chứa flavonoid polyphenol có thể tăng cường sức khỏe nhận thức. Rượu vang đỏ, sô cô la đen là một vài nguồn polyphenol nhưng hãy chắc chắn rằng bạn tiêu thụ chúng ở mức độ vừa phải. Tốt hơn hết bạn nên quan tâm đến các loại quả mọng hay trái cây họ cam quýt, bởi vì chúng là một trong những nguồn phytonutrients tốt nhất mà bạn có thể sử dụng.
2. Nghệ
Nghệ chứa chất chống oxy hóa và chất chống viêm giúp tăng cường chuyển hóa glucose trong cơ thể đồng thời bảo vệ ty thể của chúng ta. Củ nghệ thực sự có thể bảo vệ não bộ khi bạn uống 350mg/2 lần mỗi ngày. Việc dùng bột nghệ trong các công thức nấu ăn cũng được khuyến khích.
3. Nước
Nước là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất mà cơ thể và não bộ của chúng ta cần vì 75% trọng lượng của não là nước. Mất nước, hoặc thiếu nước trong cơ thể sẽ gây ra một sự suy yếu nhẹ trong khả năng tinh thần. Uống nhiều nước là điều cần thiết để cung cấp cho cơ thể. Nếu bạn muốn tăng lượng nước uống của mình, hãy tìm những thực phẩm giàu hàm lượng nước như dưa hấu, dưa chuột, rau diếp, cần tây và dứa…
4. Vitamin D
Một chất dinh dưỡng khác mà não của bạn cần là vitamin D. Chúng ta có thể nhận được từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng và các chất bổ sung, nhưng có một số loại thực phẩm cũng có một lượng nhỏ vitamin này mà bạn cũng nên kết hợp vào chế độ ăn uống của mình. Ví dự như, nấm, trứng, sữa đậu nành, cá hồi, cá trích, cá mòi…
5. Folate và vitamin B12
Theo nghiên cứu, khi 2 loại vitamin này bị thiếu trong hệ thống cơ thể, nó có thể làm tăng mức homocysteine trong máu liên quan đến suy giảm nhận thức. Mặc dù lão hóa có ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta, nhưng nếu bạn thiếu vitamin B12 có thể góp phần làm mất trí nhớ nhanh chóng. Tin tốt là bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng cách ăn các loại rau có màu xanh đậm như măng tây, mầm Brussels, cũng như bơ… Trong khi đó, các loại đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan… là nguồn cung cấp folate tuyệt vời. Trong trường hợp cần thêm vitamin B12, hãy tìm các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, thịt bò…
6. Probiotic
Thực phẩm chứa nhiều men vi sinh có thể ảnh hưởng đến chức năng cũng như hành vi não. Ăn kim chi, kombucha và các thực phẩm lên men khác đã được chứng minh giúp điều chỉnh tâm trạng và bảo vệ bạn khỏi trầm cảm, lo âu, căng thẳng.
Bộ não của chúng ta rất cần sự giúp đỡ mà nó có thể nhận được, đặc biệt là khi cơ thể đang già đi. May mắn thay, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu ăn đúng cách bằng cách thêm các chất dinh dưỡng này vào chế độ ăn uống của bạn. Bởi vì tất cả chúng đều được coi là thuốc tăng cường trí não. Bằng cách này, bạn sẽ hỗ trợ bộ não của bạn khỏe mạnh về lâu dài.
An Chi
Theo simplyorganicrecipes.blogspot.com
Theo simplyorganicrecipes.blogspot.com
14 nguyên nhân phổ biến khiến tóc bạn rụng quá nhiều
Người xưa có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Một bộ răng chắc khỏe, đều đặn; hay một mái tóc dày, bồng bềnh luôn mang lại sự tự tin cho mỗi người. Tuy nhiên, có nhiều người rụng quá nhiều tóc, gây nên cảm giác lo lắng, bất an.
Dưới đây là 14 nguyên nhân tóc rụng bạn có thể tham khảo để quản lý sức khỏe của mình.
1. Bạn đang sử dụng một loại thuốc nào đó
Hãy xem xét lại tác dụng phụ của các loại thuốc bạn đang dùng – việc rụng tóc có thể nằm trong danh sách này. Ví dụ về các loại thuốc có thể gây ra rụng tóc bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc trị mụn trứng cá chứa nhiều vitamin A, steroid đồng hóa hoặc thuốc trị bệnh viêm khớp, trầm cảm, bệnh gút, bệnh tim hoặc huyết áp cao.
2. Bạn vừa mới có con nhỏ
Ở phụ nữ mang thai, hormone thay đổi giữ cho tóc không bị rụng thường xuyên như bình thường. Điều đó làm cho mái tóc có vẻ dày và đẹp hơn. Sau khi bạn sinh con, bạn sẽ mất đi phần tóc thừa mà cơ thể bạn đang giữ lại khi hormone của bạn thay đổi một lần nữa. Mọi thứ sẽ cân bằng lại trong khoảng 3 – 6 tháng sau sinh.
3. Cơ thể không đủ sắt
Sắt giúp tóc chắc khỏe. Khi mức độ kim loại này trong cơ thể giảm, tóc của bạn cũng bị ảnh hưởng. Bạn có thể sẽ có những dấu hiệu khác chỉ điểm rằng bạn đang thiếu sắt như móng giòn, da vàng hoặc nhợt nhạt, khó thở, mệt mỏi và nhịp tim nhanh.
4. Tình trạng căng thẳng
Đôi khi, công việc quá căng thẳng có thể làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn quay lại tấn công các nang tóc. Nếu bạn lo lắng quá nhiều cũng có thể tạm dừng sự phát triển của tóc, khiến tóc dễ rụng hơn khi bạn chải đầu. Việc cần làm bây giờ là tìm cách giảm những căng thẳng mà bạn đang đối mặt bằng cách luyện tập thể dục, ngồi thiền, hay tập dưỡng sinh…
5. Bạn đã từng phẫu thuật giảm cân
Bạn có nhiều khả năng đối mặt với triệu chứng này sau phẫu thuật nếu nồng độ kẽm trong cơ thể thấp. Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung kẽm để ngăn chặn rụng tóc cho bạn.
6. Không ăn đủ lượng protein
Một cơ thể thiếu protein sẽ tìm cách bảo tồn ở những nơi có thể, và điều đó bao gồm việc ngăn chặn sự phát triển của tóc. Khoảng 2 – 3 tháng sau đó, tóc bắt đầu rụng. Nên thêm thịt, trứng, cá, các loại hạt, đậu vào bữa ăn sẽ có thể bổ sung thêm protein cho bạn.
7. Bạn đang dùng các biên pháp tránh thai
Kiểm soát sinh sản nội tiết tố như thuốc tránh thai, cấy ghép, tiêm, đặt vòng âm đạo và miếng dán có thể kích hoạt rụng tóc. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị một lựa chọn không có nội tiết tố để giúp bạn giữ được nhiều lọn tóc hơn.
8. Bạn đang chăm sóc tóc sai cách
Đôi khi, rụng tóc là do thói quen tạo kiểu tóc của bạn. Sử dụng quá nhiều dầu gội, hoặc chải tóc khi bị ướt, chà khô tóc bằng khăn hoặc chải quá mạnh và quá thường xuyên đều có thể kéo căng sợi tóc của bạn và khiến chúng bị gãy.
9. Sử dụng nhiệt độ cao cho tóc
Hằng ngày bạn sử dụng máy sấy tóc, bàn là phẳng và bàn là uốn làm cho sợi tóc sẽ trở nên khô hơn. Chúng sẽ dễ dàng bị gãy, rụng. Thuốc tẩy, thuốc nhuộm, thuốc ép và thuốc xịt tóc có thể cũng là một trong những nguyên nhân.
10. Bạn đang mắc phải bệnh lý nào đó
Rụng tóc là triệu chứng của hơn 30 loại bệnh, bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn tuyến giáp và các bệnh tự miễn… Bạn cũng có thể bị rụng tóc khi bị cúm, sốt cao hoặc nhiễm trùng.
11. Hút thuốc
Hút thuốc lá có thể gây hại cho mái tóc. Các độc tố trong khói thuốc lá có thể gây rối loạn cho nang tóc và giữ cho tóc không mọc được.
12. Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh
Các hormone thay đổi của cơ thể thời kỳ này có thể tăng cường rụng tóc. Nó sẽ biến mất sau khoảng 6 tháng. Nhưng nếu bạn nhận thấy một phần tóc trên da đầu bị rụng quá nhiều hoặc rụng tóc ở đỉnh đầu, hãy nói chuyện với bác sĩ.
13. Bị mắc một rối lạn tâm thần
Rối loạn kéo tóc, hay trichotillomania, là một tình trạng sức khỏe tâm thần khiến bạn cảm thấy muốn nhổ tóc khỏi da đầu. Khi mắc vấn đề này sẽ khó có thể dừng lại, ngay cả khi bạn bắt đầu có những mảng hói. Bạn cũng có thể muốn nhổ lông mi hoặc lông mày của mình. Do đó, bạn nên tìm đến một chuyên gia tâm lý để giải quyết rối loạn này.
14. Rối loạn ăn uống
Cả chứng chán ăn (không ăn đủ) và chứng cuồng ăn (nôn ra sau khi bạn ăn) có thể khiến tóc rụng, vì cơ thể bạn không nhận được chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển và duy trì mái tóc khỏe mạnh. Đây là những rối loạn tâm thần. Chúng cần được điều trị bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần, chuyên gia dinh dưỡng và các chuyên gia y tế khác.
Mộc Chi
Theo WebMD
Theo WebMD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét